Đối đầu Hoa Kỳ - Trung cộng
Trần Gia Phụng (Danlambao)
- Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa tức Trung Cộng trở thành nước cộng sản
lớn và mạnh nhứt thế giới sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991. Chiến tranh
lạnh giữa hai khối tư bản và cộng sản (CS) chấm dứt. Tiếp đó, một cuộc
đối đầu mới phát sinh do những tranh chấp giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng.
1. Hoa Kỳ và vấn đề Đài Loan
Phức tạp nhứt trong bang giao giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng là vấn đề Đài
Loan (Taiwan). Nguyên trong cuộc nội chiến quốc-cộng sau thế chiến 2,
Trung Hoa Dân Quốc (THDQ) thất bại, chạy ra Đài Loan năm 1949. Đảng
Cộng Sản chiếm lục địa Trung Hoa, lập ra Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa tức
Trung Cộng.
Hoa Kỳ tiếp tục ủng hộ THDQ, nhưng vào đầu thập niên 70, đã thay đổi
sách lược. Năm 1972 tổng thống Hoa Kỳ là Richard Nixon thăm Trung Cộng,
ký kết thông cáo chung Thượng Hải với thủ tướng Trung Cộng là Châu Ân
Lai, công nhận chỉ có một nước Trung Hoa và Đài Loan là một tỉnh của
Trung Cộng
Hoa Kỳ chính thức công nhận Trung Cộng ngày 1-1-1979. Dầu vậy, sau đó Hoa Kỳ ban hành "Đạo
luật Quan hệ Đài Loan" (Taiwan Relations Act) ngày 10-4-1979, xác định
tuy không có ngoại giao, nhưng Hoa Kỳ vẫn giữ mối quan hệ chính thức với
Đài Loan, đãi ngộ bình đẳng như các quốc gia khác, vẫn tiếp tục bảo vệ
Đài Loan, và vẫn cung cấp võ khí có tính cách phòng ngự cho nhân dân Đài
Loan.
Từ đó, Hoa Kỳ không ngừng giúp đỡ, bảo vệ Đài Loan. Mới nhứt, ngày
20-12-2019, tổng thống Donald Trump ban hành đạo luật “National Defense
Authorization Act for Fiscal Year 2020” (Luật ủy quyền quốc phòng năm
2020) đã được Thượng viện Hoa Kỳ thông qua ngày 17-12-2019 , theo đó “Mỹ
sẽ nỗ lực hỗ trợ sức mạnh quân sự của Đài Loan… kêu gọi ủng hộ những
người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hong Kong, cũng như yêu cầu một báo cáo
về việc đối đãi người Hồi giáo Uighur thiểu số ở Tân Cương…”
Trung Cộng phản ứng ngay. Người phát ngôn Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trung Cộng tố cáo trên Tân Hoa Xã rằng “nội
dung về Đài Loan của dự luật làm suy yếu hòa bình và ổn định ở hai bờ
eo biển Đài Loan…Mưu đồ của Mỹ can thiệp vào việc nội bộ của các quốc
gia khác dưới vỏ bọc ‘dân chủ’ và ‘nhân quyền’ sẽ không bao giờ thành
công. Vấn đề liên quan đến Tân Cương không phải là vấn đề nhân quyền,
dân tộc và tôn giáo, mà là vấn đề chống khủng bố và khử cực đoan hóa.” (VOA 21-12-2019.)
Đáng chú ý là từ sau biến cố năm 1949, nhiều người Trung Hoa không chấp
nhận chủ nghĩa CS, di tản qua Đài Loan, và qua các nước khác, nhiều nhứt
là các nước Âu Châu và Bắc Mỹ. Người Trung Hoa còn đi làm ăn, sinh
sống khắp thế giới, nên mới có thành ngữ “nơi nào có khói thì nơi đó có người Hoa”.
