Xoá dự án treo: Sao bỏ luôn những dự án dân sinh quan trọng?
TTO - HĐND TP.HCM thông qua danh mục hủy bỏ 61 dự án không thực hiện đúng kế hoạch. Nhưng, có những công trình dân sinh quan trọng của thành phố đã dừng, việc tái khởi động sẽ thành nan giải và tốn kém bội phần.
Trong đó, đáng chú ý nhất là các dự án hạ tầng giao thông, giải quyết kẹt xe và ngập nước nay đã ngừng triển khai.
Bao giờ mở rộng quốc lộ 13?
Người dân có nhà đất dính trong các dự án treo khấp khởi vui mừng khi "xóa treo".
Xóa bỏ những dự án không khả thi là việc nên làm, người dân có thể xây dựng, sửa chữa nhà cửa, tách thửa hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Thế nhưng trong 61 dự án vừa xóa có những dự án phục vụ dân sinh được chờ đợi lâu nay đã dừng, chưa biết bao giờ có thể tái khởi động.
Những công trình dự án cải tạo môi trường và cảnh quan đô thị nếu không thực hiện sớm về sau càng đội vốn đầu tư lên cao nhiều lần, càng khó thực hiện hơn.
Dự án mở rộng quốc lộ 13 đoạn qua quận Thủ Đức là một ví dụ. Tuyến đường này có mặt cắt ngang hiện hữu chỉ 32m, là trục chính cửa ngõ phía đông luôn quá tải phương tiện, kẹt xe trong khi đoạn kết nối phía tỉnh Bình Dương đã được mở rộng 60m. Đây còn là điểm nóng ùn tắc giao thông, ngập nước.
Dự án này theo quy hoạch tạo sự gắn kết về kinh tế và lưu thông hàng hóa giữa TP.HCM với Bình Dương, Đồng Nai, hình thành trục giao thông đồng bộ cho thành phố Thủ Đức.
Ban đầu vốn đầu tư dự kiến chưa tới 5.000 tỉ đồng, chậm triển khai đã tăng lên hơn gấp đôi, nay đã ngưng.
Tương tự, dự án hồ điều tiết Gò Dưa rộng 28ha với mục tiêu giảm ngập khu vực Thủ Đức cũng đã dừng vì chậm triển khai. Khu vực này thường xuyên ngập nước.
Dự án bị hủy bỏ, nhưng người dân chưa hẳn đã vui vì không thể sống có chất lượng hơn trong cảnh ngập nước và ô nhiễm môi trường.
Những thành tựu mà thành phố đạt được trong những năm qua là rất lớn, không ai có thể phủ nhận. Song kẹt xe và ngập nước là nỗi ngao ngán của người dân.
Mỗi giờ kẹt xe tại TP.HCM, thiệt hại đã được thống kê lên tới 2,4 tỉ đồng, ngập nước mỗi năm gây thiệt hại hơn 1.500 tỉ đồng. 2/3 diện tích thành phố bị ảnh hưởng bởi ngập nước, một trận mưa lớn cũng có thể gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng.
Kẹt xe, ngập nước trở thành nỗi bức xúc dài lâu và chính quyền phải đau đầu xử lý.
Vì vậy, mỗi dự án mở đường, chống ngập đều được chờ đợi, hi vọng một công trình kết nối thông thương, vì sự phát triển cho thành phố và gắn với đời sống, chuyện đi lại hằng ngày của người dân.
Mỗi dự án khi quy hoạch đều được nghiên cứu, thu thập số liệu và tính toán, thuê đơn vị chức năng để thực hiện cũng khá tốn kém. Những dự án tác động nhiều mặt đến đời sống xã hội lại trì trệ, nay hủy bỏ liệu thay thế cách nào?
Việc phải làm, nên làm sớm
Với những dự án thuộc loại trước sau cũng phải làm thì làm càng sớm càng lợi, nếu chậm trễ tính ra thiệt hại và tổn thất không nhỏ. Nên chăng xem xét chọn lọc loại bỏ dự án không phù hợp, thận trọng với các dự án giao thông. Trong đó, những dự án giải quyết kẹt xe và ngập nước cần ưu tiên triển khai thực hiện càng sớm càng tốt.
Cần hủy bỏ những dự án mang tính chất kinh doanh, xí đất, không khả thi để trả lại quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân.
Những dự án liên quan đến dân sinh trước sau cũng phải làm, nhưng gặp trở ngại về nguồn vốn, chưa lựa chọn được nhà đầu tư thì giữ lại để huy động nguồn lực gắn với trách nhiệm tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện.
Giải tỏa đền bù là chuyện luôn khó trong các dự án, nhưng vì lợi ích kinh tế - xã hội lớn hơn phải cần xúc tiến nhanh.
Cần có "nhạc trưởng" đủ khả năng chỉ đạo, phân công nhiệm vụ và quyền hạn rõ ràng, làm đầu mối phối hợp thực hiện, kịp giải quyết trở ngại, xác định những việc nào cần làm trước để tác động theo phản ứng dây chuyền, hoàn tất theo đúng lộ trình.
Những dự án công trình lớn, hữu ích phải ngưng sau hàng chục năm nghiên cứu, khảo sát, xúc tiến đầu tư nghĩ cho cùng là chuyện quá đáng tiếc! Và tái khởi động các dự án này sẽ khó khăn, tốn kém gấp bội.
No comments:
Post a Comment