Tên đường
"Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý
Đồng Khởi lên rồi mất Tự Do" - (Ca Dao)
Cứ theo như lời của nhạc sỹ Văn Trí, tác giả bản Hoài Thu (Ly Tao ấn hành 1959) thì Đà Lạt - vào thời điểm này - còn là một nơi hoang dã:
Mùa Thu năm ấy
Mùa Thu năm ấy
trên đường đến miền cao nguyên
Đà Lạt núi rừng thâm xuyên
Thác ngàn nước bạc thiên nhiên…
Mùa Thu năm ấy, tôi còn là một đứa bé vừa đến tuổi cắp sách đến trường. Cũng như bao nhiêu bạn bè cùng lứa, lớn lên giữa núi rừng thâm xuyên,
trước ngực chúng tôi thường đeo tòng teng một chiếc nạng giàn
thung (hay còn gọi là ná bắn chim) dù chưa có đứa nào bắn
trúng được một con chim cả. Đích nhắm duy nhất mà chúng tôi có
thể ghi được “thành tích” là những cái biển tên đường.
Thưở đó, Thủ Khoa Huân là một con lộ vắng tanh, không được rải
nhựa, dưới chân chỉ cần cận những viên đá bạc đầu, và um tùm
cỏ dại. Chỉ vào những ngày cuối năm - khi Đà Lạt bắt đầu trở
lạnh - hai bên đường mới bắt đầu lấm tấm điểm những cánh hoa
đào (hay hoa mận) mong manh, nở cùng lúc với những bụi qùi
vàng man dại. Đây cũng là nơi lý tưởng để chúng tôi tập bắn
giàn thung.
Có hôm đang loay hoay “nạp đạn” bỗng có người vỗ vai. Khi quay
đầu lại tôi thấy một ông đeo kính, lớn tuổi trông rất nghiêm
nghị nhưng giọng nói lại vô cùng nhỏ nhẹ: “Mấy con à. Thủ Khoa
Huân là một vị anh hùng của dân tộc, một danh nhân của nước
nhà. Lấy sỏi bắn vô tên của ổng đâu có được, như vậy là bất
kính với tiền nhân...”
Chúng tôi nghe hơi lùng bùng lỗ tai vì không hiểu rõ lắm ý
nghĩa của từng lời nói nhưng vẫn cảm nhận được rằng việc đang
làm là sai quấy nên tất cả đều bẽn lẽn cúi đầu, rồi lặng
lẽ... tan hàng! Từ hôm đó, tôi mới lờ mờ có chút khái niệm
về ý nghĩa của những cái biển tên đường.
Nhà tôi ở đường Duy Tân, chỗ con hẻm nhỏ nối với đường Nguyễn
Biểu, ăn thông xuống đường Phan Đình Phùng và đường Hai Bà
Trưng. Trường tôi (tiểu học Đoàn Thị Điểm) toạ lạc trên một
khoảnh đất rộng, ngay đầu đường Trương Vĩnh Ký. Hoá ra mọi tên
đường nằm sâu trong trong ký ức thơ ấu của tôi đều mang tên
những danh nhân. Sau này, trong những ngày học thi tú tài ở Sài
Gòn, tôi mới biết thêm rằng Thủ Đô có những con đường lớn
(Thống Nhất, Tự Do, Công Lý …) vinh danh ước vọng hay lý tưởng của
cả một dân tộc.
Cuối cùng rồi đất nước cũng thống nhất nhưng công lý và tự do thì vẫn còn xa, xa lắm: Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý / Đồng Khởi lên rồi mất Tự Do.
Muốn biết Khởi Nghĩa tiêu tan Công Lý ra sao xin đọc đôi dòng
của bản tin (“Bốn Mươi Năm Vẫn Chưa Đòi Được Căn Nhà Ở TPHCM”)
trên báo Lao Động, ngày 6 tháng 8 năm 2019:
“Cố luật sư, nhà cách mạng Trịnh Đình Thảo (1901-1986) rất nổi tiếng
trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở Sài Gòn. Tên ông được đặt cho
một con đường ở quận Tân Phú, TPHCM. Sau năm 1975, từ ông Trịnh Đình
Thảo - sau khi ông mất, đến con trai và giờ đây là cháu nội ông Thảo
liên tục gửi đơn xin lại căn nhà đất số 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (NKKN),
P.6, Q.3 do nhà nước quản lý. Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 40 năm, chính
quyền TPHCM vẫn không giải quyết trả nhà cho gia đình ông.”
Bắc Kỳ (tất nhiên) cũng thế, theo như tin loan của báo báo Tiền Phong - phổ biến hôm 5 tháng 12 năm 2018:
“Hà Nội chính thức có phố Trịnh Văn Bô dài 900 mét... Được biết, cụ Trịnh Văn Bô
là một thương nhân theo chủ nghĩa dân tộc, trong Tuần lễ Vàng năm 1945,
cụ đã ủng hộ Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam 5.147 lượng vàng.
Gia đình cụ sở hữu ngôi nhà tại 48 Hàng Ngang. Đến Cách mạng Tháng Tám
1945, vợ chồng cụ dành ngôi nhà này để cán bộ cách mạng làm việc. Ngôi
nhà này cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo Tuyên ngôn độc lập,
khai sinh Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945. Sau đó gia
đình cụ cũng hiến căn nhà này cho Nhà nước để làm di tích cách mạng.”
