TẾT SÀI GÒN VÀ TẾT HÀ NỘI CÓ GÌ KHÁC NHAU?
Người Sài Gòn hay Hà
Nội đều có những các tận hưởng ngày Tết của riêng mình. Cùng nhau khám
phá thêm về cách đón Tết của hai vùng nhé!
1. Thời tiết và trang phục ngày Tết
5. Kiêng kị ngày Tết
Ở hai đầu đất nước nên Hà Nội và Sài Gòn đón Tết trong hai thời
tiết khác hẳn. Ở Hà Nội, Tết đến đồng nghĩa với những ngày mưa phùn lất
phất và những cơn gió mang theo hơi lạnh thổi vù vù cả ngày lẫn đêm. Ai
đó từng nói: “Ở Hà Nội mà chưa thấy lạnh là chưa thấy Tết”. Bởi thế cho
nên, người Hà thành ra ngoài ai nấy đều khăn bông quấn kín mít, áo ấm to
đùng che kín người, và cả những đôi ủng dày cao tận bắp chân.
Thời tiết giá lạnh và trang phục ấm áp ở Hà Nội dịp Tết
Trong khi đó, Sài Gòn thường ấm áp, trời trong xanh mây trắng bồng
bềnh, nắng vàng rực rỡ khắp mọi con đường. Có chăng thì cũng có một
chút hơi lạnh vào những ngày giáp Tết, nhưng rồi lại ấm áp trở lại rất
nhanh. Có lẽ được thời tiết ưu ái hơn nên người Sài Gòn có nhiều sự lựa
chọn hơn cho trang phục Tết. Họ có thể ăn mặc đủ kiểu, miễn là đẹp và
hợp với ngày Tết, từ áo ba lỗ đến áo dài tay, từ chất liệu voan mỏng đến
len dày.
Nắng vàng rực rỡ và trang phục đón Tết ở Sài Gòn
2. Loài hoa đặc trưng trong ngày tết
Loài hoa đặc trưng cho ngày Tết của Hà Nội là hoa đào và của Sài
Gòn là hoa mai. Ở Hà Nội, hoa đào nở chính là dấu hiệu báo mùa xuân đã
về trên thủ đô. Bởi vậy, hầu như trong các gia đình Hà Nội đều phải có
một cành đào thì mới cảm nhận rõ không khí tết.
Hoa đào khoe sắc trong tiết trời giá lạnh
Trong khi đó, những bông hoa mai vàng nở rực rỡ lại là dấu hiệu
báo mùa xuân trở về ở Sài Gòn. Bởi loài hoa này lại thích hợp với nắng
vàng rực rỡ đất phương Nam.
Hoa mai rực rỡ dưới nắng vàng
Cả hai loài hoa tuy khác biệt về màu sắc nhưng đều được xem là
biểu tượng cho năm mới. Đặt một cành đào hay chậu mai trong nhà, gia chủ
mong muốn một năm mới an lành, thịnh vượng và may mắn hơn.
3. Mâm ngũ quả
Cũng như hoa mai hoa đào, do điều kiện hai miền khác nhau nên mâm
ngũ quả của người Sài Gòn và Hà Nội cũng khác nhau. Mâm ngũ quả của
người Hà Nội thường có 5 loại: chuối, bưởi, đào, hồng, quýt. Cách trình
bày truyền thống là: Chuối ở dưới cùng, đỡ lấy toàn bộ các loại quả
khác. Chính giữa là quả bưởi hoặc phật thủ vàng. Các loại quả bày xung
quanh. Những chỗ còn trống cài xen kẽ quýt vàng, táo xanh, hoặc những
quả ớt chín đỏ. Người Hà Nộikhông mấy khắt khe về mâm ngũ quả và hầu hết
các loại quả đều có thể bày được, miễn là nhiều màu đẹp mắt.
Mâm ngũ quả đặc trưng của người dân Hà Nội
Trái lại, người Sài Gòn bày mâm ngũ quả theo mong muốn “Cầu sung
vừa đủ xài” ước mong năm mới đủ đầy, sung túc, tương ứng với 5 loại quả:
Mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài. Ngoài ra, còn có thêm quả thơm (dứa)
với mong muốn con cháu đầy nhà và một cặp dưa hấu xanh vỏ đỏ lòng để
cầu may mắn. Người Sài Gòn khá kĩ càng trong việc chọn đồ, họ tránh
những loại quả khi đọc lên mang ý nghĩa xấu. Ví dụ như chuối, họ đọc lên
là “chúi”, ngụ ý thất bại; còn cam quýt thì gợi câu thành ngữ “quýt làm
cam chịu”.
Mâm ngũ quả đặc trưng của người Sài Gòn
4. Món ăn ngày Tết
Bánh chưng là món ăn truyền thống có từ lâu đời, được xem là thứ
không thể thiếu trong cái Tết cổ truyền của người miền Bắc nói chung và
Hà Nội nói riêng. Có câu “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng
pháo, bánh chưng xanh”. Đối với người Hà Nội, bánh chưng không chỉ là
một món ăn, mà nó còn là biểu tượng của nét văn hoá, lưu giữ những kỉ
niệm đầm ấm bên gia đình khi cùng nhau canh nồi bánh chưng ngày Tết.
Bánh chưng ngày Tết
Cùng nguyên liệu: gạo nếp, đậu xanh, thịt mỡ… nhưng bánh tét lại
được gói khác hình dạng với bánh chưng. Bánh chưng hình vuông, còn bánh
tét hình trụ dài, là món bánh được người miền Nam, đặc biệt là Sài Gòn
ưa chuộng. Nhưng người Sài Gòn không có thói quen tự nấu bánh tét ở nhà
như người Hà Nội nấu bánh chưng mà họ thường đi mua ở các cửa hàng làm
sẵn.
