Chính quyền Donald Trump chính thức điều tra Việt Nam ‘thao túng tiền tệ’
Hoa Kỳ mở điều tra cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ, có thể tạo ra chiến tranh thương mại mới, chỉ vài tuần trước bầu cử tổng thống Mỹ.
Loan báo của đại diện thương mại Mỹ đưa ra tối thứ Sáu, theo điều 301 của đạo luật thương mại ban hành năm 1974, cũng chính là quy trình mà Mỹ sử dụng để áp đặt thuế lên hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ.
Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer nói "hành vi tiền tệ bất công có thể gây hại cho lao động và doanh nghiệp Mỹ cạnh tranh với hàng hóa Việt Nam, mà hàng này có thể được giảm giá giả tạo vì việc hạ giá đồng tiền".
Cũng cùng ngày thứ Sáu, Hoa Kỳ loan báo một điều tra riêng biệt khác về việc nhập khẩu gỗ của Việt Nam.
Ông Robert Lighthizer giải thích nếu xảy ra việc "dùng gỗ phi pháp trong hàng xuất sang Mỹ thì sẽ gây hại cho môi trường và bất công cho công nhân, doanh nghiệp Mỹ".
Tranh cãi vấn đề tiền tệ
Trong một diễn biến khác, cũng ngày 2/10 tại Hà Nội diễn ra một họp báo thông báo kết quả Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN 2020.
Tại đây, ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam không phát ngôn về diễn tiến ở Mỹ.
Nhưng ông có đưa ra bình luận về chính sách tỷ giá và hoạt động can thiệp thị trường ngoại hối trong giai đoạn hậu Covid-19.
Ông Lê Minh Hưng nói với báo chí: "NHNN chưa và sẽ không bao giờ sử dụng công cụ chính sách tiền tệ như tỷ giá để tạo lợi thế cạnh tranh không công bằng trong giao dịch thương mại và quốc tế."
Vào tháng Tám 2020, Bộ Tài chính Mỹ nói họ đã xác định rằng đồng tiền của Việt Nam đã cố tình bị định giá thấp hơn vào năm 2019 khoảng 4,7% so với đồng USD.
Theo phía Mỹ khi đó, trong năm 2019, Việt Nam đã mua ròng 22 tỷ USD ngoại hối thông qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, làm giảm giá tiền đồng từ 3,5% đến 4,8%.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, việc mua USD của Việt Nam khiến tỷ giá hối đoái tiền đồng, vốn ở mức 1 USD đổi được 23.224 đồng vào năm 2019, về mức 1 USD đổi được 24.314 đồng.
Tỷ giá này thấp hơn khoảng 1.090 đồng so với mức phù hợp với tỷ giá hối đoái thực tế.
Trước đó, ngày 14/1/2020, Bộ Tài chính Hoa Kỳ ban hành Báo cáo về "Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ". Trong báo cáo đó, Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách 10 nước cần giám sát.
Còn trong báo cáo của Mỹ tháng 5/2019, lần đầu tiên Việt Nam trở thành một trong 09 quốc gia nằm trong Danh sách giám sát do đáp ứng hai tiêu chí về thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ và thặng dư cán cân vãng lai.
Báo cáo tháng 5/2019 cũng nêu một quốc gia vào Danh sách giám sát sẽ tiếp tục được theo dõi trong hai kỳ Báo cáo tiếp theo.
Khi Mỹ đưa ra báo cáo tháng Giêng 2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nói họ sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà Hoa Kỳ quan tâm.
No comments:
Post a Comment