Vì sao nhiều cán bộ từ chối “thuyên chuyển” công tác, không “mặn mà” vào quy hoạch Quốc hội?
Từ chối điều động, phân công
Theo truyền thông trong nước hôm 20/9/2019, ông Nguyễn Thành Nhơn
nguyên Phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hậu Giang vừa nhận quyết định kỷ
luật về mặt chính quyền bằng hình thức cảnh cáo vì ông không chấp hành
sự phân công, điều động của Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh. Theo đó, ông
Nhơn được phân công chuyển từ Sở Tư pháp sang công tác tại Hội Chữ thập
đỏ tỉnh nhưng ông đã từ chối nhiệm vụ này.
Ngày 22/8 Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hậu Giang đã triển khai quyết định
kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Nhơn. Theo lãnh đạo tỉnh
Hậu Giang thì ông Nhơn Vi phạm Quy định 101 của Ban Bí thư về trách
nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt
các cấp về ý thức tổ chức kỷ luật “Gương mẫu chấp hành nghị quyết, chỉ
thị, quyết định, sự phân công, điều động của tổ chức”, vi phạm Điều 11,
Quy định 102 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm “Cố ý
không chấp hành quyết định bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, phân công
công tác, nghỉ chế độ, chuyển sinh hoạt Đảng theo quy định”; làm ảnh
hưởng xấu đến uy tín bản thân và tổ chức Đảng, cơ quan nơi ông sinh
hoạt, công tác.
Trước đó không lâu, dư luận ở Việt Nam cũng xôn xao chuyện ông Đoàn
Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh từ chối bổ
nhiệm điều chuyển công tác.
Cụ thể, ông Đoàn Ngọc Hải ngày 4/6/2019 đã nhận được quyết định của
UBND TPHCM điều động, bổ nhiệm về công tác tại Tổng công ty Xây dựng Sài
Gòn TNHH Một thành viên, tuy nhiên trong ngày nhận quyết định ông Hải
đã gửi đơn đến thường trực thành ủy, UBND và lãnh đạo nơi ông công tác
xin từ chức. Lý do ông Hải đưa ra là việc điều chuyển về vị trí mới
không phù hợp với năng lực sở trường chuyên môn được đào tạo. Đến ngày
5/9/2019, UBND TPHCM đã có quyết định cho thôi chức vụ Phó giám đốc đối
với ông Đoàn Ngọc Hải.
Phó giáo sư, tiến sĩ Mạc Văn Trang là người từng có hơn 30 năm công
tác ở Viện Khoa học Giáo dục trước khi về hưu vào năm 2002 và đã có hơn
54 năm tuổi đảng, nhận định rằng, việc công tác tổ chức cán bộ của Việt
Nam cực kỳ phức tạp.
“Thứ nhất trong tổ chức của Đảng, cấp nào cũng có ban tổ chức thì
ban này sẽ sắp xếp người vào vị trí nào đó, việc sắp xếp phức tạp lắm.
Vị trí đó thu lợi được không, có khả năng thăng tiến không, nếu vị trí
béo bở có khả năng thăng tiến thì người ta dành cho những người thân hữu
hoặc có tiền. Bệnh chạy chức chạy quyền trong đảng nói nhiều lắm rồi.
Thứ hai có những vị trí vất vả nguy hiểm nhưng không kiếm ăn được
tốt thì đẩy những người không phải là cánh hầu của mình ra đó nên những
người không chấp hành sẽ bị đẩy ra nơi đang khó khăn, phức tạp, nguy
hiểm không kiếm ăn được nên từ chối phản đối còn chỗ kiếm ăn tốt thì
phải chạy rất nhiều tiền đó là như vậy.”
Nhận xét về hiện tượng từ chối quyết định điều chuyển gần đây, ông Lê
Văn Cuông nguyên phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho
rằng:
“Nguyên nhân thứ nhất có thể do điều kiện làm việc môi trường mới
họ cảm thấy không phù hợp, không phát huy được. Thứ hai là vị trí công
việc nó không hấp dẫn, không có thực quyền, không có lợi ích vật chất
tốt và thứ ba là tâm lý con người khi vào các tổ chức, hiệp hội đơn vị
hoạt động mang tính chất từ thiện thì đâu đó nghĩ rằng nó không được tốt
nên họ không muốn.”
