Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Tuesday 20 December 2016

VIỆT NAM =BIỂN ĐÔNG=VẦN QUỐC NGỮ

PHẠM TÍN AN NINH * Ở CUỐI HAI CON ĐƯỜNG


Ở cuối hai con đường
  |      Contributed by: phuochung  |  Views: 6.735
Phạm Tín An Ninh, Vương Quốc Nauy

---------------------- Ở cuối hai con đường
Phạm Tín An Ninh
(Một câu chuyện hoàn toàn có thật)


Những năm "cải tạo" ở miền Bắc, tôi được chuyển đi khá nhiều trại. Từ Lào Cai, xuống Hoàng Liên Sơn, rồi Nghệ Tĩnh. Khi mới đến Hoàng Liên Sơn, tôi được đưa đến trại Hang Dơi, nằm sâu trong núi. Đây là một vùng sơn lâm chướng khí, nên chỉ mới gần hai năm mà tôi đã có hơn 20 người bạn tù nằm lại vĩnh viễn ở dưới sườn đồi.


Sau đó, tôi được chuyển về trại 6. Nghĩa Lộ. Trại này nằm gần Ban chỉ huy Tổng Trại, và cách trại 5, nơi giam giữ gần 30 tướng lãnh miền Nam, chỉ một hàng rào và mấy cái ao nuôi cá trám cỏ. Ban ngày ra ngoài lao động, tôi vẫn gặp một vài ông thầy cũ, kể cho nhau nghe đủ thứ chuyện vui buồn.
Ngày nhập trại, sau khi "biên chế" xong, cán bộ giáo dục trại đưa 50 thằng chúng tôi vào một cái láng lợp bằng nứa, nền đất, ngồi chờ "đồng chí cán bộ quản giáo" đến tiếp nhận. 
Vài phút sau, một sĩ quan mang quân hàm thượng úy đi vào láng. Điều trước tiên chúng tôi nhìn thấy là anh ta chỉ còn một cánh tay. Môt nửa cánh tay kia chỉ là tay áo bằng kaki Nam Định, buông thỏng xuống và phất phơ qua lại theo nhịp đi của anh. Không khí trở nên ngột ngạt. Không nói ra, nhưng có lẽ trong đám tù chúng tôi ai cũng có cùng một suy nghĩ : - Đây mới đích thực là nợ máu đây, biết trả như thế nào cho đủ ?.
Nhưng bất ngờ, người cán bộ quản giáo đến trước chúng tôi , miệng nở nụ cười. Nhìn khuôn mặt hiền lành, và ánh mắt thật thà, chúng tôi cũng bớt lo âu.
Bằng một giọng đặt sệt Nghệ Tỉnh, anh quản giáo giới thiệu tên mình: Nguyễn văn Thà, rồi "báo cáo" môt số nội quy, yêu cầu của Trại. Anh đưa cho anh đội trưởng một tập vở học trò, phát cho anh em mỗi người một tờ giấy để làm bản "lý lịch trích ngang". 
Tôi đang ngồi hý hoáy viết cái bản kê khai lý lịch ba đời với bao nhiêu thứ "tội" dưới biển trên trời mà tôi đã thuộc lòng từ lâu lắm - bởi đã phải viết đến cả trăm lần, ngay cả những lần bị đánh thức lúc nửa đêm - bỗng nghe tiếng anh quản giáo hỏi:
- Trong này có anh nào thuộc Sư 23 ?
Tôi im lặng giây lát rồi lên tiếng :
- Thưa cán bộ, có tôi ạ,.
- Anh ở trung đoàn mấy 
- Trung Đoàn 44
- Vậy anh có tham dự trận đánh Trung Nghĩa ở KonTum đầu mùa hè 1972?
- Vâng, có ạ.
Anh quản giáo đưa cánh tay bị mất một nửa, chỉ còn cái tay áo đong đưa, lên ;
- Tôi bị mất cánh tay này trong trận đó.
Nhìn qua anh em, thấy tất cả mọi con mắt đều dồn về phía tôi.
Để lấy lại bình tĩnh, tôi làm ra vẻ chủ động:
- Lúc ấy cán bộ ở đơn vị nào ?
- Tôi ở trung đoàn xe tăng thuộc Sư 320.
Anh quản giáo rảo mắt nhìn quanh, rồi hạ giọng tiếp tục:
- Trận ấy đơn vị tôi thua nặng. Cả một tiểu đoàn tăng của tôi còn có 2 chiếc. Chiếc T54 của tôi bị bắn cháy. Tôi thoát được ra ngoài, nhưng bị các anh bắt làm tù binh. 
- Sau đó cán bộ được trao trả ? tôi hỏi .
- Tôi bị thương nặng lắm, do chính đạn trong xe tôi phát nổ. Tôi được các anh đưa về quân y viện Pleiku chữa trị . Nhờ vậy mà tôi còn sống và được trao trả tù binh đợt cuối cùng năm 1973, sau khi có hiệp định Ba Lệ
Dạo đó, miền Bắc, đặc biệt trên vùng Hoàng Liên Sơn, trời lạnh lắm. Mỗi láng được đào một cái hầm giữa nhà, đốt những gốc cây được anh em nhặt ngoài rừng, sau giờ lao động, mang về sưởi ấm. Tối nào, anh quản giáo cũng xuống sinh hoạt với anh em. Gọi là sinh hoạt, nhưng thực ra anh chỉ tâm tình những chuyện vui buồn đời lính, thăm hỏi hoàn cảnh của anh em tù, và khuyên anh em nên cố gắng giữ gìn sức khỏe, đừng làm điều gì sai phạm để không phải nghe mấy ông cán bộ nặng lời.
 Anh thường nói :
- Tôi rất đau lòng, khi thấy các anh phải nghe những lời thô lỗ. Tôi biết các anh đều là những người có trình độ văn hóa và ai cũng đã từng chỉ huỵ
Mùa đông, không trồng trọt được, nên khẩu phần ăn của một nguòi tù chỉ có một miếng bánh mì đen bằng hai ngón tay, hoặc lưng một bát bắp hạt. Phần thiếu ăn, một phần ẩm ướt thiếu vệ sinh, nên nhiều anh em tù bị bệnh kiết lỵ. Thuốc men hoàn toàn không có, nên bệnh kéo dài lâu ngày. Nhiều người đứng không vững.
Một buổi chiều cuối đông, mưa phùn rả rích, sương mù giăng kín cả thung lũng trại tù, cả đám tù chúng tôi ngồi co ro trong láng, cố nhai từng hạt bắp cứng như viên sỏi, nhìn ra cánh đồng phía trước, thấp thoáng một người mang áo tơi (loại áo mưa kết bắng lá cây) chạy lúp xúp từ chỗ này đến chỗ khác, cho đến khi trời tối. 
Đêm đó, như thường lệ, anh Thà xuống sinh hoạt với anh em bên bếp lửa. Anh bảo nhỏ anh đội trưởng :
- Tôi để một giỏ cá đàng sau láng. Trước giờ ngủ, anh ra mang vào, chia cho mấy anh bị bệnh kiết lỵ đang mất sức để các anh bồi dưỡng. Nhớ giữ kín, đừng để trên biết.
Bây giờ anh em mới hiểu, người mà chiều nay, đặt lờ bắt cá ngoài đồng ruộng chính là quản giáo Thà. Ai cũng cảm động. Biết là anh em tù bị đói triền miên, nhất là sau mùa đông dài, một buổi sáng đầu mùa xuân , quản giáo Thà đưa cả đội 50 người tù lên một đồi trồng toàn sắn của một hợp tác xã nào đó. Sắn đầu mùa, củ còn nhỏ. Anh chỉ cho anh em cách đào lấy củ mà thân sắn vẫn còn nguyên; đào mấy cái bếp "Hoàng Cầm" để luột sắn mà không ai phát hiện có khói. Anh dắt hai anh tù xuống đồi xách hai thùng nước mang lên, căn dặn anh em thay phiên nhau luột sắn ăn cho nọ Anh đích thân ở lại đứng gác, nếu có ai vào, anh vờ ra lệnh "chuẩn bị đi về", anh em tức khắc dấu hết "tang vật" xuống một cái hố đã đào sẵn. Dường như đó là cái ngày duy nhất mà 50 người tù chúng tôi được no -dù chỉ là no sắn- 
Không biết tối hôm ấy, trong giờ "giao ban" , quản giáo Thà đã báo cáo với ban chỉ huy trại là đội tù của chúng tôi đã phát được bao nhiêu hecta rừng ?
Mỗi lần ra bãi thấy anh em lao động nặng nhọc, anh Thà bảo nhỏ : - Anh em làm việc vừa phải, khi nào mệt thì ta nghỉ. Nhớ giữ gìn sức khỏe, vì thời gian cải tạo còn dài lắm.
Vào một dịp Tết, cầm giấy nghỉ phép trong tay, nhưng anh không về nhà, mà ở lại với anh em. Số tiền lương vừa lãnh được, anh mua mấy bánh thuốc lào, vài ký kẹo lạc, biếu anh em ăn tết. Lần ấy, anh tâm sự thật nhiều với anh em : 
- Lần bị thương năm 1972 ở Kontum, tôi nghĩ là tôi đã chết. Vết thương quá nặng, lại phải nằm trong rừng rậm một mình, không có thức ăn, nước uống. Trong lúc tuyệt vọng nhất, tôi bất ngờ được một đơn vị của Sư 23 các anh phát giác. Các anh băng bó vết thương, cho tôi ăn uống, tận tình săn sóc tôi như một người đồng ngũ. Các anh luân phiên khiêng tôi ra khỏi khu rừng rậm, gọi máy bay tản thương đến đưa tôi về bệnh viện. Trời tối, máy bay chưa xuống được, đảo mấy vòng, thì vị trí bị lộ. Các anh bị pháo kích, may mà không có ai bị thương. Các anh lại phải vội vàng di chuyển đi nơi khác. Cả khu rừng chỉ có một khe đá là nơi trú ẩn an toàn, các anh lại dành cho tôi, rồi phân tán mỏng. Tôi được hai anh y tá săn sóc suốt cả đêm . Người chỉ huy hôm ấy là một anh rất trẻ, mang quân hàm trung úy, mấy lần ôn tồn hỏi thăm tôi và khuyên tôi cố gắng để được đưa về quân y viện chữa trị. Anh còn cho tôi nửa bao thuốc lá còn lại của anh, bảo tôi hút thuốc để quên bớt cơn đau của vết thương. Sáng sớm hôm sau, tôi được máy bay tản thương đưa tôi về quân y viện Pleikụ
 Ở đây, mặc dù tôi phải nằm riêng, nhưng được bác sĩ các anh chăm sóc tận tình. Tất cả đã đối xử với tôi như người đồng đội. Có lần, một phái đoàn đến ủy lạo thương binh các anh, họ cũng đến thăm, cho tôi quà, và an ủi tôi thật chân tình. Vết thương vừa lành, thì tôi được lệnh trao trả tù binh. Khi chia tay, bệnh viện còn cho tôi nhiều thuốc men và một số đồ dùng. Lòng tôi tràn ngập cảm xúc. Tôi nghẹn ngào trước tình con người, tình dân tộc mà các anh đã dành cho tôi. Tình cảm ấy tôi chôn chặt tận đáy lòng, không dám tâm sự cùng ai, vì lòng tôi lúc nào cũng nghĩ đến vợ con tôi, và nhất là người mẹ già gần tuổi 80 đang ngày đêm mong chờ tôi trở về. 
Anh cố gắng giữ bình tĩnh, nhưng rõ ràng là giọng nói của anh sắp nghẹn ngào.
- Khi về lại ngoài Bắc, người ta có còn tin cậy anh không? - một anh tù hỏi.
- Ngay sau khi được trao trả, tôi phải vất hết thuốc men và những thứ các anh chọ Tôi cố dấu mấy viên thuốc trụ sinh phòng nhiễm trùng, nhưng họ khám xét kỹ quá, tôi phải tìm cách vất đị Trước khi đưa về Bắc, chúng tôi được học tập hơn một tháng, làm kiểm điểm và lên án sự đối xử tàn ác của các anh. Tôi thấy xấu hổ lắm khi nói điều ngược lại, nhưng rồi ai cũng thế, không thể làm khác hơn. Chính vì vậy mà lòng tôi cứ dằng vặt mãi cho đến hôm nay.
Thời gian vàng son của năm mươi người tù đội 4 trại 6. Nghĩa Lộ, Hoàng Liên Sơn, kéo dài không quá sáu tháng. 
Một buổi sáng sớm, khi sương mù còn vương trên thung lũng trại tù, một người đạp chiếc xe đạp vội vã rời ban chỉ huy trại. Sau xe đèo theo một cái rương bằng gỗ và một túi đeo lưng bộ đội. Một vài anh em nhận ra anh Thà và báo cho anh em. Cả một đội năm mươi người tù vừa mới thức dậy, còn ngái ngủ, chạy ùa ra sân, vẫy tay gọi. Anh Thà không nhìn lại, đưa cánh tay chỉ còn một nửa lên vẫy vẫy, rồi biến dạng trước cổng trại. Chiếc thuyền nhỏ mang theo trên 30 người vượt biển, trong đó có tôi và ba người bạn cùng tù ở Nghĩa Lộ ngày trước, ra đến hải phận quốc tế hai ngày thì gặp bão. Chúng tôi may mắn được một chiếc tàu chuyên chở dầu hỏa của vương quốc Nauy, trên đường từ Nhật sang Singapore, cứu vớt. Hai ngày đêm trên tàu là cả một thiên đường. Từ vị thuyền trưởng đến anh thủy thủ, chị bác sĩ, y tá, đều hết lòng săn sóc lo lắng cho chúng tôi. Hôm rời tàu để được chuyển đến trại tị nạn Singapore, chúng tôi quá xúc động không ai cầm được nước mắt. 
Tất cả thủy thủ đoàn đều ra đứng thành hai hàng dài trên boong tàu, ai nấy đều khóc sướt mướt ôm lấy từng người chúng tôi mà chia tay. Rồi những ngày sống trong trại, chúng tôi được thầy cô giáo và ông đại sứ Nauy, thường xuyên có mặt lo lắng cho chúng tôi đủ điều. Chúng tôi vừa xúc động vừa đau đớn. Nỗi đau của một người vừa mới bị anh em một nhà hành hạ, đuổi xô đến bước đường cùng, phải bỏ nhà bỏ xứ để thoát thân trong cái chết, bây giờ lại được những kẻ xa lạ không cùng ngôn ngữ, màu da, màu tóc, lại hết lòng đùm bọc yêu thương. Mang cái ân tình đó, chúng tôi chọn Nauy là nơi tạm gởi phần đời còn lại của mình. 
Bốn anh em, những người cùng tù Nghĩa Lộ năm nào, được sắp xếp ở gần nhau. Mỗi ngày gặp nhau đều nhắc lại những năm tháng khốn khổ trong tù. Đặc biệt khi nhắc tới quản giáo Thà, ai trong chúng tôi cũng ngậm ngùi, nghĩ đến một người không cùng chiến tuyến mà còn có được tấm lòng. Sau lần bị "hạ tầng công tác" ở trại tù Nghĩa Lộ, không biết anh đi về đâu, nhưng chắc chắn là bây giờ cũng vất vả lắm. 

