7 hành động để cứu môi trường trên Trái Đất từ 2021
Nhà tự nhiên học, nhà hoạt động truyền thông Anh Quốc, Sir David Attenborough đề xuất bảy hành động cấp thời để các chính phủ và người dân cứu Trái Đất trước thảm họa.
Ngay từ năm 2017, Sir David Attenborough đã nêu ra các quan ngại của ông trước việc Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (2015).
Trong những năm sau đó, ông tiếp tục lên tiếng về nguy cơ môi trường sống của nhân loại bị hủy diệt, cảnh báo về vị trí chông chênh của loài người “như bên bờ vực 'Chernobyl' về môi trường.
Năm 2020, Sir David Attenbourough (93 tuổi) chuẩn bị ra cuốn sách 'A Life On Our Planet' (Cuộc sống trên Hành tinh chúng ta), và đề ra Bảy Hành Động để cứu môi trường.
Bảy Hành Động để cứu Trái Đất
Các báo Anh giới thiệu bảy hành động này vào dịp cuối năm 2020 như một bản cam kết cho giới đấu tranh vì môi trường trong năm 2021 và những năm sau. BBC News Tiếng Việt xin giới thiệu:
1. Đặt con người và hành tinh lên trên lợi nhuận
Phê phán 'cơn đói khát tăng trưởng kinh tế không nghỉ (hunger for perpetual economic growth) ông Attenborough chỉ ra rằng bảng xếp hạng Hạnh phúc (Happy Planet Index) cần được áp dụng để đánh giá tác động của môi trường đối với sự an lành của con người, và đó mới là tiêu chuẩn của thành công.
Nhân loại đã phá hủy một nửa số rừng rậm nhiệt đới, xóa đi rừng núi, đồng cỏ tự nhiên để làm nông trại, để xây chung cư và gây ra sự hủy hoại triệt phá với thực vật, động vật, côn trùng.
Nguyên tắc số 1 mà Sir David Attenborough nêu ra là nhằm đảo ngược triết lý sống và phương thức 'phát triển' của mọi nước, mà đa số đặt lợi nhuận lên trên môi trường và sự bình an, hạnh phục thực thụ của công dân.
2. Thay dầu lửa bằng năng lượng tái tạo
Năm 2019, 85% năng lượng trên toàn thế giới có nguồn gốc hóa thạch (dầu, khí), David Attenborough viết.
Thay đổi nguồn năng lượng không chỉ cứu môi sinh mà còn cải thiện cuộc sống của chúng ta.
“Khi năng lượng sạch, phi carbon bắt đầu được dùng, con người sẽ cảm nhận được lợi ích ngay. Cuộc sống sẽ bớt ồn ào. Không khí, nước sẽ sạch hơn, số tử vong sớm vì ô nhiễm không khí sẽ giảm.”
3. Chọn lối sống bền vững
Ông Attenborough mong muốn nhân loại quay về với lối sống cân bằng với thiên nhiên, thậm chí cần “trả lại nông trang, các đồn điền trồng cấy cho thiên nhiên... Cần chấm dứt việc dùng quá mức phân hóa học và giảm lượng nước ngọt trong sinh hoạt”.
Ở cấp độ quốc gia và toàn cầu, ông kêu gọi cắt giảm gấp khí thải nhà kính.
Các báo Anh khi giới thiệu Bảy Hành Động mà Sir David Attenborough đề xuất đã nhắc tới những sáng kiến nhỏ, ai cũng thực hiện được như giảm lượng túi ni-lông bạn dùng hàng ngày, dùng cốc, ly cà phê, trà nhiều lần, tăng đi bộ, đi xe đạp.
Bạn cần ý thức được sức mua là một quyền lực mà người tiêu dùng nào cũng có để đóng góp cho thay đổi tích cực, vì môi sinh, ví dụ như giảm mua nông phẩm vận chuyển từ xa tới để góp phần cắt bớt khí CO2, mua thực phẩm từ nông trang địa phương...
4. Lập các vùng cấm đánh bắt ngoài đại dương
Biển và đại dương không chỉ chiếm 2/3 bề mặt Trái Đất mà còn giúp thu nhận CO2, và một môi trường biển có các loài sinh vật biển hồi sinh thì tính đa dạng của hệ sinh thái sẽ tăng, và cuối cùng thì con người lại nhận được nhiều thực phẩm hơn.
Đừng bắt cá nhỏ, hãy để cá lớn, sinh sản và mở rộng phạm vi sinh sống của chúng sang cả các vùng biển khác, nhà tự nhiên học từ Anh Quốc kêu gọi.
5. Nuôi trồng thông minh hơn và ăn ít thịt hơn
Cần giảm lượng thịt tiêu thụ trên toàn cầu, nuôi trồng dùng ít đất hơn và cắt giảm thịt đỏ, nhất là thịt bò, để giảm cả lương thực nuôi bò mà hiện đang chiếm 60% số đất nông nghiệp.
Theo ông Attenborough, “chỉ cần thay đổi thói quen tiêu thụ, nhân loại sẽ có thể nuôi sống mình với một nửa số đất nông trại, đồn điền hiện nay”.
6. Bảo vệ rừng
Sir David Attenborough nói rằng cả thế giới cần ủng hộ các quốc gia đang gặt hái thành công trong việc sử dụng đất rừng mà không làm hại, hoặc là mất đi diện tích rừng.
Cách làm tốt là “chuyển hướng thương mại và đầu tư”, và cần tìm ra cách biến rừng và đất phủ cây xanh thành môi trường có ích bền vững cho người dân, cùng với việc đảm bảo tính đa dạng của hệ sinh thái (biodiversity).
