Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Thursday 30 March 2017

BÊN KIA BỜ ĐẠI DƯƠNG 459

LƯU NGUYỄN * GIÔNG TỐ ƠI! Giông Tố... Ta Gửi Ngươi Con Ta! 29 Tháng Tám 20166:48 SA(Xem: 600) Tác giả : Lưu Nguyễn Em có lũ con thơ Bị quê hương ruồng bỏ Từ bóng tối hận thù. Em nghiến răng Ném con cho giông tố... . Giông tố Giông tố ngoài khơi xa Ta gửi ngươi con ta Xương thịt ta. Tâm hồn ta. Hy vọng ta. . Giông tố Giông tố ngoài khơi xa Giông tố Giông tố ngoài khơi xa Ta gửi ngươi. Ta gửi ngươi con ta Như Niềm Tin Tự Do, Từ Quê Hương Ngục Tù Giông tố giông tố ngoài khơi xa Giông tố giông tố ngoài khơi xa Ta gửi ngươi. Ta gửi ngươi con ta Ta gửi ngươi con ta... Đó là bài “Ném Con cho Giông Tố”, nhạc và thơ của Trần Dạ Từ, do Quang Tuấn hát. Có thể nghe trên mạng bằng đường dẫn này: https://www.youtube.com/watch?v=udSF6tF4QHo&feature=youtu.be. Theo lời giới thiệu, ca khúc được “viết trong đầu” và lưu trữ trong "hộp sọ” từ 1979, khi tác giả nằm trong trại tù Gia Trung. Năm 1988, khi tác giả đã rời khỏi nhà tù ở Việt Nam, bài hát mới được viết ra giấy rồi lại đem cất kỹ. Mãi đến năm 2011, bài hát mới được Quang Tuấn diễn tả bằng tiếng hát lay động lòng người. Bài hát nhắc tôi nhớ là chính mình cũng đã từng là một trong những bà mẹ “Ném Con Cho giông tố”. * vuotbientraitinanpanatnikhomhongphuc13tuoi Trại tị nạn Panat Nikhom: Hồng Phúc, 13 tuổi, được cha tuyên úy trao tiền của thân nhân gởi cho. Bốn giờ sáng một ngày cuối năm 1987. Một bà mẹ Việt Nam đã phải đành đoạn cắt ruột, xé lòng "ném con cho giông tố" khi con còn thơ dại, mới bước vào tuổi mười ba đang cần, được ấp ủ nâng niu trong vòng tay của mẹ Lòng mẹ tan nát nhìn con vô tư, hớn hở chuẩn bị hành trang đi vượt biên một mình, sau nhiều lần cùng đi chung với cả gia đình không thành công. Năm ấy, dù mới 13 tuổi, Hồng Phúc đã biết mẹ lo lắng, con còn an ủi mẹ: - Mẹ ơi, con tin tưởng nơi Chúa quan phòng. Còn bị bắt nhốt tù con không sợ, rồi họ sẽ thả ra mà mẹ. Con và chị đã ăn cơm tù khi đi vượt biên với bố, mẹ quên rồi sao? Tôi không quên. Nhưng lúc đó con mới 9 tuổi, nên họ chỉ bắt mẹ làm đơn "bảo lãnh" cho chị và con ra khỏi tù. Còn bây giờ con đã 13 tuổi. Trước ngày đưa con ra đi, tôi còn không ngừng nhắc nhở Phúc phải học thuộc nằm lòng địa chỉ số nhà, số điện thoại của bác Nhàn bên Mỹ. - Con đã học thuộc từ lâu rồi, để con đọc cho mẹ nghe... Sau nhiều lần vượt biển bị bắt, chúng tôi chỉ còn sức để lo cho một đứa con ra đi. Tôi âm thầm đi hỏi thăm những gia đình quen biết, họ đã gửi con đi vượt biên thành công từ mấy tháng trước. Qua người quen uy tín giới thiệu, tôi được trực tiếp nói chuyện với người trong tổ chức vượt biên, họ cho biết rõ phương cách đưa người đi như thế nào, dùng những phương tiện gì khi đi, những nơi dừng chân trên đường đi, đều có người của họ đưa, đón rất an toàn. Nhờ tổ chức chu đáo "khép kín" nên chuyến đi nào cũng trót lọt. Đến khi lên tàu vượt biển cũng không lo gặp giông tố, vì họ có thể dự đoán đưọc thời tiết ngoài khơi trên biển đông. Tàu chở người vượt biên được xuất phát từ bến cảng Kompong Som trên đất Campuchia, vượt qua biên giới trên biển vào hải phận Thái Lan, chờ đêm tối sẽ vào sát bờ biển "đổ" người lên đất Thái. Người tổ chức trước khi cùng với người tài công lái tàu về lại cảng Kompong Som, họ đã gom tin nhắn đem về cho gia đình người đi vượt biên, để lấy nốt chỗ vàng còn lại, theo như đã thỏa thuận với nhau, họ còn chỉ dẫn người vượt biên cách "gặp" cảnh sát và cứ an tâm, cảnh sát Thái Lan sẽ có xe đưa người vượt biên đến trại tỵ nạn nào gần nhất. Được nghe người dẫn đường tường thuật rõ ràng, phương cách vượt biên, tôi nghĩ họ có khả năng đưa người đi vượt biên đến nơi an toàn. Chúng tôi cầu nguyện xin ơn Chúa soi sáng trong quyết định. Và tôi đã giao trước cho người tổ chức một lượng vàng để giữ chỗ cho con, chờ ngày "ném con cho giông tố". Khi biết mình được bố mẹ cho đi vượt biên. Mỗi khi quây quần vui đùa với các em, con luôn căn dặn: - Các em phải thật ngoan, đừng nghịch phá để chị cả phải la rầy nhắc nhở hoặc bắt phạt quì gối. Con đã giành tất cả thời gian trước khi đi cho bốn đứa em. Thương yêu em gái sẽ phải thay con phụ giúp chị cả làm việc nhà, chăm sóc ba thằng em trai rất hiếu động. Cõng út An trên lưng, con chạy nhong nhong quanh sân con nói - Út An đừng bắt mẹ bế nữa nha. Em đã lớn hơn hai tuổi rồi. Em ngoan anh sẽ mua thật nhiều quà cho em.... Lời con căn dặn các em và hứa sẽ mua thật nhiều quà cho út An. Bố mẹ đã được biết sau khi con đi. Mỗi khi nhớ đến con, út An lại chề miệng ra khóc lóc vật vã, hu hu kêu réo bố ầm ỹ cả nhà: - Bố ơi, đón anh Phúc về đi, con không cần quà đâu. Con cần anh Phúc. Con muốn anh Phúc về cõng con đi chơi, anh Phúc ơi, anh Phúc đi đâu rồi... Lần nào cũng vậy, chị cả mau mau chạy đến ôm út An, thì thầm dỗ dành em trong nước mắt. Cứ như thế, mỗi lần út An khóc vì nhớ anh Phúc là mọi người lại âm thầm khóc theo. Cả nhà đều nhớ Phúc, nhưng không ai dám khóc to và vật vã như út An. Mọi người ngày đêm, sáng, tối luôn cầu nguyện, xin Thiên Chúa nâng đỡ, phù trợ Phúc trên đường vượt biên và cho Phúc được đến nơi bằng an. Như mọi lần, chuyến đi vượt biên của Phúc cũng được dấu kín không cho ai biết. Nhưng vì tiếng gào khóc thương nhớ anh Phúc của út An, đã khiến chuyện đi vượt biên của Phúc sớm đến tai hàng xóm láng giềng. Hàng xóm chăm nhìn tôi hơn, nhưng không dám hỏi. Họ đón chị và các em Phúc trên đường đi học để "điều tra". Tội nghiệp các con tôi, khi bị hỏi thông tin về chuyện Phúc đi vượt biên như thế nào, ai đưa đi, đi lâu chưa? Các con đã rất lo sợ và bất đắc dĩ phải trả lời - Dạ cháu không biết ạ. Nghe câu trả lời, người hỏi không thỏa mãn trí tò mò, họ đã mắng mỏ con trẻ: - Mày còn giấu giếm à, mày nói không biết à. Thím mày đã kể hết rồi, thằng An ngày nào nó cũng khóc gào thằng Phúc... hongphuctotnghiepdoctorofpharmacy 2004 Hồng Phúc tốt nghiệp Doctor of Pharmacy. Từ ngày Phúc ra đi, trong nhà vắng hẳn tiếng cười. Đã hơn hai tuần, vẫn chưa có tin tức gì của Phúc đưa về. Lòng tôi nóng như bị lửa thiêu đốt, ngẩn ngơ thương nhớ con. Chẳng biết con thơ bây giờ đang ở đâu, con ngủ nơi nào, con có khỏe không, con có được ăn uống đầy đủ như lời người tổ chức đã hứa, khi nhận trước một cây vàng của mẹ, mục đích để họ lo cho con có đủ lương thực và những phương tiện cần thiết trên đường đi. Con ơi, nếu ngay bây giờ họ dẫn con về với mẹ. Mẹ hứa không đòi lại số vàng đã đưa, mẹ chỉ cần có con bên cạnh, cả nhà ta lại được xum họp hạnh phúc. Con bây giờ cũng đang thương nhớ gia đình và còn rất lo sợ, rất cô đơn, buồn khổ lắm, nhưng con không thể gào khóc như em An. Con phải nén lòng chịu đựng và luôn biết cầu nguyện cùng Chúa và Mẹ Maria, như con hằng cầu nguyện cùng gia đình mỗi tối, trước khi đi ngủ. Sau gần một tháng lo âu, mỏi mòn trông ngóng tin con. Mẹ như được hồi sinh khi nhận điện tín của bác Nhàn từ Mỹ gởi về. Trong điện tín bác viết ngắn gọn "Hai em an tâm. Anh sẽ chăm sóc "cậu ấm". Đọc điện tín của bác Nhàn, cả nhà ta reo mừng và xin dâng thánh lễ cảm tạ hồng ân Thiên Chúa. Em An bây giờ cũng không còn gào khóc, vật vã đòi bố đón anh Phúc về nữa, nhưng lại hỏi: - Bố ơi, bao giờ cả nhà mình đi Mỹ gặp anh Phúc hả bố ? Qua thư bác kể, khi tiếng phone reo inh ỏi, đánh thức bác dậy lúc 3 giờ sáng để nhận "Collect Call" của Phúc, gọi từ trại tỵ nạn trên đất Thái, bác đã vui đến phát khóc. Phúc cho biết, tàu cháu vượt biển vào đất TháiLan trong đêm cùng ngày rời cảng Kompong Som, trên tàu có một người chết vì bị ngộp khói xăng. Sở dĩ cháu đi lâu mới đến, vì cháu trong nhóm người vượt biên đến Phrôm Pênh đầu tiên, nên phải "nằm" chờ ở đó, khi có khoảng 50 người, thì họ mới đưa tất cả mọi người xuống tàu ra biển, chạy vào vịnh Thái Lan. Vì là trẻ vị thành niên đi vượt biên có một mình, nên sau khi "thanh lọc", Phúc được đưa vào Trung Tâm Minor ở Panat Nikhom và được bác Nhàn bảo lãnh qua Mỹ, sau ba năm chờ đợi ở các trại tỵ nạn TháiLan. Gia đình chúng tôi muôn vàn cảm tạ Thiên Chúa. Tri ân nước Mỹ. Biết ơn tất cả những người đã giúp đỡ, nhất là giúp đỡ Hồng Phúc trên đường vượt biên. Tôi cũng xin cảm ơn thi-nhạc sĩ Trần Dạ Từ, với thi ca "Ném Con Cho Giông Tố", đã giúp tôi có bài viết này. Lưu Nguyễn Nguồn Việt Báo Posted by sontrung at 2:02 PM No comments: Labels: BÊN KIA BỜ ĐẠI DƯƠNG 459 VÕ ĐỨC NHUẬN * THÁNG BA ĐỊNH MỆNH Tháng Ba Định Mệnh VÕ ĐỨC NHUẬN …Những ngày cuối tháng 3, trời mưa như trút nước, cả ngày lẫn đêm, như xót thương cho số phận non sông Bình Định đã rơi vào tay của lũ vô thần. Qua hơn 2 ngày đêm, chúng tôi không có gì để ăn, ruột đói cồn cào, quần áo ướt sũng, thật đói và lạnh. Chúng tôi đi ngang qua những đám gò trồng đậu phụng, nhổ lên hy vọng kiếm củ ăn cho đỡ đói lòng, nhưng vào mùa đó cuối tháng 2 Âm Lịch, củ còn rất non. Chúng tôi rửa bằng nước mưa, nhai lấy nước mà thôi. Chúng tôi qua những cánh đồng bắp cũng thế , chỉ ngậm lấy nước. Qua ngày thứ 3, cả ba chúng tôi đều bị tiêu chảy, kiệt sức không còn đi nổi. Tôi thấy tình hình như vậy, chắc là số phận tôi không xong rồi, nên nói với hai anh bạn đồng hành: “Tôi không đi nổi nữa rồi, hai anh còn sức cứ đi theo hướng Đông ra biển may ra còn tàu của hải quân của quốc gia bốc các anh về Sài Gòn.” Thật là cảm động, tuy không cùng đơn vị nhưng hai anh lính nói: “Đại Uý đi thì chúng tôi đi, ông ở lại chúng tôi ở lại. Chúng tôi không nỡ bỏ ông ở đây!” Không còn cách nào khác, chúng tôi đành vào làng, may ra xin được thức ăn và dưỡng bệnh sau đó tiếp tục cuộc hành trình. Sau đêm thứ 3, chúng tôi đến một ngôi làng, trước vài thửa ruộng của ngôi làng có một cái chòi, chúng tôi vào chòi khoảng 2, 3 giờ sáng. Chúng tôi vắt cho khô quần áo, nằm ngủ đợi trời sáng. Sau những ngày đói lạnh, bệnh tật, chúng tôi nằm thiếp đi cho đến khi mặt trời mọc. Sáng hôm đó chúng tôi vào một nhà dân gần đó, để nhờ họ cho cơm ăn và dưỡng bệnh, để có sức mà đi. Chủ nhà là một người đàn bà nhà quê trông cũng bình thường như những bà nông dân khác,không có gì phải nghi kỵ. Sau khi nấu cơm cho chúng tôi ăn xong, chủ nhà chỉ cho chúng tôi bộ ván để lên nằm nghĩ lưng. Ôi thật là một bữa cơm ngon nhất trong đời, dầu chỉ có cơm trắng với bầu luộc và mắm ruốc. Nửa giờ sau, du kích đã vào nhà, súng AK chỉa đầu, bắt chúng tôi trói ké dẫn đi. Tâm trạng tôi lúc này chỉ còn biết tới đâu hay tới đó mà thôi. Sự sống còn phó mặc cho số mệnh. Chúng tôi bị dẫn đi nhiều nơi, đôi khi là trụ sở của làng, đôi khi là trường học, có khi là ngôi đình làng. Dần dần số người bị bắt cứ tăng lên. Nhiều khi một ngôi trường Tiểu học nhỏ, mà nhốt số người lên đến hàng trăm. Đêm đến không có chỗ nằm, chỉ ngồi mà thôi. Ôi thật là những ngày ghê gớm nhất của cuộc đời, không biết còn có cảnh khổ nào hơn không? Chúng tôi không được cho ăn uống chi cả. Tự ai có gì nấy ăn mà thôi. Ngày hôm sau, chúng tôi bị dẫn về hướng Tây, không gian vô định, ai biết mình sẽ bị đưa về đâu, và sống còn đến ngày nào. Khoảng thời gian này, không có một quy ước hay chính sách gì cả, hễ ai bất tuân bọn chúng, thì coi như bị bắn bỏ. Trong đoàn chúng tôi đi, có một binh sĩ còn trẻ, không dè dặt với chúng, đôi khi anh ta đi ngoài hàng một chút thì bị bọn chúng lôi ra bắn ngay. Thật là dã man! Chúng muốn bắn để khủng bố tinh thần của mọi người. Ôi sinh mạng con người nhỏ hơn là con ong, cái kiến. Dọc đường quốc lộ 19, từ Bình Khê lên đến chân đèo An Khê, trước kia có lực lượng của SĐ 22 Bộ Binh trấn đóng. Tôi không nhớ rõ là Tiểu Đoàn nào, nhưng thuộc Trung Đoàn 41. Trước đây có một trận đánh thật là ác liệt, hai bên vệ đường tử thi của các chiến sĩ VNCH nằm la liệt, có lẽ đã xẩy ra gần nửa tháng rồi, cơ thể bắt đầu sình thúi chỉ thấy quân phục và sọ người trắng hếu. Một số tử thi khác thì còn loang lổ một ít tóc trên phần sọ đã rữa. Mùi tử khí xông lên nồng nặc khắp trời. Ôi chiến tranh và thân phận con người, tôi lại nhớ đến mấy câu thơ của bà Đoàn Thị Điểm: Hồn tử sĩ gió ù ù thổi Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi, Chinh phu tử sĩ mấy người, Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn….. Vào thời gian này, tôi không còn nhớ rõ là mình đã nghĩ gì, chỉ có một con đường, chúng muốn đưa mình đi đâu thì mình theo đó thôi, mặc cho số phận đẩy đưa, cuối cùng cùng là giải thoát kiếp người. Chúng tôi đi đến ngày thứ 3 thì đến một trại trước kia là mật khu của chúng. Trại này nằm trong rừng sâu, cách đèo An Khê khoảng 50 km từ hướng Bắc. Cả mấy ngày đi, chỉ ăn được một lần, chúng tôi đi ngang 1 địa phương thì được đồng bào nấu cơm gói sẵn bằng lá chuối phát cho chúng tôi mỗi người một gói không biết là lệnh của họ hay lòng tự nguyện của đồng bào. Đến gần phạm vi của trại, chúng dừng lại để nghĩ và chuẩn bị cho chúng tôi nhập trại, trong lúc này tôi gặp lại một số anh em binh sĩ trong Pháo Đội, thật mừng và thật tủi cho thân phận những kẻ chiến bại. Thời điểm này chúng bắt giao nộp hết tư trang như đồng hồ, bút máy, nhẫn….Tôi thấy chúng dùng nón để thu, không ghi sở hữu của ai cả. Tôi biết bọn này muốn lấy không rồi, tôi làm dấu cho anh thường vụ Pháo Đội giấu chiếc đồng hồ Boulevard Sport của anh, khi đi đến bờ sông có 1 số người Thượng đứng bán chuối hoặc cơm. Chúng tôi đổi chiếc đồng hồ lấy 1 nắm cơm muối mè gói lá chuối, hai thầy trò chia nhau ăn cho qua cơn đói lòng. Thật là: “Đoạn đường ai có qua cầu mới hay”, vật chất chỉ có giá trị khi thời gian thích hợp. Còn với thời gian này, vật chất dù cao quáy thế nào cũng không qua nổi một gói muối mè. Thế là chúng tôi lần lượt vào trại. Sĩ Quan đều bị đem đi cùm, từ Thiếu Úy trở lên là bị cùm. Số lượng SQ bị bắt mỗi ngày một đông, chúng thả cấp nhỏ, cùm cấp lớn. Bắt được Đại Uý cùm Đại Uý thả Thiếu Uý. Cứ như là cấp số cộng. Phải nói bạn nào có thời gian ở trại Vĩnh Thạnh khi đọc dòng hồi ký này, không thể nào quên được một nơi gọi là ĐỊA NGỤC TRẦN GIAN đúng nghĩa của nó, không nơi nào ghê sợ hơn. Vì trại nằm trong rừng sâu, lam sơn chướng khí. Tổng số binh sĩ bị bắt vào thời điểm cao nhất ở đây có thể lên đến cả ngàn người, nhưng sau hơn 4 tháng, số tử vong lên đến cả trăm. Sốt rét chết, đói mà chết, bị đánh mà chết. Các đơn vị bộ đội cộng sản ở đây đa số đều là những cán binh CS trở về từ Côn Đảo, lòng nung nấu thù hận. Họ muốn trả những trận đòn thù trên các người lính Cộng Hòa còn chút sĩ khí đã ở lại chiến đấu để bảo vệ quê hương. Có 1 anh Trung Úy người miền Nam trước kia nguyên là giáo sư bị bắt vào trại cùng thời gian với chúng tôi, vì quá căm phẫn trước sự hành hạ của bọn chúng, nên chạy ra vọng gác giựt súng AK của tên bộ đội đang gác cổng nhưng không thành công vì cơ thể suy nhược, ăn uống thiếu thốn làm sao khoẻ bằng chúng. Sau khi giựt súng không được, anh ta bị rược chạy vòng vòng trong trại. Vì trại quá đông người nên chúng không bắn được. Vì không còn đường thoát, anh ta chạy đến bên những chảo nước đang nấu để cho tù uống và nhảy vào chảo! Thật là rùng rợn và thương tâm! Chúng dập tắt lửa, mang anh ta ra ngoài, nhưng anh ta vẫn còn sống. Anh ta chửi rủa bọn CS luôn mồn: “Đả đảo Cộng sản. Quân dã man khát máu”. Chúng cho khiêng anh vào trạm xá. Thật ra chỉ là một cái nhà nhỏ, vài lọ thuốc, vài lọ cồn mà thôi. Anh ta vẫn chửi liên hồi. Chúng lấy đất sét cho vào miệng, lấy cây dộng cho đến khi hết thở. Ôi! các bạn có hình dung được con người hay là ác quỷ nhỉ. Tôi có người bạn ở cùng quê tên Phan Duy Liêm, cấp Tr/Uý ĐĐT/ĐPQ cũg bị bắt vào trại này, tôi không nhớ anh đã làm gì phật ý chúng mà buổi chiều hôm đó, tôi chứng