Sau hai năm theo học, tôi được nhận vào làm trong ngân hàng bưu điện trung ương. Tại đây, tôi quen với Kenneth Hansen, một bạn đồng nghiệp còn trẻ tuổi, lại ở gần nhà, nên sau này trở nên thân tình. Anh ta là sinh viên đang theo học về kinh tế, chỉ làm việc thêm ngoài giờ hoc. Làm chung gần một năm, thì anh bạn Nauy này lại được nhận vào một công ty lớn và sang làm việc ở chi nhánh bên Ấn Độ. 
Bẵng đi vài năm, bất ngờ một hôm anh gọi điện thoại báo là sẽ đến thăm tôi và đem đến cho tôi một bất ngờ. Và đúng là bất ngờ thật, vì cùng đến với anh là một người con gái VN. Anh giới thiệu với vợ chồng tôi, đó là vị hôn thê của anh. Cô gái tên Đoan, nói giọng Hà Nội chính tông. Gặp chúng tôi ở một nơi xa lạ, cô vui mừng lắm, nhưng khi nhìn thấy tấm ảnh của tôi treo trên tường, mang quân phục và cấp bậc của quân đội VNCH, cô có vẻ ái ngại. Biết vậy, chúng tôi cũng niềm nỡ , đùa cợt cho cô được tự nhiên. Cô cho biết cô là bạn thân với nữ ca sĩ Ái Vân từ lúc hai người còn đi học ở Hà Nội. Sau sáu năm du học ở Đông Đức, rồi Liên Xô, cô được sang thực tập tại Ấn Độ. Chính tại đây cô có dịp gặp và quen với chàng trai Nauy này. 
Khi ấy cô đã có chồng và một đứa con trai. Người chồng trước cùng du học ở Liên Xô, sau này trở thành một cán bộ cao cấp trong ngành dầu khí tại Hà Nội. Sau thời gian thực tập ở Ấn Độ trở về, cô được bạn bè và người thân cho biết là anh chồng đã cặp một cô gái khác chỉ một vài tuần sau ngày cô đị Cô đem việc này nói phải trái với chồng, lại bị anh ta hành hung và nói những lời thô lỗ. Cô vừa buồn vừa giận, bỏ chồng, xin sang học tiếp chương trình Tiến sĩ tại một đại học ở Đông Đức. 
Sau ngày bức tường Bá Linh ô nhục bị nhân dân Đức phá sập, nước CHND Đức (Đông Đức) bỗng chốc không còn nữa. Cô không về nước mà tìm cách trốn sang Tây Đức. Qua một thời gian hết sức khó khăn, cô may mắn liên lạc được với anh Kenneth Hansen, để được bảo lãnh sang Nauỵ Biết cô thuộc gia đình một đảng viên CS cao cấp, bởi cô được du học ở nhiều nước thuộc khối CS trước đây, nhưng tôi không hỏi vì sợ cô ngại. Sau này chính Kenneth Hansen, cho biết, bố của cô trước kia là đại sứ VN tại Liên Xô cũ. Sau ngày Liên Xô sụp đổ, kéo theo sự tan vỡ của toàn khối CS Đông Âu, ông xót xa nhìn ra được một điều gì đó. Trở về VN, ông không còn được nhà nước CS trọng dụng, trở thành kẻ bất mãn, cả ngày nằm nhà không tiếp xúc một ai. Sau một thời gian, được cấp quốc tịch Nauy, cô Đoan trở về VN thăm gia đình, đặc biệt là người cha già đang ốm nặng. Nhân tiện xin mang đứa con trai sang Nauy với cộ 
Việc cô Đoan trở về Hà Nội, làm tôi nghĩ dến anh quản giáo Nguyễn văn Thà thưở trước. Tôi cùng với mấy người bạn tù cũ, góp một số tiền khoảng 800 đôla, nhờ cô Đoan về Nghệ Tĩnh tìm và trao lại cho anh, như để tỏ chút lòng biết ơn một người bao nhiêu năm sống trong đám bùn lầy nước đọng mà vẫn còn giữ sạch được tấm lòng. Việc tìm anh không phải dễ dàng, vì chúng tôi không biết nhiều về anh. Trong mảnh giấy nhắn tin, chỉ vỏn vẹn vài chữ : "ông Nguyễn văn Thà, gốc Nghệ Tĩnh, khoảng năm 1979 là thượng úy, làm quản giáo trại tù cải tạo số 6. Nghĩa Lộ, Hoàng Liên Sơn ". Cô Đoan vui vẻ nhận lời và hứa sẽ tìm đủ mọi cách để gặp hoặc liên lạc anh Thà. Cô cũng cho biết là cô có ông chú họ hiện làm việc tại bộ quốc phòng. Cô sẽ nhờ ông ta tìm hộ. 
Một tháng sau, cô Đoan trở lại Nauy, báo cho chúng tôi biết là ông chú của cô không tìm thấy tên Nguyễn văn Thà trong danh sách sĩ quan. Ông đoán là anh ta đã bị phục viên từ lâu lắm rồi. Cô đã đích thân vào Nghệ Tĩnh, hỏi thăm mọi cơ quan, nhưng không ai biết. Cuối cùng cô phải thuê mấy tờ báo địa phương đăng lời nhắn tin, trong đó có ghi số điện thoại của tôi. Cô còn cho biết là nhân tiện có mặt ở Nghệ Tĩnh thì cô nhờ họ thôi, chứ không có nhiều hy vọng gì, vì chỉ một ít người ở thành phố có báo đọc. 
Thời gian trôi qua, bận bịu bao nhiêu việc làm ăn, lo cho con cái, để kịp hội nhập vào đời sống trên quê hương mới, chúng tôi không còn ai nhắc đến chuyện anh Thà.
Bỗng một hôm, khi đang say ngủ, nghe tiếng điện thoại reo, tôi giật mình tỉnh giấc. Xem đồng hồ, hơn hai giờ sáng. Mùa đông Bắc Âu, nhiệt độ bên ngoài cửa sổ chỉ - 20 độ C. Tôi ái ngại. Giờ này mà ai gọi điện thoại thì phải có điều gì khẩn cấp lắm. Tôi bốc ống nghe, Đầu giây bên kia là giọng một cô gái, nói tiếng Việt rất khó nghẹ Cô hối hả, nhưng rất lễ phép, xin được gặp tôi. Cô cẩn thận nhắc lại tên tôi hai lần, với đầy đủ họ và tên. 
- Xin lỗi, cô là ai và đang ở đâu ạ ? tôi hỏi.
- Dạ, cháu là Hà, Nguyễn Thị Hà, cháu đang ở Ba Lan ạ.
Tôi im lặng. Thoáng lục lọi trong trí nhưng tôi không nhớ là mình đã quen ai tên Hà. Bên kia đầu giây, cô gái lên tiếng:
- Bác có còn nhớ ông Thà, làm quản giáo ở Nghĩa Lộ không ạ?
- Ông Thà, Nguyễn văn Thà, Bác nhớ, nhưng cô là gì của ông Thà, và sao lại ở Ba-Lan ?
- Dạ, ông Thà là bố cháu. Cháu ở Ba-Lan với một đứa em trai. Bọn cháu khổ lắm Bác ạ. Tiếng cô gái sụt sùi.
- Cháu cho bác số phôn, bác gọi lại ngay, để cháu khỏi tốn tiền. 
Tôi gọi lại, và nghe tâm sự não nề của cô gái. Cô và em trai, tên Tĩnh, được bố mẹ lo lắng, chạy vạy, bán hết đồ đạc trong nhà, kể cả chiếc xe đạp Trung quốc mà cha cô nâng niu như là một thứ gia bảo, vay mượn thêm, lo cho hai chị em cô sang lao động ở Ba-Lan. Sau khi chính quyền CS Ba-Lan bị cuốn theo làn sóng dân chủ ở Đông Âu, chị em cô cùng hầu hết những người được chính quyền VN gởi sang lao động, đã không về nước, trốn ở lại. Vì sống bất hợp pháp, nên không tìm được việc làm chính thức. Hầu hết làm chui, buôn bán thuốc lá lậu. Một số trở thành ăn cắp, băng đảng, quay lại cướp bóc hoặc tống tiền chính những nguòi đồng hương, đồng cảnh. Số người Việt này trở thành mối bận tâm không nhỏ cho những chính quyền mới ở các nước Đông Âu. 
Hai chị em cô Hà thuê một căn gác nhỏ trong thành phố Warszawa, nhận thuốc lá của một người khác, mang đi bán. Nhưng mỗi lần dành dụm được một ít, chưa kịp gởi về giúp gia đình thì bị cướp sạch. Một hôm, cậu em trai nhận thuốc lá mang đi bán, bị cảnh sát bắt và phát hiện là số thuốc lá kia vừa bị mất cắp tại một cửa hàng Ba-Lan. Vì vậy cậu em trai bị nhốt vào tù, còn cô Hà thì đang bị truy nã. Việc xảy ra một ngày trước khi cô Hà gọi điện thoại cho tôi .
- Bây giờ cháu đang ở đâu ? Tôi hỏi.
- Cháu đang trốn ở nhà một nguòi bạn, nhưng cô ta không dám chứa cháu lâu. Cháu không biết phải làm sao, thì bất ngờ nhớ đến lá thư của ba cháu gởi cho cháu cách nay vài tháng. Ba cháu bảo cháu trong trường hợp rất cần thiết mới gọi cho bác.
- Ba cháu bây giờ làm gì ?
- Ông bị ốm nặng. Cách nay hai năm bị tai biến mạch máu não, liệt nửa người, nên chỉ nằm một chỗ. Vì vậy nên chị em cháu trốn ở lại đây để kiếm tiền gởi về cho bố cháu điều trị và sống qua ngày bác ạ. 
Tôi ghi số điện thoại, địa chỉ người bạn của Hà, tên nhà tù mà Tĩnh, em trai của Hà đang bị giam giữ, trấn an và hẹn sẽ gặp cô trong một ngày rất gần ở Ba-Lan.
Tôi nhớ tới một người bạn Ba-lan, anh Zbigniew Piwkọ Chúng tôi quen khá thân lúc cả hai vừa mới đến Nauỵ Anh ta lớn hơn tôi ba tuổi. Trước kia là một đại tá không quân, chỉ huy môt không đoàn chiến đấu thuộc quân đội CS Ba-Lan. Về sau. anh ta ngầm ủng hộ Công Đoàn Đoàn Kết do ông Walesa lãnh đạo. Hành tung bại lộ, trong khi bị truy bắt, anh đã lấy một chiếc trực thăng, chở gia đình, gồm người vợ và hai đứa con, bay sang Tây Đức. Theo sự thỉnh cầu của anh, gia đình anh được chính phủ Nauy đặc biệt nhận cho tị nạn chính trị. 


