• Thái Bá Tân

    Thú thật, tôi mới chỉ biết đến nhà thơ Thái Bá Tân sau khi đọc bài “Thái Bá Tân và những bài thơ ngũ ngôn” của Mặc Lâm, biên tập viên RFA. Bài viết này khiến tôi tò mò lên mạng tìm hiểu về nhà thơ và khám phá nhiều điều thú vị.
    Thái Bá Tân, sinh năm 1949, tại xã Diễn Lộc, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, nơi ngày xưa có truyền thống văn chương của các “ông đồ xứ Nghệ”. Thái Bá Tân có một tiểu sử khá ly kỳ. Thuộc vào loại “con cưng của chế độ” nên từ năm 1967 đến 1974 ông học khoa ngoại ngữ (phiên dịch tiếng Anh) tại Đại học Ngoại ngữ Matscova, Liên Xô.
    Về nước, trong thời gian 1975-1978, ông dạy tiếng Anh tại Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội và sau đó làm biên tập viên nhà xuất bản Lao Động. Thái Bá Tân còn là Phó chủ tịch Hội đồng Văn học Nước ngoài và là Ủy viên Ban Đối ngoại của Hội Nhà văn Việt Nam. Ông về hưu rất sớm nhưng vẫn hoạt động trong lãnh vực văn chương và giáo dục.

    Thái Bá Tân  (*)

    Thái Bá Tân đã xuất bản khoảng 70 đầu sách, gồm thơ dịch, truyện ngắn và thơ sáng tác. Hơn 20 năm tổ chức các lớp học thêm tiếng Anh cho sinh viên, với gần 300 người một lớp, rất nhiều thế hệ học sinh, sinh viên miền Bắc đã trưởng thành và thành công từ lớp học tiếng Anh của ông. Qua bài thơ Tự bạch, tác giả tâm sự:
    Nói thật với các bác
    Điều vẫn giấu xưa nay.
    Sẽ khối anh nhảy cẫng,
    Mắng thế nọ thế này.
    Nhảy cẫng thì nhảy cẫng.
    Việc họ làm cứ làm.
    Tôi chưa hề, thú thật,
    Tự hào người Việt Nam.
    Ông giãi bày những điều ly kỳ về bản thân mình:
    Tôi đi bốn mươi nước,
    Làm gì và đi đâu
    Liên quan đến cái xấu,
    Tôi bảo tôi người Tàu.
    Một lần ở nước Bỉ,
    Ngủ với một em Tây.
    Nó bảo: Tàu giỏi quá!
    Tôi suýt nói: Việt đây
    Duy nhất chỉ lần nọ,
    Ở Havard, người ta
    Khen tiếng Anh tôi giỏi
    Tôi đáp: Việt Nam mà.
    Thái Bá Tân tại Brussels, Bỉ
    Bước sang đoạn kết của Tự bạch, Thái Bá Tân đã khiến người đọc ngỡ ngàng vì những câu thơ năm chữ rất… “phản động”!!!!
    Chứ nói chung là nhục.
    Nhục phải làm thằng dân
    Một nước giỏi nói phét,
    Lãnh đạo thì ngu đần.
    Riêng hai chữ “cộng sản”
    Đã đủ nói phần nào.
    Làm thằng dân cộng sản
    Có gì mà tự hào?
    Mà tự hào sao được
    Khi mấy triệu dân ta
    Vượt biên, thà chết biển
    Hơn phải chết ở nhà!
    Tự hào là yêu nước.
    Yêu nước phải biểu tình.
    Mà biểu tình nó oánh.
    Quân ta oánh quân mình.
    Trong cuộc nói chuyện với phóng viên Mặc Lâm (bài viết đã dẫn), Thái Bá Tân tâm sự: “Tôi cũng viết đa dạng lắm, chủ yếu là dịch nhiều hơn mặc dù đã viết 150 truyện ngắn rồi. Tôi sáng tác thơ 8 chữ cũng nhiều và dạo này tự nhiên lại sáng tác thơ 5 chữ. Chắc tại chán chán nên muốn viết dân dã một tí. Tôi già rồi nên cũng muốn phá phách một tí, giả vờ ngây một tí. Già rồi thì tự nhiên lại muốn thật thà không hoa lá cành nữa. Tôi nghĩ rằng nhà văn nhà thơ mà cứ im mãi thì không đúng. Phải có trách nhiệm của công dân. Tôi chẳng chống phá gì đâu thậm chí tôi còn ăn lộc của chế độ vì được ăn học tử tế nhưng chuyện nào ra chuyện ấy, trách nhiệm công dân thì mình phải nói.”
      Thái Bá Tân tại Moscow, Liên Xô, 1967
    Riêng về thơ, Thái Bá Tân đã xuất bản tập thơ “Lục ngôn thi tập” bên cạnh những bài thơ 8 chữ. Tuy nhiên, thời gian gần đây ông lại chuyên làm thơ ngũ ngôn, những vần thơ 5 chữ của ông mang tính cách thời sự về hiện tình đất nước, về những “người đương thời” có liên quan đến thời sự tại Việt Nam.
      
