Giáo sư Bùi Xuân Bào (1916-1991)
Giáo
sư Bùi Xuân Bào sinh ngày 2/2/1916, nhưng trong khai sinh ghi ngày
1/1/1916 để cho dễ nhớ. Ông xuất thân trong một gia đình Nho học. Thân
phụ là cụ Bùi Xuân Trữ, xuất thân Trường Quốc Tử Giám, Tú Tài Hán Học.
Thân mẫu là bà Tôn Nữ Ngọc Hòe, thuộc hoàng tộc, ái nữ cụ Thượng Thư Tôn
Thất Tế.
Thuở
nhỏ, ông học ở Huế, Hà Nội. Trong thời gian học Ban Tú Tài tại Trường
Quốc học Huế, ông trúng tuyển một kì thi concours chọn học sinh xuất
sắc toàn cõi Đông Dương.
Năm
1939, ông du học ở Pháp, đậu cử nhân văn chương tại Đại học Sorbonne,
Paris. Về nước, ông làm giáo sư tại trường Quốc học một thời gian, sau
đó ông qua Paris học và thi đậu Tiến sĩ Quốc gia (doctorat d’État) Pháp
năm 1961 tại Đại học Sorbonne, Paris với đề tài “Văn chương Pháp giữa hai thế chiến” đã được xuất bản tại Pháp trong những năm 60.
Năm
1962, ông về nước được cử làm Khoa Trưởng Đại học Sư phạm Sài Gòn, rồi
Khoa Trưởng Đại học Văn khoa và giáo sư thỉnh giảng Pháp văn tại Đại
học Văn khoa Huế và Đà Lạt cho đến năm 1975.
Trong
khoảng thời gian năm 1975-1982, ông phụ trách dạy các lớp bồi dưỡng
tiếng Pháp cho các giáo viên, chuyên viên sử dụng tiếng Pháp tại trường
Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh là Đại học Văn khoa Sài Gòn cũ
cho đến ngày được phép sang Pháp mổ tim năm 1983.
Ông mất ngày 7-4-1991 tại Paris, hưởng thọ 75 tuổi.
Xin được góp ý
2015-08-22 12:02 GMT-07:00 'NgocHa' via DaiHocSuPham-VanKhoaSG <daihocsupham-vankhoasg@googlegroup
Đối với THẦY BÙI XUÂN BÀO, tôi có những kỷ nệm thân kính như sau:
1/ Tôi học với THẦY môn PHÁP VĂN tại ĐẠI HỌC VĂN KHOA SAIGON
2/ Khi THẦY làm THỨ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC (THẦY thay GSTS ĐỖ
BÁ KHÊ được bổ nhiệm VIỆN TRƯỞNG VIỆN ĐH BÁCH KHOA THỦ ĐỨC
và được thay thế bởi GS NGUYỄN THANH LIÊM năm 1975), mỗi khi có
PHÁI ĐOÀN NƯỚC NGOÀI như UNESCO, UNICEF hay các PHÁI BỘ VĂN HÓA
CÁC TÒA ĐẠI SỨ đến làm việc với BỘ GIÁO DỤC, tôi có bổn
phận đưa HỌ sang trình diện theo nghi thức xã giao (protocole)
với THẦY (THỨ TRƯỞNG hoặc TỔNG TRƯỞNG, thường là THỨ
TRƯỞNG),THẦY tiếp HỌ độ 15 phút về nhiệm vụ của HỌ và tiển
HỌ ra với câu:" Mời Quý vị sang làm việc với THANH TRA SUM, có
cần BỘ giúp gì về nhân sự hay phương tiện thì nói với Mr SUM
trình chúng tôi, chúng tôi sẽ giúp.". Chúng tôi dùng tiếng
Pháp. Xin nói thêm, THẦY là TIẾN SĨ SORBONNE, nên dĩ nhiên là
rất gỉỏi về tiếng PHÁP, THẦY chuyên viét diễn văn tiếng Pháp
cho Ô. Tổng trưởng khi cần .hoặc tháp tùng Phái đoàn Tổng
trưởng sang Pháp.
3/ Sau ngày 30/4, THẦY cũng đi trình diện CẢI TẠO với
chúng tôi tại Trường GIALONG và sau khi đi cải tạo về, THẦY
được giảng dạy tiếng Pháp cho các Lớp Bồi dưỡng như đã nói ở
trên, đặc biệt là năm 1980 LỚP BỒI DƯỠNG CHÍNH TRỊ VÀ NGHIỆP
VỤ CHO CÁC GIÁO CHỨC CẢI TẠO DẠY MÔN PHÁP VĂN, trong đó có
tôi. THẦY phụ trách môn LITTÉRATURE FRANCAISE (THẦY QUANG:môn
FRANCAIS PRATIQUE và THẦY DŨNG: môn LINGUISTIQUE). Sau biến cố, hai
THẦY trò gặp lại nhau mừng quá, THẦY giao cho tôi điều khiển
Lớp và,ćac buổi THẢO LUẬN THỰC TẬP DÉBATS và đặc biệt là
giờ giải lao, mấy THẦY trò kéo nhau xuống cantine uống cà phê,
nói tiếng TÂY với nhau om tỏi, là điều kh́á cấm kỵ lúc bấy
giờ, nhưng THẦY không sợ bảo là "MÌNH THỰC TẬP MÀ"
4/ Trong chỗ thân tình, tôi có hỏi THẦY sao trước ngày
30/4 và hiện nay THẦY không đi Pháp, THẦY bảo vì cò CỤ THÂN
SINH LÀ CỤ BÙI XUÂN CHỮ nên phải ở lại phụng dưỡng. Sau đó
thì Cụ CHỮ mất, chúng tôi có phúng viếng, THẦY làm thủ tục
xin sang Pháp chữa bệnh và mất bên Pháp như đã nói ở trên.
