Đài phát thanh Sài Gòn Tết Mậu Thân 1968
VNCH Ngọc Trương (Danlambao)
- Nhà tôi ở đối diện Cục An ninh quân đội (số 8 đường Nguyễn bỉnh
Khiêm, Quận nhất, Sài Gòn), cách đài phát thanh quốc gia khoảng 100m
(tên chính danh là Đài phát thanh Sài Gòn thuộc Nha vô tuyến truyền
tranh, Bộ Thông tin VNCH), vì vậy chứng kiến nhiều biến cố xảy ra chung
quanh đài phát thanh, tiếng nói trung ương nước Việt Nam Cộng Hoà.
Đài phát thanh Sài Gòn nằm ngay góc đường Nguyễn Bỉnh Khiêm và Phan Đình
Phùng, mặt tiền quay ra đường Phan Đình Phùng, phía bên hông trên đường
Nguyễn Bỉnh Khiêm có dãy nhà xe cho nhân viên làm việc tại đài.
Thời Đệ nhất Cộng hòa, an ninh Sài Gòn vững chắc, đài phát thanh có hai
cảnh sát viên canh gác, một ông ngồi tại bàn giấy ở cửa chánh, cảnh sát
viên thứ hai ngồi gác trong chòi gỗ bên hông trái của toà nhà một tầng
lầu nầy, nhìn ra building Richaud I, nơi cư ngụ của nhân viên tòa đại sứ
Pháp, các giảng viên người Pháp dạy tại Trung tâm văn hóa Pháp... Việc
canh gác thật nhàn rỗi trong một xã hội trật tự và an ninh.
Đảo chánh chiếm đài phát thanh lần đầu: 11 tháng 11 năm 1960 do Nguyễn
Chánh Thi lúc đó là Chỉ huy trưởng Nhảy dù cầm đầu. Sáng đi học ngang
qua đài phát thanh, lính nhảy dù tụ tập đông đảo, súng ống đầy đủ, có cả
trung liên BAR.
Lần đảo chánh thứ hai 1 tháng 11 năm 1963, quân đảo chánh cũng chiếm đài phát thanh.
Sau khi Đệ nhất Cộng hòa sụp đổ, năm 1964 đảo chánh tiếp theo của Dương
Văn Đức, Phạm Ngọc Thảo kéo quân bao vây đài phát thanh, ngăn chận tiếng
nói của chính phủ trung ương. Suốt ngày đài phát thanh chỉ phát quân
nhạc hòa tấu và không truyền tin tức hay các chương trình thường lệ.
Lại có dịp nghỉ học ở nhà, chạy ra đài phát thanh coi lính tráng, xe tăng, súng ống. Thật đã mắt con nít làm sao.
Quân đảo chánh vây đài phát thanh 1964
Cuối năm 1964 qua năm 1965, biểu tình chống chính phủ VNCH, có khi chống
người Mỹ tham chiến ở Việt Nam xảy ra nhiều lần, bọn sinh viên học sinh
do Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Văn Nuôi hay vc cái gọi là ni cô Huỳnh Liên xúi
giục và các "Phật tử" yêu cộng sản cầm gậy gộc hò hét, bao vây chiếm cứ
tòa nhà này, chúng ném đá bể cửa kiếng, xông vô đập phá trước khi cảnh
sát tới. Cảnh sát chống biểu tình bắn lựu đạn cay chận bọn quá khích,
lần đó tôi chạy có cờ phất phới về nhà đóng cửa, nhào vô rửa mặt cho bớt
cay, ngực nặng nề muốn nghẹt thở. Từ đó về sau tôi bị cấm không được
bén mảng đến đài phát thanh khi có chuyện lộn xộn xảy ra.
