Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Saturday 28 November 2020

Đường đi không đến

< A >
Nguyễn Dân (Danlambao)
- Bỏ ra trên 75 năm, làm cho một đất nước tan tác, điêu tàn, một dân tộc hy sinh dài lâu khủng khiếp. Từ 5 đến 10 triệu mạng người ngã xuống trên mọi nẻo đường… để giành lấy cho cái gọi là “giải phóng miền Nam” trí trá, gian tà, ma mị. Đảng CSVN ngày hôm nay, họ đã thu lấy được gì?

- Độc lập, tự do? Lếu láo! - Hạnh phúc ấm no? Xảo biện! Bằng những luận điệu phỉnh lừa, gian manh, trân tráo, đốn mạt khôn lường.

Họ vẫn không ngớt tự hào: thắng lợi vẻ vang, quyết tâm tiến bước trên con đường quang vinh, sáng lạn? Con đường xây dựng XHCN tiến lên thế giới đại đồng, theo một giáo điều cũ xưa, lạc hậu – Mác Lê – Hì hục cả gần hơn thế kỷ đứt đoạn, sụp đổ, vá víu, và đắp xây chồng chất với hàng triệu triệu xác thân.

Một lần họ bảo: “Đến hết thế kỷ này (80 năm nữa) không biết có được hoàn thiện CNXH hay chưa?” Họ vẫn cứ hô hào: quyết tâm và kiên định? Quyết tâm tiến bước trên con đường mà Bác và Đảng đã vạch ra: “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, dù có phải hy sinh đến người VN cuối cùng, cũng quyết tâm giành thắng lợi”.

30/4/1975 là dấu móc cho một chặng đường - chặng đường cùng cực cho mọi hy sinh - cả hai miền đất nước. Miền Bắc, chủ trương “thắt lưng buộc bụng”. Thắt cho chặt và buộc cho còn da bọc thân: đói không được ăn no, rách không được mặc lành, phải tận dụng mọi thứ và hy sinh triệt để để mà chi viện, để mà dốc lòng giải phóng một miền giang sơn trù phú phồn vinh (cho là giả tạo), chẳng màng tuông đổ máu xương.

Đường đi không đến:

Nhà văn (XHCN) Xuân Vũ cũng đã rất tinh tế, chân thật, viết ra một tác phẩm đau thương - hồi ký Đường Đi Không Đến – vung vải qua cuộc hành trình với bao nhiêu là mồ hôi, máu xương tuông đổ, lăn lóc, ngã qụy với vô số những thân xác con người - lực lượng để đi vào giải phóng miền Nam – cùng cực với những thảm cảnh đói khát, bệnh hoạn, chết chóc… tô bồi cho giấc mộng xâm lăng.

Và sau đây, xin được lượt trích đôi phần:

“…Bác đã cho con đi vào con đường tối đại vinh quang này để cho con tận hưởng hương vị sốt rét và chịu đói đến tận cùng, rồi Bác mới cho ca cháo loãng này. Ơn ấy con nguyện kết cỏ ngậm vành. Ngày nào còn sống, con nguyện đền đáp…

“… Chung quanh đây (tức Trường sơn) toàn là loài thú, chỉ có tôi (tức anh ta) là người. Ghê gớm thật…

“… Tóm tắt câu chuyện là vậy. Có lẽ câu chuyện này nên được viết ra và xuất bản bằng tất cả ngôn ngữ trên thế giới, và điều cần yếu nhất là các vị chủ tịch đảng nên đọc…

“… Vì thế cho nên trước khi có ý định giải phóng miền Nam thì những người bày đặt ra cái chuyện đó phải tự hỏi mình: “miền Nam có cần giải phóng không?” Giải phóng xong họ sẽ mang đến miền Nam những gì? Nếu không phải là phiếu đường, phiếu vải. Nếu không phải là những cuộc họp liên miên, và những Nghị Quyết, những Chỉ Thị, những cái nôm sắt chụp vào đầu thiên hạ. Nếu không là một cuộc cải cách ruộng đất tái diễn, mà kết quả không có gì khác hơn là một cuộc sửa sai, sửa những sai lầm không đời nào sửa được. Các vị ấy đã thua và sẽ thua trận vì bệnh chủ quan. Đó là điều chủ yếu…