Mấy dòng chữ viết vội đóng góp, kính dâng THẦY
DƯƠNG NGỌC SUM
Bùi Xuân Bào
Giáo sư chuyên gia Pháp ngữ, sinh ngày 1-1-1916, sinh quán huyện
Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, đến đời thân phụ nhập tịch làng Triều Sơn
Trung, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên.
Xuất thân trong một gia đình Nho học (thân phụ là giám sinh Bùi Xuân Trữ xuất thân Quốc tử giám, nội tổ là cử nhân Bùi Xuân Huyên Tổng đốc Bình Phú, Chưởng ấn đạo kinh kì... ) Thuở nhỏ học tại Huế, Hà Nội. Trong thời gian học Ban Tú Tài tại Trường Quốc học Huế, ông trúng tuyển một kì thi concours chọn học sinh xuất sắc toàn cõi Đông Dương. Sau năm 1939 ông du học Pháp, đậu cử nhân văn chương tại Đại học Sorbonne, Paris. Về nước làm giáo sư tại trường Quốc học một thời gian, sau ông qua Paris học và thi đậu Tiến sĩ Quốc gia (doctorat d'État) Pháp năm 1961 tại Đại học Sorbonne, Paris với đề tài Văn chương Pháp giữa hai thế chiến đã được xuất bản tại Pháp trong những năm 60. Năm 1962 ông về nước được cử làm Khoa trưởng Đại học Sư phạm Sài Gòn, rồi Khoa trưởng Đại học Văn khoa và giáo sư thỉnh giảng Pháp văn tại Đại học Văn khoa Huế và Đà Lạt cho đến năm 1975. Từ năm 1975-1982 ông phụ trách dạy các lớp bồi dưỡng tiếng Pháp cho các giáo viên, chuyên viên sử dụng tiếng Pháp tại trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh (Đại học Văn khoa Sài Gòn cũ) cho đến ngày được phép sang Pháp mổ tim năm 1983. Từng giữ các chức vụ trong lĩnh vực văn hóa: - Chủ tịch Ban Khoa học Nhân văn của Hội đồng Quốc gia khảo cứu khoa học Nam Việt Nam. - Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban Văn khoa của ủy ban Quốc gia soạn thảo danh từ chuyên môn. - Cố vấn Văn hóa tại tòa đại sứ Việt Nam tại Paris. - Thứ trưởng Bộ Văn hóa Giáo dục đặc trách Văn hóa. - Đại diện chính phủ Sài Gòn tại các cơ quan hợp tác văn hóa và kĩ thuật các nước sử dụng tiếng Pháp. - Thành viên phải đoàn Sài Gòn trong Đại hội đồng Tổ chức Văn hóa, Giáo dục và Khoa học Liên hiệp quốc (UNESCO). Ông mất ngày 4-7-1991 tại Paris, hưởng thọ 75 tuổi. Các tác phẩm của ông đã xuất bản (phần lớn viết bằng tiếng Pháp). - Giá trị con người dịch từ tiểu thuyết Terre des hommes của A. St Exupéry. - Antoine de Saint Exupéry et l'aviations (1962) - Thi ảnh khẩu cảm trong thơ Hàn Mặc Tử (1972). - Albert Camus từ tri thức phi lí đến tình liên đới nhân loại. - Đề tài và bố cục của Hồn Bướm mơ tiên. - Aspects du Tết. -Le Roman Vienamien Contemporain(1972) - La paix et le développement culturel au Vietnam (1972). Đã giới thiệu được một phần văn hóa, văn chương Việt Nam với các độc giả trong cộng đồng sử dụng tiếng Pháp trên tế giới. (Nguồn : Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam - Nguyễn Q. Thắng, Nguyễn Bá Thế) | |||||||||||
GIÁO SƯ BÙI XUÂN BÀO (1916-1991)
Khi còn là sinh viên Đại Học Saigon, tôi thường thấy bóng dáng giáo sư Bùi Xuân Bào xuất hiện ở hai Phân Khoa Đại Học Sư Phạm và Văn Khoa và tôi rất có cảm tình, mặc dù tôi không thụ giáo với giáo sư. Anh Trần Duy Nhiên là một môn sinh của giáo sư Bào. Trong tập sách nhỏ “Từ Ánh sáng Mặt Trời Tình Yêu”, tập II, anh Nhiên đã ghi lại những kỷ niệm sâu lắng của mình đối với vị thầy mến yêu, dưới tiêu đề “Tất Cả Đều Là Ân Sủng”.
Dưới đây, tôi sắp xếp lại và lược thuật những gì anh Nhiên đã viết.
TIẾT MỘT
VÀI NÉT TIỂU SỬ
Thuở thiếu thời
Giáo sư Bùi Xuân Bào sinh ngày 2/2/1916, nhưng trong khai sinh ghi ngày 1/1/1916 để cho dễ nhớ. Thân phụ giáo sư là cụ Bùi Xuân Trữ, xuất thân Trường Quốc Tử Giám, Tú Tài Hán Học. Thân mẫu giáo sư là bà Tôn Nữ Ngọc Hòe, thuộc hoàng tộc, ái nữ cụ Thượng Thư Tôn Thất Tế.
Giáo
sư Bào có hai người em trai và bốn người em gái. Điều bất hạnh là cả
hai người em trai nầy – một là giáo sư và một là sĩ quan Quân Lực Việt
Nam Cộng Hòa – đều bị sát hại trong cuộc chiến tranh.
Trong bốn người em gái, chị Bùi thị Như Kha mà nhiều người biết đến dưới tên Mẹ Mai Thành là nữ tu Dòng Kinh Sĩ Thánh Âu Tinh hay Dòng Đức Bà (ở Việt Nam gọi là dòng Couvent des Oiseaux).