Chiều tối mồng một Tết 1968 về đến nhà, xem chương trình truyền hình
Việt Nam đặc biệt đón Xuân (băng tần số 9) cho đến hết. Giữa đêm, giật
mình thức dậy vì tiếng súng hay tiếng pháo nổ liên tục, nghe kỹ tiếng nổ
lớn hơn và nặng hơn. Lật đật nhìn đồng hồ, hình như là 1 hay 2 giờ sáng
gì đó. Tiếng súng ngày càng dữ dội rần rộ hơn nữa. Hai ông anh và tôi
chạy ra trước cổng nhà gần mặt đường, nhìn sang cục An ninh quân đội,
vẫn thấy chú lính quen thuộc trong chòi gác, tay thủ súng carbine như
thường ngày.
Qua mấy lần đảo chánh, tụi tôi cũng quen nghe tiếng súng. Nhìn ra đường
vắng hoe, đèn đường vẫn sáng, tiếng súng nổ gần hơn, nghe như phía đài
phát thanh. Má tôi réo ba thằng con vào trong nhà, lo sợ súng nổ, đạn
bay không tránh người.
(Trái) Binh sĩ nhảy dù leo thang treo vào cửa sổ bên hông đài.
(Phải) Xác đặc công vc bị bắn chết trước đài. (Flickr)
Vào nhà trốn một lúc, tiếng súng lắng dịu, đồng thời có tiếng người gọi
nhau rất gần trước cửa nhà. Ba anh em tôi lại len lén chun ra ngoài quan
sát. Trước cổng Cục An ninh quân đội, khá đông lính Nhảy dù không biết
từ đâu đến, họ núp sát từng gốc cây hai bên đường trong tư thế tác chiến
quay về hướng đài phát thanh Sài Gòn. Súng nổ ròn rã, hai ông anh tôi
lom khom xuống núp, tôi chen vào giữa nhìn qua song cửa, chỉ kịp thấy
loáng thoáng trong bóng đêm, có lẽ là viên sĩ quan chỉ huy, tay cầm súng
ngắn chạy dẫn đầu và phất tay ra hiệu xung phong, tốp lính núp trong
mỗi gốc cây cũng phóng ra chạy theo, vừa chạy vừa bắn liên tục.
Nhảy dù VNCH tác chiến thật can đảm và dũng mãnh. Hình ảnh oai hùng đó còn sống mãi trong đầu óc tôi.
Trời sáng, tiếng súng phía đài phát thanh thưa bớt, ra sân trước xem - đài phát thanh lửa cháy hừng hực.
Đến trưa Thiếu tá Chuỳ ANQD đồng hương với ba tôi ghé thăm và cho biết:
Quá nửa đêm đặc công vc một số đi đầu giả dạng mặc quân phục VNCH, tấn
công bất ngờ vào tầng trệt, giết chết cảnh sát viên trực. Chúng vào bên
trong, bắn chết một số cảnh sát dã chiến trên sân thượng và chuẩn bị cố
thủ với chất nổ, dự định nếu không giữ được đài phát thanh, sẽ phá sập
luôn.
Một đơn vị Nhảy dù có mặt sẵn trong cục ANQD, tăng cường phòng thủ cận
Tết, được lệnh phản công gấp, một mặt tấn công từ tầng trệt, một nhánh
khác dùng thang leo qua cửa sổ lầu trên tấn công. Hai mặt bị vây, đặc
công vc không còn đường rút lui, chúng cho nổ cả tầng lầu, kích hỏa vật
liệu dễ cháy của đài như băng nhựa (magnetic tape) dùng ghi âm các
chương trình hàng ngày, kho băng nhạc, dĩa nhạc lưu trữ, giấy tờ, thư
viện chứa các bản nhạc cũng cháy rụi.
(Trái) Tầng trên bị cháy, ảnh chụp từ Building Richaud I
(Phải) Mặt tiền của đài phát thanh (Flickr)
Một số vc khác bị bắn chết ngoài vòng rào đài phát thanh lúc đêm, được
kéo về gần cục ANQD, năm, sáu xác vc mặc sơ mi, quần dài như mọi người ở
Sài Gòn, tên nào cũng mặc sơ mi ca rô để nhận dạng nhau, có tên đeo
miếng băng đỏ trên cánh tay.
