Joshua Wong và Denise Ho : ‘Tuổi trẻ Việt Nam, hãy liên kết với thế giới trong cuộc chiến đấu của các bạn’
|
Cát Linh/Người Việt (tường trình từ Wahsington, D.C.)
September 20, 2019
WASHINGTON, D.C. (NV) – Tại buổi chiếu phim tài liệu mang tên “Last Exit to Kai Tak” (tạm gọi là “Lối Thoát Cuối Cùng Đến Phi Trường Kai Tak”), nhà đấu tranh dân chủ Joshua Wong (Hoàng Chi Phong) và ca sĩ Denise Ho (Hà Vận Thi) đã gửi đến các bạn trẻ Việt Nam những chia sẻ về cuộc đấu tranh đòi dân chủ của người dân Hồng Kông.
Đoạn phim tài liệu “Last Exit to Kai Tak” có thể nói là tự truyện về phong trào Dù Vàng Hồng Kông năm 2014 của của năm nhà đấu tranh: Ca sĩ Denise Ho, Edward Lau (Wai Tak), Derek Lam (Shun Hin), Joshua Wong, và Yeung-tat Wong. Phim được chiếu tại Global Taiwan Institute, Washington D.C., chiều Thứ Năm, 19 Tháng Chín.
Với một diện tích khá khiêm tốn, chỉ đủ khoảng 30 người tham dự, nhưng chính vì vậy, cuộc đấu tranh chưa có dấu hiệu kết thúc của người dân Hồng Kông được kể lại cho những người quan tâm một cách gần gũi hơn bao giờ hết.
Khác với cuộc điều trần trước Ủy Ban Trung Quốc của Quốc Hội Mỹ (Congressional-Executive Commission on China, CECC) hôm Thứ Ba, 17 Tháng Chín vừa qua, buổi chiếu phim chỉ có sự tham dự của ca sĩ Denise Ho và lãnh đạo phong trào Dù Vàng, tổng thư ký đảng Demosito, anh Joshua Wong. Tuy nhiên, Global Taiwan Institute đã dành hẳn khoảng 45 phút ngay phần đầu để hai nhà đấu tranh dân chủ trả lời những câu hỏi của người tham dự.
“Việt Nam, chúng tôi luôn lắng nghe các bạn!”
Nhật báo Người Việt gửi đến cuộc đấu tranh dân chủ của người Hồng Kông, đại diện là ca sĩ Denise Ho và lãnh đạo phong trào Dù Vàng, anh Joshua Wong, hai câu hỏi: “Hồng Kông và Việt Nam khá gần gũi, về địa lý, văn hóa, và đặc biệt là cuộc đấu tranh đòi dân chủ, nhân quyền. Các nhà đấu tranh dân chủ Việt Nam cũng đối mặt với rất nhiều cuộc chiến khó khăn và những đàn áp cứng rắn của nhà cầm quyền trong nước. Nhiều nhà tranh đấu Việt Nam đang bị giam trong tù với những bản án rất nặng nề. Qua phong trào Dù Vàng năm 2014 và những cuộc tuần hành lịch sử suốt mấy tháng qua, các bạn có thể chia sẻ với các bạn trẻ Việt Nam về kinh nghiệm đã trải qua trong những cuộc chiến đấu đó?”
Ca sĩ, nhà đấu tranh dân chủ Denise Ho là người nhận trả lời câu hỏi trên. Cô nói: “Tôi đã từng gặp một nữ ca sĩ, cũng là nhà đấu tranh dân chủ Việt Nam, đó là cô Mai Khôi. Từ câu chuyện của Mai Khôi, tôi biết được những khó khăn mà người dân Việt Nam đang phải trải qua.”
“Đối với cuộc đấu tranh của người Hồng Kông, chúng tôi nhận thức được những đòi hỏi bên trong cuộc chiến đấu này là rất quan trọng. Đó là kêu gọi cộng đồng quốc tế đồng hành cùng chúng tôi, thông qua Internet, cho thế giới thấy cuộc đấu tranh của chúng tôi,” cô nói tiếp.