Ngoài ra ông Cuông còn cho hay, quy định của nhà nước thì cán bộ công
viên chức phải chấp hành sư phân công của tổ chức và không được từ chối
khi tổ chức phân công vì nếu không chấp hành nghiêm túc sẽ dẫn đến
nhiều hệ lụy về sau. Do đó, tổ chức cần xem xét khả năng nguyện vọng của
cán bộ để bố trí phân công cho phù hợp.
Nhắc lại, việc ông Đoàn Ngọc Hải từ chối nhận chức Phó tổng giám đốc
Công ty Xây dựng Sài Gòn. Trong đơn thư gửi lãnh đạo, ông Hải cho biết
trong các lần làm việc với lãnh đạo thành phố trước đây, ông từng xung
phong về làm Phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, hoặc cán bộ Ủy ban Mặt
trận tổ quốc huyện. Tuy nhiên, thành phố dự kiến điều động ông giữ chức
Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý, sau đó là Phó ban An toàn thực
phẩm, rồi chính thức bổ nhiệm chức Phó tổng giám đốc Công ty Xây dựng
Sài Gòn.
"Những lần dự định như thế này có thể nói là tùy tiện trong công
tác điều động cán bộ, đã làm tổn thương đến cá nhân tôi. Đây là điều
trăn trở lớn nhất đối với tôi từ trước tới nay. Phải chăng việc tôi chỉ
huy đi dọn dẹp vỉa hè đã đụng chạm đến lợi ích của nhiều người có máu
mặt và kết quả với tôi ngày hôm nay là như vậy" (trích từ bài viết
“Ông Đoàn Ngọc Hải, chiếc mặt nạ đồng chí và lão bán thuốc muỗi trong
truyện cổ Trung Hoa” đăng trên RFA ngày 17/8/2019)
Từ chối làm Đại biểu Quốc hội
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 14/9 về dự án Luật
Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Tổ chức Quốc hội. Bà Lê Thị Nga chủ
nhiệm Ủy ban Tư pháp và chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách ông Nguyễn
Đức Hải đặt vấn đề cho rằng, phần lớn những cán bộ khu được đề nghị quy
hoạch về Quốc hội thì đều từ chối ngay và nói rằng “xin đừng đưa em vào quy hoạch” điều gì đã khiến họ “ngần ngại”?
Ông Lê Như Tiến, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh
niên, Thiếu niên và Nhi Đồng của Quốc hội trả lời phỏng vấn với VTCNews
đăng ngày 20/9/2019 cho biết nguyên nhân: “Thực tế, thời gian qua
chế độ đãi ngộ cho đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách là chưa thực sự
tương xứng cho nên rất nhiều người không thực sự “mặn mà” cho lắm. Bởi
nếu lựa chọn vào cơ quan Chính phủ thì chế độ đãi ngộ sẽ tốt hơn ĐBQH
chuyên trách. Chính vì thế nhiều cán bộ ở các tỉnh, các Bộ, mời sang làm
đại biểu chuyên trách là họ từ chối ngay.”