Từ nhỏ, cậu Bùi Xuân Bào là học sinh trung học tại trường Quốc Học Huế rồi trường Bưởi Hà Nội. Cậu đã chứng tỏ là một con người rất nhạy cảm với cái đẹp tiềm ẩn trong nghệ thuật, vì thế cậu say mê văn học và âm nhạc.
Về
văn học, chẳng những cậu có thiên khiếu về văn chương Việt Nam mà còn
là một học sinh xuất sắc về ngôn ngữ và văn chương Pháp. Cậu đã chiếm
giải nhất môn tiếng Pháp trong Concours Général, một kỳ thi dành cho học sinh giỏi ở bậc trung học trong các nước Đông Dương thuộc Pháp.
Sau
nầy, khi đọc lại bản luận án tiến sĩ văn chương Pháp của giáo sư Bùi
Xuân Bào, nhiều học giả thấy rằng khó có một người Việt Nam thứ hai nào
viết tiếng Pháp với một văn phong chuẩn xác lồng trong một tâm hồn vừa
Việt Nam, vừa Công Giáo đầy nhạy cảm như thế.
Tuy
nhiên cậu Bào cũng không phải là một học sinh xuất sắc toàn diện, cụ
thể là cậu rất “ghét” môn toán và cũng vì cái môn “khô khan” nầy mà cậu
suýt bị rớt kỳ thi Thành Chung (bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp). Nhưng
khuyết điểm đó lại trở thành ưu điểm trong cuộc sống sau nầy của giáo sư
Bùi Xuân Bào: vì lơ là môn toán, nên suốt cuộc đời, không bao giờ giáo
sư biết tính toán hơn thiệt cho bản thân và cho gia đình mình, mà chỉ
nghĩ đến quyền lợi của học trò, của người dân và của đất nước.
Đường công danh
Giáo sư Bùi Xuân Bào đậu tú tài triết học năm 1939, rồi trở thành giáo sư tại các trường trung học Huế cho đến năm 1947. Năm 1948, giáo sư du học tại Pháp và đậu Cử Nhân Văn Chương Giáo Khoa Pháp năm 1951. Kế đó, giáo sư lần lượt giữ chức vụ Chánh Văn Phòng Thủ Tướng Chính Phủ, Đại Biểu Việt Nam trong Hội Đồng Liên Hiệp Pháp, Cố Vấn Văn Hóa Tòa Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Paris.
Năm
1957, giáo sư Bùi Xuân Bào xin giải nhiệm một phần vì vị trí của giáo
sư ở tòa Đại Sứ đòi hỏi những “chiến thuật” không hợp với tính ngay
thẳng của giáo sư. Mặt khác, giáo sư để dành trọn thời gian soạn thảo
hai luận án Tiến Sĩ Quốc Gia Văn Chương Pháp năm 1961.
Sau
khi đỗ bằng tiến sĩ, giáo sư hồi hương và lần lượt giữ các chức vụ càng
ngày càng quan trọng trong lãnh vực văn hóa giáo dục: Khoa Trưởng
Đại Học Sư Phạm Saigon, Khoa Trưởng Đại Học Văn Khoa Saigon, Thứ Trưởng
đặc trách văn hóa, Bộ Văn Hóa, Giáo Dục và Thanh Niên, Thứ Trưởng Bộ
Văn Hóa, Giáo Dục và Thanh Niên.
Những ngày đen tối
Khi
biến cố 30/4/1975 xảy tới, với tư cách Thứ Trưởng Bộ Văn Hóa, Giáo Dục
và Thanh Niên, giáo sư Bùi Xuân Bào phải đi học tập ở miền Nam và miền
Bắc. Nhờ mang theo cuốn Thánh Kinh khổ bỏ túi, trong thời gian ba năm
học tập, giáo sư đã đọc lại trên 30 lần trọn bộ Thánh Kinh
từ Sáng Thế Ký đến sách Khải Huyền. Chắc chắn Lời Chúa đã thấm nhập vào
cốt tủy đời sống đức tin và nuôi dưỡng tinh thần giáo sư trong những
ngày thử thách cùng bệnh hoạn trong trại học tập.
May
mắn thay, nhờ ban lãnh đạo Thành Phố Saigon biết đến uy tín của giáo sư
trong giới trí thức miền Nam nên đã can thiệp để giáo sư được trả về
gia đình vào năm 1978. Tuy sức khỏe yếu, sau ngày trở về, giáo sư vẫn
góp phần để bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên Pháp văn ở Đại Học Tổng
Hợp và chuẩn bị cho các sinh viên xuất ngoại để viết và trình luận án
tiến sĩ bằng Pháp văn.
Năm 1982, bệnh tim
của giáo sư đã đến giai đoạn nguy cập mà phương tiện y khoa trong nước
lúc bấy giờ chưa đủ khả năng điều trị nên giáo sư được sang Pháp chữa
trị. Cuộc giải phẩu tại Pháp thành công, giúp giáo sư sống thêm được gần
10 năm, để rồi giáo sư từ giã cuộc đời ngày 07/04/1991 tại bệnh viện Villejuif – Paris, hưởng thọ 75 tuổi.
Với những thành tích lừng lẫy như vậy, thật khó mà trình bày cho hết cuộc đời của giáo sư. Nhà Xuất Bản Dòng Việt ở California
đã dành cả một cuốn sách để tưởng niệm giáo sư Bùi Xuân Bào. Ở đây chỉ
tập trung nói về tiến trình của người Kitô hữu mang tên Bùi Xuân Bào
mà thôi.
TIẾT HAI
BƯỚC NGOẶT CUỘC ĐỜI
Tiếp cận Kitô giáo
Từ
1939-1947, giáo sư Bùi Xuân Bào dạy tại các trường trung học Huế.
Trong cuộc đời, giai đoạn từ 20 đến 30 tuổi là giai đoạn mà mỗi người đi
tìm chân tính của chính mình. Thanh niên Bùi Xuân Bào cũng trải qua
thời kỳ tìm kiếm cam go đó.