7. Giúp người dân thoát nghèo nhờ giảm sinh suất
Ông David Attenborough chia sẻ:
“Khi tôi ra đời, trên cả hành tinh này có chưa tới hai tỷ người. Hôm nay chúng ta có số dân tăng gần bốn lần.”
LHQ dự báo dân số thế giới sẽ tăng lên mức 9,4 – 12,7 tỷ vào năm 2100.
Thông điệp của Sir David Attenborough là “Để ai trên Trái Đất cũng có phần sống bình đẳng của mình thì chúng ta cần cùng giảm tiêu dùng và tìm ra các cách ổn định tăng trưởng dân số.”
“Cách công bằng nhất để ổn định dân số thế giới là giúp các nước nghèo phát triển. Khi đó, họ sẽ cải thiện dinh dưỡng, dịch vụ y tế, và tử vong của trẻ sơ sinh sẽ giảm, và hộ gia đình sẽ có ít con hơn.”
Anh Quốc đã và đang làm gì?
Để chuẩn bị cho Hội nghị LHQ về Biến đổi Khí hậu (COP26) ở Glasgow vào tháng 11/2021, chính phủ Anh tung ra nhiều chương trình vì môi trường như cấm bán xe chạy xăng và dầu diesel từ 2030.
Các xe chạy xăng và diesel đã và đang sử dụng sẽ tiếp tục được dùng nhưng không ai được mua bán và đăng ký mới xe thế hệ cũ nữa, để nhường chỗ cho xe chạy điện.
Các hoạt động của giới bảo vệ môi trường tại Anh những năm qua cũng đem lại kết quả đáng nể về trồng rừng và phủ xanh đất đai.
Theo Ủy ban Lâm nghiệp (Forestry Commission), tính đến đầu 2020, số đất phủ cây xanh (woodland, gồm rừng, rừng tái sinh và thảm thực vật có cây, không phải đồng cỏ) trên toàn lãnh thổ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland đã đạt phần trăm như thế kỷ 1 (năm 43 sau Công nguyên).
Cụ thể là 3,19 triệu ha, bằng 13% diện tích toàn UK hoàn toàn được phủ xanh, phần lớn nhờ công tác trồng rừng.
Tại xứ Anh (England), đất phủ xanh bằng cây rừng nay đạt 10% diện tích, còn ở Wales là 15%, Bắc Ireland 8% và Scotland đạt 19%.
Từ nhiều năm trước, chính phủ Anh đã ước tính nước này cần thêm 1,5 tỷ cây xanh để góp phần chống biến đổi khí hậu và các chiến dịch trồng rừng do nhiều hội cây xanh (woodland trusts) đề ra đã đạt kết quả khá tốt.
Những tên gọi và khẩu hiệu như Time4Tree, Rewilding Britain... trở nên quen thuộc.
Đặc biệt, một phong trào do quỹ Plantlife tung ra đã yêu cầu các hội đồng địa phương không xén cỏ ở vỉa hè, vệ đường, các điểm công cộng cho đẹp mắt mà để hoa cỏ mọc tự nhiên.
Còn gọi là 'Road Verge Campaign' họ đã giúp biến hàng nghìn hectare vỉa hè tại Anh thành môi trường mini cho chim chóc và côn trùng sinh sống.
Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, phong trào Plant Britain bắt đầu từ 2020 được các kênh truyền hình nội địa như BBC (Countryfile) hỗ trợ đạt ra mục tiêu trồng thêm 750 nghìn cây.
Ngoài việc tổ chức các vườn ươm cây với hạt giống nội địa để bảo tồn các loài cây của đảo Anh, Plant Britain khuyến khích người dân tự trồng cây xanh quy mô nhỏ, thậm chí trong đôn, chậu trên ban-công, bệ cửa sổ nếu không có vườn riêng.
Các chiến dịch của Clean River Campaigns đặt ra mục tiêu biến nước sông tại Anh đạt tiêu chuẩn sạch để người bơi được.
Số người ở Anh có ý muốn ăn ít thịt cá hoặc chuyển sang cách tiêu thụ sản phẩm thịt, sữa có ý thức bảo vệ động vật cũng tăng.
Hồi tháng 4/2020, một nghiên cứu của Georgia Rose-Johnson đăng trên báo Anh cho biết số người ăn chay (không thịt) ở Anh chỉ khoảng 6,7 triệu, bằng 7% dân số.
Tuy thế, số người nêu cam kết đầu năm 2020 rằng họ sẽ chuyển sang ăn các món không thịt hoặc chỉ ăn cá (meat-free diet) tăng lên 12 triệu.
Khép lại năm 2020, các báo Anh chưa có thống kê chính thức bao nhiêu người thực hiện được cam kết nói trên nhưng xu hướng ăn giảm thịt đang trở thành thịnh hành trong xã hội Anh.
Phần lớn các công ty cung cấp thực phẩm, nhà hàng ở những thành phố lớn nay đã có món không thịt trong thực đơn.
Anh Quốc không phải là quốc gia đầu tiên hay duy nhất ở châu Âu muốn đề cao mục tiêu vì môi trường.
Các nước EU năm 2020 cũng lên kế hoạch tái thiết kinh tế sau đại dịch Covid theo hướng phát triển bền vững, xanh và sạch hơn, với khẩu hiệu 'European Grean Deal' (Thỏa thuận Xanh cho châu Âu) từ cuối 2021.
Trong năm 2021, BBC News Tiếng Việt sẽ đăng nhiều bài về môi trường và các giải pháp bảo vệ hệ sinh thái cũng như cách phát triển bền vững.
No comments:
Post a Comment