Anh và tôi học tiếng Nauy cùng một lớp, và sau đó có một thời gian chúng tôi cùng làm thông dịch cho Sở Cảnh Sát. Nhưng chỉ hơn một năm sau, thì tình hình chính trị ở Ba-Lan thay đổi bất ngờ. Công Đoàn Đoàn Kết của ông Walesa lãnh đạo đã thắng lợi vẻ vang . Ông được bầu làm Tổng Thống đầu tiên của nước Ba-Lan dân chủ. Anh Piwko, người bạn tị nạn của tôi, được mời về nước để giữ môt chức vụ khá lớn trong ngành cảnh sát. Vào những dịp Giáng sinh, nhớ đến tôi, anh gởi thiệp mừng giáng sinh và năm mới. Anh kể đủ thứ chuyện về xứ sở của anh, về niềm vui và hy vọng của người dân Ba-Lan bây giờ. Sau tấm thiệp không đủ chỗ nên lúc nào anh cũng viết kèm theo vài trang giấy. Anh mời vợ chồng tôi có dịp thu xếp sang chơi với gia đình anh vài hôm và xem đất nước Ba-Lan của anh đang hồi sinh trong dân chủ. 
Sáng hôm sau, tôi tìm lại số phôn và gọi cho anh. Anh rất vui mừng khi nghe tôi báo tin sang thăm . Vì đi vội, nên tôi chỉ đi một mình. Vợ chồng anh đón tôi ở phi trường, nơi dành cho VIP (thượng khách). Anh chị còn cho biết là rất thú vị khi có dịp được dùng lại ngôn ngữ Nauy để nói chuyện với tôi. Tôi thực sự xúc động trước sự tiếp đón nồng hậu mà gia đình anh đã dành cho tôi. Tôi ngại ngùng không dám nói với anh những điều muốn nhờ anh giúp. Nhưng rồi cuối cùng, tôi cũng phải tâm tình cùng anh về chuyện anh quản giáo Thà trong trại tù Nghĩa Lộ năm nào, và hoàn cảnh khốn cùng của hai đứa con hiện đang ở tại đây, ngay trên đất nước Ba-Lan của anh. Nghe tôi kể, anh ngậm ngùi giây lát rồi đứng lên ôm vai tôi, hứa sẽ hết lòng giúp tôi về việc này. 
Anh đưa tôi đến gặp hai chị em cháu Hà. Đưa Hà về nhà ở với gia đình anh. Hai hôm sau anh làm thủ tục bảo lãnh Tĩnh, em của Hà từ trại tù về.
Trước khi về lại Nauy, tôi đã thức trọn một đêm để tâm tình khuyên lơn hai chị em Hà, biếu cho hai cháu một số tiền để tạm sinh sống và chuyển về VN biếu anh Thà, bố hai cháu. Trên đường đưa tôi ra phi trường, vợ chồng Piwko bảo tôi yên tâm, anh chị xem hai chị em Hà như là cháu trong nhà và sẽ tận tình lo lắng cho hai cháu.
Hơn một tháng sau, Piwko gọi phôn báo cho tôi tin mừng: hai chị em Hà đã được Piwko bảo trợ, được cấp giấy tờ chính thức cư trú tại Ba-lan. Hai cháu đang được học ngôn ngữ Ba-lan. Hà, vì lớn tuổi, nên sẽ xin việc làm. Tĩnh, em Hà, sẽ được tiếp tục theo học tại một trường trung học.

*


"Các Anh thân quí,
Khi ngồi viết nhừng dòng này cho các anh, thực tình tôi không còn nhớ mặt các anh, nhưng tôi còn nhớ rất rõ thời gian tôi làm quản giáo ở trại Nghĩa Lộ. Vậy mà không ngờ hôm nay các anh còn nhớ đến tôi. Đọc thư của cháu Hà từ Ba-Lan gởi về, cùng với số tiền của các anh gởi cho, lòng tôi cảm xúc đến nghẹn ngào.


Tôi và gia đình xin muôn vàn cảm tạ. Các anh làm tôi nhớ tới một câu nói của Các-Mác: Chỉ có loài súc vật mới quay lưng trước cảnh khốn khổ của đồng loại". Ngày nay, cả thế giới đều lên án Mác, những nước một thời lấy chủ nghĩa Mác làm ánh đuốc soi đường, bây giờ cũng đã từ bỏ Mác, chỉ còn một vài nơi lấy Mác làm bức bình phong để che đậy những mục nát ở phía bên trong, nhưng câu nói trên kia của Mác, với tôi, vẫn mãi mãi là một lời vàng ngọc. Điều tệ hại là những kẻ một thời theo Mác đã luôn luôn làm ngược lại lời nói này của Mác. Chúng tôi mừng cho các anh đã đưa được gia đình ra khỏi nước. Mặc dù tôi biết một người phải bỏ quê hương mà đi, còn đau đớn nào hơn. Ngay cả con cái chúng tôi, vất vả biết chừng nào, mà tôi cũng đành khuyên các cháu phải ra đi để may ra còn tìm được một chút tương lai, giá trị nào đó của kiếp con người Phần tôi, sau khi bị kiểm điểm nặng nề ở trại Nghĩa Lộ, tôi bị điều ra mặt trận phương Bắc, trong thời kỳ giặc bành trướng Tàu tràn qua biên giới . Nhờ thương tật, tôi được bố trí một công tác lặt vặt ở hậu cần. Mặt trận kết thúc, tôi bị phục viên về nhà, tiền phụ cấp không đủ nuôi chính bản thân. Tôi chỉ còn một cánh tay mà phải phát rẫy trồng rau để phụ giúp gia đình. 
Hơn ba năm nay, tôi bị ốm nặng, nằm liệt giường. Nhờ chị em cháu Hà gởi tiền về nuôi tôi và cả gia đình, tôi mới còn sống được đến hôm nay. Biết trốn lại Ba Lan, không có giấy tờ, hai cháu sẽ khó khăn ghê lắm, nhưng vẫn còn hơn là về lại bên này. Có làm suốt ngày cũng chẳng đủ ăn. May mà nhờ các anh hết lòng giúp hai cháu. Cái ơn này biết khi nào chúng tôi mới trả được cho các anh đây.
Tôi biết mình không còn sống bao lâu. Cuối đời một con người, tôi nghiệm rõ được một điều: Chỉ có cái tình con người với nhau mới thực sự quí giá và tồn tại mãi với thời gian. Những chế độ này, chủ nghĩa nọ, cuối cùng cũng chỉ là những đám mây đen bay trên đầu. Đôi khi che ta được chút nắng, nhưng nhiều lúc đã trút bao cơn mưa lũ xuống để làm khốn khổ cả nhân gian..."
*
Không ngờ lá thư đầu tiên này cũng là lá thư cuối cùng chúng tôi nhận được từ anh Thà. Anh đã qua đời sau đó không lâu. Nghe cháu Hà kể lại. Khi hấp hối, anh bảo vợ anh mang mấy cái huy chương, anh được cấp trong thời chiến tranh, đào lỗ chôn xuống phía sau nhà. Anh thầm thì: xin hãy chôn chặt hộ tôi cái quá khứ đau thương và lầm lỡ đó lại. Chính nó đã gây biết bao chia lìa, tang tóc, và sự thù hận giữa những người anh em cùng một mẹ, không biết sẽ kéo dài cho đến bao giờ?
Phạm Tín An Ninh, Vương Quốc Nauy

ĐẶNG ĐÌNH TUÂN * BÌNH MINH VỚI HOÀNG HÔN





 
Welcome to VN.NET
20/12/16
Bình Minh Với Hoàng Hôn

Đặng Đình Tuân


Trong một bữa tiệc ở ngoài trời, lúc mọi người đang vừa ăn vừa trầm trồ nhìn ngắm cảnh mặt trời lặn, chợt có người hỏi tôi giữa bình minh và hoàng hôn tôi chọn cái nào. Không đắn đo, tôi trả lời:
- Làm sao lựa chọn được. Bình minh và hoàng hôn là hai hiện tượng thiên nhiên, trái ngược nhau, lại bổ-túc cho nhau. Không có bình minh thì không có hoàng hôn… Xin lỗi, tôi không thể tách ra chọn riêng được. Nhưng nếu ông muốn biết tôi thích cái nào thì không đắn đo mà trả lời ngay là tôi thích bình minh hơn. 
 
- Buổi sáng chắc anh thức dậy sớm lắm nhỉ?
- Rất họa hoằn. Đúng ra thì rất hiếm. Khi tôi ra khỏi nhà trời đã sáng trưng và buổi sáng đã đi được nửa đường rồi. Tại sao ông đoán chắc vậy?
- Tôi nghĩ người thích bình minh thì phải thích sự yên tĩnh, thích không khí trong lành, thích cái tịch mịch, thích cảm giác cô-độc của buổi sáng, thích hướng vào nội tâm và thích thơ thẩn. Muốn được thế thì phải dậy sớm...
- Những điều đó với tôi không có và không còn nữa.
- Ủa, nghe sao mâu-thuẫn. Nếu có thì mới còn chứ.
- Tôi yêu không khí trong lành. Nhưng không chịu được cảm giác cô độc. Tôi thích đi thơ thẩn nhưng sợ cái tịch mịch. Thỉnh thoảng nội tâm có hứng khởi nhưng không bao giờ ghi xuống thành thơ được. Hơn nữa, tôi luôn luôn tìm đủ mọi lý do để buổi sáng được ngủ nướng thêm.
- Phức tạp, khó hiểu. 
 
- Tôi không làm cho ông lầm lẫn đâu. Tôi nói đúng sự thật, đúng ý nghĩ chân thành của tôi đó thôi. Nhưng mà này, ông đã làm tôi nhớ lại được nhiều chuyện. Nếu ông cho phép, mình ra góc kia ít người, tôi sẽ giải thích rõ ràng hơn. Không làm nhàm tai ông đâu.
Hai người mang ly rượu đến góc vườn, xa hẳn mọi người. Chỗ này có sẵn bàn và ghế nhựa, đặt núp trong bóng mấy cây tùng. Nhìn ra trước mặt, những ngọn đồi và thung lũng trùng trùng chạy dài xuống, thấp dần về phía chân trời. 
 
 
Thành phố nhộn nhịp ồn ào nằm gọn trong thung lũng dưới kia. Những mái nhà chọc trời, với ánh đèn lấp lánh, nhấp nhô chen lẫn với những đỉnh đồi. Mặt trời bây giờ đã trốn gần kín sau đỉnh đồi thấp dưới kia. Ánh sáng dịu hẳn đi. Trên không những gợn mây mỏng giăng vướng rải rác khắp nơi đã đổi mầu sang vừa vàng cam vừa đỏ huyết dụ lóng lánh rực rỡ trong vòm trời xanh. Vài cái sao hôm đã đến, lấp lánh xa thăm thẳm. Hơi ấm ban ngày đã nhường chỗ cho những làn gió chiều gây gây mát. Sương sớm buổi tối đang kéo đến ôm ấp, che chở những cành cây những ngọn cỏ là đà rồi tỏa rộng ra hơn như một tấm chăn ấp ủ, phủ kín, để đưa những thung lũng kia vào giấc ngủ.
Căn nhà nằm trên một đỉnh đồi cao, nên ai cũng nhìn thấy cảnh hoàng hôn đến, không xót một chi tiết nhỏ. Chủ nhà nói khi nào sương mù lên tới đây thì trời mới tối hẳn và cũng hãnh diện cho biết họ đã được cả những cụm mây sáng đến vuốt ve mơn trớn.
- Như mình đang chiêm ngưỡng một bức tranh vẽ.
- Ðẹp quá nhỉ!
Người bạn nâng ly rượu đỏ lên xin được chạm ly, rồi vừa trầm trồ ngắm cảnh vừa nhấp môi uống vừa có vẻ kiên nhẫn chờ đợi. 
 
 
- Nhiều năm trước đây đời sống của tôi đã phải gắn bó với bình minh. Không tự ý, không lựa chọn. Khi bị đặt trên một con tàu, bị đuổi ra giữa đại dương hoang vắng, đi tới đi lui rồi chờ ngày về bến...
- À, thì ra anh làm nghề biển.
Tôi không giữ được bật lên cười nhưng khi thấy mặt người bạn có vẻ ngơ ngác tôi phải ngừng ngay.
-Gần như thế, nhưng chưa tự tay bắt cá bao giờ, mà chỉ đi xin hoặc mua thôi. Tôi đã là lính hải quân. Và hải quân đã cho tôi cơ hội đặt chân lên nhiều chỗ mới lạ mà có lẽ không bao giờ tự ý tôi muốn đến. Từ đại dương thăm thẳm đến sông ngòi sình lầy hoang vu...
-Tôi hiểu rồi ! Ði biển thì được nhìn bình minh hoài. 
 
