Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Monday 26 October 2020

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến

 

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Tô Hoài & Ba Người Khác

1

Một ngày phiên chợ, u tôi mua về đôi gà nhỏ. Hai con gà: một trống, một mái, dáng còn bé tí teo, như vừa mới lìa đàn. Suốt ngày chúng cứ rúc vào một góc sân và kêu chim chíp bằng một giọng ai oán, thảm thương!

Ðó là một đoạn văn ngắn, trong tập truyện O Chuột, của Tô Hoài mà tôi đã được cô giáo đọc cho nghe khi còn thơ ấu. Tôi tin rằng mình vừa ghi lại đúng nguyên văn, nếu không hoàn toàn đúng thì chắc cũng gần đúng (y) như thế. Sao tôi cứ thương mãi đôi gà nhỏ côi cút đó, và có cảm tình hoài với tác giả của đoạn văn vừa dẫn.

Tô Hoài (có lẽ) sẽ sướng ngất ngư, khi biết có một độc giả đã nhớ nằm lòng – suốt đời – những điều mình viết. Và chắc sẽ tức điên luôn, nếu biết thêm rằng: tôi chưa bao giờ đọc thêm một dòng chữ nào khác nữa của ông.

Tôi sinh trưởng ở miền Nam, nơi mà trẻ con không đeo khăn quàng đỏ, không thi đua lập chiến công, cũng không có kế hoạch (lớn/nhỏ) nào phải hoàn thành hay vượt chỉ tiêu. Chúng tôi chỉ có việc học với chơi, và chơi mới là chuyện chính. Tôi quá mải chơi nên không có thì giờ để đọc Tô Hoài, hoặc bất cứ ai.

Sau khi cuộc chiến Bắc/Nam chấm dứt, thỉnh thoảng, tôi cũng có ghé vào những hiệu sách quốc doanh nhưng không bao giờ ngó ngàng gì đến Tô Hoài. Dù bắt đầu từ đây, cũng như bao nhiêu người dân miền Nam khác, cuộc đời của tôi (bỗng dưng) hoá rảnh – rất rảnh – và rất … đói!

Tác phẩm duy nhất mà tôi thực sự tâm đắc, vào thời điểm đó, là Hồ Chí Minh Toàn Tập – dù tác giả viết nhiều đoạn rất dở. Thí dụ như:“Không có lực lượng gì ngăn trở được mặt trời mọc. Không có lực lượng gì ngăn trở được loài người tiến lên. Cũng không có lực lượng gì ngăn trở được chủ nghĩa xã hội phát triển.”

(Giời ạ, mặt trời chứ bộ mặt trận sao mà đòi lấy lực lượng ra ngăn trở. Tương tự, có cái lực lượng mẹ rượt nào mà ngăn trở được loài người tiến lên, cha nội? Viết như thế mà cũng bầy đặt cầm bút).

Ngoài những lỗi lầm nho nhỏ không đáng kể (thượng dẫn) phải nói đây là một công trình đồ sộ, rất đáng đồng tiền bát gạo. Sách rất dầy, giấy in rất tốt, giá rất rẻ, và rất được những bà hay những cô bán hàng rong ưa chuộng.

Họ cần giấy để gói. Còn tôi, tôi cần một phần ăn nhiều hơn số tiền mình có. Do đó, dù có đói thảm thiết tôi cũng chả bao giờ (dại dột) xà ngay xuống mẹt xôi hay mẹt bánh. Tôi luôn luôn chịu khó đi lòng vòng qua tiệm sách – tìm cho ra tuyển tập của bác Hồ, hay bác Duẩn – cho đỡ khổ cái dạ dầy!

Trong hoàn cảnh ấy, nói tình ngay, lỡ mà có thấy những tác phẩm của Tô Hoài chắc tôi cũng ngó lơ. Mắt tôi lúc nào cũng chỉ dáo giác, liếc nhìn ra biển, tìm một đường chui.

Nhờ Trời thương, tôi chui lọt!

