Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Wednesday 28 October 2020

 

Xếp hạng quân sự các nước trên thế giới

4
Ảnh mimh họa. Wikipedia

Mời quí vị vô trang Hỏa Lực Toàn Cầu (1), họ xếp hạng 138 nước trên thế giới về quân sự, đứng đầu là Hoa Kỳ và đứng chót cùng là Bhutan một nước Phật giáo phía Nam châu Á. Dân số Bhutan khoảng 766,397 người, chưa được một triệu, nằm ở phía đông Hi Ma Lạp Sơn, tiếp giáp với Tây Tạng ở phía Bắc. Quân số có 7,000 người, Vương quốc này chưa hề bị nước nào xâm lược.

Người ta xếp hạng các nước theo các tiểu chuẩn Vũ khí, Ngân sách quốc phòng, Tổng sản lượng GDP, Dân số, Hải, Lục, Không quân …ngoài ra chúng ta có thể tìm trên Wikipedia hay các trang khác để biết thêm về quân sự các nước (Thí dụ Wikipedia: People’s Liberation Army Navy, Wikipedia: Nuclear weapons and the United States, Wikipedia: Military budget of China … ). Nói chung tương đối chính xác

Thứ tự mới nhất năm 2020 được xếp hạng như sau (2020 Military strength Ranking):

Thứ nhất Mỹ

Thứ nhì Nga

Thứ ba Trung Cộng

Thứ tư Ấn độ

Thứ năm Nhật

Thứ sáu Nam Hàn

Thứ bẩy Pháp

Thứ tám Anh

Thứ chín Ai Cập

Thứ mười Brezil (Ba Tây)

Thứ 11 Thổ Nhĩ Kỳ, thứ 12 Ý, thứ 13 Đức, thứ 14 Iran, 15 Pakistan, 16 Nam Dương … vân vân

Do Thái thứ 18, Việt Nam thứ 22, Bắc Hàn thứ 25, Đài Loan thứ 26. . .

Một vài số thống kê về Quân sự của Mỹ: Máy bay quân sự 13,264 chiếc, Hải quân có 490 tầu chiến, 20 Hàng không mẫu hạm, gồm 11 HKMH 100 ngàn tấn và 9 HKMH trung bình cho máy bay lên thẳng và trực thăng. Ngân sách quốc phòng 750 tỷ Mỹ kim

Ngoài Mỹ ra trong số 9 nước top ten còn lại (mạnh nhất) gồm Nga, Tầu, Ấn, Nhật, Nam Hàn, Pháp, Anh, Ai Cập, Brezil. Chúng ta sẽ lần lượt kể một số thống kê về các nước này như sau:

Nga có 4,163 máy bay quân sự, Hải Quân có 603 tầu, một Hàng không mẫu hạm, Ngân sách quốc phòng 48 tỷ. Khoa học quốc phòng của Nga đứng thứ nhì sau Mỹ. Nga được xếp thứ nhì nhờ kho vũ khí cũ để lại, nhất là vũ khí nguyên tử.

Trung Cộng có 3,210 máy bay quân sự. Hải Quân có 777 chiến hạm,. Ngân sách quốc phòng 237 tỷ

Ấn Độ có 2,123 máy bay quân sự, 285 tầu chiến, 1 Hàng không mẫu hạm, Ngân sách quốc phòng 61 tỷ.

Nhật có 1,561 máy bay quân sự, 155 tầu chiến, 4 Hàng không mẫu hạm, Ngân sách quốc phòng 49 tỷ

Nam Hàn có 1,649 máy bay quân sự, 234 tầu, 2 hàng không mẫu hạm, Ngân sách quốc phòng 44 tỷ

Pháp có 1,229 máy bay quân sự, 180 tầu chiến, 4 Hàng không mẫu hạm, Ngân sách quốc phòng 41 tỷ

Anh có 733 máy bay quân sự , 88 tầu chiến, hai Hàng không mẫu hạm, Ngân sách quốc phòng 55 tỷ

Ai Cập có 1,054 máy bay quân sự , 316 tầu chiến, hai Hàng không mẫu hạm, Ngân sách quốc phòng 11 tỷ

Breazil (Ba Tây) có 715 máy bay, 112 tầu chiến, Ngân sách quốc phòng 27 tỷ

Họ chỉ cho chúng ta biết số lượng nhưng không nói về mặt phẩm, thí dụ Hoa Kỳ có 490 tầu chiến tầu tối tân, hỏa lực mạnh. Hoa Lục có 777 tầu chiến, nhiều hơn Mỹ nhưng một số lớn là giang đĩnh chạy trong sông (brown-water-navy) và tầu cận duyên (green-water-navy). Họ chỉ có một số tầu hiện đại mới đóng, còn phần nhiều do Nga viện trợ từ thời chiến tranh lạnh.

Về phi cơ quân sự cũng vậy, Mỹ có 13,264 máy bay tối tân trong khi máy bay các nước khác như Ai Cập, Ba Tây, Hoa Lục … không tốt về mặt phẩm so với Mỹ

Ngân sách quốc phòng của Mỹ 750 tỷ, còn nhiều hơn tổng số NSQP của 9 nước top ten (quân sự mạnh nhất) cộng lại như Nga, Trung Cộng, Ấn, Nhật, Nam Hàn, Pháp, Anh, Ai Cập, Brezil, tổng cộng chỉ có 573 tỷ

Về Hàng không mẫu hạm, chỉ riêng Mỹ có 11 cái 100 ngàn tấn, tối tân và 9 HKMH trung bình cho phi cơ phản lực lên thẳng và trực thăng. Các nước khác chỉ có những HKMH cũ, loại trung bình dưới 60 ngàn tấn. Đóng HKMH đòi hỏi không những kỹ thuật cao mà còn rất tốn kém, theo lời bà Giao Phan, người Mỹ gốc Việt là người đã phụ trách đóng tầu Gerald Ford mấy năm trước, trị giá của nó nay khoảng 14 tỷ.

Trang Hỏa lực toàn cầu không nói tới vũ khí Nguyên tử vì nó không được xử dụng và rất nguy hiểm nhưng trên Wikipedia ta có thể tìm được một số chi tiết trong Nuclear weapons and the United States.

Mỹ là nước đầu tiên và duy nhất nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử, các nước khác hoặc đánh cắp tài liệu như Nga, Trung Cộng hoặc được Mỹ giúp đỡ chế tạo… Mỹ cũng là nước duy nhất đã xử dụng bom nguyên tử trong chiến tranh (1945). Về số lượng, Mỹ là nước có nhiều đầu đạn nguyên tử nhất.

Từ 1940 tới 1996, trong 56 năm Mỹ đã chi 8,890 tỷ Mỹ kim (theo giá tiền ngày nay) trong việc chế tạo vũ khí nguyên tử. Người ta ước lượng từ 1945 Mỹ đã chế tạo hơn 70,000 đầu đạn nguyên tử, nhiều hơn tổng số đầu đạn nguyên tử của các nước trên thế giới cộng lại. Sô Viết đã chế khoảng 55,000 đầu đạn NT từ 1949, Pháp chế 1,100 đầu đạn NT từ 1960, Anh chế 835 đầu đạn NT từ 1952, Trung Cộng chế 600 đầu đạn từ 1964, các nước khác chế tổng cộng khoảng 500 đầu đạn. Từ 1962 Mỹ thử bom nguyên tử dưới đất (thôi thử trên mặt đất). Kho vũ khí NT của Mỹ nhiều nhất là 31,355 đầu đạn vào năm 1967, nay chỉ còn 4,018.

Năm 1964 Trung Cộng thử bom nguyên tử lần đầu tiên, năm 1967 họ thử bom khinh khí lần đầu. Vào năm 2015 Mỹ ước lượng Hoa Lục có vào khoảng 260 đầu đạn NT (warhead) trong kho.

Trang Hỏa lực toàn cầu cũng có một mục Compare Powers để so sánh sức mạnh quân sự giữa hai nước, thí dụ ta có thể so sánh quân sự giữa Ấn độ và Nhật Bản. Họ sẽ cho chúng ta thấy sự so sánh về Bộ bính, Ngân sách quốc phòng, Không quân, Hải quân … tuy nhiên chỉ là một bảng tổng quát

Sự xếp hạng về Không Quân của các nước chính xác hơn về Hải Quân. Vào Aircraft Fleet Strength, Không Lực, ta sẽ có Aircraft Strength By Country (2020) sức mạnh Không Quân các nước, họ xếp thứ tự như sau:

1- Mỹ có 13,264 máy bay quân sự.

2- Nga có 4,163 chiếc

3- Trung Cộng có 3,210 chiếc

4- Ấn Độ có 2,123 chiếc

5- Nam Hàn có 1,649 chiếc

6- Nhật có 1,561 chiếc

7- Pakistan có 1,372 chiếc

8- Pháp có 1,229 chiếc

. . . . . . . . . . . .