Cũng theo lời ông Thiếu tá, vc vào trong đài phát thanh nhưng không biết
làm sao phát sóng. Sóng phát thanh của đài Sài Gòn không phát trực
tiếp, sóng phát qua đài phát tuyến Quán Tre, từ Quán Tre truyền thanh đi
khắp nơi. Quán Tre (nếu tôi còn nhớ đúng) nằm trên đường đi đến Trung
tâm huấn luyện Quang Trung.
Cũng vì không phát thanh trực tiếp, năm 1960 nhóm đảo chánh của Nguyễn
chánh Thi không chận được sóng của đài Quán Tre, lời kêu gọi của Tổng
Thông Ngô đình Diệm phát đi lan truyền toàn quốc và đoàn quân từ miền
Tây của Đại tá Trần thiện Khiêm kéo về Sài Gòn giải cứu.
Sau đó, trong thời gian ngắn đài phát thanh hoạt động trở lại. Tầng trên
được phá ra xây lại vẫn ở địa điểm số 3 đường Phan đình Phùng, quận
nhất, Sài Gòn,
Hơn 50 năm, hình ảnh các nghệ sĩ ra vào đài phát thanh Sài Gòn để thu âm
như mới ngày hôm qua. Ca sĩ Minh Hiếu (vợ tướng Vĩnh Lộc sau này) khi
ấy rất trẻ, lái chiếc SAAB hai cửa, màu đỏ tới đài thâu tiếng hát. Thời
ấy, xe hiệu SAAB rất hiếm thấy ở Sài Gòn. Thẩm thúy Hằng rực rỡ đi với
mấy người bạn. Tùng Lâm và bà vợ Bạch lan Thanh, có lần tôi thấy nghệ sĩ
Vân Hùng hay đóng kịch chung với Kim Cương (vc nằm vùng). Xướng ngôn
viên Mai Liên, người có giọng nói thật truyền cảm, mỗi chiều đi bộ từ
đài phát thanh ngang qua nhà tôi để đến đài truyền hình Việt Nam trên
đường Hồng thập tự. Nghệ sĩ La Thoại Tân, đẹp trai xuất sắc một thời.
Nghệ sĩ Tú trinh trông rất hippy, mặc mini jupe ngắn đi xe Yamaha chạy
ào ào. Hay "em bé" Phuơng Mai học xong, chạy xe tới hát cho đài phát
thanh vẫn còn mặc đồng phục của trường Saint Paul.
Chắc chắn vc đã bịa đặt, lừa bịp với chi tiết không có thật, thêu dệt
chiến công này nọ về chuyện tấn công đài phát thanh Sài Gòn có lợi cho
bọn chúng và "thần đồng hoá" mấy đặc công miền Nam bị lừa vào chỗ chết,
đến chết vẫn không biết đã bị lợi dụng làm vật thí mạng cho sách lược
của bọn bắc kỳ cs Hà nội, tay sai trực tiếp Nga sô, Trung cộng như Lê
Duẩn thú nhận: "...đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung quốc".
Hà Nội hy vọng dân miền Nam sẽ nổi loạn theo cs khi chúng tổng tấn công
năm 1968, thực tế trả lời không hề có nổi dậy. Thành công duy nhất là
tiêu diệt hơn hai phần ba bọn cs Nam kỳ hoạt động du kích, nằm vùng,
hoặc quân sự địa phương. Mũi tên Hà nội bắn đi không giết được QLVNCH và
dân miền Nam, nhưng đủ gây trọng thương và ảnh hưởng tâm lý lâu dài bọn
cs Nam kỳ tự gọi là "giải phóng miền Nam", chúng trở thành bọn "giãy
chết ở miền Nam".
Các nhân chứng tại Sài Gòn nghe, thấy, biết, vẫn là sự thật không thể
giấu diếm. Khi nào thế hệ các nhân chứng không còn ai sống nữa, may ra
vc mới có thể rêu rao, lừa bịp dư luận. Ngày ấy hãy còn xa.
26.01.2020
No comments:
Post a Comment