Tâm tư của tất cả những người tha hương trên thế giới đều luôn luôn
hướng về tổ quốc thân yêu. Đông tây kim cổ, ai tha hương cũng nhớ cố
hương. Đối với hậu duệ người Hoa di tản ra hải ngoại sau khi lục địa
Trung Hoa rơi vào tay CS từ năm 1949, Trung Hoa Dân Quốc ở Đài Loan trở
thanh biểu tượng cho tổ quốc của những người Hoa yêu tự do dân chủ. Nếu
Đài Loan cũng lọt vào tay CS, thì người Hoa trên toàn thế giới, kể cả
hậu duệ những người Hoa ra đi năm 1949, sẽ quy hướng về tổ quốc Trung
Hoa mà thủ đô là Bắc Kinh do CS cai trị. Điều nầy sẽ rất nguy hiểm cho
Hoa Kỳ và các nước trên toàn cầu.
Đó là lý do sâu xa khiến Trung Cộng muốn chiếm lại Đài Loan, không phải
chỉ vì Đài Loan càng ngày càng phát triển và trở thành một trung tâm
kinh tế, thương mãi, kỹ nghệ mạnh mẽ trên thế giới, mà còn thống nhất
lãnh thổ, và hy vọng thống nhứt cả tinh thần và tâm linh của người Trung
Hoa. Ngược lại, đó cũng là lý do sâu xa Hoa Kỳ cần bảo vệ Trung Hoa
Dân Quốc ở Đài Loan, nhằm duy trì mái ấm tổ quốc, hồn thiêng sông núi
của người Hoa yêu chuộng dân chủ tự do khắp thế giới, chống lại Trung
Cộng.
Một điểm quan trọng cần chú ý là lớp người Quốc Dân Đảng gốc Hán từ đại
lục qua Đài Loan năm 1949, thì ngày nay, tức 70 năm sau, hoặc già nua,
hoặc không còn nữa. Lớp hậu duệ của những người Quốc Dân Đảng (gốc Hán)
nầy, vì khát vọng tự do dân chủ và vì quyền lợi địa phương, sẵn sàng
kết hợp với người Min Yueh (Mân Việt), khối dân đông đảo chủ yếu ở Đài
Loan, tranh đấu cho quyền lợi địa phương.
Người Mân Việt ở Đài Loan là hậu duệ nhóm Mân Việt ở Phúc Kiến (Fujian),
phía đông nam lục địa Trung Hoa, trong khối Bách Việt còn lưu truyền,
đã qua Đài Loan nhiều nhứt vào thế kỷ 17, thời Trịnh Thành Công
(1624-1662) chống nhà Thanh. Từ đó, người Mân Việt càng ngày càng đông
và dân trí càng cao. Năm 1988, chủ tịch Quốc Dân Đảng là Lý Đăng Huy,
gốc người Mân Việt, trở thành tổng thống Đài Loan. Ông bí mật hỗ trợ
phong trào Đài Loan độc lập. Phong trào nầy phát triển mạnh thời tổng
thống kế tiếp năm 2000 là Trần Thủy Biển, một người gốc Mân Việt khác
thuộc đảng Dân Chủ Cấp Tiến. Bà Thái Anh Văn, tổng thống Đài Loan đương
nhiệm, cũng là một người gốc Mân Việt.
Theo cuộc trưng cầu ý kiến của Election Study Center (ESC), thuộc National Chengchi University
(Quốc Lập Chính Trị Đại Học) ở Taipei, từ 01-01 đến 30-6-2019, trong số
7,380 người trên 20 tuổi được hỏi ý kiến, thì 56,9% tự nhận là “người
Đài Loan”, 3,6 % tự nhận là “người Trung Hoa”, còn lại 36,5 % tự nhận
vừa Đài vừa Hoa, và 3% không có ý kiến. Cũng theo tài liệu nầy, người tự
nhận Đài Loan năm 2019 lần đầu gia tăng so với 4 năm qua, và tăng 5% so
với năm 2018. Vị giám đốc ESC còn lưu ý là việc gia tăng nầy trùng vào
thời gian bắt đầu xảy ra cuộc biểu tình tại Hồng Kông ngày 12-6-2019.