    Thái Bá Tân ngày nay
    Vũ Đình Liên, một nhà thơ tiền chiến, cũng đã dùng loại thơ ngũ ngôn được ngắt theo từng đoạn 4 câu để diễn tả hoài niệm về Ông đồ ngồi viết câu đối vào dịp Tết giữa cảnh tàn lụn của Nho học. Bài thơ Ông đồ đã trở thành một tác phẩm văn học về niềm hoài cổ. Có người cho rằng, nếu Vũ Trọng Phụng là ông “vua cười” (cười bật máu ra đầu ngòi bút phóng sự) thì Vũ Đình Liên phải là ông “vua khóc” (khóc tuôn ra từ những ý thơ làm lay động cả những tâm hồn vô cảm nhất):
    Mỗi năm hoa đào nở
    Lại thấy ông đồ già
    Bày mực tàu, giấy đỏ
    Bên phố đông người qua
      
    Bao nhiêu người thuê viết
    Tấm tắc ngợi khen tài
    Hoa tay thảo những nét
    Như phượng múa rồng bay.
      
    Nhưng mỗi năm mỗi vắng
    Người thuê viết nay đâu
    Giấy đỏ buồn không thắm
    Mực đọng trong nghiên sầu.
      
    Ông đồ vẫn ngồi đấy,
    Qua đường không ai hay,
    Lá vàng rơi trên giấy;
    Ngoài giời mưa bụi bay.
      
