Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Sunday, 1 November 2020

 

Truyện ngắn: Tiên Dung

TP - Dương non le lói, tú Kèo thèm vợ lần sang gian chái. Thị Huê kêu mệt, ẩy ra. Kèo cố nài, nàng phắt dậy chằng chặt giải yếm, giọng chẳng ngái ngủ tị tẹo: “Chàng quên rồi a? Hôm nay tế Bà chúa cả họ Đinh đang trông vào chàng thôi thôi không nhưng cơ mà gì sất”. Thằng bé bị nhắc công to việc nhớn dụi hẳn.

Minh họa: Nguyễn Hùng Thanh.
Minh họa: Nguyễn Hùng Thanh.

Bùm Thượng, như tám làng khác nằm dọc sông Hồng, tôn Đức Thánh Chử Đồng Tử (1) cùng hai bà vợ là Tiên Dung công chúa và Tây Sa cô nương làm Thành hoàng. Do dòng chảy thay đổi, hình dáng bãi bồi biến hóa, tranh chấp dải đất ngoài đê liên chi diễn ra. Mươi năm trước, quan phụ mẫu điếc tai vì kiện tụng, cho Bùm khoanh đất tách ra thành làng riêng, mấy năm sau phân tiếp Thượng – Hạ,  xây đình mới, bổ Tiên Dung công chúa làm mẹ bên Thượng, đằng Hạ thờ Tây Sa cô nương. Đến đây lại to tiếng giữa các họ làng Thượng, sau quyết rằng Nguyễn tộc khai canh được quyền to nhất: phân chia ruộng vườn, bắt lính bổ phu thu thuế. Họ Đinh bé nhì lo việc làng, sai xử lúc hội hè đình đám, nghĩa là lĩnh phần sang cả. Những miếng nhẹ hều mới đến các họ thấp cổ.

Đinh Văn Kèo là em ông Cột bà Mè, anh cậu Chái cô Mái, đều chui từ đũng quần vợ cố Thượng Lương ra. Chân tú tài của Kèo được, ngoài phần sáng láng của chàng, còn là do tiền của cả họ Đinh xúm vào, kẻo mà việc lễ nghi trong làng sang tay đứa có chữ họ khác. Việc trọng sau khi trúng bảng của chàng là soạn văn tế cho kì hội đầu tiên mừng làng mới đình mới thay cái bản chín làng hằng dùng chung. Nó phải tấu lên công đức, nết người của riêng Bà Chúa để gái làng lấy làm tấm vằng vặc soi vào, mà văn chương cần bóng bẩy cao vời, đừng nôm na thành thật quá mới thành hay. Thế nên tú Kèo phải dọn mình sạch sẽ, xa hơi vợ, đăm đăm chiêu chiêu mài mực phết phẩy chọn chữ so nghĩa cho ra áng bất hủ.

Một tháng mươi ngày rồi, chẳng những thị Huê đi lại rón rén rất mực, gà chó dốt lại không cho kinh động, mà bố nàng, lão lái cau hỗn hào nhất chợ Bùm, đối với con rể cũng ra hiếu đễ cực kỳ.

Tùng! Beng beng…

Beng beng… Tùng!

Đám hội Bùm Thượng đang vào đoạn ráo riết. Trên những ngọn tre dựng dọc con đường từ bãi sông, qua mái đê vào cổng tam quan tới ngôi đình mới, cờ đại phi phùm phụp, miết lên bầu trời đang giã xuân những đường nét rất mạnh. Bến đò Bùm đông nghẹt, cỗ kiệu tám trai đinh oằn vai phải hô hét khản giọng mới xuống được con dốc, hạ cạnh mép nước. Thắp thêm tuần hương, tú Kèo ra cửa kiệu nghiêm cẩn: “Bẩm, làng mới tách ra từ tổng cũ, lễ nghĩa còn thập thõm, con được cắt cử soạn bản văn, một mực tuân theo khuôn thước chung xưa, chỉ làm đậm thêm phần hành sự công tích của Bà Chúa. Linh vị rước đến đâu sẽ đọc đến đó, xin cho mọi sự suôn sẻ ạ. Giờ rước Bà Chúa đi tắm”.

