Việt Nam trước chính sách Đổi Mới (1975 - 1986) tiếp theo
…
2/ Các cuộc chiến tranh biên giới cục bộ với các nước trong phe XHCN
Chỉ chưa đầy 5 năm sau cuộc nội chiến ý thức hệ, Việt Nam lại
bước vào hai cuộc chiến tranh biên giới cục bộ kéo dài gần 12 năm khiến
cho việc tái thiết đất nước gặp vô vàn khó khăn và thực thi việc quản lý
đất nước theo mô hình cộng sản đã bị phá sản hoàn toàn. Tại sao một
quốc gia vừa ra khỏi cuộc chiến lại nhanh chóng dính vào hai cuộc chiến
tranh biên giới liên tiếp như vậy. Có thể có các lý do sau đây.
- Trước hết, khởi nguồn phải là sự rạn nứt và mâu thuẫn trong
khối các nước Xã hội Chủ nghĩa. Đó là sự mâu thuẫn giữa Liên Xô và Trung
Quốc, vì đường lối xét lại của lãnh tụ Khrushchev, vì sự tranh giành
ảnh hưởng lãnh đạo thế giới thứ ba giữa Liên Xô và Trung Quốc. Hai quốc
gia bảo trợ cho cộng sản Việt Nam đã mâu thuẫn và đối đầu quyết liệt,
khi tổng thống Mỹ Nixon chủ động bắt tay với Bắc Kinh để cô lập Liên Xô
trong một chiến lược giải thể cộng sản trên toàn thế giới. Việt Nam là
nước đàn em, chịu sự giúp đỡ và bảo trợ của cả hai nước, dù đã rất khéo
trong việc đu dây những cũng không kéo dài được lâu. Cả hai cuộc chiến
tranh đều bắt nguồn từ những mâu thuẫn với Trung Quốc, gián tiếp và trực
tiếp.
- Hai là, việc tranh giành ảnh hưởng hai nước Lào và Campuchia
giữa Việt Nam và Trung Quốc là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới hai cuộc
chiến biên giới. Với lịch sử gắn kết trong xứ Đông Dương, cùng với quá
trình đồng cam cộng khổ chống Pháp và chống Mỹ, cộng với men say chiến
thắng, Việt Nam đã thực hiện các mối liên minh với hai nước bằng tư thế
lãnh đạo. Điều này Trung Quốc coi là bị qua mặt, và cho rằng Việt Nam có
tư tưởng tiểu bá. Đó là nguyên nhân dẫn tới việc Trung Quốc hậu thuẫn
Khmer Đỏ chống lại Việt Nam.
- Lý do quan trọng nữa, các nước cộng sản, lãnh đạo, nhà cầm
quyền không được người dân bầu lên, mà chỉ là do một đảng cướp quyền bầu
lên. Chính vì vậy họ hành động không tuân theo nguyện vọng của nhân dân
(phần lớn yêu chuộng hòa bình, không hề muốn có chiến tranh) mà chỉ do ý
chí, thái độ của nhóm lãnh đạo đảng. Họ đã sử dụng nguồn lực của đất
nước, tính mạng của người dân như những công cụ để thực hiện tham vọng
cho đảng của mình.
Cuộc chiến tranh biên giới với Campuchia
Ngày 18/7/1977 phái đoàn đảng và nhà nước CSVN do Lê Duẩn và
Phạm Văn Đồng dẫn đầu, sang viếng thăm Lào qua sự tiếp đón rất long
trọng của Chủ tịch đảng Cộng sản Lào Souphanouvong, Thủ tướng Lào Kayson
Phomvihan. Tại đây hai phía đã ký Hiệp ước hữu nghị và tương trợ, với
nội dung “hợp tác chặt chẽ để tăng cường khả năng phòng thủ và bảo vệ
độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của hai nước.” Hiệp ước này
trong thực tế chỉ là văn kiện hợp thức hóa sự chiếm đóng của 3 sư đoàn
325, 304 và 968 của cộng sản Việt Nam trên đất Lào.
Với hiệp ước hữu nghị giữa Lào và Việt Nam đã làm cho phe
Khmer Đỏ lo ngại không sớm thì muộn sẽ bị Hà Nội ép phải vào trong Liên
Bang Đông Dương. Do đó mà Campuchia thấy cần phải liên minh chặt chẽ hơn
nữa với Bắc Kinh và chuẩn bị một cuộc chiến tranh “tự vệ mới” để chống
lại lực lượng quân đội CSVN. Cuộc diệt chủng do Pol Pot thực hiện có một
lý do để thanh trừng toàn bộ phe cánh và những đảng viên cộng sản thân
Việt Nam.
Với sự yểm trợ ngầm của Bắc Kinh, ngay từ tháng 3/1978, quân
đội của campuchia đã tấn công dọc biên giới phía tây nam của Việt Nam,
tuy nhiên đó chỉ là những cuộc tấn công quy mô nhỏ. Ngày 17/11/1978,
mười ba tiểu đoàn thuộc các sư đoàn 3, 4 và 290 mở cuộc tổng tấn công
lớn đánh chiếm những làng xã phía tây tỉnh Tây Ninh và nhất là khống chế
tỉnh Lộ 13 chạy song song với biên giới phía tây tỉnh Tây Ninh. Ngày
2/12/1978, Binh đoàn Cửu Long gồm các sư đoàn 7, 9, 341 dưới sự chỉ huy
của tướng Hoàng Cầm đã tổng phản công tái chiếm lại những vị trí ở tỉnh
Tây Ninh, sau đó tràn sang biên giới Campuchia phá hủy những căn cứ quân
sự. Cuối tháng 12 năm đó, cộng sản Việt Nam đã quyết định tấn công
Khmer Đỏ ngay trên đất Campuchia. Đến ngày 07/01/1978, quân đội Việt Nam
đã chiếm được thủ đô Phnom peng.
Cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung
Mầm mống mâu thuẫn của Việt Nam với Trung Quốc đã xuất hiện từ
sau năm 1973, khi Trung Quốc khuyến cáo Hà Nội nên tạm ngưng xâm lược
miền Nam và trở thành công khai sau khi Hà Nội khai tử chế độ Cộng hòa
Lâm thời miền Nam Việt Nam. Ngày 22/9/1975, khi Lê Duẩn và Lê Thanh Nghị
cầm đầu phái đoàn sang Bắc Kinh xin viện trợ đã bị Đặng Tiểu Bình từ
chối thẳng thừng. Quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh căng thẳng hơn khi vào
tháng 3/1978, Hà Nội bắt đầu chiến dịch đánh người Hoa tại Việt Nam.
Mượn cớ đánh tư sản mại bản, hàng ngàn công an vũ trang và bộ đội bao
vây khu vực người Hoa tại Chợ Lớn và lục soát từng nhà để kiếm vàng và
kê khai tài sản. Sau đó, hàng ngàn người Hoa bị áp lực buộc phải rời
khỏi Việt Nam. Cuối năm 1978, việc Việt Nam và Liên Xô ký hiệp ước tương
trợ kinh tế quân sự, cũng là chính thức ngả theo Liên Xô đã đẩy Việt
Nam ra xa khỏi Trung Quốc hơn nữa. Việc quân đội Khmer Đỏ thất bại nhanh
chóng và Việt Nam chiếm đóng Campuchia càng thôi thúc Trung Quốc tiến
tới hành động quân sự mà họ nói là “dạy cho Việt Nam một bài học”…
(còn nữa)
Hà Nội, ngày 25/8/2019
N.V.B
No comments:
Post a Comment