Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Monday, 2 December 2019

Mỹ: ‘Quốc hội Việt Nam ban hành một đạo luật lịch sử’



Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân.


Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội mới “chúc mừng” chính phủ và quốc hội Việt Nam thông qua Luật Lao động sửa đổi, nói đó là “một bước tiến quan trọng nhằm đưa khuôn khổ pháp luật tại Việt Nam tiệm cận gần hơn tiêu chuẩn lao động quốc tế”.
“Quốc hội Việt Nam đã ban hành một đạo luật lịch sử, cho phép thành lập các tổ chức công đoàn độc lập tại cấp cơ sở”, cơ quan đại diện ngoại giao của Mỹ nói.
“Đạo luật cũng cải thiện các quyền thương lượng tập thể, tăng cường sự bảo vệ chống lại tình trạng phân biệt đối xử tại nơi làm việc và củng cố sự bảo vệ đối với những người lao động trẻ tuổi”.
Báo chí trong nước đưa tin rằng Quốc hội Việt Nam thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi hôm 20/11 với 435 đại biểu tán thành (tỷ lệ hơn 90%) trong khi có 9 người không tán thành và 9 người không biểu quyết.
Cùng ngày, đại sứ quán Mỹ nói thêm rằng “quan trọng là đạo luật này mở rộng diện điều chỉnh của Luật Lao động từ 15 lên 56 triệu người bằng cách nới rộng phạm vi bảo vệ của pháp luật tới những người lao động không có hợp đồng lao động”.
“Cùng với đó, những quy định mới thể hiện cam kết quan trọng nhằm thúc đẩy việc bảo vệ các quyền lao động”, cơ quan ngoại giao Mỹ nói trong thông cáo.
Ngoài phía Mỹ, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng lên tiếng “hoan nghênh bước tiến mới của Việt Nam”.
Theo ILO, Bộ luật Lao động sửa đổi có một số “điểm mới” như “người lao động tại doanh nghiệp có quyền được thành lập hoặc gia nhập tổ chức đại diện cho người lao động theo sự lựa chọn của họ”, “phụ nữ không còn bị ấm làm một số loại hình công việc” cũng như “mở rộng bảo vệ pháp luật tới người lao động làm thuê không có hợp đồng lao động bằng văn bản”.
Tổ chức Lao động Quốc tế ở Việt Nam cũng nêu lên “các điểm thay đổi” trong Bộ luật về việc “bảo vệ tốt hơn để chống phân biệt đối xử đối với công đoàn và can thiệp vào công đoàn”, “quy trình rõ ràng hơn và khuyến khích thương lượng tập thể”, “bảo vệ tốt hơn để chống lao động cưỡng bức và lệ thuộc vì nợ”, cũng như về “điều khoản rõ ràng hơn về việc thuê lao động chưa thành niên thuộc nhiều lứa tuổi”.
Tiến sĩ Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam, được dẫn lời nói trong một thông cáo của tổ chức này: “Đây là một tiến bộ quan trọng do những sửa đổi trong Bộ Luật Lao động sẽ cải thiện đáng kể vấn đề việc làm và quan hệ lao động của Việt Nam, tạo nền tảng vững chắc cho hội nhập quốc tế và thương mại công bằng”.
Trong khi đó, Đại sứ quán Mỹ nói rằng “với tư cách là đối tác lâu dài của Việt Nam trong các vấn đề lao động, Hoa Kỳ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố những cải cách trong Luật Lao động, bao gồm cải cách thông qua các văn bản pháp luật sắp được ban hành về thành lập, đăng ký và hoạt động của các tổ chức công đoàn độc lập và sự bảo vệ đầy đủ đối với quyền thương lượng tập thể và quyền đình công”.
“Hoa Kỳ trông đợi được hợp tác cùng Việt Nam trong việc xây dựng các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Lao động và quá trình thực thi các cải cách cũng như tiếp tục là đối tác của nhau trong các vấn đề quyền lao động”, cơ quan ngoại giao của Hoa Kỳ nói.
Cựu Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên - Môi Trường Đặng Hùng Võ từng nói với VOA tiếng Việt rằng “việc thành lập công đoàn độc lập là một xu hướng tất yếu mà Việt Nam dù muốn hay không cũng không thể né tránh”.
Ông nói: “Thực tế các hiệp định thương mại với Châu Âu thì đã ký cả rồi. Và trong tất cả những hiệp định đấy đều có yêu cầu bảo vệ quyền lợi người lao động và thành lập công đoàn độc lập. Việt Nam đã quyết định ký thì Việt Nam phải thực hiện chứ không thể lẩn tránh mãi được. Và theo tôi đây là một nhu cầu cũng không thể đảo ngược của người lao động”.
Tin cho hay, Bộ luật Lao động sửa đổi gồm 17 chương, 220 điều, sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021.

No comments:

Post a Comment