Giải mã bí ẩn ghê rợn sau hiện tượng 'bóng đè'
Vào tháng 8/2016, một phụ nữ nói rằng bà đã bị tấn công bởi một con Pokemon thật. Ảo giác ghê rợn của bà cho thấy "vùng chạng vạng" bí ẩn giữa trạng thái ngủ và thức - một trạng thái kỳ lạ của ý thức có thể ẩn sau rất nhiều hiện tượng khác nhau, từ các phiên tòa xử phù thủy Salem đến các vụ bị người ngoài hành tinh bắt cóc. Nhà tâm lý học Matthew Tompkins giải thích thêm về hiện tượng này.
Tại Moscow (Nga) mùa hè năm rồi, một phụ nữ mơ màng trong giấc ngủ sau khi chơi trò Pokemon Go trên điện thoại. Đêm đó, bà thức giấc vì ngực bị đè mạnh. Bà mở mắt và sau này kể lại là bà thấy mình đang bị tấn công bởi một nhân vật Pokemon có kích cỡ như ngoài đời thực. Không phải là một người mặc trang phục Pokemon, mà là một con Pokemon thật.
Hoảng loạn, nhưng không thể nói được, bà vật lộn với sinh vật đó trong khi người bạn trai ngủ mê mệt ngay bên cạnh không biết gì. Cuối cùng bà cũng vùng dậy được, và con Pokemon biến mất. Sau một lúc lùng sục khắp nhà, người phụ nữ đến báo cảnh sát về vụ tấn công.
Tin tức về vụ báo cảnh sát của bà ngay lập tức, và có chút hài hước, đã được nhiều báo lá cải quốc tế đăng lại. Tin này nhanh chóng lan truyền trên internet và cuối cùng xuất hiện trong các nội dung Twitter trong tài khoản của tôi.
Nhưng ý nghĩ đầu tiên của tôi, với tư cách là nhà tâm lý học thí nghiệm với quan tâm chủ yếu vào các trải nghiệm nhận thức bất thường, khi ấy là, "Ồ, điều này có thể xảy ra với bất cứ ai."
Mặc dù không thể rõ ràng giải thích trải nghiệm của phụ nữ này, tôi vẫn cảm thấy hoàn toàn tự tin rằng vụ tấn công ban đêm của Pokemon này phù hợp chính xác với những hiểu biết của chúng ta về giấc ngủ.
Thêm vào đó, dựa vào những gì chúng ta biết về hiện tượng tâm thần bí ẩn này - và cảm giác kỳ lạ mà nó đem lại - người ta có thể ở mức độ nào đó miêu tả trải nghiệm của bà là "bình thường".
Cách giải thích ngắn gọn, nghe có vẻ nghịch lý là có thể bà đã bị đánh thức và bà có thể đang mơ. Tạm thời hãy đặt con Pokemon qua một bên, ta thử xem xét nội dung bà tường trình là đã thức giấc, không cử động được, với sức nặng đè lên người.
Cụm từ kỹ thuật chỉ hiện tượng này là "bóng đè", một thể loại của rối loạn giấc ngủ (parasomnia). Ngoài việc không thể cử động được, khoảng thời gian bị tê liệt khi tỉnh giấc này thường đi kèm với các ảo giác đa chiều. Kết quả là, những hình ảnh tưởng tượng trong giấc mơ có thể xâm nhập vào hiện thực khi bạn đã tỉnh giấc.
Nội dung của ảo giác thường có chủ đề liên quan với cảm giác tê liệt - tái hiện lại thành hình ảnh bị kẻ xâm nhập trên ghì chặt xuống khi đang ngủ. Dấu ấn các vụ liên quan đến hiện tượng bóng đè có thể tìm thấy trong suốt chiều dài lịch sử và văn hóa với những ghi nhận xa xưa nhất từ 400 năm trước Công nguyên.
Bóng đè lần đầu tiên được đề cập đến trong sách Zhou Li/Chun Guan, một quyển sách của Trung Quốc về giấc ngủ và giấc mơ. Sách phân loại ra nhiều kiểu khác nhau của giấc mơ, và các nhà nghiên cứu đã xác định E-meng (giấc mơ bất thần) có rất nhiều tính chất liên quan đến hiện tượng bóng đè. Tuy vào khoảng thời gian và bối cảnh văn hóa, hình ảnh trong những cơn ác mộng này có thể được diễn dịch thành những ý khác nhau.