(Focus Taiwan News Channel, Taipei, July 11,“Taiwanese identity rises
for the first time in four years: poll”.) Tỷ lệ cách biệt giữa số tự
nhận “người Đài Loan” và số tự nhận “người Trung Hoa” ở Đài Loan, cho
thấy đa số dân chúng ở đây càng ngày càng muốn độc lập và tách khỏi
Trung Cộng.
2. Trung cộng chủ trương độc chiếm Biển Đông
Liên Xô, các nước Hồi giáo, sa mạc, núi non, và Ấn Độ nằm về phía bắc,
phía tây và tây nam của Trung Cộng. Ở phía nam, Trung Cộng tấn công
Việt Nam năm 1979 bằng đường bộ, nhưng thất bại. Sau trận nầy, Trung
Công bắt đầu hiện đại hóa Hải quân năm 1982, nhằm tìm cách tiến ra biển
Thái Bình ở phía đông, mới có thể xuống Đông Nam Á.
Khi Hải quân khá vững mạnh, Trung Cộng gởi công hàm lên Liên Hiệp Quốc
ngày 7- 5-2009, chính thức xác định chủ quyền đối với các quần đảo trên
đường gạch nối 11 điểm theo bản đồ do Trung Hoa Dân Quốc đưa ra năm
1948, nhưng Trung Cộng rút đường nầy còn 9 điểm, tạo thành một khu vực
có hình chữ U, giống hình lưỡi bò, rộng khoảng 80% diện tích Biển Đông.
Biển Đông nằm sát ngay phía nam Trung Cộng. Trung Cộng rất muốn làm chủ
vùng Biển Đông, hợp tác giao thương với các nước trong vùng, khai thác
dầu khí, mở đường thông thương vào Vịnh Thái Lan và kiểm soát con đường
từ Thái Bình Dương qua eo biển Malacca, vào Ấn Độ Dương.
Đầu năm 2013, Trung Cộng bị Philippines kiện lên Tòa án Trọng tài thường
trực (Permanent Court of Arbitration), trụ sở ở La Haye (Hòa Lan) về
vấn đề lấn chiếm bãi Scarborough của Philippines. Tòa án nầy phán quyết
năm 2016 rằng Trung Cộng không có cơ sở lịch sử và pháp lý về đường
lưỡi bò, và Trung Cộng không có quyền độc quyền làm chủ biển và tài
nguyên trong vùng lưỡi bò.
Tuy nhiên Trung Cộng chẳng quan tâm tí nào đến phán quyết nầy, tự xem
Biển Đông là “ao nhà” của Trung Cộng, và tự cho rằng đường lưỡi bò là
của Trung Công, bất chấp luật biển của LHQ năm 1982 (UNCLOS = United
Nations Convention on the Law of the Sea).
Trong cuộc bành trướng ở Biển Đông, Trung Cộng theo 3 cách: 1) Chiếm và
bồi đắp các đảo để làm căn cứ. 2) Dùng sức mạnh Hải quân và lợi thế
kinh tế, o ép các nước trong vùng, nói chuyện tay đôi với từng nước, vì
như thế sẽ dễ áp lực chính trị, kinh tế, quân sự. 3) Tránh nói chuyện đa
phương với các nước cùng một lúc, tránh sự can thiệp từ bên ngoài Đông
Nam Á, nhứt là tránh sự can thiệp của Hoa Kỳ.
Đối với Việt Nam, chế độ đã từng được Trung Cộng viện trợ trong hai cuộc
chiến từ 1946 đến 1975, Trung Cộng vừa dùng tư cách đảng CS đàn anh và
tư thế nước lớn, vừa dùng kinh tế để xâm nhập, mua chuộc, thao túng, vừa
dùng sức mạnh Hải quân để đe dọa và áp lực mạnh mẽ CSVN. Để đối phó,
ngày 25-11-2019, bộ Quốc phòng CSVN công bố sách trắng “bốn không”,
nghĩa là ngoài ba không cũ, nay thêm một không mới là “không sử dụng võ
lực hoặc đe doạ sử dụng võ lực trong quan hệ quốc tế”. Việt Nam bị
Trung Cộng đe dọa đánh chiếm biển đảo, tức đất nước lâm nguy trong quan
hệ quốc tế, mà không dùng võ lực, không dùng quân đội để tự bảo vệ và
chống ngoại xâm, thì “quân đội nhân dân” để làm gì?