Xuất
thân là người anh cả trong một gia đình nho giáo truyền thống, giáo sư
Bùi Xuân Bào biết mình là người có trách nhiệm chuyển lại cả một nền
đạo lý của cha ông đến dòng tộc mình và những thế hệ con em. Tuy nhiên,
là một giáo sư dạy trong các trường trung học Công giáo và say mê văn
chương Pháp – một nền văn chương thấm nhuần tinh thần Kitô giáo, giáo sư
Bào không thể không tìm hiểu một tôn giáo rất gần gũi với cảm nghiệm
của mình.
Ngoài ra, em của giáo sư – Bùi Xuân Bàng – là một người tiền phong trong gia đình đã đón nhận đức tin Kitô giáo, sau khi đậu Tú Tài II. Hai anh em Bào – Bàng, dù cách nhau ba tuổi, nhưng rất tâm đầu ý hợp, là bạn chí thiết của nhau nên thương yêu và tôn trọng nhau rất mực.
Em
thì phục tài năng văn học, âm nhạc và óc hài hước rất tinh nhuệ của
anh. Anh thì tôn trọng cả đức lẫn trí của em: giáo sư Bàng giỏi cả văn
học lẫn toán học, cả hội họa lẫn thi ca, nên được nhiều may mắn hơn anh
mình trong “ngành khoa bảng”, thường thi đậu cao ở các cấp học. Giáo sư
Bào cũng mộ mến đức tin của em là người mang nguyện vọng hiến thân cho
Chúa: giáo sư Bùi Xuân Bàng ước muốn trở thành đan sĩ tu viện Biển Đức
Thiên An Huế, nhưng vì sức khỏe yếu phải chờ “thời điểm” Thiên Chúa ân
ban.
Biến cố đau thương
Trong
gần một thập niên, giáo sư Bùi Xuân Bào đã học biết đạo lý Công giáo,
trân trọng Chân Lý Tin Mừng đến mức khi giáo sư diễn giảng các tác phẩm
văn chương Công giáo, sinh viên học sinh cứ nghĩ giáo sư là người Kitô
hữu chân chính. Vậy mà giáo sư vẫn không muốn lãnh nhận Bí Tích Thánh
Tẩy. Giáo sư muốn là một người trung thực với chính mình: ngày nào giáo
sư cảm thấy mình “chưa tin” thì ngày ấy giáo sư chưa xin rửa tội.
Vả
lại, rửa tội thì đòi hỏi giáo sư phải phản bội phần nào truyền thống
gia đình và hoài bão của thân phụ đối với trưởng tử Bùi Xuân Bào, người
có trách nhiệm lớn đối với dòng họ. Đấy là điều mà một người con có
hiếu như giáo sư Bùi Xuân Bào không dễ gì làm được. Cần phải có một sự
can thiệp của Thiên Chúa qua một biến cố cụ thể, để cho giáo sư có được
“đức tin”.
Biến cố đó xảy ra năm 1947. Lúc bấy giờ giáo sư Bùi Xuân Bàng dạy học ở Quảng Bình
trong khi cuộc chiến chống Pháp đang lên cao trào. Vì là người trí thức
Công giáo nhiệt thành, hiệu trưởng một trường trung học Công giáo ở
Quảng Bình, nên ông Bàng cùng với vài linh mục và giáo viên Công giáo
khác bị đưa lên rừng biệt giam. Do tình hình chiến sự sôi động nên giữa
đường, ông đã bị trảm quyết vì sợ người Công giáo sẽ bắt tay với Pháp.
Nghe
tin em mình chết – chết vì lý tưởng tôn giáo – mà lại bị mang vào mình
một bản án chính trị, giáo sư Bào đón nhận tin sét đánh nầy như một luồng sáng từ trời cao.
Giáo sư đi ngay đến trường Thiên Hựu (Providence) Huế, gặp cha Lefas
hiệu trưởng là người đã mời giáo sư dạy học tại đây. Giáo sư xin ở lại
trường tĩnh tâm một tuần rồi lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy.
Trước
quyết định đột ngột đó, cha Lefas hỏi lý do nào đã khiến giáo sư chần
chừ thật lâu để rồi quyết định nhanh chóng như vậy. Giáo sư trả lời: “Mon frère est mort: Dieu existe” (“Em con chết ắt Chúa hiện hữu”). Nếu câu nói của Descartes “Je pense donc je suis” (“Tôi suy nghĩ ắt tôi hiện hữu”) là một câu rất hợp luận lý thì tất nhiên cũng phải thừa nhận rằng câu của giáo sư Bùi Xuân Bào “Em con chết ắt Chúa hiện hữu” là một câu hoàn toàn đi ngược với luận lý bình thường. Cái phi lý đó chính là một bản chất của đức tin – một đức tin sẽ hướng dẫn trọn cuộc đời còn lại của giáo sư.
Trước khúc quanh khó hiểu đó, nhiều người thân thiết với giáo sư đã tìm cách lý giải. Người em gái của giáo sư là Mẹ Mai Thành Bùi Thị Như Kha, đã suy nghĩ như sau: “Có
lẽ anh lý luận: cái chết của anh Bàng chỉ có thể cắt nghĩa được vì
Thiên Chúa ở trong anh. Anh (Bào) yêu quí em mình đến nỗi muốn gần em và
gặp em; mà muốn được như thế thì phải gần và phải gặp Thiên Chúa”.
Lễ Rửa Tội
Lễ Rửa Tội cho giáo sư Phêrô Bùi Xuân Bào được cử hành âm thầm tại nguyện đường Thiên Hựu. Linh mục Larouche Bề Trên Dòng Chúa Cứu Thế ban phép bí tích, linh mục Lefas là cha đỡ đầu.