Các nhà nghiên cứu hiện tượng bóng đè Brian Sharpless và Karl Dograhmji đã thu thập 118 cách diễn đạt khác nhau trên khắp thế giới mô tả về trải nghiệm bị bóng đè: người Đức có cụm từ hexendrücken - bị phù thủy đè, và từ alpdrücken, bị tiên đè.
Truyện cổ Na Uy có từ svartalfar - chỉ các vị tiên độc ác bắn người ta bằng những mũi tên tê liệt trước khi đậu lên ngực nạn nhân. Người Nhật có từ kanashibari, với ý chỉ bị trói chặt một cách kỳ lạ bởi một sợi dây kim loại vô hình. Ở nhiều nơi tại Thụy Sĩ người ta nói về tchutch-muton, một bà tiên ác mộng xấu xa thường cải trang thành một con cừu đen.
Người Kurd dùng đến từ Mottaka, một linh hồn độc ác làm người ta ngạt thở đêm khuya. Người Iran có cụm từ bakhtak, nói đến một loại linh hồn [cấp thấp hơn thiên thần trong Hồi Giáo] ngồi lên ngực người đang ngủ.
Các nhà khoa học đã lý thuyết hóa hiện tượng bóng đè có thể dẫn đến hiện tượng người ngoài hành tinh bắt cóc.
Vì thế tôi không cảm thấy có gì khác biệt lắm khi đề cập đến vụ việc bị Pokemon quấy rối.
Cảm giác bị đè nặng...
Để so sánh, hãy xem xét điều được Jon Loudner đề cập sau, người đã cung cấp "chứng cứ" cho tòa án phù thủy Salem nổi tiếng vào năm 1692.
"....Tôi đi ngủ rất khỏe, và cái chết của bóng đêm đè nặng lên ngực tôi, và tôi tỉnh dậy, nhìn quanh, và bên ngoài kia dưới ánh trăng, tôi nhìn thấy rõ ràng Bridget Bishop, hoặc hình dạng trông giống cô ta, đang ngồi trên bụng tôi. Và đặt cánh tay tôi xuống giường để tôi không bị lực ép mạnh, cô ta lập tức chặn cổ họng tôi khiến tôi hầu như ngạt thở. Và tôi không có chút sức mạnh hay năng lượng gì trên tay để có thể thoát ra hoặc tự vệ. Cứ trong tư thế đó, cô ta ghì giữ tôi suốt cả ngày."
Tương tự như người phụ nữ ở Moscow năm 2016, Jon thấy một nhân vật ngồi lên người ông, đi kèm với cảm giác đè chặt và bị tê liệt; mặc dù trong tình huống của ông, cách giải thích tốt nhất mà ông tìm ra là cho rằng mình đã bị một mụ phù thủy ở gần đó tấn công.
Bạn có thể thấy sự tương tự với vụ việc Pokemon nổi lên như các dấu hiệu hiện tượng bóng đè. Ông tỉnh dậy giữa đêm, không cử động được, cảm thấy có ai đó ngồi trên người mình, chặn hơi thở ông lại.
Và một phần đen tối khác của lịch sử là sau lời khai của Jon, Bridget bị hành quyết bằng phương thức treo cổ. Bà trở thành nạn nhân đầu tiên mất mạng trong cơn sốt tiêu diệt phù thủy Salem.
Bằng chứng Jon đưa ra không hoàn toàn là căn cứ chính để buộc tội bà, mà nó được "xác nhận" bởi một chứng cứ vật lý khác đó là có thể Bridget sở hữu một núm vú siêu nhiên (sau khi bị nhận dạng một lần thì nó đã biến mất trong lần tra xét sau đó).
Phù thủy ít khi được dùng như lý do giải thích cho những người trải qua hiện tượng này, nhưng thậm chí ngày nay, những cơ chế tâm lý chính xác gây ra tình trạng tê liệt khi ngủ vẫn chưa được hiểu rõ hoàn toàn.
Hiện tại điều có thể hiểu rõ là, cơ bản, khi chúng ta mơ, hành động của ta bị giam cầm trong sự tưởng tượng của chính mình. Tất cả chúng ta đều có một cơ chế an toàn sẵn trong cơ thể, mà bạn có thể xem nó giống như một cầu dao điện, nhanh chóng khóa các tín hiệu chuẩn bị cho não bộ không cho nó trở thành tín hiệu hành động.