3. Hoa Kỳ chống độc chiếm Biển Đông
Trước tham vọng của Trung Cộng, Hoa Kỳ quyết định trở lui Á Châu năm
2010, và theo đường lối ôn hòa, chủ trương giải quyết vấn đề bằng chính
trị. Sau đây là kết luận của bộ Quốc phòng Hoa Kỳ trong “Indo-Pacific
Strategy Report” (Báo cáo chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương” (56 trang),
ngày 1-6-2019, tiểu mục “Risk Reduction: Engaging China” (Để giảm bất
trắc: Kết giao với Trung Quốc) (trang. 10.):
“Một trong những mục tiêu sâu rộng nhất của Chiến lược Quốc phòng Quốc
Gia [Hoa Kỳ] là đặt quan hệ quân sự giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trên con
đường minh bạch lâu dài và không đối địch. Theo đuổi mối quan hệ xây
dựng, hiệu quả giữa hai nước chúng ta là một phần quan trọng trong chiến
lược của Hoa Kỳ tại Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Khi phạm vi hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc và mục tiêu hoạt động
của quân đội Trung Quốc phát triển, nhu cầu đối thoại chiến lược và thái
độ an toàn và chuyên nghiệp cốt yếu là phù hợp với luật lệ quốc tế.
Khi Trung Quốc và QĐNDGP Trung Quốc hoạt động một cách phù hợp với các
chuẩn mực quốc tế căn bản, nguy cơ sai sót và hiểu lầm sẽ giảm thiểu.
Nhận thức được điều này, mối cam kết quân sự song phương của chúng ta
[Hoa Kỳ] với Trung Quốc, kể cả các chuyến thăm viếng cấp cao, các chiến
lược đối thoại và trao đổi chức năng, tập trung vào việc xây dựng và
tăng cường các thủ tục cần thiết để giảm thiểu rủi ro và ngăn ngừa cũng
như giải quyết khủng hoảng.
Thông qua các cam kết của chúng ta giữa quân đội với quân đội, Bộ Quốc
phòng [Hoa Kỳ] sẽ tiếp tục khuyến khích Trung Quốc hành xử duy trì hòa
bình và ổn định trong khu vực và điều đó hỗ trợ - hơn là phá hoại –
trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Chúng ta [Hoa Kỳ] sẽ không chấp nhận
các chính sách hoặc hành động đe dọa làm suy yếu trật tự này – điều đã
mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia trong khu vực, kể cả Trung
Quốc. Hoa Kỳ sẵn sàng hỗ trợ Tung Quốc chọn lựa sự phát huy lâu dài nền
hòa bình và thịnh vượng cho tất cả các nước trong vùng Ấn Độ - Thái
Bình Dương, và chúng ta rộng mở sự hợp tác ở những nơi nào chúng ta có
quyền lợi. (Timothy Trần chuyển ngữ.)
Sau bộ Quốc phòng, bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa ra bản báo cáo ngày 4-11-2019 dài 32 trang, nhan đề là “A Free and Open Indo-Pacific : Advancing A Shared Vision.”, trong đó, ở trang 05, Hoa Kỳ xác định vị trí, thế đứng của Hoa Kỳ: “The United States is and always be an Indo-Pacific nation.” (Hoa Kỳ là và luôn luôn là một quốc gia vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương.)
Đối với Trung Cộng, thái độ của Hoa Kỳ rất rõ ràng, được ghi lại ở trang 23, xin tạm dịch như sau: “Để
bảo vệ ngành hàng hải, chúng tôi hợp tác với các thành viên vùng Ấn
Độ-Thái Bình Dương nhằm duy trì tự do lưu thông và những hoạt động hàng
hải hợp lệ khác, mà tất cả các quốc gia có thể tiếp cận và thụ hưởng tất
cả những luật lệ chung về hàng hải. Trên Nam Hải, chúng tôi thúc đẩy
tất cả các bên, kể cả Trung Quốc, giải quyết tranh chấp một các ôn hòa,
không áp lực, và phù hợp với luật pháp quốc tế.