 
- Ðúng, nhưng còn nhiều thứ khác nữa. Ông biết không, sau những buổi tối cô độc vô tận ở giữa trời và nước mênh mông, bình minh báo hiệu ngày sum họp với người thân sắp đến. Sau những đêm tăm tối dài dằng dặc không ngủ đi phục kích và bắn giết ở Năm Căn, Ðồng Tháp Mười, Cửa Cạn, nơi mà chỉ có bẫy rập, sình lầy với muỗi mòng, bình minh là hy vọng mình còn sống sót. Sau những đêm nằm rạp mình tránh đạn pháo kích liên tục nổ dồn trên đầu, bên tai, kinh hoàng và khiếp đảm ở Mộc Hóa, ở Tuyên Nhơn, thấy bình minh đến mới biết mình còn có cơ hội phục hồi. Mắt tôi đã được nhìn, tay tôi đã vuốt ve, miệng tôi đã phải cầu nguyện cho nhiều người. Họ đã cố níu kéo, cố chờ đợi mãi mà vẫn không bao giờ thấy bình minh trở lại thêm một lần nữa. 
 
 
Tôi nhớ nhất là những lần ở vùng biển ngoài Cửa Cạn Phú Quốc, Vũng Tàu, Phan Thiết, ở vùng đảo nhỏ cạnh Qui Nhơn, Ðà Nẵng và cả Thuận An. Lênh đênh trên chiếc tàu nhỏ thả nhấp nhô theo những lượn sóng. Vừa ngồi chờ sáng. Vừa lẳng lặng làm việc vừa chăm chú quan sát. Bên ngoài con tàu, tất cả chìm đắm trong bóng tối xâu thẳm… Vũ trụ bao la mà mình thì quá nhỏ nhoi yếu đuối... Rồi đột nhiên thấy những thuyền đánh cá từ ngoài khơi tăm tối lũ lượt xuất hiện, kéo nhau trở về bến. Ðèn đuốc của làng nhỏ ở ven biển trơ trọi nghèo nàn chợt bừng sáng lên chào đón. Tối tăm tự nhiên tan biến. Tiếng người cười nói vỡ ra oang oang mừng rỡ. Tiếng trẻ thơ trong trẻo hân hoan cười đùa, gọi nhau vang vọng ra. Và khói lam nấu bếp bắt đầu tỏa lên từ khắp mọi mái nhà.
 
Tôi đã được chứng kiến sự phục sinh. Sự biến đổi từ địa ngục ra thiên đàng. Sự thua chạy của ma quỷ. Sự khác biệt giữa đêm và ngày. Tôi đã thấy mặt trời mang những ngày mới tinh khôi đi đến. Cùng với hào quang rực rỡ, với lễ lạc, với tiếng ca hát xưng tụng tưng bừng. Người, cảnh và áng sáng hòa hợp như trong buổi đại lễ tín ngưỡng quan trọng. Ðêm thì lẫn lộn, nhập nhằng, tàn ác. Nhưng ngày lại minh bạch, linh động và hiền hòa. Không thể diễn tả được hết cái sống động của những hình ảnh đó. 
 
 
Tôi đã hiểu ra được đây mới thực là sự sống. Ðây mới đúng là phép nhiệm mầu, là sự ra đời của đứa trẻ thơ, là bình minh mà tôi chờ đợi, tìm tòi và yêu thương. Con người nhỏ bé đơn sơ ở đây đã hăm hở đón nhận và vinh danh ánh sáng cùng với sự sống. Bình minh này mang đến ý nghĩ ham muốn và tranh đấu. Bình minh này mang cứu rỗi đến cho linh hồn và máu tươi hâm nóng cho cơ thể.
Ngay khi đó hình như nguồn sống mới đã tràn đến, thấm vào, rồi làm cơ thể tôi đổi mới. Tự nhiên tôi không còn có cảm giác lạc lõng, chán chường, thiếu ngủ nữa. Tinh thần và xác thịt biến đổi hoàn toàn sang trạng thái háo hức chờ đợi và sẵn sàng đón tiếp bất cứ biến cố gì sắp xẩy đến.
 
 
Không biết tôi có muốn trở lại sống trong những bình minh đó nữa hay không. Nhưng chỉ cần nhớ đến những hình ảnh đó không thôi thì máu nóng lại bừng bừng chẩy.
Từ ngày rời bỏ quê hương lưu lạc đến đây, tôi đã trải qua nhiều bình minh khác. Buổi sáng trời vẫn còn tối đã phải leo lên xe buýt. Bình minh đến lúc xe đang chở tôi đến chỗ làm và còn ngái ngủ. Những bình minh này trái ngược hẳn, chỉ mang đến chua xót, bon chen và nuối tiếc. Chưa có cảnh bình minh nào đẹp, kích thích và cảm động như bình minh ở quê hương nghèo khổ của mình… 
 
 
Tôi quá chủ quan phải không? Tuy nhiên mỗi ngày trôi qua, tuổi chất đống thì ngày mới tinh ở đâu đó đối với tôi cũng là bình minh quý hóa. Thêm một ngày mới, thêm những cảm giác và kinh nghiệm lạ cho cuộc đời. Thêm một lần được kiểm chứng và áp dụng lại những kinh nghiệm cũ. Tôi hãnh diện vì còn sống sót cho nên sẽ phải làm thế nào cho những ngày sống mới đầy đủ trọn vẹn hơn. Tôi không ngồi yên chờ đợi nữa mà hân hoan tích cực đón nhận. Vừa để hưởng thụ vừa để làm cho những bình minh chót của cuộc đời phong phú hơn...
 
Mải mê kể lể tôi không biết người bạn đã bỏ đi từ lúc nào. Rời đi không lời thông báo. Ly rượu cạn không còn một giọt. Ông ấy có thể đã nghĩ tôi nếu không say thì điên. Thế nào chăng nữa điều đó không làm tôi bận tâm. Say giữa hoàng hôn mà vẫn tỉnh táo nói chuyện về bình minh. Tôi đang tận hưởng hoàng hôn hiện tại nhưng tinh thần đã háo hức sẵn sàng chờ đón bình minh mới của cuộc đời. Tôi phải cám ơn người bạn đó đã gợi cho tôi cơ hội để nói riêng cho mình tôi nghe, để biết mình muốn gì…
Trích trong một tạp chí Canada.


SƠN TRUNG * ĐÔI BẠN ĐỒNG SONG

  ĐÔI BẠN ĐỒNG SONG 

SƠN TRUNG

Lữ Vô Phong và Quách Anh Tài cùng học một thầy tại Gia Định. Lữ sinh ngưòi Bình Dương, dáng gầy ốm gió thổi bay, mặt xanh xạm, lộ gân xương không có oai phong như cái tên định mạng. Còn Quách sinh người Gia Định, thì rất có tài. Tài thứ nhất là giỏi chữ Hán, bất cứ văn thơ ai, sinh đọc qua một lần thì thuộc nằm lòng, viết chữ Hán rất đẹp, và thông thạo các lối chữ chân, thảo, triện, lệ. Tài thứ hai là đánh cờ tướng. Sinh đã nhiều lần đoạt giải quán quân bộ môn này. Khắp Nam kỳ lục tỉnh không ai là không nghe danh Quách Anh Tài. Lữ sinh và Quách sinh thi đỗ cử nhân, năm giáp tí tại trường thi Gia Định, sau hai ông đều ra làm giáo quan, một ông về Bến Tre, một ông ở Định tường. 
Lữ Vô Phong là người ngay thẳng nhưng nóng nảy, trong các cuộc tranh luận thường tỏ ra hung hăng, mà trong văn chương cũng vậy. Ông hết sức bài xích người này, người kia, với giọng điệu cực đoan và cực tả. Ông còn dám chỉ trích chúa Nguyễn thơ ấu, ngu muội, còn Trương Phúc Loan thì tham nhũng, tàn ác, và các văn võ bá quan chỉ là một lũ ăn hại đái nát. Văn chương và danh tiếng của ông được nhà Tây Sơn chú ý. Họ bèn vận động ông vào phe với họ.
 Ông hăng hái nhận lời, bỏ nhiệm sở lên chiến khu. Lúc này nhà Tây Sơn ra sức chiêu dụ các nhân tài ở Phú Xuân và Gia Định cho nên một số đã lên chiến khu chiến đấu, một số ở lại nằm vùng. Lữ Vô Phong và Quách Anh Tài đều cùng một lúc vào chiến khu. Lữ Vô Phong văn chương có thép và người sục sôi máu nóng đuợc đảng Tây Sơn ưu đãi, đưa làm Tả Thị Lang bộ Lễ trong triều Tây Sơn. Còn Quách Anh Tài hiền lành hơn thì giữ một chức vụ gì đó không mấy quan trọng trong bộ Lễ hay bộ Công. Có người kể rằng khi Lữ Vô Phong vào chiến khu thì các bạn cũ ngày nào cũng xúm lại thăm, ác cái là thăm viếng đúng bữa cơm, cho nên quan Tả thị lang phải mời bạn ngồi chung mâm. Thấy ăn chực hoài cũng ngượng, ông bạn nói thật với Lữ Vô Phong rằng:

Tụi tai ở đây khổ lắm. Cơm rau dưa, bữa đói, bữa no, riêng mày và các quan cao là được có tiêu chuẩn gà vịt, nên tụi tao tới ăn ké vài bữa thôi!

