Sát Đại hội 13, vẫn chưa biết ai là ‘người đặc biệt’ được chọn ở lại
Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn chưa chốt được ai sẽ là Tổng Bí thư do chưa chọn xong “trường hợp đặc biệt” trên 65 tuổi, mặc dù Đại hội 13 sắp khai mạc ngày 25/1.
BBC được biết Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, còn ít nhất một cuộc họp, có thể diễn ra ngày 9/1, để bàn thảo về ứng viên cho bốn chức danh Tứ Trụ, và các trường hợp trên 65 tuổi được giới thiệu tiếp tục ở lại.
Theo Quy định chặt chẽ của Đảng, nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư lần đầu không quá 60 tuổi; Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII tái cử không quá 65 tuổi.
Chờ đợi
Đến giờ này, sự quan tâm đặc biệt đang dành cho hai trường hợp trên 65: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sinh năm 1954 và Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, sinh năm 1953.
Ông Nguyễn Xuân Phúc chỉ mới làm Thủ tướng một nhiệm kỳ, và chính phủ giai đoạn 2016-2020 được đánh giá cao trong quản trị kinh tế, xã hội Việt Nam.
Còn ông Trần Quốc Vượng được giới quan sát từ hai năm qua xem là một trong vài ứng viên hàng đầu cho chức Tổng Bí thư, kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành Quyết định 1722/QĐ-TTg ngày 03/11/2020 về Danh mục bí mật nhà nước của Đảng.
Quy định này nói mức độ Tuyệt mật liên quan: Báo cáo, tờ trình, thông báo, quyết định, kết luận, công văn của Trung ương Đảng về quá trình chuẩn bị, đề án, phương án nhân sự Ủy viên Bộ Chính trị là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư chưa công khai.
Một phần do quy định này, mà thông tin về quy hoạch Tứ trụ đến giờ vẫn “kín như bưng”.
Trong bối cảnh này, BBC đã cố gắng hỏi những người có sự quan tâm, hiểu biết về chính trị Việt Nam.
Đặc biệt, BBC cũng hỏi một vài nguồn tin có quan hệ cấp cao, không chỉ những người phát biểu theo góc độ cá nhân mà không có nguồn từ trong Đảng.
Tổng hợp các nguồn, BBC được biết Bộ Chính trị đã có một cuộc họp trong tuần cuối cùng của năm 2020.
Tại đây, các vị lãnh đạo chóp bu đã bàn về các phương án bao nhiêu “trường hợp đặc biệt” được giới thiệu ở lại.
Dường như đa số, với tỉ lệ sát nút, trong Bộ Chính trị ở cuộc họp này ủng hộ phương án chỉ một người trên 65 được ở lại khóa 13.
Nhưng phương án 2 người trên 65 vẫn chưa bị bác bỏ vì vẫn có một số trong Bộ Chính trị ủng hộ.
Vì thế một cuộc họp tiếp theo của Bộ Chính trị, có thể trong ngày 9/1/2021, sẽ tiếp tục bàn và cố gắng chốt trước khi Hội nghị Trung ương 15 diễn ra.
Đảng Cộng sản trước đó đã công khai rằng tại hội nghị Trung ương 15, chưa rõ ngày trong tháng Giêng, Bộ Chính trị sẽ "báo cáo các trường hợp đặc biệt để Trung ương quyết định, giới thiệu ra Đại hội 13 của Đảng".
Chỉ khi Bộ Chính trị xác định bao nhiêu người trên 65 được giới thiệu ở lại, họ mới có thể chốt nhân sự giới thiệu cho các chức danh chủ chốt gồm Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội.
Nói với báo chí Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký kiêm ủy viên thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, cho biết thêm chi tiết:
"Đối với các trường hợp đặc biệt không phải chỉ có Bộ Chính trị quyết là xong, mà Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương, Ban Chấp hành Trung ương lại phải trình Đại hội để xem có nhất trí danh sách giới thiệu để bầu."
"Tinh thần của khóa này cũng vậy, những trường hợp đặc biệt Bộ Chính trị phải xem xét một cách toàn diện, có thực sự đặc biệt không.”
Trong tinh thần này, dù Bộ Chính trị có giới thiệu bao nhiêu người trên 65, phương án đó vẫn phải phụ thuộc lá phiếu của Trung ương Đảng, trước khi được trình ra Đại hội 13.
Việc chuẩn bị nhân sự cấp chiến lược của ban lãnh đạo khóa 12, chuẩn bị cho khóa 13, được xem là nghiêm ngặt hơn các nhiệm kỳ trước.
Sau khi là “trường hợp đặc biệt” duy nhất trong Bộ Chính trị được bầu lại năm 2016, ông Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh phải đổi mới về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ.
Đầu năm 2020, ông ban hành Quy định 214/2020 thay cho Quy định 90/2017 quy định tiêu chuẩn cho các chức danh.
Ví dụ, Quy định 214 yêu cầu lãnh đạo “không trục lợi và cũng không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi”.
Quy hoạch lãnh đạo
Lần đầu tiên Bộ Chính trị thành lập một Ban chỉ đạo chỉ để xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược cho một nhiệm kỳ 2021 – 2026 do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban.
Số cán bộ cấp chiến lược kỳ này được đưa vào quy hoạch cho giai đoạn từ 2021 chỉ là hơn 220 người, giảm gần 300 người so với số quy hoạch khóa trước.
Ông Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu tập trung quy hoạch nhân sự phục vụ Đại hội 13, không thể vừa quy hoạch nhân sự khóa 12, vừa quy hoạch nhân sự cho các nhiệm kỳ tiếp theo như nhiệm kỳ trước.
Việc chuẩn bị nhân sự lâu nay được tiến hành theo quy trình 3 bước là hai lần trình Ban thường vụ, một lần trình Ban chấp hành
Nhưng đến thời kỳ sau 2016, Bộ Chính trị đặt ra quy trình 5 bước: hai lần trình Ban thường vụ, hai lần trình Ban chấp hành và một lần lấy ý kiến cán bộ chủ chốt.
Dự kiến Đại hội 13 sẽ bầu ra khoảng 200 ủy viên Ban chấp hành Trung ương khóa mới, trong đó 180 ủy viên chính thức, 20 ủy viên dự khuyết (số lượng bằng khóa 12).
Số lượng ủy viên Bộ Chính trị khóa mới dự kiến giữ như khóa 12, từ 17 đến 19 người, Ban Bí thư từ 12 đến 13 người.
No comments:
Post a Comment