Những đòi hỏi về hàng hải của Trung Quốc ở Nam Hải theo đường chín
gạch ngang ngược, không có thực, không hợp lệ, và phi lý. Những đòi hỏi
nầy không hợp pháp, thiếu căn cứ lịch sử hay địa lý, đưa đến những
thiệt hại thực tế cho các quốc gia khác. Nhiều lần lập lại những hành
động khiêu khích để áp đặt đường chín gạch, Bắc Kinh đang ngăn cản các
thành viên ASEAN không được khai thác 2,5 tỷ [Mỹ kim] năng lượng dự trữ,
đồng thời gây bất ổn và nguy cơ tranh chấp…”
Như thế, hoàn toàn trái ngược với Trung Cộng, Hoa Kỳ phủ nhận đường lưỡi
bò, không chấp nhận việc Trung Cộng chiếm Biển Đông vì các lẽ: 1) Hoa
Kỳ đòi hỏi Trung Cộng phải tôn trọng chủ quyền các nước trên Biển Đông,
quyền tự do lưu thông và luật hàng hải quốc tế. 2) Hoa Kỳ không muốn
khối lượng dự trữ dầu khí dưới Biển Đông lọt vào tay Trung Cộng. 3)
Trung Cộng chiếm Biển Đông là một thách thức đối với Đệ thất Hạm đội Hoa
Kỳ đang có mặt ở Thái Bình Dương. 4) Biển Đông nằm trên trục giao thông
quốc tế đông–tây và bắc-nam trên Thái Bình Dương.
Vì vậy, Hoa Kỳ chận đứng ngay tham vọng của Trung Công tại Biển Đông.
Cuộc đối đầu giữa hai bên trở thành một hình thức chiến tranh lạnh mới,
ảnh hưởng nhiều đến toàn cầu. Chiến tranh lạnh kiểu mới nầy đưa đến
chiến tranh thương mại giữa hai nước từ năm 2018.
4. Chiến tranh thương mại
Cuộc chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng bắt nguồn từ các
lý do có thể sơ lược sau đây: Thứ nhứt, sau khi Trung Cộng cải cách và
mở cửa, trong việc giao thương giữa hai nước, Hoa Kỳ bị thâm hụt thương
mại so với Trung Cộng, và thâm hụt tăng cao liên tục trong nhiều năm từ
khi Trung Cộng gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001 cho
đến nay.
Thứ hai, trong cuộc giao thương, Trung Cộng bị tố cáo tìm cách sao chép
xâm phạm bản quyền sở hữu trí tuệ công nghệ, trộm cắp bí mật thương mại
của Hoa Kỳ và các nước trên thế giới.
Thứ ba, Hoa Kỳ cho rằng Trung Cộng không công bằng trong thương mại, vì
các công ty Trung Cộng tiếp cận rộng rãi thị trường nước ngoài kể cả thị
trường Hoa Kỳ, trong khi Trung Cộng lại giới hạn các công ty nước ngoài
tiếp cận với thị trường nội địa Trung Cộng. Trung Cộng còn bắt buộc
các công ty nước ngoài muốn liên doanh với Trung Cộng, thì phải chuyển
giao công nghệ và cả những bí mật thương mại cho các công ty Trung Cộng
Thứ tư, Hoa Kỳ cáo buộc Trung Cộng thao túng tiền tệ, để cho Ngân hàng
Nhân dân Trung Hoa (People Bank of China = PBOC) quyết định giảm giá
đồng nhân dân tệ của Trung Cộng so với Mỹ kim, nhằm làm cho hàng hóa
Trung Cộng rẻ xuống đề dễ lưu thông trao đổi, dễ tiêu thụ.
