Gót Chân Achilles của Bá Quyền Phương Bắc
Ls Đặng Thanh Chi (Danlambao) - Những
ai quan tâm theo dõi các diễn tiến tại Hong Kong đều thấy tình trạng có
vẻ bế tắc của cuộc đấu tranh giành dân chủ gần đây. Phát khởi từ dự
luật thay đổi Luật Dẫn Độ, đến nay đã 6 tháng, những cuộc xuống đường
rầm rộ ở Hong Kong đã nhanh chóng lớn mạnh thành phong trào đấu tranh
cho dân chủ với những đòi hỏi thay đổi cụ thể. Phong trào này đã trở
thành một ví dụ kinh điển cho các phong trào đấu tranh bất bạo động:
giành dân chủ bằng cách huy động sự hỗ trợ và tham gia của nhiều thành
phần quần chúng, áp dụng các chiến thuật di chuyển nhanh, gọn, trong
tinh thần kỷ luật và kiên trì cao độ. Không có sự lãnh đạo nào được
công nhận trong các cuộc biểu tình ở Hong Kong. Các cuộc xuống đường
được điều phối bởi nhiều tổ chức khác nhau hiện hữu trong xã hội dân sự
của Hong Kong. Vì không thể tiêu diệt các tổ chức và các nhóm tập hợp
vốn có cấu trúc uyển chuyển và lỏng lẻo, và cũng không thể gây hiệu ứng
sợ hãi trong quần chúng bằng cách sử dụng bạo lực, nên cuộc đàn áp của
đảng CS Trung Quốc và cảnh sát Hồng Kông chỉ làm trầm trọng thêm cuộc
đối đầu giữa người dân và chính phủ Hồng Kông cũng như chủ nhân ông ở
đằng sau là đảng CSTQ.
Ngay từ ban đầu, dân Hong Kong đã biết rõ hai điều: 1) là đảng CS Trung
Quốc chắc chắn sẽ không đáp ứng thuận lợi đối với các cuộc biểu tình và
người biểu tình sẽ gặp sự đàn áp khốc liệt. Và 2) là đảng CSTQ và chính
quyền địa phương cũng khó thể bịt miệng hoàn toàn tiếng nói của quần
chúng biểu tình trước thế giới vì vị trí trung tâm kinh tế của Hong
Kong.
Hai điểm này kèm với sự tổ chức có thể nói là hoàn hảo của 1 phong trào
quần chúng đấu tranh bất bạo động đã báo trước một cuộc chiến giằng co
giữa chính phủ Hong Kong và đoàn biểu tình sẽ đưa đến bế tắc và không có
một phe chiến thắng rõ rệt ngay trước mắt.
Những sự kiện này cho thấy sự bế tắc sẽ còn kéo dài và đây là một cuộc
chiến nhằm làm tiêu hao lực lượng đối phương. Câu hỏi đặt ra là bế tắc
sẽ kéo dài bao lâu? và bên nào sẽ phá vỡ tình trạng dậm chân tại chỗ như
hiện nay? Thời gian là kẻ thù của mọi cuộc cách mạng, nhưng có thực sự
phong trào ở Hong Kong sẽ suy yếu với thời gian?
Ở tột đỉnh của cao trào đấu tranh, hơn 2 triệu người trong thành phố gồm
7 triệu cư dân đã xuống đường trong một cuộc biểu tình quy mô. Có lẽ
đây là tỷ lệ lớn nhất trong thời cận đại. Nếu ở các nước khác, có lẽ
cuộc biểu tình rầm rộ ở quy mô tương tự gần như chắc chắn đã gây ra
những thay đổi chính trị, thế nhưng cho đến nay hầu như vẫn chưa có thay
đổi nào trong bối cảnh chính trị ở Hong Kong. Một trong những yêu sách
rất cụ thể của quần chúng là bà Carrie Lâm phải từ chức thế nhưng đến
nay bà vẫn bình chân như vại.