    Năm nay đào lại nở,
    Không thấy ông đồ xưa.
    Những người muôn năm cũ
    Hồn ở đâu bây giờ?
      Thái Bá Tân đa tài
    Thơ năm chữ của Thái Bá Tân tựa như những lời nói chuyện hàng ngày nên có người gọi đó là “khẩu thơ”. Ngôn từ trong thơ ông không cầu kỳ như Vũ Đình Liên với những “Lá vàng rơi trên giấy/Ngoài trời mưa bụi bay” hay “Những người muôn năm cũ/Hồn ở đâu bây giờ?”. Ngược lại, thơ năm chữ của Thái Bá Tân rất dung dị, bình dân. Chẳng hạn như những câu mở đầu trong bài “Ballad về một đại đội bị bỏ rơi”:
    Tôi mới nghe kể lại
    Một câu chuyện đau lòng.
    Có thể là chuyện thật,
    Cũng có thể là không.
    Bài ballad tiếp tục với những lời kể chuyện về cuộc chiến tranh “dạy cho Việt Nam một bài học” giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 1979:
    Chuyện kể rằng, lần ấy,
    Khi đánh nhau với Tàu,
    Quân ta và quân địch
    Cách nhau một chiếc cầu.
    Bỗng từ trên có lệnh
    Một đại đội xung phong
    Vượt qua cây cầu ấy,
    Sang bờ bên kia sông.
    Thế mà lạ, sau đó,
    Hai bên đang đánh nhau,
    Có lệnh từ trên xuống.
    Lần này lệnh phá cầu!
    Câu chuyện chỉ có thế.
    Một đại đội sang sông,
    Rồi phá cầu, theo lệnh…
    Nghe mà nhói trong lòng.
    Ừ, mà một đại đội
    Biên chế bao nhiêu người?
    Một trăm, hay năm chục,
    Bị đồng đội bỏ rơi?
    Đoạn kết của bài ballad dẫn người đọc đến những cảm nghĩ của tác giả:
    Có thể là chuyện thật,
    Cũng có thể là không.
    Sao lòng tôi đau nhói,
    Đau nhói mãi trong lòng.
    Ai ra cái lệnh ấy,
    Lệnh quân ta phá cầu,
    Để đồng đội đơn độc
    Giữa vòng vây quân Tàu?
    Câu chuyện chỉ có thế,
    Dù có thật hay không,
    Nhưng cả một đại đội
    Đã chết bên kia sông.
    Thái Bá Tân tại Cologne, Đức
    Thái Bá Tân có khá nhiều bài thơ thời sự về Việt Nam – Trung Quốc, nhất là những cuộc biểu tình của những người yêu nước trước làn sóng xâm lược của giặc Tàu ngoài Biển Đông. Ngày Chủ Nhật đầu tiên của tháng 7 là một cột mốc đáng nhớ tại Sài Gòn và Hà Nội. Nhà văn, nhà thơ không thể nào dửng dưng “cứ im mãi” mà “phải có trách nhiệm của công dân”. Ông cũng khẳng định “chẳng chống phá gì đâu” nhưng “chuyện nào ra chuyện ấy”, đó là “trách nhiệm của người công dân”.
    Tấm lòng của Thái Bá Tân đối với những người yêu nước thật rõ ràng, minh bạch, không những đồng tình mà còn ngưỡng mộ họ. Khi nghe tin Huỳnh Thục Vy bị bắt khi đi biểu tình vào ngày 1 tháng 7, ngay hôm sau ông lập tức phản ứng qua bài thơ Huỳnh Thục Vy:
    Cháu – cô gái xinh đẹp,
    Đẹp cả ngoài lẫn trong.
    Nhìn cháu mà cứ nghĩ
    Cái đẹp của non sông.
    Chúng, chính quyền, thật xấu.
    Vừa ác vừa bất minh,
    Đến mức không muốn nghĩ
    Đó là chính quyền mình.
    Cháu như người phụ nữ
    Trong tranh Delacroix,
    Guidant le peuple
    Mà peuple – là chúng ta.
    Cháu chỉ muốn công lý,
    Dân chủ và tự do.
    Tự do cho cả chúng,
    Mà chúng, bọn côn đồ
    Lại luôn truy bức cháu,
    Dùng cả cách đê hèn.
    Ngẫm mà thấy phẫn nộ.
    Thấy nhục cho chính quyền.
    Bài thơ đổi sang giọng điệu thân tình của người lớn tuổi nói chuyện với một cô cháu gái được coi như thông điệp của thế hệ cha ông gửi cho lớp trẻ:
    Thục Vy, bền gan nhé.
    Chúc chân cứng đá mềm.
    Cháu như ngọn đuốc sáng
    Đang dẫn đường trong đêm.
    Nói thật, bác nhìn cháu
    Vừa thán phục, tự hào,
    Vừa pha chút xấu hổ.
    Cháu hiểu rõ vì sao.
    Xin lỗi, thế hệ bác
    Dựng nên chế độ này
    Để bây giờ cháu khổ,
    Để dân tình đắng cay.
    Và đây là những câu kết:
    Cái hồi bác đi Mỹ,
    Thăm tượng Liberty,
    Đặt hoa dưới chân tượng,
    Bác chưa biết Thục Vy.
    Giờ xin phép âu yếm
    Đặt hoa dưới chân mày.
    Mày vấp ngã, còn sức,
    Nhất định bác chìa tay.
      
    Thái Bá Tân tại Hoa Kỳ
    Như đã nói, ngôn ngữ trong thơ Thái Bá Tân rất bình dị, chân thật. Ở đoạn cuối, ông dùng chữ “mày” để gọi Thục Vy nhưng ta vẫn thấy chứa chan tình cảm thân thương. Cũng chữ “mày” trong bài thơ Mắng con lại mang một ý nghĩa khác hẳn:
    Mày láo, dám khuyên bố
    Mai không đi biểu tình.
    Chuyện ấy có nhà nước,
    Không liên quan đến mình.
    Mày nói y như đảng.
    Không liên quan thế nào?
    Nước là của tất cả,
    Của mày và của tao.
    Biểu tình chống xâm lược,
    Chứ có lật ai đâu.
    Không lẽ mày không biết
    Cái dã tâm thằng Tàu?
    Mày bảo có nhà nước.
    Nhà nước hèn thì sao?
    Mà ai cho nhà nước
    Quyết việc này thay tao?
    Xưa đánh quân Mông Cổ,
    Vua còn hỏi ý dân.
    Sao không thấy nhà nước
    Xấu hổ với vua Trần?
    Đành rằng thế mình yếu,
    Phải thế nọ, thế này.
    Nhưng ở đời, con ạ,
    Mềm nắn, rắn buông ngay.
    Bố biết con thương bố,
    Lo cho bố, cảm ơn.
    Con “biết sống”, có thể.
    Xưa bố còn “biết” hơn.
    Chính vì khôn, “biết sống”,
    Tức ngậm miệng, giả ngây,
    Mà thế hệ của bố
    Để đất nước thế này.
    Ừ, bố già, lẩn thẩn,
    Nhưng vẫn còn là người.
    Mà người thì biết nhục,
    Biết xấu hổ với đời.
    Mai biểu tình, thế đấy.
    Bố không bắt con đi,
    Nhưng cũng đừng cản bố.
    Cản cũng chẳng ích gì.
    Thái Bá Tân tại Tokyo
    Thái Bá Tân “mắng” cả Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, người đã tuyên bố “những kẻ đi biểu tình chống Trung Quốc bị các thế lực phản động dựt dây”! Trong bài thơ “Gửi ông Nguyễn Thế Thảo” lời thơ của Thái Bá Tân có phần gay gắt:
    Xin phép được giới thiệu,
    Tôi đã U bảy mươi,
    Tuổi nhiều hơn ông đấy,
    Tuổi gần đất xa trời.
    Cho nên, xin nói thật,
    Là ông còn hồ đồ.
    Ông đâu phải con nít.
    Hay giả vờ ngây ngô?
    Tôi và những người khác
    Tham gia đi biểu tình
    Chống thằng Tàu xâm lược,
    Thực hiện quyền của mình.
    Khi nhà ông bị cướp.
    Vợ con ông kêu lên,
    Mà ông ngồi im lặng
    Thì ông là thằng hèn.
    Ông bảo rằng bọn xấu
    Đang xúi giục chúng tôi,
    Thế thì bọn xấu ấy
    Quả là bọn không tồi.
    Vì chúng còn liêm sỉ,
    Còn biết ghét và yêu.
    Còn yêu nước, vì vậy
    Tôi mong chúng có nhiều.
    Đấy là chưa nói chuyện
    Chúng tôi cũng lớn rồi.
    Tha không xúi chúng nó,
    Đừng hòng xúi chúng tôi.
    Quốc Hội ra luật biển
    Để ông và mọi người
    Chung sức giữ lấy đảo,
    Thế mà ông, ôi trời,
    Ông không chỉ im lặng,
    Không tham gia biểu tình,
    Mà còn nhắc người khác
    Đừng để ai xúi mình.
    Tôi hỏi khí không phải:
    Hay thân Tàu lâu nay,
    Ông đã bỏ phiếu chống
    Thông qua luật biển này?
    Ông ạ, ta, người lớn,
    Là cứ phải lo xa.
    Nói hay làm gì đấy
    Nên tính trước đường ra.
    Ngộ nhỡ có chiến sự,
    Ta và Tàu đánh nhau.