Tấm đoạn hồng lay động, bàn tay bé tý, trắng trẻo hé ra phẩy phẩy. Tú Kèo rùng mình, biết mình đang giao tiếp với tiên giới. Nhưng là người cứng cỏi, chàng ra hiệu hạ ngai thờ từ kiệu xuống, chuyển sang vai vạm vỡ. Ván bắc lên thuyền đinh dập dềnh, ông chấp sự  phải luôn mồm nhắc nhở. Cho an toàn. Kẻo nhỡ mà…

Mái chèo khua thập thễnh, khỏa sóng thật nhẹ. Bốn chiếc thuyền nan của bốn thôn hộ tống thuyền đinh ra khoảng sông giăng thừng kín để bè mảng xuôi ngược không thể héo lánh. Khẽ thôi, thật sẽ, Bà Chúa là thiêng lắm. Rồi dừng ở khoảng nước lặng nhất, không có chút xoáy nào làm vẩn phù sa dưới đáy lên. Gáo dừa khỏa nhẹ, múc lên đổ vào chum, xong lễ mễ bê đến tấm chiếu đậu giải trước khoang thuyền phủ vuông ngũ sắc. Lại kê kích, chỉnh đốn cho chắc chắn.

Tú Kèo quỳ xuống rì rầm: “Hôm nay mồng một tháng tư, hương xã Bùm Thượng chúng con mở hội, kính xin Bà Công chúa về tắm rửa mát mẻ rồi lên kiệu về đình vui cùng, cho thôn dân được ăn khao, đón một năm chẳng phải binh đao, mưa thuận gió hòa, nuôi lợn mau lớn, nong tằm óng tơ”.

Đoạn cất giọng, những lời cốt cho đám tráng đinh nghe, đặng truyền lại cho lũ lĩ con cái, để chúng biết một truyền thống rất chi huyền hoặc mà thiêng liêng. “Đức Thánh nhà rất nghèo, cha con dùng chung cái khố. Khi chết đi, cha Ngài là Chử Cù Vân dặn lại “Con cứ cử tang trần, giữ lại khố mà dùng”. Không nỡ để cha lạnh lẽo, Ngài quấn khố cho cha, đặt nằm xuống, từ đấy chịu lạnh đói, ngày ngày câu cá, thấy thuyền qua lại thì đứng nửa mình dưới nước xin ăn”.

“Mình mẩy dính vẩy bùn, da chẳng mịn, nhưng ta ngờ chàng chả nghèo đến vậy”. Thinh không rớt xuống giọng trong trẻo, ríu ran như tiếng chim. Không thấy vẻ tức giận, tú Kèo yên tâm đọc tiếp:

“Ngày nọ Tiên Dung, nàng công chúa xinh đẹp, mải chơi con vua Hùng dong thuyền đến, gặp bãi cát đẹp giữa sông thì cắm lại, bước lên vãn cảnh. Thấy đàn sáo vang lừng, tán cờ phần phật, Đức Ngài sợ hãi ẩn vào đám sậy, vùi mình xuống cát. Chả ngờ công chúa quây màn tắm đúng chỗ ấy, phù sa trôi đi để lộ mình trần. Sau cơn sợ hãi, công chúa hỏi han cặn kẽ, bèn cho là kì ngộ mà rằng “Ta nguyên không muốn lấy chồng, nay cơ sự thế này âu là do trời đất tác hợp. Chàng chớ từ chối sự sắp đặt của tự nhiên”. Nói rồi đưa Ngài lên thuyền, lương duyên bắt đầu từ đấy”.

Khăn lụa mịn màng dấp nước, làm sạch bụi bặm trên ngai thờ từ ngoài vào trong, dưới lên trên. Bà Chúa sắp được tắm gội làn nước mát mẻ hồng hào, từng làm nên duyên với chàng trai chí hiếu. Thốt nhiên có cơn gió lạnh ào ạt, đèn nến dụi đi như bị hắt nước. Tấm bài vị nghiêng ngả rồi ngã oạch, giãy lên đành đạch. Viên chấp sự lên cơn sài giật, mồm méo sẹo, bọt dãi sùi trắng như mõm trâu nhai lại. Hương chức cuống lên, cho là lão ăn chay hít khói trầm cả tuần nay đâm phải gió, bèn hối quay về, cứu lấy mạng người là khẩn. Chả ngờ thuyền không có neo, mà chống đẩy thế nào cũng không rục rịch nổi. Trong lúc hiểm nghèo, thầy lý thụp xuống tế sao.