45
năm sau, cũng chính cha Lefas cử hành Thánh Lễ an táng cho cố giáo sư
Bùi Xuân Bào ngày 11/04/1991 tại Paris. Ngài nhắc lại trong bài giảng
của mình lời thổ lộ của giáo sư Bào, ngày giáo sư đến xin lãnh nhận phép
rửa: “Con đã hứa với Chúa là tiếp tục giương cao ngọn đuốc đức tin mà hình như em Bàng đã trao lại cho con”.
Claudel và Bùi Xuân Bào
Khi còn là giáo sư môn văn chương Pháp, mỗi lần giảng đến đoạn văn mà Claudel
tường thuật giây phút trở lại của mình, giáo sư đã đặt vào đây hết cả
tâm hồn. Đấy chính là điều giáo sư khiêm tốn bộc lộ về ngày “trở lại” của bản thân mình. Câu chuyện xảy ra cho Claudel vào đêm Giáng Sinh 1886 tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Paris soi rọi phần nào lý do tại sao giáo sư Bùi Xuân Bào đã đón nhận đức tin một cách bất ngờ như vậy:
Thế
là xảy ra biến cố bao trùm cả cuộc đời tôi. Trong một khoảnh khắc,
lòng tôi cảm động và TÔI TIN. Tôi tin với một tinh thần gắn bó mạnh mẽ,
với từng thớ thịt trong con người tôi, với một niềm xác tín mãnh liệt,
một niềm tin chắc chắn không hề dành chỗ cho một thoáng nghi ngờ, đến
độ mà từ ấy đến nay, mọi lý luận, mọi bất trắc của một cuộc đời đầy
sóng gió cũng không thể lay chuyển đức tin tôi, hay đúng hơn, không thể
chạm đến đức tin đó.
Thỉnh
thoảng hồi tưởng lại giây phút theo sau khoảnh khắc phi thường kia, tôi
nhìn ra nhiều yếu tố, những yếu tố kết thành một lằn chớp, một vũ khí
duy nhất mà Chúa Quan Phòng đã sử dụng để mở cửa lòng của một đứa trẻ
tuyệt vọng đáng thương: “Những người tin Chúa thật hạnh phúc biết bao! Có thật vậy không? Thật chứ! Chúa hiện hữu, Người đang hiện diện. Người là một Đấng, một hữu thể có ngôi vị giống như tôi! Người kêu gọi tôi!” Nước mắt tôi tuôn trào và tôi khóc nức nở…
TIẾT BA
ĐỜI SỐNG CHỨNG NHÂN
Biến
cố đón nhận đức tin đã ‘bao trùm cả cuộc đời” giáo sư Bùi Xuân Bào.
Nhưng không phải vì thế mà giáo sư trở thành con người “tông đồ” theo
quan niệm thông thường, tức trở thành một người suy niệm Lời Chúa, giảng
dạy giáo lý, hoạt động trong các phong trào Công giáo và tìm cách “rửa
tội” cho những ai không cùng tôn giáo với mình.
Tuy
nhiên, mọi suy nghĩ và lời nói của giáo sư, với tư cách là nhà giáo,
nhà văn hóa, nhà tư tưởng, nhà chính trị, đều thấm nhuần một đức tin
bàng bạc. Dưới một khía cạnh nào đó, chính thái độ tôn trọng những chân
lý tối thượng của giáo sư là bằng chứng hùng hồn cho niềm xác tín của
mình và biến giáo sư thành một nhà loan báo Tin Mừng bằng chính cuộc
sống và công việc của mình.
Chúng
ta thử đọc lại vài đoạn văn trong các tác phẩm của giáo sư, để qua đó,
nhìn thấy những khía cạnh khác nhau qua con người của giáo sư.
Con người văn hóa
Trong phần dẫn nhập cho luận án tiến sĩ về “một chủ nghĩa anh hùng mới”,
giáo sư Bùi Xuân Bào đã nêu ngay vấn đề chủ nghĩa nhân bản anh hùng
đồng hóa với tinh thần thánh thiện. Giáo sư đã nhấn mạnh quan điểm của
văn hào Péguy như sau:
“Khi phân biệt lãnh vực tự nhiên với lãnh vực ân sủng, Péguy phát hiện một nguồn gốc chung cho tinh thần anh hùng và tinh thần thánh thiện trong tâm hồn của mỗi một người: Muốn nên thánh, con người không chỉ khao khát trở thành linh mục hay có tinh thần cầu nguyện mà còn cần phải hiệp thông với Thiên Chúa và hiệp thông với đồng loại trong Thiên Chúa, bằng cách chấp nhận bổn phận hằng ngày, chu toàn những công việc khiêm nhường nhất của đời sống gia đình và nghiệp vụ.”
Từ tinh thần anh hùng nhân bản nầy, giáo sư đã làm nổi bật chiều kích thánh thiện của mỗi Kitô hữu qua tình liên đới giữa người với người, khi giáo sư hướng về nhà văn phi công Saint Exupéry mà giáo sư say mê từ thuở còn trung học, như giáo sư đã viết trong phần dẫn nhập luận án:
“Người lữ hành trên không trung (Saint Exupéry), khi nhìn ngắm con người theo chiều kích vũ trụ, cảm thấy mình là anh em với mọi người đang lao động:
vị linh mục quỳ gối trước thánh giá, nhà bác học quan sát vũ trụ qua
viễn vọng kính, người thi sĩ chuyển hóa thiên nhiên thành một giá trị
tinh thần, người làm vườn, người nông dân, người chăn cừu…
Vì
tất cả những người ấy mà anh chấp nhận hy sinh mạng sống mình. Và khi
chiến tranh xảy ra, anh chết để bảo vệ đất nước mình nhưng đồng thời
cũng là để bảo vệ tất cả những gì tạo nên phẩm giá con người”.