Thuyết khác thì cho rằng việc này xảy ra ngoài Bắc Hà. Quân Trịnh chiếm Thuận Hóa, phong cho anh em Nguyễn Nhạc chức Tiên phong tướng quân Tây Sơn hiệu trưởng, hai bên giao hảo rất đẹp. Nguyễn Nhạc muốn dò la tình hình Bắc Hà liền cử một phái đoàn ra Bắc mượn cớ triều cống vua Lê chúa Trịnh. Trong phái đoàn này có quan Tả Thị Lang Lữ Vô Phong. Trong khi một số dân Thanh Nghệ theo chúa Nguyễn vào Nam thì cũng có một số dân Nam Hà ra làm quan hay sinh sống ở Bắc Hà. Nghe tin phái đoàn trong Nam Hà ra tiến cống, các bạn đồng hương Nam Hà ngày nào cũng đến thăm viếng khiến phái đoàn miền Nam rất phấn khởi. 
Nhưng qua cuộc tiếp xúc này, Lữ Vô Phong biết được nhiều bí mật. Bắc Hà chính sự thối nát hơn cả Nam Hà, vua Lê ngồi vì, chúa Trịnh thao túng quyền hành, sống trên xương máu nhân dân. Dân chúng thì thầm bàn tán việc chúa Trịnh tham dâm vô độ mà mắc bệnh kín, sợ ánh sáng, suốt ngày đêm ở trong phòng tối. Kinh đô ban đêm cấm thắp đèn. 
Đến đời Trịnh Sâm chúa cũng vì tham dâm mà mắc bệnh. Bà chúa Chè thông dâm với Huy Quận công Hoàng Đình Bảo, đầu độc Trịnh Sâm khiến Sâm mới ngoài bốn mươi đã quy tiên, rồi bà giả chiếu chỉ truất phế thế tử Trịnh Khải , lập con trai bà là Trịnh Cán mới bốn, năm tuổi lên làm chúa. Khi Trịnh Cán lên ngôi, em bà chúa Chè là quận mã Đặng Lân coi thường vương pháp, ngang nhiên cướp nhà dân chúng, bắt hiếp con gái dân lành . Quân Trịnh hùng mạnh nhưng dân Bắc Hà nghèo đói quanh năm, các bạn của ông đã than thở rằng từ khi ra Bắc, suốt đời chỉ rau cháo, nay nhờ ông ra mà được trông thấy miếng thịt gà, thịt heo. 
Bọn quan lại ngoài đó coi người Nam Hà như nô lệ, hay đúng hơn, một thứ dân ngụ cư chỉ biết chống đối và ăn nhậu! Lúc rảnh rổi, một mình đi chơi ngoại ô, ông thấy cây cối bị chặt trụi, không còn vườn cây bóng mát vì chúa ra lệnh tăng diện tích trồng lúa, khoai, ai trồng hoa hay trồng cây ăn trái phải đốn bỏ. Ao chuôm không còn cá, bầu trời không cánh chim vì dân nghèo đói, con chim sẻ, con cá rô nhỏ trở thành mồi ngon bồi dưỡng cho trẻ con và người lớn. Ngoài đường, dân chúng đều mặc đồ nâu hay đồ đen vá chằng vá đụp. 
Ai nấy cúi đầu cắm cổ mà đi, không thấy một nụ cười . Đặc biệt là họ tránh xa khách lạ. Ông nhớ lại khi ra Bình Thuận, sống trong cái nôi cách mạng Tây Sơn, ông cũng nghe nhiều chuyện, trong đó có việc Nguyễn Nhạc hiếp vợ Nguyễn Huệ. Còn ruộng đất nơi đây cằn khô sỏi đá, đa số làm ruộng, một số buôn lậu hay cướp núi như lãnh tụ đảng Nguyễn Nhạc. Chính sách lấy của người giàu chia cho người nghèo của đảng Tây Sơn thực chất chỉ là phỉnh gạt dân đen. Dân nghèo có hàng vạn, hàng triệu, trong khi nhà giàu chỉ có vài chục hay vài trăm. 
Lấy vài chục nóc nhà ngói thì chia được cho bao nhà nghèo? Lấy được chục ký vàng thì bao người được một chỉ vàng? Cướp lúa gạo mỗi huyện thì dân nghèo mỗi người được mấy cân gạo, và sống được bao lâu? Thực tế, phần lớn vàng bạc, của cải rốt cuộc vào bọn cướp Lý Tài, Tập Đình và bọn thân tín của Nguyễn Nhạc. Ông nghĩ đến ruộng đồng miền Nam xanh tươi, cò bay thẳng cánh, những vườn cây đầy hoa, nặng trái, và dân chúng nơi đây quanh năm quần lãnh áo hoa, thảnh thơi với câu hò, điệu hát và tiếng cười. Hai bên khác nhau xa. 
Hạnh phúc là đâu? Độc lập, tự do là đâu? Chỉ có một thoáng mây bay mà ông đã ngửi thấy mùi chuyên chính bốc lên nồng nặc khắp không gian. Quan Tả thị lang mới tỉnh ngộ, hết tin vào thiên đường miền Bắc và sự sáng suốt cùng đạo đức cách mạng của Nguyễn Nhạc. Vì vậy, sau này, Tây Sơn đại thắng mà ông thì trở thành bất mãn, chống đối triều đình. 
Thực ra, ông là người miền Nam ngay thẳng, bộc trực, thấy sao nói vậy chứ không lắt léo như bọn quan lại Bắc Hà tinh ranh, xảo quyệt. Ông thấy chúng nó tham nhũng, tàn ác thì ông chỉ trích chúng cho nên chúng tuyệt thông với ông. Sau khi chiếm Gia Định, họ lập nội các mới, bọn tân tòng tư sản và tiểu tư sản trong đó có ông liền bị chuyển công tác, sa thải hoặc bị bắt giam. Lê Hảo Ngọt, Trương Như Ngưu, Châu Tâm Luồn , Trần Lưu Linh lần lượt bỏ xứ mà đi sau khi đã biết mình mắc điếm!
 Riêng vợ chồng Nguyễn Thái Giám, chồng là kiến trức sư hay kỹ sư gì đó, hồi trước là tay xách động sinh viên biểu tình, còn vợ vốn là sinh viên Văn, sau ngày Tây Sơn nhập thành, trở thành một nữ kiệt đứng sau Lý Bất Trung ở hội Trí Thức Yêu Nước Đường. Nghe hai vợ chồng ông cũng bỏ ra nước ngoài it lâu rồi trở về. Phải chăng ông bà chán cảnh lưu đầy, hoặc được triều đình chuyển công tác, được điều về quốc nội lãnh nhiệm vụ mới? Lữ Vô Phong không bỏ nước mà đi, ông ở lại, ngày ngày đến bộ Lễ làm việc, mặc dầu đã mất chức Tả thị lang, song không ai nói năng gì với ông. Hết ngồi lại đứng, hết giờ thì về. Đó là kết quả của bao năm theo Nguyễn Nhạc. Cũng may là ông chưa bị tù, chưa bị què chân cụt tay như bao chiến sĩ vô danh khác đã hy sinh một đời cho mộng cách mạng hảo huyền.

Còn về Quách Anh Tài sau ngày đại thắng, được triều đình giao cho việc tiếp quản cơ sở giáo dục Định Tường. Do đó ông trở thành quan Đốc học Định Tường, tác oai tác quái, báo ân báo oán, đã cách chức và bỏ tù một số bạn cũ trước đây dạy học tại Định Tường học hiệu. Trong thời gian này, Quách đốc học gặp một giai nhân, sống một mình trong một biệt thự ở Gia Định thành. Người đẹp này có cha mẹ là tư sản, bỏ nhà chạy theo chúa Nguyễn. Quan Đốc học làm đơn xin triều đình cưới vợ song triều đình không thuận vì hai lẽ:

- Thứ nhất, đảng ta là đảng vô sản, một đồng chí đảng viên không thể kết hôn với kẻ thù giai cấp.

- Thứ nhì, người phụ nữ kia có cha mẹ phản quốc, bỏ nước chạy theo quân thù. Một đồng chí cách mạng, không thể kết hôn với kẻ thù dân tộc.


Quách Anh Tài không nghe lời đảng, quyết bỏ đảng theo người yêu. Kết cuộc, ông được ở nhà vẽ lông mày cho giai nhân, thỉnh thoảng tham gia đấu cờ quốc tế. Đời người như thế cũng hạnh phúc và vui vẻ chán.

BĂNG TÂM * TRUNG CỘNG ĐẦU ĐỘC THẾ GIỚI

20/12/2016


Bloomberg: Người Trung Quốc đang đưa cả thế giới “từ bàn ăn ra nghĩa địa” như thế nào?

Dù các cơ quan chức năng của nhiều nước đã cố gắng nhưng những món tôm, thủy sản Trung Quốc giúp đưa người tiêu dùng từ bàn ăn đến nghĩa địa nhanh hơn vẫn xuất hiện tràn lan trên thị trường.
 
clip_image002
Ảnh minh họa.

Nếu nhìn từ trên không, vùng đồng bằng sông Châu Giang-Trung Quốc nhìn chằng chịt những khối ao nuôi tôm cá của hàng trăm nghìn hộ dân nằm xen kẽ với hàng loạt các chuồng trại nuôi gia súc. Không có gì khó hiểu khi đây là cùng trung tâm của ngành nông nghiệp nuôi trồng thủy sản tại quốc gia sản xuất nhiều hải sản nhất thế giới.
Ngành nông nghiệp Trung Quốc hàng nghìn năm nay đã quá quen thuộc với hình thức vườn ao chuồng, khi những chất thải của chăn nuôi chuồng trại được làm thức ăn cho cá tôm nuôi. Tuy nhiên, với đà phát triển của kháng sinh cũng như sự đam mê lợi nhuận, mô hình này giờ đây đã bị ảnh hưởng mạnh.
Tại các trang trại ở Giang Môn hay một số vùng Quảng Đông-Trung Quốc, những người nông dân trộn rất nhiều kháng sinh vào thức ăn lợn và chất thải từ những chuồng lợn này với hàm lượng kháng sinh cực cao lại được để nuôi tôm cá.
Thông thường, nông dân Trung Quốc sẽ trộn tối thiểu 3 loại kháng sinh trong thức ăn lợn bao gồm cả Colistin, một chất kháng sinh bị cấm dùng cho chăn nuôi ở Mỹ.
Nếu nhìn những thùng rác quanh các trại chăn nuôi này, người ta có thể dễ dàng thấy vỏ hộp của khoảng 9 loại kháng sinh khác nhau. Trong đó 7 loại bị Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá là có ảnh hưởng rất lớn đến cơ thể người.
clip_image004
Vỏ thuốc kháng sinh bị vứt bừa bãi quanh các trại nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi ở Quảng Đông.
Siêu vi khuẩn và cái chết không báo trước
Hiện tượng lạm dụng kháng sinh đang tạo nên những loại siêu vi khuẩn và bệnh dịch kháng thuốc làm đau đầu các nhà nghiên cứu. Chính phủ Anh ước tính hàng năm có khoảng 700.000 người trên thế giới tử vong do vi khuẩn chống lại được kháng sinh. Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn mà không có hành động từ chính phủ các nước, con số này có thể đạt 10 triệu người mỗi năm vào năm 2050, cao hơn cả số người bị tử vong do ung thư.
Năm 2015, các nhà khoa học đã công bố một thông tin chấn động toàn thế giới. Họ đã phát hiện ra một gen kháng Colistin ở Trung Quốc, qua đó biến hàng tá vi khuẩn và dịch bệnh ở nước này thành những siêu vi khuẩn chống lại kháng sinh hiện hành.
Tồi tệ hơn, kể từ đó đến nay người ta đã tìm được các gen này trong hàng loạt bệnh nhân, thực phẩm hay những mẫu môi trường tại hơn 20 nước khác nhau, đặc biệt là những quốc gia nhập nhiều thực phẩm từ Trung Quốc.
Theo giáo sư Mrtin Blaser của trung tâm y tế Langone-Mỹ và là Chủ tịch hội đồng cố vấn của Tống thống Obama về vấn đề siêu vi khuẩn nhận định chính nguồn thực phẩm Trung Quốc là nguyên nhân lớn nhất khiến cả thế giới bị lây lan rủi ro về siêu vi khuẩn.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khoảng 90% kháng sinh trong thức ăn cho lợn được đào thải qua nước tiểu và phân, vốn là nguồn dinh dưỡng thiết yếu cho chăn nuôi thủy sản ở Trung Quốc. Thêm vào đó, người nông dân cũng trộn cả kháng sinh cho thức ăn chăn nuôi thủy sản, khiến nồng độ thuốc trong tôm cá và nước ao hồ ở đây lên mức cao chưa từng có.
clip_image006
Nông dân Trung Quốc thường trộn rất nhiều kháng sinh vào thức ăn chăn nuôi.
Nguy hiểm hơn, những dòng nước thải của các khu vực chăn nuôi này được xả thẳng ra sông hồ. Cụ thể, những trại chăn nuôi ở Giang Môn xả thẳng nước thải ra lưu vực sông phía Tây Trung Quốc, qua đó làm ô nhiễm toàn bộ vùng đồng bằng sông Châu Giang, bao gồm Quảng Đông, Hồng Kông, Macao, Thẩm Quyến...
Một nghiên cứu năm 2013 cho thấy mỗi năm khu vực sông hồ tại đây nhận khoảng 213 tấn kháng sinh xả thải hàng năm, một con số khiến nhiều người lo sợ.
Số liệu của Liên hợp quốc (UN) cho thấy kim ngạch thương mại thủy sản của Trung Quốc vào khoảng 90 tỷ USD và chiếm 50% giao dịch trên toàn thế giới. Quốc gia này cũng cung cấp khoảng 60% thủy sản cho thị trường toàn cầu và đang là nhà xuất khẩu hải sản lớn nhất thế giới.
clip_image008
Một khu vực chăn nuôi thủy sản tại Quảng Đông.
Ngay cả chính phủ Mỹ cũng đã nhận ra được sự nguy hiểm từ thực phẩm Trung Quốc trong hơn 10 năm qua nhưng họ không thể ngăn chặn hoàn toàn. Một cuộc khảo sát năm 2006 của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đối với hàng thủy sản nhập khẩu Trung Quốc cho thấy có đến 1/4 số mẫu chứa các loại chất cấm hoặc những phụ gia không an toàn.
Vào cùng năm đó, chính FDA đã phải ban hành quy định tất cả các lô hàng tôm và hải sản nhập khẩu từ Trung Quốc phải bị tạm giữ tại cảng chờ xét nghiệm rồi mới được thông qua.
Tuy vậy, quy định này cũng không khiến hàng thủy sản Trung Quốc an toàn hơn tại Mỹ khi các doanh nghiệp có vô vàn cách khác nhau để trốn tránh nhà chức trách, như cách họ đã làm với mặt hàng thép. Theo đó, các công ty này di chuyển mặt hàng thủy sản qua nhiều nước để xóa xuất xứ và nhập khẩu vào Mỹ, một hệ thống tinh vi mà các chuyên gia đánh giá là không khác gì các băng đảng tội phạm đang rửa tiền.