kiến tận mắt, 3 tên bộ đội đứng 3 góc đánh anh từ góc này văng sang góc kia, như là người ta chuyền bóng. Là thân phận tù sao dám chống trả chúng. Sau khi anh được thả ra, lục phủ đã bị dập nát, đã bị tổn thương. Mặc dù thời gian sau được gia đình tiếp tế thuốc men chữa chạy, sau hai năm hao tổn, anh đã lìa đời, bỏ lại một vợ và một con thơ, là bà con họ hàng với gia đình tôi. Ở đây khí hậu chưa có một nơi nào dễ sợ hơn. Danh từ sơn lam chướng khí thật là đúng nghĩa của nó. Các nhà giam (lán) được cất dưới những tàng cây cổ thụ, suốt ngày ít khi thấy ánh sáng mặt trời, sương buổi sáng rất nặng và dày đặc, 9 hay 10 giờ mới thấy mặt trời, máy bay thám thính cũng chỉ thấy toàn màu xanh của rừng. Khoảng hơn tháng đầu chúng chưa cho đi làm, mỗi ngày chỉ phát hai nắm cơm bằng một bát trung bình, vơi chứ không đầy, mì khô hết 80%, vài hột gạo có thể đếm được, tất cả chúng tôi đều đói và sốt rét. Ở đây trung bình một tuần sốt rét 3 lần. Sốt thì nằm, dậy được thì đi lao động, xuống trạm xá khai bệnh, cặp nhiệt độ 40 độ C, cho vài viên Nivaquine, 39 độ trở lui, thì chúng cho uống một thứ rễ cây tên là “mật nhân”. Trên đời nà y chưa có thứ nào đắng như thứ này, uống xong quay đi là nôn thốc, nôn tháo, nôn đến mật xanh, mật vàng, lần sau sốt hoặc nằm liệt không dám khai bệnh nữa, hết sốt thì dậy đi làm. Con người thiếu ăn, thiếu dinh dưỡng, sốt rét triền miên, nên chúng tôi trong như những thây ma còn sống. Da mặt thì vàng bệt, xám ngoét, mắt trũng sâu, chân đi siêu vẹo, quần áo tả tơi. Ôi! chúng tôi thật là tới tận cùng của địa ngục. Chúng tôi nào có tội tình gì, chỉ biết cầm súng bảo vệ quê hương không có một ý đồ bất chính, không có một tham vọng nào làm tổn thương đến giá trị vật chất hay tinh thần của con người, tại sao chúng tôi lại phải bị trừng phạt một cách khủng khiếp như thế? Có những lúc tuyệt vọng, anh em nói đùa: “Chúa hay Phật gì cũng bỏ chạy hết rồi còn đâu mà cầu nguyện.” Sau hơn 3 tháng tôi bị bắt, gia đình tôi mới được tin tức. Vợ tôi từ Phan Thiết ra Bình Định đến trại 3 Vĩnh Thạnh để thăm, thật là một chặng đường vất vả. Vì xe cộ không có, vợ tôi phải đi bộ khoảng 50km đường rừng, phải ngủ lại ở trại 2 rồi mới lên trại 3 được. Biết bao nhiêu gian nan và sợ hãi, khi được gặp mặt, vợ chồng tôi nhìn nhau nước mắt lưng tròng, hỏi thăm vài câu sức khoẻ, đâu còn lời nào để nói. Và biết nói gì hơn khi mỗi bàn có hai bộ đội ngồi bên cạnh, súng AK lăm lăm, nói được gì đây. Về nhà, vợ tôi bị sốt rét chữa trị gần 2 năm mới bình phục. Thời gian ấy, vợ tôi phải chuyền sẻrum liên tục, thế mới biết rừng thiêng nước độc đến cỡ nào. Sau đó thân phụ tôi đi thăm một lần, về cũng bị sốt rét liên tục. Từ đó về sau, chỉ có em trai tôi còn khoẻ mạnh đi thăm mà thôi. Có những lúc đói quá, mắt đổ đom đóm vàng khi nhì thấy các anh em khác có người tiếp tế, có đồ ăn. Muốn quên đi, tôi chỉ còn biết ra gốc cây ngồi luyện Yoga cho quên đi nỗi đói khát, bệnh tật. Ai có biết sách lược triệt hạ kẻ thù, không sợ chúng phản kháng là làm cho chúng đói triền miên, không bao giờ cho chúng ăn đủ no. Suốt ngày tư tưởng lẩn quẩn, mong có cái gì bỏ vào miệng, vào bụng mà thôi, không còn nghĩ được thứ gì khác trên đời. Ôi con người có những lúc phải như thế này ư? Tôi có đọc cuốn Tiểu Đoàn Trừng Giới của Erich Maria Remark, nhà văn Đức, tù binh Đức, cũng bỏ vào các trại tập trung cũng đói như chúng tôi, nhưng thời gian ngắn hạn và không bệnh tật. Còn chúng tôi đói dài hạn và bệnh tật triền miên. Tôi còn nhớ vào thời gian cò ở quân ngũ, tướng độc nhãn Mó Dayan của Do Thái có qua thăm trường Võ Bị Đà Lạt, đã nói: "Muốn chiến thắng Cộng Sản, phải sống với Cộng Sản". Xin những ai, có làm chính khách, chưa bao giờ biết ngục tù Cộng Sản, thì xin nghĩ đến bao nhiêu anh hùng đã hy sinh, bao nhiêu triệu đồng bào còn đang sống vất vưởng nơi quê nhà, vật lộn với miếng cơm manh áo hàng ngày vì phương châm “làm cho tập thể, hưởng theo nhu cầu” của chúng. Và cả một thế hệ chúng tôi tù đày oan khiên, khổ nhọc, thì chớ nên phụ quá khứ một thời tự do, dân chủ, thanh bình của miền Nam Việt Nam. Ở trại này có những cách giết người rất dã man. Các bạn có biết, một cái nhà cùm kín mít, bên trong là một dãy khóa lại, tất cả việc ăn uống vệ sinh đều tại chỗ, đó là cùm thông thường. Nếu chúng muốn tra tấn ai, cho hai chân vào hai lỗ chéo nhau, chân phải lỗ bên trái, chân trái lỗ bên phải, dưới mông ngồi có một cây đà vuông thông ra ngoài, xuyên qua một cây trụ thẳng đứng khoét một lỗ hình chữ nhật, để cây đà vuông có thể di chuyển được từ thấp lên cao, chúng gọi là cùm yên ngựa. Mỗi lần nâng cây đà lên là ống quyển bị ép vào lỗ cùm. Bên ngoài chúng dùng một miếng nêm hình tam giác để đóng, mới đầu đóng là tù nhân la thất thanh sau đó im dần…im dần, tù nhân đã hết thở. Ôi địa ngục ở đâu, có lẽ còn ít sợ hãi hơn nơi này. Chúng tôi bị nhốt trong một cái lán gần bên nhà cùm. Đêm đêm nghe tiếng la thất thanh xé tâm can, rồi dần , im dần và tắt hẳn… Thế là một người đã ra đi không biết là tốt hay xấu với chúng tôi, biết đâu vài hôm đến lượt mình. Ở đây có những cái chết rất kỳ lạ, buổi sáng còn ngồi chơi nói chuyện, vì là ngày Chủ Nhật, anh bạn ở cùng quê, Đ/Uý Dậu TĐT/CB, ngồi ngã ra, quay quay như gà mắc toi, đem xuống bệnh xá, chừng 1 giờ đồng hồ sau thì chết. Khí hậu thật là rùng rợn, sinh mạng con người còn thua những loài côn trùng. So với tù binh của Đức Quốc Xã thời Đệ Nhị Thế Chiến đâu có khác gì nhau. Sau một tháng nhốt một chỗ, chúng tôi được chia ra để đi lao động. Những công việc chính là nhổ mì, trồng mì, và làm cỏ mì. Buổi sáng tù tập trung do 1 hoặc 2 tên bộ đội dẫn đi tới những bãi mì trong núi hoặc trên đồi cao. Chúng tôi dàn hàng ngang, mỗi người một cái cuốc, dùng để cuốc cỏ xung quanh cây mì. Cây mì mới mọc cao chừng 5cm hay một tấc, rất dễ lẫn lộn với cỏ. Chúng tôi đâu phải nhà nông chuyên nghiệp, từ nhỏ cha mẹ đã hy sinh gian khổ, nuôi con ăn học, mong con sau này thành đạt đâu nghĩ đến việc phải dùng cái cuốc,cái cày. Ôi công lao của cha mẹ lo lắng nuôi con trong thời điểm này hình như đã sai đường. Nếu chẳng may chúng tôi cuốc gãy cây mì chúng thấy được, thì báng súng AK vào đầu, vào cổ, mũi súng thọc vào sườn, vào bụng. Anh bạn tôi là Đ/Uý Dậu có lẽ bị đòn thù trong trường hợp này, nên đã mất đi vài tuần sau đó, trong bữa sáng Chủ Nhật mà tôi vừa nói ở trên. Thật là thê thảm, những tù nhân chẳng may mà mất đi, chúng quấn bằng miếng vải ni lông, dùng để làm áo mưa, xung quanh kẹp 7 nẹp tre, quấn lại như một khúc dồi lớn. Hai người khiêng, hai người đào lỗ ngoài rừng rồi lấp đi. Xong chúng cắm một cái bảng nhỏ viết tên tù nhân bằng sơn. Với 2,3 tháng nắng mưa, thì không còn biết ai là ai nằm đó nữa. Vì thế gia đình anh Dậu đã cố gắng nhiều lần, nhưng vẫn không tìm thấy xác anh ở đâu để đem hài cốt của anh về mai táng nơi quê nhà. Rất may là khoảng tháng thứ 5 chúng tôi chuyển trại, lúc này đại đa số là Quân, Cán, Chính VNCH đã bị bắt hoàn toàn, không còn 1 lực lượng nào trong nước có thể đối kháng và phá hoại chúng được. Chúng thành lập những Tổng Trại Tù Binh để quản lý. Một Tổng trại như thế do cấp Trung Đoàn chính quy quản lý do Thủ Tướng Cộng Sản Phạm Văn Đồng ký, mục đích là để trấn an dân chúng và để trình làng với Quốc Tế. Giai đoạn cuối ở địa ngục này, tôi bị sốt rét hành hạ liên tục, có lẽ đã xâm nhập vào gan, lá lách hay thận. Người tôi vàng vọt, xám ngoét, mắt trũng sâu, bụng ỏng, chân thì dần dần to ra như chân voi bước đi không nổi nữa. Chúng tôi được đưa xuống Tổng trại 4 An Trường. Ôi, thật là một cuộc di chuyển có khác nào như chở heo, chở gà ra chợ để bán! Một chiếc xe Motolova như vậy chở xấp xỉ cả trăm người, người sau phải bám người trước cho chặt, nếu không khi xe quẹo, quán tính của trọng lượng sẽ làm văng những người sau ra ngoài mà chết. Súc vật đem bán cần sống, cần khoẻ chứ chúng tôi thì không…. Tôi được đưa xuống trại 1 của Tổng Trại 4, nhờ gia đình tiếp tế, thuốc men đầy đủ, và ở trại này, chế độ ăn uống có phần dễ thở hơn, nên tôi đã dần dần hồi phục và giữ được cái mạng còm cho đến hôm nay. Phải nói rằng sáu năm tù đày, thời gian ở trại này là tương đối dễ chịu nhất so với các trại khác. Vào thời điểm này, đa số anh em đều tin rằng sau 3 năm rồi thì thế nào cũng được thả về, nhưng thật sự là một sự lầm lẫn to lớn. Lời nói của chúng như những bó cỏ treo trước đầu con ngựa đang kéo xe, cỏ thì nhìn thấy đó, nhưng con ngựa có bao giờ ăn được đâu?….Những ngày kêu thẩm vấn, tự khai, ôi thật là khổ sở. Nói thế nào chúng cũng không tin. Hỏi: “Từ ngày anh tham gia nguỵ quân, ngụy quyền đến giờ giết bao nhiêu cách mạng?” Tôi trả lời: “Tôi là đơn vị Pháo Binh yểm trợ, họ yêu cầu tác xạ ở đâu, chúng tôi bắn ở đó. Kết quả do các đơn vị Bộ Binh tham gia họ ghi nhận và báo cáo, chúng tôi đâu có trực tiếp tham dự ” Hỏi: “Anh nói anh không giết cách mạng sao họ cho anh mang lon Đ/Uý sớm như vậy?” Tôi trả lời: “Theo chế độ đào tạo SQ tại miền Nam, có bằng cấp mới được chọn, 1 năm Chuẩn Uý, được thăng Thiếu Uý, 2 năm Thiếu Uý được thăng Trung Uý. Sau đó khoảng 3 năm đủ điểm thì lên Đ/Uý.” Nhưng dù có nói thế nào chúng cũng chẳng tin. Và cứ như thế hết ngày này đến ngày khác, tôi cứ bị kêu liên tục, hỏi hơn cả tháng, chúng cứ xoáy vào một điểm là giết hại bao nhiêu cách mạng. Cuối cùng tôi phải moi một trận yểm trợ nhớ mang máng theo kết quả của Bộ binh báo cáo, là địch quân tổn thất vài chục chúng mới hết hỏi. Ai có ngờ đâu đó là cái giá treo cổ mà mình tự gánh vào, sau này chúng cho là thành phần ác ôn có nợ máu với nhân dân…. Thời gian ở Tổng trại này hơn 1 năm, sau đó có lẽ tình hình thanh lọc tù nhân giảm dần, chúng tôi chuyển từ tổng trại này sang tổng trại 5 thuộc các đơn vị tỉnh Phú Yên quản lý. Trại này cũng là một trại sắt máu, chúng tôi làm việc như lao động khổ sai, và cơm thì không bao giờ được ăn no. Có một vài anh em bỏ mạng vì đốn cây rừng cho chúng, cây đè mà chết hoặc thương tật suốt đời. Các bạn từng xem những phim La Mã thời Caesar, các nô lệ kéo gỗ hay kéo đá, chúng tôi cũng vậy. Một khúc gỗ súc dài 4 hoặc 5 mét, đường kính khoảng 7 tấc, xỏ 4 dây thừng, mỗi bên 4 người khiêng. Đường từ trên núi, leo dốc, xuống ghềnh hiểm trở, nếu rủi ro mà té ngã thì coi như cái mạng đi đoong. Súng AK thì lăm lăm, sẳn sàng nhả đạn nếu chúng tôi tìm đường chạy trốn. Ôi, nếu so sánh, chúng tôi và nô lệ thời Trung Cổ của La Mã có khác gì nhau đâu. Tôi còn nhớ nằm cạnh tôi có ông bạn già là Tr/Tá ĐN Thanh trước 75 là CHT Quân Cảnh Quân Khu 2, và có thời gian Tr/Tá Thanh đã từng làm Trưởng trại giam tù phiến cộng ở Phú Quốc. Có một ngày họ phân công tôi và bác Thanh là 1 cặp trong toán chặt gỗ làm nhà, chỉ tiêu dài sáu mét, đường kính từ 1.5 đến 2 tấc, phải là gỗ tốt, lá nhỏ, vỏ mỏng. Tôi và bác Thanh phải lên núi cao tìm gỗ vì dưới thấp không còn nữa. Sau khi chặt xong, tôi và bác Thanh khiêng về trại. Vì lúc đó tôi còn trẻ nên nghĩ rằng mình khiêng phần gốc để bác Thanh phần ngọn nhẹ hơn. Từ trên triền núi cao, tôi lao xuống dốc vì nặng quá, không kềm được, nên đã té ngã nhiều lần. Rốt cuộc để khỏi tai nạn, bác Thanh dành khiêng phần gốc vì thật sự mà nói, bác rất khoẻ và rất đô con. Tối về sinh hoạt kiểm điểm xong, bác nằm và than sao đau lưng và khổ quá. Bên cạnh tôi có anh bạn Luật sư Lê Đình Khang nói nhỏ: “Bác khổ là vì hồi đó bác hà tiện quá mà.” Bác càu nhàu hỏi: “Hà tiện gì?” Anh bạn Khang nói: “Nếu hồi đó bác sắm bao tải cho nhiều, cứ mỗi chuyến C130 chở tù phiến cộng từ Sài Gòn ra Côn Đảo, bỏ hết vào bao ném xuống biển, thì đâu có ngày hôm nay.” Bác và chúng tôi cùng cười, quên đi nỗi đau đớn nhọc nhằn. Trong thời gian ở trại này, chúng tôi chứng kiến một cảnh thương tâm. Có một số anh em trốn trại nhưng không thoát được, tôi chỉ nhớ tên 2 người là T/Tá Giang và T/Tá Phước, 2 người còn lại tôi không nhớ được. Chúng cho làm mỗi người một cái lều, như lều cắm trại, sát mặt đất, có khung bằng ván để nằm, làm hệ thống cùm dưới chân bằng gỗ, khóa lại suốt ngày đêm, trông giống như những chiếc nhà mồ nằm ngay tại vọng gác trước mặt trại. Chúng tôi ngày nào lao động cũng phải đi ngang qua, trông thật đau xót và thương tâm, nhưng đâu biết làm sao khác hơn…. Vào một đêm, bỗng dưng lửa cháy các chòi, chòi của T/Tá Giang là nặng nhất. Họ được đưa đi bệnh viện Tuy Hòa để cấp cứu. T/Tá Giang phải cưa hai chân đến đầu gối. Các bạn khác đều bị phỏng nhưng cũng được lành. Chúng tôi đều nhận định rằng chúng muốn đốt cho chết rồi cho là tai nạn, vì các chòi nằm giữa miếng đất trống thì sao lại có hỏa hoạn. Khoảng 5 tháng sau, họ thả anh Giang về. Gia đình từ miền Nam phải lo phương tiện di chuyển anh, sau 75 gạo còn không đủ ăn, làm sao mà sắm xe lăn. Tôi nghe sau này hình như anh đã quyên sinh vì nghịch cảnh gia đình. Ôi thân phận con người, thân phận của những kẻ chiến bại, dưới nanh vuốt của một lũ bạo tàn nhất trong lịch sử của nhân loại. Và cuộc đời chúng tôi cứ kéo dài như thế thôi, niềm tin được thả về còn xa lắm, chỉ khi nào sức cùng lực kiệt, chúng bảo gì nghe đó, sự đối kháng không còn nữa, may ra mới được về, lúc đó liệu còn sống sót bao nhiêu người đây. Phần cá nhân tôi, có một hôm, tôi bị sưng chân phải đi cà nhắc, xuống trạm xá được cho làm việc nhẹ . Buổi sang 1 tên bộ đội vào kêu chúng tôi đi làm, thấy tôi không chuẩn bị, hắn hỏi tại sao, tôi trả lời đau chân, trạm xá cho làm việc nhẹ. Hắn trừng mắt, giơ súng lên và bắt tôi đi làm với đội. Tôi phải cà nhắc theo đội để đi làm. Đứng cuốc đất suốt ngày bằng 1 chân, ngày hôm sau chân kia sưng phù lên. Thế là tôi phải nằm liệt mấy ngày. Ôi, bạn có hình dung được chúng tôi phải chịu đựng như thế không? Sau hơn 3 năm chúng tôi được chuyển giao cho ngành Công an quản lý. Chúng tôi thuộc loại tù chuyên nghiệp, được chuyển đến trại A30 ở Tuy Hòa. Trại này tập trung đủ các thành phần, hình sự, vượt biên, những người bị bắt năm 78,79 họ gọi là phản động, và chúng tôi từ các tổng trại 5, tổng trại 8, Trại Lam Sơn, Trại Thanh Bình, v.v….Cảm nghĩ của tôi khi đến trại này là thôi, thế là cuộc đời gắn liền với chữ Tù. Giống như nhân vật Papillon của Henrie Chariere. Ở tù không biết tại sao mình ở tù, ngoại cảnh đưa đến mà mình không tài nào vùng vẫy được. Hay gần giống như nhân vật chính trong tác phảm “Giờ thứ 25″ của một nhà văn Nga tôi không nhớ rõ tên. Hết ở tù bởi quân Đức, rồi đến Nga, rồi đến Đồng Minh, khi ra đi thì mới lấy vợ, khi về vợ đã 3 con rồi, mỗi quốc gia, một đứa. Dưới tay Công An quản lý, thật là một sự xảo quyệt của con người, tinh vi đến mức không thể nào diễn tả được. Ở đây cũng thiếu thốn và đói như những trại khác, nhưng ở đây thì gia đình thăm nuôi, tiếp tế cho nhận thoải mái. Mục đích của chúng, cứ cho người nhà thăm nuôi ăn cho no, làm việc cho chúng vượt chỉ tiêu, thì đâu có gì tốt bằng đâu nào. Các trại khác thì thân nhân thăm nuôi chỉ cho đem quà, bánh, thức ăn không cho nhận gạo. Ở trại A 30 này, không tiếp tế gạo cho tù nhân là một thiếu sót lớn. Lần thăm ban đầu gia đình tôi không biết, sau mới hiểu ra gạo là chính. Đến A 30, chúng tôi khai phá những cánh đồng ngút ngàn. Tất cả những cánh đầm lầy biến thành ruộng xanh ngút tầm mắt, và những cánh đồng mía chỉ thấy đường chân trời, tầm mắt không thể nhìn hết. Chúng lại lên lớp: “Ta làm ta hưởng. Lao động là vinh quang.” Ôi thật là bực lỗ tai. Sao có những con người, chỉ biết nói và không cần thái độ của người nghe. Chúng tôi làm cho họ hưởng, nếu gia đình chúng tôi không nuôi thì chúng tôi đã chết đói rồi. Ở đây có một trường