Trong khi đó, phe chính phủ ngày càng gia tăng các thủ thuật đàn áp các
đoàn biểu tình. Gần đây nhất, cảnh sát Hong Kong đã dùng bạo lực và đạn
thật để tấn công người dân, khiến nhiều lúc dư luận lo sợ một kết thúc
bi thảm cho phong trào đấu tranh tại đây. Tuy nhiên, các cuộc đàn áp bạo
lực của cảnh sát đã không làm suy yếu tinh thần và ý chí của đoàn biểu
tình. Những ngày sau đó, các ứng cử viên cổ vũ cho dân chủ đã thắng lợi
vẻ vang trong cuộc bầu cử vào Hội Đồng Quản Trị Khu Vực. Tin mừng kế
tiếp cho dân chúng Hong Kong là TT Trump thông qua đạo luật Nhân Quyền
và Dân Chủ cho Hong Kong 2019. Ngày 8 tháng 12, một cuộc biểu tình quy
mô do Mặt trận Nhân quyền Dân sự (CHRF) chủ xướng với sự tham gia của
hơn 800 ngàn người Hồng Kông đánh dấu nửa năm đấu tranh không chịu khuất
phục.
Tuy nhiên, với tất cả các thắng lợi chính trị trong cộng đồng quốc tế và
sự kiên trì đấu tranh của phong trào, các cuộc biểu tình dù có lớn hơn
quy mô hơn vẫn không có khả năng gây ra bất kỳ phản hồi tích cực nào từ
chính phủ Hồng Kông. Lý do là vì đối thủ thực sự của dân chúng Hong Kong
trong thực tế không phải là chính quyền Hong Kong mà là chế độ độc tài
cai trị ở Trung Quốc. Do đó, tầm mức quy mô hay cường độ của các cuộc
biểu tình sẽ không thể mang đến những thay đổi chính trị nào từ chính
phủ Hong Kong. Thế thì phong trào đấu tranh dân chủ tại Hong Kong liệu
sẽ mang lại kết quả gì cho cư dân ở đây và sẽ có ảnh hưởng gì đến quốc
tế?
Ngày nay, đảng CSTQ là chế độ độc tài mạnh nhất thế giới. Trong ba mươi
năm qua, chế độ này đã có hiệu quả cao trong việc đè bẹp mọi xu hướng
bất đồng chính kiến trong nước. Nhưng Hồng Kông đã phá vỡ kỷ lục đàn
áp của Trung Quốc. Thuộc địa cũ của Anh vẫn tiếp tục ấp ủ truyền thống
tự do cá nhân và thể chế pháp trị. Người dân Hong Kong tiếp tục khẳng
định và cổ súy các nguyên tắc chính trị tạo thành phản đề đối đầu với hệ
tư tưởng cộng sản của đảng cầm quyền tại Trung Quốc.
Xã hội dân sự ở Hồng Kông vẫn được quan tâm phát triển mạnh khiến hầu
hết các phương tiện kiểm soát chính trị được đảng CS Trung Quốc sử dụng
như phong tỏa thông tin, chia rẽ và chinh phục, đe dọa và mua chuộc, hầu
như đã không tạo được nhiều ảnh hưởng đến đa số người dân ở Hong Kong.
Và cũng chính vì sức mạnh của xã hội dân sự của Hong Kong với các tổ
chức quần chúng trải rộng hoạt động ở khắp mọi nơi mà phong trào đấu
tranh đã được điều phối uyển chuyển, di chuyển linh động “mềm như nước”,
không hình thù, không màu sắc đảng phái nên các cuộc đàn áp của đảng
CSTQ và cảnh sát Hồng Kông đã không thể tiêu diệt được phong trào bằng
các đòn phép bạo lực quen tay xưa nay mà chỉ làm trầm trọng thêm cuộc
đối đầu giữa người dân và chính phủ Hồng Kông cũng như chủ nhân ông đảng
Tàu cộng.