Tuy nhiên nó không cho thấy phương diện phẩm chất, thí dụ máy bay Pháp có thể tối tân hơn máy bay Pakistan.

Về Hải Quân vào Naval Fleet Strength, ta sẽ có Navy Fleet Strength (2020) bảng xếp hạng Hải Quân các nước về Số lượng như sau

1- Bắc Hàn có 984 chiếc tầu

2- Trung Cộng có 77 7 tầu

3- Nga có 603 tầu

4- Mỹ có 490 tầu

5- Colombia có 453 tầu

6- Iran có 398 tầu

7- Ai Cập có 316 tầu

8- Thái Lan có 292 tầu

. . . . . . . . . . . . .

Thứ 13 Nam Hàn có 234 tầu

. . thứ 17 Pháp có 180 chiếc tầu,

. . Nhật thứ 19 có 155 tầu

Bắc Hàn kê khai nhiều tầu Hải quân nhất thế giới nhưng thực ra Hải quân Bắc Hàn chỉ là Hải quân sông ngòi (brown-water-navy) nghĩa là hầu hết gồm các ca nô, giang đĩnh, một số ít tầu cận duyên chỉ chạy men bờ, ra ngoài bị sóng gió đánh chìm ngay.

Trung Cộng có 777 tầu, thực ra đa số là những tầu giang đĩnh thuộc Hải quân sông ngòi (brown-water-navy) và những tầu cận duyên, năm 2008 họ bắt đầu canh tân Hải quân. Năm 2009 Hải Quân Trung Cộng đã được coi như Hải quân nước xanh lá cây (green-water-navy), có nghĩa là Hải quân cận duyên (ven biển) để nay tiến tới Hải quân da trời (blue water) có khả năng ra biển. Hải quân Hoa Lục gồm nhiều tầu do Nga viện trợ từ xa xưa … máy bay cũng vậy.

Trung Cộng thuê kỹ sư Nga đóng một số ít tầu ngầm hiện đại, còn lại họ nhái theo Nga để chế máy bay, tầu chiến. Họ cho gián điệp sang các nước tân tiến nhất là Mỹ để ăn cắp ăn trộm thông tin quân sự, nhưng nay cũng khó vì bị theo dõi gắt gao

Mặc dù Nhật về số lượng chỉ có 155 tầu chiến, chỉ bằng (1/5) một phần năm số tầu chiến của Trung Cộng nhưng họ trang bị tối tân hơn nhiều. Cách đây 4 năm, người Nhật thách thức Trung Cộng nếu có thủy chiến tại Biển Đông, họ sẽ đánh tan Hạm đội Hoa Nam sau vài ngày. Một ông Tướng Nhật tuyên bố Hải và Không Quân Tầu còn lạc hậu từ 10 cho tới 20 năm so với Nhật.

Xin nói thêm về Hải quân Mỹ, họ có nhiều hạm đội được phân chia bảo vệ các khu vực trên thế giới: Hạm đội 3 đóng tại Bắc Thái Bình Dương, Alaska, Bắc cực, Hạm đội 4 tại phía Nam Châu Mỹ (Naval Forces Southern Command), Hạm đội 5 tại Ấn Độ Dương, Trung Đông (Naval Forces Central Command), Hạm đội 6 tại Đại Tây dương Âu Châu (Naval Forces Europe), Hạm đội 7 tại Thái Bình Dương (U.S Pacific Fleet), Hạm đội 10, Bộ chỉ huy điện toán các hạm đội (Fleet Cyber Command)

Hải quân Mỹ có 490 tầu và 3,900 máy bay (thuộc Hải quân), riêng hạm đội số 7, với 70 tầu chiến, 300 máy bay, 40,000 thủy thủ, Thủy quân lục chiến … Đây là hạm đội lớn nhất của Mỹ đã được điều động tới Thái Bình Dương từ 1950, nó bảo vệ con đường hàng hải và hòa bình tại Biển Đông.

Trọng Đạt

(1) https://www.globalfirepower.com.

(2) Wikipedia- United States Navy

 

Giải quyết rốt ráo miền Trung

< A >
Hoàng Lan Mộc Châu (Danlambao)
- Từ đã lâu, mỗi lần lũ lụt miền Trung mang đến tai họa vô cùng cho nhân dân, người Việt cả nước lại kêu lên những tiếng xé lòng. Vừa rồi đảng CSVN dám nhận sẽ có giải pháp rốt ráo, cho miền Trung vĩnh viễn thoát khỏi thiên tai. Việc này chỉ đảng và chính phủ VN mới có thể làm được. Hoan nghênh đảng và chính phủ hết mình!

Dưới đây là tiết lộ cuộc họp cực mật mới diễn ra trong bộ chính trị. Chúng tôi có thu được lời của Tổng bí thư, chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về 3 dự án Bộ Chính Trị đảng CSVN thảo luận để giải quyết dứt điểm miền Trung:

Dưới đây là giải mã băng ghi âm giọng nói của Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước Nguyễn Phú Trọng.

- Về ý người dân kêu van xin đảng và chính phủ có những biện pháp giải quyết cho dân miền Trung đỡ khổ vì lụt lội gì đó, thì thế này, đảng ta và chính phủ ta đã nghe điều này từ mấy chục năm nay, nhưng giải quyết miền Trung không thể làm tủn mủn, như hễ cứ dân bị lụt thì lại mang tiền, mang lương khô cho ăn, thiếu kế hoạch đồng bộ, cho nên trung ương, bộ chính trị cần phải suy nghĩ. Có người nói chuyện ngày xưa là nếu thiên tai lũ lụt nhiều như vậy thì vua nên thả hết tù, bỏ công quỹ ra mà nuôi dân, tha thuế, chia cho dân công điền, công thổ, thay đổi chính sách hà hiếp dân, thậm chí vua phải thoái vị, tìm người hiền trong dân mà trao ngôi báu. Những đề nghị này không thể chấp nhận được. Thả tù ra, nhất là thả bọn phản động ra thì lấy gì làm áp lực với quốc tế để còn xoay tiền bọn đế quốc, tha chúng ra loạn ngay. Nếu có tha thì trước hết là tha cho các đồng chí ta trong tù, nhốt họ thế đủ rồi, cũng đau xót lắm, sau đó là tha đồng bào ruột thịt của chúng ta lỡ lầm phạm các tội buôn bán ma túy, cướp hiếp giết, chứ nhất định không tha bọn phản động, cho nên biện pháp tha hết tù không thể chấp nhận toàn bộ, chỉ tha có chọn lựa, đồng chí ta và anh chị em ta buôn lậu ma túy, cướp, hiếp giết. Còn như trả lại đất đai cho dân thì ta đã trả lại từ lâu rồi. Thượng đế bây giờ muốn ta trả lại đất đai cho dân là Thượng đế không biết gì về lịch sử, hay ăn phải bả của tụi phản động. Đấy, hiến pháp đảng đã ghi rõ ràng đất đai là sở hữu của toàn dân, đảng chỉ quản lý cho dân thôi. Mà rõ ràng nhé, từ cải cách ruộng đất, ta đã lấy biết bao nhiêu ruộng của bọn địa chủ trả lại cho dân, nhà nước có giữ lại miếng ruộng nào đâu, có chăng là ta quản lý hộ dân, đất đai là sở hữu toàn dân mà, có thế mới gọi là cộng sản chứ. Còn thuế hả? Đóng thuế là yêu nước mà. Càng thuế cao, dân càng yêu nước. Còn lại bảo vua phải từ chức. Khùng hả? Tôi già lắm, yếu ớt, chân tay run lẩy bẩy, nhưng không tìm ta được người có tí ti tài hơn, khải ngồi hai ghế một lúc, từ chức để bọn chó nó nhảy bàn độc à, để bọn ngu ngồi lên đầu các đồng chí, nhân dân à; thế thì có loạn, loạn, loạn. Yên dân yên nước thì chỉ có tài của tôi, tôi có thế nào mới gồi một lúc được hai ghế chứ. Cho nên đề nghị nói trên là ngốc nghếch không chấp nhận được (vỗ tay hoan nghênh rất lâu). 

Thưa các đồng chí, việc giải quyết rốt ráo miền Trung, bộ chính trị đã nghiêm túc bàn rất lâu, với tinh thần đặt quyền lợi đảng trên hết (vỗ tay). Ba đề nghị sau dây:

Thứ một. Nâng cao miền trung lên ít nhất 50 mét. 