“… Tôi bi quan đến nỗi muốn nói rằng: nằm tại đây và làm phân bón cho cây Trường Sơn thêm xanh, và đỉnh Trường Sơn thêm cao, cho vinh quang của Bác và Đảng cao ngất và chói lòa khắp biển Đông. Nhưng tôi tốp lại cái ý nghĩ đó kịp thời, và tôi nói giọng lạc quan hơn… Anh nằm tại đây đến mai anh sẽ tiếp tục đi…

“… Trên đường Trường Sơn bỏ nhau là chuyện tất nhiên. Người bỏ đi hình như cũng không ân hận gì hết. Còn người bị bỏ lại cũng không - hoặc không nên - lấy đó làm buồn, vì cái luật chung là: ai cũng là kẻ bị bỏ rơi, và ai cũng sẽ bỏ rơi người khác. Cho nên cuối cùng rồi không ai ân hận, không ai trách ai…

“… Cha mẹ tôi sinh tôi ra cho tôi theo cách mạng chín năm chống Pháp, rồi cho tôi ra Bắc để xây dựng lực lượng đặng trở về Nam thống nhất đất nước với lòng tin tưởng vô biên, có ngờ đâu tôi được đối xử thế này? Tôi không còn nghĩ đến cái điều vinh quang mà người ta gán cho tôi lúc tôi sắp ra đi – cái vinh quang chói lọi tưởng chừng bằng tất cả sự vinh quang của dân tộc trong thế kỷ đau thương này góp lại. Nhưng lạy Chúa, con lạy Đức Mẹ nhân lành, nếu có thể, con xin qùi gối mà trả lại tất cả cho người đã ban phát cho con, hoặc con xin lấy nó ra làm hiện vật để đánh đổi một sự nhỏ nhoi hơn nó gấp vạn lần, đó là tránh cho con cơn sốt sắp tới đây mà con cảm thấy nó đang lù lù đi tới…

“Phi sốt rét bất thành giải phóng”. Ở rừng riết rồi xem khỉ cũng đẹp, và tưởng chừng mình cũng thành khỉ nay mai… “Nhất Trạm (giao liên), nhì Trời”…

“… Rồi sẽ thấy cái lý tưởng mà họ đặt cho những người khác tôn thờ sẽ chẳng bằng nắm cơm thiu, hay những ngụm nước trong bi đông trên con đường này…

“… Ai hỏi tôi gì gì tôi cũng tìm cách nói dối, trừ khi nói thật có lợi hơn nói dối thì tôi sẽ nói thật. Tôi thấy mọi người đều nói dối rất hồn nhiên, ngay cả những gì người lớn nói những chuyện tày trời, nói lừa, nói đảo, thì việc gì mình thẳng ruột ngựa cho thiệt thân…

“… Tôi thấy có sự vô lý đã đi đến mức cùng cực của nó, không còn ai có thể giải thích được nữa, không có cái gì vô lý hơn nữa…

“… Tôi thấy thương thân, tủi phận và oán ghét những thằng hiện đang phè phỡn ô tô, nhà lầu, luôn luôn chủ trương đánh nhau (bằng tay người khác) nhưng đến tiếng súng cũng không nghe thấy, đừng nói chi cầm súng. Con cháu họ thì đứa đi Nga, đứa đi Tàu – đi học để sau này về làm cha thiên hạ. Còn lũ con cái bần cố nông thì cứ lùa vào con đường vinh quang này, như người ta ném những que củi vào lò lửa không thương tiếc…” (hết trích).