Lưu lạc mãi rồi có hôm tôi tình cờ gặp lại Tô Hoài, trong một tác phẩm phê bình văn học – có tựa là Cây Bút, Ðời Người – của Vương Trí Nhàn, Phương Nam xuất bản. Đến lúc này thì tôi đủ tuổi đời, đủ rảnh (và cũng đủ no) để có thể tìm đọc thêm chút đỉnh về một tác giả mà mình đã yêu thích – từ khi còn bé. Và nay thì Tô Hoài đã bước vào tuổi bát tuần.

“Ngay từ năm 1940, khi bắt tay làm quen với giới sáng tác đương thời, thì đồng thời tác giả Dế mèn cũng bước vào hoạt động cách mạng. Lúc đâu ở thời kỳ Mặt trận bình dân, ông hoạt động trong cơ sở Hội ái hữu thợ dệt Hà Ðông. Sau đó lại được tổ chức Ðảng ở Hà Nội bắt liên lạc để hình thành nên lực lượng Văn hoá cứu quốc.

Tiếp đó, từ sau 1945, những hoạt động xã hội của nhà văn ngày một đa dạng. Triển khai theo chiều rộng, có lúc ông trở thành cán bộ địa phương, có thời gian đi cải cách ruộng đất, đi học trường Ðảng, nhiều năm làm đối ngoại nhân dân, đồng thời vẫn giữ chân trưởng ban đại biểu dân phố (1956–1972) ở cơ quan văn nghệ trên Trung ương hay ở Hà Nội, hầu như từ năm 1946 tới nay, khoá nào ông cũng được bầu làm bí thư chi bộ, đảng bộ.

Mặt khác, ngay trong giới cầm bút, ông cũng luôn luôn có hoạt động xã hội của mình, khi là Phó Tổng thư ký Hội Nhà Văn, khi chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội, từ đó đẻ ra cơ man nào là đầu việc, là họp hành, mà người ta gọi chung là công tác” (sđd, 264).

Tiểu sử Tô Hoài (như thế) có vẻ lung tung lang tang, ngổn ngang cả đống chức vụ, nhưng không để lại một ấn tượng đậm nét nào về đời người và cây bút của ông. Tô Hoài như luôn bị nhấn chìm vào những đoàn đội hay đoàn thể (vớ vẩn) gì đó, “với cơ man nào là đầu việc.” Thực là một cuộc đời chán ngán và nhạt nhẽo, tôi đoán thế.

Tôi lầm đấy. Ðược thế thì đã phúc.

Cuộc đời của Tô Hoài chán ngán hẳn có thừa nhưng nhạt nhẽo thì chưa chắc, và đắng chát với tủi nhục (xem ra) không thiếu – nếu vẫn theo như ghi nhận của nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn:

“… bao nhiêu từng trải, như còn in dấu vào cách sống, cách chuyện trò của Tô Hoài hôm nay, bên cạnh cái nhũn nhặn lảng tránh, con người ấy thật cũng đã nhiều phen phải dàn mặt, phải chịu trận, nói chung là phải đối chọi với đời và nếu như có lúc phải đầu hàng thì đó cũng là bước đường cùng, rồi, nín nhịn chẳng qua để tồn tại, và sau hết, để được viết. Ấy là cái điều không chỉ Tô Hoài biết mà nhiều người cũng biết…

Ðại khái có thể hình dung như cái cảnh đứa bé bị qùy, thì cũng quỳ đấy, song mắt vẫn liếc về phía mọi người đùa bỡn. Xá gì chuyện này, qùy cho xong nợ, tí nữa lại tha hồ tung tẩy.” (sđd 266).

Dù chỉ là một thường dân – chứ chả phải nhà văn, hay nhà báo gì ráo trọi – tôi cũng muốn ứa nước mắt xót xa cho “cây bút” và “đời người” của Tô Hoài, khi biết rằng (đôi lúc) ông vẫn phải qùi như thế. Tôi còn e rằng Vương Trí Nhàn cũng chỉ khéo miệng mà nói thế (để đỡ tủi cho nhau) chứ chuyện “đùa bỡn” và “tha hồ tung tẩy” làm sao tìm được trong “cây bút” và “đời người” của Tô Hoài!

Tôi trật! Tôi thành thật xin lỗi vì đã quyết đoán một cách hấp tấp về văn nghiệp, cũng như tư cách, của Tô Hoài. Ông ấy quả là có “tròn” nhưng không “tròn mãi,” như tôi đã tưởng.