Các tỉnh Miền Trung từ Thanh Hoá đến Ninh Thuận, Bình Thuận thường xảy ra lũ lụt trầm trọng, chúng ta đồng loạt nâng cấp địa hình các tỉnh này lên 30 mét (có tiếng xì xào đồng chí TBT mới nói 50 mét). Tôi xin nói lại là lúc đầu ta nâng toàn bộ các tỉnh này lên 30 mét, sau này phấn đấu lên 50 m. Làm gì luôn luôn các đồng chí nhớ phải có mục tiêu vượt chỉ tiêu. Lấy cái gì để nâng toàn bộ từ Thanh Hóa, Nghệ An đến Bình Thuận lên cao hơn 30 mét, rồi sau 50 mét? Chúng ta sẽ san bằng dẫy Trường Sơn, từ địa bàn Thanh Hóa đến Bình Thuận, cạo sạch sẽ như đầu ông sư, bình địa chỉ còn cao 30 m. Lất đất đá từ các hòn núi này, trải vùng đồng bằng, nâng đồng bằng đồng đều lên 30m (nhiều tiếng vỗ tay kèm lẫn tiếng hỏi Tiền đâu? Lấy tiền đâu làm kế hoạch này? Nghe tiếng TBT cười hiền lành) Thưa các đồng chí, thi hành kế hoạch này ngân quỹ sẽ không tốn một xu! Để tôi nói các đồng chí hiểu rõ sáng tạo của đảng ta mà đứng đầu là bộ chính trị, trên bộ chính trị là tôi, tôi là người lãnh đạo, thủ trưởng. Nếu đất đá các núi non vùng này không đủ nâng toàn bộ các tỉnh lên 30 mét, ta sẽ san tiếp rặng Trường Sơn các tỉnh lân cận, và để vượt chỉ tiêu 30 m, lên 5,60 mét chúng ta san sạch bình địa Trường sơn (vỗ tay rất lâu. Đoạn nói chuyện đến đây ngưng 5 phút, có lẽ để TBT, CT uống nước nghỉ lấy hơi, sau đó nghe tiếp):

Tôi nói để các đồng chí thêm niềm tin chúng ta có thể hoàn thành kế hoạch nhanh chóng và dễ dàng. Trong thời gian chống Mỹ cứu nước chúng ta đã chỉ hai bàn tay trắng đã xẻ dọc được Trường Sơn, đã đốt cháy Trường Sơn thì bây giờ với các phương tiện cơ giới rất hiệu nghiệm trong việc băm nát rừng, núi, chúng ta không thể không làm được. Việc này hoàn thành rất nhanh bằng cách khoán cho các tỉnh, cho tư nhân. Tỉnh nào, tư nhân nhận làm có thể giữ lại hết gỗ, từ gỗ quý, đến gỗ tạp, và đá quý không thể dùng nâng nền mặt bằng được. Tôi cam đoan với các đồng chí, nếu kế hoạch này gồm các điều khoản như vậy thì chưa ký ráo mực, Trường sơn chẳng nói làm gì, đến Hi Mã Lạp Sơn cũng thành bình địa trong nháy mắt. Đấy ngân quỹ có mất xu nào không? Mà các đồng chí ở địa phương còn vô số phúc lợi. (Nghe tiếng vỗ tay rất lớn và nhiều tiếng bàn nhau xin về làm quan địa phương, bàn bạc công khai gạ đổi chỗ cho nhau từ các tỉnh vùng Nam, Bắc ra Trung).

TBT hắng giọng nói tiếp:

Thực hiện kế hoạch này chúng ta có thể làm một công nhiều việc thí dụ như xóa sạch dấu vết di tích của thời đại phong kiến bóc lột nhà Nguyễn mà bây giờ bọn phản động, lạc hâu còn ca ngợi, chúng ta lấp luôn những cái gọi là hoàng cung, đại nôi, san thành bình địa luôn mấy cái mà mả Gia Long, Minh Mạng vớ vẩn. Đồng thời chúng ta tôn tạo cao hơn tất cả tượng đài Bác lên vài chục thước nữa, nhấc các khu tưởng niệm cách mạng như của Mẹ Sốt lên cao hơn. Nơi nào không làm được, thì thay cũ đổi mới, ngân sách nhà nước sẽ chu cấp, với điều kiện làm ‘to đẹp gấp 10 ngày nay” như bác dậy (Vỗ tay nhiệt liệt)

Một việc vô cùng to lớn thế giới không ai làm được, lợi cho muôn đòi con cháu mai sau, là khi chúng ta san bằng dẫy TS, chúng ta sẽ biến tất cả những nơi đó thành ruộng lúa. Diện tích ruộng bỗng lớn gấp nhiều lần. Đất nước có nhiều chỗ cho dân ở, sản lượng lúa sẽ vượt triệu triệu tấn, chúng ta có khả năng không những cưu mang được mất tỷ đồng chí Trung quốc, còn nuôi cả thế giới, chứ trăm triệu như dân ta nghĩa lý gì. Lúc đó nông dân chúng ta sẽ là nhưng người nông dân giầu nhất thế giới (Tiếng vỗ tay, reo hò “ Giai cấp công nông vô sản muôn năm”) Tiếng hoan hô chấm dứt, nghe TBT ngâm thơ: “Với sức người sỏi đá cũng thành cơm”!

Thưa các đồng chí, tôi chưa kể hết cái vô cùng lợi của kế hoạch này, sau các đồng chí sẽ sáng ra thêm. Bây giờ tôi nói đến kế hoạch 2. Như các đồng chí biết, việc quốc hội quyết đinh cho mở các đặc khu kinh tế trong đó ở miền trung có Vân Đồn. Bây giờ chúng ta... (Có nhiều tiếng xì xào: Biết rồi, biết rồi, mở rộng ra chứ gi? Băng ghi âm tiếp theo lời TBT): Các bạn đoán trúng rồi, nhưng không phải chỉ mở rông Vân Đồn, chúng ta sẽ biến toàn bộ miền Trung thành đặc khu kinh tế. Thưa các đồng chí. Đây là một sáng kiến cực cực kỳ kỳ sáng kiến của bộ chính trị. Nếu chúng ta biến toàn bộ miền trung với các tỉnh kể trên thành đặc khu kinh tế, cho ngoại quốc thuê 99 năm, 199 năm, thậm chí đến 999 năm càng tốt thì chúng ta sẽ giầu vô số kể, chỉ lấy tiền cho thuê toàn bộ miền Trung, chia đều cho dân số ta, cũng mỗi người phải được 5, 7 chục ngàn đô la một năm, dân ta chẳng phải làm gì cũng tự dưng giầu nhất thế giới. Có điều nếu chúng ta làm kế hoạch này sẽ có nhiều nước nhảy vào thuê, mình kinh nghiệm còn kém, nên chỉ đặc quyền dành cho anh em Trung quốc, có lỗ nhiều ít cũng trong nhà cả, nước tư bản vào thì khó nhằn. Dự là chúng ta cho anh em đồng chí TQ thuê toàn bộ miền Trung, không sót phân vuông đất nào, từ biển cả, đến đất liền, toàn bộ TS, bạn có toàn quyền tất tần tật trên vùng đặc quyền, có trách nhiệm với lũ lụt, chúng ta khỏi lo, chắc bạn sẽ hoan hỉ nhận thôi, Bạn làm thủy điện giỏi lắm, đập Tam Hiệp lớn nhất thế giới bao nhiêu áp lực mấy tháng trước còn chẳng sao, để bạn quản trị Trường Sơn là ăn chắc. (Đến đây lời TBT chùng xuống, nghe có vẻ ngậm ngùi) Chỉ thương cho dân ta, lúc ấy anh em TQ mang toàn bộ nhân công của họ sang thì dân Trung mình khổ, không có việc làm, sống ra sao?

Đến đây nghe tiếng gầm gừ, thổn thức trọ trẹ của Thủ Tướng Phúc: Vậy vợ con, xóm làng tôi ra sao, Oh My God? Có nhiều tiếng sụt sịt khóc. Một lúc sau nghe tiếng ai như của Kim Ngân: Hay mình di chuyển tất cả dân Trung sang Mỹ? Nghe tiếng Thủ Tướng Phúc hân hoan:” Được lắm, cả nhà tôi sang Mỹ là tốt lắm lắm. Nghe TBT trả lời): Kiên quyết không để đồng bào phải lìa quá xa quê hương tổ quốc, không để khúc ruột miền Trung lìa khỏi rốn lũ. Không cho đi Mỹ. Nếu có di dân thì cho họ sang Trung Quốc, thà làm quỷ Tàu còn hơn làm vua Mỹ, các đồng chí nhớ lấy chân lý ngàn đời bất diệt của đảng ta là vậy.(Nghe TT Phúc thở dài nuối tiếc. Lại có tiếng đau xót như của chị Tòng Thị Phóng): Thôi thì cứ để bà con ở lại chỗ họ, có điều phải xin các đồng chí TQ dành những việc phục vụ nhân công Tàu cho đồng bào ruột thịt mình, thí dụ như làm việc nhà, bán quán bar chung quanh căn cứ nhà máy, xí nghiệp, và phục vụ các dịch vụ... không khói, như vậy vừa không phải lao động cực nhọc, vừa nhiều tiền, có quần áo, phấn son! (Có tiếng khó chịu, thắc mắc): Yêu cầu đồng chí Phóng cho biết phục vụ các dịch vụ không khói là gì mà lại không phải mất sức lao động, có áo quần, phấn son để vợ chúng tôi kinh doanh? (Đồng chí Phóng có vẻ bực mình, ú ớ mải mới nói) Thì thì như cô Kiều ấy (Nghe tiếng nhiều người hỏi nhau “Đồng chí Kiều là ai nhỉ? Đồng chí Kiều ngồi đâu xin đứng lên cho chúng tôi chiêm ngưỡng mẫu người kinh doanh giỏi. Tiếng hỏi nhau về đồng chí Kiều lắng xuống) nghe giọng TBT lẩy Kiều:

Có tai mà cậy chi tài

Ra ngoài bẩy chữ vào trong tám nghề.

