Chủ hãng tour: Coronavirus đang như bom tấn tàn phá du lịch VN
Tính đến hôm 28/1, dịch viêm phổi do virus Corona gây ra, có nguồn gốc ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, đã làm 106 người chết và 4.600 người lây nhiễm. Mặc dù đại đa số các ca là ở Trung Quốc, song 15 nước khác cũng đang phải cách ly, theo dõi hoặc điều trị nhiều ca.
Riêng Việt Nam hiện có 27 trường hợp “nghi nhiễm đang chờ kết quả xét nghiệm”, theo trang Facebook chính thức của chính phủ.
Nó tác động rất mạnh đến ngành du lịch, có thể coi là quả bom tấn về thiệt hại.Ông Nguyễn Văn Mỹ, công ty Lửa Việt
Cả hai chính phủ Việt Nam lẫn Trung Quốc đều đã ban hành các lệnh cấm bay và cấm công dân rời khỏi hoặc đi tới các vùng có dịch, đặc biệt là thành phố “tâm dịch” Vũ Hán.
Đây là những động thái mà hai nước tiến hành để bảo vệ công dân của mình cũng như ngăn không cho dịch bệnh lan rộng hơn nữa.
Nhận xét về những mất mát mà ngành du lịch Việt Nam đang phải gánh chịu từ tình hình hiện nay, ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Du Lịch Lửa Việt, nói với VOA:
“Nó tác động rất mạnh đến ngành du lịch, có thể coi là quả bom tấn về thiệt hại. Thứ nhất, mùa Tết là mùa cao điểm mà khách outbound, là khách đi ra nước ngoài trong đó có thị trường Trung Quốc, thì tất cả thị trường Trung Quốc đều bị ngưng hết. Và lượng khách Trung Quốc vào Việt Nam cũng ngưng”.
Tuy ngành du lịch Việt Nam đang chịu “thiệt hại nhãn tiền”, song ông Mỹ đánh giá cao động thái “tích cực, chủ động” của Trung Quốc khi ngăn công dân nước họ xuất ngoại.
Giám đốc hãng Lửa Việt lưu ý rằng du khách Trung Quốc là một thành phần quan trọng khi họ luôn chiếm con số áp đảo, lên tới 5 triệu trong tổng cộng 18,5 triệu du khách nước ngoài đến Việt Nam năm 2019.
Cuối năm ngoái, Tổng cục Du lịch đặt mục tiêu “phấn đấu đón khoảng 20,5 triệu lượt khách quốc tế” trong năm nay.
Song trong bối cảnh hiện tại, ông Mỹ, giám đốc của Lửa Việt, đưa ra nhận định rằng dịch bệnh do Coronavirus gây ra “chắc chắn ảnh hưởng” đến khả năng đạt mục tiêu đề ra.
Theo trang Facebook Thông tin Chính phủ, nhà chức trách Việt Nam thông báo “trước mắt tạm thời không cấp thị thực du lịch - bao gồm cả thị thực điện tử, thị thực thông thường và thị thực cửa khẩu - cho khách Trung Quốc đến từ khu vực có dịch bệnh, trừ trường hợp khẩn cấp”.
Đối với cư dân khu vực biên giới, thông thương qua các đường mòn, lối mở, trang Thông tin Chính phủ nói các cơ quan chính quyền địa phương có nhiệm vụ tăng cường biện pháp tuyên truyền, thuyết phục cư dân biên giới “tạm thời hạn chế các hoạt động giao lưu, qua lại biên giới” trong thời gian này.
Cấp uỷ, chính quyền địa phương sẽ xem xét “tạm dừng” hoặc “đóng các cửa khẩu biên giới”, tuỳ vào diễn biến tình hình thực tế của địa phương theo quy chế quản lý biên giới hiện hành, trang Thông tin Chính phủ phát đi thông điệp hôm 28/1.
Trong những ngày qua, nhiều người Việt sử dụng mạng xã hội để giục chính phủ đóng cửa biên giới. Bình luận về lời kêu gọi này, ông Nguyễn Văn Mỹ nói với VOA:
“Điều đó rất đáng nếu nhà nước thấy độ lây lan nguy hiểm của nó. Chúng ta chấp nhận thiệt hại kinh tế để đảm bảo mạng sống. Khi chúng ta thoải mái cho khách từ vùng bệnh họ qua thì có thể chúng ta thu được một ít tiền về du lịch, về dịch vụ, nhưng hậu quả về sức khỏe, về tính mạng thì nó ghê gớm lắm”.
Ông Mỹ gọi việc đóng cửa biên giới là “hành động phòng vệ trong hoàn cảnh bất khả kháng”. Tuy nhiên, ông nói thêm đây chỉ là suy nghĩ cá nhân và đóng cửa hay không là quyết định của nhà chức trách sau khi suy xét, cân nhắc dựa trên những thông tin đầy đủ về tình hình.
Theo các hãng tin quốc tế, đến nay, Mông Cổ, Nga và Triều Tiên đã đóng cửa toàn bộ hoặc một phần biên giới đối với Trung Quốc.
Trong khi đó, Malaysia, nước không có biên giới trên bộ với quốc gia hơn 1,4 tỷ dân, ra thông báo không cho nhập cảnh người Trung Quốc đến từ tỉnh Hồ Bắc, nơi có thành phố Vũ Hán đang là tâm dịch.
Lúc này, theo tìm hiểu của VOA, vẫn còn hàng chục ngàn du khách Trung Quốc có mặt ở Việt Nam sau khi 218 du khách đến từ Vũ Hán đã được hồi hương hôm 27/1.
Khi chúng ta thoải mái cho khách từ vùng bệnh họ qua thì có thể chúng ta thu được một ít tiền về du lịch, về dịch vụ, nhưng hậu quả về sức khỏe, về tính mạng thì nó ghê gớm lắm.Ông Nguyễn Văn Mỹ, công ty Lửa Việt
VOA quan sát thấy một số khách sạn, cơ sở dịch vụ du lịch ở Việt Nam lo ngại và treo biển không đón tiếp khách Trung Quốc, gây ra những phản ứng trái chiều nhau.
Vụ việc đình đám nhất là từ hôm 30 Tết, tức 24/1, đến nay, khách sạn Riverside ở Đà Nẵng có thông báo bằng tiếng Việt, Trung và Anh ở cửa viết rằng họ không đón khách Trung Quốc.
Đại diện chính quyền Đà Nẵng, gồm người của sở du lịch và công an, nhiều lần đến đề nghị khách sạn gỡ thông báo để “tránh ảnh hưởng” đến “an ninh du lịch” và “đối ngoại” của thành phố. Nhưng chủ khách sạn, ông Phạm Thanh, không đồng ý.
Việc làm của ông Thanh được rất nhiều người sử dụng mạng xã hội ủng hộ, chia sẻ. Ngược lại, các đại diện nhà chức trách Đà Nẵng phải chịu những lời chỉ trích nặng nề từ cộng đồng mạng.
Theo trang Thông tin Chính phủ, nhà chức trách hôm 28/1 nhận định dịch virus Corona ở Việt Nam “đang được kiểm soát tốt” và tình huống dịch ở Việt Nam đang ở cấp độ 1 là “có ca bệnh xâm nhập”.
Mặc dù vậy, xét đến tình hình dịch ở nước láng giềng Trung Quốc đang diễn biến phức tạp hơn, Phó Thủ tướng Việt Nam, ông Vũ Đức Đam, đề nghị Bộ Y tế phải tính đến tình huống xấu hơn là có hàng ngàn người bị nhiễm.
No comments:
Post a Comment