Chính phủ bất lực

Chính quyền Bắc Kinh cũng đã nhận ra tình trạng dùng kháng sinh vô tội vạ tại các trại chăn nuôi và từ năm 2011, Trung Quốc đã thực hiện các chương trình nhằm hạn chế việc sử dụng kháng sinh trong y tế. Kể từ đó, tỷ lệ dùng kháng sinh tại một số nơi như thành phố Thượng Hải đã giảm 31% và mới đây còn có đề xuất cấm sử dụng Colistin trong chăn nuôi tại Trung Quốc.
Dẫu vậy, tình hình đã trở nên quá nghiêm trọng khi Trung Quốc đang là nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao nhất thế giới. Khảo sát trên toàn Trung Quốc cho thấy 42-83% số người khỏe mạnh được thử nghiệm có chứa siêu vi khuẩn đủ khả năng chống lại kháng sinh Penixilin cũng như những biến thể của nó.
Trong khi đó, khảo sát thị trường tại Thượng Hải cho thấy hầu hết các sản phẩm thủy sản ngoài chợ có chứa những vi khuẩn không thể tiêu diệt bằng kháng sinh thông thường. Một nghiên cứu kéo dài trong khoảng 2006-2011 đã thu thập số liệu ở Thượng Hài và có kết luận 1/3 số hải sản ở đây chứa Salmonella, loại vi khuẩn gây viêm dạ dày ở người và điều nguy hiểm là 43% mẫu vi khuẩn tìm thấy ở Thượng Hải có khả năng kháng thuốc mạnh.
Trước đây, nhiều chuyên gia cho rằng sự lây lan của những siêu vi khuẩn chủ yếu thông qua bằng đường du lịch, vận chuyển khi những người nước ngoài tiêu thụ thực phẩm, thuốc ở những nước khác. Dù những nghi ngờ về thực phẩm Trung Quốc là nguyên nhân chính thay vì du lịch đã manh nha từ sớm nhưng chưa có bằng chứng khoa học cụ thể nào chứng minh được điều đó cho đến năm 2015.
clip_image010
Các cửa hàng bán kháng sinh chăn nuôi có khá nhiều tại Trung Quốc với khâu kiểm định chất lượng rất kém.
Khi đó, một nghiên cứu của phòng phân tích vi sinh học quốc gia NML-Canada cho thấy tất cả những mẫu dương tính với siêu vi khuẩn từ các sản phẩm thủy sản đều đến từ Đông Nam Á và Trung Quốc.
Kể từ thập niên 90, lượng tiêu thụ tôm hàng năm của người Mỹ đã tăng gấp đôi và trở thành một món ăn chủ đạo. Vào thập niên 80, phần lớn tôm Mỹ được nuôi trồng trong nước nhưng tình hình này đã phải thay đổi khi nhu cầu tăng quá mạnh.
Trong khoảng 1990-2006, lượng tôm nhập khẩu vào Mỹ đã tăng gấp đôi, đạt khoảng 0,6 triệu tấn mỗi năm hiện nay và khoảng 90% số tôm trên bàn ăn người Mỹ hiện được nuôi trồng từ nước ngoài.
Năm 2003, tỷ lệ tôm nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ đã đạt mức kỷ lục trong 11 năm trước đó với 16% thị phần và đến năm 2004, Bộ Thương mại Mỹ đã phải áp thuế chống bán phá giá 112% cho sản phẩm này.

Một hệ thống không khác gì rửa tiền

Nhằm đối phó với các rào cản thương mại của Mỹ về thực phẩm, các doanh nghiệp Trung Quốc đã xây dựng nên một hệ thống tinh vi nhằm xóa bỏ xuất xứ các hàng thủy sản đông lạnh xuất khẩu.
Theo thống kê của chính phủ Mỹ, lượng nhập khẩu tôm từ Malaysia năm 2004 bất ngờ tăng gấp 10 lần sau khi Mỹ bắt đầu áp thuế chống bán phá giá cho tôm từ Trung Quốc. Lượng tôm nhập khẩu này tăng đều và chiếm tới 5% thị trường tôm tiêu thụ tại Mỹ trong khoảng 2008-2011.
Hiện nhiều quan chức Mỹ cho rằng lượng lớn tôm nhập khẩu từ Malaysia thực chất là từ Trung Quốc bởi nước này sản xuất tôm tùy thuộc vào mùa vụ. Năm 2015, nước này chỉ sản xuất được 32.000 tấn tôm và khoảng 18.000 tấn đã được tiêu thụ trong nước, 12.000 tấn được xuất sang Singapore nên số còn lại không đủ để chiếm lĩnh các thị trường khác.
Một sự trùng hợp thú vị là lượng nhập khẩu thủy sản từ Trung Quốc vào Malaysia lại tăng đột biến trong 10 năm qua với mức bình quân 20.000 tấn/năm.
clip_image012
Năm 2011, 75% số tôm chứa các chất cấm được nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ, chỉ 6% là từ Malaysia. Tuy nhiên năm 2015, có 77% số tôm chứa chất cấm nhập vào Mỹ là từ Malaysia.
Theo các nhà chức trách Mỹ, việc vận chuyển tôm từ Trung Quốc sang Malaysia và đổi giấy xuất xứ là chuyện vô cùng bình thường khi các công ty dịch vụ môi giới có thể hoàn thành thủ tục giấy tờ dễ dàng.
Tháng 4 vừa qua, FDA đã phải cảnh báo có thể sẽ bắt giữ và kiểm tra tất cả các lô hàng tôm, thủy sản từ Malaysia và một số nước để tiến hành xét nghiệm trước mỗi quan ngại làm giả giấy tờ cũng như xuất xứ của các mặt hàng này. Đáp lại, Bộ y tế Malaysia cam kết sẽ thắt chặt việc kiểm soát các nhà máy chế biến tôm cũng như thẩm quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ từ phòng thương mại.
Không dừng lại đó, mặt hàng đông lạnh thủy sản còn được các doanh nghiệp Trung Quốc xuất sang nhiều nước trước khi được xuất khẩu sang Mỹ nhằm tránh sự truy tra của các cán bộ hải quan khi Malaysia đã bị nghi ngờ. Một trong những nước được Trung Quốc nhắm đến hiện nay là Ecuador khi lượng tôm nhập từ Trung Quốc vào đây để tuồn vào Mỹ thời gian qua bắt đầu tăng lên.
Rõ ràng, lợi nhuận của ngành thủy sản khiến các doanh nghiệp Trung Quốc không từ thủ đoạn nào để tuồn những thực phẩm bẩn từ nước họ sang các thị trường khác. Dù các cơ quan chức năng của nhiều nước đã cố gắng nhưng những món tôm, thủy sản Trung Quốc giúp đưa người tiêu dùng từ bàn ăn đến nghĩa địa nhanh hơn vẫn xuất hiện tràn lan trên thị trường.
Theo Trí thức trẻ

TRẦN TRUNG ĐẠO * BỆNH NGHIỆN RƯỢU

Bệnh nghiện rượu dưới chế độ Cộng Sản

Trần Trung Đạo (Danlambao) - Giống như tại Liên Xô, Đông Đức, Ba Lan, giới cầm quyền CSVN cũng sẽ từ chối và cho rằng chẳng lẽ tệ trạng nào cũng đổ lên đầu chế độ hay sao. Thế nhưng, các nghiên cứu cho thấy đúng vậy, cơ chế chính trị CS là nguyên nhân tiềm ẩn sâu xa của bệnh nghiện rượu. Giấu cơn giận trong men cay, ngăn nỗi buồn nơi đáy cốc là thái độ tìm quên tiêu cực nhưng rất phổ biến của người dân thường trước những bất công đang đè lên số phận của họ. Bịnh xã hội như thế chỉ thuyên giảm khi các điều kiện vật chất và tinh thần thay đổi theo một chiều hướng tốt đẹp hơn...

*
Sắp Tết, số lượng rượu bia được tiêu thụ chắc chắn sẽ tăng cao. Câu hỏi đặt ra tại sao Việt Nam là một trong những quốc gia dùng rượu bia cao nhất thế giới?
Nhắc lại, hôm 26 tháng 9, 2016, Báo Vietnamnet đưa tin "Đàn ông Việt uống rượu bia nhiều nhất thế giới". Theo lời Bác sĩ Trần Quốc Bảo, Cục Y tế Dự phòng dẫn chứng cho biết “Nếu tính trung bình, một người nam giới trưởng thành uống khoảng 27,4 lít cồn nguyên chất, đây là con số rất đáng báo động và là một trong số những quốc gia đứng hàng đầu thế giới về tỉ lệ này”.
Cùng lúc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng thốt lên: “Dù nước ta mọi mặt kinh tế, xã hội đều có sự phát triển, nhưng tỉ lệ dùng rượu bia đang tăng quá nhanh so với các chỉ số khác. Nếu không có biện pháp mạnh tay để hạn chế, Việt Nam sẽ là quốc gia đứng đầu thế giới về sử dụng rượu bia”.
Kỷ lục dùng rượu bia tai Việt Nam không phải ngẫu nhiên.
Theo công bố của WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) thuộc Liên Hiệp Quốc, năm 2015, chín trong số mười quốc gia tiêu thụ lượng rượu cao nhất thế giới là những nước cựu Cộng Sản. Các nước này gồm Belarus, Moldova, Lithuania, Russia, Romania, Ukraine, Hungary, Czech Republic và Slovakia.
Lấy nước Nga, từng là nước CS lớn nhất châu Âu để phân tích trước.
Tiêu thụ rượu cao tại Nga có từ thời Sa Hoàng nhưng vượt cao sau Cách mang CS Nga 1917.
Rất nhiều lý do như thời tiết, chiến tranh, nghèo khó v.v... được đưa ra để giải thích việc sử dụng rượu quá cao tại Nga CS. Những giải thích này đều không đứng vững vì sau nội chiến, khi điều kiện sống tốt hơn và những mùa không quá lạnh số lượng rượu được tiêu thụ cũng không giảm bớt.
Tháng Năm, 1985, Gorbachev tung ra chiến dịch toàn quốc chống nghiện rượu. Ông cho rằng nghiện rượu là một trong ba căn bịnh trầm trọng nhất tại Liên Xô, chỉ sau bịnh tim và ung thư. Gorbachev hy vọng việc giảm lượng rượu được dùng sẽ giúp gia tăng năng suất, nhưng kết quả trái ngược, thu nhập lợi tức từ rượu của chính phủ có giảm nhưng mức sản xuất không tăng một cách tương ứng.
Thực tế đó cũng đã xảy ra tại Ba Lan. Trong phóng sự điều tra của báo Christian Science Monitor phát hành ngày 3 tháng 3, 1981 khi chế độ CS Ba Lan còn rất mạnh, một trong những căn bịnh xã hội trầm trọng nhất tại Ba Lan là nghiện rượu. Mười phần trăm trong số mười hai triệu công nhân Ba Lan say rượu mỗi ngày. Nhà cầm quyền CS tăng giá rượu cao với hy vọng số lượng rượu được tiêu thụ sẽ giảm, nhưng không, lượng rượu được dùng đã không giảm bớt.
Tại Đông Đức, theo nghiên cứu của sử gia Thomas Kochan trong tác phẩm "The Blue Strangler - Drinking habits in the GDR”, Đông Đức trong thời kỳ CS tiêu thụ rượu cao nhất châu Âu và gấp đôi Tây Đức. Chữ “The Blue Strangler” trong tác phẩm của ông là hiệu rượu vodka Đông Đức có 40% cồn. Lương trung bình của một công nhân Đông Đức khoảng 500 Marks trong lúc một chai rượu Cognac giá 80 Marks. Trong số những người nghiện rượu hạng nặng có cả các ủy viên Trung ương đảng hay ủy viên Bộ Chính trị CS Đông Đức như trường hợp Alfred Neumann.
Tại Trung Cộng, theo công bố của WHO vào tháng 12, 2012 “Alcohol and alcohol-related harm in China: policy changes needed”, số người uống rượu tại Trung Cộng cao hơn phần lớn nhân loại với 55.6 phần trăm đàn ông và 15 phần trăm đàn bà uống rượu. Hiện nay, Trung Cộng là một trong những nước sản xuất bia nhiều nhất thế giới. Uống rượu trong giờ làm việc cũng là một tình trạng phổ biến tại Trung Cộng và tình trạng này gắn liền với tham nhũng, hối lộ trong giới chức nhà nước. Nhiều nghiên cứu cho thấy mức độ bịnh gan có liên quan đến rượu nơi giới viên chức nhà nước CS cao hơn nhiều so với giới dân thường. Ngay cả báo đảng Nhân Dân Nhật Báo cũng thừa nhận tình trạng uống rượu trong lúc làm việc và viết hàng loạt phóng sự về vấn đề này.
Các phân tích đó cho thấy cơ chế chính trị Cộng Sản là một tương quan nổi bật giữa các nước CS Liên Xô và Đông Âu trước đây cũng như Trung Cộng và CSVN hiện nay. Các thể hiện của tương quan này:

- Mượn rượu giải sầu: Nhiều công nhân, nông dân dưới các chế độ CS mượn rượu để làm lối thoát cho lòng tổn thương, thất vọng. Sự thất bại của các chính sách cai nghiện rượu cho thấy việc giải quyết không đơn giản là tăng giá như chính phủ Ba Lan hay Liên Xô đã làm nhưng phải áp dụng các cải cách chính trị kinh tế căn bản.

- Say rượu là một biểu hiện của thái độ trốn chạy thực tế (escapism): Lý do chính như Michael Binyon trong nghiên cứu Life In Russia xuất bản vào thập niên 1980 cho rằng nhiều người Nga uống rượu chỉ để say. Họ tuyệt vọng khi đối diện với một “khoảng trống tinh thần”, một xã hội không còn có những giá trị văn hóa của đất nước họ đã từng có trong lịch sử trước đó.
- Điều kiện sống: Nhà ở chật chội, lương bổng thấp, thiếu thốn mọi thứ cần thiết và sống trong bóng tối theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng đã đẩy người dân chọn rượu như là phương tiện “giải trí” dễ có nhất. Trong một xã hội thiếu thốn những món hàng căn bản trong đời sống hàng ngày của con người nhưng lại có đầy đủ rượu. Giới cầm quyền CS từ chối nguyên nhân này nhưng thực tế đó đã được rất nhiều nghiên cứu rút ra khi so sánh đời sống của công nhân dưới hai xã hội tự do và CS.