hợp, anh Đ/Úy Thức đơn vị Dù, tôi không biết Lữ Đoàn mấy vì ở khác lán. Buổi chiều đi lao động về, anh gặp tên Tr/Tá Hạnh Công An Giám Thị trưởng Trại A 30 hỏi thăm và nói gì đó, sau lên lớp…Vì hắn quá trâng tráo và dối trá nên anh Thức dằn không nỗi nhảy vào đánh tên Giám Thị trại. Công an phòng vệ đã nhào vô bắt và đán anh Thức, không thể nào diễn tả được. Chỉ biết sau khi đánh xong, chúng bỏ anh vào xe cút kít đẩy vào chỗ biệt giam thì thấy anh như một đống thịt, máu me đầy mình! Ôi con người đến thế thì thôi! Tôi nghe sau đó họ đưa anh xuống bệnh viện Tuy Hòa để điều trị và nghe đâu hình như có người bà con làm lớn ở Hà Nội lãnh anh đem về nhà. Từ đó đến nay, không còn được nghe gì hơn nữa, không biết anh có còn sống, và nếu như có đọc những dòng này của tôi, thì xin anh nghĩ, lúc đó chúng tôi rất căm phẩn chúng nó, và xót thương anh nhưng chúng tôi đành bất lực…… Tôi cũng không biết nói sao, vì mỗi con người có trình độ nhận thức khác nhau, phải nói rằng nếu nghị lực không đầy đủ thì sẳn sàng làm tay sai cho chúng. Có một ngày, chúng tôi đang cuốc cỏ thì tên Công An quản giáo kêu tôi ra giữa đám mì, giở trò giáo đầu là tôi lao động lấy lệ, sinh hoạt không chịu phát biểu, ù lì, là thành phần chống đối ngấm ngầm, như vậy làm sao tiến bộ, cách mạng xét cho các anh về. Tôi muốn bật cười nhưng không dám, vì nó đã nhàm với chúng tôi. Nghe bao nhiêu năm rồi. Tôi lặng thinh, hắn nói tiếp: “Bây giờ anh muốn thể hiện cho chúng tôi thấy sự tiến bộ của anh thì anh phải theo dõi báo cáo tư tưởng của anh nào chống đối cách mạng, ai phát biểu những gì bất lợi cho cách mạng. Báo cáo trực tiếp với tôi, hay bỏ vào hòm thư trước trại.” Tôi phải trả lời hắn theo sách vở: “Thưa cán bộ, nhiệm vụ chúng tôi ngoài việc học tập lao động, tôi còn phải báo cáo ngay nếu phát hiện được những thành phần nào trốn trại.” Hắn nói: “Tôi yêu cầu anh báo cáo những anh nào phát biểu chống đối kìa.” Tôi vâng lấy lệ. Khoảng tháng sau, hắn kêu tôi ra lần nữa vì không thấy báo cáo của tôi, hắn hỏi: “Tôi không thấy báo cáo nào của anh hết, anh là thành phần ngoan cố, chống đối.” Tôi nói: “Tôi có để ý một hai bữa, thấy anh em ai cũng an tâm, đâu có nói gì, thành tôi không có gì để báo cáo.” Hắn đơn cử một vài lời nói mỉa mai của vài anh em. Tôi nói: “Anh em vui miệng nói đùa, tôi không để ý.” Thế là hắn lôi tôi ra, dùng báng súng đập cho một trận. Tôi mang thương tích và nước mắt căm hờn về trại, cơm nuốt không vào. Không phải đau mà khóc nhưng uất hận làm cho nước mắt tuôn trào. Tối hôm đó một vài anh em mang thuốc giảm đau và dầu xoa bóp cho tôi, thật là an ủi. Dầu sao chúng tôi cũng còn có nhiều anh em nghĩa khí và có tình người. Bọn hắn cũng có mắt chọn người lắm. Mỗi ngày chúng tôi đi cuốc đất, cả đội dàn hàng ngang, chỉ tiêu mỗi người 4 mét chiều rộng và 200 mét chiều dài, chúng chọn một tên kêu ra nói nhỏ: “Anh ráng cuốc 250 mét, kỳ sau gia đình anh lên thăm nuôi tôi sẽ can thiệp với trại để cho anh được gặp gia đình ban đêm.” Ôi, một sự hứa hẹn tuyệt vời. Tù nhân nào lại không muốn hàn huyên với gia đình sau bao nhiêu năm dài ngăn cách, bao nhiêu biến cố vật đổi sao dời. Có người suy nghĩ chín chắn thì thấy là chuyện đau khổ thêm cho vợ mình, có người chuộng vật chất thì cho đó là một đặc ân của Cộng Sản. Thật là một thủ đoạn quá tinh vi. Thế là hôm sau, tên được kêu cuốc vượt trội hơn anh em khác. Tối về họp kiểm điểm chúng nêu ra: “Anh A cũng như các anh, cùng sức vóc, cùng tiêu chuẩn ăn uống như nhau. Người ta cuốc được 250 mét, các anh cuốc có 200 mét, lại kêu không đủ giờ, chứng tỏ các anh làm cầm chừng, lười lao động. Bao giờ các anh mới tiến bộ đây?” Bắt đầu từ ngày đó, chỉ tiêu là 250 mét/ngày. Chúng tôi cuốc từ sáng sớm đến chiều tối, tay chân rã rời, tai như bốc khói. Trên đường đi về trại, thân thể rã rời ngất ngưỡng như người mộng du, vì sức đã cạn rồi. Chúng tôi chửi thầm, ôi những thằng ngu, nào dám chửi thẳng vào mặt, nó mà báo cáo một phát là biệt giam, hai chân vào cùm, làm bạn với gián….. Ở đây cũng có tổ chức những đêm văn nghệ, diễn viên là các em vượt biên bị bẳt. Các em còn rất trẻ, có em đã bị bắt vào đây đến 3 lần, thật đáng thương. Họ cho tập dượt, và cho trình diễn những đêm thứ 7, chủ nhật hay các ngày lễ của chúng. Nội dung hình như chúng tôi gần như thuộc lòng, vì xem đi xem lại, tháng này qua tháng khác. Khi nào tổ chức văn nghệ là chúng lùa hết ra sân vận động, không được ở lại trong trại. Tôi và anh bạn Thắng đem áo mưa ra để nằm ngủ, chúng bắt gặp. Thế là hôm sau chúng họp kiểm điểm là chúng tôi không chịu tiếp thu văn hóa cách mạng, thành phần bướng bỉnh ù lì. Có những trò khác, bọn chúng mị dân, mà ngay cả một số gia đình chúng tôi cũng nghĩ chúng là nhân đạo. Thí dụ sau khi cho vợ con thăm nuôi, tiếp tế, tối còn cho gặp. Ngày hôm sau, gia đình về, chúng đưa sổ cho thân nhân viết cảm tưởng. Chúng đem trình làng với đồng bào ở ngoài hay các phái đoàn quốc tế viếng thăm. Chúng đem khoe khoang cũng như phổ biến trong trại, thế thì nhân đạo quá đi chứ, thử hỏi có thân nhân nào dám viết lời không tốt cho chúng đâu. Ở trại này, trước khi chúng tôi chuyển đến, có nghe kể lại một chuyện thương tâm. Là có số anh em giựt súng tên Công An định bỏ chạy nhưng bị một tên Tr/Tá của ta ôm lại để cho Công An bắn chết 1 hay 2 đồng đội của ta. Cả trại rất căm phẫn và khinh bỉ tên này. Khi chúng tôi đến trại A 30 thì tên này đã được bọn Cộng Sản cho định cư vùng kinh tế mới Mai Liên do trại quản lý và được đem gia đình đến sinh sống vì hắn có công với cách mạng. Tên này là Tr/Tá Lập trước kia làm Quận Trưởng quận Vạn Ninh, tôi biết vì vợ của hắn có chút bà con xa với gia đình tôi. Những năm sau khi được phóng thích về, có một lần tôi ghé thăm gia đình cha mẹ vợ hắn, thì mới hay việc đời có vay, có trả, thời gian sau vợ hắn đã bỏ hắn, sống với người khác rồi. Những khổ hình ở trại làm sao mà nói cho hết, tôi chỉ ghi lại những điều mình nghe, mình chứng kiến để bạn đọc suy nghĩ thấy cái bạo tàn, quỷ quyệt của chế độ để đem một chút ánh sáng cho những ai vì một chút quyền lợi riêng tư mà muốn cái gọi là ” hoà hợp hòa giải với Cộng Sản”. Các bạn có biết, cảnh đời tù tội là đắng cay, khổ nhọc nhưng cũng có lắm chuyện cười ra nước mắt. Chúng tôi là những thành phần gồm sinh viên, giáo chức, cán sự, hay hành chính bị động viên. Dẫu sao, với xã hội miền Nam thời đó chúng tôi cũng là thành phần gọi là trí thức chút ít. Từ nhỏ cha mẹ sinh ra đã hy sinh cho con ăn học những mong cho con mình đỗ đạt, cho cuộc sống vững vàng, chúng tôi nào có quen các cuốc, cái cày. Khi bị bắt vào đây chúng xem bọn tôi như một lũ ăn hại, vô tích sự. Có một ngày đội chúng tôi đi cày lần đầu, các bạn có biết, trâu bò cũng quen với ngôn ngữ địa phương. Ở miền Trung từ Bình Định trở vào, muốn bò quẹo trái thì gọi Thá, muốn bò quẹo phải thì gọi Dí, muốn chúng dừng lại thì gọi Dò. Còn ở vùng Quảng Trị muốn quẹo trái thì gọi Tắc, muốn quẹo phải thì dùng Rị, và muốn dừng lại thì dùng Họ. Hôm đó mỗi người được phát một cặp bò và 1 cái cày, có một anh người Quảng Trị cầm cày và cầm roi điều khiển bò, cứ dùng hết Tắc rồi Rị, bò nó không biết đi đâu, nó quẹo lung tung. Bò đi mãi gần đến bờ rào đụng nhà dân, anh la Họ….Họ….., bò vẫn đi, hoảng quá anh la : “Stop, stop, stop”. May có vài anh em ra chận bò lại, chúng tôi có dịp cười nghiêng ngửa. Khi anh chàng trở lại chúng tôi nói: “Bò nó đâu có đến trường mà biết tiếng Anh, ông bạn.” Những kỷ niệm đau khổ cũng như là hạnh phúc của con người đều có giá trị ngang nhau trong tiềm thức, người ta khó mà quên được. Có những ngày chúng tôi đi làm ruộng tại cánh đồng tên là Đầm Sen. Cánh đồng đầm lầy bạt ngàn, bỏ hoang lâu ngày từ thời Pháp thuộc, thật xa xôi và hẻo lánh, bèo lát, điên điển, cỏ dại mọc như rừng, mỗi lần nhảy xuống ruộng, có chỗ sình ngập lên tới cổ. Và có những đám ruộng nước đĩa ơi là đĩa….lội như bánh canh. Từ nhỏ tôi cũng như nhiều anh em khác, nói chung môi trường sống là thành phố, nên thấy đĩa rất là sợ. Lần đầu tiên nhảy xuống ruộng, thấy nhột nhột nhảy lên, là một vài con bám chân bám đùi, máu chảy tùm lum…..Úi trời ơi, thật là hãi hùng, bắt chúng xong lại nhảy xuống, vì nhảy lên bờ thì AK chĩa vào đầu. Ngày ấy làm ruộng về, mặc dù đói, nhưng cơm nuốt không nổi vì tinh thần căng thẳng và hãi hùng quá mức. Mấy hôm sau, chúng tôi rút kinh nghiệm, chọn bộ quần áo nào mới nhất, không có chỗ rách, bỏ áo vào trong quần, cột hai ống chân cho chặt, cột quanh lưng, cột hai khuỷu tay, nhờ thế mà khi nhảy xuống ruộng, thấy đĩa bơi quanh người nhưng chúng không bám được, nhưng cũng có những trường hợp ngoại lệ, chúng vào tận chỗ kín để cắn, về nhà máu me tùm lum phát khiếp. Cũng có những chuyện vui đáng nhớ. Số là sau khi khai hoang xong, những đám ruộng bùn quậy lên rất nhiều cá nên anh em tha hồ bắt. Tôi thì chạm cá rất nhiều, nhưng chẳng bao giờ bắt được cả. Bắt nó lên là nó vuột, bắt một tay cũng vuột, hai tay cũng không xong. Chiều về hỏi mấy anh bạn chuyên nghiệp chỉ giùm cho một chiêu làm sao để bắt mà nó không vuột. Anh bạn cười: “Bắt cá cũng như đi cua gái vậy, khi đụng nó phải từ từ mò từ đuôi lên tới đầu, khi vị trí của đầu nằm trong lòng bàn tay rồi, thì dịu dàng nắm lại, thật chặt và thật êm thì không bao giờ bị mất cả”. Thế là hôm sau theo cách chỉ dẫn của anh bạn, tôi được mấy bữa bồi dưỡng ngon lành. Có những ngày làm cỏ ở những thửa ruộng cạn, chúng tôi không tìm được thứ gì để ăn. Vài ba người, mỗi người vài chú nhái, chiều về cải thiện, 1 vài con không đáng là bao, người nọ dồn cho người kia để ăn cho đủ. Các bạn biết sao không? Cho thì tiếc, bèn oảnh tù tì ai thắng thì ăn hết, ai thua thì nhịn. Ôi con người khi tới tận cùng đất đen rồi thì mới nhận chân được giá trị của nó. Chuyện đã 28 năm rồi, nhiều khi tôi nghĩ mình cũng nên quên đi để sống những ngày còn lại của cuộc đời. Nhưng thỉnh thoảng quá khứ lại hiện về, không sót một chi tiết nhỏ nào. Có những đêm ác mộng hãi hùng, bị đánh, bị tra tấn và những cơn trốn chạy dưới lằn đạn AK của chúng. Khi tỉnh dậy tinh thần bàng hoàng, đầu óc ngây ngô. Và không biết đến bao giờ tâm trí mới được bình yên đây. Đọc qua lịch sử biết bao sự hưng vong của chế độ Đinh, Lý, Trần,Lê….Biết bao nhiêu thi nhân đã tiếc thương một thời quá khứ êm ấm, thanh bình….. Tạo hoá gây chi cuộc hý trường, Đến nay thắm thoát mấy tinh sương. Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo, Ngõ cũ lâu đài bóng tịch dương Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt Nước còn cau mặt với tang thương, Ngàn năm gương cũ soi kim cổ, Cảnh đấy người đây luống đoạn trường. Hay: Nhớ nước đau lòng con quốc quốc. Thương nhà mỏi miệng cái gia gia… (Bà Huyện Thanh Quan) Hoặc: Khắc khoải sầu đưa giọng lửng lơ Ây hồn Thục Đế thác bao giờ Năm canh, máu chảy đêm hè vắng Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ Có phải tiếc Xuân mà đứng gọi Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ Đêm đêm ròng rã kêu ai đó Dục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ (Nguyễn Khuyến) Vận nước đã đổi thay, quê nhà chìm đắm trong cảnh bất công. Giới thống trị thì vàng son rủng rỉnh, xe pháo dập dìu, người dân còn lại phải vật lộn với cuộc sống đầy gian nan mới đủ cơm ngày hai bữa, và còn phải lo thuốc thang khi đau yếu. Không hiểu tiền nhân có đau khổ như chúng ta không? Nếu có thì chỉ có sự thay đổi thể chế xã hội và đau nỗi mất nước, không đến nỗi phải lưu vong như chúng ta, trên 15.000 dặm đường chim bay, xa hơn một nữa vòng trái đất. Muốn tìm một chút tình cảm thân thương nơi cha, nơi mẹ, nơi anh em, nơi bạn bè hay người thân thật là khó vô vàn. Thật là: Đau lòng tử biệt sinh ly, Muốn cho tái ngộ chỉ nhờ mộng trung…. Chúng ta đã may mắn thoát khỏi ách bạo tàn, dung thân ở xứ tự do. Tuy không dễ, nhưng chúng ta có đầy đủ quyền tự do của một con người được pháp luật bảo vệ. Quê nhà còn biết bao người thân đang trầm luân với cuộc sống đoạ đầy và bất công, chỉ hy vọng chút tin vui khi có con cái, hay anh em gửi về chút ít quà hay tiền để mạch máu đang chảy không bị cạn….bởi một lũ vô thần, tham lam, ích kỷ và tàn bạo….. Với những dòng này, mong đóng góp chút ít tư liệu về cuộc chiến, và những gương hy sinh của các Sĩ Quan QLVNCH, những anh hùng không tên tuổi đã nằm xuống trong cuộc chiến, để giữ gìn miền Nam êm ấm thanh bình gần 3 thập niên từ sau 1945-1975. Và để cho thế hệ sau phân tích sự hy sinh gian khổ của cha ông. Và cũng mong quê hương dân tộc sớm khỏi ách bạo tàn của một lũ người vô thần thống trị,và mãi mãi thanh bình trong chiều hướng tự do dân chủ….. Võ Đức Nhuận (Đây là những nhân vật có thật trong chặng đường chiến đấu cuối cùng, và những trại cải tạo đã đi qua) Posted by sontrung at 1:52 PM No comments: Labels: BÊN KIA BỜ ĐẠI DƯƠNG 459 MINH TÂM * SƠN MÀI CẢNH AN Sơn Mài Cảnh An – Thủ Dầu Một xưaMinh Tâm Kính gởi chị/anh Minh Tâm, Tôi xin thưa cùng chị đôi dòng, tôi có sở hữu một tấm sơn mài của hiệu Cảnh An, qua tìm hiểu thông tin tôi vô tình ghé trang của hội học sinh trường Trịnh Hoài Đức và đọc được bài “Chánh Hiệp Quê Tôi” do chị viết, thật lấy làm vui sướng khi biết chị là tiểu thư của hiệu Cảnh An năm xưa. Trước xin hỏi thăm chị khỏe không? Và qua đây nhờ chị cho mình xin chút thông tin về hiệu Cảnh An của mình, ở vùng Trấn Thủ xưa thì mình thấy nhiều thông tin về hiệu Thành Lễ nhưng Cảnh An mình tuy vang danh một thời nhưng thông tin lại rất ít.Nay nhờ chị bỏ chút ít thời gian, giúp anh em sưu tập chúng tôi có thêm chút thông tin về một hiệu nổi danh để bổ sung vào kho tư liệu lưu truyền cho hậu thế tham khảo!Thân kính,Phúc Định ***** Trên đây là nguyên văn email của một người không quen gởi cho tôi. Ông là người sưu tập cổ vật và muốn tìm hiểu về một tấm sơn mài hiệu Cảnh An mà ông sở hữu. Ông gọi tôi là chị vì thấy tên Minh Tâm thì nghĩ là con gái. Cảnh An là cơ sở làm sơn mài của ba tôi khoảng hơn 50 năm trước. Đọc thư mà lòng tôi cảm thấy xúc động và ngạc nhiên khi thấy sản phẩm của ba mình nay đã trở nên hiếm quý và là hàng sưu tập của những nhà nghiên cứu và thích đồ cổ. Người viết thư cũng muốn tìm hiểu thêm về hiệu Cảnh An nên tôi nghĩ mình cũng nên viết đôi hàng về xưởng sơn mài nầy để người đời sau có tài liệu nghiên cứu. Trước tiên xin nói về ba tôi, người chủ của hãng nầy: Thân thế của ba tôi: Ông sinh năm 1914 ở làng Tân An – Thủ Dầu Một. Ông nội tôi là một nhà nho, một đông y sĩ biết chữ Nho, biết bắt mạch, hốt thuốc. Thuở nhỏ ba tôi học chữ Nho với thân phụ, sau nầy ông theo học trường Bá Nghệ Bình Dương. Sau khi tốt nghiệp, ông lập gia đình với má tôi là người làng Chánh Hiệp. Ông đi làm ở Kho Xăng Nhà Bè. Tới năm 1945 thì vì chiến tranh nên nghỉ và về quê để lánh nạn. Khoảng năm 1947-48, ông thành lập xưởng sơn mài Cảnh An. Hiệu Cảnh An lấy từ tên hai người chị của tôi là Từ Thị Cảnh và Từ Thị Yên (An). Xưởng thường xuyên có 10-15 thợ. Công việc làm ăn rất thuận lợi và ông đã có thể mua xe ô tô để giao hàng ở Sài Gòn. Nên nhớ khoảng năm 1950, có xe ô tô riêng là khá giả lắm. Ở Bình Dương, xã Chánh Hiệp chỉ có gia đình Đông Y Sĩ Lâm Văn Luận (Ông Cả Luận) và ba tôi là có xe riêng mà thôi. Thế nhưng năm 1954, ông bị tai nạn. Do tránh một xe nhà binh ở cầu Vĩnh Bình ở ranh giới Bình Dương-Sài Gòn mà ông lạc tay lái, xe rớt xuống sông. Ông bị gãy chân phải nằm bịnh viện một thời gian dài. Chiếc xe coi như hư hỏng 100%. Sau khi người Pháp rút đi, hàng sơn mài thiếu nơi tiêu thụ, thêm vào đó do ba tôi lại bị tai nạn nên việc sản xuất bị chậm