Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Monday 4 January 2021

12 PHONG TỤC TRUYỀN THỐNG CẦN PHẢI GÌN GIỮ TRONG NGÀY TẾT CỔ TRUYỀN VIỆT NAM

Tết là dịp gia đình quây quần, đoàn tụ bên nhau sau những ngày làm việc vất vả. Với người Việt Nam, tết Nguyên đán là dịp lễ lớn nhất trong năm. Trải qua bao nhiêu năm, những phong tục cổ truyền của người Việt vẫn giữ được những nét bản sắc dân tộc.

Những phong tục cổ truyền không chỉ là những hoạt động mang tính tượng trưng, mà còn là những điều gắn kết tình cảm của mọi người và còn làm trỗi dậy tinh thần dân tộc của mỗi người con Việt Nam.

  1. Tống cựu nghinh tân

Cả nhà cùng nhau dọn dẹp nhà cửa là một truyền thống gắn kết tình cảm của cả gia đình

Những ngày cuối năm, người Việt có phong tục quét dọn nhà cửa sạch sẽ, mua sắm đồ dùng, quần áo mới. Người lớn cũng dặn dò con cháu, trong giây phút chuyển giao sẽ không cãi cọ, không trách phạt hay mắc lỗi. Những người có hiềm khích với nhau cũng xí xóa hết, giây phút năm mới chỉ chúc tụng nhau những gì tốt lành và may mắn.

  1. Đưa ông Táo về trời

Ngay từ ngày 23 tháng Chạp, các gia đình Việt Nam đã dọn dẹp sạch sẽ nhà bếp để cúng ông Công, ông Táo, lễ cúng truyền thống phải có cá vàng để tiễn ông về trời, mong ông sẽ báo cáo với Ngọc Hoàng những điều tốt vì theo quan niệm dân gian đây là ngày mà Ngọc Hoàng sẽ trách phạt hay thưởng gia chủ dựa trên những gì mà ông Táo báo cáo.

  1. Gói bánh Chưng, bánh Tét

Bánh Chưng, bánh Tét là một món chưa bao giờ có thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc

Truyền thống gói bánh chưng, bánh dày là một phần không thể thiếu của ngày Tết cổ truyền Việt Nam. Bánh chưng hình vuông, màu xanh, tượng trưng cho Đất – Âm. Bánh dầy hình tròn, màu trắng, tượng trưng Trời – Dương, thể hiện triết lý Âm – Dương. Bánh chưng dành cho Mẹ, bánh dày giành cho Cha. Bánh chưng bánh dày là thức ăn trang trọng, cao quý nhất để cúng Tổ tiên, thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn, nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục to lớn, bao la như trời đất của cha mẹ.

  1. Chơi hoa ngày Tết

Ngày Tết, người Việt thường mua những cây hoa tượng trưng cho sự may mắn như: đào, mai, quất..để xua đuổi tà ma, cầu cho một năm mới luôn vui vẻ, hạnh phúc, thịnh vượng, viên mãn cho cả gia đình.

  1. Chưng mâm ngũ quả

Bày mâm ngũ quả cũng là một phong tục không thể thiếu trong ngày Tết của các gia đình Việt. Mâm ngũ quả tượng trưng cho Kim- Mộc- Thủy- Hỏa- Thổ, 5 yếu tố cấu thành nên vũ trụ theo quan niệm của Khổng giáo với nghĩa chung sâu sắc, gắn liền vơi sụ hiếu thảo và mong muốn những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới.

  1. Thăm mộ tổ tiên

Con cháu thường đi thăm mộ tổ tiên từ khoảng 23 đến 30 tháng chạp, sửa sang, dọn dẹp để bày tỏ lòng hiếu thảo và mời vong linh tổ tiên về với con cháu.

  1. Cúng giao thừa

Thời khắc giao thừa luôn mang lại những cảm xúc thiêng liêng cho mỗi con người Việt

Cúng giao thừa thường phải làm hai lễ, một lễ cúng trong nhà và một lễ cúng ngoài trời. Sở dĩ người Việt Nam làm lễ cúng giao thừa vì niềm tin rằng: Một năm bắt đầu, ắt phải có kết thúc. Ý nghĩa của buổi lễ cũng là: bỏ hết đi những ân oán năm cũ, nghinh đón năm mới đến với tài lộc và những điều tốt đẹp.

  1. Xông đất

Xông đất là một phong tục rất quan trọng của người Việt Nam vì họ quan niệm rằng, người xông đất sẽ quyết định cả một năm vui vẻ, phát đạt hay không may mắn của mình. Vì thế, họ thường mời những người có vận may, có tuổi hợp với chủ nhà đến xông đát vì họ tin rằng, người đó sẽ mang may mắn, điềm lành trong suốt cả một năm. Người xông đất phải ăn mặc chỉnh tề, sau đó phải đi hết 1 vòng quanh nhà với hi vọng may mắn sẽ luôn tràn ngập.

  1. Xuất hành đầu năm

Ngày mồng một đầu năm, người Việt Nam thường chọn giờ đẹp, hướng đẹp để xuất hành, hi vọng có năm mới may mắn mỗi khi bước chân ra khỏi nhà.

  1. Chúc Tết và Mừng tuổi

Những lời chúc dành cho nhau kèm theo những phong bao lì xì đỏ luôn mang lại cảm giác bình yên, niềm vui, sự hạnh phúc

Người Việt có phong tục đi chúc Tết họ hàng, bạn bè trong những ngày Tết. Thường trong sáng mồng một Tết, con cháu sẽ tới chúc thọ, mừng tuổi ông bà, cha mẹ mình. Sau đó, con cháu được ông bà, cha mẹ mừng tuổi lại những đồng tiền mới đựng trong phong bao lì xì màu đỏ để lấy may kèm theo những lời chúc các con cháu hay ăn chóng lớn, học hành giỏi giang, hạnh phúc, vui vẻ trong năm mới. Tiền mừng tuổi không quan trọng ở số tiền nhiều hay ít mà quan trọng ở ý nghĩa.

  1. Đi lễ đầu năm

Phong tục đi lễ chùa trong những ngày đầu của năm mới là một nét đẹp văn hóa tâm linh trong đời sống mỗi người Việt. Đi lễ chùa đầu năm không chỉ là để cầu xin một năm mới may mắn, phúc lộc và tỏ tấm lòng thành kính của mình đối với đức Phật, tổ tiên.

  1. Hái lộc

Người Việt quan niệm những phong bao lì xì đỏ mang lại sự may mắn cho cả năm

Hái lộc đầu xuân là nét đẹp truyền thống trong năm mới của người Việt. Hái lộc thường được thực hiện vào đêm giao thừa hoặc sáng sớm mùng một Tết để cầu may mắn, rước lộc vào nhà.

Sưu tầm

 

 

 

 

No comments:

Post a Comment