Thứ năm, Hoa Kỳ quan ngại tham vọng của Trung Cộng sẽ vượt qua Hoa Kỳ,
để trở thành nước công nghệ tiên tiến nhứt trên thế giới, và lo ngại sẽ
có ngày “Chết vào tay Trung Quốc”. (Peter Navarro – Greg Autry, Death by
China, New Jersey: Pearso Prentice Hall, 2011.)
Để đối phó, Hoa Kỳ quyết định tăng thuế hàng hóa nhập cảng từ Trung
Cộng. Ngày 22-3-2018, tổng thống Hoa Kỳ là Donald Trump ra lệnh áp dụng
mức thuế 50 tỷ Mỹ kim trên hàng hóa của Trung Cộng. Trung Cộng liền trả
đũa. Thế là cuộc CTTM bùng phát. Mỗi lần Hoa Kỳ tăng thuế hàng Trung
Cộng, hoặc áp dụng một biện pháp giới hạn đối với hàng nhập cảng của
Trung Cộng, thì Trung Cộng cũng tìm cách đáp trả tương xứng. Hoa Kỳ đưa
ra những biện pháp hạn chế đầu tư của Trung Cộng vào những ngành quan
trọng của Hoa Kỳ, theo đó những công ty có vốn sở hữu Trung Cộng từ 25%
trở lên không được mua lại những công ty công nghệ quan trọng của Hoa Kỳ
như hàng không vũ trụ, robot, xe hơi…
Cuộc CTTM rất căng thẳng qua nhiều hình thức khác nhau, bằng những chiêu
thức khác nhau, ảnh hưởng đến cả hai bên tranh chấp, khiến nhân dân hai
nước đều thiệt hại. Hiện nay hai nước “vừa đánh vừa đàm”, nghĩa là vẫn
tìm cách áp đảo lẫn nhau, đồng thời đại diện hai nước vẫn hội họp với
nhau, tìm kiếm những giải pháp khả thi cho cả hai nước để chấm dứt cuộc
CTTM. (Cuộc CTTM hiện đang được các chuyên viên kinh tế, thương mại
trình bày rất đầy đủ chi tiết trên mạng lưới thông tin toàn cầu.)
5. Thực lực hai bên
Trung Cộng là một nước độc tài CS, tuy đã cải tổ từ kinh tế chỉ huy qua
kinh tế thị trường, nhưng nền kinh tế vẫn do đảng CS kiểm soát, tư bản
tập trung vào tay nhà nước. Mục tiêu của Trung Cộng là “can thượng Mỹ
Quốc, siêu quá Mỹ Quốc” (Đuổi kịp nước Mỹ - Vượt qua nước Mỹ) (Jonathan
D. T. Ward, China’s Vision of Victory, Nxb. The Atlas Publishing and
Media Company LLC, 2019, tr. 89.)
Do độc đảng độc tài nên đảng CS toàn quyền quyết định chính sách nội
trị, quốc phòng, ngoại giao. Dầu vậy, hiện nay Trung Cộng cũng không ổn
định, vì nhiều lẽ: 1) Sư phát triển kinh tế không đồng đều, nhứt là
giữa miền đông và miền tây, khiến nhiều người bất mãn. 2) Thành phần
đòi hỏi dân chủ càng ngày càng đông từ sau vụ Thiên An Môn năm 1989. 3)
Nội bộ đảng CS chia rẽ về chính sách, tranh chấp về quyền lực và quyền
lợi. 4) Các sắc dân bị CS chiếm đóng và đàn áp, ngược đãi như Tân Cương,
Tây Tạng tiếp tục chống đối nhà cầm quyền Bắc Kinh.
Về ngoại giao, chỉ một số nước vay nợ Trung Cộng, hoặc những nước hiện
được Trung Công ưu đãi, hối lộ, mua chuộc, mới ủng hộ chủ trương bành
trướng của Trung Cộng. Ngoài việc Trung Cộng đe dọa các nước vùng Biển
Đông và việc đối đầu với Hoa Kỳ, Trung Cộng còn dùng “quyền lực mềm” xâm
nhập vào các lãnh vực xã hội, kinh tế các nước, bành trướng khắp toàn
cầu, từ Âu Châu, qua Phi Châu, Úc Châu, Nam Mỹ. Trung Cộng thiết lập
các căn cứ Hải quân ở Sri Lanka, Djibouti, và nuôi tham vọng xây dựng
trật tự thế giới mới theo Trung Cộng, khiến những nước dân chủ, tiến bộ
và phát triển chống lại chủ trương gây hấn của Trung Cộng, và quan ngại
Trung Cộng có thể xâm nhập vào nước họ.
Về phía Hoa Kỳ, Hoa Kỳ là một nước tự do dân chủ, chống chủ nghĩa CS.
Ngày 24-9-2019, tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, tổng thống Hoa Kỳ
Donald Trump lên án gay gắt chủ nghĩa CS: “Chủ nghĩa Xã hội và Chủ
nghĩa Cộng sản không phải vì công lý, bình đẳng, không phải nâng đỡ
người nghèo, và dĩ nhiên không phải vì những điều tốt đẹp cho đất nước.
Chủ nghĩa Xã hội và Chủ nghĩa Cộng sản chỉ vì một điều duy nhất: quyền
lực của giai cấp thống trị.” (VOA 26-9-2019)
Hoa Kỳ theo kinh tế thị trường tự do, tư bản nằm trong tay tư nhân.
Chính phủ phải tùy thuộc vào những quyết định của quốc hội. Trong cuộc
CTTM với Trung Cộng, quốc hội Hoa Kỳ đồng thuận với chính phủ, không
công nhận đường lưỡi bò của Trung Cộng, và quốc hội Hoa Kỳ luôn luôn hỗ
trợ mạnh mẽ chính phủ trong việc ngăn chận sự bành trướng của Trung
Cộng. Thuận lợi hơn nữa là chủ trương chống Trung Cộng bành trướng được
dân chúng Hoa Kỳ hưởng ứng mạnh mẽ. Dân chúng Hoa Kỳ vốn tôn trọng tự
do dân chủ ở Hoa Kỳ và trên thế giới, nên chống độc tài đảng trị bành
trướng. Sách báo Hoa Kỳ lên tiếng báo động rộng rãi rất sớm nguy cơ
Trung Cộng. Sự đồng thuận giữa hành pháp, lập pháp và dân chúng Hoa Kỳ
về chủ trương chống Trung Cộng là một hiện tượng rất hiếm thấy trong một
nước tự do dân chủ đa nguyên, đa sắc tộc như Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ và Trung Cộng đều thủ đắc võ khí nguyên tử. Nếu chiến tranh bùng
nổ, thì chắc chắn cả hai đều thiệt hại năng. Tuy Hoa Kỳ có phần vượt
trội hơn về võ khí nguyên tử, về Hải quân với 11 hàng không mẫu hạm so
với 2 của Trung Cộng, lẫn Không quân với số lượng phi cơ gấp 3 lần Trung
Cộng, nhưng Hoa Kỳ thận trọng tự kiềm chế, không muốn gây xáo trộn hòa
bình thế giới và luôn luôn dựa trên luật lệ của Liên Hiệp Quốc để tranh
đấu một cách ôn hòa, và chỉ dùng võ lực khi thật cần thiết.
Ở Hoa Kỳ, mỗi lần đất nước gặp hiểm nguy, thì xuất hiện một tổ chức quần chúng tự nguyện phi chính phủ mệnh danh là “The
Committee on the Present Danger” (CPD) để giúp đất nước. Khi Hoa Kỳ ổn
định bình thường trở lại, tổ chức nầy tự động giải thể và biến mất. Lần
nầy là lần thứ tư, tổ chức nầy xuất hiện vào ngày 25-3-2019, và vì hiểm
họa Trung Cộng nên lần nầy tổ chức đổi tên là “The Committee on the
Present Danger: China”. (https://en.wikipedia.org/wiki/Committee_on_the_Present _Danger).