Ông Lê Văn Cuông nguyên phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh
Hóa nhận định điều này có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, do hoàn cảnh cá
nhân của cán bộ, việc sinh hoạt cuộc sống, gia đình dòng tộc nên ngại vị
chuyển đi nơi khác thậm chí là Trung ương. Thứ hai, môi trường công tác
thay đổi mà hoạt động Quốc hội rất rộng lớn và đòi hỏi sự chuyên sâu
nhiều lĩnh vực mà trình độ cán bộ còn nhiều mặt hạn chế, chưa chuyên
sâu, thiếu chuyên nghiệp mà ra Trung ương là phải chuyện nghiệp nên
không đủ đáp ứng nhu cầu đó. Ngoài ra ông Lê Văn Cuông cũng nêu thêm
nguyên nhân thứ ba:
“Thứ ba hoạt động của cơ quan dân cử nói chung và đặc biệt là quốc
hội mặc dù vai trò vị trí lớn, danh dự cao có thể nói về mặt chính trị
thì đây là lĩnh vực được cả quốc hội quan tâm. Tuy nhiên, quyền lực thực
tế có hạn chế vì nó chỉ là tiếng nói để dư luận hay quốc hội tham khảo
thôi chứ không mang tính quyết định nên có ý kiến nhưng quyền quyết định
hay không do người khác nên không thực sự hấp dẫn đối với một số cán bộ
lâu nay quyền hoạt động tại cơ quan quản lý nhà nước có thực quyền, cả
quyền lợi mặc dù chức vụ thấp hơn nhưng người ta nói là “đầu gà hơn cứt
lợn” nó có những thực quyền và quyết định được.”
Phó giáo sư, Tiến sĩ Mạc Văn Trang giải thích thêm nguyên nhân:
“…Giờ người ta đang ở Bộ kế hoạch đầu tư, tài chính ngân hàng…
những vị trí có thu hoạch lớn mà giờ về quốc hội thì khó. Vì lập pháp
chỉ có họp với bàn ra pháp luật thôi, không có gì trực tiếp hấp dẫn hay
các dự án đầu tư… có thể kiếm ăn được dễ dàng. Tất nhiên trong quốc hội
những vị trí quan trọng cũng có thể kiếm ăn được, còn những vị trí khác
không thể kiếm ăn mà phải họp rất là nhiều và đặc biệt là phải tiếp xúc
cử tri mà các Đại biểu Quốc hội rất ngại tiếp xúc cử tri vì cử tri hỏi
chuyện này chuyện kia phức tạp nên làm ở các cơ quan hành chính thì vừa
kiếm ăn được vừa không trực tiếp đối diện với nhân dân…”
Nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang nhận định rằng, hiện nay có nhiều
doanh nhân, cá nhân cũng muốn tham gia vào đại biểu Quốc hội, mục đích
không phải vì dân vì nước mà để được những đặc quyền của Đại biểu Quốc
hội, có uy tín để quan hệ với các cán bộ ngành địa phương tìm kiếm các
dự án được xem là “béo bở” để làm ăn.
Trường hợp điển hình là bà Châu Thị Thu Nga, một đại biểu Quốc hội
thành phố Hà Nội vừa là cựu chủ tịch HĐQT công ty tập đoàn xây dựng nhà –
Housing Group bị lãnh án tù chung thân về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài
sản” với số tiền chiếm đoạt lên tới gần 350 tỷ đồng của khách hàng mua
địa ốc. Tại phiên tòa sơ thẩm bà Nga có khai đã dùng tiền đút lót để
được bầu vào đại biểu quốc hội nhưng tòa án đã không cho bà khai báo
việc chạy ghế đại biểu quốc hội. Lý do được đưa ra là không liên quan vụ
án.
Tin, bài liên quan
- Đề án 60% công chức nói tốt tiếng Anh: Lực bất tòng tâm!
- ‘Bao biện’ của cán bộ chạy điểm cho con và mức độ xử phạt
- Cán bộ Công Thương đi công tác nội địa phải dùng máy bay Vietjet Air
- Ý kiến về việc tuyển công chức ở Việt Nam?
- Nguyên Phó giám đốc Sở tư pháp Hậu Giang bị kỷ luật vì từ chối quyết định điều động cán bộ
- Những “con sâu” trong Quốc hội Việt Nam: Họ là ai?
- Lãnh đạo ở Phan Thiết và Quảng Ngãi bị bắt giam vì tham nhũng
- 6 lãnh đạo của SAGRI bị kỷ luật
- Thêm quy định xử lý có thanh lọc được cán bộ suy thoái?
- https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/why-do-many-officials-refuse-to-transfer-their-work-and-are-not-interested-in-planning-the-national-assembly-09202019153436.html
No comments:
Post a Comment