Úc châu du ký của lạc đà một bướu Ả-rập
Thành thật mà nói, tôi không nghĩ mình lại có thể nhìn thấy lạc đà ở Úc.
Thời
gian chầm chậm trôi đi khi ta lái xe trên Xa lộ Stuart ở Úc. Mang tên
nhà thám hiểm Thế kỷ thứ 19 John McDouall Stuart, người châu Âu đầu tiên
thành công du hành trên biển tới châu Úc rồi quay trở về; và xa lộ này
đi theo hành trình dài dằng dặc của ông.
Trải
dài 2.834 km, nó giống như một đường ống dài vô tận nối từ thành phố
cảng Augusta ở phía nam đến thủ phủ Darwin phía bắc, băng ngang qua một
vùng đất hoang dã rộng lớn.
Người ta gọi con đường này là 'The Track', một cách gọi đã làm giảm bớt đi nhiều sự hùng vĩ thực sự của nó.
Dọc
đoạn đường, tôi biết là mình sẽ gặp nhiều thú hoang, và biết chắc là vẻ
trống trải của vùng bình nguyên sẽ lác đác được tô điểm bởi các loài
động vật bản địa nổi tiếng là chịu đựng được khí hậu khắc nghiệt của Úc.
Mấy con chuột túi đứng ngây người nhìn vào khoảng không xa xôi.
Vài con đại bàng đuôi nhọn khuỵu gối ngó nghiêng trước những con thú bị
xe cộ chẹt chết. Thỉnh thoảng có chú chó hoang dingo màu đất ló ra từ
bụi rậm, trông thon gầy và dẻo dai dưới cái nóng thiêu đốt.
Tôi ngủ đêm tại những thị trấn hẻo lánh dọc đường. Thế rồi sau ba ngày rong ruổi, tôi bắt gặp một con lạc đà.
Lạc đà Ả-rập trên đất Úc
Tôi đã lên mạng kiểm chứng thông tin ngay tối đó để chắc chắn rằng mình không bị ảo giác.
Hiểu theo lẽ thông thường thì lạc đà cũng như gấu Bắc Cực là loài rất xa lạ với nước Úc. Hoặc ít nhất thì trước kia là như thế.
Nhưng
hoá ra là do tôi đã thiếu cập nhật thông tin một cách trầm trọng. Vùng
hẻo lánh này từ xưa đến nay vẫn là nơi sinh sống của hàng đàn lạc đà
hoang dã.
Trang web Feral Scan, được chính phủ hậu thuẫn và
nhằm giám sát những loài xâm thực, đưa ra con số hiện thời là vào khoảng
từ 1 đến 1,2 triệu con lạc đà, và có xu hướng sẽ tăng gấp đôi sau mỗi 8
đến 9 năm.
Vậy làm thế nào mà loài thú ngoại bang này lại lưu lạc nơi đây với một số lượng khổng lồ như vậy?
Để trả lời câu hỏi đó, chúng ta phải quay lại thời tiên phong của những nhà thám hiểm như Stuart.
Trước
hết, cần phải làm rõ một đặc điểm quan trọng của vùng hẻo lánh ở châu
Úc. Bạt ngàn, trải rộng bốn phương tám hướng. Mênh mông. Đây đương nhiên
là một lời tuyên bố thần thánh, nhưng cần phải nhấn mạnh rằng đó chính
là yếu tố khiến vùng đất này trở nên hẻo lánh.
Diện tích nơi đây rộng hơn 6 triệu cây số vuông, gần gấp đôi Ấn Độ. Nơi đây, đường chân trời như nối tiếp đường chân trời.
Hành trình khai phá
Khi
người Anh bắt đầu định cư trên một số vùng dọc miền duyên hải châu Úc
từ cuối Thế kỷ thứ 18, đi cùng với chủ nghĩa thuộc địa thời đó là nhu
cầu khám phá và tìm hiểu toàn diện châu lục rộng lớn này.
Thổ dân
châu Úc đã sinh sống trên mảnh đất này suốt mấy chục ngàn năm - họ đã
sinh tồn, thích nghi và hiểu rõ mảnh đất này - nhưng với những người
châu u lúc bấy giờ, lục địa này là một vùng chói chang và hoàn toàn xa
lạ.
