Monday, April 17, 2017
VĂN THƠ * MỘT CHUYẾN ĐI
MỘT CHUYẾN ĐI-Văn Thơ-
Chuyến đi
của tôi là chuyến cuối cùng tại cửa biển Qui Nhơn. Rất nhiều người ra đi
trước đây tại bờ biển khu một hay khu hai này đều trót lọt. Có lẽ tại
vì nhờ có Ông phù trợ, vì ở tại khu hai có một lăng Ông (cá voi), dân
đánh cá ở đây đã lập lên lăng này đã lâu, thờ cúng rất sùng bái và
thường xuyên nên được ông phù hộ. Người ta nói thế, tôi cũng tin tưởng
cho nên tôi đã được tới bến bờ.
Chiếc ghe
chở chúng tôi ra đi trong một đêm tối trời, đã khuya, không có ai chú ý
gì cả. Đi ra khỏi vùng kiểm soát của cửa biển Qui Nhơn cũng rất êm thắm.
Có lẽ công an biên phòng không ngờ ngày giờ ấy lại còn có kẻ tìm đường
ra đi. Ngày 14-3-1989 Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc đã quyết định đóng
cửa các trại tị nạn rồi, mà năm 1990 chúng tôi còn dám ra đi thì kể cũng
gan thật. Đúng là điếc không sợ súng. Mặc kệ ai suy nghĩ sao cũng được,
riêng tôi nghĩ mình chẳng có gan góc gì đâu, chẳng qua tại vì hôm đó có
chút hơi men gặp dịp cũng quá giang đại thôi, chứ trước đó tôi và người
bạn cũng đều xác định không thể đi được. Chiếc ghe có tí xíu. Ra khơi
giống như chiếc lá giữa dòng.
Trời yên
mát, thuyền cứ lướt sóng băng băng, nhắm hướng đông thẳng tiến. Ba anh
em tài công là con của dân đánh cá chuyên nghiệp nên rất thành thạo. Tối
đó vì hơi men còn nhiều nên tôi ngủ không còn biết trời trăng gì cả.
Đến sáng mặt trời lên rõ, mọi người xôn xao tôi mới thức dậy. Cảm giác
đầu tiên của tôi là thầy biển rộng bao la quá! Nhìn quanh chỉ toàn thấy
một mầu xanh biếc, xa xa là muôn ngàn đợt sóng nhấp nhô, đường chân trời
thì mù tít xa.
Suốt ngày
dài quanh tôi lúc nào cũng là trời mây nước. Đến chiều, mặt trời lặn sau
chân trời xa, màu nước loang loáng ánh vàng của mặt trời đã dịu cũng
như phản chiếu từ những đám mây cao tạo cho trời mây nước thành một cảnh
sắc rất đẹp. Xa nhà mới chưa được một ngày nên tôi chưa thấy gì buồn
nhớ, tâm hồn vẫn còn thưởng thức bóng hoàng hôn chung quanh thật tuyệt
diệu. Bỗng trước mặt tôi xuất hiện từng đàn cá chuồn từ biển vụt lên bay
là là trên mặt nước một khoảng dài. Từng đám hàng trăm con cứ bay về
một hướng nào đó một khoảng cách nhất định rồi lại rơi xuống biển, rồi
đám khác lại bay là đà trên mặt nước, cách xa một chút, hay chung quanh
chiếc thuyền làm thành âm thanh nghe rào rào vui tai. Đến lúc trời tối
mịt chúng vẫn còn bay lẻ tẻ.
Chúng tôi ăn
uống đại khái rồi nằm xuống sàn để ngủ. Giấc ngủ trong đêm không nhiều
mộng mị nhưng cũng không êm thắm, cứ chập chờn như những đợt sóng nhỏ xô
vào mạn thuyền, cũng bay bổng lãng đãng như những đàn cá chuồn. Ngày
thứ hai cũng đến bình thường, chân trời vẫn xa xăm, sóng nước êm, con
tầu vẫn lướt nhanh từ sáng đến chiều tối làm tôi hơi lo, thầm nghĩ con
tàu cứ đi về một nơi vô định nào đó. Ban ngày chúng tôi gặp nhiều tàu
lớn đi qua, có lẽ là tàu buôn của các nước. Chúng tôi đã nhiều lần vẫy
tay, phất cờ trắng làm hiệu, nhưng chẳng có chiếc tàu nào chịu ngừng cả.
Tất cả vẫn hững hờ lướt qua, như hàng trăm ngàn lần trước đây đối với
những người ra đi trước kia. Tôi nghĩ tất cả đã lạnh lùng hờ hững để
biểu hiện sự mệt mỏi, chán ngán vì quá nhiều cưu mang đến những người
khốn khổ này rồi.
Chiều lại
xuống, từng đàn cá chuồn vẫn bay, hoàng hôn trên sóng nước vẫn đẹp,
nhưng tôi không còn thưởng thức nổi như chiều hôm qua. Rồi những cơn gió
Nam thổi đến, ban đầu còn dịu mát nhưng đến nửa đêm về sáng thì thành
gió lớn, người ta gọi là “gió nam cồ”. Gió thổi mạnh bên hông thuyền nhỏ
thấp của chúng tôi. Sóng lớn quá tạt nước lên chỗ tôi nằm ướt lạnh vì
tôi mặc chiếc áo mỏng, tôi lấy tấm vải bạt che đỡ và không thể nào ngủ
được. Cầm cự cho đến trời sáng, tôi thầm nghĩ đây mới chỉ là Gió Nam Cồ
mà đã như thế này, rủi mưa bão ập đến thì sao. Nhưng rất may cho chúng
tôi là không có mưa bão xẩy ra trong tháng này. Trời dần dần sáng rõ,
tôi ngồi dậy, nói với tài công nên cho máy ngừng để nghỉ vì sợ máy nóng,
và một phần nữa gió nhiều thuyền chạy không được nhanh. Tài công tắt
máy, chiếc thuyền trôi trên sóng nước.
Bỗng tôi
thấy từ hướng đông đằng xa một chiếc tàu lớn chạy đến. Tôi đánh thức mọi
người dậy, đàn bà trẻ em nằm la liệt trên sàn ghe, các thanh niên vẫy
tay và phất sào ngắn có cột áo trắng. Nhưng chiếc tàu như không trông
thấy, vẫn cứ chạy qua luôn. Chúng tôi chán nản đành ngồi xuống sàn để
nghỉ và nhìn theo chiếc tàu.
Đột ngột
chiếc tàu chuyển về hướng Nam cua một vòng rộng xa tít. Một lúc sau nó
trở lại từ hướng đông đàng xa, nơi mà chúng tôi thấy nó xuất hiện lúc
ban đầu. Sau này nói chuyện với viên hoa tiêu, tôi được biết lúc ấy
thuyền chúng tôi, anh ta đánh thức thuyền trưởng dậy để xin lệnh, và
viên thuyền trưởng đã ra lệnh cho chiếc tàu quay lại. Chiếc tàu từ từ
đến, to dần, lúc còn cách chúng tôi khoảng 50 mét thì ngừng hẳn lại. Mọi
người trên tàu đó đều ra bao lơn đứng nhìn về chúng tôi rất lâu mà
không nói gì, cũng không tỏ dấu hiệu gì là sẽ cứu giúp cả. Tôi nghĩ chắc
là họ chờ đợi mình phải nói lời cầu cứu thì họ mới giúp, chứ mình cứ
yên lặng họ không biết mình đi đâu, làm gì, muốn gì…Nghĩ như thế tôi bèn
ôn lại thật nhanh vốn liếng chữ nghĩa của mình đã quá lâu không dùng
tới. Tôi bèn la to một câu ngắn gọn vì không biết nói gì hơn để nói:
“Help me please !”
Tôi lập đi
lập lại câu này đến lần thứ ba thì thấy họ quăng dây xuống. Mấy anh em
tài công lập tức bơi đến lấy hai đầu sợi dây về thuyền cột thật chặt vào
hai đầu và đuôi thuyền xong thì họ kéo chiếc thuyền của chúng tôi đến
sát bên hông tàu lớn. Rồi từ trên tàu ấy, một người thò đầu xuống nói
vài câu, tôi hiểu đại khái họ hỏi lên tàu một người biết nói tiếng Anh
mà thôi, và họ thòng thang dây xuống.
Mọi người
phái tôi lên tàu, tôi ái ngại một phần vì tiếng Anh ít ỏi và một phần vì
leo lên thang dây một khoảng cách cao quá, ước chừng leo lên một nhà
lầu năm tầng vì tàu quá lớn. Sau này tôi được biết chiều dài chiếc tàu
là hơn 280 m và chiều ngang là 80 m. Nhưng vì sinh mạng những người đồng
hành nên tôi leo lên, tôi phải nghỉ vài ba lần vì hơi mệt. Lúc tôi bước
xuống sàn tầu lớn vừa vững thì đích thân viên thuyền trưởng đến hỏi tôi
ngay: “What are you looking for?” (Anh muốn đi đâu?). Tôi trả lời ngắn
gọn: “We are looking for the freedom” (Chúng tôi đi tìm tự do)
Sau khi vài
người bàn bạc với nhau, thuyền trưởng ra lệnh cho hạ những cầu thang lớn
bậc tam cấp xuống, các thủy thủy xuống dìu từng người bước lên tàu.
Thuyền trưởng bảo tôi nói với tất cả mọi người đứng quay mặt vô bao lơn
tàu để họ lục soát xem có vũ khí gì không…
Tôi thực sự
vui mừng không thể nói hết trong giây phút ấy. Sau đó chúng tôi được tắm
rửa, ăn uống…Tối đến những anh thủy thủ người Phi rất dễ thương đem đến
phòng chúng tôi nào là bia, rượu, bánh ngọt, nước ngọt, thuốc lá, nào
là đàn guitar. Họ và những người trẻ tuổi trong bọn chúng tôi ăn uống la
hét đàn ca đến nửa đêm mới dứt, vì theo họ đây là dịp hi hữu để ăn mừng
cùng với chúng tôi – những người đi tìm tự do – ít khi nào có được.
Tiếp theo là
những ngày lo lắng ít nhất cũng cho riêng tôi, những người khác thì
hình như rất vô tư không lo nghĩ gì mấy, muốn ra sao thì ra. Ngày nào
thuyền trưởng cũng gặp tôi vài lần, nói chuyện sơ sơ. Chiếc tàu cứ chạy,
khi đi qua những nước Đông Nam Á từ Philippine, Mã Lai Á, rồi đến
Singappore, Nam Dương. Thuyền trưởng đều gọi điện thoại xin cho tàu ghé
lại để bỏ bọn của nợ này xuống, nhưng không một nơi nào chịu nhận.
Ngày nào
thuyền trưởng cũng nói với tôi “No News!”. Ông cũng liên lạc được với
Cao Ủy Tị Nạn gần Vịnh Ấn Độ cũng không giải quyết gì được. Rồi tầu lại
cứ ra đi, theo lộ trình sẽ đi vòng Đại Tây Dương, ghé vài ba nước ở Châu
Âu rồi đến Hoa Kỳ. Nhưng thuyền trưởng có nói với tôi rằng không chắc
gì các nước ghé qua sẽ nhận, nhất là khi đến Hoa Kỳ sẽ bị trục xuất về
Việt Nam vì nhập cảnh bất hợp pháp. Mọi thủ tục đều phải qua Phủ Cao Ủy
Tị Nạn Liên Hiệp Quốc giải quyết. Chúng tôi đã lên tầu lớn thời gian
được mười ngày và thật là thất vọng, không biết số phận sẽ đi về đâu…
Có một lần
thuyền trưởng và các sĩ quan nói chuyện với nhau, tôi tình cờ đứng gần
đó nghe lõm bõm. Không biết buồn phiền gì mà vị thuyền trưởng khả kính
ấy lại dùng chữ “Okies” để ám chỉ chúng tôi. Trước kia tôi có dịp đọc bộ
truyện “Chùm Nho Phẫn Nộ” (The Grapees of Wrasth) của Jonh Steinbeck
nên biết được chữ “Okies” để chỉ những người bỏ xứ ra đi, những người
tha phương cầu thực, đi đâu cũng bị coi khinh và bạc đãi. Thế là đêm đó
tôi nằm gác tay lên trán suy nghĩ vẩn vơ, không biết chúng tôi sau này
có giống như hình ảnh những người Okies kia không…Hình ảnh của những
người ra đi vì miếng ăn mấy thập niên về trước. Tôi cho rằng chúng tôi
khác với họ. Hành trình của chúng tôi gian khổ hơn họ rất nhiều. Bao
nhiêu là người đã chết trên rừng sâu hay dưới biển đông, bao nhiêu là
người đã bị hải tặc Thái Lan hãm hiếp, giết chết. Chúng tôi vẫn cứ lao
vào chỗ chết, có lẽ vì một nhu cầu bức thiết hơn là vì miếng cơm manh áo
nhiều lắm.
Một buổi
sáng đẹp trời, thuyền trưởng và một phụ tá đến gặp tôi đem theo một tấm
bản đồ. Ông ta nói rằng có tin vui cho chúng tôi. Nhân viên truyền tin
của tầu có liên lạc được với hội Hồng Thập Tự của Pháp, chi nhánh đặt
tại đảo Réunion, họ đã chấp nhận chúng tôi vì họ có ngân khoản, vừa nói,
viên thuyền trưởng vừa chỉ vào một điểm nhỏ trên bản đồ. Tôi thấy hòn
đảo nhỏ nằm gần Mã Đảo (Madagasca), tôi vẫn còn mơ hồ lắm về vị trí này,
nhưng chúng tôi thật sự vui mừng vi ít nhất có một bến bờ nào đó để cho
chúng tôi dừng chân rồi sau đó hẳn hay. Chúng tôi cám ơn thuyền trưởng
và vị phụ tá.
Thế là con
tàu chuyển hướng, trực chỉ đảo Réunion, trong tâm trí tôi bỗng hiện ra
những bài học sử ký hồi còn tiểu học và trung học. Tôi nhớ ra rằng chính
tại đảo này, thực dân Pháp đã đầy an trí hai vị Hoàng Đế của ta là Vua
Thành Thái và Duy Tân cho đến cuối đời. Khi tôi nói cho mọi người biết
ai cũng vui mừng vì ít nhất mình cũng có được một chút liên hệ nào đó
tại nơi xứ lạ kia.
Mất bảy ngày
đêm tàu mới đến ngoài khơi của đảo, vì cảng nhỏ, sóng lớn tàu không vào
được, nên Hội Hồng Thập Tự đã mướn tầu nhỏ và mấy chiếc ca nô ra để đón
chúng tôi vào. Nếu tôi là người lên chiếc tàu này đầu tiên thì bây giờ
họ bảo tôi phải xuống sau cùng, tôi không hiểu điều đó có ý nghĩa gì,
nhưng không sao, và tôi vừa bước xuống tàu nhỏ thì bị ngay một nhóm 4 ký
giả của đảo phỏng vấn. Họ hỏi nhiều chuyện nhưng vì không chuẩn bị
trước nên tôi chỉ trả lời cầm chừng.
Họ vừa nói
chuyện với tôi xong thì con tầu cũng vào tới bờ, nhân viên hội Hồng Thập
Tự đưa chúng tôi lên xe bus đi đến một khách sạn sang trọng nhất của
đảo. Đầu tiên họ đưa chúng tôi đến hội trường của khách sạn trước, vì họ
mở cuộc họp báo ở đó. Có rất nhiều người Pháp đón tiếp chúng tôi, nhưng
tôi cũng thấy có khoảng vài chục người Việt Nam cũng có mặt ở đó.
Đầu tiên là
vị đại diện của Việt Kiều ở đảo cám ơn tất cả mọi người đã giúp đỡ và
dành nhiều cảm tình với các đồng hương của ông, rồi ông ta chào mừng
chúng tôi và nói sơ qua tình hình của đảo. Phải có người thông dịch cho
chúng tôi hiểu vì ông ta mặc dù là Chủ Tịch Hội Việt Kiều ở đó, nhưng là
người Việt lai Ấn Độ, và không nói được tiếng Việt nhiều. Tiếp đến, Hội
Hồng Thập Tự chào mừng chúng tôi và vị đại diện trao ngay cho tôi 22
chiếc vé máy bay để ngày hôm sau bay đến Paris gặp Phủ Cao Ủy Tị Nạn ở
đó. Chúng tôi đã được cảnh sát làm thủ tục quá cảnh (Sauf –conduit) để
vào nước Pháp.
Sau đó chúng
tôi được tiếp đãi ở nhà hàng khách sạn. Trong lúc ăn uống chuyện trò
với người Việt ở đó – phần nhiều các vị đã lớn tuổi, được biết họ là
những thân nhân của những gia đình làm việc hoặc đi lính cho Pháp trước
kia rồi sang Pháp sau hiệp định Genever 1954. Hầu hết đã thành đạt cơ
nghiệp. Họ nói chuyện thân mật với chúng tôi, coi chúng tôi như con
cháu, anh em, họ rớm nước mắt nghe chúng tôi kể sơ về hoàn cảnh của mỗi
người và những khó khăn ở quê nhà, họ an ủi khi biết tôi ra đi có một
mình. Các vị đã biểu lộ những tình cảm dạt dào nồng hậu nhất vì tôi đã
đọc được những cái nhìn ưu ái trong đôi mắt của họ. Tôi cảm thấy thật
nhiều an ủi pha lẫn đôi chút tủi thân.
Tôi thật sự
cảm động khi biết có những người lái xe nhiều tiếng đồng hồ về đây để
gặp chúng tôi. Tất cả đều bồi hồi thương cảm, vì trong đầu óc họ những
người ra đi như chúng tôi mang ít nhiều hiểm nguy, nhìn thấy trên gương
mặt chúng tôi những dấu ấn hãi hùng của biết bao số phận không may, mà
cả thế giới đã thu thập được qua truyền thông.
Văn Thơ
KHUẤT ĐẨU *NHỮNG ĐỨA TRẺ THÁNG TƯ
NHỮNG ĐỨA TRẺ THÁNG TƯ
Thủa
ấy, thế hệ chúng tôi thường ca cẩm đầu thai nhầm thế kỷ! Cái thế kỷ mà
chúng tôi ngán ngẩm là thế kỷ hai mươi, với thế chiến thứ nhất, thế
chiến thứ hai, rồi chiến tranh lạnh, chiến tranh qui ước và cuộc nội
chiến lê thê suốt hai mươi năm dài.
Kêu trong
chán nản, trong hờn dỗi nhưng không tuyệt vọng. Vì còn kêu được kia mà.
Chỉ có một chút tấm tức, sao không được sinh ra trong những thế kỷ yên
bình. Có nghĩa rằng, dù thế nào chăng nữa, thì được sinh ra làm người
vẫn hơn là không được sinh ra.
Khác hẳn với
những đứa trẻ sinh ra trong tháng tư, bảy lăm, sau chúng tôi một thế
hệ. Chúng không kêu mà hỏi: sinh chúng tôi ra làm gì?
Đó là những đứa trẻ mẹ mang đầy bụng, mẹ không thở ra hơi mà vẫn phải bết bát chạy.
Chạy từ cầu
Ái Tử qua cầu Tràng Tiền. Rồi từ cầu Tràng Tiền lê lết trèo qua đèo Hải
Vân. Rồi từ đèo Hải Vân qua đèo Mẹ Bồng Con. Sau cùng đến giữa trái tim
thủ đô Sài Gòn, vẫn phải giẫm đạp lên nhau để xuống bến Bạch Đằng, hay
chen lấn nhau đến nghẹt thở để chui vào phi cảng Tân Sơn Nhất. Một cuộc
chạy Marathon dài nhất trong lịch sử.
Và rồi mẹ sinh. Không phải trong nhà thương Từ Dũ với sự giúp sức của các bác sĩ và cô đỡ mát tay để mẹ tròn con vuông.
Mà sinh, có thể là lúc đang chạy trối chết, con rớt trong quần mà mẹ không hay.
Cũng có thể
là lúc mẹ mệt quá cái đôi chân này đang ngồi tựa lưng vào một bức tường
lỗ chỗ dấu đạn. Rồi con lặng lẽ chui ra mà mẹ không cần phải rặn, đúng
hơn là không còn hơi sức đâu mà rặn.
Có thể trong thùng xe chất cứng người, suýt nữa con bị người ta đạp cho nát bét.
Có thể trên
con tàu mấp mé sắp chìm, người ta đang ném những xác chết và những người
sắp chết xuống biển cho nhẹ bớt. (Cũng may họ không ném những người đàn
bà chửa)
Có thể trong
khoang trực thăng mà viên phi công bị đạn dưới đất bắn lên, xuyên qua
ghế ngồi khiến anh ta đầm đìa máu, vẫn cố sức giữ cho máy bay khỏi rơi.
Có thể mọi lúc, mọi nơi, mọi giờ, mọi phút.
Ngay cả phút cuối cùng của giờ thứ hai mươi lăm, khi tông tông Dương Văn Minh vừa nói xong mấy tiếng “đầu hàng không điều kiện”.
Mẹ sinh, không có cha bên cạnh.
Có thể cha
đã chết trong chiến hào, có thể đang chiến đấu mà súng bị gãy, có thể bị
thương, bị bắt, cũng có thể cởi bỏ quân phục lẫn lộn giữa đám thường
dân đói khát trên quốc lộ số 1
Người ta đi biển có đôi
Còn tôi đi biển mồ côi một mình.
Mẹ sinh con ra chỉ mình ên, quạnh hiu lắm con ơi!
Mẹ sinh con ra, chính mẹ, cũng không biết để làm gì!
Không biết để làm gì nhưng vẫn muốn con được sống.
Giữa chốn
đông người, mẹ vẫn cứ vạch áo ra cho con bú. Tuy chỉ uống nước lã cầm
hơi, mẹ cũng hãy còn một ít máu. Những giọt máu hiếm hoi màu đỏ khi chảy
qua miệng con vẫn thành màu trắng thơm tho.
Và kỳ diệu làm sao, con vẫn sống được.
Nghĩa là con
vẫn thở trong khi khắp nơi đậm đặc mùi xác chết thối rữa, mùi khói, mùi
xăng, mùi nhà cháy. Và con vẫn khóc được trong tiếng đại bác ì ầm,
tiếng A.K cọc cọc, tiếng xe tăng rít trên mặt đường.
Con sống,
nhưng sau cái phút cuối cùng của giờ thứ hai mươi lăm, mẹ ngơ ngác không
biết đang ở đâu, rồi sẽ đi về đâu giữa rừng cờ nửa xanh nửa đỏ.
Sau cùng, mẹ
cũng hiểu ra rằng lịch sử đã sang trang. Không chỉ riêng mình mẹ mà nửa
nước đều thấy xa lạ với chính thành phố, xóm làng của mình. Ngay cả con
phố, căn nhà, mảnh vườn cũng không còn là của mình nữa.
Mẹ bị đuổi
về quê làm xã viên hợp tác xã. Mẹ lội xuống ruộng, mặc dù rất sợ đỉa, để
cấy, gặt. Đôi lúc mẹ trần vai để kéo cày thay trâu. Mẹ làm ra lúa ra
khoai đầy kho đụn, nhưng mẹ và những người đội nón lá chỉ làm cho nón
cối hưởng, nên con vẫn đói khát, bủng beo.
Mẹ bị hốt
trong đêm quẳng lên rừng thiêng nước độc, gọi là kinh tế mới. Mẹ phải
sống chung với rắn rít và cả cọp beo, khi ấy hãy còn nhiều lắm. Mẹ bẻ
măng rừng, hái nấm ăn cho đỡ đói. Nhiều lần ăn phải nấm độc suýt chết.
Cả con và mẹ đều bị sốt rét rừng, bụng ỏng da vàng khè.
Chịu hết
xiết, mẹ cõng con trốn về thành phố. Mẹ vay mượn chút ít chạy chợ trên,
lộn chợ dưới. Bị mắng là con buôn, bị quản lý thị trường rượt đuổi còn
hơn mã tà. Một đôi lần bị cướp sạch cả vốn. Đến nổi, nói ra thật xấu hổ,
chỉ còn cái vốn trời cho. Để làm lại cuộc đời mẹ đã thử theo bè bạn đi
đứng đường. Nhưng mẹ gầy yếu teo tốp quá, chẳng ai thèm rớ tới.
Cũng may,
lúc ấy cha con chẳng phải chết, chỉ bị bắt đi cải tạo, vừa được thả ra.
Cha con còn thảm não hơn cả mẹ. Nhưng nhờ cái gọi là tình chồng nghĩa
vợ, mẹ cha cũng gắng gượng mà sống để nuôi con. Cha đạp xe thồ, bán cà
rem, mẹ lượm lon nhặt giấy vụn trong bãi rác.
Con được (hay bị) dạy thành cháu ngoan Bác Hồ.
Rồi con cũng học đến lớp 12.
Nhưng tới đó thì thôi, cánh cửa đại học đã đóng sầm trước mặt con.
Con bị ném vào đời không nghề nghiệp, không vốn liếng.
Con sống lây lất cho đến hôm nay.
Hôm nay,
những đứa trẻ tháng tư năm ấy đã bốn mươi tuổi, cái tuổi tứ thập nhi bất
hoặc. Còn bi đát tội nghiệp hơn cả cha mẹ, chúng không có quá khứ để
tiếc thương, không có tương lai để hướng tới, chỉ có cái hiện tại không
sắc màu, không mùi vị, như một con số không chẳng biết để làm gì.
Trong gia
đình, nhìn thấy mẹ cha co rúm, mòn cùn, tuy không nói ra, nhưng chúng
thừa biết họ là những kẻ hèn. Ngoài xã hội, chúng chỉ đứng bên lề, nếu
không muốn nói là đứng dưới đáy. Trong khi những đứa cùng năm sinh,
tháng sinh nhưng ở nửa nước bên kia hay dưới cái dù lý lịch màu đỏ phía
bên này đang được cơ cấu vào những chức vụ ngon ăn, sắp sửa đi làm đầy
tớ cho những ông chủ kém may mắn nói trên.
Thế nên, đến
chết vẫn còn nguyên câu hỏi: Sinh ra trong chết chóc, lớn lên trong đói
khổ và suốt đời sống trong ô nhục, vậy sinh chúng tôi ra làm gì?!
Khuất Đẩu
©T.Vấn 2015
SƠN TRUNG * CHIẾC ÁO GẤM THƯỢNG HẢI
CHIẾC ÁO GẤM THƯỢNG HẢI
SƠN TRUNG
Kể ra lúc đầu, Trương Phúc Loan được một số người tín nhiệm vì ông khôn ngoan giương cao chủ nghĩa “dân vi quý” của Mạnh tử. Vì vậy, một số quan lại và tướng lãnh chúa Nguyễn đã bỏ chúa mà theo họ Trương trong đó có Vương Như Minh. Đến khi họ Trương lộ bộ mặt gian ác, ra tay vét thuế, cướp của công, dùng bọn thủ túc ngu dốt, nhất là sát hại và bỏ tù những ai bất đồng chính kiến thi Vương Như Minh bỏ con đường chính trị mà xoay sang con đường giáo dục. Mặc cho Trương Phúc Loan thao túng, mặc cho Nhạc Huệ tung hoành, ông chỉ lo học và đã đỗ cử nhân, rồi tiến sĩ, sau được vào dạy ở trường Quốc tử viện là một trường đại học ở kinh đô. Lúc này ông đã cò gia đình một vợ và ba con, gia cảnh cũng thanh bạch.
Ngày tháng trôi qua, chẳng mấy chốc mà quân Hoàng Ngũ Phúc đem đại binh vào bắt giết Trương Phúc Loan và chiếm Thuận Hóa. Tất cả quan lại và tướng lãnh xứ Đàng Trong đều bị bỏ tù. Một số lớn giáo sư bị ngồi tù hoặc bị sa thải trong đó có Vương Như Minh. Gia cảnh bầb bạch, bà vợ của Vương phải may thuê vá mướn lần hồi.
Quân Trịnh áp dụng chính sách thực dân, đem số lớn dân Đàng Ngoài vào cai trị xứ Đàng Trong. Từ quan trấn thủ cho đến phu xe, phu hốt rác cũng là người Bắc Hà còn người Nam Hà rất ít kẻ có công ăn việc ăn, mà tuyệt đại đa số đều thất nghiệp, lâm cảnh đói khổ, phải bán quần áo, bàn ghế mà sống qua ngày. Trong bao năm trời, dân chúng ngoài Bắc vào Nam mua vải vóc, máy móc, dụng cụ và lương thực và chở về Bắc không ngớt. Họ còn kéo nhau hàng triệu người vào Cao nguyên và Đồng Nai lập trại, lập đồn điền. Hàng trăm ngàn dân Đàng Ngoài được đưa vào Nam làm an ninh chìm. Người Đàng Ngoài vào tận thôn xóm xa xăm, làm tổ trưởng liên gia bảo, làm xã trưởng, quận trưởng. Người Đàng Ngoài giả dạng đi bán bánh, bán chè đi khắp hang cùng ngỏ hẽm nghe ngóng tngười chúa Trịnh biệt phái vào Nam nằm vùng. Họ tố cáo người nọ, người kia. Quân Trịnh cũng đưain tức. Một số dân Nam Hà cam tâm làm tay sai cho họ Trịnh. Một số công khai khoe khoang họ là tiền bạc dụ dỗ hoặc dùng quyền lực ép buộc dân chúng Nam Hà tố cáo, vu khống nhau khiến cho bè bạn, anh em nghi ngờ nhau. Một số nhà khoa bảng cũng như một số nhà tu hành đã cúi đầu làm tay sai cho bạo quyền.
Quân Trịnh cho một số công an chìm người Nam Hà đóng vai trò dẫn rắn bò ra khỏi hang. Những người này đến nhà này, nhà nọ, ban đầu lên tiếng chống đối, phê phán quân Trịnh, ai nhẹ lòng tin theo và lên tiếng chỉ trích họ Trịnh, thì bước sau, họ đưa ra ý kiến lập nhóm này, nhòm kia tranh đấu. Ai tin theo thì lập tức bị giam và đưa ra tòa lãnh án.
Trong thời gian Trịnh quân xâm chiếm Thuận Hóa, tôi cũng được một người bạn đưa đến giới thiệu với Vương Như Minh và chúng tôi trở thành bạn thân.
Vương Như Minh có ba tính đặc biệt. Thứ nhất là ông giao du rất rộng. Ngày nào cũng có hàng tá người đến trò chuyện. Thứ hai, tính tình bộc trực, dễ tin người. Và thứ ba là vị trí nhà của ông. Nhà của Vương Như Minh ở cạnh là nhà một tên an ninh của họ Trịnh. Tên này ở ngoài Bắc mới điều vào, và được phân phối căn nhà này là căn nhà do một gia đình người Nam Hà chạy theo chúa Nguyễn để lại. Bên cạnh và đàng trước nhà là đường thông trong xóm nghèo, luôn luôn có kẻ qua người lại nhìn vào trong nhà và thấy rõ mồn một. Đã thế, giọng nói của ông rất lớn, thành thử ông nói trong nhà mà ngoài đường cũng nghe rõ. Đó là những điều rất nguy hiểm trong loạn thế.
Một hôm, tôi đến thăm ông, thì một khách lạ cũng đến. Vương tiên sinh quen biết khách và giới thiệu tôi. Ngồi chưa nóng chỗ thì ông khách đã nói hăng hái:
-Chúng ta phải đi qua ngõ Vinh Sơn.
Lúc bây giờ giáo phái Vinh Sơn đã dùng khí giới chống lại quân Trịnh và hai bên giao chiến mấy ngày dài. Kết cuộc, đền thờ bị niêm phong, các tu sĩ bị bắt giam. Nghe khách nói vậy, tôi bèn viện cớ bận việc bỏ ra về. Lần sau nữa, tôi đến thăm Vương Như Minh thì có khách đang nói chuyrện với ông. Chủ nhân giới thiệu tôi với khách. Ông này cũng như ông trước, sau khi nghe giới thiệu tôi là thầy giáo , bèn nói với tôi và Vương Như Minh:
-Hai ông là giáo sư, có nhiều môn hạ. Nếu hai ông lên tiếng thì sẽ tập hợp được một lực lượng lớn.
Nghe khách nói như vậy, tôi bèn viện cớ bận việc, xin phép ra về.Tri nhân, tri diện, bất tri tâm. Thời buổi khó khăn, công an đầy đường, đầy ngõ, Thời loạn, tính mạng treo chỉ mành. sống bên nhau lâu năm mà cũng chưa hiểu nhau, thế mà mới gặp mặt, chưa biết ất giáp gì cả mà dám bàn chuyện lớn một cách công khai. Những người như thế nếu không là công an thì cũng là những kẻ không làm được việc lớn. Dính với họ chỉ thiệt thân.
Thời bấy giờ tại kinh đô xảy ra một vụ lớn, nghe nói các luật gia và nhà khoa bảng lập kiến nghị dâng chúa Trịnh, yêu cần tôn trọng quyền lợi dân chúng và đất nước. Cả đám bị bắt. Khi bị lấy khẩu cung trong nhà giam, các luật gia và tay khoa bảng mới biết mình bị lừa vì người xướng xuất tranh đấu cho nhân quyền chính là một luật gia của Trịnh quân nằm vùng tại xứ Đàng Trong, bây giờ ông ta đứng ra làm quan tòa lấy khẩu cung và kết án mọi người. Những chuyện như thế rất nhiều.
Một hôm, Vương Như Minh bảo tôi:
-Ông có quen ai giòng dõi hoàng tộc không? Tôi muốn găp họ hỏi vài lời.
Tôi nể lòng, cũng đưa đi giới thiệu một ông bạn thân dòng Nguyễn quý tộc. Không biết câu chuyện sau này ra sao mà sau này ông bạn hoàng gia lạnh nhạt và xa lánh tôi. Một hôm, Vương Như Minh nói riêng với tôi:
-Chúa Nguyễn sắp trở về Thuận Hóa. Tôi được mấy bạn thân thông thạo tin tức cho biết như thế.
Tôi bảo ông:
-Trong tình thế hiện nay, chúa Nguyễn bị đánh tận và đuổi tuyệt, quân lính tan tác, tướng sĩ xiêu bạt, thân thế chưa biết về đâu, làm sao có thể khôi phục Thuận Hóa trong lúc này. Ông đừng tin những điều này.
Vì việc này, ông giận tôi. It lâu sau, ông bi quân Trịnh bắt giam, hình như về tội tôn phù chúa Nguyễn. Ông ở tù vài năm rồi được thả. Ngày ông về, tôi đến thăm ông, và chúng tôi nối lại mối tình bạn . Tôi rất thích Vương Như Minh vì ông rất giỏi Hán nôm, gặp những câu văn, bài thơ không hiểu rõ, tôi thường hỏi ông và được ông giải thích tường tận. Ngoài ra, tôi cũng thích ông vì tính ông bình dân, giản dị. Ông cho biết ông đã học được chữ nho lúc nhỏ do thân phụ ông dậy. Sau hai cụ bị chính sách cướp của giết người mà chết thảm trong các chiến dịch tàn ác của bạo quyền xứ Đàng Ngoài.
Chúa Nguyễn đã đào vong, song chúa Trịnh vẫn lo sợ. Họ ra sức bắt bớ các lực lượng bảo hoàng. Họ tung tin này, tin nọ, nhưng sự thực thì dân Nam Hà đa số yêu chúa Nguyễn. Một số nhân sĩ đã âm thầm lập tổ chức bảo hoàng phục quốc. Trong các tổ chức này, có người thực, kẻ giả. Do Vương Như Minh, tôi quen biết Phạm Bảo lão nhân là một nhân sĩ đã nổi tiếng một thời ở chốn kinh đô, gia tư cũng bậc khá giả. Lão nhân đã trên tám mươi nhưng vẫn mạnh khoẻ, hàng ngày thường luyện tập đi bộ. Phạm lão nhân tới thăm tôi vài lần và tôi đã tới đáp lễ. Phạm tiên sinh đã rủ tôi xem tướng một lần tại nhà một danh sư. Phải chăng Phạm lão nhân muốn dùng tướng pháp để chọn ngườI cộng tác? Ông thầy tướng này nổi tiếng từ lâu và quả thật là giỏi. Giữa tôi và Phạm lão nhân tình cảm ngày càng sâu đậm thì Phạm lão nhân lâm bệnh rồi chết. Lão nhân có bạn thân là Thanh Nhàn lão nhân, tuổi khoảng 70. Thanh Nhàn lão nhân có dáng điệu tiên phong đạo cốt, có lẽ lúc trẻ rất đẹp trai. Vương Như Minh đưa tôi đến thăm lão nhân nhiều lần, và nói với tôi rằng lão nhân thường vào chiến khu liên lạc với chúa Nguyễn.
Bên cạnh Vương Như Minh có hai chàng trẻ thường lui tới. Một chàng được Vương Như Minh giới thiệu là học trò của Vương Như Minh, còn chàng kia là đệ tử của Phạm Bảo lão nhân. Một hôm, Vương Như Minh bảo tôi rằng cuối tháng này, Thanh Nhàn lão nhân sẽ vào chiến khu gặp chúa Nguyễn và kêu gọi chúng tôi góp ít tiền làm lộ phí cho Thanh Nhàn lão nhân. Thường thường, nghe những chuyện như vậy, tôi không nói gì, chỉ im lặng. Sau đó, tôi được chàng đệ tử Phạm lão nhân nói riêng cho biết cuối tháng, chàng thấy Thanh Nhàn lão nhân đi ngoài phố chứ không phải đi họp trong chiến khu. It lâu sau, Thanh Nhàn lão nhân cũng lâm bệnh vài bữa rồi chết đi. Từ đó, tôi không còn nghe nói đến chúa Nguyễn nữa.
Ngày tháng trôi qua cũng đã vài năm sau khi quân Hoàng Ngũ Phúc chiếm Phú xuân. Bỗng nhiên quân Trịnh từ Thăng Long kéo vào rất đông. Họ tuyên bố vào dẹp tệ nạn xã hội tại Đàng Trong. Bao sòng bài, nhà chứa bị bắt. Một số thương gia bị bắt giam và tịch thâu gia sản vì tội trốn thuế hoặc chống triều đình. Bề ngoài quân Trịnh nói là dẹp tệ nạn xã hội, nhưng thực tế là họ tấn công nhân dân Nam Hà. Hàng ngàn, hàng vạn người bị bắt vì âm mưu khởi loạn. Nghe đâu, tổ chức này rất to lớn được ngoại bang ủng hộ đàng sau và một số quan lại họ Trịnh cũng có liên quan. Kết quả, một số bị đem ra xử tử hình, trong đó có một số quan lại họ Trịnh. Hầu hết bạn bè tôi bị bắt giam trong đó có Vương Như Minh. Ba bốn năm sau, Vương Như Minh và các bạn tôi được thả ra.
Khi các bạn tôi được trả tự do, tôi liền đến thăm họ và chúng tôi lại tiếp tục họp mặt, uống rựơu giải sầu, mặc cho nhà Trịnh có theo dõi hay không. Các bạn tôi cho biết trong tù, quân Trịnh bắt cung khai các việc, và hỏi rất nhiều về tôi nhưng các bạn tôi khai thật rằng tôi không có hoạt động chính trị nào. Việc tôi không bị mắc vòng lao lý có lẽ là do tôi may mắn. Sau khi quân Trịnh chiếm Thuận Hóa, tôi về ẩn cư. Tôi biết những ngườI cũ ở xứ Đàng Trong luôn bị Trịnh quân theo dõi. Hễ ai ra khỏi nhà là có người đi theo rồi về báo cáo với xã trưởng hay cơ quan an ninh không sót một chi tiết. Trong phố phường và xã thôn, quân Trịnh lập ngũ gia bảo, nghĩa là năm nhà thành một tổ, nhà này theo dõi nhà kia. Những kẻ bán hàng rong, những ngườI bán kẹo bánh, bán thuốc lào, sửa xe, sửa giày dép ở đầu ngõ có thể là công an chìm. Họ có nhiệm vụ theo dõi các khách lạ vào ra. Đền, chùa, miếu mạo cũng đầy rẫy an ninh, không biết ai sư thật hay sư giả, đạo sĩ thật hay đạo sĩ giả. Dẫu sao, tôi tự biết mình bất tài nên thủ phận, và cũng biết cái thế mạnh đang lên của họ Trịnh, không dám lấy trứng chọi đá. Phải chăng vì vậy mà tôi được yên? Một hôm, tôi đến thăm Vương Như Minh, chuyện gần, chuyện xa, ông nói:
-Người ngu si cho nên được hưởng thái bình.
Tôi cười mà bảo:
-Phúc họa tại trời, ông cũng nghiên cứu lý số, sao ông nói vậy?
Tôi nghĩ rằng ông tuổi già lại gặp tai họa liên tiếp cho nên lòng bực tức, cáu kỉnh. Vì vậy mà tôi không giận ông. Tôi vẫn lui tới và coi như không có chuyện gì.
Ông kể cho tôi nghe nhiều chuyện trong tù. Ông và các bạn tôi là tù chính trị, cùng bị giam trong kinh đô Phú Xuân, chứ không phải bị đày lên rừng sâu hay ra ngoài Bắc. Tuy cùng ở một nhà tù, nhưng mỗi người ở một khu khác nhau, it khi được thấy mặt nhau. Trong thời gian đầu, họ bị tra vấn và hành hạ đủ thứ. Nào khai lý lịch cha ông và bản thân. Mỗi lần bắt cung khai như vậy là phải viết đi viết lại nhiều lần. Nhưng khi đã kết thúc điều tra, có thể họ bị kết án hay không kết án, dù không ra tòa, hay có ra tòa, cuộc đời tù nhân đã bước qua giai đoạn hai. Họ có thể bị giam trong tù hay chuyển lên nông trường canh tác, danh từ là “đi lao động”. Đi lao động thì thoải mái hơn là bị nhốt trong nhà giam. Trong giai đoạn đi cung, tù nhân bị hành hạ, chửi mắng và hăm dọa đủ điều. Có khi nửa đêm bị thức dậy đi cung. Có tên điều tra viên lễ độ, lịch sự, có tên hung hãn. Nhưng qua giai đoạn điều tra thì tinh thần tù nhân dễ thở hơn. Thỉnh thoảng, tù nhân phải đi điều tra bổ túc.
Cuộc sống trong nhà tù cũng giống như ngoài xã hội là có sự phân chia giai cấp. Những quan lại họ Trịnh tham nhũng mà không chùi mép sạch, hay là những con dê bị tế thần cho nên mới bị tù. Có vị chỉ ngồi tù vài bữa, thỉnh thoảng mới vào nhà giam, còn thường là về sống với gia đình. Có vị được ở phòng đặc biệt, không thiếu nem công chả phượng. Đám quan lại chúa Nguyễn tất nhiên kém vế hơn vì mang thân phận bại binh. Nhưng người giàu có thì vẫn sướng hơn kẻ nghèo hèn. Sau một thời cấm đoán, Trịnh quân mới mở lượng hải hà cho thân nhân tiếp tế tù nhân. Kể từ khi tù nhân được tiếp tế, không khí trại giam biến đổi. Những tù nhân giàu có thì được tiếp tế ê hề. Kẻ ích kỷ thì giữ lấy mà ăn một mình. Kẻ hảo tâm thì chia xẻ cho bạn bè, hoặc tặng rượu, bánh cho cai tù, cho ngục tốt. Vì vậy mà mối tương quan giữa tù nhân và ngục tốt được cải thiện. Ngoài ra, tù nhân còn được gia đình tiếp tế tiền bạc, cho nên tù nhân có thể nhờ ngục tốt mua thức này thức nọ. Vì việc mua bán mà cả hai bên đều có lợi. Nghe đâu trong các trại cai thuốc phiện cũng có người vào bán đồ quốc cấm cho người nghiện nếu họ có tiền. Cuộc sống tù nhân và cai ngục cùng ngục tốt được cải thiện. Một số ngục tốt than thở cùng tù nhân:
-Trước đây, ngoài Bắc người ta nói rằng ở Xứ Đàng Trong nhân dân khổ lắm, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Thậm chí không có bát sành mà ăn phải ăn bốc hoặc bằng gáo dừa. Vì vậy, mà thân nhân ngoài Bắc vào thăm trong Nam đã mang bát sành, chiếu lác vào tặng bà con. Nhưng khi vào đến nơi, thấy trong Nam không ai ăn bát sành, đắp chiếu lác, nằm chõng tre mà nằm giường Hồng Kông, hoặc giường gỗ, đắp mệm êm, chăn ấm, ăn bát Tàu, đĩa Nhật, hoặc hàng sứ, hàng men Biên Hòa. Tôi thấy xứ Đàng Trong sung sướng quá. Còn xứ Đàng Ngoài vừa nghèo, vừa không tình cảm. Tôi đi lính năm năm chưa được về phép, mà vợ con chẳng ai vào thăm. Nếu muốn vào thăm thì cũng chẳng đào đâu ra tiền mà mua bánh trái, cá thịt cho chồng!
Được ít lâu, nhân lễ lục tuần khánh thọ của chúa Trịnh, một số tù nhân được thả ra, trong số đó có Vương Như Minh. Ông cho tôi biết những ngày cuối cùng trong tù, các tù nhân được các ngục tốt bày tỏ tình cảm tốt đẹp. Những ngục tốt này cho biết số phận họ hẩm hiu cho nên phải coi ngục, trong khi các bạn có vây cánh thì đã làm lớn, có cơ ngơi đình huỳnh. Họ than rằng họ cũng như các tù nhân phải sống trong ngục. Vì bổn phận bắt buộc mà họ phải nghiêm khắc và tàn ác đối với các tù nhân. Sự thực, trong thâm tâm, họ không muốn thế. Họ cho biết rằng bây giờ họ khá hơn trước, được đổi về kinh đô, còn trước kia phải lảm cai tù trên miền rừng thiêng nước độc, quanh năm ốm đau bệnh tật, thật khốn khổ vô cùng. Bây giờ về kinh đô thì khá hơn nhưng sinh hoạt đắt đỏ, gạo châu củi quế, lương bổng thấp kém, không đủ nuôi vợ con. Họ chúc mừng các tù nhân được về sum họp gia đình. Và họ ngỏ ý xin chiếc áo, cái quần, đôi giày và những thực phẩm và đồ dùng cá nhân còn lại. Các tù nhân nghe họ nói, thương tình cho mọi thứ, trừ bộ áo quần mặc trong người để mang về nhà. Vương Như Minh có chiếc áo ngự hàn, là kỷ vật của thời ông làm đội trưởng Thần Sách vệ ở Thăng Long. Tấm áo ấm này trong độn bông, ngoài bao gấm Thượng Hải màu xanh đậm, sau hai tay bị rách, vợ của Vương lấy vải xanh vá lại. Tên ngục tốt thường ngày trông nom phòng Vương, kể lể thân thế nghèo hèn, ngoài Bắc có cha già bảy mươi bênh tật và đói rét, ngỏ ý xin chiếc áo ngự hàn này để mang về tặng cha già. Vương thấy anh ta tử tế và có lòng hiếu thảo, bèn trao tặng chiếc áo ngự hàn này.
Tại kinh đô Thuận Hóa, khi quân Trịnh chiếm Phú Xuân thì nảy sinh ra những hiện tượng kỳ lạ, khác trước. Dân chúng mặc áo vá, quần đụp. Những người đi bán xôi, bán cháo, bán bún bò, bán chè, bánh khoái , bánh bèo đông hơn nhiều. Các tiệm cơm, tiệm trà mọc như nấm. Đường phố biến thành chợ trời bán đủ mọi thứ như bàn ghế, mùng màn, áo quần, vải vóc, sách vở. . . Người Trung Hoa có óc kinh doanh đã thu mua các đồ cũ, mở thành một khu chợ cũ, bán mọi thứ trên đời như giày dép, quần áo,cày bừa, kìm búa, dao, mác, bàn ghế, bút, mực, giấy, sách học, truyện. . . Một hôm Vương Như Minh ra chợ cũ mua một ít vật dụng. Ông đi suốt buổi, qua một của hàng bán đồ ngự hàn, ông thấy chiếc áo gấm Thượng Hải của ông, một chiếc áo có vá ở hai tay, rất đặc biệt, không thể lầm lẫn, được treo trên cao cùng một số áo lạnh khác.
Khi trở về nhà, Vương Như Minh đã mang chứng bệnh ung thư. Phúc bất trùng lai. Ông có đứa con trai tuổi 18 bị bắt sung quân. Thằng con trai của ông tính tình ương ngạnh, thích kết bạn kết bè rong chơi phố phường. Cu cậu thường lấy trộm sách của bố đem bán chợ Trời. Tính tình như vậy mà bị bó buộc trong khuôn khổ trại lính, cu cậu không chịu được đã trốn trại nhiều lần, và sau cùng bị tụi chúng nó đánh chết mà bảo là thằng bé mang bệnh sốt cấp tính. Vương Như Minh phải lội suối băng đèo ra biên cương lãnh xác con. Phần thì bệnh ngày càng nặng, phần thương con, Vương mất lúc gần 70.
Vương có bạn thân là người đồng hương, xưa nay thường lui tới thân mật. Vương đã tính giao cho người bạn đồng hương này đứng lo tang lễ sau này. Nhưng giữa chừng Vương đổi ý. Vương giao du rất thân mật với các nhà báo là Trăng Thanh và Mưa Bão, là hai nhà báo đã cùng Vương bị tù về tội ủng hộ chúa Nguyễn. Hai ông này đã vận động một nhà từ thiện lo việc tống táng cho Vương, trong đó có việc mua cho Vương một áo quan. Vương giao tất cả tác phẩm của ông cho nhà báo Trăng Thanh để sau ông này lo việc tái bản, xuất bản. Nhà báo Trăng Thanh vì quen nhiều nên đã tái xuất bản hai quyển truyện của Vương, thu tiền nhưng không chia cho vợ con của Vương đồng nào. Bà vợ của Vương gặp nhà báo Trăng Thanh xin lại các tác phẩm của Vương nhưng nhà báo Trăng Thanh từ chối. Bà Vương nhờ tôi đứng ra lấy lại, nhưng tôi không tiện nhận lời vì phải đi xa. Tôi bàn với một ông bạn già nhờ ông đứng ra đòi lại nhưng ông cũng từ chối vì biết rằng họ không bao giờ trả lại. Họ không trả mà họ nói đã trả hết, thế là mình chỉ làm bung xung cho họ, gánh tội cho kẻ gian. Tôi đem việc này bàn với gia đình Vương, và nói rằng e họ không trả hết, chỉ trả vài quyển lấy lệ. Gia đình Vương bảo tôi cứ đòi, được quyển nào hay quyển nấy.
Tôi biết người Việt Nam rất quý sách. Họ không thích mua mà thích mượn. Sách cho mượn hoặc là không trả lại, hoặc là bị xé mất những bài hay, đoạn hay. Tôi đã có kinh nghiệm này. Gia đình tôi ở đất Bắc trong thời Kiêu binh, dân chúng cũng hùa vào cướp phá. Những sách cổ như Tứ thư ngũ kinh hoặc Bách gia chư tử mất đi chẳng tiếc, chỉ tiếc là các văn thơ gia tiên bị mất. Tôi đã hỏi thăm nhiều nguồn tin và cũng đã van nài mà chẳng ai trả lại dù họ là anh em trong họ hàng của tôi. Tất cả đều nói là không biết gì cả. Nay những tác phẩm của Vương do Vương ký tên giao quyền cho họ, đây là mối lợi, họ không nhả ra. Tôi biết làm việc này bất lợi cho mình, và mình có thể bị mang tiếng, nhưng tôi nghĩ thiện tâm là đủ, không cần tính toán. Cuối cùng, tôi phải gặp nhà báo Trăng Thanh đề nghị trả sách cho gia đình Vương. Gặp ông hai ba lần, ông chỉ giao lại một vài quyển, tôi bèn giao lại cho con gái Vương mang về. Sau khi nhà báo Trăng Thanh mất, mà tôi thì đã dấn bước sông hồ, chưa trở về chốn cũ, không hiểu các tác phẩm của Vương còn hay mất, hay đi về đâu.
TRẦN TRUNG ĐẠO * TRUNG CỘNG-BẮC HÀN
Bài học tranh chấp biên giới giữa Trung Cộng và Bắc Hàn
Nếu chỉ nhìn sự phụ thuộc kinh tế của Bắc Hàn vào Trung Cộng, người ta dễ dàng đi đến kết luận Trung Cộng muốn gì được nấy, muốn đóng cọc chỗ nào đóng, muốn vẽ biên giới đâu thì vẽ, cần gì phải đưa ra bàn hội nghị, mà có đưa ra cũng chỉ là hình thức dàn cảnh ngoại giao. Không. Bắc Hàn tự cô lập khỏi thế giới văn minh, trong nhiều năm đã lệ thuộc vào Trung Cộng từng chén cơm manh áo, nhưng họ nhất định không nhượng cho Trung Cộng một tấc đất nào qua các hội nghị về đường biên giới giữa hai nước.
Mặc dù cai trị đất nước bằng một lý thuyết ngu dân hoang tưởng, bằng một chính sách độc tài sắt máu bị phần lớn nhân loại rẻ khinh, xa lánh, ba thế hệ họ Kim ít ra có một điểm mà giới lãnh đạo đảng CSVN không làm được, đó là quyết tâm giữ đất của tổ tiên họ để lại.
Vùng biên giới tranh chấp
Trung Cộng và Bắc Hàn chia sẻ biên giới dài 1,416 kilomet. Các vùng tranh chấp thuộc khu vực sông Yalu, sông Tumen và Bạch Đầu Sơn (Paektusan). Các hội nghị bí mật giữa hai nước diễn ra trước 1963 và đạt đến điểm đồng thuận vào 1963 với sự nhượng bộ từ phía Trung Cộng.
Khu vực bất đồng sâu sắc nhất là Bạch Đầu Sơn. Phía Trung Quốc cho rằng vùng núi lửa Bạch Đầu Sơn rộng 33 kilomet vuông trước đây là đất Mãn Châu, do đó ngày nay thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Phái đoàn Trung Quốc còn viện dẫn lịch sử khi cho đó là nơi dòng tộc Mãn Thanh bắt nguồn.
Bắc Hàn không đồng ý và cũng viện dẫn các dữ kiện lịch sử để chứng minh Bạch Đầu Sơn thuộc về Triều Tiên từ nhiều ngàn năm lịch sử. Đối với dân tộc Triều Tiên, Bạch Đầu Sơn là nơi Thần Hwanung kết duyên với một phụ nữ và hạ sinh con trai Tangun, và chính Tangun đã sáng lập nên Vương Quốc Choson đầu tiên trong lịch sử Triều Tiên. Một khu vực tranh chấp khác là vùng Hồ Chongji. Trung Cộng cho là thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Bắc Hàn cũng không đồng ý.
Tuy nhiên, theo nội dung thỏa hiệp biên giới 1963, hai nước đồng ý phân chia Bạch Đầu Sơn từ đỉnh và ba phần năm vùng Hồ Chongji thuộc Bắc Hàn. Vùng đất Trung Cộng nhượng cho Bắc Hàn rộng đến mức chính quyền thuôc các tỉnh biên giới như Cát Lâm (Jilin) và Liêu Ninh (Liaoning) phản đối chính quyền trung ương.
Lý do Trung Cộng nhượng bộ Bắc Hàn
1. Bắc Hàn có chung ngã ba chiến lược với Trung Cộng và Liên Xô. Khu vực biên giới giữa Bắc Hàn, Liên Xô (hiện nay thuôc Nga) và Trung Cộng giữ một vai trò chiến lược vô cùng quan trọng đối với Trung Cộng. Đây là cửa ngõ Liên Xô dùng để qua Thái Bình Dương. Cách ngã ba không xa là thành phố Vladivostok, nơi đặt bộ tư lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương của Liên Xô. Nhiều lần trong thế kỷ 19, thành phố cảng Vladivostok cũng là nơi diễn ra các đụng độ quân sự giữa Nga và Trung Quốc. Sau cách mạng CS 1917, Vladivostok là điểm đổ bộ của các lực lượng đồng minh tình nguyện trong đó có Tiệp, Anh, Mỹ, Canada với ý định lật đổ chính quyền CS của Lenin vừa mới được dựng lên. Thành phố này bí mật đến nỗi không cho phép một người nước ngoài nào thăm viếng. Nếu hai mặt của khu vực tam giác chiến lược này thuộc về Liên Xô sẽ là một đe dọa quân sự nghiêm trọng với Trung Cộng.
2. Đạo đức giả “Giết không được tha làm phước”. Trong giai đoạn 1965, quan hệ giữa Mao và Kim Nhật Thành trở nên căng thẳng vì thái độ nghiêng về phía Liên Xô của họ Kim. Mao nổi giận tuyên bố đòi 160 kilomet vuông chung quanh Bạch Đầu Sơn phải giao nộp cho Trung Cộng để trả nợ cho các khoản chi dùng kinh tế, quân sự mà Trung Cộng đã cung cấp cho Bắc Hàn trong chiến tranh Nam-Bắc Triều Tiên 1950-1953. Bắc Hàn chẳng những không chịu mà còn đánh trả các xâm phạm quân sự gây ra từ phía Trung Cộng. Tháng 11 1970, cần phải dồn nỗ lực giải quyết các bất ổn nội bộ sau Cách Mạng Văn Hóa, Mao rút lại đòi hỏi về lãnh thổ. Bắc Hàn, một lần nữa, đạt thắng lợi mà không phải chịu đựng một thiệt hại nào.
3. Lấy lòng Bắc Hàn trong tranh chấp Trung-Xô. Rạn nứt về cả tư tưởng chính trị lẫn đường lối bang giao quốc tế giữa Liên Xô và Trung Cộng bắt đầu sau khi Nikita Khrushchev nắm quyền lãnh đạo đảng CS Liên Xô. Khi mâu thuẫn Trung-Xô gia tăng, phong trào CS quốc tế chia làm ba cánh, một cánh đa số ủng hộ Liên Xô, một cánh đóng vai trò trung lập như Nam Tư, Việt Nam và một số nhỏ khác như Albany ủng hộ Trung Cộng. Trung Cộng hơn bao giờ hết cần sự ủng hộ của Bắc Hàn. Chu Ân Lai, Thủ tướng Trung Cộng, chỉ thị phái đoàn đàm phán Trung Cộng tránh xung đột và chấp nhận yêu sách của phái đoàn Bắc Hàn. Đáp lại, trong hội nghị các đảng CS quốc tế tổ chức tại Moscow vào tháng 10, 1966, Bắc Hàn không tham dự.
4. Nỗi sợ bị bao vây. Như người viết đã trình bày trong nhiều loạt bài về Trung Cộng, tất cả các yếu tố nêu trên đều phát xuất từ mối lo truyền thống của các lãnh đạo Trung Cộng, là mối lo bị bao vây. Toàn bộ biên giới phía Bắc Trung Quốc, bao gồm vùng Ngoại Mông đều thuộc quyền kiểm soát của Liên Xô. Trong chiến tranh biên giới giữa Trung Cộng và Ấn Độ 1962, Liên Xô đứng về phía Ấn. Ngay cả khi Khrushchev bị hạ bệ 1964, rạn nứt cũng không có cơ hội hàn gắn, mâu thuẫn không có cơ hội giải quyết mà còn sâu sắc hơn. Chu Lân Ai tố cáo Liên Xô dưới thời Leonid Brezhnev là một loại chế độ “Khrushchev không có Khrushchev”. Vùng độn quan trọng nhất Trung Cộng phải giữ là Bắc Hàn.
Bài học đàm phán biên giới giữa Bắc Hàn và Trung Cộng
- Nam Hàn ủng hộ Bắc Hàn trong tranh chấp biên giới với Trung Cộng: Như cả thế giới đều biết Nam và Bắc Hàn vẫn còn trong tình trạng chiến tranh nhưng có một lập trường họ luôn chia sẻ đó là bảo vệ lãnh thổ của tổ tiên. Khi Bắc Hàn và Trung Cộng tranh chấp biên giới Đông Bắc, Nam Hàn tuyên bố ủng hộ Bắc Hàn. Một lý do, vùng Bạch Đầu Sơn là chiếc nôi của dân tộc Triều Tiên và lý do khác, sự ủng hộ của Nam Hàn, một quốc gia dân chủ, sẽ gia tăng áp lực và đón nhận thêm cảm tình của khối tự do Tây Phương. Trung Cộng phải giải quyết xung đột nhanh chóng vì không muốn Nam Hàn liên quan sâu đến tranh chấp dù chỉ trên mặt trận ngoại giao và truyền thông. Điều mà Trung Cộng không muốn nhất là Bắc Hàn trở thành một nước dân chủ hay thống nhất dưới thể chế dân chủ.
- Khai thác yếu điểm của Trung Cộng: Chiến lược đàm phán biên giới của Trung Cộng bị chi phối bởi chính sách an ninh chung của cả nước trong từng thời kỳ. Theo tổng kết của M. Taylor Fravel trong biên khảo xuất sắc “Regime Insecurity and International Cooperation”, từ 1949, Trung Cộng tham gia 23 cuộc hội nghị về biên giới với các nước láng giềng; trong số đó, Trung Cộng đã 19 lần phải chấp nhận phần lớn các đòi hỏi của các nước tranh chấp. Nghĩa là, nếu có sự phân chia vùng lãnh thổ tranh chấp, Trung Cộng nhận ít hơn 50 phần trăm. Yếu tố an ninh của Trung Cộng được đặt lên thứ tự ưu tiên trong đàm phán. Tại Trung Quốc, người Hán chiếm 90 phần trăm dân số và chỉ 10 phần trăm còn lại thuộc các dân tộc thiểu số nhưng 10 phần trăm này kiểm soát các vùng đất bao la dọc biên giới. Giống như Liên Xô, quyền lực của Trung Cộng mạnh ở trung tâm nhưng rất lỏng lẻo tại các địa phương xa. Chọn lựa của Trung Cộng là chọn lựa của thế yếu chứ không phải để hòa giải với láng giềng. Trong trường hợp đàm phán với Bắc Hàn, sự ổn định của vùng độn Bắc Hàn quan trọng hơn vài trăm kilomet đất vùng Bạch Đầu Sơn.
- Nước nhỏ chưa hẳn là nước yếu. Bang giao quốc tế là một cuộc đấu tranh chính trị cân não. Trong thời đại toàn cầu hóa, sự phụ thuộc giữa các quốc gia sâu sắc hơn thời kỳ Chiến tranh Lạnh và hai cuộc thế chiến trước đây, do đó, cuộc đấu tranh lại càng khó khăn, phức tạp và có thể phải chấp nhận nhiều rủi ro hơn. Cho dù theo đuổi bao nhiêu mục tiêu, đối với một quốc gia, tại mỗi thời kỳ nhất định, chỉ có một ưu tiên tối thượng. Bảo vệ sức mạnh trung tâm là ưu tiên tối thượng của Trung Cộng. Những nhân nhượng của Trung Cộng qua các tranh chấp về biên giới cho thấy rõ một điều quốc gia nào cũng cần ổn định để phát triển nhưng Trung Cộng cần ổn định hơn bất cứ quốc gia nào khác. Trong thời kỳ Liên Xô còn tồn tại, Bắc Hàn khai thác xung đột giữa hai đàn anh CS để có lợi cho mình và nay đang khai thác mâu thuẫn Mỹ -Trung để củng cố vị trí của Bắc Hàn trong bàn cờ địa lý chính trị vùng Nam Á.
Người viết không phân tích hay đối chiếu cách xử sự của lãnh đạo CS Việt Nam và Bắc Hàn bởi vì một người có hiểu biết chính trị căn bản nào cũng biết mục tiêu tối thượng của lãnh đạo CSVN là duy trì quyền cai trị trên đầu trên cổ nhân dân Việt Nam bất chấp đất đai, rừng, biển của tổ tiên để lại bị chiếm đoạt. Tập Cận Bình biết rõ gan ruột của lãnh đạo CSVN nên rất khinh thường họ. Sự kiện máy bay Trung Cộng vi phạm không phận Việt Nam không chỉ một lần mà mấy chục lần là một ví dụ điển hình. Nếu báo chí quốc tế không lên tiếng trước rồi lãnh đạo CSVN cũng tiếp tục “ngậm bồ hòn làm ngọt” như đã từng chịu nhục suốt 40 năm qua.
Trần Trung Đạo
Tham khảo:
– M. Taylor Fravel (2005). Regime Insecurity and International Cooperation, Explaining China’s Compromises in Territorial Disputes, Belfer Center for Science and International Affairs
– Morse Tan (2015). North Korea, International Law and Dual Crisis, pp 81-88, Routledge, NY
– Bruce Elleman, Stephen Kotkin, Clive Schofield (2013). Beijing’s Power and China’s Borders: Twenty Neighbors in Asia, pp 110-124, NY
– Daniel Gomà Pinilla (2004). Border Disputes between China and North Korea, China Perspectives
– Conferences of the Communist and Workers Parties, The Great Soviet Encyclopedia (1979).
– Sino-Soviet Split. Wikipedia
– China–North Korea border Wikipedia
--
Sunday, April 16, 2017
Á NGHI * BÔNG MỒNG GÀ
Bông Mồng Gà
Truyện ngắnÁ Nghi
Trích tuyển tập tình yêu AI BIỂU do Bảo Trâm trình bày, sẽ xuất bản
Bài đã lay out trong "att" đính kèm
Từ
xa nàng đã thấy chàng đứng chờ ở một bóng râm mát mẻ giữa bụi mía lóng
nâu cao cao quen thuộc ven bờ ruộng. Nàng đến gần và hỏi nhỏ:
-Anh đi họp ở Sài Gòn vui không nè?
Chàng trai trả lời tiu nghỉu:
-Hông!
Nàng nghịch ngợm:
-Chu choa! Đi chơi cả tháng trời mà mang về còn có mỗi một cái “hông” cộc lốc vậy sao anh?
Chàng pha trò:
-Mang về đủ cả… hai hông chứ em!
-Đủ hai hông mà sao anh nghiêng nghiêng, chao chao vậy?
-Tại anh có cái này tặng em mà chưa muốn đưa ngay bây giờ
-Hổng sao! Chút nữa anh đưa cũng được. Mà sao anh không vui?
-Đúng
như dân mình nói đó em, tụi nó đổi tên Sài Gòn ra “thành Hồ” nên chỉ
cần mưa mấy ngày là nơi nơi đều biến… thành… hồ, y như ngoài miền Trung
mình luôn. Lụt lội khắp nơi. Chiếc xe đạp của dượng anh đâu phải là
chiếc ghe mà có thể chèo đi đó, đi đây được. Suốt tháng cứ “đạp lụt” mà
đi họp trên nước vì nhà anh em trong tổ chức của mình ai cũng ở khu
nghèo cả. Bù lại, nhờ nước ngập dơ bẩn mà anh em hổng sợ bị bọn công an
rình mò, theo dõi vì những chỗ ngập lụt trong thành phố bọn cán bộ có
lui tới làm gì. Chẳng ai dại chi mà làm từ thiện cho chúng ăn. Anh bị
ướt cả quần áo mà đem theo có mấy bộ thôi, giặt không biết phơi đâu cho
khô nên ban ngày không phải họp hành, anh tát nước và phụ với cô dượng
dọn dẹp đồ đạc đưa lên chỗ khô ráo. Đến nỗi trong xóm có đám tang mà
quan tài cũng phải lội nước. Mấy đứa nhỏ vừa dò dẫm từng bước trong nước
vừa khóc tèm nhem theo mẹ của chúng, trong khi cả nhà gào thét, than
van vì bị đảng chiếm đất, chiếm nhà. Thấy mà thương! À! Có thể nhóm anh
em mình sẽ được đưa ra Đại Lộc hay Điện Bàn nhận công tác mới, đồng thời
giúp đỡ đoàn thanh thiếu niên đầy nhiệt huyết đối phó với những tổ chức
trá hình của bọn giặc Hán.
-Nghe
mà tội nghiệp trẻ thơ quá! Ngoài đó em có nhiều bạn bè, mình sẽ dễ hoạt
động hơn trong này. Anh đừng lo! Có lệnh sinh hoạt nhiều không anh?
-Nhiều lắm em! Mình sẽ
họp anh em vào cuối tuần này, rồi em sẽ rõ những trách nhiệm mới. Anh
kể tiếp chuyện lạ đường xa nè: đám tang của dân thì thê thảm vậy, trong
khi đám ma nhà mấy tên cán bộ ở nơi cao ráo, sang trọng thì lại bày trò
mướn mấy “Cái Bang Lếch, Ghê” về nhảy khỏa thân đó em.
-Răng lọa rứa? Chỗ cao ráo thì cần gì lếch ghe? Mà Lếch Ghe hay Lếch Ghê? Khóc mướn chi mà kỳ? Răng không mặc áo tang mà lại khỏa thân để nhảy?
-Lếch ghê!
Đó là cách mà gia đình anh đặt tiếng lóng cho những người đồng tính
luyến ái vì không muốn lỡ lời ở chốn đông người rồi xúc phạm đến những
người bẩm sinh ra đã vậy. Lếch là từ tiếng Anh: “Lesbian” có nghĩa là
đồng tính nữ, còn Ghê: tiếng Anh là “Gay”: dành cho đồng tính nam.
-Em nghe nói còn có: ái nam, ái nữ, bóng lộ, bóng kín, pê đê, lưỡng tính nữa hả anh?
-Ờ! Lộn xộn lắm! Thời
buổi này có những sinh viên “con ông cháu cha”, hay con nhà “đại gia”,
sinh ra bình thường nhưng bày đặt đua đòi cho ra vẽ “ngầu” hoặc là để
bán thân kiếm tiền nữa đó em. Ba anh nói: “Bọn
trưởng giả đỏ học làm sang này chúng bày ra nhiều trò thật là quái dị
để ăn chơi cho hết tiền đã bóc lột của dân mới vừa bụng chúng, còn bụng
của dân thì chúng đem đi móc trống hết để bán nội tạng cho giặc Tàu!” Giặc
Tàu tràn lan khắp hang cùng, ngõ hẻm! Bây giờ không cần vô Chợ Lớn cũng
thấy toàn Tàu là Tàu! Mà thôi! Mình đừng nói chuyện hông vui nữa nghe
em. Anh tặng em cái này nè! Chậu sứ này của anh em mình từ bên Ý mang về
tặng chứ không phải của Tàu đâu nhaLúc
này chàng mới lôi từ đàng sau lưng ra, trao cho nàng một túi quà to và
một chậu bông mồng gà màu đỏ nhung rực rỡ, được trồng trong một cái chậu
bằng sành trắng tinh có vài nét vẽ bay bướm tên của hai người đan vào
nhau rất tình tứ, chen trong lá là một cánh thiệp hồng hồng.
Nàng bẽn lẽn nhận quà rồi hỏi:
-Hoa đẹp quá! Sao hôm nay anh cho em màu đỏ mà không hoa vàng?
-Má nói quà Xuân màu đỏ mới hên!
-Chưa Tết mà! Rồi mồng gà có hên hông nè?
-Anh hy vọng là sẽ gặp hên. Năm Dậu tặng mồng gà là đúng nghĩa đó!
Anh
thường tặng em hoa vạn thọ vì ông bà bên Nội của anh rất thích loại hoa
này. Từ ngày ông và Ba của anh bị vô tù rồi bị đưa ra Bắc “học tập”, Bà
và Má của anh ở nhà “tập” chịu khổ đủ thứ để “học” gồng gánh ra Bắc
thăm nuôi hai người. Càng thăm, hai người phụ nữ càng thấy chồng con của
mình khó sống nỗi với chế độ mới, nói chi là trở về lo cho gia đình,
nên sau đó họ phải vất vả “học” tự làm đủ thứ nghề để nuôi con và tiếp
tế cho chồng, trong đó có nghề “tập” trồng hoa rồi gánh ra chợ bán. Gần
15 năm sau Ông và Ba mới được bọn chúng thả về, họ phụ trồng và đem bỏ
mối hoa cho các tiệm nhiều hơn là bán lẻ. Mỗi lần Ông hay Ba hái hoa vạn
thọ cúng Ông Bà bên Nội hay Má anh lựa mấy chậu bông mồng gà đem về Phú
Bông cúng bên Ngoại là mắt Ba anh u buồn thấy thương lắm em à! Ba nói: “Đó là 2 loại hoa mà ông bà của ba má đã thích nhất”. Từ
ngày nghe Ba anh nói thế, anh cũng bắt đầu thấy thích hai loại hoa này
hơn tất cả những loài hoa khác. Lúc nào Ba ra chọn hoa, anh cũng lựa một
chậu bông vạn thọ đẹp nhất để dành cho em là vậy. Từ sau tháng Tư năm
75, trừ hoa mồng gà ra, ông Nội và Ba của anh rất ghét màu đỏ. Hôm nay
anh chọn hoa mồng gà và khấn bà Ngoại phù hộ cho hai đứa mình, anh hy
vọng…
Nàng ngậm ngùi:
-Ngoại chắc chắn sẽ phù hộ anh và em! Mà anh viết gì trong thư cho em nè?
Nàng lần mò toan mở thiệp ra xem thì chàng ấp a, ấp úng:
-Hay là… em để về nhà rồi hãy… đọc nghe
-Sao vậy? Hổng đọc ngay bây giờ được sao? Viết cho em sao hổng cho em đọc?
Chàng lại lúng túng, lúng ta:
-Vậy thì…nếu… muốn, em cứ… đọc đi! Anh… dời xe đạp qua bên kia cho đỡ nắng nghen?
-Dạ!
Nhìn
màu hồng bì thư, nàng chợt nghĩ đến thiệp cưới nên cứ tần ngần: hôm nay
sao chàng là lạ? Người Ta cũng biết mình rất ghét màu đỏ kia mà. Thư
sao dày cộm mà không phải giấy pelure mềm mỏng như thường khi? Hôm nay
gặp nhau sao lại đưa thư? Hay là Người Ta… lấy vợ? Thắc mắc vừa chỉ
thoáng qua thôi mà tự nhiên tay nàng run run và nghi nghi, cuối cùng
nàng quyết định: thôi, không thèm đọc làm chi, mình không muốn nhìn thấy
tên Ai Đó thế vào vị trí tên mình bên cạnh tên của… Người Ta. Đúng là
sắp cưới ai rồi! Hèn chi ngượng ngùng trao thiệp mà không cho đọc ở đây,
lại còn lo… xe bị nắng. Mắc mớ chi không lo cho… người mà lo cho con
ngựa sắt? Nàng nghe nghèn nghẹn trong tim, mằn mặn trên môi nhưng vẫn cứ
ngồi yên bất động, mặc cho nước mắt rơi rơi trên đóa hoa vô tội…
*
Lâu
thật lâu chàng mới trở lại với nàng và ngại ngần ngồi xuống bên cạnh,
ban đầu chàng chỉ dám liếc nàng len lén thôi, rồi chợt hốt hoảng khi
thấy những giọt nước rơi trên đóa mồng gà. Chàng lo lắng và hồi hộp vô
cùng nhưng không biết bắt đầu thế nào, tưởng như tận thế đến nơi với sự
yên lặng đã kéo dài quá lâu của hai người. Mãi rồi sốt ruột quá nên
chàng phải bắt đầu câu chuyện để chấm dứt một niềm… hy vọng:
-Mình không
thể phải không em? Mấy hôm nay anh đã thấy… “họ”. Trong nhà xem ra… vui
vẻ hẵn lên. Anh đã… chậm một bước để… nói với em điều mà anh… không dám
nói từ lâu?
Nàng ngước nhìn chàng bằng ánh mắt lạnh lùng như tảng băng:
-Em đã đoán
đúng mà! Hèn chi gần đây em thấy anh hơi… là lạ, nhất là hôm nay lại đưa
cho em hoa đỏ này. Em không dám nhận hoa và thiệp hồng này đâu, cho em
trả lại anh nghe.
Chàng
đỡ chậu hoa và tấm thiệp, tâm trạng buồn bã rũ xuống như những lá mía
úa vàng ở một góc ruộng đang chờ người đốn đi để thu hoạch những lóng
mía mập tròn đã ngả màu đen sậm, nhưng chàng đặt chậu hoa trở lại trên
tay nàng, rồi luồn xuống bên dưới chậu tấm thiệp:
-Vậy thì em hãy giữ lại, xem như quà cưới anh tặng em đi. Anh chúc em hạnh phúc với… “họ”.
Nàng giương đôi mắt tròn to đen láy nhìn chàng:
-“Họ” nào vậy anh? Mà ai cưới hỏi? Sao lại
chúc em? Phải chúc anh mới đúng chứ?
-Em lấy “họ” sao lại chúc anh?
-Lấy ai?
-Thì
người ở Sài Gòn về mấy hôm nay đó. Anh thấy em ra vô cười tít cả mắt,
suốt ngày cứ lăng xăng đi chợ và nấu ăn. Hôm kia anh còn thấy em với
“họ” bắt cá trong ao rất tình tứ, rồi em xối nước cho “họ” rửa chân nữa
kìa.
-A! Anh nói anh-của-em đó hả?
-Ừa! Của… em chứ hổng lẽ của… anh?
-Dĩ nhiên là từ hồi sanh ra đến giờ em đã là em-của-ảnh rồi thì ảnh phải là anh-của-em chứ làm sao làm anh-của-anh được.
-Ừa! Người ta là của… nhau rồi, bây giờ mình mới biết, hồi nào tới giờ ai biết em chờ họ vì đã hứa hôn.
-Ai mà hứa hôn với ông anh ruột của mình chứ?
-Anh… anh… ruột sao?
Chàng mừng húm, lắp bắp hỏi lại. Nàng hờn giỗi:
-Anh đúng là thông minh mà chậm hiểu! Vì tưởng… thế mà anh đã quyết định sao?
-Anh… không biết nữa.
-Không biết sao anh quyết định sớm vậy? Bộ anh thương… người ta lắm hở?
-Ừa! Anh… thương… lâu rồi
-Vậy thì em chúc anh hạnh phúc có gì sai?
-Biết là sẽ hạnh phúc sao em khóc?
-Anh hạnh phúc mà biểu em hổng khóc?
-Hôm nay em nói… gì mà lung tung quá?
-Chứ anh cũng nói… chi mà lộn xộn, hổng vui chút nào. Thôi mình về đi anh, từ nay anh… đừng… gặp em nữa nha.
-Tại sao về? Em chưa trả lời câu hỏi của anh trong thư mà
-Câu hỏi gì? Em không dự đám cưới của anh với… ai kia đâu mà hỏi?
-Đám cưới? Vậy là em chịu rồi sao? Chịu rồi sao lại khóc?
-Làm sao mà em chịu chứ? Anh vô duyên thật đó nghe.
-Sao em hông chịu? Tại nhà anh nghèo quá phải hông?
-Anh đang nói chi kỳ quá à! Không không rồi nghèo, giàu gì vô đây?
-Chứ sao em hông chịu?
-Chuyện của anh mắc mớ gì tới em mà chịu với hổng chịu
-Chuyện của mình mà
-Của… mình?
-Chứ của ai vô đây?
Lần
này sự mừng rỡ vừa đổi ngôi: đôi mắt đen tròn lại mở to thêm lần nữa và
chợt lóe sáng hơn, nàng lụp chụp mở tấm thiệp hồng ra xem, thiệp không
hồng bên trong mà là một màu trang nhã với nét bút chì đan thanh vẽ chân
dung nàng bên trái, còn bên phải là một dòng chữ màu tím viết nắn nót
bên trong trái tim, dòng chữ làm bao nhiêu nắng như đang hắt cả vào mặt
nàng:
“Em ơi! Mình cưới nhau sau Tết nghe? Anh… thương… em!
Minh
9.1.2017”
Cười
bẽn lẽn, nàng mắc cỡ, mân mê mãi cánh hoa đỏ trong khi chàng kiên nhẫn
chờ đợi cả… thế kỷ mà chẳng thấy nàng ơi hỡi chi. Đành chịu thua thêm
lần nữa, chàng phá tan bầu không khí trước:
-Em nói chi đi?
-Em… tưởng đâu anh đưa em thiệp… cưới của… anh với… ai kia nên em đâu... thèm mở.
-Trời đất! Anh đâu có ai ngoài em ra. Em mới đúng là hiểu… quá nhanh và thông minh… hông đúng chỗ!
-Ai biểu tự nhiên anh không tặng hoa vàng nữa mà lại hoa… đỏ, rồi đi chơi với nhau mà dưng không lại đưa em cái thiệp… hồng
-Tại anh… sợ quá, lần
nào cũng không dám nói với em. Mới đi vắng có 4 tuần, về chưa kịp gặp
lại em đã thấy… có người đẹp trai ở Sài Gòn lảng vảng bên em nên anh lo
đến mất ăn, mất ngủ mấy hôm nay.
-Anh Hai của em ở Đà Nẵng về lần này là muốn gặp anh đó
-Gặp anh? Sao biết anh mà gặp?
-Tại em hay kể cho anh ấy nghe về anh lắm
-Em kể gì?
-Kể… anh hay tặng hoa vạn thọ cho em.
-Rồi ảnh nói sao?
-Ảnh cười quá chừng, đòi về: “Xem mặt mũi “thèn” (thằng) nhà quê ra làm răng? Ai đời lại đi tặng cô em út của anh hoa vạn thọ bao giờ”
-Em hổng nói nhà anh có cả… một cánh đồng hoa vạn thọ sao?
-Em có nói chứ, bởi vậy ảnh mới nói anh nhà quê như người trong ruộng
-Thì đúng là trong… ruộng… mía nè!
Nàng bật cười, chàng cũng
cười vang làm gió reo theo hai người. Từng cơn gió kéo đến lay mạnh,
lào xào cả ruộng mía. Gió hất mái tóc nàng nghiêng về phía chậu mồng gà
đỏ ửng, màu má nàng cũng ửng như màu hoa trông thật ngọt ngào, làm chàng
nhớ đến một cành mía lạ: dài thật dài, cong thật cong mà hai đứa đã rủ
nhau đi xem ở nhà người nông dân hôm nào.
Chàng thì thầm:
-Đúng là ông bà Ngoại đã phù hộ cho em nhận lời anh.
-Em cám ơn quà của anh nha! Tại thấy… bất thường nên em đã hiểu lầm anh, em xin lỗi.
-Anh xin lỗi mới phải, cứ tưởng ai ở Sài Gòn về hỏi cưới em.
Tranh
nhau “xin”mãi mà chẳng có được “lỗi” nào, chàng âu yếm cạ nhè nhẹ ngón
tay lên gò má nàng rồi bất ngờ đặt lên môi nàng những ngọt ngào chất
ngất của… cả rừng mía…
Gió càng lao xao vui nhộn hơn, mía càng lay động và những bông mồng gà càng rực đỏ trong nắng….
Á Nghi** 17.1.2017
Labels:
BÊN KIA BỜ ĐẠI DƯƠNG 464
Con Đường Nam Tiến của Trung Cộng
TS.Mai Thanh Truyết
> Trong quá trình lịch sử của Tàu và kinh nghiệm 1026 năm bị đô hộ trong suốt 17 thế kỷ lập quốc của Việt Nam,
> Trung Cộng, sau khi chiếm đóng Tân Cương năm 1949, khống chế Tây Tạng năm 1950, và bị chặn tại bán đảo Triều Tiên năm 1953, đã nghĩ tới Việt Nam như một vùng trái độn quân sự cần thiết. Trong tư thế thủ, ý định chiếm Việt Nam là để bảo vệ toàn cõi Trung Nguyên, và trong thế công thì bành trướng ảnh hưởng xuống vùng Đông Nam Á và ra tới một vùng biển dài trên 3000 Km ở phía Nam là biển Đông.
> Nên nhớ, với sự tiếp sức của Liên Xô khi tiến hành Chiến tranh lạnh năm 1948 và mục tiêu của TC ngay từ những ngày đầu của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa do Mao sáng lập năm 1949 là nối tiếp nhiệm vụ của Hồ Chí Minh từ khi là cán bộ của Đệ tam Quốc tế được gửi về hoạt động tại Đông Nam Á từ năm 1924. Từ xa xưa, đảng Cộng sản Việt Nam tự nhận là mũi xung kích của khối Cộng sản xuống Đông Nam Á, mà việc gọi là giải phóng miền Nam chỉ là một kết quả tất nhiên mà thôi.
> Vì vậy, đây chính là một trong nhiều nguyên nhân của cuộc chiến ý thức hệ làm cho CSBV khởi động gây nên cuộc chiến tương tàn làm kiệt quệ tiềm lực quốc gia với hơn năm triệu nạn nhân của cả hai miền.
> Và trong hiện tại và với tâm khảm của một nước lớn, cộng thêm tính thuần phục của ĐCSBV, nhu cầu chiếm Việt Nam và lấn chiếm toàn bộ Biển Đông đã đang dần dần biến giấc mơ Đại Hán trở thành hiện thực.
> 1- Vị trí thực sự của Trung Cộng
> Ngoài khái niệm hoang tưởng và với ý thức hệ tập trung thế giới dưới sự thuần phục của “Trung Quốc”, có một điều đôi khi chúng ta ít chú ý là đứng về mặt địa dư hình thể, TC chỉ là một "lục địa hải đảo" bị cô lập.
TC bị vây hãm từ cả bốn hướng. Giữa các sa mạc, thảo nguyên hoang vu cùng núi rừng hiểm trở tại ba hướng Nam, Tây và Bắc với biển Thái bình tại hướng Đông. TC chỉ có một đường bành trướng trên đất liền. Đó là miền Bắc nước Việt Nam. Lần cuối mà họ thử nghiệm giải pháp đó là vào năm 1979 khi Hà Nội chủ quan tưởng- rằng mình đã đánh cho Mỹ cút lại còn vừa ký Thỏa ước Hợp tác và An ninh với Liên Xô vào năm 1978. Thế mà vẫn bị Tàu “dạy cho một bài học” do Đặng Tiểu Bình làm thầy giáo năm 1979.
> Khi bức tường Bá Linh sụp đổ sau vụ khủng hoảng và tàn sát Thiên an môn năm 1989, mọi sự đều đảo lộn.
> Khi khối Liên Xô bắt đầu tan rã, TC e sợ nội loạn nên tập trung kiểm soát hệ thống chính trị bên trên cơ chế kinh tế thị trường. Và lãnh đạo Hà Nội như kẻ mồ côi bị mất quan thầy. Vì vậy, việc cứu đảng là một ưu tiên sinh tử từ năm 1990.
> Từ mốc thời gian đó, Hà Nội trở lại thần phục TC, chấm dứt 10 năm độc lập dưới bóng rợp Liên Xô và VSBV trở về thực tế quyền lực hiện tại (lúc bấy giờ) để tiến hành "đổi mới", nhưng theo mẫu mực Bắc Kinh.
> Và TC trở lại xu hướng bành trướng cố hữu mà khỏi tốn quân, tốn tiền và vẫn đạt kết quả như ý: miền Bắc Việt Nam đương nhiên trở thành vùng trái độn quân sự kể từ thời điểm Hội nghị Thành Đô 3-4/9/1990.
> 2- Vai trò thái thú của ĐCSBV
> Khi Bắc Kinh mở rộng vùng trái độn ấy ra biển Đông hải, thì Việt Nam lần lần trở thành ao nhà của TC.
> Biển Việt Nam chỉ là biển Hoa Nam.
> Lãnh đạo Hà Nội ý thức được việc đó, qua quyển sách (nội bộ) do nhà xuất bản sự thật xuất bản tựa đề “30 năm quan hệ ngoại giao Việt-Trung (1949-1979)” qua đó, BCT nhận định rõ ràng là TC luôn luôn tìm cách …nuốt trửng Việt Nam.
> Nhưng ngay sau cuốc chiến 1979 và kéo dài đăng đẳng cho đến 1988, sau khi TC chiếm các đảo ở Trường Sa của Việt Nam, CSBV mới chịu quy phục TC và chấp nhận “16 chữ vàng và 4 tốt” để bảo vệ quyền lực đảng, và từ đó bảo vệ được quyền lợi của các đảng viên cao cấp.
> Nếu có nói rằng họ bán nước để cứu đảng thì cũng không sai.
> Hậu quả là mọi vấn đề TC của thế giới như đã trình bày ở trên đều đã xuất hiện tại Việt Nam, từ an ninh, ngoại giao qua môi sinh, kinh tế, giáo dục, y tế hay ngoại thương.
> Gần đây nhứt, Dương Khiết Trì (Yang Jiechi), cựu bộ trưởng Ngoại Giao Trung Cộng (2007-2013) đã viết một bài, tựa đề:
> “Không cần phải đánh Việt Nam chúng nó!” với một trích đoạn như sau:"Súng đạn nào mãnh liệt bằng phong bì tống vào miệng chúng để sau đó Đại Hán ta ngồi ngay trên nóc nhà Tây Nguyên, đào mồ xới mả đất Mẹ của chúng, thải chất độc vào môi trường của chúng và Bộ chính trị của chúng vẫn khăng khăng đấy là chiến lược đã quyết, là chính sách công nghiệp hóa hiện đại đất nước không thể ngừng."
> Thật hỗ thẹn cho một quốc qia đã từng có chủ quyền và được tôn trọng trên thế giới.
> Nhưng đê tiện hơn nữa, “họ” vẫn múi mặt tiếp tục những biểu hiện nghiêm trọng hơn nữa là lập trường của Hà Nội lại rất thân TC trong các hồ sơ nóng của các quốc gia trên thế giới, nhứt là việc Hà Nội tránh nêu vấn đề về Hoàng Sa hay Trường Sa trên diễn đàn quốc tế theo kiểu đa phương mà tìm giải pháp song phương theo quan hệ chủ tớ. Và hành động quy phục mới nhứt là 15 ký kết của Nguyễn Phú Trọng trước mặt thiên hoàng Tập Cận Bình, báo hiệu sự cáo chung của Đất và Nước Việt Nam nếu ngày nào CSBV còn hiện diện và cai trị quê hương.
> 3- Vị trí của chúng ta hiện tại
> Cần phải nói rõ là “chúng ta” là những người con Việt sống trong nước và hải ngoại tranh đấu cho một nước Việt Nam tự do. Đất nước và dân tộc Việt Nam đang gặp vấn đề với TC, có thể là nguy ngập hơn vì vị trí lân bang, nhưng cũng không khác nhiều quốc gia Á Châu ở chung quanh. Do đó, vấn đề TC của Việt Nam nằm trong khuôn khổ các vấn đề chung của thế giới với TC.
> Khi nhìn như vậy, Việt Nam thật sự không còn đơn độc và phải một mình đương cự với TC đâu!
> ….Nhưng, khác với trường hợp của các quốc gia kia, vấn đề TC của Việt Nam nằm trong tầng lớp lãnh đạo đảng CSBV. Vấn đề TC của Việt Nam nằm tại Hà Nội, là Hà Nội. Đấy là cái khó của dân tộc, một dân tộc dày dạn kinh nghiệm đối phó với TC và có thừa ý chí đấu tranh giành độc lập.
> Vấn đề TC của Việt Nam nằm tại Hà Nội vì đảng Cộng sản đã giải giới người dân, tước đoạt võ khí truyền thống và mãnh liệt nhất của dân tộc là ý chí chống lại tình trạng Hán hóa.
> Hà Nội tiến hành chính sách ngu dân qua:
Kiểm soát báo chí và tư tưởng, đưa mọi người vào phản ứng phản xạ Pavlov của loài chó.
Phát huy bản năng kinh tế của loại sinh vật hạ đẳng mà nhu cầu là “kiếm ăn ba bửa” và triệt hạ mọi ý chí và tiềm lực quật khởi.
> Lãnh đạo Hà Nội hành xử như những quan Tiết độ sứ của Thiên triều Bắc Kinh giống như trong bốn thời Bắc thuộc, thậm chí như những quan Thái thú thời bị đô hộ. Họ đang làm xã hội băng hoại và đẩy người dân vào kiếp nô lệ cho một thiểu số đại gia của các nhóm lợi ích. Đó là những thái thú biết nói tiếng Việt của BCT và các Ủy viên Trung ương Đảng.
> 4- Chúng ta phải hành xử như thế nào trước vấn nạn Tàu trên?
> Muốn giải quyết vấn đề TC, người con Việt cần phải giải quyết cái nhân khiến sức dân không được huy động vào nhu cầu bảo vệ nền độc lập, đó là đảng CSBV. Ưu tiên của Việt Nam vì vậy là phải tháo gỡ cách ách độ hộ của TC do Bộ Chính trị của đảng Cộng sản Việt Nam đã tròng lên cổ người dân.
> Tức là giải quyết đảng Cộng sản Bắc Việt.
> Hãy nghe một cựu đảng viên Lê Minh Đức của ĐCSBV “phản tỉnh”:”Thảm họa diệt chủng đã hiện ra trước mắt, không ai có thể cứu được dân tộc Việt Nam khỏi thảm họa này, ngoài 90 triệu người Việt. Mỗi người cần nhìn thấy cái chết đang đến với chính mình và con cháu mình…”
> Đối với các quốc gia khác, Việt Nam phải là thành viên của một nỗ lực đa phương nhằm giải quyết vấn đề TC của thế giới. Khi cùng chung một mục tiêu, người ta có thể nói đến chuyện hợp tác, một cách bình đẳng vì lợi ích chung.
> Tóm lại, vấn đề TC của thế giới phải do thế giới giải quyết và Việt Nam sẵn sàng tham gia như một thành viên. Nhưng Việt Nam sẽ không là mũi xung kích hay tiền đồn chống TC của thế giới.
>
> Từ suy nghĩ đó, để chúng thấy hiện nay vẫn còn nhiều người ở hải ngoại đặt vấn đề Việt – Trung không đúng với tình trạng thực của thế giới hiện nay như:
Việt Nam nên đứng bên cạnh Hoa Kỳ hay TC?
Hoặc trong quan hệ song phương Mỹ-Hoa, Việt Nam nên ngả về đâu?
Hay là Việt Nam nên khôn ngoan giữ vị trí trung lập?
> Nhưng trên thực tế sự việc phức tạp hơn những gì xảy ra trong chiến tranh lạnh giữa hai khối cộng sản và tự do hay đúng hơn, giữa hai khối “tư bản thị trường” và “tư bản thị trường theo định hướng chủ nghĩa”.
> Thực tế là TC có vấn đề với Hoa Kỳ, có vấn đề với Nhật Bản, có vấn đề với Ấn Độ, với các nước Đông Nam Á, với Nam Hàn, với Đài Loan, thậm chí với cả Úc Đại Lợi. Trong một mạng lưới quan hệ song phương chằng chịt đó, như Hoa-Mỹ, Hoa-Nhật, Hoa-Ấn, v.v...
> 5- Việt Nam đứng ở đâu?
> Tất nhiên là đứng với người dân, ở vị trí độc lập, chứ không đơn giản là trung lập. Làm sao trung lập trong một quan hệ đa phương? Việt Nam sẵn sàng hợp tác với thế giới để giải quyết vấn đề TC trong những nỗ lực đa phương của quốc tế.
> Nhưng trước hết phải giải quyết vấn đề TC của Việt Nam, hiện nằm tại Hà Nội.
> Một khi người dân Việt ở trong và ngoài nước làm cho thế giới hiểu ra sự thể đó, rằng mối nguy của TC chính là Hà Nội và Hà Nội mới là vấn đề chứ không là giải pháp. Từ đó chúng ta đã tiến được một bước khá xa trên chặng đường bảo vệ nền độc lập quốc gia.
> Vì vậy, đấu tranh cho dân chủ và cho độc lập là hai mặt không thể tách rời của một sự thể sinh tử cho Việt Nam.
> 6- Kết luận
> Chính vì cái thế liên hoàn chằng chịt và phức tạp giữa các quốc gia trên thế giới tùy theo quyền lợi của mỗi quốc gia giao tế, thí dụ như Hoa Kỳ “giao hảo” với mọi chính quyền độc tài, cộng sản, quân phiệt v.v… và mức giao hảo đó tùy theo tình trạng hiện có của mỗi quốc gia, cho nên việc nêu cao ngọn cờ “ảo” như tranh đấu cho “dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam(!)” khiến cho các quốc gia trên thế giới không hình dung được hiện trạng bi phẩn của dân tộc Việt dưới ách cai trị của CSBV, nhứt là Hoa Kỳ với chính sách “chuyển hóa CSBV” bằng …con đường giáo dục(!)
> Vì thế cho nên, khi nêu lên hàng loạt vấn đề về môi sinh, nạn hủy hoại nguồn nước, tình trạng cạnh tranh bất chính hoặc nguy cơ lũng đoạn xã hội xuất phát từ TC, ngoài sự bành trướng ngang ngược muốn biến Việt Nam thành một tỉnh phía Nam của Tàu…tất cả đã trở thành một sự kiện hiển nhiên đang xảy ra cho Việt Nam.
> Chắc chắn lúc đó, các nước có thể quan tâm nhiều hơn đến lập trường dân tộc của chúng ta.
> Muốn như vậy, ngay từ ý thức thì chúng ta nên là giải pháp hơn là một vấn đề cho các nước.
> Câu hỏi nêu lên ở đây là mình đã tự chuẩn bị tư thế như vậy hay chưa?
> Sau cùng, TC thật ra không mạnh như nhiều người thường nghĩ và còn gặp nguy cơ khủng hoảng, thậm chí tan rã, vì chiến lược phát triển của họ không bền vững, không cân đối và có đầy bất công với 600 triệu dân Tàu đang có mức sống dưới nghèo đói và dưới nghèo đói tuyệt đối dựa theo tiêu chuẩn của Liên Hiệp Quốc US$2.00 và US$1.25/người/ngày.
> Một khi nước Tàu có loạn như đã từng thấy nhiều lần trong lịch sử, Hà Nội, với chính sách cai trị hiện tại, hơn 93 triệu người con Việt chắc chắn sẽ không để yên cho ĐCSBV đâu! Một nhà chính trị học, TS David Shambaugh đã nhận định trong cuốn sách của ông viết vào năm 2014, rằng:”Khả năng TC vẫn chỉ là một “cường quốc từng phần”, chứ không thể nào là một cường quốc thực sự trong tương lai.”
> Trong chiều hướng suy luận như trên, tất cả con dân Việt cần nên suy nghĩ về “Những việc cần phải làm” cho một Việt Nam Tương Lai.
> TS.Mai Thanh Truyết
> Nhóm Chống Tàu Diệt Việt Cộng
> Mùa Quốc hận 30/4/2017
Một sĩ quan cao cấp của quân đội Nhật Bản là Đô đốc Katsutoshi Kawano nói rằng phía Trung Quốc vừa gia tăng số lần máy bay bay gần vùng trời Nhật Bản, vừa tăng thời gian của các chuyến bay đó.
Ông nói thêm là sắp tới đây số lần máy bay Nhật xuất phát với mục đích tương tự sẽ còn tăng lên.
Các viên chức Nhật Bản cho là Trung Quốc đang phân tích khả năng và cách thức hoạt động của lực lượng phòng vệ Nhật, bao gồm cả tàu tuần duyên.
Hai nước Nhật và Trung Quốc vẫn đang tranh chấp chủ quyền 4 hòn đảo nhỏ không người ở hiện đang do Tokyo kiểm soát, gọi là Senkaku, và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
Ngoài ra việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố vùng nhận diện phòng không phủ lên vùng trời bốn hòn đảo này cũng là chủ đề gây tranh cãi giữa hai quốc gia.
Máy bay chiến đấu của Nhật Bản phải xuất phát đến hơn 1.100 lần suốt 12
tháng qua, trong đó có 73% số lần là để chận các máy bay từ phía Trung
Quốc. Đây được cho là mức kỷ lục từ trước đến nay.
Những khó khăn của nền kinh tế, cuộc chiến chống tham nhũng và cải cách thể chế được cho là những vấn đề chính có nhiều khả năng sẽ được thảo luận trong hội nghị trung ương 5 lần này. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, nhà phân tích chính sách thuộc Bộ Kế Hoạch Đầu từ của Việt Nam nói với đài Á châu Tự do:
Do đó cải cách thể chế phải được đặt ra. Đảng và chính phủ cũng đặt ra bước làm thí điểm ở một số tỉnh thành là nhất thể hóa một số chức danh lãnh đạo của đảng và chính quyền ở một cấp nào đó. Ví dụ như cấp phường xã, cấp huyện thị. Người ta đã làm ở một số tỉnh thí điểm như Quảng Ninh. Các đoàn đi khảo sát về thì bây giờ cũng đang tích cực để có báo cáo cuối cùng để xem là kết quả ra sao, để xem có thể mở rộng.
Khó khăn về kinh tế và đổi mới doanh nghiệp nhà nước
Nội dung tái cơ cấu kinh tế và sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước được các nhà quan sát chính trị tại Việt Nam đánh giá là nội dung đầu tiên quan trọng phải được đề cập trong hội nghị lần này. Theo tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng, đây là nội dung rất lớn bao gồm nhiều khó khăn mà ngay cả các chuyên gia kinh tế của nhà nước cũng có thể thấy bế tắc
Có ba vấn đề lớn, nợ xấu, nợ công và ngân sách quốc gia. Thứ 4 là liên quan đến các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước. Hiện nay các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước nợ đầm đìa. Tình trạng lỗ là phổ biến. Nợ của các doanh nghiệp nhà nước cho tới nay là khoảng 237 tỷ đô la, là một con số rất lớn.
Tại một hội nghị tổng kết ngành tài chính được tổ chức tại Hà Nội vào hồi đầu tháng 1 vừa qua, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phải lên tiếng thừa nhận nợ công của chính phủ Việt Nam đã vượt trần. Ông cảnh báo về nguy cơ sụp đổ nền tài khóa quốc gia nếu tình trạng nợ công tăng nhanh không chấm dứt. Nợ công của Việt Nam hiện được ước tính tăng trung bình gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP trong vòng 5 năm qua và hiện chiếm khoảng 64.73% GDP vào cuối năm ngoái, theo số liệu của Bộ Tài Chính. Ngưỡng cho phép là 65% GDP. Ngân Hàng Thế giới đánh giá nợ công của Việt Nam tăng nhanh là do tham hụt tài khóa. Ngoài ra các chuyên gia kinh tế trong nước cũng nói đến việc sử dụng kém hiệu quả trong chi tiêu đầu tư công.
Việc sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước là chủ trương lâu dài của chính phủ thể hiện qua tiến trình cố phần hóa doanh nghiệp nhà nước nhưng theo đánh giá của Tiến sĩ Phạm Chí Dũng tiến trình này vẫn còn diễn ra quá chậm.
Tiến trình rất chậm. Nó chậm bởi nhiều lý do, trong đó chủ yếu là nhiều doanh nghiệp nhà nước muốn giữ thế độc quyền của họ và không muốn cổ phần hóa vì sẽ làm mất thế độc quyền và lợi ích của họ. thứ hai họ chỉ cổ phần hóa khi có lợi cho một số nhóm cá nhân nào đó, lãnh đạo doanh nghiệp.
Ví dụ như những tập đoàn lớn độc quyền của nhà nước như tập đoàn điện lực Việt nam, dầu khí, than khoáng sản mặc dù dư luận đã kêu gào rất nhiều là phải cổ phần hóa và bỏ độc quyền và quốc tế cũng yêu cầu như vậy nhưng cho đến giờ vẫn không nhúc nhích. Việc cổ phần hóa gần như thuần túy phụ thuộc vào mức độ và lợi ích của nhóm lãnh đạo. Họ chỉ buông những tập đoàn doanh nghiệp nhà nước khi nó không làm ra lợi ích cho họ nữa hoặc nó quá bi đát.
Mới đây, báo Thanh Niên đưa tin trong tuần này, Thường trực Chính phủ sẽ thảo luận báo cáo và sớm gửi lên Bộ Chính trị cho ý kiến về 12 dự án ngàn tỷ bị thua lỗ của các doanh nghiệp nhà nước, trong đó có những dự án thuộc tập đoàn dầu khí Việt Nam.
Theo dự kiến, hội nghị trung ương 5 khóa 12 đảng cộng sản Việt Nam sẽ
diễn ra vào tháng 5 tới. Cho đến lúc này báo chí trong nước hầu như vẫn
chưa nói gì nhiều về những nội dung chính sẽ được bàn thảo trong hội
nghị tới, tuy nhiên những nhà quan sát chính trị ở Việt Nam cho rằng hội
nghị lần này sẽ phải đối mặt cùng lúc với nhiều thách thức bắt buộc các
lãnh đạo đảng phải bàn thảo.
20 CSCĐ đã bị người dân ở Mỹ Đức bắt khi chúng đến hỗ trợ bon Cướp Ngày cưóp đất của dân, ht
Sunday, April 16, 2017
TS. MAI THANH TRUYẾT * TRUNG CỘNG NAM TIẾN
Con Đường Nam Tiến của Trung Cộng
TS.Mai Thanh Truyết
> Trong quá trình lịch sử của Tàu và kinh nghiệm 1026 năm bị đô hộ trong suốt 17 thế kỷ lập quốc của Việt Nam,
> Trung Cộng, sau khi chiếm đóng Tân Cương năm 1949, khống chế Tây Tạng năm 1950, và bị chặn tại bán đảo Triều Tiên năm 1953, đã nghĩ tới Việt Nam như một vùng trái độn quân sự cần thiết. Trong tư thế thủ, ý định chiếm Việt Nam là để bảo vệ toàn cõi Trung Nguyên, và trong thế công thì bành trướng ảnh hưởng xuống vùng Đông Nam Á và ra tới một vùng biển dài trên 3000 Km ở phía Nam là biển Đông.
> Nên nhớ, với sự tiếp sức của Liên Xô khi tiến hành Chiến tranh lạnh năm 1948 và mục tiêu của TC ngay từ những ngày đầu của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa do Mao sáng lập năm 1949 là nối tiếp nhiệm vụ của Hồ Chí Minh từ khi là cán bộ của Đệ tam Quốc tế được gửi về hoạt động tại Đông Nam Á từ năm 1924. Từ xa xưa, đảng Cộng sản Việt Nam tự nhận là mũi xung kích của khối Cộng sản xuống Đông Nam Á, mà việc gọi là giải phóng miền Nam chỉ là một kết quả tất nhiên mà thôi.
> Vì vậy, đây chính là một trong nhiều nguyên nhân của cuộc chiến ý thức hệ làm cho CSBV khởi động gây nên cuộc chiến tương tàn làm kiệt quệ tiềm lực quốc gia với hơn năm triệu nạn nhân của cả hai miền.
> Và trong hiện tại và với tâm khảm của một nước lớn, cộng thêm tính thuần phục của ĐCSBV, nhu cầu chiếm Việt Nam và lấn chiếm toàn bộ Biển Đông đã đang dần dần biến giấc mơ Đại Hán trở thành hiện thực.
> 1- Vị trí thực sự của Trung Cộng
> Ngoài khái niệm hoang tưởng và với ý thức hệ tập trung thế giới dưới sự thuần phục của “Trung Quốc”, có một điều đôi khi chúng ta ít chú ý là đứng về mặt địa dư hình thể, TC chỉ là một "lục địa hải đảo" bị cô lập.
TC bị vây hãm từ cả bốn hướng. Giữa các sa mạc, thảo nguyên hoang vu cùng núi rừng hiểm trở tại ba hướng Nam, Tây và Bắc với biển Thái bình tại hướng Đông. TC chỉ có một đường bành trướng trên đất liền. Đó là miền Bắc nước Việt Nam. Lần cuối mà họ thử nghiệm giải pháp đó là vào năm 1979 khi Hà Nội chủ quan tưởng- rằng mình đã đánh cho Mỹ cút lại còn vừa ký Thỏa ước Hợp tác và An ninh với Liên Xô vào năm 1978. Thế mà vẫn bị Tàu “dạy cho một bài học” do Đặng Tiểu Bình làm thầy giáo năm 1979.
> Khi bức tường Bá Linh sụp đổ sau vụ khủng hoảng và tàn sát Thiên an môn năm 1989, mọi sự đều đảo lộn.
> Khi khối Liên Xô bắt đầu tan rã, TC e sợ nội loạn nên tập trung kiểm soát hệ thống chính trị bên trên cơ chế kinh tế thị trường. Và lãnh đạo Hà Nội như kẻ mồ côi bị mất quan thầy. Vì vậy, việc cứu đảng là một ưu tiên sinh tử từ năm 1990.
> Từ mốc thời gian đó, Hà Nội trở lại thần phục TC, chấm dứt 10 năm độc lập dưới bóng rợp Liên Xô và VSBV trở về thực tế quyền lực hiện tại (lúc bấy giờ) để tiến hành "đổi mới", nhưng theo mẫu mực Bắc Kinh.
> Và TC trở lại xu hướng bành trướng cố hữu mà khỏi tốn quân, tốn tiền và vẫn đạt kết quả như ý: miền Bắc Việt Nam đương nhiên trở thành vùng trái độn quân sự kể từ thời điểm Hội nghị Thành Đô 3-4/9/1990.
> 2- Vai trò thái thú của ĐCSBV
> Khi Bắc Kinh mở rộng vùng trái độn ấy ra biển Đông hải, thì Việt Nam lần lần trở thành ao nhà của TC.
> Biển Việt Nam chỉ là biển Hoa Nam.
> Lãnh đạo Hà Nội ý thức được việc đó, qua quyển sách (nội bộ) do nhà xuất bản sự thật xuất bản tựa đề “30 năm quan hệ ngoại giao Việt-Trung (1949-1979)” qua đó, BCT nhận định rõ ràng là TC luôn luôn tìm cách …nuốt trửng Việt Nam.
> Nhưng ngay sau cuốc chiến 1979 và kéo dài đăng đẳng cho đến 1988, sau khi TC chiếm các đảo ở Trường Sa của Việt Nam, CSBV mới chịu quy phục TC và chấp nhận “16 chữ vàng và 4 tốt” để bảo vệ quyền lực đảng, và từ đó bảo vệ được quyền lợi của các đảng viên cao cấp.
> Nếu có nói rằng họ bán nước để cứu đảng thì cũng không sai.
> Hậu quả là mọi vấn đề TC của thế giới như đã trình bày ở trên đều đã xuất hiện tại Việt Nam, từ an ninh, ngoại giao qua môi sinh, kinh tế, giáo dục, y tế hay ngoại thương.
> Gần đây nhứt, Dương Khiết Trì (Yang Jiechi), cựu bộ trưởng Ngoại Giao Trung Cộng (2007-2013) đã viết một bài, tựa đề:
> “Không cần phải đánh Việt Nam chúng nó!” với một trích đoạn như sau:"Súng đạn nào mãnh liệt bằng phong bì tống vào miệng chúng để sau đó Đại Hán ta ngồi ngay trên nóc nhà Tây Nguyên, đào mồ xới mả đất Mẹ của chúng, thải chất độc vào môi trường của chúng và Bộ chính trị của chúng vẫn khăng khăng đấy là chiến lược đã quyết, là chính sách công nghiệp hóa hiện đại đất nước không thể ngừng."
> Thật hỗ thẹn cho một quốc qia đã từng có chủ quyền và được tôn trọng trên thế giới.
> Nhưng đê tiện hơn nữa, “họ” vẫn múi mặt tiếp tục những biểu hiện nghiêm trọng hơn nữa là lập trường của Hà Nội lại rất thân TC trong các hồ sơ nóng của các quốc gia trên thế giới, nhứt là việc Hà Nội tránh nêu vấn đề về Hoàng Sa hay Trường Sa trên diễn đàn quốc tế theo kiểu đa phương mà tìm giải pháp song phương theo quan hệ chủ tớ. Và hành động quy phục mới nhứt là 15 ký kết của Nguyễn Phú Trọng trước mặt thiên hoàng Tập Cận Bình, báo hiệu sự cáo chung của Đất và Nước Việt Nam nếu ngày nào CSBV còn hiện diện và cai trị quê hương.
> 3- Vị trí của chúng ta hiện tại
> Cần phải nói rõ là “chúng ta” là những người con Việt sống trong nước và hải ngoại tranh đấu cho một nước Việt Nam tự do. Đất nước và dân tộc Việt Nam đang gặp vấn đề với TC, có thể là nguy ngập hơn vì vị trí lân bang, nhưng cũng không khác nhiều quốc gia Á Châu ở chung quanh. Do đó, vấn đề TC của Việt Nam nằm trong khuôn khổ các vấn đề chung của thế giới với TC.
> Khi nhìn như vậy, Việt Nam thật sự không còn đơn độc và phải một mình đương cự với TC đâu!
> ….Nhưng, khác với trường hợp của các quốc gia kia, vấn đề TC của Việt Nam nằm trong tầng lớp lãnh đạo đảng CSBV. Vấn đề TC của Việt Nam nằm tại Hà Nội, là Hà Nội. Đấy là cái khó của dân tộc, một dân tộc dày dạn kinh nghiệm đối phó với TC và có thừa ý chí đấu tranh giành độc lập.
> Vấn đề TC của Việt Nam nằm tại Hà Nội vì đảng Cộng sản đã giải giới người dân, tước đoạt võ khí truyền thống và mãnh liệt nhất của dân tộc là ý chí chống lại tình trạng Hán hóa.
> Hà Nội tiến hành chính sách ngu dân qua:
Kiểm soát báo chí và tư tưởng, đưa mọi người vào phản ứng phản xạ Pavlov của loài chó.
Phát huy bản năng kinh tế của loại sinh vật hạ đẳng mà nhu cầu là “kiếm ăn ba bửa” và triệt hạ mọi ý chí và tiềm lực quật khởi.
> Lãnh đạo Hà Nội hành xử như những quan Tiết độ sứ của Thiên triều Bắc Kinh giống như trong bốn thời Bắc thuộc, thậm chí như những quan Thái thú thời bị đô hộ. Họ đang làm xã hội băng hoại và đẩy người dân vào kiếp nô lệ cho một thiểu số đại gia của các nhóm lợi ích. Đó là những thái thú biết nói tiếng Việt của BCT và các Ủy viên Trung ương Đảng.
> 4- Chúng ta phải hành xử như thế nào trước vấn nạn Tàu trên?
> Muốn giải quyết vấn đề TC, người con Việt cần phải giải quyết cái nhân khiến sức dân không được huy động vào nhu cầu bảo vệ nền độc lập, đó là đảng CSBV. Ưu tiên của Việt Nam vì vậy là phải tháo gỡ cách ách độ hộ của TC do Bộ Chính trị của đảng Cộng sản Việt Nam đã tròng lên cổ người dân.
> Tức là giải quyết đảng Cộng sản Bắc Việt.
> Hãy nghe một cựu đảng viên Lê Minh Đức của ĐCSBV “phản tỉnh”:”Thảm họa diệt chủng đã hiện ra trước mắt, không ai có thể cứu được dân tộc Việt Nam khỏi thảm họa này, ngoài 90 triệu người Việt. Mỗi người cần nhìn thấy cái chết đang đến với chính mình và con cháu mình…”
> Đối với các quốc gia khác, Việt Nam phải là thành viên của một nỗ lực đa phương nhằm giải quyết vấn đề TC của thế giới. Khi cùng chung một mục tiêu, người ta có thể nói đến chuyện hợp tác, một cách bình đẳng vì lợi ích chung.
> Tóm lại, vấn đề TC của thế giới phải do thế giới giải quyết và Việt Nam sẵn sàng tham gia như một thành viên. Nhưng Việt Nam sẽ không là mũi xung kích hay tiền đồn chống TC của thế giới.
>
> Từ suy nghĩ đó, để chúng thấy hiện nay vẫn còn nhiều người ở hải ngoại đặt vấn đề Việt – Trung không đúng với tình trạng thực của thế giới hiện nay như:
Việt Nam nên đứng bên cạnh Hoa Kỳ hay TC?
Hoặc trong quan hệ song phương Mỹ-Hoa, Việt Nam nên ngả về đâu?
Hay là Việt Nam nên khôn ngoan giữ vị trí trung lập?
> Nhưng trên thực tế sự việc phức tạp hơn những gì xảy ra trong chiến tranh lạnh giữa hai khối cộng sản và tự do hay đúng hơn, giữa hai khối “tư bản thị trường” và “tư bản thị trường theo định hướng chủ nghĩa”.
> Thực tế là TC có vấn đề với Hoa Kỳ, có vấn đề với Nhật Bản, có vấn đề với Ấn Độ, với các nước Đông Nam Á, với Nam Hàn, với Đài Loan, thậm chí với cả Úc Đại Lợi. Trong một mạng lưới quan hệ song phương chằng chịt đó, như Hoa-Mỹ, Hoa-Nhật, Hoa-Ấn, v.v...
> 5- Việt Nam đứng ở đâu?
> Tất nhiên là đứng với người dân, ở vị trí độc lập, chứ không đơn giản là trung lập. Làm sao trung lập trong một quan hệ đa phương? Việt Nam sẵn sàng hợp tác với thế giới để giải quyết vấn đề TC trong những nỗ lực đa phương của quốc tế.
> Nhưng trước hết phải giải quyết vấn đề TC của Việt Nam, hiện nằm tại Hà Nội.
> Một khi người dân Việt ở trong và ngoài nước làm cho thế giới hiểu ra sự thể đó, rằng mối nguy của TC chính là Hà Nội và Hà Nội mới là vấn đề chứ không là giải pháp. Từ đó chúng ta đã tiến được một bước khá xa trên chặng đường bảo vệ nền độc lập quốc gia.
> Vì vậy, đấu tranh cho dân chủ và cho độc lập là hai mặt không thể tách rời của một sự thể sinh tử cho Việt Nam.
> 6- Kết luận
> Chính vì cái thế liên hoàn chằng chịt và phức tạp giữa các quốc gia trên thế giới tùy theo quyền lợi của mỗi quốc gia giao tế, thí dụ như Hoa Kỳ “giao hảo” với mọi chính quyền độc tài, cộng sản, quân phiệt v.v… và mức giao hảo đó tùy theo tình trạng hiện có của mỗi quốc gia, cho nên việc nêu cao ngọn cờ “ảo” như tranh đấu cho “dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam(!)” khiến cho các quốc gia trên thế giới không hình dung được hiện trạng bi phẩn của dân tộc Việt dưới ách cai trị của CSBV, nhứt là Hoa Kỳ với chính sách “chuyển hóa CSBV” bằng …con đường giáo dục(!)
> Vì thế cho nên, khi nêu lên hàng loạt vấn đề về môi sinh, nạn hủy hoại nguồn nước, tình trạng cạnh tranh bất chính hoặc nguy cơ lũng đoạn xã hội xuất phát từ TC, ngoài sự bành trướng ngang ngược muốn biến Việt Nam thành một tỉnh phía Nam của Tàu…tất cả đã trở thành một sự kiện hiển nhiên đang xảy ra cho Việt Nam.
> Chắc chắn lúc đó, các nước có thể quan tâm nhiều hơn đến lập trường dân tộc của chúng ta.
> Muốn như vậy, ngay từ ý thức thì chúng ta nên là giải pháp hơn là một vấn đề cho các nước.
> Câu hỏi nêu lên ở đây là mình đã tự chuẩn bị tư thế như vậy hay chưa?
> Sau cùng, TC thật ra không mạnh như nhiều người thường nghĩ và còn gặp nguy cơ khủng hoảng, thậm chí tan rã, vì chiến lược phát triển của họ không bền vững, không cân đối và có đầy bất công với 600 triệu dân Tàu đang có mức sống dưới nghèo đói và dưới nghèo đói tuyệt đối dựa theo tiêu chuẩn của Liên Hiệp Quốc US$2.00 và US$1.25/người/ngày.
> Một khi nước Tàu có loạn như đã từng thấy nhiều lần trong lịch sử, Hà Nội, với chính sách cai trị hiện tại, hơn 93 triệu người con Việt chắc chắn sẽ không để yên cho ĐCSBV đâu! Một nhà chính trị học, TS David Shambaugh đã nhận định trong cuốn sách của ông viết vào năm 2014, rằng:”Khả năng TC vẫn chỉ là một “cường quốc từng phần”, chứ không thể nào là một cường quốc thực sự trong tương lai.”
> Trong chiều hướng suy luận như trên, tất cả con dân Việt cần nên suy nghĩ về “Những việc cần phải làm” cho một Việt Nam Tương Lai.
> TS.Mai Thanh Truyết
> Nhóm Chống Tàu Diệt Việt Cộng
> Mùa Quốc hận 30/4/2017
Saturday, April 15, 2017
BẮC HÀN VÀ BIỂN ĐÔNG
Nhật chặn máy bay Trung Quốc với mức kỷ lục
RFA
2017-04-13
2017-04-13
Một sĩ quan cao cấp của quân đội Nhật Bản là Đô đốc Katsutoshi Kawano nói rằng phía Trung Quốc vừa gia tăng số lần máy bay bay gần vùng trời Nhật Bản, vừa tăng thời gian của các chuyến bay đó.
Ông nói thêm là sắp tới đây số lần máy bay Nhật xuất phát với mục đích tương tự sẽ còn tăng lên.
Các viên chức Nhật Bản cho là Trung Quốc đang phân tích khả năng và cách thức hoạt động của lực lượng phòng vệ Nhật, bao gồm cả tàu tuần duyên.
Hai nước Nhật và Trung Quốc vẫn đang tranh chấp chủ quyền 4 hòn đảo nhỏ không người ở hiện đang do Tokyo kiểm soát, gọi là Senkaku, và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
Ngoài ra việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố vùng nhận diện phòng không phủ lên vùng trời bốn hòn đảo này cũng là chủ đề gây tranh cãi giữa hai quốc gia.
Bắc Hàn 'phóng tên lửa nhưng thất bại'
Bắc Hàn đã phóng một quả tên lửa sớm ngày 16/4 trên bờ biển phía đông
nước này, nhưng đã thất bại, quân đội Hàn Quốc được hãng Reuters dẫn lời
nói.
Vụ phóng được tiến hành một ngày sau khi Bình Nhưỡng tổ chức một cuộc duyệt binh lớn để đánh dấu ngày sinh của người lập quốc Kim Il Sung.
Trong buổi lễ này, Bắc Hàn đã phô trương sức mạnh quân sự, trong đó dường như có các quả tên lửa đạn đạo mới, các hãng tin cho biết.
Văn phòng Tham mưu trưởng liên quân của Hàn Quốc nói trong một thông cáo: “Miền Bắc đã tìm cách phóng một tên lửa chưa rõ loại gì từ khu vực Sinpo sáng nay, nhưng bị nghi đã thất bại”.
Theo Reuters, hiện chưa có thông tin chi tiết về vụ này, và văn phòng trên cho biết đang phân tích vụ phóng.
Đầu tháng này, Bắc Hàn phóng một quả tên lửa đạn đạo từ khu vực trên, trước khi diễn ra cuộc họp thượng đỉnh giữa lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc, một đồng minh của Bình Nhưỡng, để thảo luận về chương trình vũ khí đầy thách thức của chính quyền Kim Jong Un.
Căng thẳng gia tăng nhanh chóng trong khu vực trong bối cảnh có quan ngại về chuyện Bắc Hàn sẽ sớm tiến hành một cuộc thử hạt nhân thứ sáu hoặc một vụ phóng tên lửa đạn đạo trùng với thời điểm tổ chức lễ duyệt binh vào ngày 15/4, hay còn được gọi là “Ngày Mặt trời”.
Nhà Trắng cho biết rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã “cảnh báo” Bắc Hàn, trong khi khả năng Hoa Kỳ hành động quân sự với Bình Nhưỡng đang ngày càng được ủng hộ sau khi Washington không kích Syria hôm 7/4.
Ông Trump sau đó đã lệnh cho một đội tàu chiến Mỹ, dẫn đầu là hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson, tới bán đảo Triều Tiên để phô trương sức mạnh, trong khi chính quyền của ông bàn thảo các biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh hơn cũng như cả biện pháp quân sự đối với Bình Nhưỡng.
Bắc Hàn sau đó cảnh báo về một cuộc tấn công hạt nhân nhắm vào Hoa Kỳ nếu bị tấn công.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence sẽ tới Hàn Quốc vào ngày mai trong chuyến công du châu Á kéo dài 10 ngày để chứng tỏ cam kết của Mỹ đối với đồng minh trong bối cảnh căng thẳng leo thang về chương trình vũ khí của Bắc Hàn.
https://av.voanews.com/Videoroot/Pangeavideo/2017/04/0/03/035388fe-c0f4-448c-bec5-b45e113709db.mp4
http://www.voatiengviet.com/a/bac-han-phong-ten-lua-nhung-that-bai/3811662.html
Toán tàu chiến Carl Vinson Strike Group gồm một hàng không mẫu hạm và các tàu khu trục, tuần dương khác.
Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ nói việc điều động về phía vùng biển Tây Thái Bình Dương này là một biện pháp khôn ngoan để duy trì tính sẵn sàng chiến đấu tại vùng này.
Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump, cho biết Hoa Kỳ đã sẵn sàng hành động đơn phương nhằm giải quyết đe dọa hạt nhân từ Bắc Hàn.
"Bắc Hàn tiếp tục là mối đe dọa số một tại vùng do chương trình thử nghiệm hỏa tiễn vô trách nhiệm, liều lĩnh và bất ổn của họ và do việc theo đuổi khả năng có vũ khí hạt nhân của nước này," phát ngôn viên Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, ông Dave Benham, nói.
Những gì đang được triển khai?
Các tàu chiến đang được triển khai bao gồm Hàng không mẫu hạm loại Nimitz, chiếc USS Carl Vinson, cùng hai khu trục có hỏa tiễn dẫn đường và một tuần dương có hỏa tiễn dẫn đường.
Cùng với sức mạnh tấn công hàng loạt, nhóm tàu chiến do Đô đốc hải quân Nora Tyson dẫn đầu còn có khả năng phá hủy các hỏa tiễn đạn đạo đã được phóng ra.
Nhóm tàu chiến này đáng lẽ sẽ tới cặp bến tại Úc nhưng thay vào đó được điều động từ Singapore tới tây Thái Bình Dương nơi họ mới đây vừa tiến hành tập trận với Hải quân Nam Hàn.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-39544490
Nhật Bản cùng Mỹ đưa tàu chiến tới gần Triều Tiên: Mang xăng dập lửa
Vụ phóng được tiến hành một ngày sau khi Bình Nhưỡng tổ chức một cuộc duyệt binh lớn để đánh dấu ngày sinh của người lập quốc Kim Il Sung.
Trong buổi lễ này, Bắc Hàn đã phô trương sức mạnh quân sự, trong đó dường như có các quả tên lửa đạn đạo mới, các hãng tin cho biết.
Văn phòng Tham mưu trưởng liên quân của Hàn Quốc nói trong một thông cáo: “Miền Bắc đã tìm cách phóng một tên lửa chưa rõ loại gì từ khu vực Sinpo sáng nay, nhưng bị nghi đã thất bại”.
Theo Reuters, hiện chưa có thông tin chi tiết về vụ này, và văn phòng trên cho biết đang phân tích vụ phóng.
Đầu tháng này, Bắc Hàn phóng một quả tên lửa đạn đạo từ khu vực trên, trước khi diễn ra cuộc họp thượng đỉnh giữa lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc, một đồng minh của Bình Nhưỡng, để thảo luận về chương trình vũ khí đầy thách thức của chính quyền Kim Jong Un.
Căng thẳng gia tăng nhanh chóng trong khu vực trong bối cảnh có quan ngại về chuyện Bắc Hàn sẽ sớm tiến hành một cuộc thử hạt nhân thứ sáu hoặc một vụ phóng tên lửa đạn đạo trùng với thời điểm tổ chức lễ duyệt binh vào ngày 15/4, hay còn được gọi là “Ngày Mặt trời”.
Nhà Trắng cho biết rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã “cảnh báo” Bắc Hàn, trong khi khả năng Hoa Kỳ hành động quân sự với Bình Nhưỡng đang ngày càng được ủng hộ sau khi Washington không kích Syria hôm 7/4.
Ông Trump sau đó đã lệnh cho một đội tàu chiến Mỹ, dẫn đầu là hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson, tới bán đảo Triều Tiên để phô trương sức mạnh, trong khi chính quyền của ông bàn thảo các biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh hơn cũng như cả biện pháp quân sự đối với Bình Nhưỡng.
Bắc Hàn sau đó cảnh báo về một cuộc tấn công hạt nhân nhắm vào Hoa Kỳ nếu bị tấn công.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence sẽ tới Hàn Quốc vào ngày mai trong chuyến công du châu Á kéo dài 10 ngày để chứng tỏ cam kết của Mỹ đối với đồng minh trong bối cảnh căng thẳng leo thang về chương trình vũ khí của Bắc Hàn.
https://av.voanews.com/Videoroot/Pangeavideo/2017/04/0/03/035388fe-c0f4-448c-bec5-b45e113709db.mp4
http://www.voatiengviet.com/a/bac-han-phong-ten-lua-nhung-that-bai/3811662.html
Tàu chiến Mỹ triển khai về phía bán đảo Triều Tiên
Quân đội Mỹ vừa hạ lệnh đưa một nhóm các tàu chiến di chuyển về phía bản
đảo Triều Tiên vào khi đang có những quan ngại ngày càng gia tăng về
chương trình vũ khí của Bắc Hàn.
Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ nói việc điều động về phía vùng biển Tây Thái Bình Dương này là một biện pháp khôn ngoan để duy trì tính sẵn sàng chiến đấu tại vùng này.
"Bắc Hàn tiếp tục là mối đe dọa số một tại vùng do chương trình thử nghiệm hỏa tiễn vô trách nhiệm, liều lĩnh và bất ổn của họ và do việc theo đuổi khả năng có vũ khí hạt nhân của nước này," phát ngôn viên Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, ông Dave Benham, nói.
Những gì đang được triển khai?
Các tàu chiến đang được triển khai bao gồm Hàng không mẫu hạm loại Nimitz, chiếc USS Carl Vinson, cùng hai khu trục có hỏa tiễn dẫn đường và một tuần dương có hỏa tiễn dẫn đường.
Cùng với sức mạnh tấn công hàng loạt, nhóm tàu chiến do Đô đốc hải quân Nora Tyson dẫn đầu còn có khả năng phá hủy các hỏa tiễn đạn đạo đã được phóng ra.
Nhóm tàu chiến này đáng lẽ sẽ tới cặp bến tại Úc nhưng thay vào đó được điều động từ Singapore tới tây Thái Bình Dương nơi họ mới đây vừa tiến hành tập trận với Hải quân Nam Hàn.
Nhật Bản cùng Mỹ đưa tàu chiến tới gần Triều Tiên: Mang xăng dập lửa
Tàu khu trục của lực lượng hải quân Nhật Bản sẽ cùng tàu sân bay Mỹ USS
Carl Vinson tập trận quân sự gần bán đảo Triều Tiên trong lúc căng thẳng
đang tiếp tục leo thang...
Lo ngại Triều Tiên thử tên lửa trong tháng 4
Theo hãng tin Reuters, Nhật Bản đang chuẩn bị đưa thêm nhiều tàu chiến
tới tham gia cùng nhóm tàu sân bay Mỹ đang tiến tới bán đảo Triều Tiên.
Hành động của Tokyo và Washington nhằm ngăn chặn Triều Tiên tiến hành
các đợt thử nghiệm tên lửa và hạt nhân tiếp theo.
Hạm đội do tàu sân bay USS Carl Vinson dẫn đầu tập trận cùng tàu khu trục Nhật hồi tháng 3 vừa qua (Ảnh: EPA).
Hai nguồn thạo tin giấu tên cho biết, nhiều tàu khu trục của hải quân
lực lượng phòng vệ Nhật Bản cũng sẽ cùng nhóm tàu USS Carl Vinson tiến
vào vùng biển Hoa Đông.
Sau khi Nhật Bản đưa ra động thái trên, Chủ tịch Trung Quốc trong một
cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi sự kiềm chế
trong khu vực.
Trung Quốc “cam kết với mục tiêu phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều
Tiên, đảm bảo gìn giữ hòa bình và ổn định trên bán đảo và ủng hộ việc
giải quyết vấn đề thông qua con đường hòa bình”, ông Tập Cận Bình nói.
Lời kêu gọi trên được ông Tập đưa ra sau một loạt các dòng trạng thái
trên Twitter của Tổng thống Mỹ kêu gọi Bắc Kinh tích cực gây sức ép với
Bình Nhưỡng, yêu cầu Triều Tiên dừng chương trình hạt nhân.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại bang Florida, Mỹ. (Ảnh: AFP)
Ông Trump cũng ngầm “đe dọa” Bắc Kinh khi nhắc nhở rằng quan hệ thương
mại Mỹ-Trung và tương lai quan hệ hai nước sẽ còn phụ thuộc vào chương
trình hạt nhân của Triều Tiên.
“Triều Tiên đang tự tìm rắc rối. Nếu Trung Quốc quyết định giúp đỡ (Mỹ),
điều đó sẽ thật tuyệt. Nếu không, chúng ta sẽ tự tìm cách giải quyết”,
ông Trump viết trên Twitter.
Nhóm tàu sân bay Mỹ trước đó được dự định sẽ tới thăm Australia và bắc
Singapore nhưng sau đó đã chuyển lịch trình hướng tới bán đảo Triều Tiên
do những suy đoán rằng Bình Nhưỡng đang lên kế hoạch phóng tên lửa vào
những dịp lễ kỉ niệm quan trọng của đất nước sẽ diễn ra trong tháng này.
Giới quan sát nhận định, Triều Tiên sẽ thử tên lửa vào đúng hoặc gần
những dịp kỷ niệm 105 ngày sinh của nhà lập quốc Kim Nhật Thành (15/4)
hoặc kỷ niệm 85 năm thành lập Quân đội Nhân dân Triều Tiên (25/4).
Trung Quốc bắt đầu gây sức ép lên Triều Tiên?
Bắc Kinh đã có những tín hiệu đầu tiên nhằm gây sức ép với Bình Nhưỡng
và nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các công ty
từ chối nhận than của Triều Tiên và dừng toàn bộ hoạt động nhập khẩu từ
cuối tháng 2.
Thay vào đó, Trung Quốc bắt đầu nhập khẩu than từ Mỹ, lần đầu tiên trong
2 năm qua, một động thái được cho là khiến Washington rất hài lòng.
Màn hình ứng dụng Thomson Reuters Eikon theo dõi hành trình di chuyển
của tàu hàng cho thấy những tàu chở hàng của Triều Tiên đang chở than về
lại cảng Nampo của nước này (Ảnh: Reuters).
Các nguồn tin cho hay, tàu Mỹ và Nhật sẽ cùng tham gia tập trận chung,
gồm cả hoạt động hạ cánh trực thăng trên tàu của nhau và trao đổi thông
tin liên lạc khi Carl Vinson đi qua vùng biển Nhật Bản.
Có thể thấy, sự hợp tác giữa lực lượng hải quân của 3 đồng minh Mỹ, Nhật
Bản và Hàn Quốc ngày càng chặt chẽ. Tháng trước, tàu hộ tống của 3 nước
đã tập trận chung nhằm tăng cường khả năng phát hiện và theo dõi tên
lửa Triều Tiên.
Carl Vinson được vận hành bởi hai lò phản ứng hạt nhân, có thể mang theo
gần 100 máy bay. Nhóm tác chiến của tàu có thể bao gồm tàu khu trục và
tàu tuần dương có tên lửa dẫn đường. Một tàu ngầm cũng có thể tham gia
vào nhóm này.
“Nhật Bản muốn triển khai vài tàu khu trục khi Carl Vinson tới biển Hoa Đông”, một nguồn tin Nhật Bản nói.
Hiện lực lượng phòng vệ Nhật Bản vẫn chưa có phản ứng với thông tin trên.
Căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn tiếp tục leo thang. (Ảnh: Express).
Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc cảnh báo rằng bán đảo Triều Tiên
đang ở thời điểm cận kề với một cuộc chiến hơn bất kỳ lúc nào khác, kể
từ khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên vào năm 2006.
Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc khẳng định, Bắc Kinh cần nhiều biện
pháp hơn với Triều Tiên, gồm cả việc hạn chế nhập dầu mỏ.
“Bình Nhưỡng có thể tiếp tục theo đuổi lập trường cứng rắn. Tuy nhiên,
vì an ninh của Triều Tiên, quốc gia này ít nhất nên tạm dừng các hoạt
động tên lửa và hạt nhân. Bình Nhưỡng nên tránh mắc sai lầm lần này”, tờ
Thời báo Hoàn cầu viết.
Một nhà ngoại giao cấp cao Nhật Bản cho rằng, Mỹ đưa nhóm tàu chiến đến
áp sát bán đảo Triều Tiên để ép Bình Nhưỡng đồng ý với giải pháp ngoại
giao đối với các chương trình vũ khí hạt nhân, tên lửa.
“Nếu xem xét một cách tổng thể, ta có thể thấy một sự thật rằng Chính
phủ Mỹ vẫn chưa đưa ra cảnh báo với công dân của mình tại Hàn Quốc. Vì
thế, tôi cho rằng khả năng Lầu Năm Góc hành động quân sự vào thời điểm
này là không cao”, nhà ngoại giao nói.
Một vài chuyên gia Hàn Quốc nhận định, việc Triều Tiên thử hạt nhân vào
thời điểm này khó có khả năng xảy ra. Giáo sư Kim Dong-yub thuộc Viện
Nghiên cứu Viễn Đông tại Đại học Kyungnam (Hàn Quốc) cho rằng, khả năng
Bình Nhưỡng chỉ mới phóng tên lửa đạn đạo chứ chưa thể xảy ra một vụ nổ
hạt nhân.
Hôm 11/4, Triều Tiên cảnh báo Mỹ, những hành động khiêu khích từ phía Washington có thể sẽ hứng chịu “những hậu quả thê thảm”.
“Chúng tôi sẽ khiến Mỹ phải hứng chịu những hậu quả thê thảm bởi những
hành động gây xúc phạm. Triều Tiên sẵn sàng phản ứng với bất kỳ loại
hình chiến tranh nào từ Mỹ”, hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA dẫn
lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên.
Danh Tuyên
Báo Việt viết gì về ‘ngòi nổ’ Bắc Hàn?
Truyền thông Việt Nam do nhà nước kiểm soát mấy ngày qua đăng tải nhiều
bài viết về căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên cũng như khả năng Mỹ có
thể “tấn công phủ đầu” Bắc Hàn.
Trong bài viết có tựa đề “ngòi nổ Triều Tiên”, báo Người Lao Động viết rằng “việc hải quân Mỹ điều nhóm tàu sân bay tác chiến USS Carl Vinson tới gần bán đảo Triều Tiên càng làm gia tăng nguy cơ xảy ra tính toán sai lầm”.
“Chỉ cần một hiểu lầm hoặc va chạm nhỏ đều có thể khơi mào chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên”, tờ báo dẫn lời chuyên gia nhận định.
Trong khi đó, báo điện tử VnExpress dẫn lời các chuyên gia nêu ra “các lý do Mỹ sẽ không tung đòn tấn công phủ đầu Triều Tiên”.
“Trong mọi kịch bản chiến tranh, Mỹ và Hàn Quốc có thể sẽ giành phần thắng, nhưng với cái giá đắt đến mức không thể chịu nổi”, tờ báo viết, nói thêm rằng “việc thủ đô Seoul của Hàn Quốc chỉ nằm cách khu phi quân sự khoảng 50 km là một trong những rào cản lớn nhất ngăn liên quân Mỹ - Hàn có hành động quân sự trực tiếp”.
Báo điện tử này cho rằng “căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên bắt đầu leo thang sau khi tình báo Mỹ đưa ra nhận định rằng Triều Tiên đang có những động thái chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân lần thứ 6, nhiều khả năng diễn ra vào lễ kỷ niệm 105 năm ngày sinh lãnh tụ Kim Nhật Thành”.
Tuy nhiên, hôm 15/4, Bình Nhưỡng chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ thực hiện vụ thử như theo phán đoán của phương Tây.
Nhiều tờ báo ở trong nước cũng đã đăng tải các hình ảnh và nhiều bài viết về cuộc duyệt binh được tổ chức nhân ngày này. Tờ Dân Trí viết rằng “Triều Tiên đã gây bất ngờ cho cả thế giới khi phô diễn các tên lửa tầm xa mới, cùng hàng loạt vũ khí khác, trong cuộc duyệt binh quy mô lớn ở thủ đô Bình Nhưỡng sáng 15/4”.
Trong khi đó, báo Tuổi Trẻ dẫn lời Phó chủ tịch quân ủy trung ương Triều Tiên đã tuyên bố trong lễ duyệt binh rằng Bình Nhưỡng “sẵn sàng đáp trả Mỹ bằng ‘đòn hủy diệt’".
Tới tối ngày 15/4, Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa có tuyên bố nào về những diễn biến trên bán đảo Triều Tiên.
Liên quan tới vụ phóng thử bốn tên lửa đạn đạo của Bắc Hàn hồi tháng trước, phát ngôn viên của Bộ này nói rằng Hà Nội “hết sức quan ngại” đồng thời bày tỏ “ủng hộ mọi nỗ lực thúc đẩy đối thoại và duy trì hòa bình, ổn định, thực hiện phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên”.
Cũng trong tháng trước, Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se hội kiến với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh ở Hà Nội nhân dịp hai nước kỷ niệm 25 năm ngày thiết lập quan hệ..
Trong cuộc gặp, ông Yun đã nêu vấn đề hạt nhân và tên lửa của Bắc Hàn cũng như mối đe dọa của chương trình này đối với hòa bình và ổn định của châu Á và cộng đồng quốc tế, cũng như cách thức Hà Nội và Seoul có thể hợp tác để “khống chế” Bình Nhưỡng.
http://www.voatiengviet.com/a/bao-viet-viet-gi-ve-ngoi-no-bac-han/3811623.html
Trong bài viết có tựa đề “ngòi nổ Triều Tiên”, báo Người Lao Động viết rằng “việc hải quân Mỹ điều nhóm tàu sân bay tác chiến USS Carl Vinson tới gần bán đảo Triều Tiên càng làm gia tăng nguy cơ xảy ra tính toán sai lầm”.
“Chỉ cần một hiểu lầm hoặc va chạm nhỏ đều có thể khơi mào chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên”, tờ báo dẫn lời chuyên gia nhận định.
Trong khi đó, báo điện tử VnExpress dẫn lời các chuyên gia nêu ra “các lý do Mỹ sẽ không tung đòn tấn công phủ đầu Triều Tiên”.
“Trong mọi kịch bản chiến tranh, Mỹ và Hàn Quốc có thể sẽ giành phần thắng, nhưng với cái giá đắt đến mức không thể chịu nổi”, tờ báo viết, nói thêm rằng “việc thủ đô Seoul của Hàn Quốc chỉ nằm cách khu phi quân sự khoảng 50 km là một trong những rào cản lớn nhất ngăn liên quân Mỹ - Hàn có hành động quân sự trực tiếp”.
Báo điện tử này cho rằng “căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên bắt đầu leo thang sau khi tình báo Mỹ đưa ra nhận định rằng Triều Tiên đang có những động thái chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân lần thứ 6, nhiều khả năng diễn ra vào lễ kỷ niệm 105 năm ngày sinh lãnh tụ Kim Nhật Thành”.
Tuy nhiên, hôm 15/4, Bình Nhưỡng chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ thực hiện vụ thử như theo phán đoán của phương Tây.
Nhiều tờ báo ở trong nước cũng đã đăng tải các hình ảnh và nhiều bài viết về cuộc duyệt binh được tổ chức nhân ngày này. Tờ Dân Trí viết rằng “Triều Tiên đã gây bất ngờ cho cả thế giới khi phô diễn các tên lửa tầm xa mới, cùng hàng loạt vũ khí khác, trong cuộc duyệt binh quy mô lớn ở thủ đô Bình Nhưỡng sáng 15/4”.
Trong khi đó, báo Tuổi Trẻ dẫn lời Phó chủ tịch quân ủy trung ương Triều Tiên đã tuyên bố trong lễ duyệt binh rằng Bình Nhưỡng “sẵn sàng đáp trả Mỹ bằng ‘đòn hủy diệt’".
Tới tối ngày 15/4, Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa có tuyên bố nào về những diễn biến trên bán đảo Triều Tiên.
Liên quan tới vụ phóng thử bốn tên lửa đạn đạo của Bắc Hàn hồi tháng trước, phát ngôn viên của Bộ này nói rằng Hà Nội “hết sức quan ngại” đồng thời bày tỏ “ủng hộ mọi nỗ lực thúc đẩy đối thoại và duy trì hòa bình, ổn định, thực hiện phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên”.
Cũng trong tháng trước, Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se hội kiến với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh ở Hà Nội nhân dịp hai nước kỷ niệm 25 năm ngày thiết lập quan hệ..
Trong cuộc gặp, ông Yun đã nêu vấn đề hạt nhân và tên lửa của Bắc Hàn cũng như mối đe dọa của chương trình này đối với hòa bình và ổn định của châu Á và cộng đồng quốc tế, cũng như cách thức Hà Nội và Seoul có thể hợp tác để “khống chế” Bình Nhưỡng.
http://www.voatiengviet.com/a/bao-viet-viet-gi-ve-ngoi-no-bac-han/3811623.html
HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 5
Thách thức trước Hội nghị Trung ương 5
Những khó khăn của nền kinh tế, cuộc chiến chống tham nhũng và cải cách thể chế được cho là những vấn đề chính có nhiều khả năng sẽ được thảo luận trong hội nghị trung ương 5 lần này. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, nhà phân tích chính sách thuộc Bộ Kế Hoạch Đầu từ của Việt Nam nói với đài Á châu Tự do:
Có ba vấn đề lớn, nợ xấu, nợ công và ngân sách quốc gia. Thứ 4 là liên quan đến các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước.Thứ nhất là công tác cán bộ, học tập nghị quyết trung ương 4 đợt vừa rồi chắc chắn cũng được nêu lên xem là việc kiểm điểm, rồi khó khăn, kết quả đến đâu. Cái thứ hai thì trong cải cách thể chế bây giờ thì phải đặt ra một cách quyết liệt hơn. Nếu không quyết liệt hơn thì sẽ làm cho quá trình đổi mới đang gặp nhiều khó khăn trở ngại, trong đó có khắc phục những hậu quả của thời kỳ tăng trưởng nóng cũ, rồi hướng đi mới cho phát triển kinh tế trong giai đoạn mới.
- Tiến sĩ Phạm Chí Dũng
Do đó cải cách thể chế phải được đặt ra. Đảng và chính phủ cũng đặt ra bước làm thí điểm ở một số tỉnh thành là nhất thể hóa một số chức danh lãnh đạo của đảng và chính quyền ở một cấp nào đó. Ví dụ như cấp phường xã, cấp huyện thị. Người ta đã làm ở một số tỉnh thí điểm như Quảng Ninh. Các đoàn đi khảo sát về thì bây giờ cũng đang tích cực để có báo cáo cuối cùng để xem là kết quả ra sao, để xem có thể mở rộng.
Khó khăn về kinh tế và đổi mới doanh nghiệp nhà nước
Nội dung tái cơ cấu kinh tế và sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước được các nhà quan sát chính trị tại Việt Nam đánh giá là nội dung đầu tiên quan trọng phải được đề cập trong hội nghị lần này. Theo tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng, đây là nội dung rất lớn bao gồm nhiều khó khăn mà ngay cả các chuyên gia kinh tế của nhà nước cũng có thể thấy bế tắc
Có ba vấn đề lớn, nợ xấu, nợ công và ngân sách quốc gia. Thứ 4 là liên quan đến các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước. Hiện nay các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước nợ đầm đìa. Tình trạng lỗ là phổ biến. Nợ của các doanh nghiệp nhà nước cho tới nay là khoảng 237 tỷ đô la, là một con số rất lớn.
Tại một hội nghị tổng kết ngành tài chính được tổ chức tại Hà Nội vào hồi đầu tháng 1 vừa qua, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phải lên tiếng thừa nhận nợ công của chính phủ Việt Nam đã vượt trần. Ông cảnh báo về nguy cơ sụp đổ nền tài khóa quốc gia nếu tình trạng nợ công tăng nhanh không chấm dứt. Nợ công của Việt Nam hiện được ước tính tăng trung bình gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP trong vòng 5 năm qua và hiện chiếm khoảng 64.73% GDP vào cuối năm ngoái, theo số liệu của Bộ Tài Chính. Ngưỡng cho phép là 65% GDP. Ngân Hàng Thế giới đánh giá nợ công của Việt Nam tăng nhanh là do tham hụt tài khóa. Ngoài ra các chuyên gia kinh tế trong nước cũng nói đến việc sử dụng kém hiệu quả trong chi tiêu đầu tư công.
Việc sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước là chủ trương lâu dài của chính phủ thể hiện qua tiến trình cố phần hóa doanh nghiệp nhà nước nhưng theo đánh giá của Tiến sĩ Phạm Chí Dũng tiến trình này vẫn còn diễn ra quá chậm.
Tiến trình rất chậm. Nó chậm bởi nhiều lý do, trong đó chủ yếu là nhiều doanh nghiệp nhà nước muốn giữ thế độc quyền của họ và không muốn cổ phần hóa vì sẽ làm mất thế độc quyền và lợi ích của họ. thứ hai họ chỉ cổ phần hóa khi có lợi cho một số nhóm cá nhân nào đó, lãnh đạo doanh nghiệp.
Ví dụ như những tập đoàn lớn độc quyền của nhà nước như tập đoàn điện lực Việt nam, dầu khí, than khoáng sản mặc dù dư luận đã kêu gào rất nhiều là phải cổ phần hóa và bỏ độc quyền và quốc tế cũng yêu cầu như vậy nhưng cho đến giờ vẫn không nhúc nhích. Việc cổ phần hóa gần như thuần túy phụ thuộc vào mức độ và lợi ích của nhóm lãnh đạo. Họ chỉ buông những tập đoàn doanh nghiệp nhà nước khi nó không làm ra lợi ích cho họ nữa hoặc nó quá bi đát.
Mới đây, báo Thanh Niên đưa tin trong tuần này, Thường trực Chính phủ sẽ thảo luận báo cáo và sớm gửi lên Bộ Chính trị cho ý kiến về 12 dự án ngàn tỷ bị thua lỗ của các doanh nghiệp nhà nước, trong đó có những dự án thuộc tập đoàn dầu khí Việt Nam.
Theo Tiến sĩ Phạm Chí Dũng hoạt động kinh doanh kém hiệu quả với những
khoản nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước được ước tính lên đến hàng
trăm tỷ đô la đang khiến cho việc sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước
thêm khó khăn đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng vì khó kiếm được các
doanh nghiệp nước ngoài muốn mua lại các doanh nghiệp nhà nước đang gánh
trên mình những khoản nợ xấu khổng lồ.
Chống tham nhũng chưa có kết quả
Vấn đề chống tham nhũng cũng được cho là một nội dung có thể phải được
đề cập đến trong hội nghị trung ương 5. Tuy nhiên dường như những kết
quả của chiến dịch chống tham nhũng mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát
động từ tháng 6 năm ngoái đến giờ chưa đạt được kết quả gì. Tiến sĩ
Phạm Quý Thọ nhận định:
Những vụ xử lý tham nhũng thì Tổng Bí thư đã phát động rồi và vẫn đang làm nhưng chính ông ấy cũng nói việc này là ta đánh ta nên rất khó khăn, rất nhạy cảm.
- Tiến sĩ Phạm Quý Thọ
Những vụ xử lý tham nhũng thì Tổng Bí thư đã phát động rồi và vẫn
đang làm nhưng chính ông ấy cũng nói việc này là ta đánh ta nên rất khó
khăn, rất nhạy cảm. Những vụ phát động thì đều chưa có kết quả cuối
cùng. Ví dụ như vụ Trịnh Xuân Thanh thì chưa có kết quả cuối. Những cái
mà Tổng Bí thư nói như vụ bà Hồ Thị Kim Thoa thì cũng chưa có kết quả có
thể chưa phải là đánh giá cuối cùng để người ta đưa ra những giàn xếp.
Tất nhiên người ta cũng đồn đoán sự chuẩn bị cho nhân sự giữa kỳ hay cho
đại hội tới thì cũng là một bước để người ta bàn đến nhưng chưa phải là
đánh giá về kết quả chống tham nhũng ở hội nghị này được mà chỉ là
những kiểm điểm hoặc có thể đánh giá sơ bộ thì có thể đặt ra, vì nghị
quyết trung ương 4 có vẻ quyết liệt, nhưng có lẽ không có đánh giá thì
nó cũng không đi đến đâu cả.
Ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Bí thư tỉnh Hậu Giang, người đã từng có
thời nắm chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty xây lắp dầu khí
hiện đang lẩn trốn ở nước ngoài với cáo buộc tội cố ý làm trái quy định
nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng. Việt Nam đã phát lệnh truy nã quốc tế
đối với ông Thanh nhưng vẫn chưa có kết quả. Hồi đầu năm nay, Tổng Bí
Thư Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu phải làm rõ tài sản của thứ trưởng Bộ
Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, người mà theo thông tin của báo chí trong
nước có nhiều tài sản đáng ngờ lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Theo tiến sĩ Phạm Chí Dũng, cuộc chiến chống tham nhũng của Tổng Bí Thư
Nguyễn Phú Trọng kể từ khi phát động đến nay đã không có thành công. Vì
vậy, theo ông hội nghị trung ương 5 lần tới sẽ là một trong những cơ hội
ít ỏi để ông Tổng Bí Thư có thể tạo một dấu ấn không quá mờ nhạt trước
khi rời chính trường. Theo dự kiến, ông Trọng sẽ chỉ giữ chức Tổng Bí
thư cho đến hết giữa nhiệm kỳ này tức là tới khoảng cuối năm 2018.
NGƯỜI VIỆT CƯ NGỤ BẤT HOP PHÁP
Người Việt ở Mỹ không có giấy tờ có thể bị trục xuất?
Thanh Trúc, phóng viên RFA
2017-04-13
2017-04-13
Kể từ lúc tổng thống Donald Trump chính thức bước vào Nhà Trắng với
chính sách di dân và di trú nghiêm khắc hơn trước, không chỉ tập thể
người Mỹ La Tinh mà cả người Châu Á trong đó có Việt Nam, cũng thấp thỏm
lo âu với lệnh trục xuất về nguyên quán.
Họ là những người về mặt pháp lý không được coi là dân Mỹ gốc Việt, không được phép nhập quốc tịch vì đã phạm pháp và đã ở tù trong thời gian đầu đến Mỹ. Anh Nguyễn Thanh Tùng, cư dân California, là một trong những người như vậy:
Họ là những người về mặt pháp lý không được coi là dân Mỹ gốc Việt, không được phép nhập quốc tịch vì đã phạm pháp và đã ở tù trong thời gian đầu đến Mỹ. Anh Nguyễn Thanh Tùng, cư dân California, là một trong những người như vậy:
Em đã từng qua 18 năm tù rồi được thả ra năm 2011. Khi về lại quận
Cam, mục tiêu của em là thành lập APIROC nhằm giúp đỡ cho những người ra
tù có được một chương trình giúp đỡ để làm lại cuộc đời.
Theo thống kê từ 1998 cho đến 2010, tổng cộng gần 120.000 người Việt Nam nằm trong hoàn cảnh chờ bị trục xuất.
- Anh Nguyễn Tùng
Được biết trong vài tháng qua, nhiều người đã ra tù và trở lại cuộc sống
bình thường như Nguyễn Thanh Tùng bị UCE tức Cơ Quan Di Trú Và Hải Quan
Mỹ gọi lên trình diện, một số đã bị giữ lại. Chỉ nội hai tuần đầu tháng
Ba vừa qua, gần 100 người Việt bị bắt rồi được chuyển về về trại giam
Quận York ở Pensylvania hay trại Krome ở tiểu bang Florida.
Đây là số liệu được anh Nguyễn Thanh Tùng, người sáng lập APIROC Asian
Pacific Island Re-Entry Orange County, tổ chức đấu tranh cho sự tái hòa
nhập của Người Châu Á Thái Bình Dương từng bị cầm tù ở Quận Cam, đưa lên
thông cáo báo chí mà APIROC soạn thảo chung với các tổ chức yểm trợ
khác như Vietlead ở Philadelphia, Searac ở Wahington DC:
Thời gian gần đây qua tìm hiểu tụi em biết chính phủ mới của tổng
thống Trump có liên lạc với chính phủ bên Việt Nam, yêu cầu Việt Nam
nhận người bị trục xuất về. Sau đó xảy ra vấn đề là bên văn phòng Sở Di
Trú bắt đầu tìm người Việt Nam nhốt đi để chuẩn bị trục xuất. Khi trục
xuất họ phải theo cái gọi là Repatriation Agreement hay MOU Memoramdum
of Understanding là chỉ những người đến Mỹ sau 1995 thì Sở Di Trú mới
có quyền trục xuất.
Đa số những người mà chính quyền Trump coi như mục tiêu trục xuất la
những người có tiền án trước khi trở thành công dân Mỹ. Khi đa số phạm
án rồi thì theo luật Mỹ coi như mình mất quyền công dân của mình, mình
bị đưa qua một chương trình coi như sẽ bị trục xuất về nước.
Khổ nỗi trong thời gian mà văn phòng Sở Di Trú đi lùng bắt mấy người
Việt Nam thì không biết vô tình hay cố ý họ bắt luôn nhiều người đến
trước 95. Hoàn cảnh đó rất là không công bằng vì những người đến trước
95 thuộc về chương trình tị nạn, không nằm trong trường
hợp của hợp đồng Repatriatuon Agreement hay MOU giữa Việt Nam và nước
Mỹ về vấn đề trục xuất.
Ai sẽ trong diện bị trục xuất?
Thông cáo báo chí của APIROC dẫn lời luật sư Jessica Shullruff
Scheneider chuyên về di trú, cũng là giám thị chương trình Detention
Watch của American For Immigrant Justice Công Lý Cho Di Dân tại Miami
Florida, rằng sau khi tiếp xúc với những người Việt mới được chuyển về
nhà giam Krome ở Florida thì bà nhận thấy hầu hết đều lớn lên và ăn học ở
Mỹ, từng bị tù vì những lỗi lầm phạm phải trong quá khứ. Khi luật di
trú được thi hành một cách khắc nghiệt như vậy, luật sư Schneider nhận
định, nhiều phần sẽ dẫn đến những kết cuộc bất công.
Người Việt dính đến hệ thống xử lý hình sự của Hoa Kỳ tương đối cao so
với các cộng đồng thiểu số Đông Nam Á khác. Anh Nguyễn Tùng:
Theo thống kê từ 1998 cho đến 2010, tổng cộng gần 120.000 người Việt
Nam nằm trong hoàn cảnh chờ bị trục xuất. Đó là chưa tính từ năm 98 trở
về 95 hay là từ năm 98 đi tới 2017 như ngày hôm nay.
Bản thân em lỡ phạm tội từ năm 17 tuổi, năm 1993, việc em làm đã quá
xa cả mấy thập niên luôn. Bây giờ ra tù em sống một cuộc sống đàng
hoàng, có vợ có con và không làm lỗi nữa. Rồi tự nhiên hôm nay chính
quyền lùng bắt em vì những việc em đã làm quá xa. Em là một trong những
người có thể bị bắt, em thấy mình cần phải có tiếng nói để mà chia sẻ
vận động với cộng đồng.
Rất nhiều người Việt Nam đang sống trên đất Mỹ cứ nghĩ là nếu Việt
Nam không nhận thì Mỹ đâu có trả về được đâu. Hồi xưa tới giờ ở Cali
mình chỉ thấy người Mễ Tây Cơ bị bắt bị trả về mà mình ít thấy người Á
Đông. Hiện tại chính quyền này đang lùng bắt người Việt Nam mà như hồi
nãy em chia sẻ đó là họ lùng bắt những người trước 95 luôn.
Chị Nancy Nguyễn, giám đốc tổ chức phi chính phủ Vietlead ở
Pensylvania, Philadelphia, đang góp sức cùng APIROC của Nguyễn Thanh
Tùng liên quan đến vấn đề người Việt có tiền án đã hay chưa bị bắt nhưng
đều là đối tượng có thể bị trục xuất khỏi nước Mỹ, cho biết vì trước
đây chị từng giúp đỡ về vấn đề trục xuất của cộng đồng người Kampuchia
nên có đôi chút kinh nghiệm rồi:
Đầu tháng Ba thì có mấy người kêu vô văn phòng của Nancy, nói là ICE
Immigration and Customs Enforcement Sở Di Trú yêu cầu mấy người đã ra tù
mà mỗi năm phải check in với ICE, tự nhiên năm nay ICE kêu người ta vô
sớm hơn 6 tháng. Văn phòng mình ngờ là ICE sẽ bắt mấy người đó.
Và đúng như điều chị Nancy của VietLead đã nghĩ, đó là trường hợp của
người tên Lý Vinh, sinh ra trong trại tị nạn năm 1982, đến Mỹ cùng gia
đình năm 1989. Năm 2002, Lý Vinh bị bắt vì dính líu đến ma túy, bị thu
hồi thẻ xanh và không bao giờ được nhập tịch với hồ sơ tội phạm của
mình. Khi được ra tù sau này anh phải đều đặn đi trình diện với Sở Di
Trú hàng năm. Sáng thứ Tư ngày 10 tháng Ba khi đến trình diện sớm tại
ICE, Lý Vinh bị bắt trở lại.
Rất may là nhờ sự can thiệp kịp thời và mau mắn của luật sư cũng như các
tổ chức trong mạng lưới hỗ trợ những cựu tù có nguy cơ bị trục xuất
theo lệnh của hành pháp Trump, anh Lý Vinh được trả tự do ngay khi
được chuyển đến nhà giam Quận York ở Philadelphia, nơi nhốt những người
nằm trong diện bị trục xuất. Chị Nancy:
Bây giờ ICE làm rất lẹ, bắt vô trung tâm giam giữ này hai ba ngày là
người ta chuyển qua trung tâm giam giữ khác ở tiểu bang khác. Thực sự
trường hợp của anh này là tới trước năm 1995 nên không theo cái MOU, vì
vậy văn phòng của VietLead với mấy tổ chức trong Philadelphia bắt đầu
vận động cho anh đó. Rồi thì trong 2 ngày, tại mình vận động mạnh quá
thì anh ta được ICE cho ra, nói đó là sự nhầm lẫn.
Chính vì thế thông cáo báo chí, đang được trình bày ở đây, chị Nancy
Nguyễn lý giải, là điều vô cùng cần thiết để các gia đình có người thân
bị trục xuất biết cách làm việc với Sở Di Trú cũng như tìm nơi giúp đỡ
hữu hiệu:
Thực sự ở Philadelphia có rất nhiều tổ chức đang chuẩn bị vận động
nhưng vì cộng đồng người Việt tại nhiều tiểu bang khác, nhiều thành phố
khác chưa biết nhiều về vấn đề này. Đó là tại sao lần này VietLead với
APIROC đưa ra thông tin cho cộng đồng biết là chuyện này đang xảy ra và
người ta cần được bảo vệ như thế nào.
Đừng im lặng
Thông cáo báo chí vừa công bố , anh Nguyễn Thanh Tùng nhấn mạnh, cho
thấy một mạng lưới hỗ trợ toàn quốc là cần thiết nhằm khuyến khích
những người bị ảnh hưởng tìm kiếm sự giúp đỡ thay vì giữ im lặng, cho
người Việt đối diện nguy cơ bị bắt và bị trục xuất, bao gồm những tổ
chức có khả năng hành động, có kiến thức pháp lý đề vận động bảo vệ
người đúng luật pháp.
Trong trường hợp cần giúp đỡ xin vui lòng liên lạc số điện thoại 856 320 6668.
- Cô Quyên Đinh, SEARAC
Được hỏi về việc làm của APIROC hay VietLead, bà Katrina Dizon
Mariategue, người chuyên trách chính sách di dân trong SEARAC Trung Tâm
Hành Động Nguồn Lực Đông Nam Á, tổ chức hướng tới giúp đỡ những cộng
đòng Đông Nam Á như Lào, Cambodia và Việt Nam, trả lời một cách trực
tiếp vì sao SEARAC tham gia mạng lưới hỗ trợ mà VietLead và APIROC đang
vận động:
Vietlead là tổ chức có qui cũ mà chúng tôi đang cộng tác, Tùng Nguyễn
của APIROC cũng là người từng tham dự một khóa huấn luyện của SEARAC
hồi năm ngoái. Chúng tôi làm việc rất thân cận với nhau.
Qua VietLead và APIROC mà chúng tôi biết rõ về những cá nhân người
Việt gần đây phải đối diện với nguy cơ bị truc xuất về Việt Nam trong
lúc bên Việt Nam chừng như không muốn nhận họ. Những gì mà Trung Tâm
Hành Động Vì Nguồn Lực Đông Nam Á Searac có thể làm được cùng APIROC
cũng như VietLead là trợ giúp về mặt chuyên môn, liên lạc cũng như góp ý
kiến với luật sư biện hộ cho người có vấn đề di trú, đồng thời quảng bá
mọi nguồn thông tin cần thiết cho truyền thông giòng chính cũng như lôi
kéo sự chú ý của chính giời Mỹ về vần đề này.
Đối với cô Quyên Đinh, giám đốc điều hành SEARAC, điều cô muốn bày tỏ
chỉ đơn giản là nhắc lại lời cô đã nói và được ghi trong thông cáo báo
chí, rằng:
Những gia đình Việt Nam ở trong những trường hợp khó khăn như vậy
phải biết mình sẽ được giúp đỡ bởi SEARAC, bởi APIROC, bởi VietLead và
nhiều những cơ quan khắp nước Mỹ. Hãy biết là mình sẽ không bị cô đơn và
không im lặng.
Trong trường hợp cần giúp đỡ xin vui lòng liên lạc số điện thoại 856 320 6668.
20 CSCĐ đã bị người dân ở Mỹ Đức bắt khi chúng đến hỗ trợ bon Cướp Ngày cưóp đất của dân, ht
Đảng CSVN vinh quang với
5.000 phụ nữ Việt Nam bán dâm trá hình ở Malaysia
CẦN THƠ, Việt Nam (NV) – Theo Cục Tham Mưu Cảnh Sát, Bộ Công An, hiện có khoảng 5,000 phụ nữ Việt Nam đang hoạt động mại dâm trá hình ở Malaysia.
Đó là thông tin của ông Nguyễn Minh Kiệm, phó trưởng phòng thường trực
Chương Trình Phòng Chống Mua Bán Người, Cục Tham Mưu Cảnh Sát, Bộ Công
An, cho biết trong cuộc họp với đoàn Ủy Ban Tư Pháp Quốc Hội đến khảo
sát tình trạng mua bán người tại thành phố Cần Thơ, sáng 14 Tháng Tư.
Những phụ nữ này đến từ các cơ sở núp bóng “giới thiệu việc làm” để đưa nạn nhân ra nước ngoài rồi đem bán.
Nói với báo Phụ Nữ TP.HCM, ông Nguyễn Văn Thuận, phó giám đốc Công An
Cần Thơ, cho rằng: “Rất khó kiểm soát tình hình mua bán người ra nước
ngoài vì tội phạm hoạt động ngày càng tinh vi. Nạn nhân bị dụ dỗ ra nước
ngoài sẽ có việc nhẹ, thu nhập cao, lấy chồng nước ngoài có kinh tế khá
giả, hoặc mời nạn nhân đi du lịch nước ngoài rồi tìm cách lừa bán.”
Theo ông Thuận, đối tượng bị nhắm đến là những người học vấn thấp, kinh
tế khó khăn, không có việc làm, hay môi giới hôn nhân. Phần lớn nạn nhân
bị bán sang Trung Quốc, Malaysia và Cambodia để làm gái mại dâm. (Tr.N)
Hiện thời người ta phải chứng kiến một trung ương các tướng lãnh chỉ âm mưu thanh toán nhau để tự đi đến chỗ đào thải. Tại các địa phương dân chúng vẫn dành nhiều cảm tình cho các tướng lãnh trong sạch có công với cách mạng tháng 11.Như trung tướng Đính được dân chúng miền Trung chấp nhận cũng ở trong trường hợp đó.
Tỉ lệ biết chữ ở bậc THPT trở lên càng cao thì mới càng đáng mừng. Trong ảnh: học sinh Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
Tham khảo thêm:
http://www.baomoi.com/tau-la-no-sung-xoi-xa-vao-tau-ca-viet-nam-1-ngu-dan-thiet-mang/c/21936390.epi?utm_source=desktop&utm_medium=facebook&utm_campaign=share
http://www.tienphong.vn/xa-hoi/tau-bi-dam-chim-lao-ngu-boi-1km-trong-dem-den-vao-bo-1138375.tpo
http://m.baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tau-ca-phu-yen-bi-tau-la-bat-va-dan-giai-3333235/
https://www.lowyinstitute.org/the-interpreter/what-vietnam-s-fishing-flotilla-doing-scarborough-shoal
https://amti.csis.org/already-lost-south-china-sea/
Thứ Tư, 04/12/2017 - 07:44 — tuongnangtien
I. THẶNG DƯ GIÁ TRỊ
Marx lý luận dài dòng, bày ra công thức nọ công thưc kia nghe rườm ra có vẻ khoa học, nhưng ở tiểu học, chúng ta có công thức giản dị về tiền lời như sau:
TIỀN BÁN - TIỀN VỐN = TIỀN LỜI
Tiền lời theo Marx là thặng dư giá trị, là do bóc lột lao động mà có.
Trong tiền vốn có tiền lương trả cho người lao động. Chúng ta không biết tiền lương chiếm bao nhiêu tiền vốn cho nên không biết tư bản có bóc lột hay không hay boc lột nhiều ít. Nếu trả tiền công quá cao thì không có lời hoặc có lời it.
Có phải tiền lời là tiền bóc lột không?
(1). Trong nhiều trường hợp, nhất là trong kinh doanh cá thể và tiểu thủ công nghiệp, chủ nhân ra sức làm cùng gia đình theo chủ trương" lấy công làm lời" thì không có sự bóc lột!
(2). Trả công theo thời giá thì không phải là bóc lột. Tại các nước văn minh, người ta đặt ra mức lương tối thiểu là để ngăn ngừa bóc lột.
Kinh doanh không phải ai cũng lời và lúc nào cũng lời cho nên không thể kết luận tư bản bóc lột.
Tóm lại, kinh doanh là phải có lời, không có lời tất nhiên công việc kinh doanh sẽ thất bại. Tiền lời là thành quả lao động của tư bản, nó cần thiết cho phát triển kinh tế. Tiền lời là trái tim của kinh tế không phải là một tật bệnh quái ác như Marx nghĩ.
Phải có lời để con người sống, hăng hái làm việc. Công ty suy sụp không những tư bản khốn đốn mà lao động cũng lâm nguy. Cày sâu cuốc bẫm để có "cơm vàng" chứ không phải ăn cháo, ăn khoai! Phài có tiền lời để sửa chữa xí nghiệp, canh tân máy móc. Người nông dân cuối mùa được vài tạ lúa, ăn uống, tiêu pha cũng còn vài trăm ký thoc. Đó là lợi nhuận, là thành quả lao động, là tiền lời chân chính không do bóc lột.
Tại sao không nghĩ tiền lời là tiền công, là phần thưởng cho tư bản, cho chủ nhân xí nghiệp và cơ sở kinh doanh? Ngày nay, nhiều hãng xưởng chia tiền lời cho công nhân, còn bên cộng sản chỉ thấy bóc lột và bóc lột để câu ấm, cô chiêu đi Mỹ du học, mua nhà cửa và ở lại Mỹ!
Nếu Marx bảo tư bản kinh doanh có lời là bóc lột, vậy cộng sản kinh doanh lỗ hàng tỷ là không bóc lột, không trộm cắp?
II. BUÔN BÁN, HÀNG HÓA , TIỀN BẠC
Marx chỉ trich việc buôn bán.
Ông kết tội tư bản tạo ra thị trường thế giới nghĩa là " dẩy xã hội lùi về trạng thái dã man nhất " , gây ra nạn đói, chiến tranh...Ông cho rằng xã hội tư bản chỉ là tự do buôn bán, nghĩa là tự do boc lột của thời trung cổ vì quá nhiều thương nghiệp.Vì vậy "chủ nghĩa cộng sản phải xoá bỏ buôn bán, xoá bỏ những quan hệ sản xuất tư sản và xoá bỏ ngay cả giai cấp tư sản nữa." [1].
Marx muốn chống tư bản nên đã đưa ra mọi lý lẽ để vu khống cho tư bản. Kinh doanh, buôn bán không phải là nguyên nhân đưa đến bóc lột và tàn phá xã hội. Kinh doanh, mua bán, thị trường là sáng kiến của loài người từ thời nguyên thủy, không phải là do sáng kiến của tư bản .Nó là sự cần thiết của mọi giai cáp không phân biệt tư bản hay vô sản.
_____
CHÚ THICH:
[1].Modern industry has established the world market, for which the discovery of America paved the way. This market has given an immense development to commerce, to navigation, to communication by land.
Đại công nghiệp đã tạo ra thị trường thế giới, thị trường mà việc tìm ra châu Mỹ đã chuẩn bị sẵn. Thị trường thế giới thúc đẩy cho thương nghiệp, hàng hải, những phương tiện giao thông tiến bộ phát triển mau chóng lạ thường.
By freedom is meant, under the present bourgeois conditions of production, free trade, free selling and buying.
aturday, April 15, 2017
NGÔ THẾ VINH * THICH TRÍ QUANG
NGÔ THẾ VINH
Đã 42 năm sau cuộc Chiến
tranh Việt Nam, vẫn còn những câu hỏi chưa có lời giải đáp. Chỉ riêng tên tuổi Thích
Trí Quang đã gây ra rất nhiều tranh cãi. (1) Có nhiều nhãn hiệu gán cho ông: với
một số người Việt chống cộng hoặc còn suy tôn ông Diệm thì
cả quyết Thích Trí Quang là cộng sản đội lốt tu hành hoạt động với sự chỉ đạo của
Hà Nội; nhưng ngay với giới chức cộng sản cũng đã từng coi Trí Quang là một loại
CIA chiến lược; còn theo tài liệu giải mật của CIA
thì đánh giá Trí Quang không phải cộng sản, mà là một nhà tu hành đấu tranh cho
hòa bình và muốn sớm chấm dứt chiến tranh. Thêm nguồn tài liệu còn lưu trữ về
những cuộc đàm luận giữa Trí Quang và các giới chức Hoa Kỳ, cho rằng Trí Quang
chống cộng mạnh mẽ và hiểu được sự việc xử dụng quân đội Hoa Kỳ để chống lại Cộng
sản Bắc Việt và Trung cộng. Và trong phần trả lời phỏng vấn của báo Sinh viên
Tình Thương, khi "đề cập tới sự nguy hiểm của Cộng sản, TT Trí Quang đã so
sánh họ với những chiếc lá vàng có đóng đinh, phải cần tới một cơn gió lốc cách
mạng thổi đúng hướng, không phải làm bay những niềm tin mà là bốc sạch đám lá
vàng có đóng đinh là Cộng sản."
Vậy thì đâu
là sự thật?Đâu là con người thật của Thích Trí Quang? Như câu hỏi trong phim
Rashomon, một kiệt tác điện ảnh của Nhật Bản. Người viết sẽ không đưa ra một kết
luận nào về chân dung Thích Trí Quang, nhưng muốn trở lại bối cảnh chính trị xã
hội của thập niên 1960s, khi mà tên tuổi Trí Quang hầu như gắn liền với những
biến động thời bấy giờ. Trong khi thông tin về các phong trào Phật giáo tranh đấu
ngoài miền Trung rất nhiễu loạn, thì tại Sài Gòn, ngoài một cuộc phỏng vấn hiếm
hoi dành cho tuần báo TIME 04.22.1966 với hai ký giả McCulloch và James Wilde; Thích
Trí Quangsau đó trở ra Huế và rất ít khi dành cho báo giới Tây phương những cuộc
tiếp xúc nào khác. Riêng với TÌNH THƯƠNG tuy chỉ là tờ báo của sinh viên Y khoa
nhưng lại rất quan tâm theo dõi thời cuộc, được sự chỉ định của Toà báo, hai
phóng viên Phạm Đình Vy (5) và Ngô Thế Vinh đã bay ra Huế, được gặp và thực
hiện cuộc phỏng vấn Chín mươi sáu
phút với Thượng Toạ Thích Trí Quang buổi chiều ngày 5-5-1966 tại Chùa Từ Đàm Huế.
Và bài phỏng vấn này đã được đăng ngay trên báo Tình Thương số 29, 1966, và
đã được phóng viên của US News & World Report xin dịch sang tiếng Anh nhưng
rồi không rõ lý do, bài báo đã không được phổ biến sau đó.
Thích Trí Quang nay
cũng đã 94 tuổi, ông sinh năm 1923; từ sau 1975 ông sống lặng lẽ những năm
tháng cuối đời trong ngôi chùa Già Lam ở Gò Vấp. Và nay qua bộ báo Tình Thương mà Thư quán Bản Thảo của nhà văn Trần
Hoài Thư (4) mới phục hồi lại được, trong đó có số báo TT 29, với 4 trang
2-3-4-5 đăng trọn vẹn cuộc phỏng vấn đã thực hiện từ
hơn nửa thế kỷ trước. Chúng tôi cho phổ biến bài báo này, không ngoài mục
đích chỉ muốn cung cấp thêm một sử liệu hiếm quý về
một Thích Trí Quang khác tưởng như đã thất lạc tới các bạn trẻ và các sử gia
tương lai. Ngô Thế Vinh
CHÍN MƯƠI
SÁU PHÚT VỚI THƯỢNG TOẠ
THÍCH TRÍ
QUANG [05.05.1966]
NGÔ THẾ
VINH & PHẠM ĐÌNH VY
ĐỘNG CƠ THÚC ĐẨY
Với những rối loạn
chính trị trong tuần lễ vừa qua, có một hiện tượng TRÍ QUANG trên khắp các báo
chương ngoại quốc. Tuần báo Time coi ông như xuất hiện một Machiavel mới, trong
khi báo L'Express gán cho ông là mẫu người đang làm rung động cả Mỹ quốc, đó là
chưa kể tới những bài báo nói về ông đăng trên US News and World Report và Newsweek...
Hiện tượng trên cũng được các báo Việt ngữ toa rập theo, thích thú đem ra phiên
dịch và đăng tải; nhiều người coi đó như một khám phá mới lạ về một nhà tu hành
tài ba, nhiều quyền lực nhưng cũng rất bí ẩn và khó hiểu.
Đã từ lâu chúng tôi vẫn có thành kiến với
các nhà báo ngoại quốc khi họ nhận định về các vấn đề Việt Nam và chúng tôi
thành thật tin tưởng rằng không một người ngoại quốc nào am hiểu vấn đề Việt
Nam bằng chính những người Việt. Cái thái độ dễ dàng tin cậy vào mấy ông nhà
báo ngoại quốc trong công việc tìm hiểu đất nước mình nếu không bắt nguồn từ một
thái độ ỷ lại của báo chí Việt thì cũng đang coi là một hiện tượng quái gở.
Trở lại trường hợp Thích Trí Quang, từ nhận
định bảo ông là cộng sản đến ý nghĩ một tay quốc gia cực đoan, hình như chỉ cần
một chút ngộ nhận. Nghĩ rằng tôn giáo sẽ còn đóng một vai trò quan trọng trong
tương lai chính trị miền Nam, việc tìm hiểu mẫu một nhà tu-hành-dấn-thân đang
có nhiều ảnh hưởng là điều cần thiết, đó là lý do cuộc gặp gỡ Chín mươi sáu
phút với Thượng Toạ Thích Trí Quang buổi chiều ngày 5-5-1966 tại Chùa Từ Đàm Huế.
NHỮNG SAI LẦM CỦA TIME
Hình như có một sự khác biệt rất xa giữa
thực trạng miền Trung và các tin tức thổi phồng trên báo chí. Sau hơn bốn tuần
lễ tranh đấu, Huế đã có một khuôn mặt sinh hoạt bình thường ngoại trừ những biểu
ngữ khẩu hiệu còn treo dán rải rác, các chữ Bãi Khoá Bãi Thị kẻ sơn còn lưu vết
trên nền tường; các cô nữ sinh Quyết tử đã lại tóc thề áo dài trắng tới trường
đi học, súng ống cũng được trả lại cho quân đội, đài phát thanh cho đọc thông cáo
kêu gọi tất cả sinh viên họp đại hội để bàn về bình thường hoá sinh hoạt Đại học.
Nơi bến Toà Khâm, ngay
trước khu Đại học, các tàu Há Mồm của Mỹ đang đổ lên bến chồng chất những thực
phẩm và đạn dược, đám trẻ con xúm quanh đùa rỡn với những anh lính Thuỷ quân Lục
chiến Mỹ. Trước trụ sở Thông tin ngoài các khẩu hiệu đòi bầu cử Quốc hội, chống
chánh phủ Trung ương, còn có khẩu hiệu lên án Việt cộng pháo kích vào Thành nội
sát hại dân chúng...
Dấu vết những ngày máu
lửa chỉ có vậy.
Trên dốc tới Nam Giao, chùa
Từ Đàm vẫn yên tĩnh nằm đó. Ngoài một số đệ tử đi lễ chùa, trong sân không có
chút náo nhiệt của những phút tranh đấu. Nơi nhà Trai, trong bộ đồ rộng trắng,
Thượng toạ Trí Quang đang ngồi bình thản đánh cờ với một cụ già, ngồi cạnh đó
là một nhà sư trẻ Thích Mẫn Giác.
Khi chúng tôi tớiván cờ
đã mãn với phần thắng về phía Thượng Toạ, dĩ nhiên. Tuy chưa giáp mặt ông lần
nào, chúng tôi đã biết mặt Thượng toạ qua hình ảnh báo chí, và đặc điểm đầu
tiên để nhận ra ông là đôi mắt vô cùng sắc sảo. Không với một cử chỉ xa cách
nghiêm trọng, không với cả tia nhìn mãnh liệt như thôi miên, Thượng toạ vui vẻ
tiếp chúng tôi qua những nụ cười dễ gây thiện cảm và những cử chỉ tự nhiên thoải
mái.
Vào đề ngay, chúng tôi
nhắc tới những lời tuyên bố của Thượng toạ trên các báo chí ngoại quốc, đặc biệt
là bài của tuần báo TIME (2). Thượng Toạ cho biết:
--
Họ có tới gặp tôi hỏi ý kiến, tôi cũng có trả lời họ một số những câu hỏi,
nhưng khi bài đăng có cả những ý kiến mà tôi không hề nói, tính tôi không bao
giờ muốn đính chính, bởi vậy trong các bài báo đó có những điều sai lạc.
Chẳng hạn tuần báo TIME gán cho tôi óc
bài ngoại gay gắt và nhất là muốn quay lại thời Hoàng kim của đời nhà Lý là một
điều hoàn toàn bịa đặt.
Không
bao giờ tôi chủ trương như vậy; hơn nữa công thức đời nhà Lý với những thày
chùa hăng hái nắm quyền chính hoàn toàn không còn thích hợp với thời đại bây giờ,
mơ ước điều đó là vô lý. Cũng như khi hỏi tôi về Quốc hội, tôi chỉ nhấn mạnh với
họ ở mấy điểm: số người đi bầu, sự xâm nhập của Việt cộng và cách bầu gián tiếp
người lãnh đạo hành pháp qua một Quốc hội trung gian.
Còn về tiểu sử Thượng
Toạ, ông cho rằng đó chỉ là tài liệu không xác thực của Công an.
Xem ra bài báo TIME đã
mô tả nhiều điều không đúng ý Thượng toạ nhưng chúng tôi không muốn đi sâu vào
thêm.
Từ những nhận định cho
ông có óc bài Mỹ, nhiều người e sợ rằng Quốc hội đầu tiên được thiết lập với ảnh
hưởng của Phật giáo sẽ biểu quyết yêu cầu Mỹ rút lui khỏi Việt Nam để đi tới
thương thuyết và chấm dứt chiến tranh. Thượng Toạ cho rằng:
-- Bây
giờ còn quá sớm để nói tới nên thương thuyết hoặc tiếp tục chiến tranh. Chỉ biết
rằng chính quyền hiện tại chẳng đại diện cho một ai và hậu quả là tình trạng vô
cùng bi thảm về chính trị cũng như quân sự. Nói chiến tranh thì chẳng ra chiến
tranh, nói thương thuyết thì lại càng nhục nhã, chỉ có Mỹ với Hà Nội mà không
ai đếm xỉa tới chính phủ Sài Gòn. Bởi vậy, chúng ta bắt buộc phải có một Quốc hội,
một chính quyền dân cử, tạo một khuôn mặt quốc gia cho đúng nghĩa một Quốc Gia,
việc chiến hay hoà là do nơi Quốc hội. Nếu tiếp tục chiến tranh thì lúc đó mới
đúng nghĩa là một cuộc chiến tranh và nếu thương thuyết thì đó đúng là một cuộc
thương thuyết nghĩa là chúng ta đã có một ưu thế.
Phải ngồi trên chiếc xe lúc đó mới nói tới
chuyện lái tới hoặc lui. Đó là phải cho có một Quốc hội.Và tôi cũng không dại
gì đính chính là không muốn thương thuyết để mang lấy tiếng hiếu chiến.
Khi nhắc đến giải pháp
Trung Lập mà có người nghĩ rằng đó là chủ trương tương lai của Phật giáo, Thượng
toạ Trí Quang nói:
--
Nếu có thương thuyết để tiến tới giải pháp trung lập thì nền trung lập đó phải
như thế nào. Người liều lĩnh nhất cũng không thể chấp nhận một hoàn cảnh như
Lào. Pathet Lào trướcđó là một phe nổi loạn, hiệp ước đình chiến 62 ở Lào là một
công khai chấp nhận cuộc chiến tranh đó, Pathet Lào đương nhiên được hợp thức
hoá và lại tiếp tục chiến đấu và thực sự không có một nền trung lập ở Lào.
Như Việt Nam với tình trạng hiện giờ, một
ký kết như thế là đương nhiên chấp nhận Việt Cộng và chỉ trong sáu tháng là miền
Nam rơi vào tay họ. Bởi vậy tôi vẫn nghĩ phải có chiếc xe cái đã, một Quốc hội
được đa số dân chúng đi bầu, đến lúc đó hãy tính xa hơn. Mọi dự đoán trước theo
tôi là quá sớm.
MỘT QUỐC HỘI KHÓ KHĂN
Khi đề cập tới những khó khăn của một Quốc
hội sắp tới: Cộng sản, Chính quyền hiện tại và người Mỹ; Thượng toạ cho rằng:
--
Hơn ai hết, người dân quê Việt Nam đã có kinh nghiệm Cộng sản là thế nào rồi và
họ biết rõ ai là Cộng sản ai không. Bởi vậy không đáng lo ngại sự xâm nhập của
Việt cộng vào Quốc hội.
Còn
về phía chính quyền, Phật giáo đã giữ đúng lời hứa và để cho chính quyền có cơ
hội thực hiện lời cam kết của mình với dân chúng về vấn đề Quốc hội. Nếu là một
chính quyền thiện chí họ hãy tỏ thiện chí đó trong việc đi tới một Quốc hội. Nếu
chính quyền phản bội thì không những lịch sử sẽ phán xét họ mà chính dân chúng
sẽ có ngay phản ứng. Việc duy trì chính phủ hiện thời cho tới ngày bầu Quốc hội
cũng là một cách để những tướng lãnh phản bội âm mưu phá hoại không có cơ hội lẩn
tránh hèn nhát những trách nhiệm mà họ gây ra trước lịch sử.
Còn người Mỹ thực tâm muốn miền Nam có một
Quốc hội hay họ muốn ngăn cản, điều đó chưa thể đo lường được, nhưng điều quan
trọng là chúng ta phải tin ở mình và không nên có những hành động làm cho người
Mỹ khiếp sợ.
CÁC TƯỚNG LÃNH SAU QUỐC
HỘI
Khi đề cập đến vai trò các tướng lãnh hiện
thời và sau ngày có Quốc hội, Thượng toạ Trí Quang nhận định:
--Nào
là tình trạng chiến tranh, nguy cơ của Cộng sản, các tướng lãnh kêu gọi dân
chúng, tôn giáo, đảng phái phải đoàn kết thì chính họ lại chia rẽ hơn ai hết. Họ
tranh giành quyền hành, thanh toán nhau vì quyền lợi và loại dần những tướng
lãnh có công khác. Nhưng trước sự chống đối của dân chúng, trước hiểm hoạ đe doạ
họ liên kết chặt chẽ hơn ai hết để bảo thủ quyền lợi và lũng đoạn dân chủ. Bởi
vậy mối băn khoăn chính của nhiều người là làm sao trả họ về vị trí thuần tuý
quân sự, gây lại sức mạnh uy tín và kỷ luật quân đội cùng phục hồi danh dự cho
những tướng lãnh có công khác.
Hiện thời người ta phải chứng kiến một trung ương các tướng lãnh chỉ âm mưu thanh toán nhau để tự đi đến chỗ đào thải. Tại các địa phương dân chúng vẫn dành nhiều cảm tình cho các tướng lãnh trong sạch có công với cách mạng tháng 11.Như trung tướng Đính được dân chúng miền Trung chấp nhận cũng ở trong trường hợp đó.
VỚI NGƯỜI MỸ
Cuộc tranh đấu cho Quốc hội vừa qua có pha
mùi Bài Mỹ khiến cho nhiều e ngại và
tự đặt ra nhiều giả thuyết về sự lợi dụng của Cộng sản. Với vai trò của người Mỹ
ở Việt Nam, Thượng toạ Trí Quang cho rằng:
-- Sau
cuộc cách mạng 63, người Mỹ được hưởng ở Việt Nam vô số lợi lộc: gia tăng gấp bội
quân số, chiếm được những căn cứ tốt như Đà Nẵng, Cam Ranh; được thêm cả nước
Thái Lan. Không chắc người Mỹ thực tâm muốn chống cộng tại Việt Nam, họ muốn
duy trì Cộng sản, duy trì cuộc chiến tranh này để thủ lợi. Vì nếu thực tâm người
Mỹ muốn, họ có thể làm khá hơn nhiều cục diện bây giờ bằng cách trợ giúp Việt
Nam vừa chống cộng vừa xây dựng những căn bản dân chủ hơn là nâng đỡ những
chính phủ tay sai. Điển hình là vụ Đà Nẵng vừa qua.
MỘT TRƯỜNG HỢP ĐÀ NẴNG
Theo Thượng toạ thì nhờ phước ông bà mới không xảy ra vụ đổ máu tại Đà Nẵng. Ngoài
trách nhiệm lỗi lầm của ông Kỳ trước lịch sử còn những trách nhiệm lớn lao của Mỹ.
Việc người Mỹ xử dụng những chiếc C130 để chở những tiểu đoàn Thuỷ quân Lục chiến
và xe tăng ra đàn áp phong trào dân chúng đấu tranh tại miền Trung là một lỗi lầm
không thể tha thứ, Thượng toạ nói:
-- Chỉ
cần một chút nữa là xẩy ra đổ máu lớn lao với trách nhiệm nặng nề về phía người
Mỹ. Lịch sử Mỹ Thế kỷ Hai Mươi sẽ có ba vết nhơ: ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản,
đàn áp nền cộng hoà San Domingo và vết nhơ thứ ba là vụ Đà Nẵng.
MỘT CHÍNH PHỦ PHẬT GIÁO
Khi nhắc tới nhận định của Tuần báo
Newsweek cho rằng sở dĩ Thượng toạ Trí Quang đòi bầu cử gấp rút một Quốc hội vì
ông tin rằng tổ chức Phật giáo sẽ thắng thế trong cuộc bầu cử đó và chính phủ
tương lai sẽ là một chính phù Phật giáo với bàn tay chi phối trực tiếp của Chùa
chiền, Thích Trí Quang đã phủ nhận mạnh mẽ ý kiến đó và bày tỏ rằng:
-- Quan
niệm đó không những không có lợi gì mà còn làm mất Danh Dự của Phật giáo. Tôi
hoàn toàn không mong muốn như vậy. Kinh nghiệm cho thấy với những chính phủ tạm
thời dù được hậu thuẫn của tôn giáo này hay tôn giáo khác chỉ cần những cuộc biểu
tình vài trăm người cũng đủ xụp đổ. Như một chính phủ thành lập do hậu thuẫn của
Phật giáo sẽ gặp ngay những khó khăn với các tôn giáo bạn, không làm được việc
gì mà chính Phật giáo lại mang tiếng. Bởi vậy Phật giáo không bao giờ muốn tái
diễn những lỗi lầm của thời ông Diệm.
Tranh đấu cho Quốc hội, Phật giáo chỉ muốn
xây dựng một cái gì thực sự cho quốc gia dân tộc trong đó không phải chỉ có những
Phật tử mà là cả những thành phân Tôn giáo bạn và các tầng lớp dân chúng.
Quốc
hội, Chính phủ sẽ không đại diện cho một ưu thế riêng nào mà là đại diện xứng
đáng của dân chúng.
CHIẾN TRANH TÔN GIÁO
Rối loạn tháng Tám năm
1964 với những vụ thảm sát trong thành phố vẫn là ám ảnh đen tối trong đầu óc
nhiều người. Sự cọ sát giữa hai tôn giáo trong những ngày gần đây làm thức dậy
nỗi ám ảnh đó. Viễn tượng một cuộc chiến tranh tôn giáo đã được một số báo chí
e ngại nhắc tới. Theo ý Thượng toạ sự thật sự đe doạ đó như thế nào. Thích Trí
Quang cho rằng:
-- Sự
e ngại đó quá đáng và không thể nào có. Những đáng tiếc hồi tháng Tám là do âm
mưu của Nguyễn Khánh, hoàn toàn ngoài ý muốn của các vị lãnh tụ Tôn giáo. Khi
phải tiếp xúc cới những vị lãnh đạo tôn giáo bạn, tôi có nói rằng chẳng thà thực
sự có một cuộc chiến tranh tôn giáo vì quyền lợi hai phía; nhưng mâu thuẫn quyền
lợi đó hoàn toàn không có. Bởi vậy không vì lý do gì để xảy ra những điều đáng
tiếc mà nguyên nhân chỉ tại một anh tướng Kaki đứng ở giữa.
TÍN ĐỒ HAY CÔNG DÂN
Việc tiến tới Quốc hội
Lập hiến một cách nhanh chóng là công của Phật giáo, nhiều người nghĩ như vậy.Đó
là điều mà Thượng toạ Trí Quang không muốn. Ông nói:
-- Một
phong trào đấu tranh có màu tôn giáo sẽ gặp nhiều khó khăn, tự nó gây ra những
mặc cảm thắng bại nơi các tôn giáo bạn. Bởi vậy tôi vẫn muốn các phong trào
tranh đấu dân chủ phát xuất tự quần chúng không mang màu sắc tôn giáo, nếu có lợi
cho tổ quốc, Phật giáo sẽ đứng sau hậu thuẫn. Trong cuộc xáo trộn vừa qua, khi
gặp các Đại diện Hội đồng Đô Thành, tôi có nói: quý vị là đại diện cho các tầng
lớp dân chúng, nếu chính quý vị đứng ra tranh đấu cho Quốc hội, Phật giáo sẽ đứng
sau ủng hộ quý vị. Và trong thâm tâm tôi mong muốn như vậy.
Sau khi tỏ ý không tin
tưởng vào thực lực các đảng phái quốc gia, Thượng toạ cho rằng vai trò tranh đấu
cho tự do dân chủ chính là bổn phận của thanh niên sinh viên chứ không phải của
Phật giáo hay một tôn giáo nào. Thượng toạ nói:
-- Tôi
hiểu rằng khi các anh em sinh viên tham dự cuộc tranh đấu chống ông Diệm năm
1963, anh em nhìn các vị Thượng toạ hồi đó khác bây giờ. Tôi muốn được giữ
nguyên cái nhìn lúc trước, bởi vậy tôi muốn Phật giáo cũng như các tôn giáo bạn
được trở về vị trí của mình. Phật giáo bất đắc dĩ phải đứng ra lãnh đạo các cuộc
đấu tranh là một điều tôi thấy rất chướng.
Nguyệt san Tình Thương số 29: 4
trang 2-3-4-5 đăng trọn vẹn
cuộc phỏng vấn Thích Trí Quang ngày 05.05.1966 tại Chùa Từ Đàm Huế
cuộc phỏng vấn Thích Trí Quang ngày 05.05.1966 tại Chùa Từ Đàm Huế
[nguồn: tư liệu của Trần Hoài Thư,
Thư Quán Bản Thảo]
NIỀM TIN TẤT THẮNG
Trái hẳn với triết lý nhà Phật hiểu theo
nghĩa thông thường là xuất thế và yếm thế, Thượng toạ Thích Trí Quang mang
khuôn mặt của một nhà tu hành mới: một Nhà-Sư-Dấn-Thân, dấn thân vào tất cả những
biến động xã hội, dùng tất cả những uy tín và quyền năng sẵn có để lèo lái tới
một cảnh đời thích hợp với sự phát triển của đạo giáo.
Với con mắt nhận xét tinh tế về thời cơ
đúng lúc, với niềm kiêu hãnh cao độ về nhân cách Á Đông của mình cộng thêm với
tinh thần quốc gia cực đoan cố hữu, triết lý hành động kỳ lạ của Thích Trí
Quang ở nơi niềm tin sắt đá về sự tất thắng trong mọi mưu lược tranh đấu. Tên
ông đồng nghĩa với những âm mưu nhưng chính ông muốn đối thủ phải kính trọng cái
nhân cách Á Đông của mình nên mọi hành động của ông đều được báo trước. Thượng
toạ nói:
-- Nhiều
người gán cho tôi mối liên hệ mật thiết với ông Lodge, sự thật không có. Với
ông Lodge hay Taylor (3) cũng vậy, mỗi lần tranh đấu tôi đều gặp, nói cho họ biết
lập trường của Phật giáo thế nào, còn người Mỹ muốn sao tuỳ họ. Tôi hành động đều
có báo trước ít nhất là 24 tiếng. Như vụ tranh đâu gần đây tôi chỉ gặp ông
Lodge có một lần, nói rõ lập trường của Phật giáo về Quốc hội. Ông ta nói Thượng
toạ nên nghĩ lại. Tôi chỉ cười và trả lời đã nghĩ rồi. Có vậy thôi. Còn dư luận
cho rằng ông Kỳ đã gặp tôi trước vụ hạ Trung tướng Thi là hoàn toàn bịa đặt. Tôi
chưa hề gặp ông Nguyễn Cao Kỳ một lần nào.
LÁ VÀNG VÀ GIÓ LỐC
Có lá vàng thì phải có
gió lốc. Đó là câu so sánh của Thượng toạ Trí Quang với hiện tình người Mỹ và Cộng
sản:
-- Lá
vàng đó là Cộng sản, và gió lốc chính là người Mỹ. Muốn chống Cộng thì phải cần tới người Mỹ, thế thôi. Đối
với tôi, những ảnh hưởng ngoại lai chỉ nên dùng như những phương tiện chứ bảo
chấp nhận thì không.
Đề cập tới sự nguy hiểm
của Cộng sản, ông nói họ không phải chỉ là những chiếc lá vàng làm nhớp nhà mà
là những chiếc lá vàng có đóng đinh.
Vì khía cạnh chống Mỹ
trong các phong trào tranh đấu vừa qua của Phật giáo, có báo ngoại quốc cho rằng
Thượng toạ Trí Quang muốn đuổi Mỹ. Thượng toạ nói:
-- Người
Mỹ rất ngờ nghệch, họ không phân biệt được giữa Bài Mỹ và Chống Mỹ. Bài Mỹ là một
thái độ thù ghét đương nhiên, dù người Mỹ có làm hay đến đâu cũng vẫn bị ghét bỏ,
có khi lại còn thù ghét hơn. Trong khi Chống Mỹ là một thái độ phản kháng xây dựng.
Bởi quan niệm hai người cùng ngồi trên một chiếc xe, thấy người kia lái bậy thì
người nọ phải giành lấy mà lái nếu không muốn rớt xuống hố. Các phong trào vừa
qua không mang tính chất bài Mỹ mà là chống Mỹ; chống Mỹ đã ngăn cản việc đi tới
Quốc hội, chống Mỹ đã hậu thuẫn những chính phủ tay sai thối nát, chống Mỹ đã
giúp phương tiện đàn áp Đà Nẵng.
Thì ra thái độ của Thượng
toạ là muốn cảnh giác người Mỹ. Cơn gió lốc phải được thổi đúng hướng, không phải
làm bay những niềm tin mà là bốc sạch đám lá vàng có đóng đinh là Cộng sản.
PHẠM ĐÌNH
VY
NGÔ THẾ
VINH
Huế 05.05.1966
[Trích
Nguyệt san Tình Thương, số 29, 1966]
Ghi chú:
1/
Only Religions Count in Vietnam: Thich
Tri Quang and the Vietnam War. James McAllister;
Department of Political Science, Williams College, Williamstown, MA 01267
2/ A Talk with Thich Trí Quang. McCulloch,
James Wilde. Time Magazine, April 22,
1966 | Vol. 87 No.
3/
Henry Cabot Lodge, Đại sứ Hoa kỳ tại Việt Nam 1963-1964.Maxwell D. Taylor, Đại
sứ Hoa kỳ tại Việt Nam 1964-1965
4/
Hành Trình Tình Thương. Trần Hoài Thư, Thư Quán Bản Thảo, số 74, Tháng 4, 2017
5/
Phạm Đình Vy, nguyên chủ nhiệm Tình Thương 1964-1967, bác sĩ Thuỷ Quân Lục chiến
VNCH, sau tù cải tạo 3 năm vượt biển, sang định cư và hành nghề y khoa tại
Pháp.
TS. DƯƠNG THIỆU TỐNG * CHỈ SỐ GIÁO DỤC
Chỉ số giáo dục Việt Nam: cao hay thấp?
TT - Tỉ lệ biết chữ không phải chỉ là tỉ lệ biết đọc, biết viết như ta
thường quan niệm cách đây trên nửa thế kỷ, mà thật sự nó là một loại đo
lường mức dân trí của một nước, được phản ánh qua chỉ số giáo dục. Chỉ
số giáo dục là một trong ba chỉ số được dùng để xác định chỉ số phát
triển con người (HDI).
Tỉ lệ biết chữ ở bậc THPT trở lên càng cao thì mới càng đáng mừng. Trong ảnh: học sinh Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
TT - Tỉ lệ biết chữ không phải chỉ là tỉ lệ biết đọc, biết viết như ta
thường quan niệm cách đây trên nửa thế kỷ, mà thật sự nó là một loại đo
lường mức dân trí của một nước, được phản ánh qua chỉ số giáo dục. Chỉ
số giáo dục là một trong ba chỉ số được dùng để xác định chỉ số phát
triển con người (HDI).
Hiện tại, nó là một trong các loại chỉ báo (indicator) cho biết nền giáo
dục của một nước có khả năng tạo nên sản phẩm thích ứng với sự hội nhập
quốc tế về các mặt kinh tế, văn hóa và xã hội hay không.
Báo Tuổi Trẻ đã công bố chỉ số phát triển con người (Human Development Index - HDI) của VN,
theo tài liệu của Liên Hiệp Quốc, đồng thời nêu lên “sự suy giảm đáng
kể” ở nước ta về chỉ số giáo dục, về tỉ lệ biết chữ trong năm 2004 so
với năm 2003.
Trước khi bàn về chỉ số phát triển con người nói chung và chỉ số giáo
dục VN nói riêng, ta cần phải lưu ý rằng các chỉ số được đăng trên báo
gần đây không phải là những chỉ số của năm 2004 hay 2003, mà là của các
năm 2001 và 2002 được công bố vào các năm 2003, 2004.
Hơn nữa, ta cần phải biết rằng các chỉ số khác biệt giữa năm này với năm
kia không nói lên sự tăng hay giảm, vì cách tính toán các chỉ số ấy
luôn thay đổi theo từng năm.
Vì vậy một báo cáo về HDI trong năm 2004 (Health Systems Trust,
21-7-2004) đã cảnh giác rằng ta không nên so sánh năm này với năm kia mà
chỉ cần so sánh chỉ số của các quốc gia với nhau theo cùng thời kỳ và
từ cùng một nguồn xuất xứ mà thôi.
Như vậy ta không thể nói tỉ lệ biết chữ của người lớn ở VN đã giảm từ
92,7% (2003) xuống còn 90,3 % (2004), từ đó kéo chỉ số giáo dục của VN
từ 0,83 xuống chỉ còn 0,82 (2004).
Điều mà ta có thể rút ra từ các dữ liệu thống kê về HDI được công bố năm
2004 là: so sánh chỉ số giáo dục (education index) tại các nước châu Á,
chúng ta thua kém Hàn Quốc (0,97), Nhật Bản (0,94), Singapore (0,91),
Philippines (0,89), Brunei (0,87), Hong Kong (0,86), Malaysia (0,83),
Thái Lan (0,86), Trung Quốc (0,83) và chỉ cao hơn Indonesia (0,80),
Campuchia (0,66), Myanmar (0,73) và Lào (0,64) mà thôi.
Nhưng chỉ số giáo dục là gì? Theo các báo cáo phát triển con người, chỉ
số giáo dục là một trong ba chỉ số được dùng để xác định HDI: sống lâu,
sống khỏe, có kiến thức và có mức sống đầy đủ.
Chỉ số giáo dục được xây dựng trên tỉ lệ biết chữ của người lớn (từ 15
tuổi trở lên) và trên tỉ lệ ghi danh theo học các bậc tiểu học, trung
học và đại học gộp lại.
Nhưng tỉ lệ biết chữ chiếm 2/3 hệ số, trong khi tỉ lệ ghi danh ở tiểu,
trung và đại học chỉ chiếm 1/3 mà thôi. Nói cách khác, căn bản quan
trọng để tính toán chỉ số giáo dục giữa các quốc gia là tỉ lệ biết chữ.
Tỉ lệ biết chữ này của VN trong năm 2002 là 90,3, nghĩa là dưới Trung
Quốc (90,9), Singapore (92,5), Thái Lan (92,6), Philippines (92,6), Hong
Kong (93,5), Brunei (93,9) và Hàn Quốc (97,9).
Tỉ lệ biết chữ là gì? Tỉ lệ biết chữ không có nghĩa đơn giản là tỉ lệ biết đọc biết viết.
Theo định nghĩa khái niệm “kỹ năng biết chữ của người lớn” trong cuộc
khảo sát quốc tế về tình trạng biết chữ của người trưởng thành được thực
hiện từ 1994 - 1998 (IALS, International Adult Literacy Survey), nó có
nghĩa là “sự hiểu biết và khả năng sử dụng thông tin để có thể vận dụng
một cách hiệu quả các kiến thức đòi hỏi trong một xã hội tri thức của
thế kỷ 21”.
Nói cách khác, biết chữ có nghĩa là kiến thức và kỹ năng xử lý thông tin
mà con người cần phải có khi đọc các tài liệu thường gặp hằng ngày
trong công việc làm, ở gia đình hay trong cộng đồng.
Khi thực hiện cuộc khảo sát này để tính tỉ lệ biết chữ của một nước,
người ta không đo lường cá nhân về kiến thức lý thuyết hay khả năng nhớ
thuộc lòng các thông tin, mà chỉ khảo sát khả năng triển khai và giải
thích ý nghĩa của các tài liệu dưới nhiều dạng khác nhau: văn xuôi, văn
vần, các tài liệu hướng dẫn, các thông báo, biểu mẫu xin việc, bảng biểu
thống kê, tài liệu định lượng, các tính toán...
Căn cứ trên điểm số các thang đo lường ấy, người ta phân chia dân chúng
trong mỗi nước theo các mức biết chữ và tính tỉ lệ trong từng mức, từ 1
(thấp nhất) đến 5 (cao nhất).
Mức 3 đòi hỏi kỹ năng tương đương với tốt nghiệp THPT và năm đầu đại học.
Mức 4 và 5 đòi hỏi kỹ năng xử lý thông tin cao hơn, tương đương với trình độ đại học.
Như vậy, nếu tỉ lệ biết chữ ở nước ta là 90,3% (2002), tức vào hàng thứ 8
trong 14 nước châu Á, điều này cũng chưa đủ để nói lên chất lượng nền
giáo dục nước ta, nếu ta chưa biết được tỉ lệ phần trăm số người ở mỗi
mức biết chữ, trong năm mức nói trên, ở lớp tuổi 15 - 65.
Hiện nay, dường như chưa có dữ kiện thống kê nào cho biết được các tỉ lệ
này ở nước ta. Điều mà ta mong mỏi đạt tới không phải là tỉ lệ biết chữ
92,7% như trước năm 2002, hay thậm chí 97,9% như ở Hàn Quốc, nếu tỉ lệ
ấy gồm đa số người dân ở mức 1, nghĩa là mức biết chữ thấp nhất.
Điều mà ta mong mỏi là tỉ lệ cao ở mức biết chữ từ bậc 3 trở lên, tức là
trình độ học vấn tương đương THPT. Đó là mức dân trí cần thiết mà các
nước đang cố gắng đạt đến trong nền kinh tế tri thức toàn cầu.
Thế nhưng nhìn trở lại bảng dữ kiện về chỉ số phát triển con người trong
báo cáo 2004, ta thấy tỉ lệ phần trăm ghi danh theo học từ bậc tiểu học
lên đến đại học ở nước ta chỉ là 64%, tức đứng vào hàng 11 trong 14
nước châu Á!
Nếu tình trạng thu nhận học sinh và sinh viên theo từng lớp tuổi ở nước
ta không được cải thiện, nhất là ở bậc THPT và đại học, trong tương lai
dù tỉ lệ biết chữ có tăng lên kéo theo sự gia tăng chỉ số giáo dục,
nhưng đa số dân chúng còn ở mức độ biết chữ thấp, điều đó cũng không
khiến ta lạc quan và cũng không nói lên được sự gia tăng về chất lượng
của nền giáo dục nước ta, hay khả năng đáp ứng của nó trong nền kinh tế
tri thức toàn cầu.
TS DƯƠNG THIỆU TỐNG
Tổng quan tôi có thể xác định rằng:
Đây là hai tác phẩm tuy là đầu tay của một tác giả, về hình thức thì nhỏ nhoi, như nhiều người nhận định, về văn phong thì thuộc thế hệ văn chương cổ điển vì ảnh hưởng của thời gian xuất hiện, nhứt là Nho Phong, nhưng kết quả của chúng rất to lớn… Nhất Linh đã từ căn bản đó suy nghĩ thêm về những ý tưởng mới lóe ra và cải tiến cách viết lách của mình sau nầy từ đó tạo nên một giai đoạn văn học lớn cho tiểu thuyết Việt Nam trước thế chiến đó là thế hệ 1913-1932 hay là thế hệ của Tự Lực Văn Đoàn
Nho Phong[5]
Hình như đây là tác phẩm duy nhứt của nhà văn Nhất Linh được ký tên thiệt: Nguyễn Tường Tam. Ký tên thiệt vì lúc đó có thể là ông chưa quyết định chắc nịch sẽ đi theo luôn con đường văn nghệ bằng sáng tác. Nó như là tác phẩm được phóng ra bởi một người thanh niên mới bước vào đời thấy mình cần viết cái gì đó theo cách nhìn của mình về cuộc đời nầy. Nó thể hiện cái ưu tư và ước vọng của người muốn nói lên điều mình suy nghĩ để trình bày ra với đời. Tôi chắc chắn rằng yếu tố làm văn chươngít hơn yếu tố bày tỏ tư trưởng trong tác phẩm nầy. Cái hay là Nhất Linh tuy vậy đã chọn con đường viết truyện dài bằng văn xuôi, và viết rất mới ở nhiều điểm, trong khi ông còn có khả năng khác như hội họa, viết nghiên cứu văn chương và nhứt là sinh hoạt đảng phái làm chánh trị như ta thấy sau nầy, …
Nguyễn Tường Tam in sách năm 1926 trong khi trước đó độ chừng 10 năm thôi, ở trong Nam, Hồ Biểu Chánh viết quyển U Tình Lục cũng ký tên thiệt là Hồ Văn Trung, một quyển tiểu thuyết hoàn toàn chịu ảnh hưởng của những nhà văn viết bằng chữ Nôm thế kỷ trước, một ảnh hưởng quá đậm về mặt hình thức. Đó là thể truyện thơ lục bát.
U Tình Lục và Nho Phong đều nói đến cuộc đời của một người con gái, do tình yêu mà chịu đựng những khó khăn sâu đậm trong đời. Nguyễn Tường Tam viết bằng văn xuôi và ít tình tiết, trong khi Hồ Văn Trung viết bằng văn vần lại đưa ra nhiều chi tiết nhỏ nhặt trong tác phẩm của mình.
Nho Phong dễ đọc dễ hiểu hơn, dĩ nhiên, người đọc cũng dễ thấy tâm tình và thái độ của nhân vật, UTình Lục tuy tác giả sử dụng thuần nhuyễn những nhóm chữ chịu ảnh hưởng của Trung Hoa nhưng người đọc vẫn khó khăn lắm mới thấy rõ những gì mà nhân vật suy nghĩ. Về sau, gần như đồng thời với Nho Phong của Nguyễn Tường Tam, Hồ Biểu Chánh viết Ai Làm Được. Tác phẩm nầy về phương diện văn phong và cách tạo truyện mới hơn Nho Phong rất nhiều nên được chào đón nồng nhiệt ở trong Nam… Nhưng đó là chuyện khác.
Do vậy sự lựa chọn thể văn xuôi của Nguyễn Tường Tam là sự lựa chọn sáng suốt, điều đó rất quan trọng đối với văn nghiệp của ông cũng như đối với sự lớn mạnh của văn học Việt Nam thế hệ 1913-1932.
Dĩ nhiên con đường viết bằng văn xuôi sau năm 1920 không phải là sáng kiến đầu tiên của Nguyễn Tường Tam, nhiều người trước đã vạch rồi, nhưng sự đi theo sáng suốt và với tinh thần cải tiến cũng cần được ghi nhận, chúng ta hãy tưởng tượng Nguyễn Tường Tam mà viết truyện dài bằng thơ như Phan Chu Trinh viết Giai Nhân Kỳ Ngộ Diễn Ca (1915-1917) thì sau nầy chắc chắn ta không có phong trào đổi mới văn chương và đổi mới sáng tác của nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Và văn học Việt Nam thiệt thòi biết là bao nhiêu!
Đó là một giả sử thôi nhưng chắc chắn rằng hậu quả sẽ như vậy nếu có….
Nho Phong nói về cuộc đời của Lê Nương, một phụ nữ gia giáo con một ông phủ hồi hưu nhưng nghèo khó và cô thế. Cạnh bên nhà ông phủ có thư sinh tên Dương Văn. Dương Văn nhận thấy Lê Nương đẹp đẽ, đảm đang và thùy mỵ nên đem lòng yêu mến và được đáp lại. Trước khi qua đời, cha Lê Nương kêu mẹ của Dương Văn tới ủy thác cô con gái của mình cho bà, mong bà cưới Lê Nương cho con trai bà. Sau khi cha mất, Lê Nương phải về ở với người chú, ông chú nầy quyết tâm gả cháu cho một thanh niên nhà giàu mà Lê Nương không yêu, bị cháu quyết liệt từ chối đám nầy, người chú cuối cùng phải bỏ cuộc.
Sau nhiều gian truân, Lê Nương và Dương Văn lấy được nhau. Nỗi khổ bắt đầu từ đây vì nhà nghèo, thiếu nợ do những đám ma chay, chỉ có mỗi người vợ lo buôn bán nhỏ, người chồng là hàn sĩ chỉ dài lưng tốn vải, không phù hợp với thực tế của cuộc sống nên gia đình càng ngày càng nghèo khổ trong thời gian Dương Văn thi 10 năm không đậu. Người vợ tần tảo quá sức, lao tâm cực trí nên bệnh nặng, khi bà gần kiệt lực thì được tin chồng thi đậu thủ khoa….
Chuyện chấm dứt ở đây. Tác giả không nói rõ Lê Nương thoát khỏi cơn bịnh hay không. Nàng sống hay chết sau đó. Nhưng điều quan trọng không nằm ở chỗ kết thúc mà nằm ở những chỗ khác mà tác giả muốn gởi gắm...
Vì là con người của Nho phong nên Dương Văn thương nhớ thích muốn cô bạn gái láng giềng theo phong cách thiệt là “Nho phong”, anh thấy bóng hoa thấp thoáng, dáng liễu thanh tân (trg 8), để mơ mộng chớ không thấy những gì lồ lộ, rõ ràng, ngộp mắt, ggợi cảm tình dục để rồi tìm cách qua nhà nhiều lần… nhưng Dương Văn chẳng dám liếc mắt đưa tình gì, cũng chẳng dám “lần khân” như Kim Trọng để bị người tình quở bằng cách kê tủ đứng: … trên bộc trong dâu/ thì con người ấy ai cầu làm chi mà chỉ giả bộ hỏi sách làm bài với cụ cựu phủ. Nàng thì e lệ chiều thu dễ khiến nét thu ngại ngùng (trg 11).
Tóm lại: Tình yêu hai người trẻ nầy trong vòng lễ giáo và tương kính của con người Nho phong.
Trong khi ở Miền Nam, ca dao tuy diễn tả sự thương nhớ cách khác nhưng tình cảm và thái độ cũng giống như vậy, cũng muốn thấy mặt, mong mỏi được đến gần nhưng khớp trước đối tượng:
Anh thả ghe câu lên xuống mấy lần
Thương em đứt ruột nhưng đến gần lại run.
Nho Phong, như tựa đề là tính cách Nho phong của những nhân vật chánh trong truyện:
-Ông Phủ về hưu nghèo nàn vì suốt đời làm quan cai trị dân với tình thương dân và lòng tự trọng của mình.
- Bà Huấn, mẹ của Dương Văn, là người đàn bà nhân từ, tự trọng giúp người khi thấy họ khổ dầu mình chẳng dư dả gì.
- Cặp trai tài gái sắc Dương Văn và Lê Nương, tình yêu tràn đầy nhưng chưa bao giờ đi ra ngoài lễ giáo. (So sánh với cặp nhân tình trong U Tình Lục thì khác xa, nàng có bầu vì ăn cơm trước kẻng.)
- Cuộc đời sau nầy của họ khi đã thành vợ chồng cũng thế, cuộc đời người vợ là phụ nữ chăm chỉ làm ăn để nuôi chồng con, cháu, cuộc đời người chồng là quyết chí đèn sách dạy học, sống đời lương thiện chỉ mong thoái cảnh khổ bằng việc đỗ đạt..
Ta không thấy lời oán trách nào về trời, về người, về xã hội của cặp vợ chồng nầy dầu lâm vào cảnh nghèo đến tận cùng, khổ sở hết sức vì nhà có tang mà hết cả tiền, chỗ vay lại không phải dễ… những điều xé lòng như gặp bà con giàu khinh khi, gặp người có tiền bạc vu oan giá họa…
Những nội dung và thái độ con người như nói trên không mới, cũng là thoát thai từ quan niệm Nho giáo và chịu ảnh hưởng từ những gì tác giả học hỏi được từ sự giáo dục của nước ta cuối thề kỷ 19 đầu thế kỷ 20.
Có thể rằng Nguyễn Tường Tam nhận chân rằng những điều đó ông đã diễn tả lờ mờ nên ông đã chuyển cách viết sang thể mạnh dạng hơn, điều đó thể hiện trong tác phẩm Người Quay Tơ[6].
Người Quay Tơ: Cùng một số phận hẩm hiu ít được nói tới nhưng tác phẩm nầy có cái may riêng. Nhà xuất bản Ngày Nay của Nhất Linh sau năm 1954 có bản in trước đó nên đã in lại ở Sàigòn. Chúng tôi không có bản in đầu tiên của nhà Nghiêm Hàm ấn quán, Hà nội năm 1927 nên không biết được bản in mới sau nầy có sửa đổi văn chương chữ nghĩa của bản cũ hay không, nhưng điều nhận xét đầu tiên của với tánh cách người đọc là văn phong ở đây rất mới, chữ dùng đã không còn rất đặc trưng của miền Bắc nữa, chữ đã chuẩn hơn nhiều. Xin chỉ chú ý đến ý tưởng trong quyển nầy và bỏ qua chuyện câu văn cùng là chữ dùng.
Người Quay Tơ là một tập truyện ngắn đa dạng:
1. Ngươi quay tơ . 2. Nô lệ. 3. Chiến tranh. 4. Giấc mộng Từ Lâm. 5. Sư Bác chùa Kênh. 6. Làm Gì Mà Băn Khoăn thế? 7. Vuông Vải Trắng… (các truyện khác hoặc là dịch truyện xưa, hoặc dịch truyện ngoại quốc, không cần để ý.) Vậy thì đây là một tập truyện ngắn, mỗi truyện dài trên dưới 10 trang. Tổng quan ta có thể thấy nhiều điều tác giả muốn nói:
- Tuy là người tu hành nhưng chưa chắc đã hết lòng trần tục. Tiền tài vẫn là điều hấp dẫn. Khi có tiền rồi người ta sa đà vô đó và đi tới mục tiêu khác nữa hầu tìm danh vọng, như chánh trị chẳng hạn. (Sư Bác Chùa Kênh.)
- Người khôn lanh và biết lợi dụng thế lực rồi sẽ đè đầu đè cổ kẻ cô thế thiếu những thủ đoạn. Cuối cùng kẻ giảo quyệt lên làm chủ, người hiền từ, tính toán đơn giản, tin người… sẽ làm tôi mọi cho lớp người khôn lanh nói trên. (Nô Lệ.)
…
Mỗi truyện là một đề tài là một vấn đề xã hội cần phải thủ tiêu hay ít nhứt là cải cách.
Điều đặc biệt là tác phẩm nầy in sau quyển Nho Phong có 1 năm thôi nhưng văn phong đã khác xa, rõ ràng, không sáo mòn từ ngữ cũ, câu cú xưa không còn vết tích, nếu trích 1 đoạn đưa cho người chưa đọc qua bao giờ thì họ dễ dàng nói đó là văn mới sau ngày đất nước bị chia hai[7].
Vũ Ngọc Phan nhận định : Nho Phong, là một truyện cổ bình thường, có tính cách trung hậu như hàng trăm truyện cổ nước ta, Cách hành văn của Nguyễn Tường Tam .. còn cổ lỗ. Ông còn đẽo gọt câu văn cho thật kêu, cho thất du dương và dùng rất nhiều chữ sáo.
Hãy xem ông viết:
Lệ Nương năm ấy tuổi mới tăng tròn (trg 1). Như bông hoa thấp thoáng, dáng liễu thanh tân, làm cho chàng cũng phen man mác trong lòng (trg 8). Những lúc ấy thì tơ tầm bối rối (trg 11). Thấy vườn bên kia bóng đèn thấp thoáng mà chiều xuân dễ khiến nét thu ngại ngùng (trg 12). Tóc nàng không năng trải trông bối rối như mây thu (trg 13). Đôi mắt gặp nhau, làn thu ba như nhuộm vẻ sầu (trg 14). Nếu cụ trông thấy cảnh song trăng quạnh quẽ, vách mưa rã rời… (trg 32). Lúc đi là hàn nho, lúc về biết đâu không ông Cống ông Nghè chi đài các (trg 120)…[8]
Phạm Thế Ngũ nói không khác gì hơn:
Nho Phong là câu chuyện ái tình lý tưởng theo kiểu truyện Nôm xưa…. Nguyễn Tường Tam còn chịu ảnh hưởng đậm đà của Nho giáo, Nho phong…. Tư tưởng trung hiếu tiết nghĩa, sự rung động của tâm hồn trước những vẻ đẹp tưởng như bất biến của đạo Nho.. Về kỹ thuật: giảng giải dài dòng về thế sự nhân tình, kết luận bằng nhận xét luân lý cho rõ rệt trước khi chấm dứt. Câu văn gọt dũa, uốn nắn, lấy sáo làm đẹp cái sáo của văn Kiều… (448-449)[9]
Vũ Ngọc Phan sau khi phê bình đã biện luận rất thuyết phục cho sự kiện cổ lỗ nầy của Nguyễn Trường Tam:
Vũ Ngọc Phan nói đúng, chính người thanh niên đó tiến bộ trong những tác phẩm sau đó và nhứt là đã tạo sự tiến bộ trong lối viết tiểu thuyết của nước ta sau đó nhờ công của ông trong việc thành lập và điều khiển một văn đoàn.
Vấn đề quan trọng là tuy nhận rằng hai tác phẩm trên xưa nhưng Vũ Ngọc Phan cũng như Phạm Thế Ngũ đều đồng ý rằng tiểu thuyết của Nhất Linh tiến hóa:
Đọc Nhất Linh từ trước đến nay người ta thấy tiểu thuyết của ông tiến hóa rất mau. Từ cái lối còn cổ lỗ như Nho Phong , tiểu thuyết của ông đi vào loại tình cảm, rồi đi thẳng vào lối tiểu thuyết luận đề là một lối rất mới ở nước ta[10].
Đúng . Có một sự tiến hóa theo tôi không chỉ có ích lợi cho văn nghiệp của ông để thành một nhà văn có thế giá trong một giai đoạn văn học nào đó mà sự tiến hóa đó làm đà cho sự tiến tới của văn chương Việt Nam vì nó là con tàu kéo theo những cách viết trực diện với đời sống của con người trong xã hội đương thời của những nhà văn thời Tự Lực Văn Đoàn và ngay cả những nhà văn thời sau đó nữa.
Trên mặt văn học con đường 10 năm của truyện dài VN như vậy là được bước bằng đôi hia thần thoại. Nó bỏ hình thức thơ lục bát để bước sang thể văn xuôi. Dĩ nhiên còn vướng víu những hình thức của râu ria cũ, người ta gọi là cổ lỗ, nhưng rồi sẽ được trau tria dần dần sau nầy, nhóm có công lớn là nhóm TLVĐ mà Nguyễn Tường Tam là người chủ soái.. . Để ý rằng sau đó không còn truyện dài bằng thơ có giá trị xuất hiện nữa, nếu có chăng thì là những tập thơ mỏng bình dân của những người viết vì những thôi thúc tài chánh hơn là theo tiếng gọi của văn chương và tư tưởng[11].ng mặt văn học là bước tiến vĩ đại của người chủ soái Tự Lực Văn Đoàn, bước tiến dài
Người Quay Tơ có thể không quan trọng về mặt văn chương[12] như i từ người viết truyện Nguyễn Tường Tam sang thành nhà văn Nhất Linh.
Hơn nửa thế kỷ qua từ ngày tôi đọc quyển nầy lần đầu tiên khi ghi tên theo học chứng chỉ mới mở lần đầu tiên ở trường ĐHVK Sàigòn năm 1961-1962 là Văn Chương Quốc Âm, cái cảm giác phải đọc cho hết quyển sách để biết coi Dương Văn thi đậu hay không và Lê Nương có qua khỏi cơn bịnh ngặt nghèo đối đầu với thần chết hay không lần nầy vẫn có.
Độc giả chỉ được trả lời có một: thi đậu, còn câu hỏi sau cũng là một bí ấn.
Cái bí ẩn đó là tài năng của người viết truyện Nguyễn Tường Tam. Sự tạo bí ẩn đó cùng với những yếu tố khác sau nầy là hạt giống gieo thành nhà văn kỳ tài Nhất Linh về nhiều phương diện, chẳng hạn như người đọc Đoạn Tuyệt nóng lòng theo dõi coi kết cuộc vụ án Loan giết chồng ngã ngủ ra sao, đời cô Loan sau đó như thế nào. Sự nóng lòng của độc giả khi cầm quyển truyện theo các nhà phê bình Tây phương là sự thành công của nhà văn...
Nhà văn thường được người đọc thấy tương lai văn nghiệp ngay trong tác phẩm đầu đời. Đọc xong, buông tác phẩm xuống phần nhiều họ sẽ nói, và nói rất đúng: Ông nầy tiến xa trên đường nghệ thuật nếu viết tiếp, hay ông nầy dầu viết thêm cả chục, cả trăm quyển nữa, theo đòi việc viết lách 3, 4 chục năm nữa thì cũng thế thôi. Có lượng mà không có phẩm, sau cùng, cái hình bóng rất nhỏ sẽ chìm vào trong đám đông, có mặt để cho người ta quên. Tôi không muốn nói ai nhưng hầu hết những cây viết trong Nam cuối thập niên 50 ở vào trường hợp nầy.
So sánh với Ai Làm Được của Hồ Biểu Chánh cùng thời kỳ thì thấy Hồ Biểu Chánh sức sáng tác mạnh hơn nhiều, về chi tiết trong truyện về văn (rõ ràng trong sáng hơn..) nhưng trong lịch sử văn học VN Nhất Linh nổi hơn nhiều do tác phẩm của ông thay đổi đột biến về mặt câu văn cũng như gắn bó trực tiếp đến những vấn đề trong đại của xã hội đương thời, Hồ Biểu Chánh không được ưu điểm đó, văn ông không tiến bộ nhiều theo thời gian, nội dung tác phẩm cũng tương tợ nhau tuy rằng khởi đầu của Hồ Văn Trung hơn hẵn sự khởi đầu của Nguyễn Tường Tam..
Giải thích về tư tưởng tiến bộ hé thấy đây đó trong tác phẩm Người Quay Tơ, nhóm viết Văn Học Việt Nam 1900-1945, bài của Phan Cự Đệ xa gần muốn đem công nầy gán cho nhóm tổ chức các phong trào sinh viên học sinh vào thời tác phẩm xuất hiện[13]:
Phong trào yêu nước sôi sục trong trí thức, học sinh sinh viên vào những năm 1925- 1926 chắc chắn đã có ảnh hưởng đến Nhất Linh. Tập truyện Người Quay Tơ (Nghiêm Hàm ấn quán 1927) bộc lộ một tinh thần dân tộc và thái độ phê phán gay gắt đối với chế độ thực dân phong kiến… (trg 538)
Tôi cho rằng tin tức về những phong trào đó không thoát ra khỏi vùng xuất hiện. Vấn đề báo chí thông tin không thể sớm đem đến những tin chánh trị cho người đọc. Và mọi sự liên hệ về tư tưởng trong Người Quay Tơ với phong trào chánh trị nầy nọ thời đó đều không có cơ sở, không thể tin được.
Gần đây một quyển tự điển văn học đồ sộ, mà trong sự hình thành đã có những tranh luận gay go về những tác giả nào tác giả nào của Việt Nam được đưa vào tự điển, đã viết:
Những sáng tác đầu của Nhất Linh, trước 1930 (Nho Phong 1925), (Người Quay Tơ 1927) chưa có gì đặc sắc, nghệ thuật còn cổ như những sáng tác khác thời ấy. (trang 1255)[14]
Nói như vậy để họ nói về những tác phẩm có giá trị nghệ thuật của Nhất Linh sau 1930, nhưng cũng vì vậy họ đã không thấy được những tư tưởng tiến bộ lấp lánh trong hai quyển đầu đời văn của tác giả. Chính những tư tưởng đó sau nầy phát triển thành những điều mà chúng ta gọi là luận đề để thay đổi những hủ tục của thời đại.
Sao không nói đến phần tư tưởng, nhứt là những tư tưởng mở đường cho thấy những khuyết điểm của xã hội thời đó.
Người ta nói Khoảng cách giữa ý tưởng và thực hiện ý tưởng đó thành một điều cụ thể rực rỡ là hành động, nhà văn trẻ Nguyễn Tường Tam thực hiện những ước mơ của mình trong Nho Phong và Người Quay Tơ để thành Nhất Linh của Đoạn Tuyệt, Lạnh Lùng, Đôi Bạn, Bướm Trắng…. Sự thực hành đó là việc điều hành tờ Phong Hóa, tờ Ngày Nay với các bạn văn trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn[15]
Giải thích tại sao Nhất Linh thành công tạo nên một phong trào văn nghệ Tự Lực Văn Đoàn mà Hồ Biểu Chánh trong Nam mặc dầu khởi đầu sự nghiệp mình khá hơn đã không làm được, tôi chỉ trả lời giản dị rằng Hồ Biểu Chánh không có văn hữu chí cốt và nhất là ông không được đi Tây để mở mắt ra nhìn bộ mặt văn nghệ ở Tây Phương và cách làm việc sao cho thành công.
Dĩ nhiên điều căn bản nhứt: Cũng cần có chút gì đó gọi là thiên tài…
BẮC HÀN DỌA TÀN PHÁ MỸ
1080p | 24,7MB
Quân đội Bắc Triều Tiên hôm thứ Sáu nói rằng họ sẽ “tàn phá không thương
tiếc” Mỹ nếu Washington quyết định tấn công họ, trong bối cảnh một đội
hàng không mẫu hạm của Mỹ đang tiến về khu vực Đông Bắc Á giữa lúc Bắc
Triều Tiên có thể sắp sửa tiến hành một cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân
lần thứ sáu.
http://www.voatiengviet.com/a/3810877.html
TS DƯƠNG THIỆU TỐNG
NGUYỄN VĂN SÂM * NHO PHONG
NHO PHONG
Nho Phong và Người Quay Tơ
NHƯ LÀ NHỮNG BÁO HIỆU THIÊN TÀI CỦA MỘT NHÀ VĂN
Nguyễn Văn Sâm
***
Năm 1926 Nhất Linh lúc đó là một thanh niên còn rất trẻ, cho ra đời quyển Nho Phong viết trong hai năm 1924-1925, lúc mới 18, 19 tuổi. Năm sau 1927 ông viết và in tập truyện Người Quay Tơ. Căn cứ trên những năm viết 1924-1927 thì ta chắc chắn rằng hai tác phẩm nầy là hai công trình văn nghệ đầu tay của Nguyễn Tường Tam, người thanh niên mới chập chững vào đời và mới bước vào chuyện viết lách.
Hai tác phẩm nầy có phần số đặc biệt của nó.
Rất ít người nói về chúng, họ thường chỉ nói về những quyển của cùng tác giả nhưng gây tiếng vang thời chúng xuất hiện như Đoạn Tuyệt[1], Đôi Bạn, Lạnh Lùng... Nhà viết văn học sử thời danh là Dương Quảng Hàm[2] không nói gì đến Nho Phong và Người Quay Tơ, Giáo Sư Thạch Trung Giả[3] cũng chỉ nói về Đoạn Tuyệt thôi. Trước năm 1975 Vũ Ngọc Phan[4] và Phạm Thế Ngũ có nhắc đến hai tác phẩm nầy, đồng ý với nhau là tác phẩm cổ lỗ, văn phong xưa…Sau 1975, ở Sàigòn, Từ Điển Văn Học và bộ sách Văn Học Việt Nam do nhiều người viết của nhóm Phan Cự Đệ cũng có nhắc đến Người Quay Tơ và Nho Phong. Mỗi người/nhóm có cái nhìn riêng nhưng tựu trung cũng gần giống nhau. Để khỏi dài dòng và gây rối rắm cho người đọc/nghe chúng tôi xin không đơn cử những sách và bài viết của những học giả khác cũng là tiếng nói khá có uy tín như Thanh Lãng, Nguyễn Văn Trung, Phạm Văn Diêu, Hà Như Chi, Lữ Hồ, Lê Hữu Mục …
Hai tác phẩm nầy có phần số đặc biệt của nó.
Rất ít người nói về chúng, họ thường chỉ nói về những quyển của cùng tác giả nhưng gây tiếng vang thời chúng xuất hiện như Đoạn Tuyệt[1], Đôi Bạn, Lạnh Lùng... Nhà viết văn học sử thời danh là Dương Quảng Hàm[2] không nói gì đến Nho Phong và Người Quay Tơ, Giáo Sư Thạch Trung Giả[3] cũng chỉ nói về Đoạn Tuyệt thôi. Trước năm 1975 Vũ Ngọc Phan[4] và Phạm Thế Ngũ có nhắc đến hai tác phẩm nầy, đồng ý với nhau là tác phẩm cổ lỗ, văn phong xưa…Sau 1975, ở Sàigòn, Từ Điển Văn Học và bộ sách Văn Học Việt Nam do nhiều người viết của nhóm Phan Cự Đệ cũng có nhắc đến Người Quay Tơ và Nho Phong. Mỗi người/nhóm có cái nhìn riêng nhưng tựu trung cũng gần giống nhau. Để khỏi dài dòng và gây rối rắm cho người đọc/nghe chúng tôi xin không đơn cử những sách và bài viết của những học giả khác cũng là tiếng nói khá có uy tín như Thanh Lãng, Nguyễn Văn Trung, Phạm Văn Diêu, Hà Như Chi, Lữ Hồ, Lê Hữu Mục …
Tổng quan tôi có thể xác định rằng:
Đây là hai tác phẩm tuy là đầu tay của một tác giả, về hình thức thì nhỏ nhoi, như nhiều người nhận định, về văn phong thì thuộc thế hệ văn chương cổ điển vì ảnh hưởng của thời gian xuất hiện, nhứt là Nho Phong, nhưng kết quả của chúng rất to lớn… Nhất Linh đã từ căn bản đó suy nghĩ thêm về những ý tưởng mới lóe ra và cải tiến cách viết lách của mình sau nầy từ đó tạo nên một giai đoạn văn học lớn cho tiểu thuyết Việt Nam trước thế chiến đó là thế hệ 1913-1932 hay là thế hệ của Tự Lực Văn Đoàn
Nho Phong[5]
Hình như đây là tác phẩm duy nhứt của nhà văn Nhất Linh được ký tên thiệt: Nguyễn Tường Tam. Ký tên thiệt vì lúc đó có thể là ông chưa quyết định chắc nịch sẽ đi theo luôn con đường văn nghệ bằng sáng tác. Nó như là tác phẩm được phóng ra bởi một người thanh niên mới bước vào đời thấy mình cần viết cái gì đó theo cách nhìn của mình về cuộc đời nầy. Nó thể hiện cái ưu tư và ước vọng của người muốn nói lên điều mình suy nghĩ để trình bày ra với đời. Tôi chắc chắn rằng yếu tố làm văn chươngít hơn yếu tố bày tỏ tư trưởng trong tác phẩm nầy. Cái hay là Nhất Linh tuy vậy đã chọn con đường viết truyện dài bằng văn xuôi, và viết rất mới ở nhiều điểm, trong khi ông còn có khả năng khác như hội họa, viết nghiên cứu văn chương và nhứt là sinh hoạt đảng phái làm chánh trị như ta thấy sau nầy, …
Nguyễn Tường Tam in sách năm 1926 trong khi trước đó độ chừng 10 năm thôi, ở trong Nam, Hồ Biểu Chánh viết quyển U Tình Lục cũng ký tên thiệt là Hồ Văn Trung, một quyển tiểu thuyết hoàn toàn chịu ảnh hưởng của những nhà văn viết bằng chữ Nôm thế kỷ trước, một ảnh hưởng quá đậm về mặt hình thức. Đó là thể truyện thơ lục bát.
U Tình Lục và Nho Phong đều nói đến cuộc đời của một người con gái, do tình yêu mà chịu đựng những khó khăn sâu đậm trong đời. Nguyễn Tường Tam viết bằng văn xuôi và ít tình tiết, trong khi Hồ Văn Trung viết bằng văn vần lại đưa ra nhiều chi tiết nhỏ nhặt trong tác phẩm của mình.
Nho Phong dễ đọc dễ hiểu hơn, dĩ nhiên, người đọc cũng dễ thấy tâm tình và thái độ của nhân vật, UTình Lục tuy tác giả sử dụng thuần nhuyễn những nhóm chữ chịu ảnh hưởng của Trung Hoa nhưng người đọc vẫn khó khăn lắm mới thấy rõ những gì mà nhân vật suy nghĩ. Về sau, gần như đồng thời với Nho Phong của Nguyễn Tường Tam, Hồ Biểu Chánh viết Ai Làm Được. Tác phẩm nầy về phương diện văn phong và cách tạo truyện mới hơn Nho Phong rất nhiều nên được chào đón nồng nhiệt ở trong Nam… Nhưng đó là chuyện khác.
Do vậy sự lựa chọn thể văn xuôi của Nguyễn Tường Tam là sự lựa chọn sáng suốt, điều đó rất quan trọng đối với văn nghiệp của ông cũng như đối với sự lớn mạnh của văn học Việt Nam thế hệ 1913-1932.
Dĩ nhiên con đường viết bằng văn xuôi sau năm 1920 không phải là sáng kiến đầu tiên của Nguyễn Tường Tam, nhiều người trước đã vạch rồi, nhưng sự đi theo sáng suốt và với tinh thần cải tiến cũng cần được ghi nhận, chúng ta hãy tưởng tượng Nguyễn Tường Tam mà viết truyện dài bằng thơ như Phan Chu Trinh viết Giai Nhân Kỳ Ngộ Diễn Ca (1915-1917) thì sau nầy chắc chắn ta không có phong trào đổi mới văn chương và đổi mới sáng tác của nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Và văn học Việt Nam thiệt thòi biết là bao nhiêu!
Đó là một giả sử thôi nhưng chắc chắn rằng hậu quả sẽ như vậy nếu có….
Nho Phong nói về cuộc đời của Lê Nương, một phụ nữ gia giáo con một ông phủ hồi hưu nhưng nghèo khó và cô thế. Cạnh bên nhà ông phủ có thư sinh tên Dương Văn. Dương Văn nhận thấy Lê Nương đẹp đẽ, đảm đang và thùy mỵ nên đem lòng yêu mến và được đáp lại. Trước khi qua đời, cha Lê Nương kêu mẹ của Dương Văn tới ủy thác cô con gái của mình cho bà, mong bà cưới Lê Nương cho con trai bà. Sau khi cha mất, Lê Nương phải về ở với người chú, ông chú nầy quyết tâm gả cháu cho một thanh niên nhà giàu mà Lê Nương không yêu, bị cháu quyết liệt từ chối đám nầy, người chú cuối cùng phải bỏ cuộc.
Sau nhiều gian truân, Lê Nương và Dương Văn lấy được nhau. Nỗi khổ bắt đầu từ đây vì nhà nghèo, thiếu nợ do những đám ma chay, chỉ có mỗi người vợ lo buôn bán nhỏ, người chồng là hàn sĩ chỉ dài lưng tốn vải, không phù hợp với thực tế của cuộc sống nên gia đình càng ngày càng nghèo khổ trong thời gian Dương Văn thi 10 năm không đậu. Người vợ tần tảo quá sức, lao tâm cực trí nên bệnh nặng, khi bà gần kiệt lực thì được tin chồng thi đậu thủ khoa….
Chuyện chấm dứt ở đây. Tác giả không nói rõ Lê Nương thoát khỏi cơn bịnh hay không. Nàng sống hay chết sau đó. Nhưng điều quan trọng không nằm ở chỗ kết thúc mà nằm ở những chỗ khác mà tác giả muốn gởi gắm...
Vì là con người của Nho phong nên Dương Văn thương nhớ thích muốn cô bạn gái láng giềng theo phong cách thiệt là “Nho phong”, anh thấy bóng hoa thấp thoáng, dáng liễu thanh tân (trg 8), để mơ mộng chớ không thấy những gì lồ lộ, rõ ràng, ngộp mắt, ggợi cảm tình dục để rồi tìm cách qua nhà nhiều lần… nhưng Dương Văn chẳng dám liếc mắt đưa tình gì, cũng chẳng dám “lần khân” như Kim Trọng để bị người tình quở bằng cách kê tủ đứng: … trên bộc trong dâu/ thì con người ấy ai cầu làm chi mà chỉ giả bộ hỏi sách làm bài với cụ cựu phủ. Nàng thì e lệ chiều thu dễ khiến nét thu ngại ngùng (trg 11).
Tóm lại: Tình yêu hai người trẻ nầy trong vòng lễ giáo và tương kính của con người Nho phong.
Trong khi ở Miền Nam, ca dao tuy diễn tả sự thương nhớ cách khác nhưng tình cảm và thái độ cũng giống như vậy, cũng muốn thấy mặt, mong mỏi được đến gần nhưng khớp trước đối tượng:
Anh thả ghe câu lên xuống mấy lần
Thương em đứt ruột nhưng đến gần lại run.
Nho Phong, như tựa đề là tính cách Nho phong của những nhân vật chánh trong truyện:
-Ông Phủ về hưu nghèo nàn vì suốt đời làm quan cai trị dân với tình thương dân và lòng tự trọng của mình.
- Bà Huấn, mẹ của Dương Văn, là người đàn bà nhân từ, tự trọng giúp người khi thấy họ khổ dầu mình chẳng dư dả gì.
- Cặp trai tài gái sắc Dương Văn và Lê Nương, tình yêu tràn đầy nhưng chưa bao giờ đi ra ngoài lễ giáo. (So sánh với cặp nhân tình trong U Tình Lục thì khác xa, nàng có bầu vì ăn cơm trước kẻng.)
- Cuộc đời sau nầy của họ khi đã thành vợ chồng cũng thế, cuộc đời người vợ là phụ nữ chăm chỉ làm ăn để nuôi chồng con, cháu, cuộc đời người chồng là quyết chí đèn sách dạy học, sống đời lương thiện chỉ mong thoái cảnh khổ bằng việc đỗ đạt..
Ta không thấy lời oán trách nào về trời, về người, về xã hội của cặp vợ chồng nầy dầu lâm vào cảnh nghèo đến tận cùng, khổ sở hết sức vì nhà có tang mà hết cả tiền, chỗ vay lại không phải dễ… những điều xé lòng như gặp bà con giàu khinh khi, gặp người có tiền bạc vu oan giá họa…
Những nội dung và thái độ con người như nói trên không mới, cũng là thoát thai từ quan niệm Nho giáo và chịu ảnh hưởng từ những gì tác giả học hỏi được từ sự giáo dục của nước ta cuối thề kỷ 19 đầu thế kỷ 20.
Có thể rằng Nguyễn Tường Tam nhận chân rằng những điều đó ông đã diễn tả lờ mờ nên ông đã chuyển cách viết sang thể mạnh dạng hơn, điều đó thể hiện trong tác phẩm Người Quay Tơ[6].
Người Quay Tơ: Cùng một số phận hẩm hiu ít được nói tới nhưng tác phẩm nầy có cái may riêng. Nhà xuất bản Ngày Nay của Nhất Linh sau năm 1954 có bản in trước đó nên đã in lại ở Sàigòn. Chúng tôi không có bản in đầu tiên của nhà Nghiêm Hàm ấn quán, Hà nội năm 1927 nên không biết được bản in mới sau nầy có sửa đổi văn chương chữ nghĩa của bản cũ hay không, nhưng điều nhận xét đầu tiên của với tánh cách người đọc là văn phong ở đây rất mới, chữ dùng đã không còn rất đặc trưng của miền Bắc nữa, chữ đã chuẩn hơn nhiều. Xin chỉ chú ý đến ý tưởng trong quyển nầy và bỏ qua chuyện câu văn cùng là chữ dùng.
Người Quay Tơ là một tập truyện ngắn đa dạng:
1. Ngươi quay tơ . 2. Nô lệ. 3. Chiến tranh. 4. Giấc mộng Từ Lâm. 5. Sư Bác chùa Kênh. 6. Làm Gì Mà Băn Khoăn thế? 7. Vuông Vải Trắng… (các truyện khác hoặc là dịch truyện xưa, hoặc dịch truyện ngoại quốc, không cần để ý.) Vậy thì đây là một tập truyện ngắn, mỗi truyện dài trên dưới 10 trang. Tổng quan ta có thể thấy nhiều điều tác giả muốn nói:
- Tuy là người tu hành nhưng chưa chắc đã hết lòng trần tục. Tiền tài vẫn là điều hấp dẫn. Khi có tiền rồi người ta sa đà vô đó và đi tới mục tiêu khác nữa hầu tìm danh vọng, như chánh trị chẳng hạn. (Sư Bác Chùa Kênh.)
- Người khôn lanh và biết lợi dụng thế lực rồi sẽ đè đầu đè cổ kẻ cô thế thiếu những thủ đoạn. Cuối cùng kẻ giảo quyệt lên làm chủ, người hiền từ, tính toán đơn giản, tin người… sẽ làm tôi mọi cho lớp người khôn lanh nói trên. (Nô Lệ.)
…
Mỗi truyện là một đề tài là một vấn đề xã hội cần phải thủ tiêu hay ít nhứt là cải cách.
Điều đặc biệt là tác phẩm nầy in sau quyển Nho Phong có 1 năm thôi nhưng văn phong đã khác xa, rõ ràng, không sáo mòn từ ngữ cũ, câu cú xưa không còn vết tích, nếu trích 1 đoạn đưa cho người chưa đọc qua bao giờ thì họ dễ dàng nói đó là văn mới sau ngày đất nước bị chia hai[7].
Vũ Ngọc Phan nhận định : Nho Phong, là một truyện cổ bình thường, có tính cách trung hậu như hàng trăm truyện cổ nước ta, Cách hành văn của Nguyễn Tường Tam .. còn cổ lỗ. Ông còn đẽo gọt câu văn cho thật kêu, cho thất du dương và dùng rất nhiều chữ sáo.
Hãy xem ông viết:
Lệ Nương năm ấy tuổi mới tăng tròn (trg 1). Như bông hoa thấp thoáng, dáng liễu thanh tân, làm cho chàng cũng phen man mác trong lòng (trg 8). Những lúc ấy thì tơ tầm bối rối (trg 11). Thấy vườn bên kia bóng đèn thấp thoáng mà chiều xuân dễ khiến nét thu ngại ngùng (trg 12). Tóc nàng không năng trải trông bối rối như mây thu (trg 13). Đôi mắt gặp nhau, làn thu ba như nhuộm vẻ sầu (trg 14). Nếu cụ trông thấy cảnh song trăng quạnh quẽ, vách mưa rã rời… (trg 32). Lúc đi là hàn nho, lúc về biết đâu không ông Cống ông Nghè chi đài các (trg 120)…[8]
Phạm Thế Ngũ nói không khác gì hơn:
Nho Phong là câu chuyện ái tình lý tưởng theo kiểu truyện Nôm xưa…. Nguyễn Tường Tam còn chịu ảnh hưởng đậm đà của Nho giáo, Nho phong…. Tư tưởng trung hiếu tiết nghĩa, sự rung động của tâm hồn trước những vẻ đẹp tưởng như bất biến của đạo Nho.. Về kỹ thuật: giảng giải dài dòng về thế sự nhân tình, kết luận bằng nhận xét luân lý cho rõ rệt trước khi chấm dứt. Câu văn gọt dũa, uốn nắn, lấy sáo làm đẹp cái sáo của văn Kiều… (448-449)[9]
Vũ Ngọc Phan sau khi phê bình đã biện luận rất thuyết phục cho sự kiện cổ lỗ nầy của Nguyễn Trường Tam:
- Lối tiểu thuyết của nước ta trong thời kỳ phôi thai.
- Tiểu thuyết đầu tay của văn sĩ trong thời thanh niên.
Vũ Ngọc Phan nói đúng, chính người thanh niên đó tiến bộ trong những tác phẩm sau đó và nhứt là đã tạo sự tiến bộ trong lối viết tiểu thuyết của nước ta sau đó nhờ công của ông trong việc thành lập và điều khiển một văn đoàn.
Vấn đề quan trọng là tuy nhận rằng hai tác phẩm trên xưa nhưng Vũ Ngọc Phan cũng như Phạm Thế Ngũ đều đồng ý rằng tiểu thuyết của Nhất Linh tiến hóa:
Đọc Nhất Linh từ trước đến nay người ta thấy tiểu thuyết của ông tiến hóa rất mau. Từ cái lối còn cổ lỗ như Nho Phong , tiểu thuyết của ông đi vào loại tình cảm, rồi đi thẳng vào lối tiểu thuyết luận đề là một lối rất mới ở nước ta[10].
Đúng . Có một sự tiến hóa theo tôi không chỉ có ích lợi cho văn nghiệp của ông để thành một nhà văn có thế giá trong một giai đoạn văn học nào đó mà sự tiến hóa đó làm đà cho sự tiến tới của văn chương Việt Nam vì nó là con tàu kéo theo những cách viết trực diện với đời sống của con người trong xã hội đương thời của những nhà văn thời Tự Lực Văn Đoàn và ngay cả những nhà văn thời sau đó nữa.
Trên mặt văn học con đường 10 năm của truyện dài VN như vậy là được bước bằng đôi hia thần thoại. Nó bỏ hình thức thơ lục bát để bước sang thể văn xuôi. Dĩ nhiên còn vướng víu những hình thức của râu ria cũ, người ta gọi là cổ lỗ, nhưng rồi sẽ được trau tria dần dần sau nầy, nhóm có công lớn là nhóm TLVĐ mà Nguyễn Tường Tam là người chủ soái.. . Để ý rằng sau đó không còn truyện dài bằng thơ có giá trị xuất hiện nữa, nếu có chăng thì là những tập thơ mỏng bình dân của những người viết vì những thôi thúc tài chánh hơn là theo tiếng gọi của văn chương và tư tưởng[11].ng mặt văn học là bước tiến vĩ đại của người chủ soái Tự Lực Văn Đoàn, bước tiến dài
Người Quay Tơ có thể không quan trọng về mặt văn chương[12] như i từ người viết truyện Nguyễn Tường Tam sang thành nhà văn Nhất Linh.
Hơn nửa thế kỷ qua từ ngày tôi đọc quyển nầy lần đầu tiên khi ghi tên theo học chứng chỉ mới mở lần đầu tiên ở trường ĐHVK Sàigòn năm 1961-1962 là Văn Chương Quốc Âm, cái cảm giác phải đọc cho hết quyển sách để biết coi Dương Văn thi đậu hay không và Lê Nương có qua khỏi cơn bịnh ngặt nghèo đối đầu với thần chết hay không lần nầy vẫn có.
Độc giả chỉ được trả lời có một: thi đậu, còn câu hỏi sau cũng là một bí ấn.
Cái bí ẩn đó là tài năng của người viết truyện Nguyễn Tường Tam. Sự tạo bí ẩn đó cùng với những yếu tố khác sau nầy là hạt giống gieo thành nhà văn kỳ tài Nhất Linh về nhiều phương diện, chẳng hạn như người đọc Đoạn Tuyệt nóng lòng theo dõi coi kết cuộc vụ án Loan giết chồng ngã ngủ ra sao, đời cô Loan sau đó như thế nào. Sự nóng lòng của độc giả khi cầm quyển truyện theo các nhà phê bình Tây phương là sự thành công của nhà văn...
Nhà văn thường được người đọc thấy tương lai văn nghiệp ngay trong tác phẩm đầu đời. Đọc xong, buông tác phẩm xuống phần nhiều họ sẽ nói, và nói rất đúng: Ông nầy tiến xa trên đường nghệ thuật nếu viết tiếp, hay ông nầy dầu viết thêm cả chục, cả trăm quyển nữa, theo đòi việc viết lách 3, 4 chục năm nữa thì cũng thế thôi. Có lượng mà không có phẩm, sau cùng, cái hình bóng rất nhỏ sẽ chìm vào trong đám đông, có mặt để cho người ta quên. Tôi không muốn nói ai nhưng hầu hết những cây viết trong Nam cuối thập niên 50 ở vào trường hợp nầy.
So sánh với Ai Làm Được của Hồ Biểu Chánh cùng thời kỳ thì thấy Hồ Biểu Chánh sức sáng tác mạnh hơn nhiều, về chi tiết trong truyện về văn (rõ ràng trong sáng hơn..) nhưng trong lịch sử văn học VN Nhất Linh nổi hơn nhiều do tác phẩm của ông thay đổi đột biến về mặt câu văn cũng như gắn bó trực tiếp đến những vấn đề trong đại của xã hội đương thời, Hồ Biểu Chánh không được ưu điểm đó, văn ông không tiến bộ nhiều theo thời gian, nội dung tác phẩm cũng tương tợ nhau tuy rằng khởi đầu của Hồ Văn Trung hơn hẵn sự khởi đầu của Nguyễn Tường Tam..
Giải thích về tư tưởng tiến bộ hé thấy đây đó trong tác phẩm Người Quay Tơ, nhóm viết Văn Học Việt Nam 1900-1945, bài của Phan Cự Đệ xa gần muốn đem công nầy gán cho nhóm tổ chức các phong trào sinh viên học sinh vào thời tác phẩm xuất hiện[13]:
Phong trào yêu nước sôi sục trong trí thức, học sinh sinh viên vào những năm 1925- 1926 chắc chắn đã có ảnh hưởng đến Nhất Linh. Tập truyện Người Quay Tơ (Nghiêm Hàm ấn quán 1927) bộc lộ một tinh thần dân tộc và thái độ phê phán gay gắt đối với chế độ thực dân phong kiến… (trg 538)
Tôi cho rằng tin tức về những phong trào đó không thoát ra khỏi vùng xuất hiện. Vấn đề báo chí thông tin không thể sớm đem đến những tin chánh trị cho người đọc. Và mọi sự liên hệ về tư tưởng trong Người Quay Tơ với phong trào chánh trị nầy nọ thời đó đều không có cơ sở, không thể tin được.
Gần đây một quyển tự điển văn học đồ sộ, mà trong sự hình thành đã có những tranh luận gay go về những tác giả nào tác giả nào của Việt Nam được đưa vào tự điển, đã viết:
Những sáng tác đầu của Nhất Linh, trước 1930 (Nho Phong 1925), (Người Quay Tơ 1927) chưa có gì đặc sắc, nghệ thuật còn cổ như những sáng tác khác thời ấy. (trang 1255)[14]
Nói như vậy để họ nói về những tác phẩm có giá trị nghệ thuật của Nhất Linh sau 1930, nhưng cũng vì vậy họ đã không thấy được những tư tưởng tiến bộ lấp lánh trong hai quyển đầu đời văn của tác giả. Chính những tư tưởng đó sau nầy phát triển thành những điều mà chúng ta gọi là luận đề để thay đổi những hủ tục của thời đại.
Sao không nói đến phần tư tưởng, nhứt là những tư tưởng mở đường cho thấy những khuyết điểm của xã hội thời đó.
Người ta nói Khoảng cách giữa ý tưởng và thực hiện ý tưởng đó thành một điều cụ thể rực rỡ là hành động, nhà văn trẻ Nguyễn Tường Tam thực hiện những ước mơ của mình trong Nho Phong và Người Quay Tơ để thành Nhất Linh của Đoạn Tuyệt, Lạnh Lùng, Đôi Bạn, Bướm Trắng…. Sự thực hành đó là việc điều hành tờ Phong Hóa, tờ Ngày Nay với các bạn văn trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn[15]
Giải thích tại sao Nhất Linh thành công tạo nên một phong trào văn nghệ Tự Lực Văn Đoàn mà Hồ Biểu Chánh trong Nam mặc dầu khởi đầu sự nghiệp mình khá hơn đã không làm được, tôi chỉ trả lời giản dị rằng Hồ Biểu Chánh không có văn hữu chí cốt và nhất là ông không được đi Tây để mở mắt ra nhìn bộ mặt văn nghệ ở Tây Phương và cách làm việc sao cho thành công.
Dĩ nhiên điều căn bản nhứt: Cũng cần có chút gì đó gọi là thiên tài…
***
Nhất Linh Nguyễn Tường Tam có 4 quyết định quan trọng cho đời ông nhưng
đồng thời cũng là bốn quyết định có ảnh hưởng lên đời sống của dân tộc
Việt Nam, đó là:
1. Sáng tác hai tác phẩm đầu tay Nho Phong và Người Quay Tơ khi chưa đầy 20 tuổi năm 1926.
2. Chấp nhận làm Tổng Trưởng Ngoại Giao trong Chánh Phủ Liên Hiệp để cầm đầu phái đoàn đi dự hội Nghị Đà Lạt năm 1946.
3. Bỏ không đi dự hội nghị Fontainebleau mà qua Trùng Khánh ẩn náu những năm 1946-50.
4. Tự tử từ chối không để cho nhà cầm quyền năm 1963 xử mà để cho lịch sử xử.
Trong bốn quyết định đặc biệt nầy, quyết định đầu tiên quan trọng nhứt vì nó ảnh hưởng lâu dài đến con đường văn học của Việt Nam, nó mở đường cho cách viết văn theo lối mới và tư tưởng mới cũng như đối đầu với những hủ tục cần phá bỏ. Nhiều khi tôi tự hỏi nếu không có Nhất Linh thì không biết văn chương Việt Nam những năm sau 1930 nhàm chán đến mức nào!
Giá trị văn hóa, văn học của Nhất Linh bất cứ lúc nào cũng đáng để ta quan sát và nghiên cứu vì đó đó là công lao chuyển dịch bánh xe lịch sử văn học của một thiên tài.
Nguyễn Văn Sâm, Victorville, CA 09/14
1. Sáng tác hai tác phẩm đầu tay Nho Phong và Người Quay Tơ khi chưa đầy 20 tuổi năm 1926.
2. Chấp nhận làm Tổng Trưởng Ngoại Giao trong Chánh Phủ Liên Hiệp để cầm đầu phái đoàn đi dự hội Nghị Đà Lạt năm 1946.
3. Bỏ không đi dự hội nghị Fontainebleau mà qua Trùng Khánh ẩn náu những năm 1946-50.
4. Tự tử từ chối không để cho nhà cầm quyền năm 1963 xử mà để cho lịch sử xử.
Trong bốn quyết định đặc biệt nầy, quyết định đầu tiên quan trọng nhứt vì nó ảnh hưởng lâu dài đến con đường văn học của Việt Nam, nó mở đường cho cách viết văn theo lối mới và tư tưởng mới cũng như đối đầu với những hủ tục cần phá bỏ. Nhiều khi tôi tự hỏi nếu không có Nhất Linh thì không biết văn chương Việt Nam những năm sau 1930 nhàm chán đến mức nào!
Giá trị văn hóa, văn học của Nhất Linh bất cứ lúc nào cũng đáng để ta quan sát và nghiên cứu vì đó đó là công lao chuyển dịch bánh xe lịch sử văn học của một thiên tài.
Nguyễn Văn Sâm, Victorville, CA 09/14
[1] Xin xem để thấy những tiếng vang về Đoạn Tuyệt trong Thanh Lãng, 13 năm Tranh Luận Văn Học,nhà xuất bản Văn Học, Sàigòn, 1995.
[2] Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn Học Sử Yếu,
bản in lần thứ mười 1968 của Trung Tâm Học Liệu, VNCH, bản in lại
nguyên văn của nhà xuất bản Đại Nam, CA, Hoa Kỳ, không đề năm.
[3] Thạch Trung Giả, Văn Học Phân Tích Toàn Thư,
Lá Bối, Sàigòn, 1973, quyển sách nầy, vốn là một giảng khoa ở Viện Đại
Học Vạn Hạnh vài năm trước đó nên không thể đi vào chi tiết hết các tác
giả và tác phầm quan trọng nhưng khi nói đến Nhất Linh Giáo Sư Thạch Trung Giả chỉ nói đến Đoạn Tuyệt mà không có một lời nào về hai tác phẩm chúng ta đương bàn.
[4] Vũ Ngọc Phan, Nhà Văn Hiện Đại, bản in lần đầu, HàNội 1942, in lần thứ ba, Sàigòn 1960
[5] Để ý rằng trước đó không lâu, trong Nam tháng Oct, 1921 ông Lê Hoằng Mưu cho in quyển Hoạn Thơ Bắt Thúy Kiều bằng thể thơ thất ngôn trường thiên, không tác phẩm nào có thể cổ điển hơn:
Người huyện tích Châu Thường quê ngụ, Thúc Kỳ Tâm dòng dõi thư hương, Rèn bút nghiên đúng bực văn chương,Tra lý lịch đáng gương đức hạnh, Lắm sở ruộng cò bay thẳng cánh, Nhiều miếng vườn chó chạy ngay đuôi,Phận sắc cầm đã đặng an vui, Cung ái nữ con quan Lại Bộ….
Người huyện tích Châu Thường quê ngụ, Thúc Kỳ Tâm dòng dõi thư hương, Rèn bút nghiên đúng bực văn chương,Tra lý lịch đáng gương đức hạnh, Lắm sở ruộng cò bay thẳng cánh, Nhiều miếng vườn chó chạy ngay đuôi,Phận sắc cầm đã đặng an vui, Cung ái nữ con quan Lại Bộ….
[6]
(và sau nầy viết có hệ thống hơn chú trọng đến điều mà ông cho là quan
trọng hơn nữa vì trực tiếp và nhứt là cụ thể như điều viết trong Đoạn
Tuyệt và Lạnh Lùng…).
[7]
Tôi không có bản in đầu tiên của nhà in Nghiêm Hàm ở Hànội mà chỉ có
bản in của nhà xuất bản Đời Nay năm 1960 nên không thể xác quyết bản in ở
Sàigòn có chỉnh sửa hay không và nếu có thì đổi đến mực nào. Trong khi
chờ đợi giải quyết bởi một người nào đó có bản in lần đầu thì ta coi như
không có sửa hoặc nếu có thì cũng không quan trọng vì sửa một số
từ Bắc rặc (như đã dùng trong Nho Phong) sang từ thông dụng hơn thời
thập niên 60 của thế kỷ trước, chớ không sửa chữa câu văn.
Viết thêm sau khi diễn thuyết xong: Một thính giả nói với diễn giả: Chắc chắn là có sửa ít nhứt là từ, vì tôi thấy nhiều quyển của nhà Đời Nay có ghi câu: Tái bản có sửa chữa.
Viết thêm sau khi diễn thuyết xong: Một thính giả nói với diễn giả: Chắc chắn là có sửa ít nhứt là từ, vì tôi thấy nhiều quyển của nhà Đời Nay có ghi câu: Tái bản có sửa chữa.
[8] Vũ Ngọc phan, Nhà Văn Hiện Đại, trang 900.
[9] Phạm Thế Ngũ, Việt Nam Văn Học Giảng Ước tân biên.
[10] Nhà Văn Hiện Đại, trang 907.
[11]
Bộ thơ trường thiên lục bát của mấy nhà xuất bản Phạm Văn Thìn, Phạm
Đình Khương, Thuận Hòa ở Chơ lớn kéo dài mấy chục năm với gần 200 quyển
nhưng không có quyển nào so sánh được với U Tình Lục vì nhiều lẽ mà lẽ
quan trọng nhứt là đề tài: lấy trong tác phẩm Trung quốc, rút ra từ
Truyện Tàu, kể lại mộ truyện cổ tích, sự sáng tác đặc biệt từ tâm tư của
tác giả như U Tình Lục không có. Bởi vậy bộ thơ nầy chỉ có tính cách
mua vui nhứt thời cho người bình dân mà không có giá trị khi ta nhìn vấn
đề trên mặt văn hóa của người Việt.
[12] Những khuyết điểm có thể kể cụ thể: a.những chữ xưa: Đã
nhớn, Phương giời lẽo đẽo, Tính kiệt, Dau cháo, Nói truyện xuốt ngày,
Vài dương quần áo, Văn thơ sao nhãng, Con giai tóc nàng không năng trải,
Nhời con nói, Túp danh bên cạnh, Nàng sinh đẹp quá, Bóp chán có giáng
ngượng, cái trõng, dút dát, trấn song, nó trở đi cúng rỗ tổ tiên, cau
dầu, mặt sanh sao, bỏ soãi ra, sé ruột sé gan, lấy làm rễ chịu, trân
giời tối đen, sướng danh, có sức mà trống lại được, xút kém, tróng mạnh,
chôn rau cắt dốn, chôi chẩy. b. những nhóm chữ xưa Tuổi mới trăng tròn, bắc bực làm cao, làn thu ba như nhuộm vẽ sầu, nét hoa ủ dũ.. c. giọng người viết nói với người đọc để giải thích nầy nọ: tuổi thiếu niên như thế, há có riêng ai, ôi con người ta chỉ vì miếng ăn mà cùng khổ đến thế ư?
[13] Phan Cự Đệ, Trần Đình Hượu, Nguyễn Trác, Nguyễn Hoàng Khung, Lê Chí Dũng, Hà Văn Đức- Văn học Việt Nam (1900-1945), nhà xuất bản Giáo Dục, Hà Nội, 1998.
[14] Từ Điển Văn học, Bộ mới, Nhà xuất bản Thế Giới, 2003, mục từ Nhất Linh, người chấp bút Nguyễn Hoàng Khung.
[15]
Nhiều người có kinh nghiệm về viết văn, có ý muốn kết hợp với bạn văn
để viết lách về một đề tài lớn nhưng kết quả đa phần là không được như ý
vì nhà văn thường làm việc độc lập và nhứt là mỗi người mỗi ý về kỹ
thuật cũng như điều muốn đưa vào trong tác phẩm của mình. Nhất Linh làm
người lãnh đạo Tự Lực Văn Đoàn đi đến thành công phải công nhận là người
đáng khâm phục.
Saturday, April 15, 2017
NGUYỄN BÁ CHỔI * TÔI ĐI CHẠY GIẶC
Tôi đi chạy giặc
(Người viết xin phép Nhà văn quá cố Thanh Tịnh- tác giả “Tôi đi học”)
Nguyễn Bá Chổi (Danlambao)
- Hàng năm cứ vào cuối Tháng Tư, khi cờ đỏ, phướn đỏ cùng với những
băng đỏ rực màu máu ngoài đường trương lên nhiều hơn, và trong không
gian nhao nhác lên khác thường tiếng loa phường oang oang “Đại thắng mùa
xuân 75”, lòng tôi lại sôi sục nhớ tới ngày tôi đi chạy giặc.
Tôi không thể nào quên được những cảm giác đen như hang Pắc Bó trong buổi sáng hôm ấy, vì chính từ đây mà tôi bắt đầu bị “Đôi dép râu dẫm nát đời trai trẻ... Nón tai bèo che khuất nẻo tương lai”.
Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì viết ra những gì mình suy nghĩ theo “tư tưởng bác Hồ” không có gì quý hơn độc lập tự do là thằng cháu làm theo lời bác dạy này sẽ chết ngay với các đồng chóe cắt mạng của boác.
Nay đã luống tuổi rồi, tôi không tài nào nhớ hết, nhưng mỗi lần bị cái
loa trước ngõ chỏ vào nhà bốc phét không biết mệt về “Ngày Giải Phóng”,
lòng tôi lại nóng bừng lên do vết Phỏng …; mặc dầu tôi đã hết sức phấn
đấu chữa trị bằng thuốc Cáo (cao Sắc)-đơn-hoàn-tán nhãn hiệu cầu chứng
tại tòa xã hội chủ nghĩa NQ.36 HGHH ròng rã 42 năm, song “nó” chẳng
những không chịu “bắt da” mà ngày càng nở hoa toét loét rồi biến thành
di căn, lăn tăn khắp “vùng Dải Phóng”; giờ đây tôi chỉ còn chút tia hy
vọng, là chờ đến ngày đi chầu ông bà ông vải, may ra mới “có khả năng”
hết hội chứng... Hồ thương (bệnh Hồ...).
Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy khói mù từ những đám cháy nhiều nơi do
hỏa tiễn giặc rót suốt đêm qua vào thành phố xưa nay êm ả - ngoại trừ
lần Tết mậu Thân 1968. Mẹ tôi hối hả chụp tay tôi dẫn chạy về hướng Chùa
Khải Đoan. Con đường Quang Trung tôi đã quen đi lại cả tỷ lần, nhưng
lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quang tôi đều thay đổi;
không phải do lòng tôi thay đổi, mà chính vì thành phố đang bị đổi chủ.
Tôi không còn thấy những chú lính trong bộ quân phục lúc nào cùng tươm
tất, đầu đội cái mũ bê-rê đen lệch một bên, chân mang giày cổ cao bóng
loáng, áo quần ủi hồ thẳng tắp; trông rất lịch sự, và các chú ấy hay
tươi cười với những người dân đi ngược chiều mỗi khi xuống phố. Thay
vào đó, hôm nay lố ngố những người ăn mặc lạ kỳ: họ đội cái thứ gì trên
đầu trông giống như cái cối lật úp, lại có thứ thì y hệt cái tai bèo
nhèo; áo quần thì thùng thình thụng thịnh, họ mặc mà cứ như bơi trong
đống vải; chân thì mang dép tua tủa những râu; thỉnh thoảng tôi thấy có
người bịt mồm bằng cái gì giống hệt như cái nịt ngực của mẹ và của chị
tôi; chỉ có điều họ hoàn toàn ai cũng như ai ở chỗ bộ mặt gằm ghè, tay
lăm le súng AK đầu cắm lưỡi lê nhọn hoắc, họ vừa đi vừa chỉa vào đám
đông dân chúng, và dị nhất là họ nói như nói tiếng nước lạ; tôi nghe,
“hiểu chết liền!”.
Dọc đường, khi thấy mấy cô cậu nhỏ trạc tuổi hốt hoảng gọi tên nhau, tôi
mới sực nhớ tới cô bạn học cùng xóm và đảo mắt tìm kiếm khắp nơi nhưng
không thấy, và cũng chính từ buổi sáng giặc vào thành phố thân yêu ấy
đến nay đã 42 năm, tôi chẳng những không được gặp lại, mà biệt luôn tăm
tích người bạn thân ái ngày xưa còn bé; để tôi vẫn mãi ân hận đến nay về
buổi mai hôm ấy trong cơn hoảng loạn, tôi đã không nhớ sang rủ bạn cùng
đi chạy giặc như mỗi buổi sáng tôi sang nhà rủ em đi học suốt bao năm
qua (1).
Viết đến đây, bất chợt tôi “tự diễn biến, tự chuyển hóa” ra rằng, kể lại
cho hết chuyện tôi đi chạy giặc 75, phải mất cả cuốn sách dày, mà ở đây
thì khuôn khổ có hạn, nên tôi không thể kể “đúng quy trình” đã định như
người ta “xả lũ”. Tôi chỉ biết ghi lên đây lòng cảm tạ Ơn Trên đã phù
hộ gia đình tôi, sau một tháng rưỡi tròi chạy giặc, vẫn còn nguyên vẹn
khi đến Thủ đô Sài Gòn, trong khi hàng trăm ngàn người đã bỏ mạng vì đói
khát, bệnh tật, thú dữ, nhưng hầu hết chết vì đạn pháo của giặc. Trong
đó có chuyện một người mẹ, một tay ôm đứa con nhỏ, tay kia gói gia sản
chạy giặc từ Cao Nguyên, khi đến được Nha Trang (hay Tuy Hòa lâu ngày
tôi không còn nhớ rõ) trên tay bà chỉ còn túi đồ: trong cơn hoảng loạn
do giặc bắn và pháo xối xả vào đoàn người bà mẹ đã quẳng đi đứa con mà
bà cứ nghĩ là bà quăng túi đồ để còn sức ôm con mà chạy giặc (2).
---
Ngày đó, chạy giặc thì chạy nhưng lòng tôi vẫn ấm ức thắc mắc, không
hiểu nổi chuyện đã gọi là “Giải Phóng” thì cớ sao quân ấy (“Giải Phóng”)
đi đến đâu là đồng bào mình tức thì bỏ của chạy lấy người trối chết
khỏi nơi đó và đi về phía Quốc Gia mà Cắt mạng gọi là “Ngụy”. Sau này
đối đầu vơi thực tế, tôi mới bật ngửa té ra, thì, sông có thể cạn núi có
thể mòn, nhưng chạy mặt giặc CS là phản ứng tự nhiên và tất yếu của
những ai còn muốn sống “sao được cho ra cái giống người” như lời cụ Tú
Xương.
Tôi tưởng chạy giặc như vậy là đã xong, nhưng nào có xong đâu. Chạy cho
cố rồi vẫn không thoát được cái số sống trong lòng giặc. Đã 42 năm!
15/4/2017
Ghi chú:
(1) Tác giả xin mượn một “tình tiết” trong bài Ban Mê Thuột - Ngày 10 tháng 3, một cuộc đời đã mất của Tác giả Vũ Đông Hà;
(2) Theo một tin phóng sự của Nhật báo Sóng Thần ngày đó .
TƯ NGHÈO * VIỆT CỘNG CẤM NHẠC
Các chú hồng vệ binh dzô dzăn hóa bị lọt ổ gà trên Con Đường Xưa Em Đi
Tư nghèo - Con đường xưa em đi, thằng ngu lọt hố rồi, ngõ đời ôi tái tê tê tê...
Dzậy là các chú cô hồn các Đảng không bị điếc. Vẫn còn nghểnh tai nghe
được tiếng chửi râm ran của bà con ta. Cho nên các chú đã lật đật tìm
cách tổ chức kiểm điểm, lôi đầu những đứa đồng chí nào chơi dại đắp mô,
xây rào, cản lối Con Đường Xưa Em Đi ra mà rút kinh rút nguyệt.
Theo lời tự thú trước quan tài của các chú đặc công trong Bộ Dzô Dzăn
hóa, Thể thao và Du lịch thì các chú đã đem tới 10 bản nhạc vàng lên bàn
mổ vào cuối năm ngoái. 10 bản tình ca rên mé đìu hiu của âm nhạc miền
Nam này là Cánh buồm chuyển bến của nhạc sĩ Lê Dinh - Hoài Linh, Câu chuyện đầu năm của nhạc sĩ Hoài An, Hạnh phúc đầu xuân của nhạc sĩ Lê Dinh - Minh Kỳ, Gạo trắng trăng thanh của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, Hoa trinh nữ của nhạc sĩ (Trần Thiện Thanh), Cánh thiệp đầu xuân của nhạc sĩ Lê Dinh - Minh Kỳ, Rừng xưa và Chuyện buồn ngày xuân của nhạc sĩ Lam Phương, Đừng gọi anh bằng chú của nhạc sĩ Diên An, Con đường xưa em đi của nhạc sĩ Châu Kỳ - Hồ Đình Phương.
5 bản nhạc bị các chú Hồng Vệ Binh cho vào nhà xác là Cánh thiệp đầu xuân, Con đường xưa em đi, Rừng xưa, Chuyện buồn ngày xuân, Đừng gọi anh bằng chú vì vi phạm Nghị định 79 về dzăn hóa rừng rậm âm u Pắc Pó của các chú.
Chuyện trên xảy ra vào ngày 24-2-2017.
Sau hôm ấy là những ngày "đảng ta" nói chung và đám Dzô Dzăn hóa nói
riêng, bị chửi điếc con ráy. Bà con ta chửi tàn canh gió lộng, chửi ngày
không đủ tranh thủ chửi suốt đêm.
Ai biểu rằng bà con ta chửi tụi nó chẳng nhằm nhò gì?
Không nhằm nhò thì tại sao vào ngày hôm qua, 14/04/2017, tên Thứ trưởng
Bộ Dzô Dzăn hóa là Vương Duy Biên đã gửi công văn đến cái cục nghệ thuật
biểu diễn để ra lệnh đám đàn em thu hồi quyết định tạm dừng lưu hành 5
bài hát vừa mới bị bức tử trước đó.
Không nhằm nhò thì sao Cục Nghệ thuật biểu diễn đã đứng ra "xin nhận
trách nhiệm về sự việc trên và tổ chức kiểm điểm, nghiêm khắc rút kinh
nghiệm đối với bộ phận tham mưu việc tạm dừng lưu hành 5 bài hát sáng
tác trước năm 1975 đã được cấp phép phổ biến nêu trên".
Sao tụi này ở lãnh vực nào cũng có sợi dây kinh nguyệt dài thòn lòn, rút
hoài còn hoài vậy bà con. Nó cai trị nước theo kiểu hứng đâu làm bậy đó
như con tự do của Hồ DT, cứ mỗi lần ngóc đầu lên bậy bạ là sau đó chỉ
kiểm điểm, nghiêm khắc rút kinh. Ngóc đầu bậy bạ lần nữa thì lại rút
nguyệt. Rút hoài rút mãi... là sao vậy bà con!?
Tụi nó còn tiết lộ rằng "trong thời gian tới, Cục nghệ thuật biểu
diễn sẽ phối hợp với các Sở văn hóa địa phương và các Hội văn học nghệ
thuật tổ chức thu thập tư liệu các bài hát sáng tác trước năm 1975 chưa
được phổ biến để tổ chức Hội đồng thẩm định và cập nhật, bổ sung vào
danh mục cho phép phổ biến."
À há, vậy là cái đám ôn hoàng hột dzịt cộng lộn giống này còn có một đống nhạc vàng đang bị cầm tù mà không thông báo há!
Rồi còn dở giọng láo lếu rằng: "Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng sẽ phối
hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện các quy
định pháp luật về công tác quản lý, cấp phép phổ biến đối với các bài
hát sáng tác trước năm 1975 và bài hát do người VN định cư tại nước
ngoài sáng tác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tác phẩm nghệ
thuật có nội dung tư tưởng tốt, có chất lượng nghệ thuật được phổ biến
rộng rãi phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng."
Trời! cái lũ chỉ biết lim dim với bác cùng chúng cháu hành quân... mệt nghỉ suốt đêm dài thì lấy tư cách gì để đánh giá âm nhạc! Rồi còn đòi "tạo điều kiện thuận lợi"...
Xin lỗi bà con nghe, cho Tư tui lên 1 câu dzọng cổ để dzọng vào cái mặt
ngu lâu dốt bền của chúng: tạo điều kiện cái mả cha tụi bây! Cứ để yên
cho Con Đường Xưa Em Đi - em muốn đi đâu thì đi, em đi trong...
độc lập, em đi trong tự do, em không thèm, em cóc cần, em đếch muốn tụi
bây xía cái đầu đất vào để tạo điều kiện thuận lợi cho... em đi!
Con Đường Xưa Em Đi... Bộ tụi bây tưởng san bằng con đường yêu
dấu này dễ lắm sao? Nó là con đường nhân ái của dân tộc chứ có phải con
đường bác đi rất ư là bi đát của tụi bây. Con đường bác-đi, con đường
đi-theo-đảng của tụi bây, chó cũng không thèm giơ cẵng lên mà xè, xè,
xè... chớ ở đó mà đi... đâu loanh quanh cho đời... mệt nghỉ!
Tụi bây có thể dùng còng, gậy gộc, nhà tù và nghị định rừng rú để ăn
cướp nhiều thứ, nhưng đừng hòng cướp được âm nhạc VNCH ra khỏi tâm hồn
của tất cả người dân Việt ở khắp 3 miền Nam Trung Bắc ngày hôm nay.
15.04.2017
TRƯƠNG DUY NHẤT * BỐ NÓ LÀ CÔNG AN
Bố nó là công an
Chủ Nhật, 04/09/2017 - 21:22 — truongduynhat
Chuyện sáng nay, trước cổng một trường cấp 1. Thương cho những đứa trẻ, cổ còn đeo khăn quàng. Bố nó là công an.
- Bố mày độc ác!
- Bố mày mới ác độc. Bố tao làm cảnh sát giao thông, chỉ giữ gìn trật tự giao thông thôi!
- Nhưng hôm qua trên mạng đưa ảnh bố mày túm tóc lôi phụ nữ, đánh vỡ đầu người ta.
- Đó là tại bà bán hủ tiếu ấy lấn chiếm vỉa hè!
- Lấn chiếm vỉa hè thì nhắc nhở thôi, sao kéo đầu lôi tóc đánh người như du côn vậy?
...
- Bố mày đánh người biểu tình nữa. Hôm qua trên mạng tung ảnh bố mày đánh người biểu tình đấy.
- Có phải bố tao đâu. Người ta bảo đó là bọn du côn, lưu manh vô học nào đấy, chứ không phải bố tao.
- Du côn gì, tao nghe trên mạng bảo đó là bố mày. Bố mày giả dạng du côn. Giả mặc thường phục, che mắt bịt miệng nhưng người ta vẫn nhận ra đấy là bố mày.
- Thế bố mày thì sao? Bố mày làm quản giáo. Người ta bảo quản giáo đánh cả tù. Quản giáo là đồ ác độc. Trên mạng họ chửi thế đấy! Bố mày là quản giáo. Bố mày mới là đồ ác độc. Đồ con nhà ác độc!
- Mày ác độc, bố mày ác độc. Trên mạng nó bảo bố mày là du côn, một lũ du côn. Cảnh sát du côn, công an du côn. Bố mày là đồ du côn!
- Bố mày du côn. Mày ác độc. Bố mày ác độc. Hu hu hu...
Hai đứa lao vào nhau. Vừa chửi vừa lôi áo giật tóc, hu hu khóc. Chẳng hiểu vì chuyện gì.
Can xong, xoa đầu hai đứa, tôi hỏi:
- Bố cháu làm gì, cảnh sát giao thông à? Còn bố cháu, quản giáo thật à?
- Thôi, đừng đánh nhau nữa. Cảnh sát, hay quản giáo gì thì cũng là... công an. Bố các cháu là công an, nghe chưa.
Cả hai đứa đều gật. Miệng vẫn mếu. Trông đến tội nghiệp.
Mấy đứa nhỏ khác, dường như cùng lớp, đứng cạnh xì xào:
- Hai đứa con công an. Bố nó là công an.
Chuyện sáng nay, trước cổng một trường cấp 1. Thương cho những đứa trẻ, cổ còn đeo khăn quàng.
- (Biếm hoạ của: Bomttd).
- Bố mày độc ác!
- Bố mày mới ác độc. Bố tao làm cảnh sát giao thông, chỉ giữ gìn trật tự giao thông thôi!
- Nhưng hôm qua trên mạng đưa ảnh bố mày túm tóc lôi phụ nữ, đánh vỡ đầu người ta.
- Đó là tại bà bán hủ tiếu ấy lấn chiếm vỉa hè!
- Lấn chiếm vỉa hè thì nhắc nhở thôi, sao kéo đầu lôi tóc đánh người như du côn vậy?
...
- Bố mày đánh người biểu tình nữa. Hôm qua trên mạng tung ảnh bố mày đánh người biểu tình đấy.
- Có phải bố tao đâu. Người ta bảo đó là bọn du côn, lưu manh vô học nào đấy, chứ không phải bố tao.
- Du côn gì, tao nghe trên mạng bảo đó là bố mày. Bố mày giả dạng du côn. Giả mặc thường phục, che mắt bịt miệng nhưng người ta vẫn nhận ra đấy là bố mày.
- Thế bố mày thì sao? Bố mày làm quản giáo. Người ta bảo quản giáo đánh cả tù. Quản giáo là đồ ác độc. Trên mạng họ chửi thế đấy! Bố mày là quản giáo. Bố mày mới là đồ ác độc. Đồ con nhà ác độc!
- Mày ác độc, bố mày ác độc. Trên mạng nó bảo bố mày là du côn, một lũ du côn. Cảnh sát du côn, công an du côn. Bố mày là đồ du côn!
- Bố mày du côn. Mày ác độc. Bố mày ác độc. Hu hu hu...
Hai đứa lao vào nhau. Vừa chửi vừa lôi áo giật tóc, hu hu khóc. Chẳng hiểu vì chuyện gì.
Can xong, xoa đầu hai đứa, tôi hỏi:
- Bố cháu làm gì, cảnh sát giao thông à? Còn bố cháu, quản giáo thật à?
- Thôi, đừng đánh nhau nữa. Cảnh sát, hay quản giáo gì thì cũng là... công an. Bố các cháu là công an, nghe chưa.
Cả hai đứa đều gật. Miệng vẫn mếu. Trông đến tội nghiệp.
Mấy đứa nhỏ khác, dường như cùng lớp, đứng cạnh xì xào:
- Hai đứa con công an. Bố nó là công an.
Chuyện sáng nay, trước cổng một trường cấp 1. Thương cho những đứa trẻ, cổ còn đeo khăn quàng.
- (Biếm hoạ của: Bomttd).
THỤY MI * BIỂN ĐÔNG
Chúng ta đã mất Biển Đông chưa ?
(Reuters)
«Chúng ta đã bị mất Biển Đông hay chưa?». Đó là tựa đề bài viết
của giám đốc tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á, ông Gregory
B.Poling, trên trang web của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế
(CSIS) ngày 11/04/2017.
Theo chuyên gia Poling, Trung Quốc đang ngày càng có nhiều quyền lực
trên Biển Đông, nhờ vào các căn cứ có thể sử dụng cho mục đích quân sự
lẫn dân sự tại quần đảo Trường Sa, và việc nâng cấp các thiết trí quân
sự ở Hoàng Sa. Bắc Kinh nhất quyết bảo vệ «quyền lịch sử» rộng rãi nhưng lại được định nghĩa một cách mơ hồ của mình, về «đường lưỡi bò» chín đoạn, vốn vi phạm luật pháp quốc tế.
Trong khi đó tân chính quyền Mỹ vẫn chưa có chiến lược rõ ràng về Biển
Đông, để lại những dấu hỏi lớn về sự cam kết của Washington trong khu
vực. Và ngoại trừ Hà Nội, các nước Đông Nam Á khác có yêu sách chủ quyền
tại Biển Đông, trước những diễn biến gần đây đã có những phản ứng khác
nhau – từ thái độ chấp nhận thua cuộc ở Manila, đến ý định nhắm mắt cho
qua của Jakarta và Kuala Lumpur.
Mặc dù trong chín tháng vừa qua Trung Quốc không leo thang mạnh mẽ lắm,
nhưng chưa bao giờ cán cân ở Biển Đông nghiêng hẳn về Bắc Kinh như lúc
này, với chiến lược bậc thầy của Trung Nam Hải. Tình hình này khiến các
nhà phân tích phải tự hỏi, liệu Hoa Kỳ và các quốc gia có cùng quan điểm
đã thua trận trong cuộc chiến đấu hay không. Phải chăng bây giờ là lúc
Mỹ ra đi, bỏ lại các nước Đông Nam Á phải tự chống chọi, trong cuộc
chiến không cân sức với Trung Quốc ?
Biển Đông chưa được quan tâm đúng mức
Một lý do chính cho sự yếu kém thấy rõ của Mỹ và các nước khác trong khu
vực, là đa số người Mỹ vẫn chưa hiểu được tại sao Washington phải quan
tâm đến Biển Đông. Ngay cả trong chính phủ, câu trả lời cũng bất nhất
giữa các cơ quan với nhau, và trong nội bộ từng cơ quan. Làm thế nào Hoa
Kỳ và các đối tác có thể theo đuổi một chiến lược dẫn đến thành công,
hoặc thừa nhận thất bại, nếu họ không thể đồng ý với nhau về những gì
được coi là chiến thắng?
Chính quyền Obama đã duy trì một danh sách khá logic về các lợi ích của
Mỹ tại Biển Đông: bảo vệ trật tự dựa trên cơ sở luật pháp, duy trì an
ninh khu vực (trong đó có sự an toàn của các đồng minh Mỹ), và tự do
hàng hải. Tiếc rằng cũng như nhiều chính sách châu Á khác, đội ngũ của
ông Obama chứng tỏ có tầm nhìn chiến lược mạnh mẽ, nhưng trong việc giải
thích và áp dụng thì lại yếu ớt. Cũng giống như khái niệm xoay trục
được định nghĩa qua các sáng kiến an ninh, mặc dù đã tốn rất nhiều thời
gian cho các nỗ lực kinh tế, ngoại giao và văn hóa xã hội, cuộc tranh
luận về Biển Đông vẫn bị đè nặng bởi lý giải sai lầm rằng đây là sự ganh
đua giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về quân sự.
Tranh chấp Biển Đông không phải là vấn đề song phương Mỹ-Trung, và không
thể giải quyết bằng cách mặc cả giữa Washington và Bắc Kinh. Biển Đông
cũng không phải chủ yếu là sự đối đầu quân sự, và như vậy không thể có
giải pháp quân sự.
Điều này không có nghĩa là quân đội Trung Quốc không nhìn thấy một mệnh
lệnh chiến lược mạnh mẽ trong tranh chấp Biển Đông, hay năng lực bành
trướng của Trung Quốc đang mở rộng từ các đảo nhân tạo, sẽ không gây khó
khăn cho cuộc chiến đấu của Hoa Kỳ trong một cuộc xung đột tiềm năng.
Đó là những nhân tố góp phần trong tranh chấp, cũng như việc tranh giành
tài nguyên, tuyến đường hàng hải chiến lược và nhiều vấn đề khác. Nhưng
đây không phải là gốc rễ của tranh chấp Biển Đông, cũng không là lợi
ích cơ bản của Hoa Kỳ và các nước bạn.
Như chuyên gia Bill Hayton đã lập luận một cách đầy thuyết phục, tranh
chấp Biển Đông thực chất là sự ganh đua của các chủ nghĩa dân tộc. Đặc
biệt là luận điệu về các quyền của Trung Quốc, đang thách thức mọi sự
kiện lịch sử, luật pháp quốc tế và lợi ích của các nước láng giềng. Bắc
Kinh cho là mình có quyền và quyết tâm độc chiếm Biển Đông bằng mọi
phương tiện cần thiết. Việc này đã trực tiếp đe dọa lợi ích của Hoa Kỳ,
mà lợi ích này vượt xa lên trên khả năng tự do hoạt động của Hải quân Mỹ
tại Biển Đông.
Đó chính là một hệ thống quốc tế rộng rãi – gọi là «trật tự dựa trên luật pháp»
vẫn thường được chính quyền Obama nêu ra. Trong đó các Nhà nước đều
bình đẳng với nhau theo các quy định và tiêu chuẩn đã cùng thỏa thuận;
đàm phán cũng như thủ tục trọng tài thay thế cho cưỡng bức và vũ lực –
được coi là phương cách giải quyết tranh chấp.
Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và các luật lệ theo tập
quán quốc tế làm chỗ dựa cho công ước, là những thành phần chủ yếu của
hệ thống này. Tất cả đã bị thiệt hại nghiêm trọng bởi những hành vi nhằm
xác quyết chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Các quốc gia khác sẽ
nhanh chóng nhận ra rằng họ bị bất lợi khi nghiêm túc tôn trọng UNCLOS,
trong khi Trung Quốc bất chấp.
Hậu quả : Biển Đông sắp mất
Tiếc thay, trật tự dựa trên cơ sở luật pháp thì trừu tượng, không giúp
bán được báo. Sự yểm trợ quân sự của Hoa Kỳ và các cường quốc bậc trung
khác như Úc, Nhật Bản, Ấn Độ hết sức quan trọng để giúp các nước Đông
Nam Á không bị Trung Quốc đè bẹp.
• Đọc thêm: Biển Đông : Đã đến lúc phải dằn mặt Bắc Kinh
Hoa Kỳ phải đóng vai trò chủ đạo để răn đe thái độ hiếu chiến và các
hành động leo thang quan trọng khác của Trung Quốc – như đã từng lên
tiếng cảnh cáo ý định xây dựng trên bãi cạn Scarborough mùa xuân vừa
rồi. Các quốc gia đối tác cần tìm cách tăng cường năng lực cho Hải quân
và tuần duyên các nước Đông Nam Á, để họ có thể bảo vệ vùng biển tranh
chấp, vốn đang phải đối mặt với áp lực chưa bao giờ tăng cao đến thế của
Trung Quốc. Nhưng những nỗ lực an ninh này nhằm cải thiện tình hình tại
chỗ, chứ chưa phải là hồi kết.
« Chiến thắng » tối hậu trên Biển Đông cho Hoa Kỳ và các đối tác là
thuyết phục được Trung Quốc điều chỉnh những yêu sách của mình cho phù
hợp với luật pháp quốc tế, và bình đẳng với các nước láng giềng. Đó là
một thử thách khổng lồ, đòi hỏi phải có một chiến dịch ngoại giao và
luật pháp tập trung vào việc vạch trần tính bất hợp pháp của các yêu
sách Trung Quốc, khiến Bắc Kinh phải mang tai tiếng.
Quan trọng nhất là phải có những cam kết dài hạn. Việc vạch mặt chỉ tên
và tố cáo để Trung Quốc tỏ ra khiêm tốn hơn, có thể phải mất cả một thập
niên. Trung Quốc không phải là miễn nhiễm trước áp lực quốc tế hay
trước cái giá phải trả cho việc trở thành một kẻ ở ngoài vòng pháp luật,
nhưng sức kháng cự của họ rất lớn.
Hoa Kỳ và Philippines muốn tập hợp một liên minh quốc tế cho nỗ lực này.
Trước hôm Manila chiến thắng ở Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye
tháng 7/2016, một số đáng kể các quốc gia trên thế giới đã kêu gọi Trung
Quốc tuân thủ phán quyết của tòa. Nhưng liên minh này đã tan rã sau khi
tổng thống Rodrigo Duterte quyết định từ bỏ việc sử dụng áp lực quốc
tế, với hy vọng Bắc Kinh sẽ đáp ứng một cách hòa hoãn hơn.
Quyết định của ông Duterte chủ yếu do quan điểm tư tưởng của ông, nhưng
được biện minh là do Hoa Kỳ sẽ không bảo vệ Philippines chống lại Trung
Quốc. Đây là một vết thương tự gây ra, có thể tránh được nếu chính quyền
Obama nói rõ là hiệp ước quân sự hỗ tương giữa hai nước có thể áp dụng,
để hỗ trợ cho quân đội và tàu chiến của Philippines trong vùng biển
tranh chấp.
Trong khi được Duterte chìa ra cành ô liu và chính quyền Trump lo tập
trung vào những hồ sơ khác, Trung Quốc tiếp tục củng cố các lợi ích của
mình. Nhờ có các hải cảng và cơ sở hạ tầng đi kèm, số lượng tàu Trung
Quốc tăng lên đáng kể tại khu vực nửa phía nam của đường 9 đoạn. Trong
khi đội quân tiên phong này liên tục lấn chiếm vùng biển của các nước
láng giềng, Trung Quốc tăng cường hơn bao giờ hết khả năng can thiệp, để
ngăn trở các nước Đông Nam Á sử dụng vùng biển và đáy đại dương mà luật
pháp quốc tế bảo đảm cho họ.
Nếu không có gì thay đổi, Trung Quốc trên thực tế sẽ kiểm soát toàn bộ
vùng biển, vùng trời và tài nguyên của Biển Đông. Hải quân Hoa Kỳ có thể
tiếp tục tiến hành các hoạt động ở vùng biển tranh chấp, làm ngơ trước
những hành vi quấy nhiễu của đối tác Trung Quốc, nhưng sẽ không dễ chịu
chút nào cho các nước Đông Nam Á cũng đòi hỏi chủ quyền Biển Đông. Việt
Nam có thể tiếp tục phản đối thực tế mới này, nhưng những nước khác có
cơ phải thích ứng với thực trạng tại chỗ. Hậu quả là hệ thống quốc tế và
trật tự khu vực châu Á sẽ thường xuyên bị thay đổi theo hướng gây thiệt
hại nặng nề cho lợi ích của Mỹ.
Thế nên, phải chăng Hoa Kỳ và các nước bạn đã bị mất Biển Đông ? Câu trả
lời là chưa. Nhưng họ đang đánh mất, và mất một cách nhanh chóng.
Để thay đổi tình hình, trước tiên Washington cần phải nhìn nhận tầm quan
trọng của hồ sơ này. Chính quyền Trump cần có chính sách rõ ràng và
mạnh mẽ để bảo vệ lợi ích của Mỹ, đặc biệt là trật tự dựa trên luật pháp
tại Biển Đông. Thứ đến, chính phủ Hoa Kỳ cần nắm lấy cơ hội, khi chính
quyền Duterte nhận ra rằng Bắc Kinh không nhượng bộ như họ vẫn hy vọng –
có lẽ qua lệnh cấm đánh cá trong khu vực, kể cả ở bãi cạn Scarborough
kể từ ngày 1/5 của Trung Quốc.
Để đặt nền móng cho việc này, chính quyền ông Trump phải làm một việc từ
lâu được chờ đợi: nói rõ rằng theo hiệp ước hỗ tương giữa hai nước, Mỹ
sẽ yểm trợ lực lượng Philippines tại Biển Đông, vì vùng biển này thuộc
Thái Bình Dương, theo điều V của hiệp ước. Như vậy công việc khó khăn là
tái lập lực lượng quốc tế đối phó với yêu sách của Trung Quốc mới có
thể khởi đầu.
T.M.
THÔNG TIN VÀ BÌNH LUẬN QUỐC TẾ
Trung Quốc lại tập trận chiếm đảo ở Biển Đông
2017-04-14
Trung Quốc gần đây đã tổ chức một cuộc tập trận bắn đạn thật quy mô lớn ở Biển Đông trong mấy ngày liền.
Hai chiến hạm đổ bộ Tỉnh Cương Sơn và Côn Lôn Sơn chở theo nhiều trực thăng và tàu đổ bộ đệm khí ra Biển Đông tập trận bắn đạn thật để kiểm tra khả năng tác chiến thực tế.
Tin được loan đi trong ngày 14 tháng tư dẫn nguồn từ Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV cho biết cuộc tập trận hoàn toàn sử dụng đạn thật, tập trung vào tấn công lẫn phòng thủ 3 chiều, đổ bộ chiếm đảo bằng tàu đệm khí, cất hạ cánh đồng loạt trực thăng vũ trang, đổ bộ đường không và thử nghiệm tàu đệm khí tự đóng của Trung Quốc.
Thời gian qua Trung Quốc liên tục tổ chức các cuộc tập trận tại vùng tranh chấp Biển Đông bất chấp pháp luật quốc tế và các chỉ trích về việc quân sự hóa biển Đông.
Điển hình như cuộc tập trận kéo dài một tuần trên Biển Đông bắt đầu từ hôm 10/2 vừa qua.
Hồi tháng giêng, tàu sân bay Liêu Ninh cũng dẫn đầu một đội tàu hải quân tiến hành một cuộc tập trận khác.
Cuộc tập trận lần này của Trung Quốc diễn ra giữa những căng thẳng đang leo thang tại bán đảo Triều Tiên với các sự kiện lớn mà Triều Tiên thông báo sẽ tiến hành.
http://www.rfa.org/vietnamese/internationalnews/china-exercises-live-fire-at-scs-04142017120003.html
Hai chiến hạm đổ bộ Tỉnh Cương Sơn và Côn Lôn Sơn chở theo nhiều trực thăng và tàu đổ bộ đệm khí ra Biển Đông tập trận bắn đạn thật để kiểm tra khả năng tác chiến thực tế.
Tin được loan đi trong ngày 14 tháng tư dẫn nguồn từ Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV cho biết cuộc tập trận hoàn toàn sử dụng đạn thật, tập trung vào tấn công lẫn phòng thủ 3 chiều, đổ bộ chiếm đảo bằng tàu đệm khí, cất hạ cánh đồng loạt trực thăng vũ trang, đổ bộ đường không và thử nghiệm tàu đệm khí tự đóng của Trung Quốc.
Thời gian qua Trung Quốc liên tục tổ chức các cuộc tập trận tại vùng tranh chấp Biển Đông bất chấp pháp luật quốc tế và các chỉ trích về việc quân sự hóa biển Đông.
Điển hình như cuộc tập trận kéo dài một tuần trên Biển Đông bắt đầu từ hôm 10/2 vừa qua.
Hồi tháng giêng, tàu sân bay Liêu Ninh cũng dẫn đầu một đội tàu hải quân tiến hành một cuộc tập trận khác.
Cuộc tập trận lần này của Trung Quốc diễn ra giữa những căng thẳng đang leo thang tại bán đảo Triều Tiên với các sự kiện lớn mà Triều Tiên thông báo sẽ tiến hành.
http://www.rfa.org/vietnamese/internationalnews/china-exercises-live-fire-at-scs-04142017120003.html
Thượng nghị sĩ Mỹ đề nghị trừng phạt Trung Quốc ở Biển Đông
RFA
2017-03-17
2017-03-17
Hai Thượng Nghị Sĩ Hoa Kỳ trong tuần này đã đề xuất dự luật trừng phạt
các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Dự luật do Thượng nghị sĩ Cộng Hòa là ông Marco Rubio và đồng viên Dân
Chủ Ben Cardin đưa ra nhắm vào những cá nhân, tổ chức của Trung Quốc
tham gia vào các hoạt động phi pháp mà chính phủ Bắc Kinh thường xuyên
làm ở hai khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Khi cho công bố dự luật, Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa Marco Rubio nói rằng những hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông đe dọa an ninh của khu vực, gây ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế của Hoa Kỳ.
Ông Rubio cũng nói đề nghị trừng phạt được ghi trong dự luật là lời cảnh báo Trung Quốc không thể tiếp tục có những hành động vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, những ai vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm.
Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ Ben Cardin cũng nhắc lại trong thời gian gần đây, Trung Quốc ngày càng có những hành động gây hấn, trấn áp và đe dọa những nước láng giềng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, có ý định sử dụng quân sự để giải quyết tranh chấp chủ quyền.
Ông Cardin cũng lên án việc Trung Quốc xây dựng, cải tạo và quân sự hóa các đảo mà họ đang chiếm ở Biển Đông, với mục đích gây bất ổn.
Những lời chỉ trích của hai vị Thượng Nghị Sĩ Mỹ cũng khiến mọi người nhớ lại những năm gần đây, Trung Quốc đã đặt những giàn phóng hỏa tiễn phòng không và đưa chiến đấu cơ đến dảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Cho tới tối hôm nay, vẫn chưa thấy chính phủ Việt Nam lên tiếng nói gì nhưng phát ngôn viên Charles Jose của Bộ Ngoại Giao Philippines cho biết đang tìm hiểu hư thực về những hoạt động của Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough mà báo chí quốc tế loan tải.
http://www.rfa.org/vietnamese/internationalnews/us-senators-introduce-scs-sanctions-bill-03172017134744.html
Khi cho công bố dự luật, Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa Marco Rubio nói rằng những hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông đe dọa an ninh của khu vực, gây ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế của Hoa Kỳ.
Ông Rubio cũng nói đề nghị trừng phạt được ghi trong dự luật là lời cảnh báo Trung Quốc không thể tiếp tục có những hành động vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, những ai vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm.
Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ Ben Cardin cũng nhắc lại trong thời gian gần đây, Trung Quốc ngày càng có những hành động gây hấn, trấn áp và đe dọa những nước láng giềng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, có ý định sử dụng quân sự để giải quyết tranh chấp chủ quyền.
Ông Cardin cũng lên án việc Trung Quốc xây dựng, cải tạo và quân sự hóa các đảo mà họ đang chiếm ở Biển Đông, với mục đích gây bất ổn.
Những lời chỉ trích của hai vị Thượng Nghị Sĩ Mỹ cũng khiến mọi người nhớ lại những năm gần đây, Trung Quốc đã đặt những giàn phóng hỏa tiễn phòng không và đưa chiến đấu cơ đến dảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Cho tới tối hôm nay, vẫn chưa thấy chính phủ Việt Nam lên tiếng nói gì nhưng phát ngôn viên Charles Jose của Bộ Ngoại Giao Philippines cho biết đang tìm hiểu hư thực về những hoạt động của Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough mà báo chí quốc tế loan tải.
http://www.rfa.org/vietnamese/internationalnews/us-senators-introduce-scs-sanctions-bill-03172017134744.html
Trung Quốc: Chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên có thể nổ ra bất cứ lúc nào
RFA
2017-04-14
2017-04-14
Mỹ sẽ đáp trả bằng quân sự nếu Bắc Hàn nổ thử nghiệm hạt nhân
Một ngày trước khi Bắc Hàn tổ chức đại lễ mừng sinh nhật thứ 105 của cố
lãnh tụ Kim Nhật Thành, Nhà Trắng cho biết có thể Hoa Kỳ sẽ dùng biện
pháp quân sự để đáp trả nếu Bình Nhưỡng nổ thử nghiệm hạt nhân hoặc bắn
hỏa tiễn gây rối.
Điều này được một cố vấn về chính sách đối ngoại của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói với báo chí sáng ngày 14/4, trong lúc đồn đoán khắp nơi đều cho rằng Bắc Hàn sẽ có một hành động nào đó để phô trương sức mạnh quân sự nhân dịp mừng sinh nhật ông Kim Nhật Thành, người thành lập Nhà Nước Cộng Hòa Dân chủ Nhân Dân Triều Tiên, đồng thời cũng là ông nội của lãnh tụ đương thời Kim Jong-Un.
Dự đoán này được đưa ra từ nhiều ngày qua, đặc biệt từ hôm thứ Ba 11/4, sau khi một viên chức Bắc Hàn nói với các nhà báo quốc tế đang có mặt tại Bình Nhưỡng là sẽ có một sự kiện rất trọng đại diễn ra.
Viên chức Bắc Hàn không nói rõ sự kiện trọng đại đó là gì, và sẽ xảy ra vào lúc nào.
Mới hôm 13/4, Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump nói với báo chí rằng vấn đề Bắc Hàn “sẽ được giải quyết”.
Ông Trump không cho hay phương cách mà Hoa Kỳ sẽ giải quyết căng thẳng đang xảy ra ở bán đảo Triều Tiên, nhưng đầu tuần trước, tin phát xuất từ Washington cho hay các cố vấn của Tổng thống Hoa Kỳ đã để trình cho ông ít nhất 3 đề nghị, trong đó có đề nghị Hoa Kỳ oanh kích những cứ điểm quân sự của Bắc Hàn, phá hủy những tuyến đường Bình Nhưỡng thường sử dụng để chuyên chở võ khí, và có cả ý kiến tìm cách ám sát lãnh tụ Kim Jong-Un và những viên chức cao cấp chuyên trách chương trình võ khí hạt nhân.
Theo tin từ Washington, điều này đã được ông Trump bàn thảo với Tổng Thống Barack Obama trong thời gian chuyển giao quyền lưc, và là để tài được Tổng Thống Trump bàn thảo với Chủ Tịch Nhà Nước Trung Quốc Tập Cận Bình, khi hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung gặp nhau hồi tuần trước ở bang Florida, cũng như trong cuộc điện đàm vài ngày trước đây giữa ông Trump và ông Tập.
Giới thạo tin ở Washington cũng nói Tổng Thống Barack Obama có trình bày với ông Trump rằng vấn đề Bắc Hàn “là một quyết định khó khăn” mà ông Trump phải quyết định ngay ở nhiệm kỳ đầu tiên.
Tuần này, trong cuộc phỏng vấn dành cho nhật báo The Wall Street Journal, Tổng Thống Trump tiết lộ rằng chỉ sau 10 phút đồng hồ nghe Chủ tịch Tập Cận Bình trình bày câu chuyện, ông hiểu ra rằng Bắc Hàn không phải là chuyện dễ giải quyết.
Điều này cũng được một cố vấn khác của Tổng thống Hoa Kỳ nói với báo chí cách đây một ngày, khi bảo rằng oanh kích Bắc Hàn không dễ làm như vụ oanh kích mà Hoa Kỳ thực hiện hôm thứ Năm tuần trước, khi phóng hỏa tiễn vào căn cứ không quân Shayrat của Syria, cho dù chính các cố vấn thân cận của Tổng thống Trump từng nói vụ oanh kích Syria là lời cảnh báo mà Washington dành cho Bình Nhưỡng, ám chỉ Hoa Kỳ có thể đánh phủ đầu Bắc Hàn khi thấy cần thiết.
http://www.rfa.org/vietnamese/internationalnews/north-korea-updates-04142017091916.html
Điều này được một cố vấn về chính sách đối ngoại của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói với báo chí sáng ngày 14/4, trong lúc đồn đoán khắp nơi đều cho rằng Bắc Hàn sẽ có một hành động nào đó để phô trương sức mạnh quân sự nhân dịp mừng sinh nhật ông Kim Nhật Thành, người thành lập Nhà Nước Cộng Hòa Dân chủ Nhân Dân Triều Tiên, đồng thời cũng là ông nội của lãnh tụ đương thời Kim Jong-Un.
Dự đoán này được đưa ra từ nhiều ngày qua, đặc biệt từ hôm thứ Ba 11/4, sau khi một viên chức Bắc Hàn nói với các nhà báo quốc tế đang có mặt tại Bình Nhưỡng là sẽ có một sự kiện rất trọng đại diễn ra.
Viên chức Bắc Hàn không nói rõ sự kiện trọng đại đó là gì, và sẽ xảy ra vào lúc nào.
3 phương án của chính phủ Trump
Tại Washington, cố vấn đối ngoại của Nhà Trắng nói rằng Hoa Kỳ không ngạc nhiên về những hành động Bắc Hàn đã làm và sẽ làm, do đó nhiều biện pháp đáp trả đã được nói tới, kể cả biện pháp sử dụng giải pháp quân sự để ngăn chận kế hoạch chế tạo võ khí hạt nhân và hỏa tiễn mà Bình Nhưỡng đang theo đuổi.Mới hôm 13/4, Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump nói với báo chí rằng vấn đề Bắc Hàn “sẽ được giải quyết”.
Ông Trump không cho hay phương cách mà Hoa Kỳ sẽ giải quyết căng thẳng đang xảy ra ở bán đảo Triều Tiên, nhưng đầu tuần trước, tin phát xuất từ Washington cho hay các cố vấn của Tổng thống Hoa Kỳ đã để trình cho ông ít nhất 3 đề nghị, trong đó có đề nghị Hoa Kỳ oanh kích những cứ điểm quân sự của Bắc Hàn, phá hủy những tuyến đường Bình Nhưỡng thường sử dụng để chuyên chở võ khí, và có cả ý kiến tìm cách ám sát lãnh tụ Kim Jong-Un và những viên chức cao cấp chuyên trách chương trình võ khí hạt nhân.
Không phải là chuyện dễ
Ngay từ khi còn vận động tranh cử, Tổng Thống Trump đã nhiều làn nói một trong những điều ông sẽ làm là ngăn cản, không cho Bắc Hàn cơ hội chế tạo hỏa tiễn đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân có thể bắn tới Mỹ.Theo tin từ Washington, điều này đã được ông Trump bàn thảo với Tổng Thống Barack Obama trong thời gian chuyển giao quyền lưc, và là để tài được Tổng Thống Trump bàn thảo với Chủ Tịch Nhà Nước Trung Quốc Tập Cận Bình, khi hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung gặp nhau hồi tuần trước ở bang Florida, cũng như trong cuộc điện đàm vài ngày trước đây giữa ông Trump và ông Tập.
Giới thạo tin ở Washington cũng nói Tổng Thống Barack Obama có trình bày với ông Trump rằng vấn đề Bắc Hàn “là một quyết định khó khăn” mà ông Trump phải quyết định ngay ở nhiệm kỳ đầu tiên.
Tuần này, trong cuộc phỏng vấn dành cho nhật báo The Wall Street Journal, Tổng Thống Trump tiết lộ rằng chỉ sau 10 phút đồng hồ nghe Chủ tịch Tập Cận Bình trình bày câu chuyện, ông hiểu ra rằng Bắc Hàn không phải là chuyện dễ giải quyết.
Điều này cũng được một cố vấn khác của Tổng thống Hoa Kỳ nói với báo chí cách đây một ngày, khi bảo rằng oanh kích Bắc Hàn không dễ làm như vụ oanh kích mà Hoa Kỳ thực hiện hôm thứ Năm tuần trước, khi phóng hỏa tiễn vào căn cứ không quân Shayrat của Syria, cho dù chính các cố vấn thân cận của Tổng thống Trump từng nói vụ oanh kích Syria là lời cảnh báo mà Washington dành cho Bình Nhưỡng, ám chỉ Hoa Kỳ có thể đánh phủ đầu Bắc Hàn khi thấy cần thiết.
http://www.rfa.org/vietnamese/internationalnews/north-korea-updates-04142017091916.html
http://www.voatiengviet.com/a/3810877.html
Bắc Hàn nói 'sẵn sàng tấn công hạt nhân'
Những lời bình luận được đưa ra vào lúc Bình Nhưỡng đang kỷ niệm 105 năm
ngày sinh nhà lãnh đạo sáng lập đất nước, ông Kim Nhật Thành.
Một cuộc diễu binh quy mô ở thủ đô Bình Nhưỡng đã diễn ra giữa lúc có
những đồn đoán rằng nhà lãnh đạo hiện nay của Bắc Hàn, ông Kim Jong-un
có thể sẽ ra lệnh tiến hành một vụ thử hạt nhân mới.
Trong số các vũ khí, khí tài được phô diễn có vẻ như có các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và các tên lửa phóng đi từ tàu ngầm.
Cuộc diễu binh nhằm phô trương sức mạnh diễn ra giữa lúc căng thẳng dâng
cao, với việc một đội tàu trong đó có hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ
tiến về phía khu vực.
Binh sỹ trong đội hình từng khối diễu hành qua Quảng trường Kim Nhật
Thành ở trung tâm thủ đô trong lễ kỷ niệm ngày "Dương Nhật", trong lúc
ông Kim Jong-un mặc bộ đồ màu đen đứng ngắm.
Đứng trên khán đài, ông giơ tay chào đội binh danh dự. Có những lúc ông tỏ ra thoái mái, cười vui vẻ với các phụ tá xung quanh.
Trên bầu trời, các phi cơ quân sự tạo hình thành số 105.
Trong lúc quốc tế đang quan ngại về việc Bắc Hàn ngày càng tiến gần tới
việc sản xuất thành công kho vũ khí hạt nhân, cuộc diễu hành hôm thứ
Bảy là một cơ hội để ông Kim phô trương khả năng quân sự hiện thời.
Lần đầu tiên được đưa ra trình diễn là loại vũ khí có vẻ như là các tên
lửa đạn đạo được phóng đi từ tàu ngầm (SLBM) có tên Pukkuksong, có tầm
hoạt động tới trên 1.000km.
Các phân tích gia chuyên về vũ khí nói có thể còn có thêm hai loại tên
lửa xuyên lục địa mới đặt trên bệ phóng, nhưng không rõ liệu các loại
vũ khí này đã được đưa vào thử nghiệm bao giờ chưa.
Sự kiện cho thấy chương trình hạt nhân của nước này có ý nghĩa quan
trọng tới đâu với tham vọng của Bình Nhưỡng trong tương lai. Bắc Hàn
tiếp tục phớt lờ những áp lực ngày càng tăng từ phía Mỹ, theo đó đòi
Bình Nhưỡng phải từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
Bắc Hàn đã thực hiện năm cuộc thử hạt nhân và một loạt các vụ phóng
tên lửa. Các chuyên gia và quan chức chính phủ tin rằng nước này đang
tiến tới phát triển các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có thể bay tới
được Mỹ.
Hôm thứ Sáu, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cảnh báo rằng "cuộc
xung đột có thể nổ ra vào bất kỳ lúc nào", và nói thêm trong trường hợp
đó, sẽ không có ai là người chiến thắng.
Khác với những lần tổ chức diễu binh trước đây của Bình Nhưỡng, dường
như lần này không có đại diện nào từ phía Trung Quốc có mặt.
Vào Chủ Nhật, Phó tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence sẽ tới Nam Hàn, một
chặng dừng chân trong chuyến công du kéo dài 10 ngày của ông tới Á
châu.
Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson và đội tàu chiến đi cùng đã được triển khai tới bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, hãng tin AP dẫn lời các quan chức Mỹ nói rằng chính quyền ông
Trump đang tập trung nhiều hơn vào việc gây áp lực lên Bắc Hàn, với
sự hỗ trợ từ phía Trung Quốc, thay vì sử dụng vũ lực.
Tổng thống Hoa Kỳ gần đây đã tỏ rõ rằng ông không ngại việc sử dụng các biện pháp quân sự.
Ông Trump đã ra lệnh tấn công vào Syria bằng tên lửa tuần du nhằm trả đũa vụ nghi là tấn công bằng vũ khí hóa học.
Ngay sau đó, quân đội Mỹ mới đây đã thả một trái bom khổng lồ xuống khu vực của tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Afghanistan.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-39607863
http://www.bbc.com/vietnamese/world-39607863
Hải Quân Mỹ xác nhận đã cho một khu trục hạm tuần tra Biển Đông
Chiến hạm Mỹ USS Stethem (DDG-63) làm nhiệm vụ tuần tra tại Biển ĐôngẢnh : Wikipedia
Vào lúc tình hình bán đảo Triều Tiên đang sôi động, Hải Quân Mỹ ngày
14/04/2017 xác nhận là một tàu khu trục có trang bị tên lửa dẫn đường
của họ đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên Biển Đông.
Đó là khu trục hạm lớp Arleigh-Burke USS Stethem (DDG 63), đặt căn cứ
tại cảng Yokosuka ở Nhật Bản, đã bắt đầu triển khai hoạt động tại khu
vực Tây Thái Bình Dương từ đầu năm.
Ngoài nhiệm vụ tuần tra Biển Đông, chiến hạm này từng được cử đến vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên phối hợp với nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ Carl Vinson và Hải Quân Hàn Quốc tiến hành cuộc tập trận chung Đại Bàng Non/Foal Eagle 2017.
Trong một bản thông báo, Hải Quân Mỹ còn xác nhận rằng khi hoạt động trên Biển Đông, chiếc USS Stethem thường xuyên liên lạc với các phương tiện hải quân Trung Quốc, và đã áp dụng Bộ Quy Tắc tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES) nhằm « đảm bảo an toàn cho hai bên ».
Khu trục hạm Stethem, dưới quyền điều động của Hạm Đội 7, sắp tới đây sẽ được thêm hỗ trợ từ hai chiến hạm USS Dewey and USS Sterett thuộc Hạm Đội 3, cũng đang trên đường đến vùng Biển Đông.
Khởi hành từ bản doanh Hạm Đội 3 ở San Diego (California, Hoa Kỳ) vào cuối tháng Ba, hai khu trục hạm cũng thuộc lớp có trang bị tên lửa dẫn đường đã ghé cảng Hawaii hôm 12/04, trên đường sang Tây Thái Bình Dương.
Tàu khu trục USS Stethem tuần tra vùng Biển Đông trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến việc Bắc Kinh tiếp tục thúc đẩy tiến trình quân sự hóa các đảo đá mà họ chiếm giữ.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170415-hai-quan-my-xac-nhan-da-cho-mot-khu-truc-ham-tuan-tra-bien-dong
Ngoài nhiệm vụ tuần tra Biển Đông, chiến hạm này từng được cử đến vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên phối hợp với nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ Carl Vinson và Hải Quân Hàn Quốc tiến hành cuộc tập trận chung Đại Bàng Non/Foal Eagle 2017.
Trong một bản thông báo, Hải Quân Mỹ còn xác nhận rằng khi hoạt động trên Biển Đông, chiếc USS Stethem thường xuyên liên lạc với các phương tiện hải quân Trung Quốc, và đã áp dụng Bộ Quy Tắc tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES) nhằm « đảm bảo an toàn cho hai bên ».
Khu trục hạm Stethem, dưới quyền điều động của Hạm Đội 7, sắp tới đây sẽ được thêm hỗ trợ từ hai chiến hạm USS Dewey and USS Sterett thuộc Hạm Đội 3, cũng đang trên đường đến vùng Biển Đông.
Khởi hành từ bản doanh Hạm Đội 3 ở San Diego (California, Hoa Kỳ) vào cuối tháng Ba, hai khu trục hạm cũng thuộc lớp có trang bị tên lửa dẫn đường đã ghé cảng Hawaii hôm 12/04, trên đường sang Tây Thái Bình Dương.
Tàu khu trục USS Stethem tuần tra vùng Biển Đông trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến việc Bắc Kinh tiếp tục thúc đẩy tiến trình quân sự hóa các đảo đá mà họ chiếm giữ.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170415-hai-quan-my-xac-nhan-da-cho-mot-khu-truc-ham-tuan-tra-bien-dong
DONGUYEN * CỘNG SẢN SỤP ĐỔ RÂT NHANH
Cộng Sản Hà Nội sụp đổ nhanh hơn dự kiến của chúng ta
Donguyen (Danlambao)
- Một hệ thống sẽ không thể tồn tại nếu nó không được tổ chức tốt,
không có kết cấu hợp lý để tạo nền tảng vững chắc mà phân bổ con người,
bố trí công việc. Và nó sẽ càng nhanh sụp đổ nếu nguồn sống nuôi dưỡng
nó không còn. Có nghĩa tính liên kết và sự ràng buộc nó mất đi. Nguồn
sống ở đây tôi không hiểu hẹp trong khái niệm về vật chất mà còn là lý
tưởng. Lý Tưởng là một Định Dạng Mục Tiêu mà nó cho người ta nhìn thấy
cái hình hài, cái đích hướng đến, để tập hợp đám đông, là lý do “sinh
ra” cái hệ thống tổ chức đó.
Do vậy mà tôi sẽ phân tích nhận định này dựa trên 2 luận điểm là Tổ Chức
Hệ Thống của cộng sản Hà Nội hiện nay và nguồn sống của nó (gồm lý
tưởng Cộng Sản và tạo phẩm nền kinh tế tập trung bất công).
Xét về cơ cấu tổ chức của cộng sản Hà Nội, không phải chỉ riêng tôi, mà
đã có thậm chí những người nhìn ra trước tôi, sâu sắc hơn tôi về sự bất
hợp lý của hệ thống cộng sản Hà Nội. Nó tổ chức công việc giẫm đạp lẫn
nhau, rối về chức năng, nó là một hệ thống vận hành trên mệnh lệnh chính
trị chủ yếu hơn là “tự vận” dựa trên một thứ qui luật, chuẩn mực nào
(tự vận: tôi muốn nhấn mạnh về phản ứng có tính phản xạ theo một
khuôn mẫu luôn sẵn sàng chứ không theo một chỉ đạo nào đó). Một hệ thống
Vô Pháp – Vô Tắc! Vô pháp vì chẳng có thứ Luật nào qua Luật Rừng (tức
vượt qua được thân thế, qua vị trí quyền lực, càng có nhiều quyền càng
ít bị đụng chạm tới và khi là chóp bu thì luật bất khả phạm), vô tắc vì
mọi thứ không rõ ràng, không nhất quán, không chuẩn mực, không xuyên
suốt, không thực tế. Tôi luôn nghