Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Wednesday 16 September 2020

 

Trái cam đói

< A >
Nasri Hajjai * Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch - Tôi là liệt sĩ. Tôi bị giết trong cuộc chiến tranh nhỏ vì tổ quốc. Trước khi kẻ thù giết tôi, tôi thường thích những cánh bướm nhiều màu - những bạn hoa màu đỏ, vàng, trắng và tím. Tôi thích chim hót trên bầu trời rộng mở. Tôi cũng thích cam. Sau khi sự sống bỏ tôi đi, tôi bắt đầu mơ trong khi chết. Tôi leo lên cây cam để với đến trời cao hái sao, nhưng một trái cam đói thấy tôi và nuốt tôi.

Trước một đám đông người một người đàn ông trông rất nghiêm nghị đứng lên nói, ‘Liệt sĩ này là anh hùng.’ Rồi ông ta uống ly nước cam.

*

Xúp cho con cái

Nasri Hajjaj * Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch - Cha tôi sai tôi đi ra nghĩa trang để rửa mộ người anh liệt sĩ, nhổ cỏ dại có hại mọc quanh những ngôi mộ không người chăm sóc và tưới nước cho những cây phong lữ mà tỏa mùi hương rất đặc trưng cho nhà và nghĩa trang chúng tôi.

Chẳng mấy chốc trời sẽ tảng sáng. Tôi đứng trước cổng nghĩa trang, nhưng tôi không phải là người duy nhất đến đây vào lúc đêm khuya này. Có hàng ngàn người giống như tôi mang kéo cắt cỏ dại và bình tưới nước, và cả ngái ngủ. Cổng vẫn còn khoá và người bảo vệ có lẽ chưa đến, mặc dù hôm nay là Ngày Liệt sĩ là ngày tất cả chúng tôi đều vinh danh những người đã chết vì tổ quốc.

Chim chóc thức dậy đầu tiên và chúng tôi nghe chúng hót nhưng không thấy vui. Rồi ánh bình minh âm thầm chiếu le lói qua các cây thông, cây bách và cây xoan, và các cây ở nghĩa trang trông giống như những chiến binh khổng lồ.

Một cánh bướm màu đen và vàng bay lên bức tường cao của nghĩa trang và lúc ngước lên nhìn theo nó, chúng tôi chợt thấy tường nghĩa trang đã phai màu rất nhiều. Bướm đậu trên cành bách, rồi bay vút lên bầu trời xa xăm biến mất dạng.

Đám đông trở nên bồn chồn sốt ruột khi nắng bắt đầu chiếu qua các cành cây và sáng lấp lánh trên những giọt sương trên lá. Ánh nắng rất ghê tởm khi chạm đến người chúng tôi. Những người chờ đợi bắt đầu cằn nhằn, còn người bảo vệ vẫn chưa đến.

Một người đàn ông trong đám đông kêu lên, ‘Tức thật chứ!’

Một người đàn bà hét lên, ‘Chán chết đi được!’

Người khác nói, ‘Chúng ta đã mất hy vọng!‘

Một người khác tiếp lời, ‘Chúng ta đã chẳng còn tin tưởng mọi thứ nữa!’

Một đứa bé chưa tới hai tuổi bước đến nói, 'Con tuyệt vọng rồi.’

Lúc nắng lên đám đông khổng lồ rùng rùng lao đến cổng nghĩa trang và giật sập cổng. Mọi người tỏa ra khắp các ngôi mộ, người nào mộ nấy, và họ bắt đầu hăng hái đập phá tan tành các mộ. Rồi họ bắt đầu đào mộ lên, nhặt lấy xương cốt còn sót lại của người chết và bỏ vào những bao ni lông giống như những bao thường đựng rác. Họ vác bao lên vai, túa ra khắp các đường phố khi mồ hôi tuôn trào ra như tắm trên người họ. Tôi ở trong đám đông, vác xương cốt của anh tôi trong cái túi ni lông đen. Chúng tôi nghe tiếng thở phì phò tập thể của chúng tôi như thể đó là tiếng thở của con quái vật đang bị đạo quân ruồi và muỗi đuổi theo sau lưng.

Đầu tiên chúng tôi đi dọc theo đường Liệt sĩ, rồi đến đường Tự do, mà dẫn đến Quảng trường Độc lập. Tại đấy chúng tôi bắt đầu đi chậm lại, như thể cùng một lúc tất cả chúng tôi đều hỏi mình cùng một câu hỏi, 'Bây giờ đi đâu?' Lúc này từ trong đám đông xuất hiện một người đàn ông mà chúng tôi đều biết là một trong những người khôn ngoan nhất và xảo trá nhất; ông phát biểu với chúng tôi bằng giọng oang oang không cần loa mà khắp nơi vẫn nghe rõ:

‘Ngày hôm nay, mọi người đã thực hiện một trong những kỳ công vinh quang nhất vì tổ quốc. Mọi người đã phá bỏ nghĩa địa. Người chết thì đã chết rồi, nhưng tổ quốc lại đang cần từng tấc đất để làm nhà cho người sống và trồng lương thực để chúng ta có thể xây dựng nền kinh tế tự do và độc lập. Cảm ơn mọi người, cảm ơn những đôi tay của mọi người!’

Tất cả chúng tôi đều vỗ tay, tung hô ông muôn năm và tổ quốc muôn năm. Rồi sau đấy chúng tôi bắt đầu rán hết sức hát quốc ca, và lúc chúng tôi hát xong, đứa bé chưa đến hai tuổi kêu lên, ‘Bây giờ làm gì với xương cốt người thân đây?’

Người đàn ông khôn ngoan ấy trả lời với vẻ bình thản và tự tin, ‘Hãy nghiền chúng ra làm xúp cho con cái các người ăn.’

Chúng tôi làm đúng như vậy.

Nasri Hajjaj là nhà văn và nhà báo người Palestine. 

Nguồn: Dịch từ tạp chí Anh Index on Censorship số ra tháng Bảy, 2002. Bản dịch tiếng Anh của Ibrahim Muhawi.


No comments:

Post a Comment