“Ta giận nhưng chả lẽ lấy mạng đứa mới đỗ tú tài. Cho vào bờ rồi hỏi tội”. Tiếng đàn bà từ vòi vọi cao xủng xoảng rơi xuống. Bài vị chợt tự đứng dậy khiến ai nấy điếng hồn. Lại xì xụp một thôi, mới  múc nước tắm gội cho Bà, rồi lau thật khô cho li ti không còn hạt bụi.

Thuyền đinh quay lại bờ với đoàn hộ tống là lũ thuyền nan bé mọn. Ngai thờ được chuyển lên, ván gỗ dập dình chỉ sợ Bà giận lăn xuống nước. May không sao. Bèn lại thỉnh Ngài lên kiệu. Tú Kèo sau hồi sợ hãi đã yên tâm, cao giọng: “Vợ chồng vui mừng xiết nỗi quay về bá cáo lương duyên kỳ ngộ giữa trời nước. Chả ngờ vua Hùng nổi giận mà rằng “Tiên Dung không biết trọng danh tiết, chơi bời đường sá không tiếc tiền của của ta, lại lấy kẻ nghèo hèn. Từ nay mặc nó…”.

Tám tráng đinh nhấc kiệu lên vai vạm vỡ, thập thõm lên mái đê. Khỏi con dốc xuống đồng, quãng quang quải rộng rãi, chợt cả cỗ xiêu đi, thốc vào đống mả ăn mày. “Lũ khốn nhân lúc nghỉ lại uống trộm rượu!”. Thầy lý giận dữ. Nhưng cả bọn đã nhào sang trái, xéo nát bụi dứa dại, máu me tứa ra mà chả đau. “Choãi chân ra. Ngu quá thế. Bấm chặt ngón xuống đất chứ”. Vừa nạt vậy thì kiệu giật lùi lên đê, sầm sầm đâm tan tấm lim cửa điếm canh.

Kiệu bay! Đám rước rạp cả xuống im phắc, nghe rõ tiếng mũi trâu phịt phịt. Hương chức tái dại chả biết nên cầu khấn câu gì. Riêng tú Kèo mặt mũi ngơ ngơ, tai giỏng lên chờ đợi từ thinh không. Chàng biết lắm, có chuyện rồi, phải bình tĩnh nghe lời phán rồi chín chắn giải trình, chỉ mình chàng linh thông thôi. Kiệu nhô lên hụp xuống điên cuồng mà bài vị không đổ, tức thị Nhà Người còn cho phép đối đáp. Được Nho học dậy dỗ không được hãi những xằng bậy, phép phù thủy chỉ cốt lọc lừa bọn dân ngu, chàng có chút tỉnh táo hơn đám đông. Bèn đợi.

Chốc nhát lời giận dữ cất lên: “Danh tiết là cái chi chi? Bọn Nho sinh đời sau bịa tạc, chứ hồng hoang nào đã có gì. Bên ta toàn đám gọi dạ bảo vâng một mực phân trên dưới rất đáng chán. Lại chân yếu tay mềm eo éo lại cái, nói ù tai chả rõ ý tứ ra sao, hiểu chửa? Ta là đứa con gái thích dong chơi thật, luôn làm theo ý mình cốt không hại đến ai, ở với vua cha quả có chút tù túng.

- Thưa vâng, tú Kèo lấp lửng.

- Cha sắp cho vài đám để chọn lựa, thảy đều nhạt nhẽo. Ta tự hỏi ngoài kia chim kêu gió thổi, sông nước mênh mang dội tiếng tù và, hẳn có bao kì thú, bèn cất lẻn ra đi. Nhưng thôi, phu kiệu đã hết hơi cả, tha cho họ, để về đình kể tiếp kẻo hỏng đám hội. Mà cậu tú như có điều gì…

- Thưa có nhiều nhẽ, nói ra sợ Bà Chúa phạt.