Cơ chế này bảo vệ ta khỏi việc hành động theo những gì xảy ra trong giấc mơ. Nhờ đó, khi bạn bị một con quái vật đuổi theo trong mơ, bạn sẽ không bật dậy và chạy đâm đầu vào tường phòng ngủ, hay nói theo thuyết tiến hóa, là không khiến bạn trở nên điên khùng.
Tuy nhiên, não bộ của chúng ta là một hệ thống vô cùng phức tạp, và những hiện tượng như bóng đè, là những tình huống trục trặc thỉnh thoảng xảy ra.
Một trong những sự bất thường được nhiều người biết đến là trạng thái mộng du, tức là khi một người đi bộ trong lúc vẫn đang ngủ, trạng thái xảy ra khi sự tê liệt giảm đi quá nhanh.
Ngược lại, đôi khi tình trạng tê liệt vẫn tiếp tục thậm chí sau khi bạn đã tỉnh giấc. Điều này thường xảy ra ở ngưỡng giấc ngủ - hoặc là khi bạn sắp thức dậy hoặc khi bạn sắp chìm vào giấc ngủ. Bạn có thể vẫn còn ý thức, mắt mở ra được, nhưng hoàn toàn không thể di chuyển được cơ thể. Đây là một sự việc khá phổ biến, nhưng trải nghiệm có thể khiến người ta sợ hãi.
Những vấn đề như vậy có thể là hệ quả của sự gián đoạn giấc ngủ nói chung. Các nhà nghiên cứu cho thấy bóng đè có thể tái hiện lại với những người tham dự thí nghiệm khi họ liên tục bị đánh thức lúc đang ngủ sâu.
Và bên ngoài phòng thí nghiệm thì điều này không hiếm gặp với những người từng trải qua tình trạng bị bóng đè trong đêm. Nếu bạn chưa từng bị như vậy, thì hẳn bạn ít ra cũng quen biết ai đó từng gặp tình trạng này.
Các chuyên gia ước tính đến 50% dân số bị tình trạng bóng đè ít nhất một lần trong đời, một số người cho biết họ thường xuyên bị bóng đè về đêm.
Thậm chí có thể những khảo sát hiện tại đã đánh giá thấp mức độ phổ biến thật sự của hiện tượng này, vì vẫn còn nhiều kỳ thị với những trường hợp nói họ bị ảo giác, và vì có nhiều quan ngại hiện tượng này có thể là dấu hiệu cho thấy bệnh lý tâm thần hoặc lạm dụng thuốc.
Trong thực tế, người khỏe mạnh vẫn có thể bị bóng đè và ảo giác dù không xảy ra hiện tượng bất thường nào về sức khỏe tâm thần hay lạm dụng thuốc. Hiểu rằng trải nghiệm này là bình thường có thể giúp xoa dịu những lo lắng kèm theo. Với bản thân mình, tôi có vài lần gặp phải bóng dáng những người không có mặt, tuy rằng họ chỉ xuất hiện chứ không làm gì.
Nhìn thấy những khối gạch rơi
Nhưng hãy quay trở lại trường hợp kỳ lạ ở Moscow. Tại sao ảo giác này lại xuất hiện dưới hình dạng con Pokemon mà không phải các sinh vật khác? Vì tính chủ quan rất cao, rất khó để nghiên cứu giấc mơ một cách khoa học.
Làm sao bạn có thể thực nghiệm đo đạc ảo giác xảy ra khi hầu hết mọi người đều đang không tỉnh giấc và họ quên ngay lập tức khi thức dậy?
Trong thực tế, sự liên hệ giữa trò chơi điện tử và các giấc mơ là một trong những lĩnh vực nghiên cứu được ghi chép khá đầy đủ trong các trải nghiệm chủ quan của người ngủ mơ.
Năm 2000, một nhóm các nhà nghiên cứu tại Trường Y Havard do Robert Stickgold dẫn đầu đã báo cáo về những người tham dự nghiên cứu chơi trò chơi điện tử xếp gạch Tetris liên tục nói họ thấy những "hình ảnh thôi miên" liên quan đến trò chơi.
Họ thấy những hình ảnh của các khối gạch đang rơi trước khi chìm vào giấc ngủ. Kết quả tương tự cũng được ghi nhận ở các trò chơi điện tử khác, như trò chơi trượt tuyết, mê cung ảo, và thậm chí cả trò chơi Doom.
