Anh, Pháp, Đức ‘cần chống Trung Quốc trên Biển Đông’
Anh, Pháp, Đức đã thấy sự cần thiết phải lên tiếng chống lại những
hành vi hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông để bảo vệ lợi ích của họ
trên tuyến đường hàng hải quốc tế quan trọng này mặc dù họ có quan hệ
thương mại mạnh mẽ với Trung Quốc, một nhà nghiên cứu Biển Đông nhận
định với VOA.
Trong thời gian qua, Bắc Kinh đã tăng cường quấy rối hoạt động của
các nước ven biển Đông trong vùng biển đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ,
nhất là đối với Việt Nam khi họ đưa tàu khảo sát vào quấy nhiễu quanh
khu vực Bãi Tư Chính.
Trong một động thái hiếm hoi, hồi cuối tháng trước, ba nước lớn nhất
Âu châu là Anh, Pháp và Đức đã cùng đưa ra một tuyên bố chung rằng họ
‘quan ngại về tình hình ở Biển Đông, vốn có thể dẫn đến mất an ninh và
căng thẳng trong khu vực’.
Đáp ứng kêu gọi của Việt Nam?
Trao đổi với VOA, Giáo sư Ngô Vĩnh Long hiện đang giảng dạy tại Đại
học Maine, Hoa Kỳ, giải thích rằng ba nước này (gọi tắt là EU3) đã đáp
ứng sau khi có lời kêu gọi của Việt Nam nhằm quốc tế hóa vấn đề trên Bãi
Tư Chính.
Thứ nhất, theo ông Long, do Trung Quốc trong những tháng vừa qua đã
xâm phạm vào EEZ của Việt Nam và các nước khác (Malaysia), ngày càng bất
chấp luật pháp quốc tế nên các nước EU3 cần phải lên tiếng.
“Họ là những bên đã ký kết vào UNCLOS (Công ước Quốc tế về Luật Biển)
nên họ phải lên tiếng bảo vệ luật pháp quốc tế. Nếu không Trung Quốc sẽ
tiếp tục làm tới,” ông nói.
Thứ hai, trước giờ EU3 cho rằng để Mỹ đương đầu với Trung Quốc trên
Biển Đông để bảo vệ tự do hàng hải và hàng không là ‘đã đủ rồi’, nhưng
bây giờ ‘họ thấy rằng Bắc Kinh đã coi Mỹ không ăn thua gì mà ngày càng
lớn tiếng với Mỹ’ nên họ cho rằng vấn đề Biển Đông ‘không chỉ là giữa Mỹ
với Trung Quốc, hay giữa các nước đông nam Á với Trung Quốc mà là vấn
đề quốc tế’.
Thứ ba, vẫn theo chuyên gia này, Anh, Pháp, Đức có mậu dịch rất lớn ở
Á châu thông qua con đường hàng hải trên Biển Đông. “Nếu có việc gì xảy
ra trên Biển Đông, lợi ích của họ sẽ bị đe dọa,” ông nói.
Cuối cùng, ông cho rằng lập trường mạnh mẽ của Việt Nam đã tạo động lực thúc đẩy EU3 phải lên tiếng.
“Trước giờ Việt Nam nhẫn nại, nhẫn nhục trước Trung Quốc,” ông giải
thích. “Việt Nam có đường bờ biển dài nhất ở Biển Đông mà không lên
tiếng mạnh mẽ thì các nước bên ngoài lên tiếng có thể bị Trung Quốc cho
là không phù hợp, phá đám.”
Thật ra, ngoài tuyên bố chung của ba nước Anh, Pháp, Đức, Liên minh
châu Âu (EU) cũng lên tiếng chỉ trích hành động của Bắc Kinh trên Biển
Đông, nhưng do đây là ba nước mạnh nhất EU nên việc họ cùng đồng thanh
lên tiếng nên có tiếng vang lớn đối với Trung Quốc, ông Long nói.
Khi được hỏi việc ba nước này, vốn không phải là quốc gia Thái Bình
Dương, lên tiếng về vấn đề ở cách xa khu vực địa chính trị của họ, liệu
có phù hợp, ông Long nói rằng ba nước này là ‘bên ký vào UNCLOS nên có
nghĩa vụ bảo vệ Luật Biển’ và ‘có dính líu quyền lợi trên Biển Đông’.
Việc ba nước này cùng lên tiếng lên án Trung Quốc sau khi Hà Nội kêu
gọi quốc tế giúp đỡ, theo ông Long, đã là ‘thắng lợi cho Việt Nam’ vì nó
giúp Việt Nam không đơn độc trong việc đối đầu Trung Quốc.
Chấp nhận rủi ro đến đâu?
Bản thân châu Âu cũng chứng kiến sự hung hăng của Nga ở trên Biển Đen
khi Moscow dùng vũ lực sát nhập bán đảo Crimea của Ukraine hồi năm 2014
nên hành động tương tự của Bắc Kinh trên Biển Đông cũng khiến họ lo
ngại. Theo Giáo sư Long, ‘Biển Đông là vấn đề quốc tế, lớn hơn Crimea
rất nhiều’ nên ‘sự lên tiếng của EU3 là rất quan trọng’.
Khi được hỏi, EU3 có quan hệ thương mại lớn với Trung Quốc nên họ có
bị hạn chế trong việc chống đối Bắc Kinh trên Biển Đông hay không, ông
Long nói: “Họ phải cân nhắc vì nếu có chuyện gì xảy ra ở trên biển thì
quyền lợi của họ bị thiệt hại vì họ không chỉ buôn bán với Trung Quốc mà
còn với nhiều nước khác trong khu vực như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn
Quốc…”
Về vấn đề quan hệ quân sự với EU3 có dễ dàng chấp nhận hơn đối với Hà
Nội so với quan hệ quân sự với Mỹ hay không, ông cho rằng Việt Nam
‘càng mở rộng quan hệ quân sự thì càng có nhiều cơ hội bảo vệ an ninh và
quyền lợi của mình’.
“Nếu Việt Nam có quan hệ tốt với EU3 thì điều này sẽ gây sức ép lên
Mỹ để có quan hệ tốt hơn với Việt Nam,” ông nói thêm. “Ngoài ra, nếu chỉ
Việt Nam có quan hệ với Mỹ thì Mỹ có thể vì lợi ích với Trung Quốc lớn
hơn lợi ích với Việt Nam mà có thể nhượng bộ Trung Quốc một phần nào
đó.”
“Càng đa dạng hóa quan hệ thì càng có lợi cho Việt Nam,” ông nói.
Trả lời câu hỏi EU3 có những đòn bẩy nào để sử dụng với Trung Quốc
trên Biển Đông, ông Long nói ba nước này ‘có buôn bán lớn với Trung Quốc
và là đồng minh của Mỹ’.
“Họ có thể cùng với Mỹ và một số nước khác tuần tra trên Biển Đông để Trung Quốc khỏi thao túng.”
Riêng đối với Việt Nam, nước này có thể ‘xem xét cho các nước EU3 vào
quân cảng Cam Ranh hay bất cứ chỗ nào để tiếp liệu’ và nếu cần ‘Việt
Nam có thể cùng tuần tra chung’.
“Việt Nam có thể kêu gọi hải quân các nước EU3 ra chứng kiến những gì
đang xảy ra (như ở Mỏ Cá Voi Xanh) để xem Trung Quốc đang làm gì,” ông
cho biết.
“Nếu E3 không hành động thì rủi ro sẽ càng lớn. Trung Quốc sẽ bẻ từng
chiếc đũa. Nhiều nước hợp lại nói rõ với Trung Quốc rằng anh đang phạm
pháp thì Trung Quốc sẽ phải nhượng bộ nếu không họ sẽ bị thế giới coi là
nước không coi luật pháp ra gì. Khi đó họ sẽ bị cô lập.”
“Khi có sự cố xảy ra (trên Biển Đông), EU3 phải chọn bên tuân theo luật pháp quốc tế (chống lại bên vi phạm),” ông nói.
‘Chứng tỏ sự hiện diện’
Tờ South China Morning Post dẫn lời các nhà phân tích cho rằng khi
căng thẳng gia tăng trong khu vực, các nước lớn ở châu Âu như Anh, Pháp
và Đức ‘sốt sắng muốn chứng tỏ họ không chỉ là những đối tác thương mại
thụ động’ và rằng ‘họ vẫn hiện diện trong khu vực’.
“Cho đến vài năm trước đây, các nước châu Âu vẫn muốn giữ vai trò
khiêm tốn về các vấn đề an ninh khu vực ở Đông Á, nhưng trong hoàn cảnh
hiện tại, họ cảm thấy có một sự khẩn cấp khiến họ phải can dự,” ông
Frans-Paul van der Putten, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện
Clingendael, một viện nghiên cứu độc lập ở Hà Lan, được South China
Morning Post dẫn lời nói.