Con người tư tưởng
Nhân dịp văn hào Albert Camus được trao giải thưởng Nobel văn chương, giáo sư Bùi Xuân Bào rất trân trọng tinh thần của “l’Homme Révolté” (“Con Người Phản Kháng”) mà Camus phác họa, vì sự phản kháng ấy phát xuất từ tri thức phi lý để đi đến tình liên đới nhân loại, bằng những lời ca tụng sau đây:
“Với Camus, chúng ta đứng trước một lương tâm, chúng ta nghe tiếng nói của một kinh nghiệm đau đớn, nhưng toả ra một bài học linh động và đầy dũng cảm. Vì vậy Camus là một người và một nhà văn chân thật và thủy chung. Thủy chung với công bằng, với tự do, với giá trị con người. Thủy chung với nghệ thuật, với sáng tạo, với tư tưởng”.
Thế
nhưng, từ lương tâm Kitô hữu của mình, giáo sư Bùi Xuân Bào không thể
đồng tình với Camus. Là một người từ chối “ngước mắt lên trời, nơi mà Thiên Chúa im lặng, Camus không thể nào tìm được một lời giải thích thỏa đáng cho nỗi khổ của nhân loại: cái chết của người vô tội, giọt nước mắt của trẻ thơ.
Đó là lý do khiến Camus đề ra cho con người một giải pháp hợp lý nhưng hoàn toàn tuyệt vọng: Camus cho rằng giá trị con người và cũng là hạnh phúc của họ, chính là phấn đấu để tiến lên mà không cần kỳ vọng vào một kết quả nào.
Giáo sư Bùi Xuân Bào đã dứt khoát phê phán quan điểm nầy và qua đó, giáo sư tỏ lộ niềm xác tín của mình. Chính cái chết phi lý của người em đã làm cho giáo sư phản kháng, nhưng cách giải quyết phản kháng của giáo sư cũng phi lý như Francois d’Assise, Vincent de Paul, chớ không hợp lý theo kiểu Camus.
Thật vậy, Camus rất hợp lý như phần đông nhân loại: vì trước một điều oan ức như cái chết của một kẻ vô tội, người ta thường trách “trời không có mắt” và phủ nhận tin vào một Thượng Đế mà họ cho là bất công.
Trái lại, những vị Thánh như Francois d’Assise hay Vincent de Paul đã nhìn vào “con người vô tội tuyệt đối” bị giết chết một cách bất công để rồi đón nhận điều phi lý nầy: ấy là Thiên Chúa có thể để cho người vô tội chết thay cho kẻ có tội.
Từ đó các ngài lại càng xác tín vào Thiên Chúa là Tình yêu, để rồi tiếp tục làm chứng như Thánh Gioan đã viết: “Còn
chúng ta, chúng ta đã biết Tình Yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta và đã
tin vào Tình Yêu đó. Thiên Chúa là Tình Yêu: ai ở lại trong Tình Yêu thì
ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy”. (1 Ga 4, 16).
Cũng như Thánh Gioan, giáo sư Bùi Xuân Bào đã rút máu từ con tim mình để viết lên những câu sau đây:
“Nghiên cứu siêu hình học, nhưng mất liên lạc với chân lý siêu việt, Camus không thông cảm nổi mối huyền bí của hy sinh tuyệt vời. Những giọt nước mắt, những dòng máu của trẻ con, của những kẻ vô tội, chỉ có lòng bác ái của Chúa Cứu thế chết trên thánh giá mới có thể giải thích được.
Camus
không biết rằng những người phản kháng sâu xa nhất chính là các vị
Thánh như Francois d’Assise, Vincent de Paul, Têrêxa Chúa Hài Đồng, đã
chiến đấu chống bất công và ích kỷ. Với tình thương, họ đã biến chất nền
văn minh và góp công lớn trong lịch sử của tinh thần nhân loại”.
Con người chính trị
Giáo
sư Bùi Xuân Bào không bao giờ thích làm chính trị, vì giáo sư cho rằng
làm chính trị thì phải ‘thủ đoạn” mà giáo sư không bao giờ có thể nói
lên một điều không trung thực với lương tâm mình. Thế nhưng, điều không
ai phủ nhận được là giáo sư Bào có một tình yêu nồng nàn đối với quê
hương và dân tộc mình.
Tinh thần yêu dân yêu nước đó nổi bật qua các tác phẩm của giáo sư mà đa số được viết bằng tiếng Pháp, đề cập đến “văn hoá nhân vị”, “tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ hiện đại” (luận án phụ tiến sĩ).
Cũng
do tinh thần yêu thương dân tộc đó mà giáo sư gánh lấy nhiều trách
nhiệm trong guồng máy quốc gia, từ Cố Vấn Văn Hóa Tòa Đại Sứ đến Thứ
Trưởng Bộ Văn Hóa Giáo Dục. Là một thành viên trong chính phủ, khi giáo
sư phát biểu với tư cách đại diện cho một quốc gia thì dù muốn dù
không, giáo sư cũng làm chính trị rồi, theo nghĩa tốt đẹp nhất. Và “con người chính trị” nơi giáo sư Bùi Xuân Bào là “con người yêu nước”, luôn nỗ lực để cho sự “công chính được ngự trị” trên đất nước mình.
Vào ngày 25/6/1956, với tư cách là Cố Vấn Văn Hóa Tòa Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Paris, giáo sư Bùi Xuân Bào đã phát biểu tại Hội Nghị Florence, với chủ đề “Hòa Bình và Văn Minh Kitô Giáo”
và giáo sư đã nói lên cái thao thức của mình cũng như của người dân
trên đất nước mình, với âm hưởng của niềm tin được tỏ bày qua từng câu
nói sau đây:
“Chúng
tôi xác nhận lòng tin tưởng vào giá trị tuyệt đối của con người, vẫn có
thiên mạng bất diệt và sẵn có phẩm giá từ trước khi xã hội được tạo
thành…Chúng tôi xác nhận rằng thực hiện dân chủ không phải là đi tìm
hạnh phúc vật chất, cũng không phải lấy mạnh hiếp yếu.
