Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Wednesday 29 January 2020


S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Loa & pháo hoa


1
Buồn tất cả. Chỉ cái loa là vui!
Nguyễn Chí Thiện
Tôi vừa đọc xong một bài viết hơi buồn: “Gửi Tiết Kiệm Một Chỉ Vàng Nhận Lại Một Ổ Bánh Mì Thịt.” Xin tóm lược:
Vì gia đình có ba thân nhân là liệt sĩ nên năm 1983 ông Nguyễn Vĩnh Rượu nhận được 90 đồng tiền chính sách, hỗ trợ. Ông mang số tiền này gửi vào qũy tiết kiệm, loại không kỳ hạn và có lời.
Ba mươi hai năm sau, gia đình ông Rượu mang sổ tiết kiệm đến Ngân hàng VietinBank và nhận lại được hơn 20.000 đồng. Tính luôn “cả lãi lẫn gốc không đủ một cuốc xe ôm,” theo như nguyên văn trong bài báo của ký giả Tấn Tài:
“Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đà Nẵng, cho biết … đây không phải là Nhà nước o ép người dân mà là do giá trị đồng tiền bị sụt giảm. Ngân hàng Nhà nước đã có hướng dẫn rất rõ ràng về việc chi trả này.”
Thiệt là “rõ ràng” hết biết luôn! Vậy mà tác giả bài viết thượng dẫn vẫn cẩn thận chụp lại phóng ảnh sổ tiết kiệm của ông Nguyễn Vĩnh Rượu, do Ngân Hàng Nhà Nước cấp, cùng với lời chú thích rằng nó chỉ còn giá trị để làm… “kỷ niệm.”
Tất nhiên, đây là một kỷ niệm (rất) buồn của người dân với nhà nước CHXHCNVN.
Tuy thế, theo VTV:
“Vào 21h hôm nay (28/3), những màn pháo hoa rực rỡ đã thắp sáng bầu trời Đà Nẵng chào mừng kỷ niệm … Ngày giải phóng Thành phố. Chương trình bắn pháo hoa kéo dài 15 phút với 100 giàn pháo, trong đó có 2.000 quả pháo tầm thấp. Đây là lần đầu tiên chương trình bắn pháo hoa nhân các dịp lễ, tết tại Đà Nẵng không chỉ dồn hết về dọc hai bờ sông Hàn ở khu vực trung tâm Thành phố như những năm trước đây, mà còn diễn ra ở các vùng xa để phục vụ người dân… Thời tiết vào đêm diễn ra pháo hoa tương đối quang tạnh, thuận lợi để người dân mãn nhãn với những màn pháo hoa đầy màu sắc, cùng hòa vào không khí vui tươi phấn khởi mừng kỷ niệm Ngày giải phóng thành phố.”
Trong số hàng ngàn người dân Đà Nẵng “hòa vào không khí vui tươi phấn khởi mừng kỷ niệm Ngày giải phóng thành phố” và “chiêm ngưỡng những tràng pháo hoa nổ rợp trời,” tôi e không có những người thân trong gia đình ông Nguyễn Vĩnh Rượu. Không lẽ họ lại “tươi vui phấn khởi” sau một cuộc chiến tương tàn, với vài ba thân nhân đã trở thành liệt sĩ mà (chung cuộc) “chiến lợi phẩm” chỉ là… một ổ bánh mì kẹp thịt?
Theo VNEXPRESS thì Đà Nẵng/Quảng Nam “là địa phương có nhiều bà mẹ Việt Nam anh hùng nhất với 11.234 người.” Tính rẻ ra thì địa phương này, ít nhất, cũng phải có 11.234 gia đình liệt sĩ. Liệu có bao nhiêu người trong số những gia đình này vừa “tươi vui phấn khởi,” vừa gặm bánh mì (thịt) để… “chiêm ngưỡng những tràng pháo hoa nổ rợp trời,” “mừng kỷ niệm Ngày giải phóng thành phố” của mình?
Hẳn không mấy ai vô tâm đến thế. Tuy thế, trước đó hai ngày, cũng theo VTV:
“Đúng 21h ngày 26/3, bầu trời thành phố Huế đã rực sáng với những màn pháo hoa đầy màu sắc. Khoảng 1.000 quả pháo được bắn tầm cao, kéo dài suốt 15 phút, thu hút sự chú ý của hàng nghìn người dân và du khách. Đây là một trong chuỗi các hoạt động ý nghĩa được tổ chức, nhằm tạo không khí rộn ràng, vui tươi cho người dân cố đô nhân kỷ niệm … ngày giải phóng Thừa Thiên Huế.”
Trong “không khí rộn ràng, vui tươi cho người dân cố đô nhân kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng Thừa Thiên Huế” và trong số “hàng nghìn người dân và du khách” ngắm nhìn “thành phố Huế lung linh trong sắc pháo hoa” (chắc) cũng không có mấy thân nhân liệt sĩ, cũng như thân nhân của những gia đình nạn nhân đã bị qúi vị liệt sĩ trói tay rồi đập chết (mấy mươi năm trước) đâu.
Về “số liệu về các hố chôn tập thể” trong vụ “Thảm Sát Huế Tết Mậu Thân,” Wikipedia ghi nhận như sau:
“Trong những tháng và những năm tiếp theo sau Trận Mậu Thân tại Huế, bắt đầu từ ngày 31 tháng 1 năm 1968, và kéo dài tổng cộng 26 ngày, hàng chục ngôi mộ tập thể được phát hiện trong và xung quanh Huế. Nạn nhân bao gồm phụ nữ, nam giới, trẻ em và trẻ sơ sinh. Số liệu từ các nguồn khác nhau có sự không thống nhất.
Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đưa ra danh sách 4.062 nạn nhân được xác định là đã bị bắt cóc hoặc bị giết. Theo các báo cáo của Việt Nam Cộng Hòa, nhiều thi thể được tìm thấy ở tư thế bị trói buộc, bị tra tấn và đôi khi bị chôn sống.
Theo báo cáo tổng kết của Douglas Pike, lúc bấy giờ là nhân viên Cục Tâm lý chiến của cơ quan thông tin Hoa Kỳ, năm 1970:
Câu chuyện (về Huế) chưa chấm dứt. Nếu ước đoán của giới chức Huế được coi như gần đúng, khoảng 2.000 người vẫn còn mất tích. Tổng kết về người chết và mất tích như sau:
Tổng số dân sự tử vong: 7.600 – chết lẫn mất tích
Chiến trường: – 1.900 bị thương vì chiến cuộc; 944 thường dân chết vì chiến cuộc
Nạn nhân của những vụ giết tập thể:
1.173 – số tử thi tìm trong đợt đầu sau cuộc chiến, 1968
809 – số tử thi tìm trong đợt nhì, kể cả tìm thấy ở đụn cát, tháng 3-7 năm 1969
428 – số tử thi tìm trong đợt thứ ba, trong khe Đá Mài (khu Nam Hoa) – tháng 9 năm 1969
300 – số tử thi tìm trong đợt thứ tư, khu Phu Thu, tháng 11 năm 1969
100 – số tử thi tìm thấy các nơi trong năm 1969
1.946 – mất tích (tính đến năm 1970)
Theo soạn giả Matthew White ghi lại trong Atrocities: The 100 Deadliest Episodes in Human History (Tàn khốc: 100 sự kiện tử vong cực cao trong lịch sử nhân loại) thì vụ thảm sát ở Huế năm 1968 được ông trích dẫn từ các nguồn khác nhau cho rằng “đã có 2.800 người bị giết và 3.000 người mất tích do Việt Cộng thực hiện”.
Theo Gareth Porter, một học giả Mỹ, các ước lượng ban đầu của Bộ Di dân và An sinh Xã hội Việt Nam Cộng hòa, số dân thường thiệt mạng do giao tranh và bom pháo là 3.776, trên tổng số dân thường bị thương, chết hoặc mất tích là 6.700 người, chứ không phải các con số 944 và 7.600 do Tiểu đoàn Chiến tranh Chính trị số 10 của Quân lực Việt Nam Cộng hòa đưa ra. (Các con số 944 và 7.600 này đã được Pike Douglas dùng trong thống kê của mình.)”
Vẫn theo Wikipedia:
“Thảm sát tại Huế Tết Mậu Thân (tiếng Anh: Hue massacre) là tên gọi một sự kiện trong Chiến tranh Việt Nam khi phát hiện nhiều ngôi mộ tập thể chôn tử thi trong chiến trận Huế. Việc phát hiện hố chôn xảy ra khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam mở cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân và đóng ở Huế một tháng, sau đó bị triệt thoái trước sự phản công của Quân lực Việt Nam Cộng hòa và Quân đội Hoa Kỳ.
Cho đến nay, tài liệu từ cả phía Việt Nam và Mỹ vẫn quy trách nhiệm cho nhau về nguyên nhân và tính xác thực của sự kiện này. Trong khi đó, các nhóm phản chiến và nhiều học giả phương Tây khẳng định rằng số lượng và hoàn cảnh của những người bị giết đã bị khuếch đại và ngụy tạo để phục vụ mục đích tuyên truyền trong chiến tranh. Nguồn từ phía quân Giải phóng thì ghi nhận họ đã chôn nhiều thường dân chết do hỏa lực hạng nặng của Mỹ cùng với binh sĩ tử trận của chính họ.”
Tôi tạm thời “chưa” bận tâm (lắm) về chuyện “trách nhiệm” của phe nào trong vụ thảm sát hàng chục ngàn người trong vụ Mậu Thân. Tôi chỉ (trộm) nghĩ rằng tại một vùng đất đã xẩy ra một trong “100 sự kiện tử vong cực cao trong lịch sử nhân loại” thì chính quyền địa phương, hàng năm, nên tổ chức một buổi lễ tưởng niệm những nạn nhân – bất kể bên nào.
Không làm được như vậy, đã đành, mà còn thực hiện “những màn pháo hoa đầy màu sắc… nhằm tạo không khí rộn ràng, vui tươi cho người dân cố đô nhân kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng Thừa Thiên Huế” thì e đây là một chuyện (rất) thất nhân tâm – nếu chưa muốn nói là ngu xuẩn – nhất là khi ngân qũi quốc gia (phần lớn) nếu không đến từ kiều hối, từ tiền viện trợ, tiền bán rừng, bán khoáng sản thô hay tiền vay mượn của nước ngoài.
CHIA SẺ
Bài trướcCần một tầm nhìn mới: Tầm nhìn thế giới, nhân loại và thời đại (Phần 3)
Bài sauLào Cai đóng cửa khẩu ngưng nhập cảnh khứa

No comments:

Post a Comment