Đ... mẹ, hổng dám “hiến” đâu, đừng có xạo:
Năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho tiến hành “cải tạo xã hội chủ nghĩa”
trên toàn miền Bắc, các nhà tư sản Việt Nam buộc phải giao nhà máy, cơ
sở kinh doanh cho Nhà nước. Bà Trịnh Văn Bô lại được kêu gọi “làm
gương”, đưa xưởng dệt của bà vào “công tư hợp doanh”. Bà Bô cùng các nhà
tư sản được cho học tập để nhận rõ, tài sản mà họ có được là do bóc
lột...
Cho dù được ghi nhận công lao, trong lý lịch các con của ông Trịnh Văn
Bô vẫn phải ghi thành phần giai cấp là “tư sản dân tộc”, và rất ít khi
hai chữ “dân tộc” được nhắc tới. Con trai ông Trịnh Văn Bô, ông Trịnh
Kiến Quốc kể:
“Ở trường, các thầy giáo, nhất là giáo viên chính trị, nhìn chị em
tôi như những công dân hạng ba. Vào đại học, càng bị kỳ thị vì lượng
sinh viên người Hà Nội không còn nhiều... Cả gia đình ông Trịnh Văn Bô,
sau khi về Hà Nội đã phải ở nhà thuê. Năm 1954, Thiếu tướng Hoàng Văn
Thái có làm giấy mượn căn nhà số 34 Hoàng Diệu của ông với thời hạn 2
năm. Nhưng cho đến khi ông Trịnh Văn Bô qua đời, gia đình ông vẫn không
đòi lại được.” (Huy Đức. Bên Thắng Cuộc, tập II. OsinBook, Westminster, CA: 2013).
Chỉ có điều an ủi là tuy mất nhà, mất của nhưng cụ Trịnh Văn
Bô - ít ra - cũng được đền bù bằng một cái tên phố. Cụ Trịnh
Đình Thảo cũng thế. Và thế là cũng may mắn lắm rồi. Thiếu
gì kẻ mất cả tài sản, lẫn tính mạng mà còn bị xỉ vả không
tiếc lời ấy chứ. Đọc thử đôi câu trong bài báo (“Địa Chủ Ác Ghê”) của Bác, với bút hiệu C.B, rủa xả bà Nguyễn Thị Năm xem có kinh không:
“Mụ địa chủ Cát-hanh-Long cùng hai đứa con và mấy tên lâu la đã giết
chết 14 nông dân, tra tấn đánh đập hằng chục nông dân, nay còn tàn tật,
làm chết 32 gia đình gồm có 200 người...”
Tất nhiên là đường Trịnh Đình Thảo hơi bị nhỏ, và phố Trịnh
Văn Bô cũng hơi bị ngắn - chỉ dài mấy vài trăm mét hà. Chứ
làm sao mà bì được với những con đường lớn, hiện diện khắp
nước, mang tên những vị đại công thần cách mạng: Lê Duẩn, Lê
Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trần Quốc Hoàn...
Ủa, Hoàn nào vậy cà?
Theo Wikipedia của làng Ba Đình, Hà Nội: “Trần
Quốc Hoàn (1916-1986) là Bộ trưởng Bộ Công an đầu tiên của Việt Nam và
tại chức trong thời gian dài nhất từ năm 1953 đến năm 1981. Ông được coi
là người đặt nền móng đầu tiên cho công tác xây dựng lực lượng và
nghiệp vụ của ngành Công an.”
Có lẽ vì nhờ “nền móng” vững chắc này nên cho đến nay dân
chúng vẫn tiếp tục vào đồn để treo cổ “tự tử” đều đều.
Những người biết chuyện còn cho biết thêm nhiều tình tiết thú
vị về ông Bộ Trưởng Công An đầu tiên của chính phủ hiện hành:
“Hoàn được gán cho cái biệt hiệu ‘Béria của Việt Nam’ … Béria dù sao
cũng còn là một hạ sĩ quan trong quân đội Nga hoàng, còn có học đôi
chút, chứ Trần Quốc Hoàn thì hoàn toàn vô học…Từ ngày Trần Quốc Hoàn lên
làm bộ trưởng thì trên miền Bắc không có mấy gia đình không có người
thân trong gia tộc ở tù.” (Vũ Thư Hiên. Đêm Giữa Ban Ngày, Westminster, CA: Văn Nghệ, 1997).
“Đây là một ông quan liêu nặng, dốt nát nhưng hay khoe mẽ, ích kỷ và
dối trá, thích cấp dưới tâng bốc mình, ghét người trung thực, đặc biệt
là ghét trí thức... Mỗi lần về Hà Nội, đi qua con đường mới mở to đẹp ở
quận Cầu Giấy mang tên Trần Quốc Hoàn, tôi không khỏi ngậm ngùi đau xót
cho số phận của dân tộc mình. Rồi có ngày tấm biển đó. Tôi tin như thế.” (Lê Phú Khải. Lời Ai Điếu, Westminster, CA: Người Việt, 2016).
Tôi thì tin hơi khác: ngoài “tấm biển đó” còn cả trăm tấm biển
nữa cũng “phải giật xuống ” luôn, cho đỡ chướng mắt!
29.01.2020
No comments:
Post a Comment