Phật viện xuống cấp –Không thể “cứu” do quy hoạch chưa duyệt
Từng là một trung tâm thiền viện Phật giáo
lớn nhất nhì Đông Nam Á và được Thủ tướng Việt Nam công nhận là di tích
quốc gia đặc biệt vào năm 2016 nhưng đến nay Phật viện Đồng Dương (nằm ở thôn Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) trở nên hoang tàn, đổ nát…chỉ còn lại tháp Sáng nhưng cũng xiêu vẹo, ngã nghiêng.
Phật viện trước đây
Chúng tôi đến nơi đây vào một ngày cuối hè 2019. Ngay phía trước cổng
vào Phật viện, có một tấm bảng do chính quyền tỉnh Quảng Nam dựng lên,
sơ lược thông tin về di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương.
Theo nội dung trên tấm bia, thì Phật viện được vua Indravarman II sáng
lập vào năm 875, đây cũng là khu trung tâm của kinh đô Indrapura thuộc
Vương quốc Chămpa. Theo một số nhà nghiên cứu thì điểm xây dựng kinh đô
Indrapura là khu vực làng Đồng Dương ngày nay.
Trải qua nhiều thế kỷ cùng với những biến động của lịch sử, kinh đô
Indrapura và Phật viện Đồng Dương bị chìm vào quên lãng. Mãi đến năm
1901, L.Finot, một học giả người Pháp đã công bố việc phát hiện 229 hiện
vật ở Đồng Dương, trong đó có một tượng Phật bằng đồng cao 108cm.
Một năm sau đó, một nhà nghiên cứu khác cũng là người Pháp ông
H.Parmentier đã khai quật di tích Đồng Dương và đã tìm thấy khu kiến
trúc chính của thiền viện cùng với nhiều tác phẩm điêu khắc quý giá.
Theo mô tả của H.Parmentier, toàn bộ khu đền thờ chính và các tháp nằm
lân cận phân bố trên một trục từ Tây sang Đông dài hơn 1.300m. Khu đền
thờ chính nằm trong khu vực hình chữ nhật dài 326m, rộng 155m, chung
quanh có tường gạch bao bọc, từ khu đền chính có một con đường dài
khoảng 760m, chạy về phía Đông đến một thung lũng hình chữ nhật.
Bộ Văn hóa Thông tin (tên gọi cũ) đã xếp hạng là di tích quốc gia vào
ngày 21/9/2000 và đến ngày 22/12/2016, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam
công nhận Phật viện Đồng Dương là di tích quốc gia đặc biệt.
Giáo sư Hoàng Đạo Kính đã từng cho biết: “Cứu vãn trùng tu Mỹ Sơn
tưởng là công việc khó khăn, thách đố các nhà bảo tồn Việt Nam và quốc
tế nhưng với Đồng Dương, xem ra khó khăn gấp bội phần”. GS Kính và các
nhà khảo cổ học Việt Nam vào năm 2011 đã đến Đồng Dương để tham gia hội
thảo tìm giải pháp bảo tồn di tích Đồng Dương do UBND tỉnh Quảng Nam tổ
chức. Tuy nhiên gần 10 năm qua, vẫn chưa có giải pháp nào được áp dụng
trong việc trùng tu di tích Phật viện Đồng Dương.
Và, nay…chờ quy hoạch
Theo đánh giá sơ bộ của các nhà chuyên gia di tích thì Phật viện Đồng
Dương giờ đã bị xuống cấp hơn 90%, duy chỉ còn sót lại một mảng tường
của cổng tháp Sáng. Tuy vậy, thực tế ngay cả cổng tháp Sáng cũng đang
xuống cấp, nằm trơ trọi trên một ngọn đồi và xung quanh cỏ cây mọc um
tùm.
Theo cụ bà tên Hồng (87 tuổi, thôn Đồng Dương), lúc cụ bà sinh
ra thì Phật viện này đã có nhưng do chiến tranh và thiên nhiên tàn phá
nên Phật viện ngày nay khác trước rất nhiều.
"Hồi trước thời Pháp thì vẫn còn y nguyên chứ chưa tan nát như bây giờ. Nhưng vì chiến tranh mới tan nát đây."
"Khác chứ sao không khác. Chừ với ngày trước khác đi mô, chừ tàn phá hư hết, có gì đâu."
"Hồi trước thời Pháp thì vẫn còn y nguyên chứ chưa tan nát như bây giờ. Nhưng vì chiến tranh mới tan nát đây."
Một cụ bà khác tên Gặp, là con dâu họ Trà, tức là họ tộc của con cháu
người Chămpa hiện sinh sống khá nhiều xung quanh khu di tích Phật viện
Đồng Dương, cho biết ngoài bị thiên nhiên, chiến tranh tàn phá thì sau
năm 1975, nhiều người dân sinh sống tại điạ phương do hoàn cảnh nghèo
khổ quá nên đã đào gạch tại Phật viện về xây dựng nhà cửa. Bà nói:
"Còn yếu tố sau ngày giải phóng về, dân về đây họ nghèo sẵn có
gạch dưới ni thì họ đào gạch ấy về xây nhà, giờ hục hục vậy là do họ đào
gạch xây nhà đó chứ nói đúng ra cũng không có phá phách gì."
Ngoài ra, chúng tôi còn ghi nhận thêm là di tích bị bôi bẩn bởi nhiều nét vẽ nguệch ngoạc, phản cảm.
Năm 2012 sau Hội thảo tìm giải pháp trùng tu di tích, tỉnh Quảng Nam
đã đầu tư 3 tỷ đồng để khai quật một số khu vực tại Phật viện Đồng
Dương. Đồng thời để cổng tháp Sáng không bị sụp đổ, tỉnh cũng đã dựng
một hệ thống sắt thép để chống đỡ. Đây là lần chống đỡ thứ hai, trước đó
nhiều năm cổng tháp Sáng được chống đỡ bằng hệ thống gỗ nhưng qua thời
gian thì hệ thống này hư hỏng.