- Ta cũng muốn nghe, biết nghe đấy, mà pháp lực chả phải vô biên để trừng phạt cả. Thế đã…

Kiệu dừng bay. Khổ thân trai đinh, những tấm thân rắn đanh như gỗ lim bầm dập trong bụi dứa dại, ngộp thở tưởng sắp chết mà không dám hạ ngai. Cũng chả ai dám vào thay. Chốc nhát máu me ngưng chảy vết thương kín miệng, họ lại xốc dậy, bon bon khiêng cỗ kiệu về đình. Như chưa có gì xẩy ra.

Tuần hương mới thắp lên. Linh vị vừa tắm gội được thỉnh lên khám thờ. Mọi khi đã sắp mâm chén cụ chén tôi, hôm nay chưa ai dám động cỗ, vì văn tế chưa đọc xong, người thông với tiên giới còn gồng mình trước khám thờ. Đâm các cụ sỉa răng suông choanh choách, nước bọt suốt lượt nuốt xuống.

Lạ thay, tú Kèo quỳ cả nửa canh giờ chả mỏi. Gương mặt có nét mơ màng, mơ hồ như nụ cười mụ dậy. Bởi vì chàng đang nghe thủ thỉ…

“Một chạp qua, giêng hai đến, gió hây hây xiêu làn mưa bụi, cả thân thể lẫn tâm hồn ta run rẩy đón hơi xuân. Đám sậy giữa sông rì rào, đong đưa những thân hình mềm mại. Mải đuổi theo cánh chim trả chao liệng, ta thấy cả vầng nước đổ lên mình. Rồi chàng trai hiện lên, mình trần, những bắp thịt thuôn dài óng ánh giọt tuôn rơi. Đẹp không thể tả, đến nỗi ta không nghe ra câu trách móc “Nàng làm vuột mất con ngạnh rồi”. Nhưng câu sau lại là “Tôm nướng đã thơm, nàng có muốn thử…”

Cỗ bàn ruồi bu, tiết canh vữa, rượu để hả, canh bí lòng gà hâm lại, tú Kèo vẫn ra đờ đẫn.

“Chàng nghĩ gì nói nấy, chân chất, đôn hậu, ngày ngày bắt cá đổi lấy vật dụng. Có nhà hẳn hoi, dựng trên mom, dưới gốc gạo cuối xuân đơm hoa đỏ rực. Cánh tay chàng rắn chắc, đùi thuôn, cả người không tị mỡ, khác hẳn đám lưng dài hằng muốn làm rể vua cha. “Nàng biết vì sao đám sậy rì rào không? Rằng dưới gốc có quả trứng chim nước đấy. Còn ngọn gió bay về đâu, đố nàng biết…”. Lời lời như vậy quên sao được. Bên trên là bầu trời cao chói lọi, dưới lưng phù sa mịn màng, ta và chàng hòa vào nhau, cuộc hân hoan quá thuần khiết”.

“Từ đấy ở lại, hàng ngày con cá mớ tôm, chăm chút từng tay khoai, ngọn cờ ngô cho rười rượi. Tình ấy giản dị, phẳng lặng mà không thể quên, không gì đánh đổi được”.

“Nhưng cũng đến lúc phải trở về. Nghĩ vua cha chả vừa ý lấy người vô danh, ta đặt chuyện quây màn tắm giữa bãi sậy rồi gặp lương duyên kì ngộ, nhưng cũng chẳng được thuận lòng. Thế là bỏ đi, để lại kẻ hầu người hạ cùng những kẻ chầu chực ra vào chiều ý vua cha. Vợ  chồng sang một đoạn mới. Đấy, chuyện thực là vậy, bao nhiêu sự tích khác đều do người đời sau thêu dệt láo khoét nên. Nhưng thôi, cỗ bàn đã từ nguội sang lạnh, cậu tú chắc cũng đã đói”.

Mâm bát bắt đầu xì xụp. Xương xẩu rau ráu, mặt này đỏ lên mặt khác chuyển sang tái. “Vả vào cái mồm bô bô. Có để cậu tú nghe được nhời người trời không, hử!”. Câu nhắc to của chánh hội làm chàng nho sinh tỉnh táo vào cuộc đối đáp.

- Con nghe và tin cả. Nhưng…

- Ta thích được gọi bằng “chị” cho dễ giãi bày.