lại. Khi tôi lớn lên khoảng đầu thập niên 60 thì hãng cũng còn sản xuất nhưng công việc không dồi dào như trước đó. Chiến tranh ngày càng gia tăng cường độ. Anh em công nhân bị đi lính, do đó hãng không có người làm và phải đóng cửa khoảng đầu thập niên 1970. Sau 1975, có người rủ ba tôi tái lập xưởng sơn mài, nhưng lúc đó, việc làm ăn khó khăn vì phải vào tổ hợp, hợp tác xã … nên ba tôi không thuận và sơn mài Cảnh An không có cơ hội hồi phục. Ba tôi mất năm 1996 khi tôi đã đi định cư ở nước ngoài. Nhớ lại ông là một người hiền lành chất phát. Ông biết chữ Nho, tiếng Pháp, chút ít tiếng Quảng Đông đủ để giao dịch mua bán. Sản phẩm của xưởng sơn mài Cảnh An là hàng hiệu, làm cẩn thận đúng quy trình để có chất lượng tốt không thua hàng Thanh Lễ , Trần Hà nhưng bán với giá nới hơn một chút vì chủ yếu lấy công làm lời. Bây giờ xin nói sơ qua về cách làm sơn mài của ba tôi. Sản phẩm sơn mài Cảnh An: Vật liệu:Để làm ra sản phẩm thì phải có vật liệu. Tranh sơn mài thường làm từ gỗ cây mít. Khi nào làm tranh lớn thì dùng ván ép, sau đó bọc thêm hai lớp vải và dùng sơn để dán vào thân gỗ, nhờ đó tranh không bị cong vênh khi thay đổi nhiệt độ. Các loại sản phẩm khác như Dĩa, chén uống trà, bình hoa, hộp đựng đồ trang sức ... thì có người tiện sẵn đem đến bán và cũng làm bằng gỗ cây mít. Tiếp theo là sơn. Sơn ở đây là mủ cây sơn. Cây nầy mọc nhiều ở vùng Phú Thọ (Bắc Phần). Sau năm 1954 thì ba tôi mua sơn Nam Vang từ Cam Bốt đem về. Nói là sơn Nam Vang nhưng tôi nghĩ nguồn gốc của nó chắc cũng từ Miền Bắc đem vào mà thôi. Thùng sơn gốc thường khoảng 5 lít. Sau khi mua về thì phải chế biến thêm mới dùng làm sơn mài được. Do sơn là một chất khá độc nên khi chế biến có thể làm cho mặt của người công nhân sưng lên từng cục. Thời đó, vấn đề bảo hộ lao động ít được quan tâm nên mặt của những người thợ sơn mài thường bị sưng mà họ đành chấp nhận mà thôi. Ngoài sơn, tranh sơn mài còn dùng nhiều vật liệu trang trí khác như: võ trứng, ngà voi, ốc xà cừ, vàng lá… để cẩn hay phủ lên những chỗ cần thiết tạo cho bức tranh một giá trị tuyệt đẹp. Một bức tranh sơn mài được thực hiện qua nhiều công đoạn trong thời gian khá dài từ 4 tới 8 tuần mới xong. Đó là một bất lợi cho việc sản xuất. Đôi khi người đặt hàng ở Sài Gòn cần gấp, nếu làm không xong trong thời gian quy định (như do chiến tranh đường đi không được hay do thời tiết mà hàng không khô kịp) họ về nước mất thì hàng bán không được. Nhân công: Xưởng sơn mài Cảnh An thường có 10-15 nhân công. Người vẽ giỏi nhứt là anh Tư Cấm (người ở xóm Giếng Máy – thân phụ của Luân Anh Dũng, sau nầy mở xưởng riêng). Những người khác là anh Ba Tùng, cô Hai (Chùa Hang), Út Nhỏ, Anh Cộng. Đồng Nghiệp:Cùng thời với sơn mài Cảnh An có những nghệ nhân khác như quý Ông Ba Phát Thạnh (xóm Miễu tử Trận), Năm Chước, Ba Tèo, Năm Nghĩa (Chợ Cũ)… quý vị nầy hay tới chơi với ba tôi và nhận hàng của ba tôi về gia công (hay ngược lại). Sản phẩm:Sản phẩm của xưởng sơn mài Cảnh An làm ra rất phong phú, đa dạng.Về tranh thì có: tranh đồng quê Việt Nam, tranh mai, lan, cúc, trúc, hay ngư tiều, canh, độc. Thêm vào đó là tranh cá vàng. Cá được vẽ ẩn dưới lớp sơn, để lâu, càng ngày cá hiện ra thêm rõ. Rồi còn có tranh tùng lộc, mai điểu… Có tranh vẽ và cũng có tranh cẩn ốc, cẩn trứng… Tranh cảnh đồng quê, vẽ xong thì dùng vàng lá để phủ lên (nay là hàng sưu tập) Ngoài tranh còn có hộp nữ trang, bình hoa, án gió… Nếu có người đặt hàng thì Cảnh An còn có thể sản xuất tủ thờ, tủ cẩn ốc, bàn ghế salon … (lúc đó ba tôi phải đặc biệt mướn thêm những họa sĩ nổi tiếng để thực hiện). Một email của anh Đinh Vương nhận định về sản phẩm sơn mài Cảnh An như sau: “Trở lại bức tranh trên, mình rất quý tuy trước giờ đã sưu tầm nhiều tấm sơn mài Thành Lễ nhưng không cảm nhận được cái đẹp và có hồn như bức tranh của Cảnh An này của hiệu mình, mang nét gì đó rất hài hòa, thanh bình - đúng “Cảnh An bình" thật nhưng không kém phần tinh tế chắc hẳn người thợ làm phải là người tài hoa tột bực! và tranh của Cảnh An thì hình như có vẻ hiếm hơn Thành Lễ, hay chăng như chị nói lúc đó mình chủ yếu làm xuất khẩu hoặc giá thành đắt nên chỉ có những nhà quyền quý mới có thể sở hữu!”. Tranh sơn mài của Cảnh An thường có chữ ký của hãng ở góc dưới, khi thì bằng tiếng Việt, cũng có khi bằng chữ Nho (có người chuyên môn đọc được là Thủ Dầu Một, Cảnh An tạo). Hiện giờ, tranh sơn mài Cảnh An trở nên hiếm và quý, thậm chí có người đã làm giả. Chữ ký trên sơn mài Cảnh An Một thời vàng son:Dù sản xuất ở Bình Dương nhưng ít người Bình Dương biết đến Cảnh An. Đó là vì sản phẩm làm ra giá khá đắt tiền và chỉ tiêu thụ trong giới thượng lưu ở Sài Gòn hay xuất khẩu. Sơn mài Cảnh An làm theo đơn đặt hàng. Người đặt hàng là những tiệm bán hàng mỹ thuật ở Sài Gòn như: Laudine, Nguyễn Oanh, Thẩm Oánh (trên đường Tự Do), Diệp Thiêm (ở đường Tạ Thu Thâu)… và một số tiệm trên đường Gia Long, Lê Thánh Tôn… mà tôi không nhớ rõ. Cứ vài tuần, ba tôi đi Sài Gòn nhận đặt hàng và giao hàng. Trước 1954 thì đi bằng xe nhà, sau nầy phải đi xe lô rất vất vả.Đầu thập niên 1950, sản phẩm Cảnh An bán rất chạy vì lúc đó người Pháp sắp rút quân, trước khi về nước, họ muốn mua những sản phẩm địa phương để làm kỷ niệm. Hàng hóa bán chạy, cuối năm ba tôi thưởng cho anh em công nhân cũng khá, khi thì chiếc đồng hồ đeo tay (lúc đó rất có giá trị), khi thì tiền mặt…. Châm ngôn của ba tôi là “Lao tư hợp tác” nghĩa là lao động và tư bản cùng nhau làm việc. Ông chủ có tiền thì nhân công cũng được chia phần. Nhân một cuộc triển lãm mỹ thuật ở Sài Gòn. Ba tôi cũng đã tham gia một gian hàng để trưng bày sản phẩm của mình. Gian hàng đã được ông Toàn quyền Pháp đến xem và khen ngợi. Sau 1954, tuy sản phẩm bán hơi chậm nhưng cũng có lúc hàng làm không kịp. Đó là khi có một tiệm mới khai trương ở đường Lê Thánh Tôn. Họ không đủ vốn để mua hàng Thành Lễ (1), Trần Hà nên đặt ba tôi làm rất nhiều và ngày giao hàng phải mướn nguyên một xe ô tô để giao. Chiến cuộc làm cho nhân công phải đi lính, xưởng thưa dần và cuối cùng phải đóng cửa. Một số hàng còn lại vẫn có người tìm mua. Đặc biệt tôi nhớ có ông bác sĩ người Phi Luật Tân (rễ của bida Chiếu trên đường Ngô Quyền rất thích sơn mài của Cảnh An). Ông là người mua rất nhiều hàng sơn mài để đem về Phi Luật Tân để tặng cho gia đình. *** Do nhận được email của người không quen mà có bài nầy. Khi viết tôi cứ lo là người đọc sẽ nghĩ tôi là con của ông Cảnh An nên “mèo khen mèo dài đuôi”, nhưng rồi tự nhủ mình cứ viết sự thật để có tài liệu cho người nghiên cứu hay cho các con cháu trong gia đình biết về một người ông, một người cha có chí có tâm, người đã từng lập nên một cơ sở sản xuất khá nổi tiếng ở tỉnh nhà và được nhiều người mến mộ. Đó phải chăng là điều làm cho ông mỉm cười nơi chốn suối vàng.? (2/2016) Ghi chú: (1) Xin kể thêm một câu chuyện ngoài lề do ba tôi kể : Hãng sơn mài Thanh Lễ thành lập năm 1943, lúc đầu có tên là Thanh & Lễ, mà người địa phương hay gọi là Thanh Lễ. Thương hiệu nầy lấy từ tên của hai người bạn cùng học trường Bá Nghệ Bình Dương sau ba tôi vài khóa. Họ là hai ông Trương văn Thanh và Nguyễn thành Lễ. Sau một thời gian làm ăn khá thì xảy ra bất hòa, ông Thanh rút ra khỏi công ty và yêu cầu ông Lễ không được sử dụng thương hiệu Thanh Lễ nữa. Ông Lễ không đồng ý. Sự việc ra xử ở tòa do người Pháp xử thì ông Lễ thắng vì tên của ông viết theo tiếng Pháp không dấu là Thanh Le. Sau nầy khi chỉ còn ông Lễ làm chủ thì tên hãng trở nên Thành Lễ. Đó là tên của riêng ông, nhưng đó cũng bắt đầu từ thương hiệu Thanh Lễ đã rất quen thuộc trong giới thưởng ngoạn. .. Posted by sontrung at 1:44 PM No comments: Labels: BÊN KIA BỜ ĐẠI DƯƠNG 459 NGUYỄN CAO QUYỀN * HOA KỲ Hoa Kỳ Phải Duy Trì Thế Thượng Phong Trong Chiến Lược “Bất Đối Xứng” Chống Bắc Kinh Tại Biển Đông Nguyễn Cao Quyền Trong năm sáu năm qua, chính sách của Hoa Kỳ và các đồng minh thân cận trên Biển Đông đã thất bại. Khi tìm cách giảm nguy cơ đối đầu với Trung Cộng ở từng giai đoạn, Hoa Kỳ và các đồng minh trên thực tế đã đầu hàng Trung Cộng một cách tiệm tiến. Một tiền lệ xấu đã được đặt ra, và tại một phần của Thái Bình Dương Mỹ đang có nguy cơ bị mất vị trí đã có lâu nay đối với các đồng minh là vị trí đối tác an ninh khả tín. Cũng trong khoảng thời gian ấy, Trung Cộng đã tiến hành một cách khôn khéo một loạt các động thái từ thấp đến cao, mỗi bước đều dưới cái ngưỡng có thể kích hoạt phản ứng đáp trả ̉mạnh mẽ của Hoa Kỳ, nên ngày nay Bắc Kinh đã có những thiết trí quan trọng trên 12 đảo nhân tạo ở Biển Đông và có sự hiện diện quân sự quy mô nhất trong khu vực. Xin mời qúy độc giả đọc thêm những đoạn víết tiếp theo. Những khả năng quân sự mới của Trung Cộng tại Biển Đông Trong số những khả năng quân sự mới của Trung Cộng hiện nay tại Biển Đông phải kể:  Các đảo trong quần đảo Hoàng Sa chiếm đoạt của Việt Nam hiện nay đã có những phi đạo dài trên 3000 m, các kho chứa nhiên liệu, các thiết bị hậu cần mở rộng. Máy bay của Trung Cộng cất cánh từ đây có thể bay nhanh chóng và dễ dàng tới Bắc Úc vả tới căn cứ Guam của Mỹ. Các đảo này cũng đã được bố trí nhiều tên lửa hành trình có thể bắn vào các mục xa đến tận biển Sulu của Philippines hay Singapore tại miền Nam Malaysia.  Mấy đảo trong quần đảo Hoàng Sa sẽ là nơi phân tán và cất dấu hầu hết các tài sản của quân đội Trung Cộng nếu xung đột bùng nổ, Ngoài ra, những đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef ), đá Subi (Subi Reef), có thể so sánh với căn cứ hải quân Chân Châu Cảng. Đá Vành Khăn (Mischief Reef) có diện tích rộng hơn quận Columbia. Hậu qủa là con đường Biển Đông đối với Bắc Kinh hiện nay đã trở thành con đường hàng hải nội bộ được vũ trang đến tận răng. Tất cả những trang bị quân sự nói trên đã trở thành hiện thực mặc dầu Toà Trọng Tài Thường Trực La Haye, ngày12/7/2016, đã tuyên bố là chủ quyền lịch sử mà Bắc Kinh đòi hỏi ở Biển Đông là vô căn cứ. Trước lời tuyên bố này, Trung Cộng cứ giả ngơ giả điếc như không nghe thấy và tiếp tục lạm quyền coi thường thiên hạ. Thái độ hung hăng và ngạo mạn của Bắc Kinh đến từ các loại biện luận mang tính dọa nạt như sau : Hoa Kỳ không nên đối đầu với sự bành trướng của Trung Quốc, trừ phi các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ muốn nước Mỹ phải đối phó với một cuộc chiến tranh nguyên tử để duy trì vai trò lãnh đạo của Mỹ ở Châu Á. Các phân tích như thế phản ánh những đánh giá quá cao và sai lầm vể sức mạnh của Bắc Kinh, và đồng thời không nhận định đúng mức tầm vóc của sự hình thành chiến lược nhằm ngăn chặn cuồng vọng của Trung Quốc. Đã đến lúc phải làm cho Bắc Kinh thức tỉnh  Lợi ích cốt lõi của khối đồng minh Mỹ-Nhật-Úc là không để cho Trung Cộng thống trị Biển Đông và cản trở tự do lưu thông hàng hải quốc tế tại vùng này. Đó là lợi ích căn bản và chủ chốt.  Lợi ích thứ hai là phải hạn chế khả năng lấn chiếm của Trung Cộng trên Biển Đông. Khả năng này tạo tiền lệ cho những hành vi bất hợp pháp và hung hăng hơn của Băc Kinh trong thời gian trước mắt và về lâu về dài.  Lợi ích thứ ba là không cho Trung Cộng lập đi lập lại các vi phạm Công Ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) và làm ngơ trước phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye, nghĩa là trực tiếp thách thức luật pháp quốc tế. Các lãnh đạo Mỹ và đồng minh cần có một chiến lược rõ ràng để chỉ đạo chiến dịch đối phó, một chiến lược buộc phải trả giá. Chiến lược này chủ yếu phải là một liên minh quân sự mạnh mẽ hơn, thuyết phục hơn tại Tây Thái Bình Dương. Trong một thập kỷ qua, lẽ ra Mỹ và đồng minh đã phải tiến xa hơn những cái được gọi là “xoay trục” hoặc “tái cân bằng”, để chuyển sang cái được gọi là “Chương Trình Đối Tác An Ninh Khu Vực”. Mục đích chính của chương trình này là dùng ưu thế vượt trội về quân sự để răn đe các hành động phiêu lưu của Trung Cộng và củng cố lòng tin của các đối tác Châu Á và sự an tâm của Tây Phương. Chiến lược đồng minh mang tính sáng tạo nhất là sự “bất đối xứng”. Nói khác, để chống lại Bắc Kinh, phương thức hiệu quả nhất là tập trung áp lực đủ loại vào những điểm yếu kém nhất của Trung Cộng trên mọi lãnh vực. Các biện pháp này vượt ra khỏi lãnh vực ngoại giao và quân sự khuôn mẫu. Và nó cũng chưa thể đưa tới một cuộc chiến tranh nguyên tử như Bắc Kinh đe dọa vì nếu nói về thế trận này thi Hoa Kỳ vẫn còn ở vị trí thượng phong trên Bắc Kinh nhiều lắm. Những hậu quả tai hại nếu Hoa Kỳ và đồng minh án binh bất động Nên nhớ rằng nếu Hoa Kỳ và các đồng minh án binh bất động để mặc cho Trung Cộng tung hoành như trong thời gian qua thì hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng không những chỉ cho an ninh của Á Châu -Thái Bình Dương mà còn cho cả an ninh của thế giới.  Hậu quả nghiêm trọng thứ nhất là toàn bộ Biển Đông sẽ bị nhường lại cho Trung Cộng. Bối cảnh an ninh tại Tây Thái Bình Dương sẽ bị đảo lộn gây phức tạp cho nhiều dạng thức hoạt động của đồng minh.  Hậu quả nghiêm trọng thứ hai là luật pháp quốc tế sẽ bị coi thường. Đây là đấu hiệu cho thắy các đồng minh Tây Phương của Hoa Kỳ không chuẩn bị cho việc bào vệ luật quốc tế.  Hậu quả nghiêm trọng thứ ba là nguy cơ Trung Cộng sẽ mạnh dạn tung ra những hoạt động xâm lăng quan trọng hơn và trở thành hiếu chiến hơn trong những năm tới. Những xung đột này sẽ dữ dội hơn và khó tránh khỏi.  Hậu quả nghiêm trọng thứ tư là tất cả những sự việc này sẽ tạo ảnh hưởng xấu cho các hoạt động răn đe . Không những Bắc Kinh sẽ không sợ răn đe nữa mà cả Moscow và Bình Nhưỡng cũng sẽ nhờn mặt đối với Hoa Kỳ.  