Ngoài yếu tố phát triển vượt bực của cấu trúc xã hội dân sự tại Hong
Kong, lý do khiến đảng CSTQ khó dập tắt phong trào tại đây là vì vai trò
kinh tế đặc biệt của Hong Kong. Từ khi đảng CSTQ lên nắm quyền cho đến
thời kỳ cải cách kinh tế Trung Quốc, và cho đến thời điểm hiện tại, Hồng
Kông đã đóng vai trò là tiền đồn cho thương mại quốc tế, kết nối Trung
Quốc với các nước trên thế giới. Là một trung tâm kinh tế và tài chính
quốc tế quan trọng, những biến động ở Hồng Kông chắc chắn ảnh hưởng đến
toàn bộ nhà nước Trung Quốc. Đây là một yếu tố đảm bảo có lợi cho Hong
Kong đã khiến lãnh đạo Trung Quốc phải tính toán cẩn thận với những cân
nhắc phức tạp, không thể dễ dàng sử dụng quân đội cho một cuộc đàn áp
quy mô lớn.
Ngoài việc là một trung tâm kinh tế, Hong Kong còn đóng một vai trò quan
trọng khác mà gần đây càng trở nên rõ nét hơn: Hong Kong là cầu nối
trao đổi thông tin và các giá trị, nguyên tắc, quan điểm giữa Trung Quốc
và thế giới. Khi các cuộc biểu tình chống Dự Luật Dẫn Độ bắt đầu, đã có
những phản ứng hạn chế từ các quốc gia dân chủ mặc dù có sự chú ý trên
toàn thế giới. Có hai lý do: Thứ nhất, một số nước tự do chọn tư thế
bảo thủ 1 cách thận trọng vì các quyền lợi nội bộ của quốc gia họ. Thứ
hai, trước thái độ hung hăng của Trung quốc, các quốc gia khác muốn
tránh gây phẫn nộ ảnh hưởng đến nền kinh tế lớn thứ hai của thế giới.
Kết quả là phong trào dân chủ tại Hong Kong đã phải mất một thời gian để
xây dựng sự hỗ trợ quốc tế cho các cuộc biểu tình. Và việc Hoa Kỳ ban
hành đạo luật Nhân Quyền và Dân Chủ cho Hong Kong (HKHRDA) là một trong
những kết quả thuận lợi cho phía quần chúng yêu chuộng tự do.
Sau khi Tổng thống Trump ký ban hành HKHRDA thành luật, không một quan
chức cấp cao nào của Hồng Kông tỏ thái độ phản đối các cuộc biểu tình dù
đảng CS Trung Quốc đã lên tiếng phê phán gay gắt. Đạo luật HKHRDA đóng
vai trò làm công cụ răn đe mạnh mẽ đối với các thành phần chính giới
thân gần của đảng CSTQ ở Hong Kong và khiến chính quyền địa phương phải
suy nghĩ kỹ về các chiến thuật đàn áp. Sự chùn bước không dám thẳng tay
tiêu diệt phong trào dân chủ ở Hong Kong cũng tạo ra hiệu ứng ảnh hưởng
đến quần chúng trong đại lục. Trong cuộc biểu tình gần đây tại thành phố
Maoming, tỉnh Quảng Đông, dân chúng địa phương đã sử dụng cùng những
khẩu hiệu tương tự như của đoàn biểu tình tại Hong Kong. Ngay cả trên
mạng internet ở đại lục với sự kiểm soát chặt chẽ của Trung Quốc, người
ta thấy xuất hiện những nhận xét dí dỏm bắt chước theo các câu khẩu hiệu
được sử dụng trong các cuộc biểu tình ở Hồng Kông. Điều này giúp khẳng
định vai trò làm cầu nối của Hong Kong đưa thông tin đến đại lục và cuối
cùng sẽ làm suy yếu sự phong tỏa thông tin, thông tin sai lệch, và
tuyên truyền 1 chiều của đảng CSTQ. Với thời gian trôi qua và thông tin