- Niềm hoan lạc ấy thật khó chối từ, là em thì cũng không thể làm khác. Nhưng nó bình dị, ít sự đường đột biến động quá, thuật lại thì người hôm nay thấy phẳng phiu đến nhạt nhẽo.

- Ừ. Đám đông bao giờ chẳng ưa cái bất thường dị đoan.

- Chị là người tiên, “anh” được tôn vào hàng Thánh Bất tử rồi, văn tế làng Bùm Thượng chẳng thể khác tám làng kia quá. Sao chị chẳng giáng lúc cả chín làng còn phụng thờ chung các vị?

- Ta làm sao cãi lại miệng thiên hạ lúc còn ngồi chung ngai với ông chồng bất tử. Giờ ra ở riêng, nghĩ thân phận thật của mình mới nổi cơn ngứa mồm, chả ngờ… Thôi cũng là do ta tùy tiện. Còn gì nói nốt đi, sao cứ ngập ngừng rụt lưỡi?

- Cái này là lợi riêng nên khó nói. Họ Đinh bị cánh Nguyễn đè, tranh đấu mãi mới được chân thảo văn tế tụng ca công đức Thành hoàng, đều là dồn vào em. Rõ khổ, ai bảo trúng tú tài gánh cho cả họ. Còn gia đình nữa, chén rượu cho bố phẩm oản của mẹ giữa thiên hạ, chân giò nải chuối cho vợ con ở nhà, đều trông vào đấy. Bỗng dưng văn tế bị Thành hoàng quở e rằng sạch sành sanh. Mà những ông tú ông cử tám làng kia đâu có bị. Cơ khổ đấy ạ.

- Nghe cậu nói tôi mới thủng. Khó thật. Thánh thần được thượng hay chỉ trung đẳng, bất tử hay không, đều là do trần giới, đương thời quyết cả.

Thinh không yên lặng. Dưới này cỗ bàn rào rào thế mà chàng vẫn mê man. “Thôi thế thì thôi nhà cậu muốn tế xướng tụng ca bóp nặn thành cái gì thì tùy. Chỉ cần cậu biết là ta đã có một tấm tình đầy đặn, cuộc giao hòa giữa đất trời đẹp đẽ để say đắm đến hết đời”.

“Ta đi đây”, chốc nhát câu ấy mới rơi xuống. Tú Kèo thở ra nhẹ nhõm, chợt réo rắt “Chị ơi…”.

- Lại còn gì?

- Cái đoạn chị gả vợ trẻ cho chồng, em muốn nghe tình thực.

- Ối chao ôi cậu tú biện bác đáo để lại còn hỏi cắc cớ. Sự này ta không kể đâu.

Nhoàng cái người tiên biến mất, để lại làn khói trầm mặc. Chợt lách cách lách cách rung động trên nóc đình. Quan viên ngưng gắp ngó lên. Trên ấy hiện ra bức tượng gỗ chạm đám sậy, ở giữa có người con gái đẹp đẽ nửa như bay múa hân hoan nửa lại trầm ổn, tự nhiên tự tại.

Làng Bùm trở lại bình lặng, lễ Thành hoàng theo quy củ đã định, văn tế là bản vừa soạn ra, hàng năm thay can chi cho hợp. Chỉ có trong cuộc đông đúc, thỉnh thoảng tú Kèo nhìn lên bức chạm trên nóc đình, ánh mắt bao nhiêu là chan chứa… 

(1) Tức Thánh Chử Đồng Tử trong Tứ Bất Tử

truyện ngắn văn nghệ - ảnh 1Thông qua cuộc giao tiếp kỳ lạ âm/ dương, cụ thể là một anh tú đứng vai chủ tế và Tiên Dung công chúa, tín điều linh thiêng bị sự thật cuộc đời “bóc mẽ”, huyền sử chứa đầy những đạo đức, những lãng mạn bị tình yêu thô tháp, hoang dã hạ bệ. Giải thiêng - có thể nói như vậy - nhưng cách giải thiêng ở đây rất nhẹ nhõm như cuộc đời vốn thế.

Nhà văn kỹ đến từng chi tiết, hiểu rõ phong tục, sử liệu và tâm lý con người. Ở đây tất cả đều đẹp, dưới cách viết điêu luyện của Trần Chiến.      

L.A.H






Tin tài trợ
Mgid

No comments:

Post a Comment