Buổi chiếu phim tài liệu “Last Exit to Kai Tak.” (Hình: Cát Linh/Người Việt)
“Riêng với tôi, những điều tôi muốn chia sẻ với các bạn Việt Nam là hãy tìm cách có được những có sự liên quan đến vấn đề chúng ta đang gặp phải. Chúng tôi thấy một sự khác biệt rất lớn từ Phong Trào Dù Vàng 2014 cho đến phong trào đấu tranh 2019. Phong Trào Dù Vàng 2014 khá cô lập (isolated) với người dân về những gì Hồng Kông đối diện lúc đó. Năm năm sau, chúng tôi (người Hồng Kông) cũng đối diện với cùng một sự việc nhưng tất cả mọi người đã bắt đầu hiểu được ‘Đây cũng là vấn đề tôi quan tâm đến,’” cô nhấn mạnh.
Cô khuyên: “Và tôi cũng muốn chia sẻ với cả cộng đồng Việt Nam: ‘Hãy luôn mạnh mẽ! Chúng tôi luôn lắng nghe các bạn.’”
“Chúng ta cùng nỗi lo: Sự gia tăng quyền lực mềm của Trung Quốc”
Câu hỏi kế tiếp nhật báo Người Việt đưa ra: “Vào ngày Thứ Tư, 18 Tháng Chín vừa qua, chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ, bà Nancy Pelosi, bày tỏ ủng hộ và bảo vệ đạo luật Dân Chủ và Nhân Quyền Hồng Kông. Bà cho biết sẽ yêu cầu bảng đánh giá hằng năm về đối xử đặc biệt mà Washington dành cho Hồng Kông, bao gồm các đặc quyền thương mại và kinh doanh. Đây có phải là một thắng lợi lớn trong chuyến đi này của các nhà đấu tranh dân chủ Hồng Kông?”
Lãnh đạo phong trào Dù Vàng, anh Joshua Wong, trả lời: “Trong những ngày vừa qua, chúng tôi đã có cơ hội được điều trần trước chủ tịch, đại diện Ủy Ban Trung Quốc của Quốc Hội Mỹ. Cuối cùng, chúng tôi đã thành công trong việc kêu gọi Chủ Tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đưa đạo luật Dân Chủ và Nhân Quyền Hồng Kông vào nghị sự của những tuần sắp tới. Đó chưa phải là CHIẾN THẮNG. Đó chỉ là một yếu tố đáng chú ý (remarkable) cho chúng tôi thấy Hồng Kông đang được thế giới quan tâm. Tôi hy vọng trong những tháng sắp tới đây, đạo luật Dân Chủ và Nhân Quyền Hồng Kông được thông qua. Bắc Kinh phải nhận thấy rằng nếu họ đàn áp nhân quyền, tự do của người Hồng Kông, họ phải trả giá.”
“Chúng tôi tiếp tục tìm kiếm sự ủng hộ của các bạn, từ Đài Loan, từ Việt Nam, nơi mà chúng ta cùng quan tâm đến sự bành trướng về quyền lực mềm của Bắc Kinh. Chúng tôi hy vọng tất cả những ai có cùng nỗi lo ngại này sẽ cùng đứng chung với nhau. Tuy tôi không phải là người lãnh đạo duy nhất của phong trào đấu tranh này, nhưng tất cả những người lãnh đạo khác đều có cùng một mục đích, đó là thế giới lắng nghe tiếng nói từ cuộc đấu tranh của người Hồng Kông. Chúng tôi tin rằng chúng tôi tiếp tục cuộc đấu tranh này, thì chúng tôi sẽ có kết quả mà chúng ta ta mong muốn,” anh cho hay.
Có thể dễ dàng nhận thấy ngay, trong chuyến đi đến Hoa Kỳ lần này, các nhà đấu tranh dân chủ Hồng Kông không những tìm kiếm sự ủng hộ từ Quốc Hội Hoa Kỳ, mà còn kêu gọi sự hưởng ứng từ quốc gia Châu Á kề cận khác, có cùng một quan tâm về sự chính sách bành trướng của Trung Quốc.
Đoạn phim tài liệu mà các nhà dân chủ Hồng Kông “mang đi chiếu ở xứ người” đã cho thấy, họ vận dụng tất cả yếu tố trong cuộc sống: văn hóa, chính trị, nghệ thuật thứ bảy, hùng biện… để đưa tiếng nói của người dân Hồng Kông ra khắp thế giới. (Cát Linh tường trình từ Wahsington, D.C.)
No comments:
Post a Comment