Bản chất của dân chủ là sự cố gắng không ngừng để tìm mọi phương pháp chính trị khả dĩ bảo đảm cho tất cả các công dân quyền tự do phát triển, phát huy sáng kiến, đảm đương trách nhiệm và sinh hoạt tinh thần đến cao độ”.
Đối với giáo sư Bùi Xuân Bào, “giá trị tuyệt đối của con người” nhờ “có thiên mạng bất diệt và có phẩm giá”
từ thuở đời đời là một chân lý bất di bất dịch. Với tư cách là một nhà
chính trị và là một người được Chúa chiếm hữu, giáo sư đã không ngừng
khẳng định lập trường nầy trên mọi diễn đàn thế giới.
Cũng vì thế, từ năm 1955, khi hợp tác với Hồ Sĩ Khuê để dịch tác phẩm “Terre des Hommes” của Saint Exupéry, giáo sư Bùi Xuân Bào đã không dịch là “Cõi Người Ta” hay “Vùng Đất Con Người”, như các dịch giả khác mà đi ngay vào cốt lõi của tư tưởng Saint Exupéry để dịch là “Giá Trị Con Người”.
TIẾT BỐN
MỘT ĐỜI CHỨNG TÁ
Chiếc Giày Bằng Vải Xa Tanh
Trước kia, khi giảng dạy về Claudel, giáo sư Bùi Xuân Bào đã dành rất nhiều thời giờ cho tác phẩm “Le Soulier de Satin” (“Chiếc Giày Bằng Vải Xa Tanh”).
Trước hết vở kịch nầy nói lên thảm kịch tình yêu mà qua đó Claudel tìm
ra sự bình an và lời giải đáp cho cuộc đời đầy sóng gió của mình.
Cốt lõi của tác phẩm là chuyện tình giữa Rodrigue và Prouhèze. Rodrigue là một vị tướng lãnh dọc ngang bốn bể, chiến thắng lẫy lừng, còn Prouhèze
là một phụ nữ đạo đức, đẹp từ dáng dấp tới tâm hồn. Tình yêu giữa hai
người rất thuần khiết, nhưng Prouhèze đã có chồng và chấp nhận trả mọi
giá để sống một cuộc sống trong sáng mà không phản bội bí tích hôn nhân.
Khi sắp lao vào tình yêu mù quáng, cô đã dâng lên Đức Mẹ Chiếc Giày Bằng Vải Xa Tanh
và cầu xin Đức Mẹ giữ gìn cô để cô chỉ chạy theo con tim yếu đuối của
mình với một bàn chân què quặt mà thôi. Tinh thần hy sinh xâu xé cô đến
độ cô phải chết. Cái chết hiến tế nầy đã làm cho Rodrigue bật tỉnh, để rồi ông cảm nhận được hạnh phúc đích thực khi từ bỏ mọi sự và trở thành một người làm vườn vô danh trong một đan viện cũng vô danh. Và lời kết thúc tác phẩm mà cũng là một ca khúc khải hoàn, đó là câu: “Délivrance aux âmes captives” (“giải thoát cho những tâm hồn bị giam cầm”).
Con đường tự hủy của Chúa Kitô
Diễn tiến cuộc đời của giáo sư Bùi Xuân Bào cũng tương tự như cuộc đời dọc ngang của Rodrigue. Giáo sư từng yêu mến người em Bùi Xuân Bàng. Hai anh em gắn bó với nhau như một đôi bạn chí thiết, mặc dù người em có một đức tin vững mạnh vào Chúa Kitô. Với cái chết của người em, giáo sư đã tìm thấy con đường “tự hủy” của Chúa Kitô.
Sau
những năm tháng lẫy lừng, giáo sư Bùi Xuân Bào đã bị giam cầm ba năm
rồi đi biệt xứ trong một tình trạng bệnh tật cô đơn, suốt mười năm cuối
đời, nhưng chưa bao giờ giáo sư nói lên một lời oán hận hay một câu phê
phán, dù là phê phán những bạn hữu hăng hái xưa kia mà một sớm một
chiều đã trở nên bội phản ươn hèn, dù là oán hận những đối thủ nói lời
ngọt ngào, nhưng lại giam cầm mình từ Nam chí Bắc.
Giáo
sư Bùi Xuân Bào cũng chẳng viết lách hay để lại một tập sách nào, dù là
một hồi ký để gợi lại cái vinh quang quá khứ hay một lời trần tình hầu
truyền lại cho con cháu kinh nghiệm hiếm hoi của mình. Giáo sư Bào đã
sống trong âm thầm để rồi cũng chết đi trong âm thầm. Âm thầm đến độ
những người bạn chí thiết của giáo sư cũng chỉ được tin giáo sư đi về
vĩnh cửu sau khi giáo sư đã yên nghỉ trong lòng đất tha hương.
Vào
những ngày cuối cùng, nhìn lại cuộc đời lên tận chức thứ trưởng rồi rơi
xuống nhà giam, tiếp theo là những ngày mòn mỏi lưu đày; nhìn lại tuổi
trung niên hăng hái với gót chân chứng tá đi nhiều nơi trên thế giới
rồi đến hình hài tiều tụy với trái tim thoi thóp bệnh hoạn ở tuổi già;
nhìn lại cuộc đời từ đỉnh cao đến vực thẳm…giáo sư Bùi Xuân Bào trông
thấy được gì? Người em gái của giáo sư là Mẹ Mai Thành đã nói về những ngày cuối đời của giáo sư như sau:
“Tháng
giêng năm 1991, tôi sang Pháp vì công tác của Dòng Đức Bà, được gần gũi
anh nhiều cho đến ngày anh tạ thế…Trước đó vài ngày, tôi chia sẻ với
anh một vài Lời Chúa. Khi tôi nhắc đến câu của Bernanos kết thúc cuốn “Le journal d’un curé de campagne” (“Nhật ký của một cha sở vùng thôn quê”), một tác phẩm mà anh yêu thích, là “Tout est grâce” (“Tất cả đều là ân sủng”), mặc dù anh đau đớn khắp mình và khó thở, anh gật đầu nhắc lại với một giọng đã yếu ớt: “Tout est grâce” (“Tất cả đều là ân sủng”).