Những cuộc khai phá trên mặt đất bắt đầu diễn ra thường xuyên, phần nhiều trong điều kiện khắc nghiệt.
Đôi
khi, các nhà thám hiểm thu được những kết quả nhầm lẫn - ví dụ một tấm
bản đồ đầu Thế kỷ 19 đã từng vẽ ra một vùng biển nội thuỷ rộng lớn nằm
ngay trung tâm nước Úc.
Thế nhưng với nhiều chuyến đi khác nhau, các nhà thám hiểm đã dẫn dần dựng lên được hình ảnh chân thực của châu Úc.
Người ta tìm thấy các mỏ vàng, rồi các khu định cư và các tuyến giao thông được hình thành trong vùng hẻo lánh.
Nhưng
để tới được các nơi trên một khoảng cách lớn như vậy, người ta cần dùng
đến những đoàn ngựa thồ, xe bò kéo, nhưng các loài động vật này lại
không đủ sức bền cho những hành trình kéo dài, khan hiếm nước nhiều
ngày. Vậy là cần phải tìm được loài nào khác thay thế.
Trong thời
gian từ 1870 đến 1920, có khoảng 20.000 con lạc đà được nhập khẩu vào
Úc từ bán đảo Ả-rập, Ấn Độ và Afghanistan. Cùng đi với chúng là ít nhất
2.000 người huấn luyện hoặc chăn lạc đà, cũng lấy từ những nơi đó.
Nhanh chóng thích nghi
Bọn
lạc đà chủ yếu là loại một bướu (còn được gọi là lạc đà Ả-rập). Loài
móng guốc nặng đến nửa tấn với một cái bướu trên lưng này sinh ra chính
là để tồn tại trong khí hậu hoang mạc lục địa Úc: chúng có thể di
chuyển hàng tuần mà không cần uống nước, có đủ độ bền bỉ và sức lực để
chịu sức nặng của cả người cưỡi và thồ hàng vượt qua mảnh đất thường
xuyên bị nung nóng ác liệt.
Những con lạc đà này và những người chăn dắt chúng đã để lại những ảnh hưởng đáng kể trong hàng chục năm tiếp theo.
Trong
cuốn sách mà Anna Kenny là đồng tác giả, "Những người Hồi giáo chăn lạc
đà trên đất Úc, thời thập niên 1860-1930" (Australia's Muslim
Cameleers: Pioneers of the Inland, 1860s-1930s), bà nói rằng những người
chăn lạc đà đã không được ghi nhận công sức đúng mức dù họ có công lao
to lớn với nền văn hoá và kinh tế của xã hội Úc.
"Những người
chăn lạc đà đã khai phá ra những cung đường cung ứng, vận tải hàng hóa
và liên lạc kết nối giữa những khu vực định cư nằm riêng rẽ với nhau,
giúp phát triển kinh tế cho vùng khô cằn của Úc. Họ cũng làm giàu thêm
bản sắc văn hoá nơi đây."
Lạc đà thồ hàng trở thành một phần
không thể thiếu trong đời sống nơi hẻo lánh. Chúng thồ len, nước, cột
điện, tà vẹt đường ray xe lửa, trà và thuốc lá. Người thổ dân Úc châu
còn gắn lông lạc đà lên các sản phẩm nghệ thuật thủ công của họ.
Thậm
chí ngày nay, chuyến tàu thượng hạng chạy dọc nước Úc từ thành phố
(phía Nam) Adelaide đến thủ phủ phía Bắc Darwin được đặt tên là The
Ghan, để tưởng nhớ đến những người chăn lạc đà, vốn thường được gọi một
cách phổ biến là những 'Afghans' - chỉ người đến từ Afganistan.
Qua thời cực thịnh
Thế nhưng đến thời thập niên 1930, việc dùng lạc đà thồ hàng thất thế.
Với
sự ra đời của động cơ đốt trong và cơ giới hoá vận tải, lạc đà trở
thành đồ thừa. Bất kỳ loài thú bốn chân nào cũng không thể cạnh tranh
được với một chiếc xe tải chở hàng, dù cho chúng chịu đựng tốt đến đâu
cái nóng 40 độ C.
