TỪ BI ÂM
Ghi chú trong lần ấn hành 2015
Từ Bi Âm (TBA) thuộc Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học ra số đầu tiên 1.2.1932. Người sáng lập cư sĩ Phạm Ngọc Vinh. Chủ nhiệm: hòa thượng Lê Khánh Hòa, Chánh Hội trưởng Ban Trị sự Hội NKNCPH. Chủ bút: hòa thượng Bích Liên. Trải 14 năm tồn tại, báo ra được 235 số. Số cuối cùng 234-235 ra tháng 6&7-1945. Báo chí Phật giáo trước 1975, về thời gian tồn tại và số báo ra nhiều nhất TBA chỉ kém Từ Quang(tồn tại 18 năm từ 1958-1975 ra được 265 số) và Đuốc Tuệ (255 số). TBA ở Nam cùng Viên Âm ở Trung, Đuốc Tuệ ở Bắc là ba tờ báo có vai trò quan trọng trong phong trào chấn hưng Phật giáo giai đoạn 1930-1945.
Từ Bi Âm có khổ báo 16×24 cm với số trang trung bình là 50, ra đều đặn mỗi tháng hai kỳ vào ngày 1 và 15 suốt sáu năm. Từ năm thứ 7 (số 145 tháng 1-1938) trở đi báo ra mỗi tháng một kỳ. Từ số 190 trở về sau bài vở sa sút báo ra không đều thường in các kinh Địa Tạng, Pháp bảo đàn… Từ 222-235 báo chỉ còn mỗi kỳ 16 trang, khổ báo lúc to lúc nhỏ, lúc giấy thường, có lúc giấy dó, in ấn lem luốc khó đọc và thường làm số đôi.
Nhân sự Từ B i Âm cũng có sự thay đổi. Ban đầu bìa số 2 của báo chỉ ghi chủ nhơn sáng lập là Phạm Ngọc Vinh, chủ nhiệm: HT. Lê Khánh Hòa. Từ số 36 ghi thêm chủ bút là HT. Bích Liên, phó chủ bút: ĐĐ. Liên Tôn mặc dù trước đó hai ngài đã cộng tác đắc lực. Từ số 45, tức sau khi báo ra gần hai năm đề HT. Nguyễn Chánh Tâm thay thế HT. Lê Khánh Hòa làm chủ nhiệm đến số 134 thì Trần Nguyên Chấn lên thay thế cho đến số cuối cùng. Số 163, 6-1939, thấy đề pháp sư Liên Tôn làm chủ bút và TBA không còn chức danh phó chủ bút. Đến số 198, 6-1942, ngài Liên Tôn cũng thôi làm chủ bút, báo chỉ còn chủ nhơn là Phạm Ngọc Vinh và chủ bút Trần Nguyên Chấn. Số 222 ra vào tháng 6-1944 chỉ còn mỗi chủ nhiệm là Trần Nguyên Chấn, đề ở cuối báo.
Hình thức của Từ Bi Âm được đầu tư chỉn chu và nhất quán, luôn sử dụng loại giấy tốt, chừa viền rộng hơn rất nhiều so với những tờ báo cùng thời. Các khung viền của bìa và các trang ruột cũng được o bế rất kĩ, có cả họa sĩ vẽ bìa riêng cho báo.
Nội dung Từ Bi Âm thường có 7 mục: Luận về triết lý nhà Phật; Luân lý nhà Phật; Phiên dịch kinh Phật; Lịch sử nhà Phật; Thời sự nhà Phật; Tiểu thuyết nhà Phật; Văn uyển.
Thư viện Huệ Quang chân thành tri ân: NS. Như Nghĩa, SC Như Tĩnh đã cho chúng tôi những số TBA có tại chùa Hải Ấn-SG, SC Tâm Hải chùa Giác Tâm-SG đã tặng bộ TBA mà cô rất trân quý, thầy trụ trì chùa Vĩnh Khánh-Bình Định cho khoảng 10 số cuối và nhiều chùa khác tại Sài Gòn và các tỉnh mỗi nơi một vài số, anh Thanh Hải cho mượn từ số 192-200. Nếu có được một bộ TBA đẹp và trọn vẹn để bảo tồn và học tập đó là công sức gìn giữ và cống hiến của quý vị kể trên, chúng tôi chỉ là người tổ chức sưu tầm biên tập lại. TBA ra đời đã hơn 80 năm, số lượng lại nhiều đến 235 số, báo tồn tại suốt 14 năm nên thăng trầm qua nhiều giai đoạn, báo những năm cuối rất khó tìm. Sưu tầm cho đủ bộ thật là hi hữu. Đến thời điểm hiện tại chúng tôi vẫn còn thiếu các số: 201-210, 211, 212, 215, 217, 221, 228. Các số từ 192-235 mà chúng tôi có được cũng không nguyên vẹn.
Chúng tôi dự định ấn hành TBA thành hai đợt. Đợt 1 đến số 120, chia làm 10 tập ứng với 5 năm đầu, mỗi tập 12 số (nửa năm). Những số còn lại sẽ ấn hành trong đợt 2.
Năm 1935, TBA ra quyển thứ nhất về Tịnh độ tông, trích lục những bài viết về Tịnh độ trong TBA để xiển dương pháp môn Tịnh độ. Năm 1936 tiếp tục ra quyển thứ hai và cuối sách có giới thiệu ra tiếp quyển ba. Không biết ra đến quyển thứ mấy, chúng tôi chỉ có hai quyển đầu, dự kiến sưu tầm đầy đủ sẽ đóng thành một quyển phụ lục. Một số sách khác của Hội NKNCPH chúng tôi cũng dự định đóng thành một vài phụ lục.
Trong khi số hóa TBA, chúng tôi phát hiện năm đầu TBA (từ số 1-24) được in hai đợt. Đợt in thứ hai có sửa vài lỗi chính tả, riêng bìa hai của mỗi báo giữa hai đợt in có sự khác biệt vài chỗ như bản in sau có nhiều tên hội viên của Hội NKNCPH hơn bản đầu. Chúng tôi phối hợp giữa hai bản in để có được bản lành lặn, rõ ràng, không câu nệ sự dị biệt nhỏ trên.
Bìa TBA khá nhiều so với những báo đã số hóa trước đây và là bìa hai mặt, chúng tôi thử tìm nhiều cách in để chi phí xuống thấp nhưng chất lượng không đạt, cuối cùng đành phải in màu trên giấy couché, phí in cả bìa mềm và bìa cứng chiếm hơn một phần ba nên giá thành có cao hơn ít nhiều so với những bộ trước đây.
Huệ Quang, 01-01- 2015
Thích Không Hạnh
No comments:
Post a Comment