(Lại nghe các đồng chí bảo nhau, tấm tắc, Nữ Đồng chí Kiều đã tài giỏi mà không kiêu căng, ra ra vào vào bẩy lần, tám lượt thật giỏi. Các nữ đồng chí nên lấy làm gương. Lại có tiếng hỏi: Có tên đường cho Đồng Chí Kiều chưa nhỉ?)

Xin các đồng chí ổn đinh nghe phương án ba. Cái phương án ba này Bộ chính Trị thấy là rốt ráo cho miền Trung nhất, hy vọng khi đưa ra hội nghị trung ương, xin các đồng chí 100% nhất chí, đã tuyệt đối còn tuyệt đối hơn nữa.

Thưa các đồng chí, Bộ chính trị quyết định bán đứt luôn miền Trung cho TQ anh em để xử lý dứt điểm miền Trung. (Nghe tiếng ồn ào. Mọi người trong hội trường đứng lên, vỗ tay rất lâu. Có nhiều người nói: Đã bán nhiều rồi, bây giờ lại bán nữa sao? Sau các tràng pháo tay vang dội là tiếng TBT, hạ giọng rất nhỏ, bí mật, nhưng hội trường phăng phắc lắng nghe, nên băng thu thanh khá rõ)

Thưa các đồng chí. Đây là việc tuyệt mật trên cả tuyệt mật của đảng. Nếu đồng chí nào ra khỏi phòng họp này mà nói ra thì cả ba họ đồng chí chết nhé. Chủ trương của BCT cực kỳ kỳ diệu và cực kỳ sáng suốt. Chúng ta chủ trương bán miền Trung cho TQ là âm mưu vô cùng trên cả vô cùng thâm độc của BCT. Tôi cho các đồng chí thấy vài điểm tối âm mưu của đảng đế các đồng chí sáng mắt ra:

Thứ một: Bán miền Trung cho Tàu, ta còn lại Bắc và Nam, ngay khi bán xong miền Trung cho Tàu, chúng ta sẽ thành lập LIên Bang VN có tầm vóc như Mỹ, gồm 2 nước Bắc VN, Nam VN. Mỹ nó có mấy tiểu bang xa chính quốc như Alaska, như Hawaii, thì ta có Nam VN, Liên bang VN sẽ mạnh như liên bang Mỹ.

Thứ hai: Với nước Liên Bang VN là ta đã kẹp được anh Tàu vào giữa, nó tự khắc sẽ sợ mình, cần sư bảo vệ của mình, mình nói gì nó phải nghe. Với thế thượng phong này ta sẽ đòi lại Tàu đất Quảng đông, Quảng Tây, Vân Nam trước là của mình, rồi dùng kế thừa gió, bẻ măng lấy luôn Hải Nam của tụi nó, giải phóng Đài Loan luôn (Vỗ tay nghe điếc tai)

Thứ ba. Liên bang VN vẫn giữ mấy cái bải chim ỉa ngoài biển Đông làm lãnh thổ, ta không bán nhé, ta thường xuyên cho tàu bè ngược xuôi Bắc Nam, xuyên qua đường lưỡi bò của chúng, thế là ta đánh gẫy ngay đường chín đoạn, các đồng chí thấy thần kỳ không nào.

Đấy các đồng chí nghe có phải âm mưu tối độc của ta với tụi Tàu không. Bán có mỗi cái khúc xương xẩu miền Trung cho Tàu, mình có lợi vô số kể. Thôi tôi chỉ nói thế. Kính chào các đồng chí vô cùng thân thương, nhưng nhớ nhé, Đứa nào làm lộ bí mật là ba đời trong đảng cũng không giầu được nhé. Thôi giải tán đảng! Về.

Bầu cử Mỹ 2020: Một cuộc bầu cử không giống cuộc bầu cử nào khác


Cử tri Mỹ đi đầu phiếu sớm ở Atlanta, bang Georgia, Hoa Kỳ, ngày 12/10/2020. REUTERS/Chris Aluka Berry

Tại thời điểm còn một tuần nữa là tới ngày bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, giữa lúc hai ứng cử viên Tổng thống còn đang ráo riết vận động, thì hàng chục triệu cử tri đã đi bỏ phiếu sớm, báo hiệu cuộc bầu cử có tính cách quyết định này sẽ đạt tỷ lệ cử tri đi đầu phiếu cao kỷ lục.

Theo Dự án Bầu cử Mỹ, môt cơ sở dữ liệu chuyên thu thập thông tin về tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu do Giáo sư Michael McDonald /Đại học Florida điều hành, số phiếu bầu sớm năm nay vượt xa số phiếu bầu sớm năm 2016.

Giáo sư McDonald nói:

“Chúng ta tiếp tục chứng kiến số phiếu bầu sớm tăng nhanh chưa từng thấy. Chưa gì số liệu này đã vượt qua số phiếu bầu sớm của bất cứ cuộc bầu cử nào trong lịch sử.”

Ông nêu lên quan tâm rằng những phiếu bầu gửi qua đường bưu điện có thể được gửi đi hàng loạt vào lúc sắp kết thúc giai đoạn bầu cử sớm, làm các quan chức bị quá tải. Vì vậy việc cử tri chọn đi bầu trực tiếp nhưng sớm hơn giúp trải dài công việc của các giới chức bầu cử, giảm bớt gánh nặng khi công việc bị dồn lại trong cùng một lúc.

“Đây là một tin vui, bởi vì chúng tôi rất lo lắng về làm thế nào để tổ chức một cuộc bầu cử giữa trận đại dịch.”

Năm 2019, Giáo sư McDonald tiên đoán khoảng 150 triệu người sẽ đi đầu phiếu trong cuộc tổng tuyển cử năm 2020, tượng trưng cho tỷ lệ 65%, con số cao nhất tính từ năm 1908.

Nhưng bây giờ, ông công nhận rằng con số 150 triệu được dự báo có thể là một con số quá thấp và vào cuối tuần này, ông sẽ phải nâng cao số dự báo.

Tỷ lệ cử tri đi bầu có triển vọng phá kỷ lục

Tại Texas chẳng hạn, tính cho tới ngày Chủ nhật 25/10, gần 7,4 triệu phiếu bầu sớm đã được ghi nhận, đánh dấu 82% tổng số phiếu bầu của bang này vào năm 2016.

Giáo sư McDonald đơn cử trường hợp bang Washington là ví dụ cho thấy rõ nhất những thay đổi trong hành vi của cử tri trong cuộc bầu cử năm nay bởi vì bang này tổ chức bầu cử hầu hết qua đường bưu điện trong cả cuộc bầu cử 2016 và 2020. Cho tới nay, tiểu bang Washington báo cáo đã nhận được hơn 2 triệu phiếu bầu qua bưu điện, gấp 3 lần tỷ lệ bỏ phiếu năm 2016.

Tại quận Miami-Dade của bang Florida, một giới chức bầu cử cho biết 42% đã bỏ phiếu, cao gần gấp 3 tỷ lệ đi bầu năm 2016.

Ông Rodriguez nói với đài NPR:

“Thông thường một cuộc bầu cử Tổng thống đạt tỷ lệ từ 68% tới 73%. Năm nay, chúng tôi dự kiến tỷ lệ cử tri đi bầu sẽ đạt 80%, dựa trên con số người đi bầu vừa nhận được.

Trong số các tiểu bang báo cáo số liệu bầu cử, cử tri yêu cầu 87 triệu phiếu bầu qua đường bưu điện, theo Giáo sư McDonald, ước lượng sơ khởi 41 triệu phiếu bầu đã được gửi qua đường bưu điện.

Hiện nay, phe Dân chủ dẫn trước với tỷ lệ 2/1 trên các phiếu bầu gửi qua đường bưu điện. Nhưng Giáo sư McDonald cảnh báo rằng các số liệu ban đầu không vẽ ra một bức tranh toàn cảnh.

“Thông thường câu chuyện về một cuộc bầu cử tiêu biểu trong những năm gần đây là kiểm phiếu giai đoạn đầu thường ngả về Đảng Dân Chủ và các phiếu bầu trong ngày bầu cử ngả về Đảng Cộng hòa,” ông nói, “và mặc dù theo các dâu hiệu bề ngoài, câu chuyện năm nay có thể cũng vậy, nhưng chúng ta phải chờ xem điều gì sẽ xảy ra trong ngày bầu cử trước khi chúng ta có thể đoan chắc điều gì sẽ xảy ra.”