- Giới cầm quyền CS không quan tâm đến sức khỏe của người dân: Đối với giới cầm quyền CS, thu nhập và thuế do việc tiêu thu rượu đem lại quan trọng hơn là sức khỏe của người dân. Vladimir Treml, một nhà kinh tế thuộc cựu Nga CS đang làm việc tại Duke University cho biết “Hơn sáu mươi năm, thuế rượu đem lại 12 phần trăm đến 14 phần trăm thu nhập của nhà nước” và do đó nhà nước CS khuyến khích hơn là ngăn chận tệ nạn lạm dụng rượu tại Liên Xô.
Chế độ CS đã sụp đổ tại Châu Âu nhưng những căn bệnh xã hội do cơ chế gây ra đã trở thành một lối sống, một văn hóa xã hội chủ nghĩa tại những nước này và không thể dễ dàng thay đổi.
Giống như tại Liên Xô, Đông Đức, Ba Lan, giới cầm quyền CSVN cũng sẽ từ chối và cho rằng chẳng lẽ tệ trạng nào cũng đổ lên đầu chế độ hay sao. Thế nhưng, các nghiên cứu cho thấy đúng vậy, cơ chế chính trị CS là nguyên nhân tiềm ẩn sâu xa của bệnh nghiện rượu.
Giấu cơn giận trong men cay, ngăn nỗi buồn nơi đáy cốc là thái độ tìm quên tiêu cực nhưng rất phổ biến của người dân thường trước những bất công đang đè lên số phận của họ. Bịnh xã hội như thế chỉ thuyên giảm khi các điều kiện vật chất và tinh thần thay đổi theo một chiều hướng tốt đẹp hơn.
20.12.2016


TRẦN THẢO * LŨ MIÈN TRUNG

Lũ lụt Miền Trung

Ảnh Xóm nhiếp ảnh
Các bạn thân mến.
Năm ấy tôi lên sáu tuổi. Tôi là cậu bé ở một vùng quê của dải đất miền trung nghèo nàn, cơ cực. Trời mưa liên tiếp mấy ngày, tôi đứng bên hiên nhà, nhìn chung quanh nước tràn bốn phía, màu nước đục vàng đe dọa. Thuở đó, làm gì có tin tức khí tượng được lan truyền tới những vùng quê, vẫn còn quen thuộc với ánh sáng của ngọn đèn dầu hôi. Người dân quê miền trung nước Việt chỉ đoán định thời tiết nhờ vào kinh nghiệm của bản thân hay của ông bà truyền lại.

Nếu tôi nhớ không lầm, trận lụt ghê gớm năm đó xảy đến vào tháng Mười năm 1964 thì phải. Nhìn cơn mưa càng lúc càng dai dẳng, Ba tôi rất lo lắng. Ông bảo Mẹ tôi và chị Bảy, lớn hơn tôi ba tuổi, lo vun vén đồ đạc trong nhà, những thứ như gạo, lúa, quần áo hay giấy tờ không thể nào ngâm trong nước, tất cả được chuyển dần lên trên gác lửng.
Sáng hôm ấy, mực nước ngoài sân từ từ dâng cao. Ba tôi không còn chờ cơn mưa dứt và nước sẽ rút đi khi nhìn màu trời xám xịt, ẩm thấp. Ba tôi đội áo mưa, cầm rựa ra vườn, lựa những thân chuối hột khá lớn, ông đốn chúng và trẩy lá, chỉ để thân chuối. Tôi còn nhỏ quá, nhưng đứng cạnh đó, Ba sai gì thì tôi làm nấy. Ba đóng sáu thân chuối lại làm thành chiếc bè, có thể di chuyển trên mặt nước. Gần trưa, nước đã khá cao, nếu tôi đứng ngoài sân thì đã cao quá đầu. Nhà tôi ở gần đường xe lửa, từ con dốc đường rây vào tới nhà tôi khoảng chừng hơn trăm mét. Thế nên chiếc bè chuối mà Ba tôi mới đóng, chỉ là để dùng đưa cả nhà và những vật dụng tối cần như gạo, mắm, muối, hột vịt v.v... từ trong nhà ra tới con dốc đường xe lửa, không xa lắm. Lúc đó không có mái chèo, mà dẫu có mái chèo, Ba tôi cũng không rành chèo chiếc bè như người dân trong miền tây nam bộ, ông ngâm mình trong nước đẩy chiếc bè có Mẹ tôi, chị Bảy và tôi trên đó từ từ ra phía con dốc. Thời gian đó không có các anh lớn của tôi ở nhà vì đã ra ngoài thị xã trọ học.
Chúng tôi đi lên con dốc cao, từ nơi này, nhìn ra cánh đồng ruộng phía bắc, tất cả đều một màu vàng đục của nước lũ. Tôi mang bọc nhỏ quần áo và cái mền, sức của tôi chỉ chừng đó, bước thấp bước cao theo chân chị Bảy và Ba Mẹ, dọc theo đường rây xe lửa, đi về hướng Nam. Đi bộ hơn hai cây số, chúng tôi đã đến nơi cần đến, đó là một ngôi chùa được xây cất trên một ngọn đồi khá cao đối với tôi lúc đó. Dọc đường, đầu óc thơ ngây của tôi lần đầu tiên thu vào những hình ảnh thê thảm mà tôi vẫn nhớ hoài. Trước mắt tôi, những con heo, bò, chó và đồ gia dụng của cư dân trong thôn làng trôi theo giòng nước hung hãn của cơn lũ. Những cái đầu heo, đầu bò lúc còn lúc mất, chập chờn trên mặt nước với những tiếng kêu tuyệt vọng, thảm thiết. Sau này mỗi khi nhớ lại lần tản cư tránh lũ năm ấy, tôi đều cảm thấy may mắn, vì nếu lúc đó tôi nhìn thấy thảm cảnh con người bị trôi đi trong cơn lũ, không biết tôi còn bị ám ảnh tới đâu!
Trong chùa có nhiều gia đình đã đến trước chúng tôi. Sư thầy và mấy chú tiểu giúp chúng tôi sắp xếp chỗ ở tạm. Quanh chùa, tôi thấy những nồi cơm bắc trên mấy cái kiềng ba chân, củi đốt là những thân cây ẩm nước khiến khói bốc lên mù mịt. Mưa vẫn không ngớt, bầu trời còn nguyên màu xám xịt. Bữa cơm mùa lũ với cơm và hột vịt luộc dằm mắm mà sao tôi nghe nó ngon quá chừng. Ba Mẹ tôi không ngớt lo lắng vì hoa màu và lúa ngoài đồng ruộng đã gần tới mùa gặt mà bị lũ thế này thì có khác gì mất trắng. Riêng tôi, thuộc hạng lo chưa tới, cứ thế mà ngủ khì trong đêm đó.
Tôi nhớ rằng gia đình tôi đã ngủ ở trên ngôi chùa đó trong hai ngày. Khi trời dứt mưa, nước bắt đầu rút đi, chúng tôi chân thành cảm ơn Sư Thầy và bắt đầu hồi cư về làng.
Bước chân vào trong sân, tôi kinh ngạc nhận ra sự tàn phá của cơn lũ. Trong sân, trên nền nhà nhầy nhụa bùn đất. Vật dụng trong nhà cái còn cái mất. Mấy con gà mẹ tôi nuôi, nhờ bay lên cành cao ngủ trên đó thì còn, riêng mấy con heo thì mất tiêu. Căn nhà trong lúc bình thường thì ấm áp với hơi người, với bếp lửa, bây giờ đứng giữa căn nhà sau cơn lũ tôi thấy trống vắng và lạnh lùng phát sợ. Tôi còn nhớ hôm đó tôi bị nhiễm lạnh và phát sốt, trên thân mình nổi mề đay ngứa ngáy, cũng may có lẽ chỉ là dị ứng bình thường, chứ không có gì nghiêm trọng.
Thuở đó, miền trung mùa hạ nắng lửa nung trời, mùa đông lũ lụt là chuyện bình thường, nhưng cơn lũ năm đó quá lớn đã khiến người dân miền trung Việt Nam bàng hoàng với những tổn thất về nhân mạng, về nhà cửa hoa màu. Tuy vậy nỗi khốn khổ vì lũ lụt miền trung thập niên 60 so với tình trạng lũ lụt cả nước bây giờ thì chả có gì là ghê gớm. Rõ ràng đã có những hiện tượng cực kỳ bất thường đang xảy ra trên đất nước của chúng ta. Thành phố Sài Gòn ngày nay, chỉ cần mưa không dứt trong vòng một tiếng đồng hồ, thì ngoại trừ những khu đất khá cao, tất cả nẽo đường đều chìm trong nước. Hiện tượng này, theo những người am hiểu địa thế của thành phố Sài Gòn, là do sự thiếu hiểu biết trong việc quy hoạch xây dựng những công trình, những khu gia cư. Những giòng chảy để nước lũ rút nhanh bây giờ đã bị những công trình, những khu chung cư chận lại, hỏi làm sao không gây ra ngập lụt đường phố? Những người CSVN, sau khi thắng trận năm 1975 đã có niềm tự hào của một anh nhà giàu mới nổi, cứ "duy ý chí" một cách ngu đần rằng ta đây đánh thắng hai đế quốc sừng sỏ thì việc gì cũng ở trong tầm tay. Những đề nghị, những ý kiến xây dựng hữu ích của những người, tuy không ưa gì CS nhưng nghĩ đất nước giờ đã hoà bình, cần đóng góp xây dựng, hoàn toàn không lọt vào tai những kẻ ngu, cứ hỉnh mặt lên, lấy cái vốn bổ túc văn hóa của mình ra để dạy đời cho thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư miền Nam. Tình trạng ngập lụt mỗi khi mưa lớn của đường phố Sài Gòn hiện nay là kết quả tất yếu của một đường lối hành chính, quy hoạch ngu xuẩn.
Còn miền Bắc và miền Trung Việt Nam thì riêng năm 2016 đã có những hiện tượng rất bất thường. Chưa có năm nào mà tình trạng lũ chồng lũ lại gây tác hại nghiêm trọng về nhân mạng, của cải, hoa màu như thế. Từ đầu năm 2016 đến nay mà chỉ riêng miền trung, đã có hơn 250 người chết và mất tích, thiệt hại nói chung là hơn 70 triệu US dollars. Lý do, một phần do nền kỹ nghệ nặng sản xuất vượt mức trong khu vực, khiến khí thải tuôn vào không gian, làm thay đổi thời tiết, khí hậu, một phần quan trọng khác chính là nạn phá rừng cực kỳ nghiêm trọng. Theo một số liệu không chính thức, diện tích rừng của Việt Nam trong mấy mươi năm qua hiện còn chưa tới 1/3. Quan tham cấu kết với lâm tặc, thi nhau khai thác rừng bừa bãi, chả thèm để ý gì tới lợi ích về lâu về dài của đất nước, của dân tộc. Cây rừng giúp hút và giữ nước để tránh nạn nước lũ chảy về đồng bằng miền trung Việt Nam bây giờ hầu như đã tàn, nước lũ không có gì ngăn cản, hỏi sao không ngập lụt. Lại thêm những đập thủy điện, mỗi khi mưa nhiều, sợ vỡ đập, cứ xả lũ vô tội vạ, không cần kế hoạch điều tiết gì, cũng không cần thông báo trước cho cơ quan xã, huyện địa phương. Chỉ để cận giờ, nhắc điện thoại nói qua loa cho xong, gọi là đúng quy trình, sau đó xả lũ thẳng tay, mặc cho người dân đen lúng túng, không đủ thì giờ vun vén những vật dụng cần thiết tránh lũ.
Mấy tháng trước, Hà Tĩnh chịu nhiều thiệt hại của lũ, gây ra bởi thiên tai, cộng với nhân tai là việc xả lũ vô trách nhiệm của Đập Thủy Điện Hố Hô, gây ra thảm cảnh người chết, nhà xiêu, hoa màu, gia súc thất tán. Thế mà tên tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, chủ tịch của cái hội tư vấn khoa học công nghệ gì đó dám khoe cái mất dạy, vô lương, ngu dốt của mình khi câng câng cái mặt tuyên bố: "Nước xả ấy có phải của Hố Hô không? Không phải, vì bản thân hồ không sinh ra nước, mà chỉ xả hết nước lũ mà hồ không thể chứa được." Không biết tên này nó ăn cái giống gì mà nó ngu xuẩn phát sợ! Chính vì chế độ có quá nhiều đứa ngu như nó, nhiều đứa tham lam như nó mà trong mấy ngày qua, người dân Bình Định đã trải qua những bi thảm mà ai nghe đến cũng nghẹn lòng. Một bé trai 11 tuổi, vì lũ lụt nên trường cho về sớm, em đã vĩnh viễn không về được tới nhà. Một cô công nhân 23 tuổi cũng tan ca về sớm với chồng con, cô cũng vĩnh viễn ra đi, để lại bé con 2 tuổi. Tôi đọc tin tức mà nghẹn ngang. Chế độ cứu trợ vật phẩm, gạo, mì gói, đặc biệt là 1500 tấn muối. Từ những kinh nghiệm của những toán cứu trợ lũ Hà Tĩnh kỳ vừa rồi, tôi không biết mỗi gia đình có nhận được vài gói mì, vài hạt muối hay tất cả đều về trú ngụ tại mấy nhà xã trưởng, thôn trưởng? Tôi không tùy hứng nói sảng đâu! Kỳ lũ Hà Tĩnh, khi đoàn cứu trợ ra khỏi làng, những tên cán bộ mặt heo đã không đến thu bớt tiền cứu trợ lũ lụt đó sao?
Các bạn thân mến.
Mấy mươi năm qua, trong chế độ CSVN, cái tình giữa người với người đã trở nên mong manh như sợi chỉ. Những truyền thống yêu thương, tình anh em, nghĩa đồng bào, đã bị cái chủ nghĩa thực dụng khốn nạn của tập đoàn CS làm cho thui chột. Con người duy lợi, vô cảm trước khốn cảnh của tha nhân. Tôi hoàn toàn không cường điệu nói ẩu, mà tình trạng đen tối đó thực sự đang tràn lan trên mảnh đất này. Hiện giờ chế độ khốn nạn đang nắm quyền, và ước vọng chính đáng của toàn dân Việt Nam là mong cho chế độ đó lụi tàn sớm ngày nào hay ngày ấy. Nhưng ngay cả khi mấy tên cộng sản đó đội nón ra đi, thì người dân Việt Nam chúng ta cũng sẽ mất hàng 10 năm, 20 năm để xây dựng lại niềm tin, xây dựng lại những truyền thống tốt đẹp của dân tộc chúng ta. Hành trình nào cũng có điểm khởi đầu. Chúng ta hãy khởi đầu ngay hôm nay.
Hãy vì đồng bào miền trung của chúng ta đang trong cảnh khổ mà chia cơm xẻ áo. Ở vị trí của mỗi người trong chúng ta, hãy tìm hiểu phương cách hữu hiệu và thực dụng nhất, góp chút lòng cho đồng bào miền trung. Cá nhân tôi cũng đâu khác gì các bạn. Cũng chỉ là một tấm lòng, quan tâm tới vận mệnh của đất nước và đồng bào.