Thế là có hàng nghìn con lạc đà được thả vào
thiên nhiên hoang dã, nơi mà chúng nhanh chóng sinh sôi nảy nở. Chỉ chín
chục năm sau, chúng trở nên vô cùng đông đúc.
Song điều này không ổn chút nào. Lạc đà từng là vấn nạn nghiêm trọng của Úc.
Trông
thì chỉ to xác nhưng hiền lành vô hại, nhưng bọn lạc đà hóa ra lại phá
phách tai hại đối với các cộng đồng cư dân xung quanh. Chúng phá tan
hàng rào, làm vỡ các đường ống và tớp cạn nguồn nước. Chúng cũng cạnh
tranh khốc liệt với các loài bản địa, gặm sạch sành sanh cỏ.
Theo
lời của nhà thám hiểm thời hiện đại Simon Reeve, lạc đà "gần như là
loài duy nhất cực kỳ phù hợp với điều kiện môi trường ở vùng hẻo lánh.
Mang chúng đến đây là ý tưởng tuyệt vời cho thời gian ngắn hạn, nhưng
về lâu về dài thì đó lại là thảm họa".
Bị tàn sát
Chính quyền đã thực thi nhiều biện pháp quyết liệt để ngăn chặn sự phát triển của lạc đà.Tin tức hồi cuối năm 2013 nói rằng Dự án Kiểm soát Lạc đà Hoang dã do chính phủ Úc tài trợ đã hạ sát gần 160.000 con lạc đà kể từ năm 2009, chủ yếu bằng súng.
Không ngạc nhiên gì, cách thức xuống tay tàn nhẫn này đã bị một số người chỉ trích nặng nề, và đã có những nỗ lực nhằm biến sự bùng nổ của lạc đà hoang dã ở Úc thành điều tích cực.
Một ví dụ điển hình trong số đó là trang trại Summer Land Camels, nơi hiện đang chăn thả hơn 550 con lạc đà trong nông trại hữu cơ rộng 850 mẫu ở Queensland.
Họ ra sức quảng cáo về những ích lợi của sữa và những chế phẩm sữa lạc đà: giàu acid béo không bão hòa và vitamin C, vốn rất cần cho cơ thể người. Họ sản xuất một loạt các chế phẩm từ sữa lạc đà, đầy đủ mọi thứ như phô mai tươi kiểu Pháp và phô mai ướp muối kiểu Ba Tư và kem caramel mặn kiểu Ý.
Cũng ở Queensland còn có trang trại nuôi lạc đà và chế biến sữa QCamel Dairy, nơi tuyên bố sẽ ra mắt sản phẩm sữa lạc đà vị sô-cô-la trong năm nay.
Số phận tương lai của lạc đà hoang dã ở Úc vẫn còn là một ẩn số.
Nhưng dù sao thì tôi vẫn vô cùng kinh ngạc bởi số lượng của chúng ở đây. Kể từ sau chuyến xe đầu tiên trên đường cao tốc Stuart, tôi đã có thêm hai hành trình xuyên lục địa Úc, nhưng không hề gặp một con lạc đà hoang dã nào nữa, dù chỉ là thoáng qua một hình bóng xa xăm.
Nhưng đó chẳng phải là đặc trưng của châu Úc sao - mảnh đất trải dài vô tận, nơi có đường chân trời nhoà đi trong cái nóng thiêu đốt, và thậm chí đến số liệu thống kê cũng là được đưa ra dựa trên một quy mô khó đoán.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.
Tin liên quan
- Làm mát ngôi nhà mà không cần máy điều hòa?
- 'Ngoại giao gấu trúc' không chỉ là chuyện đúng, sai
- 'Nhà hàng Kền kền' và sứ mệnh bảo tồn loài chim châu Phi
- Quần đảo Thất vọng: Hành trình đến thiên đường có thật
- New Zealand do ai tìm ra đầu tiên và từ khi nào
- Bảo tồn gấu trúc: Lừa mẹ để cứu con
- Bí ẩn vụ nổ khổng lồ ở Siberia hồi 1908
- Con người trông sẽ thế nào sau 1 triệu năm nữa?
No comments:
Post a Comment