    Tàu thắng, ông có thể
    Làm thái thú cho Tàu.
    Nhưng có thể ngược lại,
    Chẳng ai biết thế nào.
    Ta thắng, tôi nghĩ thắng,
    Ông ăn nói làm sao?
    Lại nữa, xin nói thật,
    Tôi có nghe người ta
    Đồn về ông đủ chuyện,
    Chuyện cái ghế ấy mà.
    Trước tôi không tin lắm,
    Thế mà tôi, bây giờ,
    Thấy tầm ông chưa chuẩn,
    Cũng buộc phải nghi ngờ.
    Thái Bá Tân tại Jerusalem
    Thái Bá Tân có một người cháu rể làm công an. “Nói với cháu rể” là tựa đề bài thơ có nhiều điều thú vị. Một lần nữa, tác giả dùng chữ “mày” để nói chuyện phải quấy với công an. Nguyên văn như sau:
    Mày rót bác cốc nước,
    Rồi bác nói điều này.
    Năm ngoái bác phản đối,
    Không cho cháu lấy mày.
    Vì sao ư? Đơn giản
    Vì mày là công an.
    May, giờ bác vẫn thấy
    Mày ngoan, hoặc còn ngoan.
    Công bằng ra mà nói,
    Công an cũng chẳng sao.
    Hơn thế, còn cần thiết,
    Nhưng chẳng hiểu thế nào
    Giờ lắm đứa tệ quá,
    Đạp vào mặt người ta,
    Còn giở các trò bẩn,
    Đánh đập cả đàn bà.
    Giả sử, mai “dự án”
    Nó cướp đất nhà mày,
    Mày có để lặp lại
    Vụ Vân Giang gần đây?
    Vợ mày đang có chửa.
    Bác mừng cho chúng mày.
    Nếu có đứa đạp nó,
    Mày sẽ nghĩ sao đây?
    Lại nữa, bác bị bắt,
    Mày cứ nói thật lòng,
    Người ta bảo mày bắn,
    Mày có bắn bác không?
    Mà bác thì mày biết,
    Như mấy lão nông dân,
    Làm sao mà “thù địch”,
    Mà “phản động”, vân vân.
    Nói thật cho mày biết,
    Bác yêu đất nước này,
    Người Văn Giang cũng vậy,
    Hơn gấp vạn chúng mày.
    Vứt mẹ cái khẩu hiệu
    Còn đảng là còn mình.
    Thế mai kia đảng chết,
    Không lẽ mày quyên sinh?
    Bác là người ngoài đảng..
    Mày vào đảng, không sao,
    Miễn là mày thực sự
    Vì quốc dân, đồng bào.
    Mày thừa biết chúng nó,
    Cái bọn “vì nhân dân”
    Đang ăn cướp trắng trợn,
    Pháp luật chúng đếch cần.
    Sống ở đời, cháu ạ,
    Có nghề mới có ăn.
    Làm công an cũng được,
    Nhưng phải nhớ vì dân.
    Mà dân là bố mẹ,
    Là bác, là vợ mày.
    Chứ mày nghe bọn xấu
    Làm ngược lại là gay,
    Là có tội, cháu ạ.
    Chưa nói chuyện ở đời
    Có cái luật nhân quả,
    Tức là luật của trời.
    Thái Bá Tân
    Quả thật Thái Bá Tân đã “hớp hồn” người đọc qua những vần thơ năm chữ. Lúc thì dịu dàng, thân thiết… khi thì hừng hực đấu tranh như những người xuống đường. Mạc Lâm đã viết những dòng cuối trong bài “Thái Bá Tân và những bài thơ ngũ ngôn”:
    Nghe Thái Bá Tân kể chuyện bạn nghĩ sao? Riêng tôi khi đóng trang blog của ông lại nỗi cay đắng cứ dìm mình vào buồn bã chừng như không thề thoát ra. Thơ Thái Bá Tân rồi đây sẽ được rất nhiểu người thuộc vì nó dễ nhớ đã đành mà hơn thế nó làm cho người ta khóc, người ta cười, giận dữ, khinh bỉ lẫn xót thương… chính điều này làm cho thơ Thái Bá Tân lấp lánh”.