“Đưa chiến hạm đến vùng biển tranh chấp giúp các nước châu Âu có
nhiều đòn bẩy hơn để đối phó với Mỹ và Trung Quốc trong các vấn đề địa
chính trị ở gần châu Âu,” ông nói thêm.
“Từ lâu, châu Âu đã quen với việc nằm giữa hai cường quốc Mỹ và Nga –
nhưng chính mối quan hệ Mỹ-Trung ngày càng xác lập lập trường địa chính
trị của châu Âu. Điều này đem đến thế khó xử mới cho các nước châu Âu,
vốn đang chịu áp lực ngày càng tăng là phải chọn phe.”
Trong một màn thể hiện rõ ràng sức mạnh và sự đoàn kết, Mỹ và Anh đã
tiến hành một cuộc tập trận hải quân chung ở Biển Đông hồi tháng 2,
trong khi Pháp đưa chiến hạm tấn công Dixmude và một tàu khu trục đến
gần quần đảo Trường Sa hồi năm ngoái.
Anh rất muốn khẳng định quyền tự do hàng hải trên các vùng biển quốc
tế và cùng với các đồng minh là Mỹ và Úc đã bảo vệ quyền tự do hàng hải
trước Trung Quốc ngày càng hiếu chiến. Nước này hồi năm ngoái nói rằng
họ đang tính đưa tàu sân bay mới HMS Queen Elizabeth tới châu Á - Thái
Bình Dương trong lần triển khai sứ mạng đầu tiên của tàu này vào năm
2021.
Ba nước này đã kêu gọi tất cả các bên liên quan đến tranh chấp lãnh
thổ trên biển ‘có các bước đi và các biện pháp làm giảm căng thẳng, và
góp phần duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định và an toàn trong
khu vực.’
Liên minh châu Âu cũng đang dính vào tranh chấp gay gắt với Trung
Quốc về điều mà họ cho là đối xử không công bằng đối với các doanh
nghiệp EU hoạt động ở Trung Quốc.
Hồi đầu năm, Ủy ban châu Âu đã kêu gọi các nhà lãnh đạo EU chấp nhận
kế hoạch hành động 10 điểm trong đó gọi Trung Quốc là ‘đối thủ cạnh
tranh kinh tế’ và ‘đối thủ thúc đẩy các mô hình quản trị thay thế một
cách có hệ thống’.
Sarah Raine, chuyên gia tư vấn cao cấp về địa chính trị và chiến lược
tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế tại London, nói với South China
Morning Post rằng không có gì đáng ngạc nhiên khi EU muốn tham gia vào
các tranh chấp ở Biển Đông và mở rộng ảnh hưởng trong khu vực.
“Đó là hậu quả tự nhiên của thực tế là ở châu Á, EU đã chán ngấy với
việc bị đối xử chỉ hơn đối tác thương mại một chút nếu không muốn nói là
không có vai trò trong các vấn đề chiến lược lớn của châu lục này, mặc
dù họ có lợi ích lớn ở đây,” bà được dẫn lời nói.
“Với việc tham gia sâu sát hơn vào tình hình trên Biển Đông, các quốc
gia dẫn đầu EU đang làm việc cùng nhau để hỗ trợ các giải pháp đa
phương cho các vấn đề đa phương thông qua các đối tác đa phương - dưới
hình thức giống như Asean - tất cả đều trong khuôn khổ luật pháp quốc
tế.”
Siemon Wezeman, nhà nghiên cứu cao cấp của Chương trình chuyển giao
vũ khí và chi tiêu quân sự (SIPRI) ở Thụy Điển, nói rằng EU đang cố gắng
làm tăng đòn bẩy của mình đối với Trung Quốc và Mỹ bằng cách cho thấy
họ cũng là nhân tố chủ chốt trong vùng biển tranh chấp.
“EU không phải là Trung Quốc, và chắc chắn không phải là nước Mỹ dưới
thời ông Trump (vốn chủ trương nước Mỹ trên hết và rút lui khỏi các cam
kết quốc tế). Họ muốn cho thấy họ vẫn có mặt ở đó, và vẫn có vai trò
quan trọng,” ông nói.
“Ba nước ký vào tuyên bố chung (Anh, Pháp và Đức) có lợi ích đặc biệt mạnh mẽ trong khu vực,” Wezeman nói.
“Nếu xảy ra sự cố ở Biển Đông, các ngành công nghiệp tương ứng của châu Âu sẽ bị ảnh hưởng.”
No comments:
Post a Comment