Tỷ lệ cử tri trẻ đi bầu tăng vọt

Giới trẻ từ 18 tới 29 tuổi đi bầu sớm đông đảo chưa từng thấy.

Theo các dữ liệu của một trung tâm nghiên cứu của Đại học Tufts, con số cử tri trẻ tuổi đi bầu sớm tăng vọt, đặc biệt tại các bang thiết yếu đối với ông Biden và ông Trump, như Michigan, Florida và North Carolina.

Tính cho tới ngày 21/10, gần 258.000 cử tri trẻ tuổi ở Florida đã đi bầu, 214.000 người nhiều hơn số cử tri trẻ đi bầu vào cùng thời điểm năm 2016.

Tại Texas, gần 500.000 người từ 18 tới 29 tuổi đã đi bầu. Tuy nhiên tại bang này, không có dữ liệu từ 2016 để có thể so sánh tỷ lệ đi bầu trong giới trẻ.

Giới trẻ có thể nắm trong tay quyền lực chính trị đáng kể. Millenials- sinh từ năm 1980 tới 1995, và một số từ Thế hệ Z –năm 1996 tới 2012/2015, tổng cộng chiếm tới 37% số cử tri hội đủ điều kiện đi bầu, tương đương với thế hệ Baby Boomers (1946-1964) và thể hệ lớn tuổi hơn, Viện Brookings phân tích dựa trên các dữ liệu của cuộc kiểm tra dân số.

Trong nhiều thập niên, giới trẻ tỏ ra lơ là với bầu cử, nhưng năm nay, các nhóm vận động cử tri tham gia bầu cử đã tăng cường nỗ lực để thay đổi con số thống kê này.

Cảnh sát, Vệ binh Quốc gia và Quân đội chuẩn bị cho Ngày Bầu cử

Trong một nền dân chủ tôn trọng lá phiếu của người dân như là “ý trời”, thì cảnh sát mặc quân phục thường không được lảng vảng quanh các địa điểm bỏ phiếu, và Ngũ Giác Đài tuyệt đối không muốn phải dính líu trong ngày bầu cử. Thế mà năm nay, các lực lượng này phải chuẩn bị cho tình huống xấu, phòng hờ tình hình có thể vuột tầm kiểm soát, nguy cơ bạo động xảy ra.

Thông thường nhân viên phòng phiếu là tuyến phòng thủ đầu tiên nếu xảy ra xung đột giữa các cử tri, mặc dù họ được sự hậu thuẫn của nhân viên an ninh tư nhân. Quận King ở bang Washington cho biết đã sắp xếp một số nhân viên để canh gác các thùng phiếu mà mọi năm không cần được canh gác.

Một số đơn vị bầu cử không có kế hoạch huy động cảnh sát mặc quân phục tại các phòng phiếu bởi vì truyền thống và luật pháp địa phương không muốn sự hiện diện của cảnh sát hay binh sĩ mặc quân phục có thể được diễn giải như để hăm dọa cử tri.

Xét những căng thẳng đã xảy ra trong năm nay, sau một số trường hợp người dân không vũ trang bị ngược đãi, sự hiện diện của cảnh sát tại các địa điểm bỏ phiếu đã trở thành một vấn đề gây tranh cãi.

Tại Miami, các thành viên Đảng Dân Chủ khiếu nại về vụ một nhân viên cảnh sát mặc quân phục, mang khẩu trang in ảnh ông Trump, xuất hiện tại một địa điểm bầu cử sớm. Họ cho rằng đây là một động thái có tính trấn áp tinh thần cử tri ngay tại phòng phiếu. Nhân viên cảnh sát trong cuộc đang đối mặt với biện pháp kỷ luật từ các cấp chỉ huy.

Sự hiện diện của cảnh sát mặc quân phục cũng là đề tài tranh cãi theo phe phái, tại các bang New Jersey và North Carolina khi Hội đồng Bầu cử ra thông tư nhắc nhở nhân viên cảnh sát mặc quân phục nên tránh xa phòng phiếu, một số thành viên Đảng Cộng hòa đã phản đối.

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa tại tiểu bang, ông Paul Newton, nói rằng Hội đồng Bầu cử vốn do Đảng Dân Chủ kiểm soát, đã “vượt quá quyền hạn” của mình, ông cho rằng hội đồng này không có quyền ra lệnh cho cảnh sát.

Một vấn đề khác đã được nêu lên tại Michigan, về liệu công dân có quyền công khai mang vũ khí vào phòng phiếu hay quanh địa điểm bỏ phiếu hay không. Luật cho phép tư nhân công khai mang vũ khí được áp dụng tại tiểu bang này, nhưng Tổng thư ký bang Michigan Jocelyn Benson ra chỉ thị cấm mang vũ khí một cách lộ liễu tại các phòng phiếu và các văn phòng bầu cử khác trong năm nay.

Các sở cảnh sát đang có kế hoạch chuẩn bị để tăng cường đội ngũ cảnh sát túc trực trong ngày bầu cử, đặc biệt tại các thành phố nơi đã xảy ra nhiều bất ổn trong năm nay.

Vai trò của quân đội?

Các thành viên của Lực lượng Vệ binh Quốc gia trên khắp nước sẽ tham gia các hoạt động bảo vệ an ninh cho cuộc bầu cử, kể cả an ninh mạng, hỗ trợ các giới chức địa phương chống lại sự can thiệp của các chính quyền nước ngoài toan can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Nhưng quân đội hiện dịch không muốn trực tiếp tham gia công tác bảo vệ an ninh tại các phòng phiếu.

Các quan chức quân sự nói với đài NPR rằng quân đội muốn duy trì lập trường phi đảng phái, không tham gia tranh cãi chính trị phe phái, và rằng binh sĩ mặc quân phục xuất hiện ở các phòng phiếu có thể khiến quân đội bị quy là thiên vị một ứng cử viên, chống lại ứng cử viên nọ.

Nhưng khi được yêu cầu, các binh sĩ thuộc Lực lượng Vệ binh Quốc gia sẽ đến giúp các tiểu bang trong tư cách là nhân viên phòng phiếu- mặc thường phục, và thực hiện các nhiệm vụ bình thường của nhân viên phòng phiếu.

Dịch Covid-19 đã khiến các phòng phiếu thiếu nhân viên làm việc, vì thông thường nhân viên phòng phiếu là những người cao niên, và trong đại dịch, họ không thể tiếp xúc với nhiều người vì sợ bị lây nhiễm.

Các quan chức quân đội không dự kiến sẽ xảy ra xung đột tại các phòng phiếu, nhưng họ nói sau một chiến dịch vận động tranh cử cay đắng, các cuộc biểu tình và sự xuất hiện của các nhóm vũ trang, bạo động có thể xảy ra sau bầu cử, bất chấp ứng cử viên nào đắc cử.

Tổng Thống Trump đã làm tăng lo ngại khi ông nhiều lần ngỏ ý ông có thể không chấp nhận kết quả bầu cử “trừ phi nó công bằng”. Lời phát biểu này dẫn tới đồn đại rằng Tổng Thống Trump có thể cố bám víu lấy quyền hành nếu ông thất cử, và quân đội có thể được huy động.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, Đại tướng Mark Milley, mạnh mẽ bác bỏ ý tưởng đó trong cuộc phỏng vấn với đài NPR.

“Nếu bầu cử bị thách thức, vấn đề này sẽ được các tòa án và quốc hội giải quyết theo đúng quy trình. Quân đội không có vai trò nào trong việc xác định kết quả bầu cử. Hoàn toàn không có bất cứ vai trò nào”.

16x9 Image

Hoài Hương-VOA

 

 

LẠC

 

Cuộn chiều bóng đổ về đêm

Mà bên đấy chẳng chịu têm nắng vào

Gió thì vòi vọi trên cao

Mây thì lững lững trôi vào phía tây.

 

Gió mùa chả ngả về đây

Mà se se lạnh mà gầy nhớ thương

Tơ trời ai thả mà vương

Vẩn vơ chi chuyện nõn nường người dưng.

 

Đã rằng chẳng nợ thì đừng

Mà sao cứ rộn lưng chừng phía tây

Nắng chiều chả chạm về đây

Mà hong sợi nhớ giăng dầy ngõ xưa.

 

Cạn chiều cạn cả bóng mưa

Hững hờ đấy cứ như vừa biết đây

Giao mùa lại gió lạc mây

Lại quên rải nắng bên này, đấy ơi.

*.

Hà Nội, chiều 27 tháng 10.2020

ĐẶNG XUÂN XUYẾN




Monday 26 October 2020

 

Vĩnh biệt Tô Thùy Yên

2

Tô Thùy Yên vừa ra đi vĩnh viễn tại Houston, Hoa Kỳ. 