về đạo luật Nhân Quyền và Dân Chủ Cho Hong Kong của TT Trump và những
thông tin tương tự về xu hướng thế giới ủng hộ 1 Hong Kong dân chủ lan
rộng, dân chúng ở đại lục cuối cùng được biết nhiều hơn về sự thật những
gì đã xảy ra ở Hồng Kông và quan điểm, thái độ chính trị của họ cũng sẽ
dần thay đổi. Điều rõ ràng là Hong Kong chắc chắn không phải là Bắc
Kinh vào năm 1989 nơi các cuộc biểu tình chỉ kéo dài 56 ngày. Dân Hong
Kong đã chuẩn bị để đảm bảo một cuộc chiến kéo dài với chi phí tối
thiểu. Tận dụng vị trí đặc biệt của Hong Kong là trung tâm kinh tế,
phong trào dân chủ ở Hong Kong đã huy động sự hỗ trợ từ khắp nơi trên
thế giới. Dù là một thành phố nhỏ, nhưng Hong Kong cho thấy có tiềm năng
khởi phát những hành động chống trả đồng loạt của cộng đồng thế giới
trước thái độ hung hãn bành trướng của Trung Quốc. Nhiều quốc gia dân
chủ khác, trong đó có Canada, bắt đầu thảo luận những dự luật ủng hộ
Hong Kong và bày tỏ thái độ với Trung Quốc như Hoa Kỳ.
Trong những năm gần đây, đảng CSTQ tăng cường kiểm soát xã hội và đàn áp
mạnh tay nhiều cuộc xung đột, che đậy các vi phạm nhân quyền trầm
trọng, nhất là đối với các thành phần tôn giáo và dân tộc thiểu số,
khiến các xung đột xã hội ngày càng sâu sắc hơn. Trong khi đó, tăng
trưởng kinh tế của Trung Quốc đã có dấu hiệu mệt mỏi. Cuộc chiến của
dân chúng ở Hong Kong đã giúp ngày càng nhiều người dân Trung Quốc nhìn
thấy ngọn đuốc lóe sáng ở cực nam của đất nước họ và hiểu hơn những gía
trị dân chủ, lý tưởng tự do và những sự thật đang diễn ra quanh họ. Càng
lúc đảng CSTQ càng mất dần độc quyền ảnh hưởng tư tưởng dân chúng đại
lục. Đây là 1 phản đòn đánh thẳng vào hệ thống tuyên truyền và bóp méo
thông tin của các loa đảng CSTQ. Các cuộc xuống đường kéo dài trong suốt
nửa năm tại Hong Kong giúp dân chúng đại lục thấy rằng sự kiên định là
sức mạnh. Trong tương lai khi Đảng CSTQ càng muốn xiết chặt kiểm soát xã
hội càng tạo thêm sức ép khiến dân chúng đại lục sẽ trỗi dậy phản
kháng.
Tóm lại, phong trào dân chủ tại Hong Kong dù có gặp bế tắc trước mắt
nhưng về lâu dài, cuộc đấu tranh dân chủ của Hong Kong sẽ góp phần đáng
kể làm suy yếu quyền bá chủ của đảng CSTQ không chỉ ở bản địa mà còn
trên toàn thế giới. Dù có thể chưa thắng lợi ngay lúc này, nhưng chắc
chắn với thời gian, những thay đổi chính trị ắt sẽ đến không chỉ ở Hong
Kong mà cả ở Bắc Kinh. “Dân Hồng Kông không sợ chưa chiến thắng, nhưng
đảng CSTQ sợ dân Hồng Kông không thua”.(*) Nhận định này của 1 nạn nhân
Thiên An Môn và cựu tù nhân chính trị sống sót từ cuộc tàn sát đẫm máu
của Trung Quốc phải chăng là điềm báo trước ngày suy tàn của đảng CSTQ
và phong trào dân chủ Hong Kong chính là gót chân Achilles của chủ nghĩa
đế quốc Trung Hoa.
Chú thích:
(*) Jianli Yang, trích dịch“Strategic Stalemate”.
Tài liệu tham Khảo:
· The Debasement of Human Rights (2018).
17/12/2019
No comments:
Post a Comment