Hậu quả nghiêm trọng thứ năm là nếu Hoa Kỳ bình chân như vại thì sẽ khiến các đồng minh thân hữu tại Tây Thái Bình Dương bắt buộc phải tái cấu trúc về quốc phòng và an ninh quốc gia họ. Cho nên cần nhắc lại rằng vấn đề an ninh ở Tây Thái Bình Dương là lợi ích cốt lõi của Hoa Kỳ và của các đồng minh thân thiết. Tổng thống D. Trump nhất thiết phải dành ưu tiên hàng đầu cho một chiến lược đối phó hiệu quả với Bắc Kinh. Nếu chiến tranh Trung Mỹ xảy ra thế giới sẽ ra sao ? Nếu chiến tranh Trung – Mỹ xảy ra ở Biển Đông thì hậu quả sẽ rất là trầm trọng. Nhiều người đã nêu lên câu hỏi này vì trong thời gian gần đây họ đã thấy Trung Quốc có những hành vi quá ngông cuồng tại Biển Đông trong khi Hoa Kỳ thì cứ cắn răng chịu trận. Để trả lời câu hỏi đó, một số chuyên gia nghiên cứu về khoa học quân sự đã đưa ra một thí du: “Chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc nếu xảy ra bây giờ thì có thể ví như chiến tranh giữa á thần Hy Lạp Achilles đánh nhau với nông dân được tuyển mộ từ đồng ruộng vừa bỏ cày cuốc để chuyển sang tập cầm súng”. Họ cũng nhận định thêm: “Mỹ có thể tổn thất hàng vạn quân nhưng Trung Quốc thì sẽ tan tành ra tro. Mỹ sẽ dồn tổng lực để làm việc này với một sự quyết liệt và sức mạnh như chưa bao giờ xảy ra trong dĩ vãng”. Mỹ có lợi thế hơn Trung Quốc nhờ vào sự ưu việt trong công nghệ quân sự và nhờ vào sự phối hợp nhuần nhuyễn trong nhiều năm kinh nghiệm chiến đấu giữa bốn lực lượng lục quân, không quân, hải quân và thuỷ quân lục chiến. Mỹ sẽ thắng trong cuộc chiến (nếu có) với Trung Quốc và thắng một cách chớp nhoáng chứ không để chiến tranh kéo dài theo lối mèo vờn chuột. Mỹ sẽ dứt điểm thần tốc để ổn định khu vực sau chiến tranh. Lúc đó, không ai hình dung được Trung Quốc sẽ ra thế nào, sẽ đi về đâu và sự tổn hại sẽ quan trọng đến mức nào. Nhiều nhà nghiên cứu khác lại còn đưa ra những nhận định chính xác hơn: “ Không chừng Trung Cộng sẽ bị diệt vong. Sự biến mất một nước đông dân nhất trên địa cầu có nhiều phần trăm sẽ xảy ra. Nhân loại sẽ phải hình thành một thế giới mới vì nước Đại Hán không còn nữa”. ******** Từ ngày tổng thống D. Trump lên nắm chính quyền thì nhịp điệu hung hãn đầy thách thức của Bắc Kinh đã giảm thiểu một cách đáng ngạc nhiên. Tập Cận Bình đã phái Dương Kiết Trì sang Mỹ với thông điệp “không xung đột – không đối đầu”. Dương Kiết Trì đả được bộ trưởng ngoại giao Mỹ tiếp đón, rồi đưa vào Nhà Trắng. Tại Nhà Trắng Dương Kiêt Trì chỉ được nói chuyện với tổng thống D. Trump có năm phút. Nội dung cuộc nói chuyện cũng không được tiết lộ. Ngoài trời thì tại Biền Đông, một cơn bão dữ dội đã phá nát mấy đảo đá nhân tạo của Bắc Kinh. Điềm gì đây? Người Á Châu hay tin vào những hiện tượng thiên nhiên mang tính thông báo trước những điều không hay, nhưng người Mỹ và người Tây Phương thì không tin nhiều lắm. Họ chỉ tin vào sức lực của họ, sau khi họ đã nghiên cứu kỹ càng cái thế “được – thua” khi phải đối phó với Trung Quốc vào lúc này. NGUYỄN CAO QUYỀN Tháng 3 năm 2017 Posted by sontrung at 1:40 PM No comments: Labels: BÊN KIA BỜ ĐẠI DƯƠNG 459 TẠI SAO BỎ TTP? Tại Sao Tổng Thống Trump Bãi Bỏ TTP? Hướng Dương txđ Lý do căn bản của việc TT Trump ký bản giác thư bãi bỏ Thương Ước Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương - Trans-Pacific Partnership - vào ngày thứ hai vừa qua là để bảo về công ăn việc làm của công nhân Hoa kỳ. Như đã tuyên bố trong bài diễn văn khai mạc, quan điểm của vị tân Tổng Thống Hoa Kỳ là nước Mỹ trước tiên, Công nhân Mỹ trước tiên, ông sẵn sàng hy sinh quyền lợi của tất cả nhựng nước khác, cho dù đó là những nước đồng minh kỳ cưụ - trong trường hợp TTP như là Tân Tây Lan, Úc Châu, Nhật Bản (huống hồ Việt Nam mà ông chỉ trích là không đáng được vào TTP vì đó là một nước CS công nhận chế độ sở hữu những cơ sở thương mại và kỹ nghệ của nhà nước - The TPP negotiated by the Obama Administration would have joined the United States with eleven other nations—including the Socialist Republic of Vietnam—in what was described as a free-trade zone. However, the deal expressly recognized the legitimacy of state ownership of businesses—which is a major part of the socialist economy of Vietnam, a nation that is still ruled by the Communist Party) Cùng với mục tiêu giữ công ăn việc làm cho người công nhân Hoa Kỳ, mục tiêu của việc bác bỏ TTP còn là để bảo vệ nền kỹ nghệ Hoa kỳ chống lại sự cạnh tranh của các nước ngoài, phát huy sự thịnh vượng của nền kỹ nghệ nội địa, định lại sự thông thương với các nước khác (global trade) Sáu năm tranh đấu: Thea Lee, giám đốc đặc trách về chính sách kiêm chuyên gia kinh tế chánh của tổ chức AFL-CIO tuyên bố rằng đã phải mất 6 năm tranh đấu để đòi bãi bỏ TPP. Tuy nhiên theo bà thì TTP đã chết trên nguyên tắc, TT Trump đã chỉ ký giấy “thủ tiêu cái xác chết mà thôi”. Theo Bà Thea Lee, Obama đã quá sai lầm khi dùng TTP làm trung điểm của chính sách ngoại giao mang tên “pivot to Asia” (Chuyển Trục sang Á Châu) của ông ta vì thỏa ước này là một “giao kèo trao quyền cho các đại công ty - corporate empowerment agreement,” nó giúp các công ty tha hồ đưa công việc ra ngoại quốc, làm thiệt hại những công nhân Hoa Kỳ, không còn việc mà làm. TTP có Lợi gì cho Hoa Kỳ Không? Nói vế cái lợi cho công nhân Hoa Kỳ, thì ngoài các lãnh đạo công đoàn ra, một số lãnh tụ Đảng Dân Chủ cũng hoan hô việc làm của TT Trump, đáng kể nhất là Thượng Nghị Sĩ Bernie Sanders là người đã thôi thúc được bà Hillary Clinton cụng phải ngưng ủng hộ cái Thỏa Hiệp ruột của Obama. Tuy nhiên có một số chính kiến đối ngược cho rằng về phương diện chính trị/ngoại giao thì TTP sẽ mang lại những kết quả tốt đẹp cho Hoa Kỳ. Mireya Solis, Chủ tịch Ủy Ban Nghiên cứu về Nhật Bản Philip Knight thuộc ại Học Brookings Institution nói rằng TTP “có thể giúp Hoa Kỳ tạo ảnh hưởng tốt đẹp ở Á Châu.” Bà cho rằng sỡ dĩ công nhân Mỹ mất việc là vì không được tái huấn luyện tay nghề nhất là trong một môi trường kỹ thuật khoa học ngày càng tiến bộ. trong khi TTP nhằm giúp Hoa Kỳ tăng xuất cảng (advances in technology were hurting workers more than trade deals like the TPP and that it could have boosted exports) Thế nhưng Robert E. Scott, Chuyên gia Kinh Tế Hãng Nhất kiêm giám đốc Nghiên Cứu Chính Sách Thương Mại và Sản Xuất của Học Viện the Economic Policy Institute lại cho rằng TTP chỉ có lợi cho những Công ty khổng lồ ở Mỹ và làm giầu thêm những chủ nhân của những công ty đó. Ông không thấy có lợi gì về mặt ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở Á Châu. Số Phận của TTP trong Tương Lai Không ai biết số phận của TTP trong tương lai sẽ ra sao. Trước đây, khi ông Trump chưa tuyên thệ làm Tổng Thống thì các lãnh tụ Úc, Nhật bản, Tân Tây Lan – và cả Việt nam – còn hy vọng và vận động ngầm để ông thay lòng đổi dạ, không ký giấy bãi bỏ thoả ước TTP. Nhưng nay thì chuyện đã rồi. Việt Nam đã có TBT Nguyễn Phú Trọng đi Bắc Kinh 4 ngày ký thoả ước ngầm với Trung Cộng. Còn lại những nước kia thì sao? 11 nước đã ký kết bản thoá ước nay tính họp lại để tìm cách cứu vãn bức thoả ước này. Lãnh tụ các nước Nhật, Úc, Tân tây lan, Singapore, Malaysia đã lên tiếng tuyên bố rằng họ sẽ cố gắng tiếp tục thỏa ước TTP dù không có Hoa Kỳ, dưới hình thức này hay hình thức khác. Các nước hội viên khác của TTP là Canada, Mexico, Chile, Peru, Vietnam and Brunei chưa lên tiếng. Thủ tướng Úc ông Turbull tỏ ý muốn Trung Công tham gia vào nhóm TTP nhưng ông nói bản thoả ước sẽ cần phải sửa lại vì hiện tại TTP chỉ hiệu lực nếu được nếu 6 nước hội viên có tổng cộng 85% số GDP của Toàn số hội viên chuẩn nhận – trong đó riêng Hoa Kỳ đã có 65% GDP. Ông Turnbull hy vọng trong tương lai Hoa Kỳ sẽ đổi ý vì trước đây đa số đảng viên Cộng Hòa ủng hộ TTP, ngay cả ông Rex Tillerson vốn cũng không chống đối. Riêng Tân tây Lan mất mát nhiều nhất trong vụ này vì thị trường buôn bán của nước mình sẽ bị ảnh hưởng nặng nề (mất thị trường Hoa Kỳ là mất 2/3 tổng số thị trường của mình) Hậu quả về giá cả hàng hóa nhập cảng từ Á Châu Vì quan thuế đánh vào hàng hóa nhập cảng sẽ gia tăng – Trump dọa sẽ tăng tới 45% thuế trên một số loại hàng - nên giá cả hàng hóa nhập cãng từ các nước - nhất là từ Á châu - sẽ cao lên. Lê Đăng Doanh, một chuyên viên Kinh tế Việt Nam cựu cố vấn chính phủ, hý hửng tuyên bố: “ Mỹ sẽ bị thiệt hại nặng trong vụ này. Việt nam là nước xuất cảng chính sang Mỹ những món hàng như cá catfish, tôm, quần áo, giầy dép, đồ gỗ. Không có TTP những người tiêu thụ Mỹ sẽ phải trả giá cao hơn cho những thứ hàng hóa đó!” Ông ta biết một mà không biết hai. Trong khi những nước Á châu khác lo không xuất cảng được hàng hóa đi vì thuế nhập cảng vào cao không bán được hàng, thì Việt Nam lại lo cho người tiêu thụ không đủ tiền mua hàng của Việt Nam! Hướng Dương txđ Jan 25 2017 Posted by sontrung at 1:34 PM No comments: Labels: BÊN KIA BỜ ĐẠI DƯƠNG 459 ĐỖ VĂN PHÚC * THỜI SỰ HÀNG TUẦN Thời Sự Hàng Tuần 03/18/2017 Đỗ Văn Phúc biên tập & bình luận Quốc Nội lại biểu tình Đúng vào lúc quý thính giả đang nghe chương trình này, thì bên Việt Nam là sáng Chủ Nhật. Theo lời kêu gọi của Phong Trào Tập Hợp Quốc Dân Việt của Linh Mục Nguyễn Văn Lý, trong hai ngày chủ nhật 2 tuần vừa qua, đồng bào trong nước đã rầm rộ kéo nhau biểu tình chống sự đe doạ hán hoá, chiếm đóng của bọn Tàu Cộng và cũng chống lại ngụy quyền Cộng Sản cam tâm làm tay sai cho Tàu Cộng, đàn áp và tước đoạt tự do của người dân. Trong đợt đầu tiên ngày Chủ Nhật 5 tháng 3, cuộc tổng biểu tình chưa đạt như ý, chỉ mới rầm rộ ở các tỉnh bắc Trung Việt mà đa số là từ các Giáo Xứ do các linh mục hướng dẫn. Qua đợt hai ngày 12 thì tình hình đã có nhiều khả quan. Thanh niên Sài Gòn đã rủ nhau tham gia rất đông. Hôm nay là đợt thứ ba, chúng tôi chưa thể nhận được tin gì vì hãy còn quá sớm. Việc Linh Mục Lý thay mặt phong trào Tập Hợp Quốc Dân Việt ra lời kêu gọi đã gây ra trong giới người Việt hải ngoại vài sự thắc mắc như vấn đề lãnh đạo, mục tiêu đấu tranh, biểu tượng lá cờ đuôi nheo, có tổ chức nào đứng phía sau? Những người hiểu biết nhiều về phong trào đã cho chúng tôi hay rằng việc đấu tranh trong lòng một chế độ công an trị không đơn giản và dễ dàng, thoải mái như đấu tranh tại các nước tự do. Vì thế, vấn đề lãnh đạo cũng phải được giữ kín để bảo tồn nhân lực. Nếu sơ sẩy, mất người lãnh đạo thì phong trào sẽ như rắn không đầu, sẽ tan rã ngay. Về mục tiêu đấu tranh, đã ghi rất rõ trong Lời Kêu Gọi 14 điểm. Còn về các tổ chức đàng sau, thì chúng tôi biết rõ rằng đã có vài tổ chức nào đó, kể cả tổ chức ma, không thực lực cũng đã lên tiếng khoe khoang là đứng sau phong trào. Sự thật không phải thế. Như trong cuộc biểu tình thắp nến vừa qua ở Nam California đã cho thấy nhóm tự phong Đào Minh Quân cũng kéo đến, nhưng đã bị Ban Tổ Chức đuổi ra khỏi khu vực sau khi họ to tiếng phá đám. Sáu mươi ngày đầu của Tổng Thống Trump. - Ai từng gặp gỡ Đại Sứ Nga? Trong khi trương gân rán cổ tố cáo Trump và các nhân viên nội các của ông từng liên lạc với Nga, thì mới đây, hôm Chủ nhật 12 tháng 3, chính Điện Cẩm Linh đã tiết lộ rằng Đại sứ Nga cũng từng gặp gỡ với những thành viên trong Ủy ban Tranh cử của Hillary Clinton. Một phát ngôn viên của Tổng Thống Nga Puttin cho hay nguyên văn: “Đại Sứ Nga đã gặp những người làm việc trong ban cố vấn hoặc những tổ chức ‘think tank’ giúp ý kiến cho Clinton.” Trong một cuộc phỏng vấn của phóng viên Fareed Zakaria trên đài truyền hình CNN, ông Dmitry Peskov đã nói rằng: “Nếu ông nhìn vào những người có dính líu tới bà Clinton trong suốt mùa bầu cử, thì ông sẽ thấy có những cuộc tiếp xúc như thế. Có nhiều chuyên viên về politology (một ngành khoa học xã hội quan tâm đến lý thuyết, phân tích, dự đoán về các tác phong chính trị, các hệ thống chính trị…), những người trong các think tank cố vấn cho bà Clinton hay cố vấn cho những nhân viên của bà ta.” Theo ông Peskov, Đại sứ Nga có nhiệm vụ phải tiếp xúc với các nhân vật trong cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hoà để thảo luận về mối quan hệ song phương. Ông nói rằng Nga không có ý đồ can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ. Peskov cũng nói rằng Tổng Thống Nga Puttin không hề lên tiếng yểm trợ cho ông Trump, nhưng ông ta có tỏ ý thích ứng cử viên Trump của đảng Cộng Hoà hơn bà Clinton của đảng Dân Chủ. Tuy thế, Puttin cũng nói ông tôn trọng kết quả bầu cử do nhân dân Hoa Kỳ chọn lựa cho dù ai thắng đi nữa. Về cá nhân, Puttin nhận xét bà Clinton có vẻ có ác cảm với Nga trong khi ông Trump thì có thể sẽ cởi mở để làm cho bang giao hai nước bớt căng thẳng đi. Nhận xét đó nguyên văn như sau: “Ứng cử viên Hillary Clinton có cách nhìn tiêu cực về nước Nga trong cung cách và chương trình chính trị. Bà ta cho rằng Nga là một nước ma đầu trên thế giới và là mối đe doạ cho Hoa Kỳ. Ngược lại ông Trump thì cho rằng tuy có những bất đồng trong nhiều lãnh vực, ông Trump sẽ nói chuyện với Nga để tìm ra sự thông hiểu giữa đôi bên.” Chúng ta không quên ông Trump bị phe Dân Chủ tố cáo rằng có bàn tay của Nga nhúng vào để giúp cho ông đắc cử. Từ sau ngày bầu cử, đã có vài vị trong ban vận động và ủy ban chuyển quyền tiếp xúc với Nga, mà điển hình là Tướng Michael Flynn, người được Tổng Thống Trump bổ nhiệm làm Cố vấn An ninh Quốc Gia mới có mấy ngày đã phải từ chức. Hôm thứ Năm, phe Dân Chủ lại tung ra tin Tướng Flynn đã nhận 30 ngàn đô la của một cơ quan truyền thông Nga để nói chuyện trên đài. Việc này còn chờ xem hư thực và tầm mức quan trọng ra sao. Chính ông Jeff Sessions, Bộ trưởng Tư Pháp cũng bị rắc rối vì đã tiếp xúc với Đại sứ Nga Kislyak mà không báo cáo tin này trong suốt thời gian Quốc Hội thảo luận để công nhận ông. Thật ra thì chẳng có gì là sai khi các ứng cử viên Tổng Thống và nhân viên của mình tiếp xúc với các đại sứ các nước. Nhưng điều mâu thuẫn ở đây là phe tả khuynh dân chủ và báo chí tả khuynh đã săn lung tin liên lạc với Nga để hạ uy tín Tổng Thống Trump trong khi ứng cử viên phe họ và nhân viên cũng làm chuyện giống như thế. Đài Truyền hình MSNBC tiết lộ hồ sơ thuế của Tổng Thống Trump một cách bất hợp pháp Cô Rachel Maddow, một ký giả của đải MSNBC vừa qua đã bị đuổi việc vì tiết lộ hồ sơ thuế của Tổng Thống Trump dù đã được toà Bạch Cung cảnh cáo rằng đó là một việc làm phi pháp. Hiến Pháp và luật pháp Hoa Kỳ bảo vệ sự riêng tư của cá nhân, Hồ sơ thuế cũng như các chi tiết lý lịch cá nhân là của riêng tư, không ai được truy tìm hay tiết lộ ra công cộng. Ông Jeff Derpinger, một phát ngôn nhân của Tổng Thống Trump như đã quăng ra cho cô Maddow cái mồi nhữ khi ông này xác nhận những con số trong mẫu thuế 1040 từ năm 2005 của ông Trump. Tuy nhiên ông đã cảnh giác: “Cô ta có thể dễ dàng sử dụng văn kiện, các con số, nhưng chớ có dại nhảy vào lửa khi tiết lộ ra công cộng những mẫu thuế đó một cách phi pháp.” Ngay sau khi Maddow tiết lộ trong chương trình của cô trên đài MSNBC, cô đã bị bắt, kết tội, nhưng đã được tại ngoại. Cô vẫn ương ngạch cho rằng cô không ân hận gì cả, vì cô thực hiện quyền “tự do báo chí” Hồ sơ thuế năm 2005 của ông Trump do David Cay Johnston, một nhà báo chuyên về điều tra từng đoạt giải thưởng Pulitzer, tiết lộ vào trao cho cô Maddow. Việc tiết lộ hồ sơ thuế của Tổng Thống Trump hoá ra đã cho công chúng thấy ông đã đóng thuế trong 1 năm còn nhiều hơn số tiền thuế của một nửa dân Mỹ (bottom half) cộng lại trong suốt cả đời họ. Ông đã đóng 38 triệu trên tổng lợi tức năm 2005 là 150 triệu. Ông đã chịu mức thuế cao nhất là 39.6% trong thang thuế lợi tức của Hoa Kỳ dù rằng thông thường các nhà tỷ phú, triệu phú Mỹ trả thuế ở mức độ thấp hơn. Vợ chồng Bill Clinton trả mức thuế 34% cho lợi tức 10.75 triệu vào năm 2015. Trong khi đó, ông Mitt Romney trả mức thuế 14.1% trong năm 2011. http://time.com/4701747/donald-trump-rachel-maddow-taxes/?xid=homepage Tả phái trong Thượng Viện lại ngăn cản Tổng Thống Trump Hôm thứ hai, phe tả phái phóng túng trong Thượng Viện Hoa Kỳ gồm 36 vị dẫn đầu là bà TNS Dianne Feinstein đã giới thiệu một dự luật để ngăn chặn sắc lệnh hành chánh của Tổng Thống Trump về việc tiến hành điều tra thật kỹ những người di dân trước khi chấp thuận đơn nhập cảnh vào Mỹ. Đó là nguồn tin từ báo Washhington Times. Xin nhắc lại sắc lệnh hành chánh mới nhất của Tổng Thống ngày 6 tháng 3, có giảm bớt nước Iraq trong danh sách 7 nước đang có rối loạn về Hồi Giáo cực đoan mà ông tạm ngưng trong 90 ngày không cho phép di dân từ các nước này vào Mỹ. Bà Feinstein đã gửi qua truyền thông xã hội (tweet) cho rằng “Tổng Thống Trump không phải vì lý do an ninh cho Hoa Kỳ, mà là sự kỳ thị đối với người Muslim.” Đây là lần thứ hai, các nhà lập pháp phe tả đã ngăn cản Tổng Thống Trump thi hành lời hứa của ông khi tranh cử năm ngoái rằng ông sẽ cho thi hành một sự sang lọc thật kỹ lưỡng đối với người nhập cư từ các nước khác; đặc biệt là các nước Hồi Giáo đang có phong trào khủng bố quậy phá. Khăn trùm đầu hijab bị cấm tại Liên Âu Hôm thứ Ba toà án tại các nước Liên Âu (The European Court of Justice (ECJ)) đã ra pháp lệnh cho phép các cơ sở, công ty… được phép cấm những nhân viên phụ nữ mang khăn trùm đầu kiểu Hồi Giáo. Pháp lệnh này được xem là sự thắng lợi đầu tiên của phe hữu sau hàng loạt những tranh tụng pháp lý chung quanh việc các phụ nữ mang hijab tại các nơi làm việc. Báo Guardian cho hay theo pháp lệnh này, các công ty tùy nghi với các lý do hợp pháp để tự đặt ra các điều cấm hay cho phép các biểu hiện về tôn giáo, chính trị hay triết lý. Điều này