Người Việt làm thơ rất nhiều, nhưng thi sĩ, rất hiếm. Thi sĩ một mình một chiếu như TTY còn hiếm hơn nữa

Để tưởng niệm nhà thơ vừa nằm xuống, không gì hơn là đọc lại ‘’ Ta Về ‘’, ” Chiều trên phá Tam Giang ”. Tất cả ngôn ngữ, phong thái TTY phảng phất trong đó. 
Thơ TTY bài nào cũng dài, như nỗi buồn không cùng của tác giả, nhưng đọc, sẽ tiếc là quá ngắn.

Thơ TTY chững chạc, trang trọng, cổ điển như thơ Đường, nhưng mới lạ, táo bạo hơn thơ mới. Đạo mạo như một người đứng tuổi, từng trải ngồi trầm ngâm trước tách trà, nhưng trẻ, mạnh, vũ bão như thanh niên. Ngôn ngữ không Bắc, không Nam, không Sài gòn, Hà Nội, bởi vì đó là tiếng thở dài, tiếng khóc, cái quặn đau chung của người Việt ( hỡi ơi, trời đã bỏ rơi dân ! ). Đặc Việt Nam, nhưng mở rộng ra những chân trời mới. Đau xót, bi quan nhưng bao dung ; đứng ngoài, đứng trên cái thù hận, để thấy cái bát ngát của đất trời, rất zen, rất thiền ( Cám ơn hoa đã vì ta nở/ Thế giới vui vì những nỗi lẻ loi )

Từ ngữ TTY đài các nhưng gần gũi, sáng tạo cực kỳ nhưng tưởng như dễ dãi. Vừa lạ, vừa thực. Điều đó không dễ. Có người dùng chữ lạ, nhưng giả tạo, không thực, chỉ lộ cái lập dị. Có người viết thực, nhưng nhàm. Bởi vì sự thực trong thơ, trong nghệ thuật, nó khác với sự thực ngoài đời. Nó cô đọng hơn sự thực ngoài đời. Nó thực hơn sự thực. Trái táo, trái cam trong họa phẩm của Van Gogh, Cézanne nó thực hơn, sống hơn trái cam ngoài chợ, bởi vì nó mang tâm tình của nghệ sĩ.
Nhiều thi sĩ nổi tiếng vì một, hai câu thơ. Những câu như vậy rải rác trong mỗi bài thơ TTY. 

TTY ra đi, bỏ dở thiên trường ca về nỗi đoạn trường của một thi sĩ, và qua đó, của một dân tộc. ” Ta tiếc đời ta sao hữu hạn/ Đành không trải hết được lời ta ”, nhưng một đời người làm sao trải hết được lời của một dân tộc điêu linh, như dân tộc Việt ( Trời ơi những xác thây la liệt/ Con ai, chồng ai, anh em ai ? ). Nói đến dân tộc, bởi vì cái quặn đau thấy chung quanh tan vỡ, cái kinh hoàng, tuyệt vọng trước một cuộc đổi đời thảm khốc trong thơ TTY, người Việt thấy mình trong đó

Ba vách, ngọn đèn xanh, bóng lẻ/ Ngày qua ngày cho hết đời ta ). Ai đi cải tạo trở về không có cái tâm trạng TTY trong ‘’Ta Về’’?
Sáng dậy nghe tin TTY ” đi xa ”, cứ muốn tin là fake news, là chuyện dỡn. Nhưng hôm nay không phải là ngày cá tháng Tư. Đành ngậm ngùi như Thâm Tâm:

”Người đi, ừ nhỉ, người đi thực ” 
Đi xa như lạc trong trời đất
Thủy tận sơn cùng xí xóa ta
Cõi chiều đứng lại, khóc như liễu
Có thật là ta đã đi xa? ( Đi xa. TTY )

Xí xóa được người, nhưng thủy tận, sơn cùng sẽ bó tay, làm sao xoá được Ta Về, Phá Tam Giang …?

Từ Thức

—————————————–

TA VÊ

Tô Thùy Yên

Ta về một bóng trên đường lớn 
Thơ chẳng ai đề vạt áo phai 
Sao bỗng nghe đau mềm phế phủ 
Mười năm đá cũng ngậm ngùi thay
Vĩnh biệt ta-mười-năm chết dấp 
Chốn rừng thiêng im tiếng nghìn thu 
Mười năm mặt sạm soi khe nước 
Ta hóa thân thành vượn cổ sơ
Ta về qua những truông cùng phá 
Nếp trán nhăn đùa ngọn gió may 
Ta ngẩn ngơ trông trời đất cũ 
Nghe tàn cát bụi tháng năm bay
Chỉ có thế. Trời câm đất nín 
Đời im lìm đóng váng xanh xao 
Mười năm, thế giới già trông thấy 
Đất bạc màu đi, đất bạc màu
Ta về như bóng chim qua trễ 
Cho vội vàng thêm gió cuối mùa 
Ai đứng trông vời mây nước đó 
Ngàn năm râu tóc bạc phơ phơ
Một đời được mấy điều mong ước 
Núi lở sông bồi đã mấy khi 
Lịch sử ngơi đi nhiều tiếng động 
Mười năm, cổ lục đã ai ghi
Ta về cúi mái đầu sương điểm 
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời 
Cảm ơn hoa đã vì ta nở 
Thế giới vui từ nỗi lẻ loi
Tưởng tượng nhà nhà đang mở cửa 
Làng ta ngựa đá đã qua sông 
Người đi như cá theo con nước 
Trống ngũ liên nôn nả gióng mừng
Ta về như lá rơi về cội 
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay 
Chút rượu hồng đây xin rưới xuống 
Giải oan cho cuộc biển dâu này
Ta khóc tạ ơn đời máu chảy 
Ruột mềm như đá dưới chân ta 
Mười năm chớp bể mưa nguồn đó 
Người thức mong buồn tận cõi xa
Ta về như hạt sương trên cỏ 
Kết tụ sầu nhân thế chuyển dời 
Bé bỏng cũng thì sinh, dị, diệt 
Tội tình chi lắm nữa người ơi
Quán dốc hơi thu lùa nỗi nhớ 
Mười năm người tỏ mặt nhau đây 
Nước non ngàn dặm bèo mây hỡi 
Đành uống lưng thôi bát nước mời
Ta về như sợi tơ trời trắng 
Chấp chới trôi buồn với nắng hanh 
Ai gọi ai đi ngoài cõi vắng 
Dừng chân nghe quặn thắt tâm can
Lời thề buổi ấy còn mang nặng 
Nên mắc tình đời cởi chẳng ra 
Ta nhớ người xa ngoài nỗi nhớ 
Mười năm ta vẫn cứ là ta
Ta về như tứ thơ xiêu tán 
Trong cõi hoang đường trắng lãng quên 
Nhà cũ mừng còn nguyên mái, vách 
Nhện giăng, khói ám, mối xông nền
Mọi thứ không còn ngăn nắp cũ 
Nhà thương-khó quá sống thờ ơ 
Giậu nghiêng cổng đổ, thềm um cỏ 
Khách cũ không còn, khách mới thưa
Ta về khai giải bùa thiêng yểm 
Thức dậy đi nào, gỗ đá ơi 
Hãy kể lại mười năm chuyện cũ 
Một lần kể lại để rồi thôi
Chiều nay ta sẽ đi thơ thẩn 
Thăm hỏi từng cây, những nỗi nhà 
Hoa bưởi, hoa tầm xuân có nở? 
Mười năm, cây có nhớ người xa?
Ta về như đứa con phung phá 
Khánh kiệt đời trong cuộc biển dâu 
Mười năm, con đã già trông thấy 
Huống mẹ cha đèn sắp cạn dầu
Con gẫm lại đời con thất bát 
Hứa trăm điều một chẳng làm nên 
Đời qua, lớp lớp tàn hư huyễn 
Giọt lệ sương thầm khóc biến thiên
Ta về như tiếng kêu đồng vọng 
Rau mác lên bờ đã trổ bông 
Cho dẫu ngàn năm em vẫn đứng 
Chờ anh như biển vẫn chờ sông
Ta gọi thời gian sau cánh cửa 
Nỗi mừng giàn giụa mắt ai sâu 
Ta nghe như máu ân tình chảy 
Tự kiếp xưa nào tưởng lạc nhau
Ta về dẫu phải đi chân đất 
Khắp thế gian này để gặp em 
Đau khổ riêng gì nơi gió cát 
Thềm nhà bụi chuối thức thâu đêm
Cây bưởi xưa còn nhớ, trắng hoa 
Đêm chưa khuya quá hỡi trăng tà 
Tình xưa như tuổi già không ngủ 
Thức trọn, khua từng nỗi xót xa
Ta về như giấc mơ thần bí 
Tuổi nhỏ đi tìm một tối vui 
Trăng sáng soi hồn ta vết phỏng 
Trọn đời nỗi nhớ sáng khôn nguôi
Bé ơi, này những vui buồn cũ 
Hãy sống, đương đầu với lãng quên 
Con dế vẫn là con dế ấy 
Hát rong bờ cỏ giọng thân quen
Ta về như nước Tào Khê chảy 
Tinh đẩu mười năm luống nhạt mờ 
Thân thích những ai giờ đã khuất 
Cõi đời nghe trống trải hơn xưa
Người chết đưa ta cùng xuống mộ 
Đâu còn ai nữa đứng bờ ao 
Khóc người ta khóc ta rơi rụng 
Tuổi hạc ôi ngày một một hao
Ta về như bóng ma hờn tủi 
Lục lại thời gian kiếm chính mình 
Ta nhặt mà thương từng phế liệu 
Như từng hài cốt sắp vô danh
Ngồi đây nền cũ nhà hương hỏa 
Đọc lại bài thơ thủa thiếu thời 
Ai đó trong hồn ta thổn thức 
Vầng trăng còn tiếc cuộc rong chơi
Ta về như hạc vàng thương nhớ 
Một thủa trần gian bay lướt qua 
Ta tiếc đời ta sao hữu hạn 
Đành không trải hết được lòng ta
____________________________________