TÔ HẢI * ĐỌC BÁO CỘNG

Lần đầu tiên đọc báo đảng mà mình vừa rơi nước mắt vừa buồn... cười!

Tô Hải (Danlambao) - Chỉ mới hôm qua, đọc trên báo Đảng, có chuyện buồn... cười về tình trạng bi-hài trong giới văn nghệ... Đó là: Ông Tổng thư ký Hội Nhà Văn công khai trên báo chí: "Sẽ tính đến chuyện bán cả 2 trụ sở Hội làm nhà hàng khách sạn để lấy tiền hoạt động trước nguy cơ Hội phải giải tán vì nhà nước cúp tài trợ!" Chả khác gì: "Không chịu chi tiền cho chúng em thì chúng em đành... nghỉ sáng tác vậy”!
Một chuyện "làm mình làm mẩy" đến nực cười!...

Nhưng, hôm nay, mở tờ Tuổi Trẻ lại có một tin về văn hóa nghệ thuật động đất, động trời chưa từng xảy ra tại đất nước VN. Một tin làm cả hàng ngàn văn nghệ sỹ chân chính không thể không thét lên: "có thế chứ!", bởi tính chất "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" của nó rõ ràng là đã quá....” tích cực”, dù cái thể chế hiện nay người ta đang hô hào tiếp tục "đổi mới", nhưng... nói thẳng ra rằng: nó đang ngày càng đâm đầu vào bụi rậm mà chẳng tìm ra cái ný sự cùn nào để khẳng định nó là dơi hay là chuột!. Bài báo như sau:
Tớ hăm hở, cố đeo kính chống mù, đọc đi, đọc lại mà chẳng để ý gì đến trên má mình đã từ từ chảy xuống những giọt nước mắt đọng lại trên mi từ khi đọc đến 2 cái tên mà mình quá quen thuộc...
Đó là 2 họa sỹ - bạn già - cùng phục nhau vì đồng lý tưởng khao khát tự do cho sáng tác nên phải sống cực khổ cho đến chết mà vẫn bị coi là "phần tử chống đối giai cấp!” Tuy không bị đi cải tạo như anh em “Nhân văn- giai phẩm” nhưng họ cũng bị suốt đời kềm kẹp do đã "dám liều mình" xin ra khỏi cơ quan nhà nước, dám không sinh hoạt ở các Hội chính trị - nghề nghiệp mà Đảng đã dựng nên để kiểm soát về nội dung tư tưởng trong tác phẩm và cả trong suy nghĩ, lới ăn, tiếng nói, tác phong sinh hoạt của mỗi cá nhân nghệ sỹ...
Riêng đối với một số văn nghệ sỹ quyết tâm rời bỏ cơ quan nhà nước, không lương bổng, tem phiếu, không có ai quản lý này thì... chẳng còn ông bí thư hay thủ trưởng nào ngăn cản được họ vẽ cái gì? vẽ theo trường phái nào?. Không cho triển lãm, thì treo tranh ở nhà... nhà chật chội thì đem treo ở nhà bạn bè hoặc xếp hàng đống dưới gầm giường! (như Lưu công Nhân thời ở khu tập thể Văn Chương)
Riêng mình, có hai người thân quen nhất lần này có tên trong ba họa sỹ đã quá cố (*) được đánh giá lại giá trị, tài năng qua tác phẩm bằng buổi bán đấu giá tới mấy chục ngàn USD một bức tranh, làm mình cảm động nhất vì nó gợi lại cả một thời kỳ văn nghệ sỹ miền Bắc phải viết, vẽ, diễn,... theo ý Đảng để được... hưởng lương và được mua lương thực, nhu yếu phẩm theo tem phiếu.
Đấu giá tranh tiền cả mấy chục ngàn đô-la của họa sỹ VN đã qua đời 
Ơi! Trần Đông Lương ơi, cậu chết trước tớ nên chả biết được lúc này tớ khóc thầm cho cậu vì đang nghĩ đến cái cảnh cậu ì ạch vác đến tận nhà tớ bức tranh mà cậu biết là tớ thích! Cậu tặng tớ mà tớ thì không dám lấy vì mua nó tớ cũng chả dám đề cập đến nữa là; Tớ nói: "Ông định trả ơn tôi về mấy chục kí gạo tôi mang đến cho chị và các cháu đấy à! Tranh này, gặp dịp có thể bán được cả ngàn đô-la chứ chẳng đùa đâu" Ai ngờ cậu nói "Ơn huệ cái mẹ gì! Lúc khó khăn này tình nghĩa anh em mình, cả triệu đô la cũng chẳng mua được ấy chứ, còn tranh tớ, dưới quyền lãnh đạo của mấy ông bần cố nông này thì có đến mùa quýt cũng chăng ai dám bỏ ra lấy một trăm đô mà mua tranh bọn mình! Toàn con gái, chim hoa, lá, cá cả mà!"... Thế mà...
Đông Lương ơi! Hôm 17/12/2016 vừa rồi, tại ngay đất Sài-Gòn này bức "Chân dung thiếu nữ" chì trên giấy của cậu đã được mua với giá hai mươi ba ngàn đô-la đấy!
Chỉ tiếc rằng: Lúc này đây cậu đã mang theo mối hận về trời và không hiểu có phải các cháu nó đứng ra bán hay lại qua tay một người "mua rẻ" bằng gạo cứu đói như mình?
Còn ông bạn già hoạ sỹ Lê Văn Xương thì lại trong một hoàn cảnh đặc biệt khác. Ông không đi kháng chiến chống Pháp mà đi triển lãm tranh chân dung Việt Nam ở tận Paris. Đặc biệt ông có tài vẽ chân dung, rất nhanh, rất sống động và nhấn được cá tính nhân vật qua mầu sắc và ánh sáng... Nhưng mấy ông cách mạng hỏi ông về bằng cấp thì... chưa tốt nghiệp Mỹ Thuật Đông Dương nhưng đã được người Tây mời đi triển lãm! Và thế là ông cứ phất phơ yên lặng làm nghề vô cùng nổi tiếng. Nhưng tranh, tượng của ông "không theo đường lối vô sản", không phục vụ kịp thời mọi nhiệm vụ chính trị nào mà Đảng đang để ra cả!... Ông ở khu phố lại kiếm ra tiền bằng nghề vẽ và nặn tượng bất cứ ai ông yêu thích nên họ "đấu tố" ông đủ điều... Cuối cùng, để yên thân, ông xin vào cơ quan mà mình mới được Quân Đội "tăng cường" cho bên Nhân Đân(!?): Nhà xuất Bản Mỹ Thuật Âm Nhạc. Thế là mình... để ý đến cái ông già suốt ngày mẩu thuốc là dính mép, cặm cụi nặn bác Hồ bằng thạch cao, cái nào cũng y hệt cái nào, nằm tầng tầng lớp lớp trong căn phòng chưa được 40 mét vuông của Ban Nặn Tượng gọi cho sang trọng là Tổ... Tạo Hình! Nghệ thuật tạo hinh đồng loạt của nhà nước sản xuất ra để “bán cũng như cho mà! Văn Xương chấp nhận về làm việc ở chỗ đó, theo hợp đòng như một người “thợ lành nghề”, chẳng nói, chẳng rằng cho đến hết giờ hành chính, không đến muộn cũng như chẳng về sớm bao giờ!. Riêng với mình, thấy mình hơi... "khác đời", thỉnh thoảng ông cũng tâm sự về cái sự “yên lặng là vàng của ông” Rằng thì là: vì có cơ quan kiểm soát rồi thì về nhà sẽ tha hồ... kiếm ra vàng,... Hai con người trong ông cứ thế song song tồn tại. Cho đến ngày 30/4/1975 thì ông hủy hợp đồng làm việc với cơ quan..., Về Sài Gòn ông mở một xưởng vẽ và làm tượng đủ kiểu cho bất cứ ai com-măng trả tiền!... Chả lệ thuộc vào ai. Cơ sở của ông ở ngay mặt tiền Nguyễn Đình Chiểu, không lúc nào vắng khách đặt hàng... Ông sống phây phây trước mọi khó khăn của xã hội những thập niên 70-80... Tuy vậy, thỉnh thoảng ông cũng hy sinh chuyện "vắt đất ra tiền" để buộc đồ nghề trên pooc-ba-ga xe đạp đi đây đó vẽ cho đỡ nhớ! Một địa chỉ mà ông thường đến thăm là cái chuồng cu 23 Lý Tự Trọng của mình, mà bà xã sau này của mình thường được nhờ làm mẫu với cái giá.. "Vẽ 5 cho chọn lấy 2!" Kể cũng thỏa đáng!
Và đây lão nghệ sỹ Văn Xương không có tiền thuê người mẫu, 
chỉ vẽ con cháu và ai muốn vẽ free thì cứ... “vẽ 5 tranh chọn 2”

Đây tranh của họa sỹ Trần đông Lương, người nghệ sỹ tài năng 
mà cả nhà phải "đoi sắc" vì dám xin ra khỏi biên chế để được tự do sáng tác!
Hôm nay, báo đăng tranh lụa "Thiếu Nữ" của Lê văn Xương do chính con ông kiêm người mẫu trong tranh đứng ra bán được HAI MƯƠI HAI NGÀN NĂM TRĂM USD, mình bỗng nhớ tới những ngày cùng ông sống chung một cơ quan,... Một họa sỹ đảng không công nhận nhưng... cứ yên lặng ngậm chặt chữ “Nhẫn”, kín tiếng suốt ngày để làm nghệ thuật ăn lương nhà nước và về nhà thì... làm nghệ thuật theo cái đầu và con tim của mình!
Cho tới giờ, tôi càng cảm phục tài năng, sức chịu đựng, tác phong làm việc của ông, và nhân dịp giá trị đích thực của một nghệ sỹ chân chính đã được đánh giá lại, tôi bỗng nhớ ông vô cùng ông Xương ơi!... Giá mà ông còn sống để mà hưởng cái sự "tự chuyển hóa", "tự diễn biến" không gì cưỡng nổi trong làng văn nghệ cánh ta lúc này!...
(*) Riêng với họa sỹ Lê Phổ, một trong ba họa sỹ đã quá cố, có tranh bán được giá cao ngày 17.12 vừa qua, do mình không quen, không biết tác phẩm của ông nên xin phép được miễn bàn.