Bao nhiêu thảm cảnh thương tâm, chán chường và bất mãn… với những người con yêu tổ quốc theo tiếng gọi (bắt buộc) phải lên đường, để rồi đôi lúc như là “đem con bỏ chợ” (bỏ rừng), tự lực cánh sinh, tự lo thân phận để tự sinh tồn trong (khung cảnh) trùng điệp bao nỗi gian truân…

Trên đây chỉ là “trích đoạn”, trong chỉ có mấy chương (trong một tác phẩm 33 chương) vằn vặt qua cuộc hành trình hiển hách, quang vinh. Đường đi không đến - bao xác thân vùi lấp vội, bỏ lại bên đường để yên tâm mà tiếp bước…

Ai còn, ai mất thì đã rõ rồi. Tiếp nối là gì? - Là cướp!

“Không gian dối, không là người CS. Không chiếm đoạt, không phải là anh giải phóng quân”. Câu nói chí lý, bất hủ.

“Giải phóng miền Nam”, đúng ra là đi xâm chiếm một vùng đất nước của quê hương trù phú, thịnh vượng không ngờ? Các anh giải phóng quân về thành không khác gì thảo khấu rừng xanh bao năm từ hang động với bộ dạng xanh xao gầy guộc – răng hô mã tấu - được chào đón vang dội, tưng bừng, đón những đứa con trong khí thế “hùng anh”…

Cái gì cũng lạ, thứ gì cũng đẹp, cũng sang… mà cả đời chưa tận mắt. Từng khối “chiến lợi phẩm” mặc sức mà chia phần, mà mang, mà vác, mà xách, quẩy, chở đưa về, bù đắp mấy mươi năm thiếu thốn khó khăn, bù trừ cho những ngày “thắt lưng buộc bụng”. Vui mừng bao kể xiết. Quá đổi quang vinh. Tự hào chiến thắng vang dội thành công, tha hồ khoe mẻ…

Và rồi, cũng chỉ có được 10 năm, một đất nước lại được sang (cào) bằng, Bắc Nam trở về cùng cảnh ngộ: cùng đói, cùng khổ, cùng cực xác xơ…

Tội nghiệp thay, bao bà mẹ già miền Nam chắt chiu mọi thứ, nuôi nấng bảo bọc “đàn con” đi làm cách mạng. Bao hy vọng tiêu tan, niềm tin cháy rụi. Bây giờ, tụi nó vinh thân, ấm cật, sang cả đủ đầy. Chúng chẳng đoái hoài. Những bà mẹ cả đời cực khổ hy sinh, cứ phải hy sinh tiếp tục – Của cải, nhà cửa, đất đai, vườn tược…bao Chính Sách đề ra cướp sạch, không còn… Kiếp đời Mẹ trở thành đàn “dân oan”, lang bạt, lê la khắp chốn…

Người ta nói: Chỉ có ăn mà không biết chăm nom, giữ gìn, xây dựng… thì của núi cũng không còn, đã được chứng minh là đúng. Sau 45 năm, một đất nước tan hoang, những cuộc đời dân đen đi xuống - xuống tận cùng đáy vực. Chỉ có “đảng ta” là… thắng lợi, quang vinh.

Đến hết thế kỷ này, không biết CNXH có được hoàn thiện (hay chưa)?

Một chủ nghĩa đã qúa lạc hậu lỗi thời. Một chủ thuyết từ cái nôi sinh ra nó, người ta (thức thời) vứt bỏ. Riêng Ta, miệt mài, quyết tâm, kiên định. Chỉ vì còn lợi, còn quyền, còn vì nhờ đó mà nhũng lạm kiếm ăn. Sao lại từ bỏ?

Theo thiển nghĩ: Không cần phải chờ 80 năm nữa, không đợi đến hết thế kỷ này. Do thiên tài “Đảng Ta” sẵn có, chỉ cần tát cạn biển Đông, phá sạch cho bằng hết cây rừng (Trường Sơn), không còn một người VN cuối cùng (theo như lời Bác) - chỉ có người Tàu - CNXH hoàn thiện, cách mạng hoàn thành.

25/11/2020  

Bấm vào để tìm

 

No comments:

Post a Comment