Cuộc
đời anh Phêrô Bùi Xuâm Bào không dài lắm, nhưng theo tôi thì phong
phú, tươi vui vì anh hài hước và càng ngày, với ơn Chúa, anh càng dịu
dàng, khiêm tốn, bình an đón nhận Thánh Ý Chúa, để có thể cùng ông cha
sở vùng thôn quê của Bernanos thốt lên: “Tất cả đều là ân sủng”.
TIẾT NĂM
LỜI DI CHÚC
Tình yêu nơi Claudel
Cách
đây trên bốn thập niên, giáo sư Bùi Xuân Bào đã chọn đề thi về môn văn
chương Pháp cho các sinh viên năm cuối cùng Đại Học Sư Phạm là “L’amour chez Claudel” có nghĩa là “Tình Yêu nơi Claudel”, tức “Tình Yêu theo quan niệm của Claudel” hay “Tình Yêu dưới cái nhìn của Claudel”. Thật ra, qua “Tình Yêu nơi Claudel”, người ta cũng tìm thấy “Tình Yêu nơi Bùi Xuân Bào”, bởi vì trên một bình diện nào đó, giáo sư Bào giống Claudel rất nhiều điểm.
Cả
hai người từng là đại diện cho đất nước mình ở hải ngoại, từng đạt
những chức vị cao trong tổ chức chính quyền. Nhưng tự thâm sâu, họ vẫn
là những con người của tình yêu, một tình yêu xuất phát từ một đức tin
Công giáo mãnh liệt.
Suy niệm về kinh “Magnificat”
Hình như trong đời mình, giáo sư Bùi Xuân Bào chỉ viết lên một bài suy niệm duy nhất về kinh “Magnificat” của Đức Mẹ, có lẽ Đức Mẹ là mẫu mực của thinh lặng,
của nguyện cầu, của chứng tá, của tình yêu. Bài suy niệm đó được giáo
sư Bùi Xuân Bào viết gần 8 năm trước khi qua đời và giáo sư đã gởi gắm
vào đấy tâm tình mình như một lời di chúc.
Qua
bài suy niệm đó, người ta thấy lại trọn vẹn con người của giáo sư: một
người có thể cất lên tiếng nói đầy uy quyền trước mặt thế gian, nhưng
đã chấp nhận im lặng như Đức Mẹ để chỉ làm mỗi một việc là tôn vinh Tình Yêu Thiên Chúa. (Bài suy niệm viết bằng tiếng Pháp của giáo sư Bùi Xuân Bào đã được anh Trần Duy Nhiên dịch ra Việt ngữ).
“Tôi
chưa từng biết bài thơ nào cô đọng hơn, phong phú hơn và có tầm vóc phổ
quát hơn bài ca tạ ơn mà Thánh Luca đã đặt để trên môi miệng của Đức
Mẹ, sau phần Truyền Tin và Đi Viếng.
Các
nhà chú giải đã cho thấy rằng, nếu tách rời ra, các câu trong ca vịnh
nầy tự chúng không có gì là độc đáo. Những câu ấy thường gặp trong Thánh
Kinh và được người ta dùng để ca tụng từ thời “thiếu nữ Xion”. Nhưng
những câu ấy được trích lại và nối kết trong một bối cảnh mới, nhờ đó mà
chúng có một nét tươi trẻ và một tác động phi thường, mở ra một thời
đại mới trong lịch sử tâm linh của loài người.
Một
Kitô hữu, noi gương Claudel – ông cũng từng viết lên bài Magnificat của
mình – đều phải sống lại một cách sâu xa và tẩm vào trong từng sớ chỉ
dệt lên vận mệnh bản thân mình một phần niềm vui ngày truyền tin về
cuộc Giáng Sinh của Đấng Thiên Sai.
Nhưng tôi muốn nhấn mạnh đến sứ điệp hy vọng mà kinh Magnificat đem lại cho chúng ta.
Thiên Chúa không chỉ “đoái thương nhìn đến người nữ tì hèn mọn”
mà ân sủng hoàn toàn nhưng không của Người ngày nay vẫn còn đốt nóng
hàng triệu triệu người nam nữ, những người biết triệt hạ tính kiêu căng
và ý chí quyền lực của mình, để lắng nghe loan tin rằng mình được làm
mẹ một cách tinh tuyền, cưu mang Tình Yêu và Công Lý.
Làm
sao mà không lặp lại những câu ca vịnh nầy trước mặt thế gian ngày nay,
nơi mà bạc tiền, quyền lực, ý thức hệ và khoa học kỹ thuật đang đè bẹp
con người!
Chúa hạ bệ những ai quyền thế và nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
Kẻ đói nghèo, Chúa ban cho đầy dư; người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
Tất
cả chúng ta, dù là Kitô hữu hay không phải là Kitô hữu, chúng ta đều
cần phải nỗ lực để biến thành hiện thực sứ điệp tình yêu nầy, ở bất cứ
nơi nào còn ngự trị bất công xã hội, bần cùng, đói khổ và miệt thị con
người”
(Bùi xuân Bào - Ngày 02/02/1984)
Tác giả Nhà Văn Hương Vĩnhhttp://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=module3&v=chapter&ib=20&ict=247
No comments:
Post a Comment