"Sợ nó ngã cái Tháp, hồi trước họ chống Tháp bằng gỗ nhưng sau gỗ nó mục hư thì họ chống lại bằng sắt."-Lời của bà Gặp.
Chúng tôi liên lạc với ông Hồ Tấn Cường-Phó Giám đốc sở Văn hóa, Thể
thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam để hỏi thêm kế hoạch của tỉnh về di tích
đặc biệt này. Ông Cường cho biết:
"Giải pháp cho tháp Sáng, anh em bọn tôi đã chống rồi, chống cả
chục năm nay rồi nhưng mà cả ngàn năm từ thể kỷ thứ IX đến giờ cho nên
nguy cơ sụp đổ là bình thường. Bây giờ mình phải giữ nó lại y nguyên
trạng cái đã, cái gì còn thì mình giữ còn cái gì hắn không còn thì mình
mới đào lên mình mới biết cái đó là cái chi"
Việc trùng tu, phục dựng và bảo tồn di tích Phật viện Đồng Dương là
công việc hết phức tạp, theo chia sẻ của ông Hồ Tấn Cường, UBND tỉnh
Quảng Nam và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã từng có chủ trương
trùng tu, phục dựng và bảo tồn di tích Phật viện Đồng Dương nhưng từ
nhiều năm qua đã gặp khó khăn.
“Có. Nhưng bây giờ đang nhờ một đơn vị tư vấn. Người ta tập
trung quy hoạch trở lại và người ta khảo cổ trước khi quy hoạch, trùng
tu và phục chế.”
“Việc ni là Ủy ban Tỉnh đã có chủ trương rồi nhưng chưa có người
bởi vì họ thấy khó quá. Bởi vì nhà tư vấn họ phải tính toán việc lời lãi
nữa chứ không phải mình yêu di sản là mình làm liền. Cái ông làm tư vấn
bao giờ cũng tính toán quy hoạch xong rồi tính toán có lời lãi rồi ổng
mới làm. Nhưng bây giờ chưa tìm ra nhà tư vấn nào.”
Về phía người dân, thông tin Phật viện Đồng Dương sẽ được chính quyền
các cấp vào cuộc trùng tu từ nhiều năm nay nhưng họ chẳng thấy gì ngoài
những lời nói giống như hứa hẹn.
“Nghe nói trùng tu miết, có người thì nói trùng tu, có người nói
giờ để làm nhà trưng bày rồi mới trùng tu mà có thấy gì đâu. Người dân ở
đây cũng chờ mong, ngó mòn mỏi mà có thấy chi đâu.”- Lời của bà Gặp.
“Nói lâu rồi. Nói hồi năm 2000 rồi đến họ hứa năm 2005. Năm
2005 không làm rồi đến năm 2010, đến năm 2015 và giờ đến năm nay 2019
nói là năm 2020. Xã này họ cũng trông nhưng mà sao không làm cũng không
biết.
Một phụ nữ ở thôn Đồng Dương tham gia chia sẻ thêm, nguyên do của
những lời hứa hẹn mà chưa thấy thực hiện là do chính quyền địa phương
không có kinh phí để làm.
“Không biết. Họ cứ hẹn. Họ không có kinh phí. Chưa có kinh phí với lại các nhà đầu tư họ chưa tài trợ về thành ra họ không làm.”
Bà Nở, cư dân thôn Đồng Dương cũng chia sẻ tương tự.
“Dân thì kêu xã, xã thì nói chờ nhà tài trợ biết bao nhiêu năm rồi mà không được đó.”
Tại sao di tích xuống cấp lâu như vậy nhưng Chính phủ, Cục di sản văn
hóa thuộc Bộ VH-TT&DL chưa có giải pháp hỗ trợ tỉnh để bảo tồn tổng
thể, cứu di tích? Trả lời thắc mắc của chúng tôi, ông Hồ Tấn Cường, Sở
VH-TT-DL Quảng Nam cho biết:
“Chưa. Chưa. Mình chưa có kế hoạch, chưa có quy hoạch thì làm răng họ hỗ trợ được.”
Trong khi đó, vào cuối năm 2018, ông Nguyễn Thế Hùng, Cục
trưởng Cục di sản văn hóa trả lời trên báo Thanh Niên về di tích Phật
viện Đồng Dương rằng, nếu tỉnh Quảng Nam thấy khó khăn thì có ý kiến ra
Cục để Cục tư vấn hướng dẫn chuyên môn.
Lại câu chuyện Tỉnh chờ Bộ, Bộ đợi kiến nghị, hết năm này qua năm
khác di tích không chờ được đã trở nên hoang tàn nghiêm trọng. Còn người
dân thôn Đồng Dương thì chỉ biết ngóng các cấp chính quyền hứa trùng tu
di tích trong vô vọng.
“Mong muốn ở đâu cũng như ở quốc tế về làm lại cái Tháp cho
nó trang hoàng, cho dân ở đây thấy chút chứ hồi nớ chừ không thấy cái
Tháp mà cứ nói Tháp miết rứa đó.” Một cụ bà tên Hồng cho biết.
Theo các chuyên gia bảo tồn di tích thì Phật viện là di tích quốc gia
đặc biệt do đó muốn tu bổ phải dựa vào quy hoạch mà quy hoạch thì lại
do Thủ tướng phê duyệt (theo Nghị định 70 về tu bổ di tích)….Nếu Thủ
tướng chưa duyệt quy hoạch thì khó có đơn vị nào “đụng” vào được!
No comments:
Post a Comment