Đọc bài cùng chủ đề: Tô Thùy Yên: Sự dung hòa của thi ca

CHIA SẺ
Bài trướcNhớ Tô Thùy Yên và “Chiều trên phá Tam Giang”
Bài sauCải cách Tư pháp: Phần I: Dân đen trước pháp đình

 

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Tô Hoài & Ba Người Khác

1

Một ngày phiên chợ, u tôi mua về đôi gà nhỏ. Hai con gà: một trống, một mái, dáng còn bé tí teo, như vừa mới lìa đàn. Suốt ngày chúng cứ rúc vào một góc sân và kêu chim chíp bằng một giọng ai oán, thảm thương!

Ðó là một đoạn văn ngắn, trong tập truyện O Chuột, của Tô Hoài mà tôi đã được cô giáo đọc cho nghe khi còn thơ ấu. Tôi tin rằng mình vừa ghi lại đúng nguyên văn, nếu không hoàn toàn đúng thì chắc cũng gần đúng (y) như thế. Sao tôi cứ thương mãi đôi gà nhỏ côi cút đó, và có cảm tình hoài với tác giả của đoạn văn vừa dẫn.

Tô Hoài (có lẽ) sẽ sướng ngất ngư, khi biết có một độc giả đã nhớ nằm lòng – suốt đời – những điều mình viết. Và chắc sẽ tức điên luôn, nếu biết thêm rằng: tôi chưa bao giờ đọc thêm một dòng chữ nào khác nữa của ông.

Tôi sinh trưởng ở miền Nam, nơi mà trẻ con không đeo khăn quàng đỏ, không thi đua lập chiến công, cũng không có kế hoạch (lớn/nhỏ) nào phải hoàn thành hay vượt chỉ tiêu. Chúng tôi chỉ có việc học với chơi, và chơi mới là chuyện chính. Tôi quá mải chơi nên không có thì giờ để đọc Tô Hoài, hoặc bất cứ ai.

Sau khi cuộc chiến Bắc/Nam chấm dứt, thỉnh thoảng, tôi cũng có ghé vào những hiệu sách quốc doanh nhưng không bao giờ ngó ngàng gì đến Tô Hoài. Dù bắt đầu từ đây, cũng như bao nhiêu người dân miền Nam khác, cuộc đời của tôi (bỗng dưng) hoá rảnh – rất rảnh – và rất … đói!

Tác phẩm duy nhất mà tôi thực sự tâm đắc, vào thời điểm đó, là Hồ Chí Minh Toàn Tập – dù tác giả viết nhiều đoạn rất dở. Thí dụ như:“Không có lực lượng gì ngăn trở được mặt trời mọc. Không có lực lượng gì ngăn trở được loài người tiến lên. Cũng không có lực lượng gì ngăn trở được chủ nghĩa xã hội phát triển.”

(Giời ạ, mặt trời chứ bộ mặt trận sao mà đòi lấy lực lượng ra ngăn trở. Tương tự, có cái lực lượng mẹ rượt nào mà ngăn trở được loài người tiến lên, cha nội? Viết như thế mà cũng bầy đặt cầm bút).

Ngoài những lỗi lầm nho nhỏ không đáng kể (thượng dẫn) phải nói đây là một công trình đồ sộ, rất đáng đồng tiền bát gạo. Sách rất dầy, giấy in rất tốt, giá rất rẻ, và rất được những bà hay những cô bán hàng rong ưa chuộng.

Họ cần giấy để gói. Còn tôi, tôi cần một phần ăn nhiều hơn số tiền mình có. Do đó, dù có đói thảm thiết tôi cũng chả bao giờ (dại dột) xà ngay xuống mẹt xôi hay mẹt bánh. Tôi luôn luôn chịu khó đi lòng vòng qua tiệm sách – tìm cho ra tuyển tập của bác Hồ, hay bác Duẩn – cho đỡ khổ cái dạ dầy!

Trong hoàn cảnh ấy, nói tình ngay, lỡ mà có thấy những tác phẩm của Tô Hoài chắc tôi cũng ngó lơ. Mắt tôi lúc nào cũng chỉ dáo giác, liếc nhìn ra biển, tìm một đường chui.

Nhờ Trời thương, tôi chui lọt!

Lưu lạc mãi rồi có hôm tôi tình cờ gặp lại Tô Hoài, trong một tác phẩm phê bình văn học – có tựa là Cây Bút, Ðời Người – của Vương Trí Nhàn, Phương Nam xuất bản. Đến lúc này thì tôi đủ tuổi đời, đủ rảnh (và cũng đủ no) để có thể tìm đọc thêm chút đỉnh về một tác giả mà mình đã yêu thích – từ khi còn bé. Và nay thì Tô Hoài đã bước vào tuổi bát tuần.

“Ngay từ năm 1940, khi bắt tay làm quen với giới sáng tác đương thời, thì đồng thời tác giả Dế mèn cũng bước vào hoạt động cách mạng. Lúc đâu ở thời kỳ Mặt trận bình dân, ông hoạt động trong cơ sở Hội ái hữu thợ dệt Hà Ðông. Sau đó lại được tổ chức Ðảng ở Hà Nội bắt liên lạc để hình thành nên lực lượng Văn hoá cứu quốc.

Tiếp đó, từ sau 1945, những hoạt động xã hội của nhà văn ngày một đa dạng. Triển khai theo chiều rộng, có lúc ông trở thành cán bộ địa phương, có thời gian đi cải cách ruộng đất, đi học trường Ðảng, nhiều năm làm đối ngoại nhân dân, đồng thời vẫn giữ chân trưởng ban đại biểu dân phố (1956–1972) ở cơ quan văn nghệ trên Trung ương hay ở Hà Nội, hầu như từ năm 1946 tới nay, khoá nào ông cũng được bầu làm bí thư chi bộ, đảng bộ.

Mặt khác, ngay trong giới cầm bút, ông cũng luôn luôn có hoạt động xã hội của mình, khi là Phó Tổng thư ký Hội Nhà Văn, khi chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội, từ đó đẻ ra cơ man nào là đầu việc, là họp hành, mà người ta gọi chung là công tác” (sđd, 264).

Tiểu sử Tô Hoài (như thế) có vẻ lung tung lang tang, ngổn ngang cả đống chức vụ, nhưng không để lại một ấn tượng đậm nét nào về đời người và cây bút của ông. Tô Hoài như luôn bị nhấn chìm vào những đoàn đội hay đoàn thể (vớ vẩn) gì đó, “với cơ man nào là đầu việc.” Thực là một cuộc đời chán ngán và nhạt nhẽo, tôi đoán thế.

Tôi lầm đấy. Ðược thế thì đã phúc.

Cuộc đời của Tô Hoài chán ngán hẳn có thừa nhưng nhạt nhẽo thì chưa chắc, và đắng chát với tủi nhục (xem ra) không thiếu – nếu vẫn theo như ghi nhận của nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn:

“… bao nhiêu từng trải, như còn in dấu vào cách sống, cách chuyện trò của Tô Hoài hôm nay, bên cạnh cái nhũn nhặn lảng tránh, con người ấy thật cũng đã nhiều phen phải dàn mặt, phải chịu trận, nói chung là phải đối chọi với đời và nếu như có lúc phải đầu hàng thì đó cũng là bước đường cùng, rồi, nín nhịn chẳng qua để tồn tại, và sau hết, để được viết. Ấy là cái điều không chỉ Tô Hoài biết mà nhiều người cũng biết…

Ðại khái có thể hình dung như cái cảnh đứa bé bị qùy, thì cũng quỳ đấy, song mắt vẫn liếc về phía mọi người đùa bỡn. Xá gì chuyện này, qùy cho xong nợ, tí nữa lại tha hồ tung tẩy.” (sđd 266).

Dù chỉ là một thường dân – chứ chả phải nhà văn, hay nhà báo gì ráo trọi – tôi cũng muốn ứa nước mắt xót xa cho “cây bút” và “đời người” của Tô Hoài, khi biết rằng (đôi lúc) ông vẫn phải qùi như thế. Tôi còn e rằng Vương Trí Nhàn cũng chỉ khéo miệng mà nói thế (để đỡ tủi cho nhau) chứ chuyện “đùa bỡn” và “tha hồ tung tẩy” làm sao tìm được trong “cây bút” và “đời người” của Tô Hoài!

Tôi trật! Tôi thành thật xin lỗi vì đã quyết đoán một cách hấp tấp về văn nghiệp, cũng như tư cách, của Tô Hoài. Ông ấy quả là có “tròn” nhưng không “tròn mãi,” như tôi đã tưởng.

Đúng như nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn đã ví von, có thể hình dung Tô Hoài “… như cái cảnh đứa bé bị qùy, thì cũng quỳ đấy, song mắt vẫn liếc về phía mọi người đùa bỡn. Xá gì chuyện này, qùy cho xong nợ, tí nữa lại tha hồ tung tẩy.”

Tô Hoài đã “tung tẩy” như thế trong cuốn Ba Người Khác. Talawas đã có lời giới thiệu về tác phẩm này:

“Cuốn tiểu thuyết 250 trang của nhà văn Tô Hoài (NXB Đà Nẵng vừa ấn hành) đang làm xôn xao dư luận trong và ngoài giới văn học. Cuộc toạ đàm về tiểu thuyết này do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức tại trụ sở Viện Văn học sáng ngày 22 tháng 12 năm 2006 đã hầu như một cuộc vinh danh lão tướng văn chương 87 tuổi”

Trong cuộc tọa đàm này, Hoàng Minh Tường nói: “Cuốn sách thể hiện sự dũng cảm và tư cách công dân của nhà văn Tô Hoài.” Trong một xã hội mà chuyện thể hiện “tư cách công dân” (rất) có thể khiến người ta … mất mạng – hay rẻ ra là mất việc, hoặc ngồi tù – thì lời phát biểu vừa rồi đích thị là một cách vinh danh, chứ chả còn phải là “hầu như” hay “dường như” gì nữa ráo.

Nguyên Ngọc cũng không tiếc lời khen: “Cách viết hay, độc đáo về CCRĐ. Không viết về nông dân mà viết về ba anh đội. Hoá ra cái thảm kịch của đất nước, xã hội, là do ba cái anh lăng nhăng. Những cuốn khác viết về nông dân là nạn nhân, nhưng đây là lại là thủ phạm. Ba kẻ chẳng có kiến thức gì cả, tự nhiên làm đảo lộn hết cả xã hội…”

Không hiểu sao ý kiến của Nguyên Ngọc về ba anh đội, ba nhân vật chính trong tác phẩm của Tô Hoài, lại khiến tôi nhớ đến những nhân vật chính khác – những người đã có thời mà quyền lực nhất họ nhì trời – trên sân khấu chính trường ở Việt Nam: Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Đỗ Mười…

Thì cũng đều là cái thứ “lăng nhăng” và cũng chính là “thủ phạm” đã làm “đảo lộn hết cả xã hội” bằng nhiều chuyện kinh thiên động địa khác: Hợp Tác Hoá Nông Nghiệp, Cải Tạo Công Thương Nghiệp, Học Tập Cải Tạo, Kinh Tế Mới … Toàn là những “cơn điên tập thể,” theo như cách nhìn của Phạm Xuân Nguyên.

Cũng với cách nhìn này thì (cái được mệnh danh là) cuộc chiến Chống Đế Quốc Mỹ Xâm Lược hay Giải Phóng Miền Nam chỉ là một cơn điên vĩ đại, trong đó bao gồm rất nhiều những cơn điên nho nhỏ – chả hạn như cái cơn thảm sát, cả chục ngàn người, hồi Tết Mậu Thân.

(Tôi xin lỗi đã nổi nóng, và đi hơi xa vấn đề chút đỉnh. Nghĩ đến tình trạng đất nước – hơn nửa thế kỷ qua – chắc Bụt cũng phải nổi khùng chứ đừng nói chi đến cái thứ thường dân rất dễ sân si và dấm dớ, cỡ như tôi. Dù vậy, tôi vẫn xin được mọi người lượng thứ vì sự thiếu tự chế của mình và xin trở lại ngay vấn đề – trước khi trời sáng!)

Riêng Nguyễn Xuân Khánh – trong bài tham luận Đọc ‘Ba Người Khác’ Của Tô Hoài – đã có ý kiến rất độc đáo, xin được tóm gọn, như sau:

“Cuốn sách đã chạm tới một vấn đề rất nhạy cảm là Cải cách ruộng đất (CCRĐ)… Cuốn Ba người khác đã nói đến vấn đề to lớn ấy bằng một giọng điệu rất bình tĩnh, dung dị, không hề lên gân, hầu như rất thản nhiên mà lại ám ảnh chúng ta vô cùng. Anh em nhà văn thường bảo ông Tô Hoài khôn, hay tránh né. Cuốn sách này bác Tô Hoài chẳng hề né tránh…

Tôi chợt liên tưởng tới cách chữa bệnh về tinh thần cho con người. Người thầy thuốc, bằng những biện pháp tâm lý, tìm cho ra cái nguyên cớ sinh ra bệnh tật. Tức là làm cho nguyên nhân bệnh từ vô thức chồi lên ý thức. Ở một khía cạnh nào đó, tác phẩm văn học cũng có giá trị như vậy. Cộng đồng người cũng như một con người. Cộng đồng cũng có những ẩn ức. Đưa những ẩn ức nằm trong vô thức của tập thể trở thành minh bạch trong ý thức sẽ giúp cho cộng đồng phòng ngừa được những điều không lành mạnh trong tương lai.”

Lại Nguyên Ân cũng có nhận định (gần) tương tự:

Tôi nghĩ, đối với xã hội ta, sự xuất hiện nhữngcuốn sách như cuốn này là một cách giải toả cho một trong những chấn thương của xã hội ta. Sự kiện CCRĐ để lại một chấn thương trầm trọng ai cũng biết, nhưng những người giữ quyền ăn quyền nói ở xã hội ta lại muốn xoá đi bằng cách cấm mọi người nhắc đến. Và đó là một giải pháp sai lầm hiển nhiên, vì các chấn thương tinh thần không thể được chữa khỏi bằng bắt buộc người ta im lặng; ngược lại, chỉ bằng việc thường xuyên nhắc nhớ, ôn lại, phân tích nguồn cơn, tính đếm thiệt hại, v.v… mới là phương cách tốt, chẳng những làm nguôi chấn thương mà còn đề phòng khả năng lặp lại những tai hoạ tương tự cho cộng đồng.

Tôi có giấy phép hành nghề tâm lý trị liệu, và kiếm cơm nhờ đó. Có lẽ vì méo mó nghề nghiệp, tôi “chịu” quá nhận định của nhà phê bình Lại Nguyên Ân, và vô cùng thích thú với cái nhìn – rất Jungian và Freudian – của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, về nội dung cuốn Ba Người Khác của Tô Hoài.

Dù vậy, tôi vẫn không tin rằng một (hay nhiều) tác phẩm văn học – cho dù là kiệt tác, như cuốn Ba Người Khác chăng nữa – có thể “giải toả” những “chấn thương xã hội” do cuộc C.C.R.Đ. gây ra.

“Do pháp trị thiếu sót mà Cải cách Ruộng đất đã hỏng to đến thế.” Nguyễn Hữu Đang đã viết (như thế) trên báo Nhân Văn số 4, phát hành ngày 5 tháng 11 năm 1956. Dù chậm, chúng ta cần phải nhìn vấn đề cho minh bạch và “chính qui” như vậy – theo như yêu cầu của Nguyễn Hữu Đang, từ hơn nửa thế kỷ trước.

Họa cộng sản sẽ qua, và sắp qua. Ngoài C.C.R. Đ., còn nhiều “vụ động trời” khác nữa – Nhân Văn, Xét Lại, Đổi Tiền, Cải Tạo Công Thương Nghiệp, Mười Ngày Học Tập, Thu Vàng Bán Bãi Vuợt Biên … – chưa xử và bắt buộc phải xử, trong tương lai gần.

Vấn đề không phải là để truy thù hay báo oán. Truyền thống văn hoá bao dung dân tộc Việt không cho phép bất cứ ai thực hiện điều đó. Tuy nhiên, quá khứ cần phải được thanh thoả – và không thể thanh thỏa bằng một (hay vài) cuốn truyện– để chúng ta đều cảm thấy được nhẹ lòng, và an tâm hơn khi hướng đến tương lai.25

CHIA SẺ
Bài trướcCái giá dạy môn Sử Địa
Bài sauMặt trời chân lý chói qua tim