Đúng như nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn đã ví von, có thể hình dung Tô Hoài “… như cái cảnh đứa bé bị qùy, thì cũng quỳ đấy, song mắt vẫn liếc về phía mọi người đùa bỡn. Xá gì chuyện này, qùy cho xong nợ, tí nữa lại tha hồ tung tẩy.”

Tô Hoài đã “tung tẩy” như thế trong cuốn Ba Người Khác. Talawas đã có lời giới thiệu về tác phẩm này:

“Cuốn tiểu thuyết 250 trang của nhà văn Tô Hoài (NXB Đà Nẵng vừa ấn hành) đang làm xôn xao dư luận trong và ngoài giới văn học. Cuộc toạ đàm về tiểu thuyết này do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức tại trụ sở Viện Văn học sáng ngày 22 tháng 12 năm 2006 đã hầu như một cuộc vinh danh lão tướng văn chương 87 tuổi”

Trong cuộc tọa đàm này, Hoàng Minh Tường nói: “Cuốn sách thể hiện sự dũng cảm và tư cách công dân của nhà văn Tô Hoài.” Trong một xã hội mà chuyện thể hiện “tư cách công dân” (rất) có thể khiến người ta … mất mạng – hay rẻ ra là mất việc, hoặc ngồi tù – thì lời phát biểu vừa rồi đích thị là một cách vinh danh, chứ chả còn phải là “hầu như” hay “dường như” gì nữa ráo.

Nguyên Ngọc cũng không tiếc lời khen: “Cách viết hay, độc đáo về CCRĐ. Không viết về nông dân mà viết về ba anh đội. Hoá ra cái thảm kịch của đất nước, xã hội, là do ba cái anh lăng nhăng. Những cuốn khác viết về nông dân là nạn nhân, nhưng đây là lại là thủ phạm. Ba kẻ chẳng có kiến thức gì cả, tự nhiên làm đảo lộn hết cả xã hội…”

Không hiểu sao ý kiến của Nguyên Ngọc về ba anh đội, ba nhân vật chính trong tác phẩm của Tô Hoài, lại khiến tôi nhớ đến những nhân vật chính khác – những người đã có thời mà quyền lực nhất họ nhì trời – trên sân khấu chính trường ở Việt Nam: Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Đỗ Mười…

Thì cũng đều là cái thứ “lăng nhăng” và cũng chính là “thủ phạm” đã làm “đảo lộn hết cả xã hội” bằng nhiều chuyện kinh thiên động địa khác: Hợp Tác Hoá Nông Nghiệp, Cải Tạo Công Thương Nghiệp, Học Tập Cải Tạo, Kinh Tế Mới … Toàn là những “cơn điên tập thể,” theo như cách nhìn của Phạm Xuân Nguyên.

Cũng với cách nhìn này thì (cái được mệnh danh là) cuộc chiến Chống Đế Quốc Mỹ Xâm Lược hay Giải Phóng Miền Nam chỉ là một cơn điên vĩ đại, trong đó bao gồm rất nhiều những cơn điên nho nhỏ – chả hạn như cái cơn thảm sát, cả chục ngàn người, hồi Tết Mậu Thân.

(Tôi xin lỗi đã nổi nóng, và đi hơi xa vấn đề chút đỉnh. Nghĩ đến tình trạng đất nước – hơn nửa thế kỷ qua – chắc Bụt cũng phải nổi khùng chứ đừng nói chi đến cái thứ thường dân rất dễ sân si và dấm dớ, cỡ như tôi. Dù vậy, tôi vẫn xin được mọi người lượng thứ vì sự thiếu tự chế của mình và xin trở lại ngay vấn đề – trước khi trời sáng!)

