Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Friday, 18 December 2020

 

Nữ sinh tự tử và triết lý giáo dục

< A >
Nguyễn Tường Tâm (Danlambao)
- Chuyện một nữ sinh lớp 10 của Trường Trung học phổ thông Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang đã phải uống độc dược tự tử, để lại một lá thư tuyệt mệnh đề nghị ba giới chức: hiệu trưởng, hiệu phó, giáo viên chủ nhiệm hãy đối xử tốt với học sinh, đừng dùng uy quyền trấn áp học sinh v.v... đang làm xôn xao dư luận (1). Cách đối xử của giới lãnh đạo trường được nêu trong lá thư chính là hình thức bạo hành học sinh.

Chuyện cô thầy giáo và hiệu trưởng, hiệu phó dùng bạo lực với học sinh dưới mái trường xã hội chủ nghĩa Việt Nam là hiện tượng phổ biến, không những được tâm lý cộng đồng chấp nhận mà ngay cả luật pháp cũng như nội qui nhà trường cho phép hay ngó lơ. 

Sự bạo hành của cô thầy giáo và nói chung là giới lãnh đạo trường học đối với học sinh được thể hiện dưới những hình thức: Lợi dụng quyền nhận xét & phê bình đạo đức & hạnh kiểm của học sinh, tổ chức đội học sinh cờ đỏ để kiểm soát toàn thể học sinh trong trường kể cả đời sống của các em ngoài nhà trường, trong gia đình; đe dọa học sinh để ép học sinh phải đóng tiền học thêm với cá nhân thầy cô giáo hay nhà trường, dựa vào quà cáp hàng năm của phụ huynh để đánh giá học lực và hạnh kiểm học sinh, phê bình tình hình học tập và hạnh kiểm của học sinh trước lớp, trước buổi họp phụ huynh; tuyên phạt kỷ luật học sinh trước lớp, trước trường; phạt kỷ luật học sinh bằng cách bắt lao động, dọn vệ sinh trong trường, trong lớp; la mắng học sinh trước lớp, đánh đòn học sinh. Trên đây là những hình thức bạo hành học sinh mà không thấy ở đâu, từ các trường ở miền Nam trước 1975 cho tới các trường ở hải ngoại. Khi tôi kể với các đồng nghiệp giáo chức Hoa Kỳ về các hình thức giáo dục tại Việt nam hiện nay họ đều lắc đầu không hiểu. 

Mỗi người, kể cả giáo chức trong nước, có thể nêu ra nguyên nhân và một số giải pháp cho vấn đề. Nhưng vấn đề cơ bản vẫn là VIỆT NAM KHÔNG BIẾT TRIẾT LÝ GIÁO DỤC LÀ GÌ, do đó KHÔNG BIẾT GIÁO DỤC LÀ GÌ.

Mặc dù sau mấy chục năm (từ 1954) không nghe nói tới cụm từ Triết lý giáo dục, giới lãnh đạo giáo dục Việt nam hiện nay đã có ủy ban nghiên cứu tìm kiếm một Triết lý giáo dục và GSTS Trần Ngọc Thêm làm chủ nhiệm. Nhưng qua bài viết của ông, người trong ngành vẫn thấy ngay chính ông cũng chưa biết Triết lý giáo dục là gì. Một khi chưa biết Triết lý giáo dục là gì thì việc đi tìm một triết lý giáo dục là vô nghĩa và bất cứ công tác giáo dục nào cũng thất bại.

Sau mấy năm mò mẫm (từ 2014), giới lãnh đạo giáo dục Việt Nam đã biết sơ lược Triết lý giáo dục là những nguyên tắc hướng dẫn công tác giáo dục. Nhưng họ không biết đặt câu hỏi cơ bản Giáo dục là gì? Thất bại xuất phát từ sự khiếm khuyết câu hỏi cơ bản này. Giáo dục là gì? Chính là câu hỏi cơ bản của triết lý giáo dục, và cần phải giải đáp trước khi tìm một giải pháp giáo dục. 

Định nghĩa giáo dục.

Sau khi đọc 34 cuốn sách (tiếng Anh) trong phần tham khảo của bài Triết lý giáo dục là gì? giáo dục là gì? (2) tôi giản lược định nghĩa của các tác giả giáo sư Đại học Hoa Kỳ như sau: Giáo dục là sự truyền đạt kiến thức từ người thầy sang người trò (the communication of knowledge from one person or thing to another person). Có lẽ định nghĩa này là cô đọng và đầy đủ, lại dễ hiểu đối với mọi người, dù trong hay ngoài ngành giáo dục, dù là nhà giáo hay là phụ huynh.

Với định nghĩa căn bản này, ta thấy, để có giáo dục, chỉ cần có ba thành tố: Thầy, trò, và kiến thức. Chúng ta dễ dàng đồng ý rằng một tổng hợp các kiến thức được gọi là chương trình. Nói cách khác, ba thành tố cơ bản của giáo dục là Thầy, Trò và Chương Trình. 

Cả ba thành tố này đều quan trọng như nhau và đều là điều kiện ắt có và đủ để có giáo dục. Không có trường vẫn có thể có giáo dục, không có sách vẫn có thể làm giáo dục, không có trợ huấn cụ vẫn có thể thực hiện giáo dục nhưng thiếu một trong ba thành tố cơ bản (Thầy, trò và chương trình) thì không thể có giáo dục.

Như vậy ta dễ dàng thấy ngay giải pháp cho vấn nạn lãnh đạo nhà trường bạo hành học sinh có thể và chỉ có thể được giải quyết nếu chúng ta có một đội ngũ cô thầy giáo được đào tạo đúng đắn. 

Giới lãnh đạo nhà trường, gọi tắt là các cô thầy giáo, ngoài kiến thức của môn dậy cần được đào tạo về chuyên môn sư phạm trong đó cần nhấn mạnh những điều CẤM KỴ KHÔNG ĐƯỢC LÀM ĐỐI VỚI HỌC SINH là những hành vi bạo hành học sinh như nêu trên. 

Song song với việc đạo tạo giáo chức như vậy cần phải có biện pháp kỷ luật mạnh mẽ đối với các giáo chức vi phạm là sa thải (biện pháp hành chánh) và truy tố hình sự đối với các hành vi bạo hành tương đương với một tội trong luật hình sự như đánh học sinh hay ra lệnh cho các học sinh khác đánh học sinh để trừng phạt; chưa kể những tội phạm hình sự như cưỡng ép học sinh làm tình, dụ dỗ học sinh làm tình (như đã nhiều lần xảy ra) thì cần phải có biện pháp truy tố và xét xử mau chóng để làm gương và trấn an học sinh và phụ huynh. 

Tại trường học Hoa Kỳ, cô thầy giáo TUYỆT ĐỐI KHÔNG ĐƯỢC LỚN TIẾNG (screaming) HAY LÊN GIỌNG (raising the voice) chứ đừng nói là xúc phạm học sinh. 

Vẫn biết rằng người thầy, cô giáo cũng chỉ là những con người, nên đôi khi cũng vi phạm (nhẹ thôi) như lớn tiếng với học sinh, không thể có vi phạm lớn hơn. Nhưng chắc chắn chỉ không quá 5 phút sau sẽ tự động xin lỗi học sinh (say sorry!) và luôn luôn cười đùa, vui vẻ với học sinh, đối xử đồng đều với tất cả học sinh. 

Thời gian để huấn luyện một người có cử nhân (bất cứ cử nhân gì) trở thành giáo viên trung tiểu học ở Mỹ chỉ mất chừng hơn 1 năm (cần 10 lớp (30 unit). Mỗi đầu năm học, các giáo viên đều được tái huấn luyện bài bảo vệ học sinh chống bạo hành (từ mọi phía, kể cả từ gia đình học sinh). Bài học chỉ cần khoảng 3 tiếng tự học và làm bài tập online. Tóm lại, tại Mỹ, đào tạo và tái huấn luyện giáo viên hàng năm rất đơn giản và hữu hiệu. Tại Mỹ tôi chưa bao giờ nghe nói có giáo viên bạo hành học sinh, trái lại tất cả đều luôn luôn vui vẻ với học sinh. 

Xin kể một chuyện cá nhân thế này. Giáng sinh năm 2018, một phụ huynh gốc Việt tặng tôi một bì thư. Tôi cười nói trước, “Tiền là tôi không nhận đâu nha!”. Khi về nhà mở phong bì, ngoài tấm thiệp còn tờ $100 đô. Hôm sau tôi cũng gửi tặng chị ấy một thiệp Giáng sinh của tôi và trả lại chị ấy $100 đô. Tôi nhỏ nhẹ nói rằng, đây là Mỹ chứ không phải Việt Nam, chỉ đừng nghĩ phải có quà lớn thì chúng tôi mới đối xử tốt với con chị. Giáo dục và đối xử đồng đều với tất cả học sinh là nhiệm vụ của chúng tôi. Hàng ngày chị tới đây, chị chứng kiến cô thầy giáo chúng tôi vui vẻ đồng đều với tất cả các em học sinh. Chị cũng biết $100 đô rất là lớn, lương lao động tối thiểu theo pháp luật chỉ có $15 đô một giờ thôi. Chị cầm lại tiền này về lo cho cháu. 

Chú thích:


No comments:

Post a Comment