Hãy nghe tổ chức “The Committee on the Present Danger: China” tự giới thiệu: “The
Committee on the Present Danger: China” is a wholly-independent and
non-partisan effort to educate and inform American citizens and
policymakers about the existential threats presented from the Peoples
Republic of China under the misrule of the Chinese Communist Party.” (https://presentdangerchina.org/about-us/,
mục “About us”.) (Tạm dịch: “Ủy ban về hiểm họa hiện tại: Trung Quốc”
là một nỗ lực hoàn toàn độc lập không đảng phái nhằm giáo dục và thông
tin cho công dân Hoa Kỳ và giới lập pháp về những hiểm họa của Cộng Hòa
Nhân Dân Trung Hoa dưới sự cai trị sai quấy của đảng Cộng Sản Trung
Hoa.”)
Kết luận
Sơ lược như trên, rõ ràng các cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng khó
dung hòa vì mỗi bên có chủ trương riêng, đường lối riêng, chính sách
riêng, hoàn toàn đối nghịch nhau về Đài Loan, về Biển Đông, cũng như về
CTTM. Đó là chưa kể những vấn đề khác trên thế giới.
Hiện nay, đại diện Hoa Kỳ và Trung Cộng đang hội họp để tìm cách hạ hỏa
cuộc CTTM. Dầu hai bên có thể thỏa thuận thương mại, nhưng chắc chắn
hai bên sẽ còn đối đầu lâu dài về nhiều vấn đề trong tương lai. Một bên
muốn nhanh chóng bành tướng để tự khẳng định mình là trung tâm quyền
lực mới hàng đầu thế giới. Một bên đang đứng hàng đầu thế giới, luôn
luôn dựa trên nền tảng công pháp, tôn trọng quyền bình đẳng gữa các nước
trong bang giao quốc tế. Thật khó có mẫu số chung giữa hai bên và cũng
khó có kết quả cuối cùng của cuộc đối đầu nầy, vì trong khi Trung Cộng
canh tân để tiến bộ, thì Hoa Kỳ cũng canh tân để tiến bộ, mà Hoa Kỳ có
thể còn tiến bộ thần kỳ hơn Trung Cộng nữa. Kết quả giải Nobel hằng năm
chứng minh rõ điều nầy.
Một điều có thể xảy đến là nếu Trung Cộng tiếp tục cải cách, phát triển,
đồng thời bành trướng theo kiểu Đức Nhật trước thế chiến thứ hai, sẵn
sàng gây hấn và dùng võ lực áp đảo, đe dọa các nước nhỏ mà Trung Cộng
dòm ngó, thì có thể sẽ có lúc xuất hiện một liên minh quân sự mới chống
lại Trung Cộng, kiểu “bát quốc liên minh” chống nhà Thanh vào đầu thế kỷ
20 trước đây.
Lúc đó, Trung Cộng tuy giàu mạnh nhưng phải đối phó cùng một lúc với
“thù trong giặc ngoài”. Giặc ngoài là liên minh các nước. Thù trong là
những thành phần đòi hỏi dân chủ chống đảng CS Trung Hoa, những người
bất mãn trong nội bộ đảng CS Trung Hoa, và nhứt là các sắc dân bị Trung
Cộng chiếm đóng và đàn áp như Mãn Châu, Nội Mông, Tân Cương, Tây Tạng,
Vân Nam, đang sẵn sàng chờ đợi. Nội công ngoại kích sẽ đưa Trung Cộng
về đâu?
Kinh nghiệm Đức, Nhật trước thế chiến vẫn còn đó, sẽ rất dễ tái diễn,
nhứt là tại một vùng thường xuyên bị áp lực nạn nhân mãn như Trung Hoa,
Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản và cả Việt Nam nữa. Tổng cộng dân số 5 nước
nầy khoảng gần 50% dân số thế giới. Có người đã từng nói chiến tranh
cũng là một giải pháp cho nạn nhân mãn. Thực vậy chăng?
(Dallas, 25-12-2019)
No comments:
Post a Comment