Bánh tét ngày tết
Ở Hà Nội, các mẹ các bà muối dưa hành từ trước Tết cả tháng để
trước đêm Giao Thừa được ăn bữa đầu tiên của năm có bánh chưng, thịt
đông với dưa hành vừa đủ đậm đà. Trong khi đó dưa món và dưa giá là món
gia vị ăn kèm đặc trưng của người Sài Gòn. Dưa món ăn chung với bánh
tét, dưa giá ăn kèm thịt kho nước dừa là đúng vị.
Thịt đông với dưa hành
Thịt kho và dưa giá
Món canh đặc biệt của người Hà thành là canh bóng bì, còn ở Sài Gòn người ta lại chuộng ăn canh khổ qua hầm.
Canh bóng
Canh khổ qua
5. Kiêng kị ngày Tết
Miền Bắc là vùng miền có nhiều điều cấm kị nhất cả nước. Người
miền Bắc nói chung và người Hà Nội nói riêng rất coi trọng và tuân thủ
theo những điều không được làm ngày Tết với hy vọng được nhiều thứ trong
năm mới. Nổi bật nhất là tục xông nhà, kiêng cho lửa ngày Tết, kiêng
cho nước đầu năm hay kiêng làm vỡ bát đĩa.
Một trong những điều kiêng kị trong ngày Tết của người Hà Nội là tránh làm vỡ đồ
Người Sài thành tuy dễ tính hơn rất nhiều nhưng cũng có những điều
cấm kị riêng. Một trong số đó là quy định bất cứ ai trong gia đình dù
đang sinh sống ở xa cách mấy cũng phải về nhà trước Giao thừa. Một tục
lệ khác là phải cất chổi sau khi quét dọn, vì nếu trong ngày Tết mà để
mất chổi thì có nghĩa cả năm đó gia đình sẽ bị trộm cắp viếng thăm vơ
vét của cải.
Một trong những tập tục của người Sài Gòn trong ngày tết là cất chổi sau khi quét dọn
6. Thói quen ngày tết
Mùng 1 đến mùng 3 tết, cả hai nơi Sài Gòn và Hà Nội, người ta đều
dành thời gian để đi thăm thú họ hàng, chúc Tết người thân. Tuy nhiên ở
Hà Nội thời gian này có vẻ kéo dài hơn một chút, tầm mùng 5 trở đi mới
là khoảng thời gian các bạn trẻ tụ tập đi chơi với nhau. Còn tại Sài
Gòn, đến mùng 3 là đã tới thời điểm nhộn nhịp của giới trẻ. Cũng như
vậy, không khí Tết Nguyên Đán ở Hà Nội kéo dài lâu hơn, tầm mùng 9 mùng
10 không khí Tết vẫn tràn ngập trong tâm hồn thủ đô. Còn người dân Sài
Gòn tất bật và bận bịu hơn. Họ chuẩn bị tinh thần sau Tết đi làm và học
tập trở lại sớm hơn người Hà Nội.
Người dân Hà Nội chúc tết họ hàng
Người Sài Gòn đi du xuân đầu năm
Và điều khác biệt nữa là xu hướng du xuân phát triển ở miền Nam
nhiều hơn ở ngoài Bắc. Vào ngày Tết, người dân thủ đô thường ít đi chơi
xa mà ở nhà đón khách hoặc đi loanh quanh chúc Tết bạn bè, hàng xóm láng
giềng. Đây là dịp để họ gắn kết hơn tình cảm gia đình, tình làng nghĩa
xóm. Người Sài Gòn thì khác, Tết là khoảng thời gian được nghỉ dài nhất
trong năm, vì vậy họ thường tận dụng dịp này để đi du lịch xả hơi sau
một năm làm việc vất vả.
Phong tục đón Tết Nguyên Đán của mỗi nơi mỗi khác. Tuy nhiên không
khí tưng bừng, nhộn nhịp và sự ấm cúng mà Tết đem lại cho con người là
như nhau. Nơi nào cũng có đặc sắc riêng, nhưng quy chung đều sẽ hòa
quyện vào nhau và tạo nên bản sắc dân tộc của đất nước con người Việt
Nam mình.
Nguồn: Internet
Các tin khác:
- CÁC ĐỊA ĐIỂM DU LỊCH NÍU CHÂN DU KHÁCH TẠI THỦ ĐÔ HÀ NỘI
- GẶP MẶT 15 NĂM THÀNH LẬP NHÓM HPTOUR_LƯU GIỮ KHOẢNH KHẮC ĐÁNG NHỚ
- ĐỨNG HÌNH TRƯỚC MÙA HOA ANH ĐÀO SAPA ĐẸP MÊ ĐẮM LÒNG NGƯỜI
- SỰ KIỆN HỌP MẶT NHÓM HPTOUR_15 NĂM 1 CHẶNG ĐƯỜNG
- SA PA - THIÊN ĐƯỜNG CỦA TẠO HÓA
- Mời các bạn cùng Hptour chiêm ngưỡng những góc ảnh ở Mã Pì Lèng, Hà Giang khiến bạn
- NHỮNG LỜI KHUYÊN KHI BẠN ĐẾN ĐÀ LẠT DỊP NGHỈ LỄ
- 9 ĐỊA ĐIỂM NHẤT ĐỊNH PHẢI ĐI MỘT LẦN TRƯỚC KHI VỀ SỐNG CHUNG VỚI MẸ CHỒNG
No comments:
Post a Comment