Riêng Nguyễn Xuân Khánh – trong bài tham luận Đọc ‘Ba Người Khác’ Của Tô Hoài – đã có ý kiến rất độc đáo, xin được tóm gọn, như sau:

“Cuốn sách đã chạm tới một vấn đề rất nhạy cảm là Cải cách ruộng đất (CCRĐ)… Cuốn Ba người khác đã nói đến vấn đề to lớn ấy bằng một giọng điệu rất bình tĩnh, dung dị, không hề lên gân, hầu như rất thản nhiên mà lại ám ảnh chúng ta vô cùng. Anh em nhà văn thường bảo ông Tô Hoài khôn, hay tránh né. Cuốn sách này bác Tô Hoài chẳng hề né tránh…

Tôi chợt liên tưởng tới cách chữa bệnh về tinh thần cho con người. Người thầy thuốc, bằng những biện pháp tâm lý, tìm cho ra cái nguyên cớ sinh ra bệnh tật. Tức là làm cho nguyên nhân bệnh từ vô thức chồi lên ý thức. Ở một khía cạnh nào đó, tác phẩm văn học cũng có giá trị như vậy. Cộng đồng người cũng như một con người. Cộng đồng cũng có những ẩn ức. Đưa những ẩn ức nằm trong vô thức của tập thể trở thành minh bạch trong ý thức sẽ giúp cho cộng đồng phòng ngừa được những điều không lành mạnh trong tương lai.”

Lại Nguyên Ân cũng có nhận định (gần) tương tự:

Tôi nghĩ, đối với xã hội ta, sự xuất hiện nhữngcuốn sách như cuốn này là một cách giải toả cho một trong những chấn thương của xã hội ta. Sự kiện CCRĐ để lại một chấn thương trầm trọng ai cũng biết, nhưng những người giữ quyền ăn quyền nói ở xã hội ta lại muốn xoá đi bằng cách cấm mọi người nhắc đến. Và đó là một giải pháp sai lầm hiển nhiên, vì các chấn thương tinh thần không thể được chữa khỏi bằng bắt buộc người ta im lặng; ngược lại, chỉ bằng việc thường xuyên nhắc nhớ, ôn lại, phân tích nguồn cơn, tính đếm thiệt hại, v.v… mới là phương cách tốt, chẳng những làm nguôi chấn thương mà còn đề phòng khả năng lặp lại những tai hoạ tương tự cho cộng đồng.

Tôi có giấy phép hành nghề tâm lý trị liệu, và kiếm cơm nhờ đó. Có lẽ vì méo mó nghề nghiệp, tôi “chịu” quá nhận định của nhà phê bình Lại Nguyên Ân, và vô cùng thích thú với cái nhìn – rất Jungian và Freudian – của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, về nội dung cuốn Ba Người Khác của Tô Hoài.

Dù vậy, tôi vẫn không tin rằng một (hay nhiều) tác phẩm văn học – cho dù là kiệt tác, như cuốn Ba Người Khác chăng nữa – có thể “giải toả” những “chấn thương xã hội” do cuộc C.C.R.Đ. gây ra.

“Do pháp trị thiếu sót mà Cải cách Ruộng đất đã hỏng to đến thế.” Nguyễn Hữu Đang đã viết (như thế) trên báo Nhân Văn số 4, phát hành ngày 5 tháng 11 năm 1956. Dù chậm, chúng ta cần phải nhìn vấn đề cho minh bạch và “chính qui” như vậy – theo như yêu cầu của Nguyễn Hữu Đang, từ hơn nửa thế kỷ trước.

Họa cộng sản sẽ qua, và sắp qua. Ngoài C.C.R. Đ., còn nhiều “vụ động trời” khác nữa – Nhân Văn, Xét Lại, Đổi Tiền, Cải Tạo Công Thương Nghiệp, Mười Ngày Học Tập, Thu Vàng Bán Bãi Vuợt Biên … – chưa xử và bắt buộc phải xử, trong tương lai gần.

Vấn đề không phải là để truy thù hay báo oán. Truyền thống văn hoá bao dung dân tộc Việt không cho phép bất cứ ai thực hiện điều đó. Tuy nhiên, quá khứ cần phải được thanh thoả – và không thể thanh thỏa bằng một (hay vài) cuốn truyện– để chúng ta đều cảm thấy được nhẹ lòng, và an tâm hơn khi hướng đến tương lai.25

CHIA SẺ
Bài trướcCái giá dạy môn Sử Địa
Bài sauMặt trời chân lý chói qua tim

No comments:

Post a Comment