không được xem là sự phân biệt hay ngược đãi. Đã có những vụ kiện của hai bà Hồi giáo, một tại Pháp, một tại Belgium, bị cho nghỉ việc vì không chịu tháo khăn trùm đầu ra tại nơi làm việc. Samira Achbita là một nhân viên giao tế tại công ty về an ninh G4S tại Belgium. Bà này đã làm việc ở đây được ba năm không hề mang khăn. Đùng một cái bà ta đến sở với khăn trùm và bị đuổi việc. Công ty cho hay bà đã vi phạm một luật lệ bất thành văn trong dó nghiêm cấm các biểu hiện tôn giáo. Sau đó, điều khoản này được ghi thêm vào luật lệ của công ty. Trường hợp thứ hai là kỹ sư thiết kế Asma Bougnaoui đã bị công ty Tin Học đuổi việc vì khách hàng phàn nàn họ cảm thấy khó chịu khi nhân viên của hàng mang khăn trùm này. Trước khi được nhận vào làm việc, bà ta đã được công ty cảnh báo rằng việc mang khăn có thể gây khó chịu cho khách hàng của họ. Hai tuần trước, chúng tôi có loan tin bà Marine Le Pen, một chính khác phe hữu, ứng cử viên Tổng Thống Pháp đã từ chối không đeo khăn trùm đầu khi đến thăm một chức sắc cao cấp Hồi Giáo tại Lebanon. Một ứng cử viên Tổng Thống Pháp khác là ông Francois Fillon lên tiếng hoan nghênh pháp lệnh này, vì ông chủ trương thế tục hoá. Ngoại trưởng Rex Tillerson công du Á Châu Hôm thứ Năm 15 tháng 3, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson đã bắt đầu chuyến công du tại vài nuớc Á Châu, bắt đầu tại Tokyo (Nhật) sau đó sẽ đến Seoul (Nam Hàn) trước khi đến Peking (Trung Cộng) vào hai ngày 18 và 19. Tình hình tại Đông Á đang căng thẳng khi Bắc Hàn liên tiếp cho thử nghiệm hoả tiễn có mang đầu đạn bắn vào vùng biển của Nhật Bản. Mới nhất là vụ bắn lên 4 hoả tiễn như là muốn nhắm tới các căn cứ quân sự Hoa Lỳ ở Nhật và còn lên tiếng đe dọa sẽ có ngày bắn tới các thành phố Hoa Kỳ phía Thái Bình Dương! Các cuộc tập trận chung của Hoa Kỳ và Nam Hàn cũng là nguyên cớ làm cho Bắc Hàn nổi cáu để có những hành vi hiếu chiến đi xa hơn. Trong khi đó, tại Nam Hàn bà Tổng Thống Park Geun-hye vừa bị Quốc Hội truất phế vì can các tội danh tham những, lạm quyền. Người đang giữ chức Tổng Thống tạm thời là ông Hwang Kyo-ahn. Ngoại trưởng Tillerson chắc chắn sẽ phải tỏ ra cứng rắn trước sự khiêu khích của Bắc Hàn. Ông đã có sẵn đồng minh Nhật và Nam Hàn, còn Trung Cộng thì có lẽ còn nhiều trở ngại. Mà nếu không có sự hậu thuẫn của Trung Cộng, thì việc đối phó với Bắc Hàn còn khó hơn. Hoa Kỳ và Trung Cộng còn rất nhiều xung đột ngấm ngầm bên trong. Nhất là những câu tuyên bố mạnh bạo của Hoa Kỳ về biển Đông, và việc Hoa Kỳ bố trí các hoả tiễn THAAD trên đất Nam Hàn cũng làm cho Trung Cộng lo ngại. Ngoại trưởng Trung Cộng Vương Nghị có đề nghị Hoa Kỳ ngưng các cuộc tập trận chung với Nam Hàn để đổi lấy việc Bắc Hàn chấm dứt việc thí nghiệm phóng hoả tiễn mang đầu đạn. Dĩ nhiên Hoa Kỳ bác bỏ đề nghị này. Một số viên chức Mỹ lại có đề nghị Hoa Kỳ có biện pháp trừng phạt đối với những công ty Trung Cộng nào có quan hệ làm ăn với Bắc Hàn. Nhưng hãy chờ xem ông Tillerson sau khi hội đàm với các viên chức Tàu Cộng, sẽ tìm ra được biện pháp gì. Vấn đề biển Đông có lẽ cũng sẽ được ông Tillerson bàn thảo với Trung Cộng khi ông đến Bắc Kinh. Xin nhắc lại lập trường của Hoa Kỳ dưới thời Tổng Thống Trump sẽ rất cứng rắn với Trung Cộng. Mỹ đã bác bỏ luận cứ cho Trung Cộng có chủ quyền trên các đảo nhân tạo mà họ mới xây lên tại Hoàng Sa và Trường Sa. Chuyến đi Trung Hoa của ông Rex Tillerson cũng là để bàn thảo cho việc Tập Cận Bình sẽ sang Mỹ hội kiến với Tổng Thống Trump sắp tới. Có lẽ hai ông Trump và Tập sẽ gặp nhau ngày 6 và 7 tháng 4 tại khu du lịch Mar-a-Lago ở Florida. Theo bà Phụ tá Ngoại trưởng Mỹ Thornton, Tổng Thống Trump sẽ thúc đẩy Trung Cộng phải tuân thủ các luật lệ và tập tục quốc tế cũng như phải dùng mọi cách áp lực lên Bắc Hàn trong vấn đề vũ khí nguyên tử. Trong suốt thờ kỳ tranh cử, ông Trump từng lên án Trung Cộng về những chính sách kinh tế tham lam, về sách lược lấn chiếm ở biển Đông và đã gần như không làm gì để chế ngự Bắc Hàn. . Trong lúc đó, Phó Tổng Thống Mike Pence cũng viếng thăm Nhật Bản và Indonesia cùng nhiều quốc gia Á Châu. Nỗ lực của hai ông Phó Tổng Thống và Ngoại Trưởng Mỹ như là để lật ngược những điều mà cựu Tổng Thống Obmama đã thực hiện mà theo các nhà bình luận, Obama đã làm nhiều điều bất lợi cho Hoa Kỳ. Tổng Thống Philippines Duterte không dám cứng rắn với Trung Cộng Tổng Thống Philippines Rodrigo Duterte hôm thứ Hai đã nói rằng ông ra lệnh cho quân đội Philippines phải hiểu rằng chủ quyền của Phi trên một vùng biển rộng lớn phía Đông Bắc của quốc gia này nơi mà họ bắt gặp các tàu thăm dò của Trung Cộng thỉnh thoảng xâm nhập vào. Nhưng ông cũng thú nhận rằng sức mạnh quân sự của Tàu là thứ mà Phi không thể so sánh. Vì thế, ông chỉ còn một lựa chọn độc nhất là đeo đuổi đường lối ngoại giao. "Tôi đã ra lệnh cho quân đội hãy ra đến nơi, nói cho các tàu của Trung Cộng biết rằng đây là lãnh hải của chúng ta. Nhưng phải nói năng trong tinh thần hoà nhã, thân thiện.” Từ tháng 7 đến tháng 12 năm ngoái, Hải quân Phi đã nhiều lần phát hiện các tàu của Trung Cộng xâm nhập vào lãnh hải Behnam Rise của Phi. Bộ Trưởng Quốc Phòng Delfin Lorenzana nói rằng chính phủ đã tính đến chuyện tăng cường tuần tiểu và dựng lên những mốc cắm để đánh dấu lằn ranh hải phận. Phía Bộ Ngoại Giao Phi cũng gửi công hàm đến Đại sứ Trung cộng yêu cầu giải thích việc các tàu thăm dò đang làm gì ở vùng biển Benham Rise? Năm 2012, Ủy Hội của Liên Hiệp Quốc về hải giới đã tuyên bố rằng Benham Rise là một phần của lãnh hải Philippines, nơi quốc gia này có quyền đánh bắt và khai thác hải sản kể cả khai thác các nguồn dầu mỏ dưới đáy biển. Phía Tàu Cộng thì cho rằng tàu bè của họ có quyền đi qua vùng biển chiếu theo luật lệ quốc tế. Tổng Thống Duterte trước đây vì nhượng bộ Tàu Cộng, đã chấm dứt các cuộc tuần tiểu chung giữa Hải quân Phi và Hải Quân Mỹ trong vùng biển có tranh chấp với Trung Cộng. Hiện nay, một hàng không mẫu hạm của Mỹ vẫn tiếp tục có mặt để bảo đàm sự tự do lưu thông trên vùng biển này. Nhưng Duterte lại bất bình mà nói rằng: “Mỹ muốn đánh nhau phải không? Chúng ta chẳng có ý gì tạo rắc rối ở đây.” Nhật Bạn đưa chiến thuyền lớn vào biển Đông Trong khi Philippines tỏ ra mềm yếu, thì Nhật Bản đã cương quyết hơn khi họ dự trù đưa một chiến hạm lớn nhất của Hải Quân ra biển Đông trong một chuyến hải hành dài 3 tháng. Chuyến đi này sẽ bắt đầu vào tháng 5 tới đây. Đây là một hành vi có tính cách quan trọng khi Nhật phô diễn sức mạnh hải quân kể từ sau Thế Chiến thứ 2. Chúng ta còn nhớ rằng sau khi thua trận, Nhật bị bắt buộc không được thành lập quân đội (với khả năng tấn công, tham chiến bên ngoài) mà chỉ được thành lập lực lượng tự vệ với vũ khí phòng thủ mà thôi. Nhưng do sự lớn mạnh bùng nổ của quân đội Trung Cộng, Hoa Kỳ đã thúc bách Nhật phải tái xây dựng quân đội để giúp trong việc bảo vệ cân bằng ở Á Châu. Cũng vì Trung Cộng đã nhiều lần có những thách thức và xâm nhập hải phận của Nhật nên người dân Nhật dã đồng ý với chính phủ để tái vũ trang. Dù vậy vẫn chưa được Hiến Pháp cho phép phát triễn vũ khí tấn công. Tuy trong vùng biển Đông, Nhật không có tranh chấp nào về lãnh hải với các nước Taiwan, Malaysia, Vietnam, Philippines và Brunei ; nhưng Nhật lại có tranh chấp với Trung Cộng ở vùng biển Đông Trung Hoa. Chiếc tàu chở trực thăng mang tên Izumo vừa mới hạ thủy hai năm trước đây, sẽ thực hiện chuyến đi và cập bến ở các nước Singapore, Indonesia, Philippines và Sri Lanka trước khi tham dự vào cuộc tập trận mang tên Malabar phối hợp với Hải quân Hoa Kỳ và Ấn Độ trong vùng biển Ấn Độ Dương vào tháng 7. Mục tiêu của chuyến hải hành của chiến hạm Izumo là để trắc nghiệm khả năng thực hiện những sứ mạng dài ngày. Thủy thủ Nhật sẽ học hỏi thêm từ các thủy thủ Hoa Kỳ Chiếc Izumo này với khả năng chống tiềm thủy đỉnh, dài 817 ft (249 mét) có khả năng mang theo 9 chiếc phi cơ trực thăng. Nó tương tự như chiếc hàng không mẫu hạm loại tấn công của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ nhưng không có sàn để phóng phi cơ. Izumo có căn cứ tại Yokosuka, gần thủ đô Tokyo, cũng là nơi đồn trú của Hàng Không Mẫu Hạm Ronald Reagan thuộc Đệ Thất Hạm Đội Mỹ. Pháp tăng gia tiềm lực quốc phòng. Tổng Thống tân cử Trump cũng tiếp tục thúc đẩy NATO khi ông cho rằng Hoa Kỳ sẽ không thể cứ tiếp tục bỏ tiền ra để bảo vệ Âu Châu trong khi các nước này không chịu tự lo lấy. Trong khi đó thì Nga cứ tiếp tục gia tăng các hoạt động quân sự ở sường phía đông Liên Âu. Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis trong chuyến đi Âu Châu ngay sau ngày nhậm chức cũng đã kêu gọi phải lập lại một trật tự mới tại đây. Năm ngoái, sau khi Hoa Kỳ kêu gọi các đồng minh NATO chia sẻ gánh nặng chiến phí bằng cách tăng ngân sách quốc phòng bằng 2% tổ sản lượng kinh tế (GDP) mỗi nước, Pháp đã đưa ra kế hoạch tăng cường ngân sách quốc phòng thêm 667 triệu đô la Đã có những dấu hiệu cho thấy các nước trong khối NATO có những nỗ lực nhằm đáp ứng mục tiêu gia tăng chi phí quân sự. Theo thông tấn xã Reuter, các nước Tây Âu đã gia tăng ngân sách quốc phòng lần đầu tiên trong vòng 7 năm qua. Pháp vẫn còn chậm tăng, mới đạt đến 1.79% so với tiêu chuẩn 2% mà Hoa Kỳ kêu gọi. Tổng Thư Ký khối NATO, ông Jens Stoltenberg cho hay đã có những tiến bộ nhưng giữa các nước hội viên vẫn chưa có sự chia sẻ công bình.” Trước mùa bầu cử, Bộ Quốc Phòng Pháp đề ra chương trình tân trang Hải Quân trị giá 4 tỷ đô la. Ông Jean-Yves Le Drian, Bộ Trưởng Quốc Phòng Pháp, còn chờ sự chấp thuận của một ủy ban hỗn hợp về đầu tư trong đó có hai bộ Kinh tế và Tài Chánh trước khi xúc tiến kế hoạch này. Nhà thầu DCNS chuyên về tàu bè và nhà thầu Thales Group chuyên về hệ thống điện tử cho kỹ nghệ quốc phòng và không gian sẽ đảm nhận việc chế tạo 5 chiến hạm có trọng tải mỗi chiếc 4200 tấn mà chiếc đầu tiên sẽ hạ thủy vào năm 2023. Đức từ chối lời kêu gọi của Tổng Thống Trump trong việc gia tăng ngân sách quốc phòng Đức quốc là nước đông dân nhất và hung mạnh nhất tại Âu Châu. Họ có dư khả năng để tăng ngân sách quốc phòng nhằm đối đầu với Nga từ sườn phía đông. Trong khi cả khối NATO yêu cầu và với sự thúc đẩy của Tổng Thống Trump, Đức đã tỏ ra chống đối với lý do họ bị ám ảnh bởi sự kinh hoàng do Thế Chiến thứ Hai tạo ra, mà chính Đức là nước khởi động. Dù trong hoàn cảnh hiện nay thế giới dang đối phó với tình trạng cực kỳ nguy hiểm, Đức vẫn muốn là một quốc gia hoà bình. Một giáo sư về quân sử tại Đại Học Postdam đã nói rằng “Quân lực Đức (Bundeswehr) trên thực tế rõ ràng sẽ không đạt được các mục tiêu này. Nó đã quá lỗi thời. Chúng ta đã đi lùi đàng sau rất xa ngay cả khi đối phó với những cuộc chiến có tầm vóc nhỏ. Nói chi đến các cuộc đại chiến” Với nền kinh tế đứng hàng thứ 4 trên thế giới (sau Mỹ, Nga, Trung Cộng), Đức chỉ bỏ ra 37 tỷ đô la để đầu tư vào lãnh vực quốc phòng (tức 1.2% sản lượng kinh tế). Trong khi đó, NATO đưa ra chỉ tiêu là 2% cho các nước trong khối. Hoa Kỳ thì để ra đến 3.6% trong năm 2016, và dự trù gia tăng thêm trong năm nay đến 54 tỷ. Trong bức Thông Điệp đọc tại Quốc hội Lưõng viện hôm 28 tháng 2, Tổng Thống Trump cũng lập lại lời yêu cầu 28 nước NATO phải tự gánh vác và chia sẻ phí tổn bảo vệ Âu Châu với Hoa Kỳ. . Sau Thế Chiến thứ Hai, vì sự tàn phá nặng nề tại các nước Âu Châu, Hoa Kỳ có chương trình Marshall, rộng rãi chi ra 12 tỷ đô la (theo thời giá hiện nay là 120 tỷ) để giúp các nước Tây Âu tái thiết; trong đó Anh nhận 26%, Pháp 18% và Tây Đức 11%. Rồi sau khi thành lập Khối Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) để chống lại khối Liên Sô và Đông Âu, Hoa Kỳ cũng hậu hỉ đóng góp tài chánh và còn gửi quân đội qua trú phòng. Để thực hiện như đề nghị của Tổng Thống Trump, Đức phải tăng gấp đôi chi phí quốc phòng tức 79 tỷ đô la từ nay cho đến trong vòng 7 năm tới. Hiện nay, họ chỉ mới tăng thêm 2.1 tỷ trong năm 2017. Tức là chỉ tăng thêm 5.4% so với Hoa Kỳ tăng đến 10%. Hy vọng vào năm 2020, ngân sách Quốc Phòng Đức sẽ tăng đến 41 tỷ đô la. Thủ Tướng Đức Angela Merkel, vừa gặp Tổng Thống Trump hôm thứ Hai, đã loan tin Quân Đội Đức sẽ tăng cường thêm 20 ngàn quân, nâng tổng số quân Đức lên đến 200 ngàn vào năm 2024. Bà cũng thừa nhận rằng vấn đề an ninh là rất quan trọng và sẽ phải hoàn tất được trọng trách vì thế giới đang trông chờ vào họ. Bà nói: "Tôi nghĩ rằng thế giới có quyền trông đợi nước Đức thực hiện sự cam kết.” Các viên chức Bộ Quốc Phòng Đức cũng nói với báo USA Today rằng họ sẽ lãnh nhận trách nhiệm là vai trò chủ đạo trong vấn đề an ninh thế giới. Tuy thế, công luận Đức có vẽ không ủng hộ việc gia tăng tiềm lực quốc phòng nên việc tuyển mộ thêm quân lính có thể sẽ khó khăn. Chính phủ Đức phải mở nhiều cuộc vận động, quảng cáo tốn kém hàng triệu đô la để hấp dẫn công dân ở lứa tuổi từ 14 đến 35. Trái nghịch với những gì họ trình bày trên các video tuyên truyền về việc huấn luyện căn bản quân sự cho 12 người lính, giới phê bình có nhận xét rằng quân đội Đức thiếu hụt vũ khí, và các loại khí giới đã lỗi thời . Thậm chí có người phát giác việc lính dùng cán chổi thay cho súng trường khi huấn luyện và họ phải bỏ tiền túi rat rang trải việc huấn luyện! Maximillian Schuberth, 28, một sinh viên tại Humboldt University ở Berlin thố lộ. "Thật khó mà tin rằng đây là thực chất của quân đội Đức Quốc.” Lại chuyện các thành phố bao che (Sanctuary Cities) Những người ủng hộ “Sanctuary Cities” lấy lý do nhân đạo để bào chữa cho việc làm của họ. Những thị trưởng, thống đốc tả phái ra lệnh cho cảnh sát địa phương không được hợp tác với cơ quan cưỡng chế liên bang trong việc bắt giữ các phạm nhân là di dân bất hợp pháp. Tại các thành phố bao che này, bọn di dân bất hợp pháp được che chở để lại tiếp tục gây ra tội phạm mà nạn nhân là những người công dân hiền lành vô tội. Lý do nhân đạo mà họ đưa ra chẳng qua là cái bình phong để che đậy những mục tiêu chính trị của những người chính trị gia hoặc những thủ lợi khác. Khi mà chính sách bao che này đã đi qua xa thì đây sẽ là một đại hoạ. Họ đã ra công bảo vệ một hiện tượng không nên bảo vệ và không đáng bảo vệ. Việc Hành pháp Trump đã tỏ ra quyết liệt đối với bọn di dân bất hợp pháp đã làm cho những người chủ trương dung dưỡng di dân bất hợp pháp la ó lên. Nhưng phải nói là việc bảo hộ này bao trùm nhiều lãnh vực trong chính sách đường lối. Nó phức tạp hơn chúng ta thường nghĩ. Lúc khởi đầu, không có chính quyền địa phương hay cấp tiểu bang nào cung cấp sự bao che tuyệt đối cho những di dân bất hợp pháp bởi vì nhà cầm quyền liên bang theo luật lệ hiện hành, có thể trục xuất bất cứ di dân lậu nào chỉ vì lý do đơn giản họ đã vào nước Mỹ bất hợp pháp. Có đến hàng trăm “thành phố bao che” như thế đã từ chối bắt giữ di dân lậu để liên bang trục xuất. Nhưng ngay tại các vùng thẩm quyền của họ, đã có những sự khác biệt rất sâu rộng do những chính sách nhậy cảm hay những sự kiện phi lý mà có thể tổn hại đến an toàn công cộng. Đó là những vụ mà người di dân lậu với hồ sơ tội phạm dày cộm về các tội về ma tuý, bạo hành, nhiều người đã nhập cảnh lậu vài ba lần sau khi bị trục xuất nhưng lại được các thành phố này che chở. Điển hình là năm 2015, thành phố San Francisco đã thả ra tên Juan Francisco Lopez-Sanchez mặc dù liên bang đang có lệnh truy nã tên này. Ba tháng sau, tên Juan Francisco đã giết chết cô Kathryn Steinle tại một cầu cảng nơi khu du lịch. Việc này đã gây ra phong trào chống đối hiện tượng thành phố bao che. Và sau vụ này, cũng đã xảy ra hàng chực vụ tương tự. Tên Lopez-Sanchez, nay đang chờ xử án. Trước đó, tên này đã được ông Cảnh Sát Trưởng che chở bằng cách không cho các cơ quan liên bang bắt anh ta. Thành phố San Fancisco cũng ban hành lệnh nghiêm cấm cảnh sát địa phương tiếp xúc cảnh sát liên bang khi họ thi hành lệnh truy bắt di dân lậu. Cũng may cho dân Mỹ, các thành phố bao che nhiệt tình kiểu San Francisco không có nhiều. Trong số 2500 counties ủng hộ việc bao che, chỉ có 6% là bất hợp tác với cơ quan cưỡng chế Liên Bang qua việc họ từ chối không thông báo cơ quan di trú khi có một tên di dân bất hợp pháp được thả tù. Thành phố Somerville, thuộc Tiểu Bang Massachusetts vừa kỷ niệm 30 năm thành phố này theo chính sách bao che di dân bất hợp pháp. Họ không trao cho Liên bang bọn nhập cư lậu, nhưng sẵn sang giúp Liên bang bắt giữ những kẻ tội thuộc loại khác. Tổng Thống Trump đã ra lệnh sẽ trừng phạt các thành phố bao che bằng cách cắt bỏ sự trợ giúp tài chánh. Tháng trước, quận Miami-Dade County, nơi có đa số dân cư là người sinh đẻ tại các nước ngoài, đã tuyên bố chấm dứt tình trạng “thành phố bao che”. Nhưng cũng có nhiều thành phố nộp đơn lên Toà Án để kiện và xin ngăn cản sự thi hành lệnh của Hành pháp, trong đó có San Francisco. Các nhà lập pháp Tiểu Bang Colorado lại đòi tiểu bang mình trở thành Tiên Bang bao che! Thống Đốc Dannel Malloy của Connecticut lại ra một giác thư xác nhận tiểu bang của ông ta không hợp tác với cơ quan di trú Liên Bang. Còn tại California thì Thượng Viện (với 2/3 là Dân Chủ) đang bàn cách ra luật hạn chế sự hợp tác của Cảnh sát với cơ quan cưỡng chế liên bang. Theo thăm dò mới đây của Quinnipiac có hơn 1 nửa cử tri muốn trục xuất những di dân bất hợp pháp nào phạm các trọng tội. Có lẽ đó cũng là chính sách vừa nhân đạo, vừa nhậy bén nhằm mục đích bảo vệ an ninh xã hội. Gạo giả do Tàu Cộng sản xuất Đây có lẽ là loại chuyện dài Nhân dân Tự Vệ hiện nay, khi mà tin tức về các thức ăn giả do Tàu Cộng sản xuất đã thấy nhan nhãn trên các trang Face Book. Lần này thì trên các trang web đứng đắn. Cách dây vài năm, ký giả Diane Sawyer của đài ABC cũng đã là một phóng sự khá đủ về hàng giả, hàng độc của Tàu, nhưng thời gian quá lâu, nên chắc cũng phai mờ trong trí nhớ của người tiêu dùng. Tin mới kèm theo nhiều hình ảnh cho thấy quy trình làm gạo giả từ chất nhưa plastic có mầm mống ung thư để bán ra thị trường. Các sản phẩm về gạo của công ty Wuchang thường đắt giá có khi gấp đôi gạo của hiệu khác, do có vị ngon và thơm. Do nhu cầu càng ngày càng tăng, công ty này đã nghĩ ra cách sản xuất gạo từ plastic có chưa chất gây bệnh ung thư. Đó là chất bisphenol A, thường được biết là BPA. Gạo của Wuchang được các nhà buôn tại Mỹ nhập cảng để bán ra thị trường. Có lẽ người tiêu thụ nhiều nhất vẫn là người Việt hay dân Đông Á, vốn coi gạo là nguồn chất bột chính trong các nữa ăn. Công ty Wuchang trộn một ít gạo thật với gạo plastic, bơm xịt thêm hương liệu để có mùi hương như gạo thật. Tính ra, cứ 800 tấn gạo thật, công ty này đã sản xuất ra đến 10 triệu tấn gạo giả. Theo các chuyên viên về y tế, nếu một người ăn ba bát cơm nấu bằng gạo giả, coi như họ đã ngốn vào bụng nguyên một cái bao nylon. Chất độc trong plastic sẽ phá hủy các cơ quan tiêu hoá. Vì tin tức gạo giả này lan truyền nhanh, cộng với tin các đồ chơi trẻ con nhiễm chì rất nặng, mà chính phủ chưa có biện pháp nào để kiểm soát hay điều hợp việc nhập cảng; hiện người Mỹ thấy phải tự mình sản xuất lấy thức ăn vừa tạo thêm công việc. Nhưng trước mắt là hãy tẩy chay bất cứ thứ gì làm tại Tàu Cộng. Chưa hết! Không chỉ Tàu Cộng mà cả Tàu Đài Loan cũng làm thức ăn chay giả hiệu. Người Phật Tử ăn chay có khi 2, 5, ngày trong tuần, có vị ăn chay trường kỳ; và phong trào ăn chay càng ngày càng tăng. Trước đây, ăn chay có nghĩa là ăn cơm với rau, chao, xì dầu, tương cộng với ngũ cốc như mè đậu… Sau này, người ta chế biến các món chay theo hình thù như món mặn. Cũng có gà luộc, gà quay, tịt heo kho, cá kho, thậm chí có cả phở, bún bò chay… Các món giả này thường được chế tạo bằng bắp chuối, đậu phụ, bột… Nhưng lại có mùi và vị y hệt các thức mặn! Người ta ăn mà không hề thắc mắc các hương liệu này làm từ thứ gì? Nhiều nhà hàng chay đã mọc lên ở các thành phố nơi có đông người Việt. Các chùa cũng làm món chay giả mặn để bán cho tín đồ mỗi ngày có lễ chùa để gây thêm ngân sách. Đố ai dám nói thẳng rằng hương liệu các món chay này làm bằng chính thịt động vật? Tại Đài Loan, người ta đã phát giác ra việc gian đối này khi một bà cụ ăn chay trường bị lâm bệnh bò điên. Cả đời bà ta chưa hề ăn một miếng thịt nào. Cuối cùng, bác sĩ khám phá ra bà đã ăn thịt của con bò bị bệnh. Báo chí Đài Loan vội vả thâm nhập vào hãng sản xuất đồ chay giả mặn để điều tra. Và họ đã khui ra vụ công ty này dùng thịt cá – có khi đã hư thối - để nấu thành hương liệu và ướp vào các chất bột để giả làm thịt, cá chay. Món chao, trước đây theo thủ công nghệ, người ta dùng đậu hũ cho lên men sau khi đã rắc vào vài thừ như muối… Muốn làm một hũ chao, có khi mất cả tháng mới có. Nhưng nhà sản xuất hiện nay thì cho vào chút acid vào tảo phở (chứ không phải đậu hũ làm bằng bột đậu nành). Họ cho vào lọ những vỏ tôm đã hư thối để mau thành chao. Món cá kho chay thịt kho chay làm thế nào? Có đến 70% đồ chay giả thịt được làm bằng chính chất thịt chứ không chỉ hương liệu. Một sự xét nghiệm cho thấy có 15 trong số 21 mẫu hàng chay là thịt, cá thật. Đó là chưa kể các phụ chất hoá học để làm màu, hay để giữ cho lâu hư thối. Tại Việt Nam ngày nay, tình trạng thức ăn giả, độc hại coi như đã quá phổ biến. Nhưng quý vị ở Hoa Kỳ chớ tưởng rằng những thứ này không có trên thị trường đâu. -- Đỗ Văn Phúc Chủ Tịch Hội Đồng Chấp Hành Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Hoa Kỳ -- You received this message because you are subscribed to the Google Groups "CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT QUỐC GIA HOA KỲ - CỘNG ĐỒNG THÀNH VIÊN" group. To unsubscribe from this group and stop receiving emails from it, send an email to CDNVQGHK_CDTV+unsubscribe@googlegroups.com. To post to this group, send email to CDNVQGHK_CDTV@googlegroups.com. Visit this group at https://groups.google.com/group/CDNVQGHK_CDTV. To view this discussion on the web visit https://groups.google.com/d/msgid/CDNVQGHK_CDTV/CAJg-fgrSXzzLVHWwT%3DShKnbE6Zpn_F0fVizdjWFNrRQH1%2BGz%2Bg%40mail.gmail.com. For more options, visit https://groups.google.com/d/optout. Tuesday, March 14, 2017 TRỊNH XUÂN THANH TỐ CÁO ĐƠN TỐ CÁO ( Về việc ăn cắp dầu thô trên biển ) Kính gửi bà con Cộng đồng mạng Tôi tên là Trịnh Xuân Thanh - Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch hội đồng quản trị Tổng công ty xây lắp Dầu Khí - Phó chủ tịch UBND tỉnh hậu Giang - Đại biểu quốc hội khoá 2016-2021 Trong suốt thời gian làm việc tại tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam , tôi đã phát hiện ra nhiều hành vi ăn cắp bán dầu thô trên biển , nhưng vì tất cả các hành vi đó đều được sự bao che của thủ tướng các đời từ Võ Văn Kiệt , Phan Văn Khải , Nguyễn Tấn Dũng …nên tôi sợ không dám tố cáo , vì tôi biết rằng nếu mình tố cáo thì chắc chắn sẽ bị thủ tiêu … Nay tôi đã định cư tại Châu Âu với lệnh truy nã của CAVN về tội làm thất thoát tài sản 3.200 tỷ của nhà nước . Vấn đề này tôi đã nói nhiều trên trang Facebook của Người Buôn Gió nên tôi không nói ra ở đây nữa . Tôi viết đơn tố cáo này không hy vọng được giảm nhẹ tội mà tôi chỉ muốn nói ra để bà con ta hiểu rằng sống trong chế độ này thì sẽ “ Không ai cho ta làm người lương thiện “ vì tất cả lãnh đạo đều là tham nhũng trá hình . Chỉ có điều khi phe cánh đấu đá nhau , tranh ăn nhau thì ai bị lộ ai không bị lộ mà thôi . Tôi tin rằng với những hành vi ăn cắp này thì tất cả các uỷ viên Trung ương đảng , Bộ chính trị đều biết nhưng không hiểu do ăn chia thế nào mà không ai dám nói ra sự thật để 1 lượng lớn tiền bán dầu thô cứ chảy vào túi các quan chức từ Bộ chính trị cho đến các lãnh đạo trong tập đoàn Dầu khí Việt nam . Tôi cũng mong các bạn trên Facebook nếu đọc được những dòng chữ này thì xin hãy chia sẻ cho nhiều người cùng đọc để cho nhân dân biết được tình trạng tham nhũng , ăn cắp của đảng csVN nó nguy hại đến đất nước như thế nào . Trước hết nói về quy trình bán dầu thô ngoài biển Vũng Tàu như sau cho bà con biết : Dầu thô từ các giàn khoan được bơm về các tàu chứa dầu “ Chí Linh “ , ” Chi Lăng “ , “ Ba Vì “ , “ Vietsopetro 01 “ …rồi sau đó được xuất bán cho các tàu chở dầu của nước ngoài vào mua dầu. Trịnh Xuân Thanh Tố Cáo tất cả lãnh đạo chóp bu ĐCSVN đều ăn cắp bán dầu thô khai thác trên biển... Đoàn cán bộ bán dầu gồm Công an , Hải Quan , Dầu khí , Đại lý tàu biển …sẽ đi từ trong bờ ra . Vào những ngày biển êm thì đoàn này đi ra bằng máy bay trực thăng , đáp xuống các tàu chứa dầu rồi sau đó chuyển qua tàu mua dầu bằng tàu dịch vụ . Tàu mua dầu được Hoa tiêu dẫn đường sẽ buộc vào sau đuôi tàu chứa dầu rồi nối ống vào và dầu thô được bơm từ tàu chứa qua . Khoảng 1 , 2 ngày sau khi bơm hàng xong thì tàu mua dầu tách ra và các cán bộ của VN lại được tàu dịch vụ đón chở về tàu chứa dầu và từ đó lên máy bay trực thăng về bờ . Vào mùa biển động , sóng to gió lớn thì không thể chuyển người trên biển được nên tàu mua dầu phải chạy vào Vũng Tàu rồi đoàn cán bộ VN sẽ được tàu dịch vụ chở ra leo lên tàu mua dầu và đi ra giàn khoan . Từ đó tàu mua dầu cũng được hoa tiêu dẫn đường buộc vào đuôi tàu chứa để nhận dầu bơm qua . Xong xuôi tàu mua dầu này lại chạy vào Vũng Tàu trả người xuống tàu dịch vụ rồi lúc đó mới đi ra nước ngoài ... Từ những ngày bán lô dầu thô đầu tiên đến nay đã gần 30 năm và có hàng trăm triệu tấn dầu thô được bán ngoài biển như thế . Tuy nhiên có 1 thông báo miệng từ thời Võ Văn Kiệt là tất cả các vụ tham nhũng trong ngành Dầu khí thì công an , báo chí …đều không được phép điều tra và những nghi vấn về ăn cắp dầu ngoài biển đều không ai được nói đến … Với khách hàng mua dầu là Nhật hay Châu Âu thì có lẽ chuyện mua bán là sòng phẳng , có hoá đơn chứng từ rõ ràng , theo giá dầu thế giới và tiền bán dầu có lẽ được chuyển vào nhà nước công khai minh bạch , có đóng thuế …và cũng không thể gian lận được … Nhưng với khách hàng Trung Quốc thì hoàn toàn khác . Ví dụ xuất bán 100.000 tấn dầu thì họ chỉ trả 70.000 tấn qua ngân hàng có hoá đơn , còn 30.000 tấn thì họ trả bằng tiền mặt ngay trên tàu với giá chỉ bằng 50% giá thị trường và khoản tiền này không được đưa vào sổ sách ( dầu thô giá 100 đô/thùng thì họ trả bằng tiền mặt chỉ 50/đô/thùng và hai bên cùng có lợi ) . Tôi đã chứng kiến từng đoàn cán bộ VN với ba lô căng phồng vừa lên bờ là có công an và người của Hà Nội đón và đưa đi đâu không rõ …nhưng chắc chắn là tiền mặt mà Trung Quốc trả trên tàu sẽ vào túi của các quan chức từ Trung ương đến các lãnh đạo của tập đoàn Dầu khí . Đặc biệt từ ngày ông Nguyễn Tấn Dũng và Đinh La Thăng lên thì giá dầu thô tăng vọt nên số tiền thu được do bán lậu dầu này cũng tăng lên rất nhiều . Từ đó đời sống của lãnh đạo tập đoàn dầu khí vô cùng xa hoa , lãng phí …Chỉ cần 1 cán bộ cấp trưởng phòng , hay giàn trưởng … cũng có thể nói chuyện hàng chục triệu đô và chuyện mua nhà bên Mỹ hay châu Âu đối với họ là chuyện “ cái móng tay “ . Từ ngày ông Nguyễn Tấn Dũng lên làm thủ tướng và ông Đinh La Thăng lên làm chủ tịch tập đoàn Dầu khí thì khách hàng mua dầu khoảng 70% là Trung Quốc . Trong thời gian này giá dầu thô cũng leo lên rất cao, có lúc hơn 120 đô/thùng tức là khoảng 850 đô/tấn . Chỉ tính trong 10 năm ông Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng , mỗi năm Việt Nam xuất bán 20 triệu tấn dầu thô với lượng dầu thô ăn cắp khoảng 30% tức là khoảng 6 triệu tấn/năm . Mỗi tấn tính rẻ 600 đô như vậy là băng đảng ông Dũng và Đinh la Thăng đã ăn gọn là 10x6x600 = 36 tỷ đô . Mời xem Video: Trịnh Xuân Thanh Tố Cáo tất cả lãnh đạo chóp bu ĐCSVN đều ăn cắp bán dầu thô khai thác trên biển... Đó là chưa kể đến hàng trăm khoản tham nhũng khác từ ngành Dầu khí như mua sắm thiết bị , vật tư , chi phí khai thác , mua sắm tàu bè … Tất cả những cái này tôi sẽ lần lượt nêu ra trong các lá đơn sau . Tôi mong bà con share rộng rải lá đơn này , ai giỏi thì có thể dịch ra tiếng Anh và phổ biến trên mạng cho toàn thế giới biết tham nhũng ở VN là trầm trọng như thế nào . Xin chân thành cảm ơn đồng bào . © Trịnh Xuân Thanh FB Hiếu Bùi TRỊNH XUÂN THANH : CSVN ĐÃ CHI CHO ÔNG NGUYỄN CAO KỲ 50 TRIỆU USD ĐỂ VỀ VIỆT NAM LÀM QUẢNG CÁO CHO HỌ Tuy người đã chết nhưng cần nhắc lại để mọi người biết âm mưu thâm độc của csvn nhất là đồng bào ở hải ngoại (Trích trong tập Hồi Ức Trịnh Xuân Thanh sẽ do Hiếu Bùi – Sinh Coong phát hành trong thời gian tới ) . Chuyện ông Nguyễn Cao Kỳ về nước ngày 14/01/2004 đã làm xáo động cộng đồng người Việt hải ngoại , nhất là những người của VNCH trước 1975 . Người đầu tiên ông Kỳ gặp ở VN là ông Võ Viết Thanh lúc đó là Trung tướng , Tổng cục trưởng tổng cục An ninh . Ông Thanh trước đây làm chủ tịch UBND thành phố HCM và nổi tiếng trong vụ Minh Phụng . Có 1 ông trưởng phòng của 1 Ngân hàng nhà nước tại Sài gòn đã về hưu kể với tôi là Minh Phụng muốn vay được tiền của Ngân hàng lúc đó thì phải chi cho ông Võ Viết Thanh 15% . Khoản nợ Minh Phụng vay của ngân hàng theo báo chí nêu ra là 6.000 tỷ tức là ông Thanh này có ít nhất 900 tỷ tiền hồi đó 1991-1997 . Thực hư không biết thế nào nhưng Ông Võ Viết Thanh được điều ra Bộ CA làm Tổng cục trưởng Tổng cục an ninh còn ông Minh Phụng thì đi ngủ với giun . Ông Nguyễn Cao Kỳ về nước là để hoàn tất Nghị quyết 36 của Đảng về vấn đề Người Việt Hải Ngoại khi Bộ chính trị thấy được dòng tiền kiều hối là tài nguyên vô hạn nếu biết khai thác tốt . Trung ương đảng biết rõ tướng Nguyễn Cao Kỳ là 1 vị tướng liêm khiết và chống cộng đến cùng , nên nếu lôi kéo được ông Kỳ về nước là thành công rất lớn và tiếng nói của ông Kỳ sẽ như 1 chiếc máy bơm để bơm Kiều hối về Việt nam . Không phải dễ dàng tìm được người nói chuyện với ông Kỳ và thuyết phục ông ấy về nước và Trung ương đảng đã nghĩ ngay đến bố tôi là ông Trịnh Xuân Giới . Sở dĩ Trung ương đảng chọn bố tôi vì họ biết bố tôi có 1 người anh ruột cùng cha khác mẹ đi vào Nam 1954 đó chính là Ông Trịnh Xuân Ngạn – trước đây là Chánh án Pháp viện tối cao của VNCH . Bác Ngạn tôi lại có người con Trai là Trịnh Xuân Thuận, một nhà thiên văn học nổi tiếng đang sống tại Pháp và mối quan hệ giữa bác Ngạn tôi và ông Nguyễn Cao Kỳ thời VNCH là rất tốt . Trưởng ban dân vận Trung ương lúc đó là ông Nguyễn Minh Triết tức Sáu Phong đã vội vàng đưa bố tôi về làm Phó ban dân vận Trung Ương để thực hiện nhiệm vụ này . Ông Sáu Phong vừa dốt nát lại vừa tham nên Trung ương đảng biết là cỡ như ông Sáu Phong mà sang Mỹ thì ông Kỳ sẽ không bao giờ tiếp . Bố tôi sang Mỹ không phải với tư cách là lính của ông Sáu Phong mà với tư cách là trợ lý của nhà ngoại giao Nguyễn Đình Bin . Sau mấy lần trò chuyện với anh tôi là ông Trịnh Xuân Thuận thì ông Nguyễn Cao Kỳ đồng ý gặp bố tôi ông Trịnh Xuân Giới với tư cách là người đồng hương ở bên kia chiến tuyến . Ông Kỳ khăng khăng nói , sang đây chơi thì chơi vui thôi , còn các ông đừng hòng dụ tôi về để bắt tôi . Nhưng như người ta nói “ mưa dầm thấm lâu “ và “ Cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền “ . Cuối cùng ông Nguyễn Cao Kỳ cũng chấp nhận về nước với cái giá 50 triệu đô la . Trung ương đảng xác định bỏ 50 triệu đô để mỗi năm thu về hơn 10 tỷ đô thì quá lãi còn lãi gấp ngàn lần so với buôn vũ khí và heroin . Và ông Nguyễn Cao Kỳ đã về nước với những phát ngôn cùng những hành động làm cho những người VNCH trước đây biết ông đều bất ngờ và buồn chán . Con gái ông Nguyễn Cao Kỳ cũng được về nước đầu tư với những ưu đãi bất ngờ khi cô ta đầu tư vào chuỗi nhà hàng khách sạn Memory Longue tại Đà nẵng nhưng sau khi ông Kỳ chết thì ưu đãi cũng hết và còn bị chèn ép đủ thứ khiến cô ta phải rút hết về Mỹ chỉ để lại mấy cái cửa hàng bán thực phẩm chức năng và mỹ phẩm cùng hàng thời trang xách tay từ Mỹ về Việt nam . Tôi kể ra chuyện này để khuyên đồng bào những ai đã nghe lời dụ dỗ về VN thì hãy tỉnh táo và nên làm như sau : 1, Rút hết vốn ra khỏi VN , dừng ngay lập tức các dự án đang định đầu tư vào VN . 2, Những ai đã mua nhà tại VN thì sắp tới phải ở VN ít nhất là 9 tháng . Nếu ở dưới 9 tháng thì nhà đó coi như là nhà cho thuê và phải đóng thuế gồm có 10% thuế VAT , 28% thuế thu nhập doanh nghiệp , thuếu thu nhập cá nhân , chưa tính là hàng trăm các khoản thuế và phí khác . Vì vậy bà con hãy bán nhà và rút tiền ra khỏi VN ngay . Posted by sontrung at 9:23 AM No comments: Labels: BÊN KIA BỜ ĐẠI DƯƠNG 459 LÊ QUANG VINH * THƠ NGÔ MINH “TƯỢNG VÀNG DÂNG MẸ” QUA BÀI THƠ “NHỚ MẠ” CỦA NGÔ MINH NHÂN NGÀY PHỤ NỮ QUỐC TẾ 8/3:“TƯỢNG VÀNG DÂNG MẸ” QUA BÀI THƠ “NHỚ MẠ” CỦA NGÔ MINH le-vinha Nhà báo Lê Quang Vinh Mạ Ngô Minh tên là Cụ Đào Thị Tam (1910 – 1983). “Nhớ mạ” của Ngô Minh là bài thơ thuộc loại hay nhất của Thơ Việt Nam đương đại viết về Mẹ. Tôi đã đọc đi đọc lại suốt mấy chục năm nay rồi. Bài thơ như tác phẩm điêu khắc, được nhà nghệ sĩ “đúc”, “chạm khắc” cực kỳ tài tình hình ảnh người mẹ Ngô Minh với những đường nét, hình khối rất riêng không ai có. Nhưng qua những nét riêng, độc đáo đó, lại là người Mẹ của mỗi chúng ta: “góc dừa mạ ngồi têm nắng“, “nuôi con thờ chồng oan khuất / mạ mót khoai hà cát phơi“, “ngả nghiêng võng thuyền tao gió / câu ru mặn đắng chiều xưa“…“Têm nắng”! Có ai làm điều này – chẳng ai cả. Nhưng đó đúng là mẹ của chúng ta “thường làm” mỗi ngày trong cả cuộc đời đấy. Ngô Minh không “hoang tưởng” khi đặt bút viết nên từ này. Cái sự “siêu thực” trong câu thơ, bài thơ hay chính là nhà thơ (người làm thơ), chắt lấy – chộp lấy được “hồn” của chủ thể mình đang muốn sáng tạo để “ngưng đọng lại” (đóng đinh, cố định) thành hình hài của vẻ đẹp tưởng như chưa tồn tại (không có) bao giờ. Đó là chất liệu “thứ thiệt” của đời sống thực, nên ai cũng chấp nhận và rung động theo. Satobriang – Nhà văn lớn nước Pháp thế kỷ XVIII – Thế kỷ “Ánh sáng” của Văn học – nghệ thuật toàn Châu Âu, nói – đại ý: Nghệ thuật là những gì nó hiển hiện qua tấm gương mà nhà nghệ sĩ đang xê dịch để soi chiếu trên con đường lớn của cuộc sống. Mọi thứ được phản ánh trong tấm gương là “hình ảnh thực”, nhưng đó hoàn toàn không thực – vì ta có sờ, nắm, cầm… được đâu? (nôm na: thứ “bịa ra như thực” – chính là “nghệ thuật”). “Têm nắng” là hình ảnh như trong “tấm gương” mà Satobriang – Người mở màn cho Văn học Lãng mạn Pháp, từng quan niệm (tuyên ngôn) để về sau trở thành định nghĩa cốt lõi cho cả nền Văn học Hiện thực Pháp (cũng xuất hiện gần như song song với nền Văn học Lãng mạn Pháp cuối thế kỷ XVIII – đầu XIX)*. Trong bài “NHỚ MẠ” có nhiều hình ảnh tượng trưng như “têm nắng” (“chân trời sóng đánh xác xơ”, “võng thuyền tao gió”, ”câu ru mặn đắng chiều xưa”, “nắng mưa mạ giấu nơi mô”, “trời xanh không hồn”, “tê tái sông hồ”, “cát trắng trắng mòn mắt biển / buồm về ngủ bến nồm quên”, “giã buồn đau cô quạnh”…). Đó là những biện pháp tu từ kiểu “ví von”, “ẩn dụ”, “nhân cách hóa”… nhưng hoàn toàn phi truyền thống (không “song đối” rõ ràng, mà “ẩn” (giấu) rất khéo, rất kín vế “được ví”, “được đối” – đa phần chủ thể là “người”; đến mức gần như… phi lý, siêu thực…); nên mức độ trừu tượng để tạo ra được đầy đủ các yếu tố “nội hàm” (bản chất của hình tượng thơ) cho một “biểu trưng” (khái quát hóa nội dung sâu xa, tột cùng cần chuyển tải), là vô cùng cao. Biện pháp này chỉ xuất hiện khi trái tim, trí não người nghệ sĩ đạt tới sự thăng hoa như “thần thánh” (khác thường trong nghệ thuật, ở nghệ sĩ “bình bình” không thể có): sáng tạo mà như vô thức (rất say, mà lại rất tỉnh – tâm hồn cực kỳ bay bổng, cùng bản lĩnh, kỹ năng sáng tác). Sự đặc biệt và hiếm hoi ấy, không phải nhà văn, nhà thơ (nói chung là nhà “nghệ sĩ”) nào cũng có, mà phụ thuộc gần như 100% tài năng, kiến thức, kinh nghiệm được tích tụ trong quá trình học tập và thực tiễn cuộc sống. Thế nhưng, nó luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro; như “con dao hai lưỡi”, không giỏi “xoay xở” (không tinh khôn) là câu thơ, bài thơ, tác phẩm văn học, bản nhạc, bức tượng… dễ bị tắc tị, sa vào “hũ nút” ngay. Phải có phẩm chất nghệ thuật già dặn như Thi sĩ Ngô Minh, mới “múa may quay cuồng” suôn sẻ thế; điều đó đóng góp rất cơ bản, giúp việc xây dựng “Tượng đài Mạ” (bằng tác phẩm thơ) của tác giả đạt được độ hoàn hảo đúng như tầm vóc cụ Đào Thị Tam (1910 – 1983), lúc sinh thời trong cuộc đời thực – cũng là Tượng đài của những bà mẹ Việt Nam thuở nào… Chúng ta trân trọng, biết ơn tình cảm, sự sáng tạo của Thi sĩ “Bọ rin”, đã thay mỗi chúng ta tri cố lại hình ảnh người mẹ, bà, cụ… thân thương của mỗi chúng ta và con cháu. Hiểu nguyên tắc cùng phong cách sáng tác đó – nét rất riêng ở Thi sĩ Ngô Minh, người đọc không khó để liên tưởng ra hình ảnh phi phàm của “Mạ”, qua ảo ảnh trong câu thơ “góc dừa mạ ngồi têm nắng” (và những câu thơ khác trong bài thơ “NHỚ MẠ”): “nhớ mạ mỗi sớm mặt trời / thơm như miếng trầu đỏ thắm“. Mặt trời đỏ lựng ấy chính là “miếng trầu” cay Mạ từng ăn hằng ngày; cũng là mong ước của người con: giá như Mạ còn sống thì sẽ “lên trời” chọc ”gan” đưa xuống trần gian cho Mạ ăn. Tứ thơ lột tả lòng dạ – thực chất viết về chữ “Hiếu” (tình thâm mẫu tử), vừa lãng mạn, trác tuyệt; vừa truyền thống như trong dân gian (cho “ăn gan trời”). Nhớ thương Mạ ruột rà, quay quắt đến độ nào, để Thi sĩ của chúng ta…”bạo gan” rứa? Người Mạ Thi sĩ Ngô Minh hiển hiện trong toàn bộ bài thơ (thực sự đó là “Bức tượng Vàng ròng”) của con trai “đúc” (tạo tác) thật đẹp đẽ; ngỡ như chỉ có trong huyền thoại, vô cùng linh thiêng mà lại bình dị đến độ sâu lắng (“góc dừa mạ ngồi têm nắng“); cuộc đời thì vô vàn khổ cực (“câu ru mặn đắng chiều xưa“); trái tim nhàu nát, oan khiên, đau đớn tận cùng vậy (“nuôi con thờ chồng oan khuất / mạ mót khoai hà cát phơi“) – Tôi đã khóc khi mắt chạm đến mấy con chữ này: “mạ mót khoai hà cát phơi“. “Khoai hà” rồi thì sao ăn được, rứa mà vẫn phải “mót” về để “phơi” (dự trữ cho ngày đói). Đó cũng chính là Mự (mẹ) của Lê Quang Vinh thuở trước và bao bà mẹ Việt Nam trên đời khác cùng cảnh ngộ bần hàn cơ cực, cùng thời đại… Tình thương Mạ, thật khó ai điễn đạt được đầy đủ, tinh tế, da diết như Ngô Minh: “nhớ mạ mỗi sớm mặt trời / thơm như miếng trầu đỏ thắm / con về tìm dấu cát xưa / góc dừa mạ ngồi têm nắng“, “nhớ mạ con ra với biển / chân trời sóng đánh xác xơ“, “con ngước lên trời tìm lại / nắng mưa mạ giấu nơi mô“… Rồi Thi sĩ gào lên như thấu tận trời xanh, sông núi, cỏ cây trước điều phi lý trong cả cuộc đời của một người con: “răng con bỗng không còn mạ ?“… Đành rằng theo lẽ tự nhiên, Mạ đến khi có tuổi rồi thì cũng phải chịu sự chi phối của quy luật “sinh sinh, hóa hóa” (nợ tử sinh là lẽ thường tình). Nhưng câu hỏi “răng con bỗng không còn Mạ ?”… đó không còn chuyện bình thường nữa, mà là sự phi lý quá mức. Đối với Nhà thơ, rõ ràng chuyện “bỗng không còn Mạ”, hoàn toàn nằm ngoài quy luật tạo hóa (“trời xanh không hồn xa ngái / biết chi tê tái sông hồ !”). Hai câu thơ vừa dẫn (ở trên), về hình thức là chuyện riêng tư (mẹ và con). Nhưng đây cũng là vấn đề xã hội rộng lớn được gói gém (ẩn chứa) trong đó: “Trời xanh” mà “không hồn xa ngái”; “biết chi tê tái sông hồ”… Xã hội hiện hữu bao điều tao loạn, vô lương, độc ác (ngày một trầm trọng), bởi bộ máy thượng tầng kiến trúc u mê, hão huyền; phụng thờ những hoang tưởng (thứ không bao giờ có trên thế gian này), cùng các trọng bệnh tham nhũng, ức hiếp người dân… Đấy là thực trạng đau lòng của đất nước Việt Nam suốt mấy thập niên qua, kéo dài cho đến tận bây giờ và không biết sẽ còn bao lâu nữa. Bốn câu thơ tiếp theo, có lẽ là đỉnh điểm của sự nhớ thương vô vọng, khi Mạ thì đang ở nơi miền biên viễn chín tầng mây (“con ngước lên trời tìm lại”), còn dưới trần ai con khát thèm tình Mạ (lẽ ra “phải có Mạ” – “còn Mạ”), mà phương hướng cuộc đời đảo lộn đến bế tắc, tái tê (“nắng mưa mạ giấu nơi mô”, “câu ru ai thả bờ đêm” ?). Bài thơ còn gợi cho ta hình ảnh người mẹ ôm con, cùng con hóa đá ngóng chồng, thương cha, chờ đợi mỏi mòn vô vọng nơi cuối trời, góc biển (“con về giã cối trầu cay / như giã buồn đau cô quạnh / mong mạ cho hết tháng ngày / về ăn miếng trầu đỏ quánh…”). Chữ “đỏ quánh” là ngon, miếng trù (trầu) đang… cực kỳ “ngon” (màu ấy là màu trù đã giã nhuyễn bằng cối cát tút đồng sáng loáng (làm từ vỏ đạn 12 ly); hặc Mạ vừa nhai mới được dăm ba phút trong miệng. “Đỏ” và “quánh” là do đủ vị: có “vỏ” (của cây “chay” trên rừng), vê thuốc “Lào” Tiên Lãng bằng viên bi ve “cực kỳ nặng” do thái toàn là lá đã tra (già) thu hái từ dưới cội (gốc), cau hột (hạt) “nhì” (trấy cau không còn non cũng chưa bị tra quá và đã “đặc ruột” để có vị đắng chát vừa phải; nó cùng với vôi, thuốc, tinh dầu trong lá trù, vỏ… tạo nên độ “ngọt – say”, màu “đỏ quánh” của nước trù mới có thể nuốt được). “Miếng trầu đỏ quánh” này khiến ta cảm giác “thèm”, “ngon” và hấp dẫn hơn bất cứ “sơn hào, hải vị ” nào trên đời – Dù ta không biết “ăn trù” như các mẹ. Rứa mà, nay Mạ còn đâu nữa; nên Thi sĩ của chúng ta dường như thành vô thức, hóa đá để hạ bút: “như giã buồn đau cô quạnh”. Đây là một hình tượng thơ đặc trưng, giàu cảm xúc bậc nhất trong bài thơ, khiến ta càng thương Mạ, thương Ngô Minh và thương luôn cho “miếng trầu đỏ quánh” – Nét đẹp rạng ngời của người phụ nữ ăn trù xưa… Bài thơ khiến ta ứa nước mắt nhiều lần, bởi những từ ngữ dung dị (thường nhật nhất, ai ai cũng đều đã bắt gặp), độc đáo (lột tả thấu đáo – không chê vào đâu được, bản chất thứ “vật liệu” để xây dựng nên hình tượng thơ), nên phát huy “tột bực” sự thăng hoa của ngôn ngữ trong “NHỚ MẠ”. Không ai trên đời là không thương cha thương mẹ; nhưng thương nhớ, biết ơn đấng sinh thành rồi “đúc tượng” (hình hài, công đức, cả những nghiệt ngã mà cha mẹ đã phải gánh trên đường đời…) bằng văn chương lưu lại trong nhân gian, cho nền văn học nước nhà tài hoa và thành công như Thi sĩ Ngô Mình, thì cực kỳ hiếm. Tác phẩm thơ, văn xuôi của Ngô Minh luôn được đánh giá cao; hàng vạn người đọc của nhiều thế hệ hâm mộ là do chữ Tâm đằm thắm, khoáng đạt trong hồn vía cốt cách con người và Văn chương của anh… Cháu Lê Quang Vinh đau đớn, thương nhớ; cùng chia sẻ tình cảm với con trai Cụ – Thi sĩ Ngô Minh. Cầu nơi suối vàng, Liệt tông liệt tổ, các Cụ, Mự con, Anh hùng – liệt sĩ… “siêu sinh tịnh độ”, vui vầy, phù hộ độ trì cho nước Việt Nam ta sớm diệt trừ xong giặc tham nhũng, bán nước; để nhân dân được an lành, ấm no hạnh phúc… LQV Hà Nội, 5 giờ sáng, ngà 5/3/2017 *Satobriang (Chateaubriand) 1768 – 1848, là người đã thể hiện những đề tài đặc thù của chủ nghĩa lãng mạn như tôn giáo, tình yêu, phong vị exotique, sự cô đơn của cái tôi cá nhân trong nhiều tác phẩm như Atala, René, Những kẻ tuẫn đạo (Les Martyrs), Tinh anh của đạo cơ đốc (Le Génie du Christianisme)…Ông còn nổi tiếng về sự điêu luyện, tài hoa trong ngôn ngữ văn xuôi. Ngô Minh NHỚ MẠ nhớ mạ mỗi sớm mặt trời thơm như miếng trầu đỏ thắm con về tìm dấu cát xưa góc dừa mạ ngồi têm nắng con về với làng Thượng Luật trắng khô nước mắt bao đời nuôi con thờ chồng oan khuất mạ mót khoai hà cát phơi nhớ mạ con ra với biển chân trời sóng đánh xác xơ ngả nghiêng võng thuyền tao gió câu ru mặn đắng chiều xưa con ngước lên trời tìm lại nắng mưa mạ giấu nơi mô trời xanh không hồn xa ngái biết chi tê tái sông hồ ! răng con bỗng không còn mạ ? câu ru ai thả bờ đêm cát trắng trắng mòn mắt biển buồm về ngủ bến nồm quên con về giã cối trầu cay như giã buồn đau cô quạnh mong mạ cho hết tháng ngày về ăn miếng trầu đỏ quánh… NM Bạn đọc bình luận bản đăng trên FB "Lê Quang Vinh" ThíchHiển thị thêm cảm xúc Bình luậnChia sẻ 40Thu Hue, Lê Thuỷ và 38 người khác 1 chia sẻ Có10 bình luận Bình luận: Bùi Thị Loan: Đọc bài của thầy làm em nhớ mẹ em quá. ThíchHiển thị thêm cảm xúc · Trả lời · 16 giờ Mai Văn Hoan: Cả thơ và lời bình đều hay! ThíchHiển thị thêm cảm xúc · Trả lời · 1 · 15 giờ Lam Thi Tu: Hay quá, thật xúc động. Cám ơn 2 ông anh LQV và NMK. ThíchHiển thị thêm cảm xúc · Trả lời · 15 giờ Ngô Minh Khôi: Cám ơn nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Quang Vinh đã viết lại lời bình hay hơn, sâu hơn! ThíchHiển thị thêm cảm xúc · Trả lời · 1 · 15 giờ Ty Le: Lúa lép mót về rang chín giã "Nhừ" thành cám thay cơm... Nhớ mạ qúa đi thôi, cũng một đời cơ cực lam lũ...Cám ơn 2 anh đã có thơ và lời bình rất hay. ThíchHiển thị thêm cảm xúc · Trả lời · 1 · 14 giờ Lê Quang Vinh: "Lúa lép mót về rang chín / giã "Nhừ" thành cám thay cơm... " - Còn tiếng QB quê Bọ thì: "Ló dẹp mót về rang chín / Đâm nhừ ra lớ thay cơm" - sẽ hay hơn. Cảm ơn em họ. ThíchHiển thị thêm cảm xúc · Trả lời · 14 giờ · Đã chỉnh sửa Viết trả lời... Lê Kim Ngân: Nhớ bà, nhớ má quá ThíchHiển thị thêm cảm xúc · Trả lời · 14 giờ Ngô Minh Khôi: Nhà báo Lê Quang Vinh thân mến. Bài viết của anh về bài thơ NHỚ MẠ của NM rất tâm huyết. Thứ nhất là anh cho bài thơ là MỘT TƯỢNG ĐÀI về Mẹ là rất hay, rất chính xác về hình tượng. Thứ hai về 2 câu thơ TRỜI KIA KHÔNG HỒN XA NGÁI / BIẾT CHI TÊ TÁI SÔNG HỒ, anh đã thông tỏ tâm trạng tác giả, cảm thức được điều tác giả muốn nói. Chứng tỏ trình độ thẩm thơ của anh rất cao. Vô cùng cảm ơn bài viết của anh Lê Quang Vinh! ThíchHiển thị thêm cảm xúc · Trả lời · 3 · 12 giờ Lam Thi Tu: Em cũng thấy vậy anh Ngô Minh Khôi à, tâm đắc nhất là đoạn viết: ..."Hai câu thơ vừa dẫn ...bao lâu nữa" của anh LQV, bạo tay lắm. Còn những dòng khác không chê vào đâu được nữa, đọc nghe đã lắm. Em chúc mừng 2 anh nhé. ThíchHiển thị thêm cảm xúc · Trả lời · 1 · 12 giờ Doan Thanh: Bài thơ được chắp cánh bởi lời bình hay. ThíchHiển thị thêm cảm xúc · Trả lời · 1 · 12 giờ Viết trả lời... Nguyễn Thị Hiền; Anh đã viết lên những vần thơ đúng tâm trạng của tụi em đã một thời tuổi thơ như vậy đó anh cám ơn anh Lê Quang Vinh nhé. ThíchHiển thị thêm cảm xúc · Trả lời · 11 giờ Huong Le: Chú giới thiệu bài thơ "Nhớ mạ" của chú Ngô Minh nhân dịp quốc tế phụ nữ thật đúng lúc. Cháu đọc rất nhiều lần, ngẫm ngợi và càng thương xót cho bao Cụ, Bà, Mẹ...phải chịu nhiều cơ cực, oan uất... https://www.facebook.com/images/emoji.php/v7/f14/1/16/1f628.png😨. Khổ thơ cuối như nghẹn lại bởi nỗi đau mất mẹ, nỗi đớn đau này không hề vơi đi theo thời gian mà ngược lại còn đau hơn, se sắt hơn, đặc quánh và rỉ máu bởi nỗi oan ức mà mẹ phải chịu. Nỗi oan khiên này chẳng còn cơ hội để sửa, mà lịch sử dường như lãng quên nên nỗi đau này còn mãi, nặng trĩu trong tim...https://www.facebook.com/images/emoji.php/v7/f40/1/16/1f62d.png ThíchHiển thị thêm cảm xúc · Trả lời · 2 · 9 giờ Lê Quang Vinh Cháu gái mở lòng thật tuyệt. Chú Vinh đọc comment của Huong Le nhiều lần và xúc động lắm. Chắc chắn Thi sĩ Ngô Minh cũng vậy. ThíchHiển thị thêm cảm xúc · Trả lời · 1 · 8 giờ Viết trả lời... Ngô Minh Khôi Cám ơn anh Lê Quang Vinh đã viết thêm 2 đoạn bình thơ về hình tượng "têm nắng", và trầu "đỏ quánh". Rất chính xác, rất hay. Cám ơn nhiều!

No comments:

Post a Comment