Bằng chứng này được sử dụng chứng minh cho ý tưởng rằng giấc mơ có thể có vai trò "củng cố" ký ức trong đời sống của ta khi thức - củng cố là cụm từ chỉ quá trình tăng cường và tăng sức mạnh của những ký ức mới có.
Rất nhiều thí nghiệm cho thấy những người được giao những nhiệm vụ liên quan tới trí nhớ thường thực hiện nhiệm vụ tốt hơn nếu họ được ngủ sau khi học. Có vẻ như mặc dù sau khi chúng ta trải qua quá trình học, trí não ta có thể vẫn sử dụng giấc ngủ như một không gian tập dượt để tập luyện giải quyết lại vấn đề.
"Giấc mơ của chuột"
Nhiều bằng chứng hơn được thu thập từ các thực nghiệm về hành vi của não bộ trên những chú chuột đang ngủ. Thí nghiệm trên động vật đem lại cho các nhà khoa học nhiều ưu - nhược hơn so với việc thí nghiệm thực hiện trên con người.
Một mặt, đưa điện cực trực tiếp vào đầu chuột cần phải thông qua ít loại giấy tờ hơn. Thế nhưng mặt khác thì rõ ràng ta không thể "hỏi" chuột xem chúng mơ thấy gì, vì thế các nhà khoa học buộc phải suy đoán chính xác xem liệu tác động của điện cực có thể liên quan đến các trải nghiệm hiện tượng học ra sao.
Trong một thí nghiệm, một nhóm nhà nghiên cứu tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đấu các điện cực trực tiếp vào phần hồi hải mã của não chuột.
Ở cả chuột và người, hồi hải mã là một phần của bộ não, ngoài các chức năng khác, thì phần này đặc biệt liên quan đến cách chúng ta tạo ra ký ức về không gian vật lý. Điện cực cho phép các nhà nghiên cứu quan sát hoạt động thần kinh theo thời gian thực của các tế bào đặc thù trên hồi hải mã - và ghi nhận bất cứ khi nào các tế bào được kích hoạt.
Trong khi các chú chuột được kết nối với dây điện, chúng được học cách định hướng trong một mê cung thực để tìm ra phần thưởng là thức ăn. Vì hồi hải mã có liên quan đến kỹ năng học hỏi không gian, sự thể hiện của hoạt động điện cực trên hồi hải mã có thể liên kết với vị trí của chú chuột ở những khu vực đặc thù trong mê cung.
Nhưng chính ở đây phương pháp này trở nên liên quan đến câu chuyện của chúng ta về giấc mơ Pokemon hay trò chơi Tetris: Sau khi các chú chuột đã tìm hiểu về mê cung, các nhà khoa học để các điện cực tiếp tục ghi nhận khi chuột bắt đầu chìm vào giấc ngủ.
Khi chuột đã ngủ, các tế bào trong hồi hải mã sẽ bật sáng với hoạt động tìm đường trong mê cung - không phải là với bất cứ hoạt động nào, mà nó chỉ xảy ra khi các chú chuột đang ngủ có tương thích với cơ chế liên quan chính xác đến cuộc tìm đường trong mê cung.
Một lần nữa, chúng ta không thể hỏi chuột là chúng đang trải qua điều gì, nhưng kết quả cho thấy các chú chuột có lẽ đang tìm đường trong mê cung khi ngủ mơ, tập luyện lại một cách hiệu quả cách chúng đi như đã học trước khi ngủ.
Một giới hạn ở đây là không có công trình nào chứng minh được liên hệ nguyên nhân trực tiếp giữa giấc mơ và ký ức: giấc mơ tự nó có thể không giúp ký ức được tăng cường đậm nét hơn, nhưng có thể là một loại hiệu ứng phụ của quá trình củng cố ký ức.
Nói cách khác, ảo giác đáng sợ mà người phụ nữ ở Nga gặp phải không chỉ là một sự việc khá thông thường, mà nó còn có thể cho ta thêm một cửa sổ thú vị để nhìn vào tính chất của giấc ngủ và vì sao mọi người mơ.
Và nếu bạn từng gặp phải những hình ảnh kỳ diệu khi bạn đang ở ngưỡng giấc ngủ, điều này cũng đáng để xem xét. Hãy nhớ: Đừng hoảng loạn (và không nhất thiết phải đổ tội cho người khác nếu họ có thêm một vài núm vú).
=========
Tác giả Matthew Tompkins là nhà tâm lý học thực nghiệm tại Đại học Oxford.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.
No comments:
Post a Comment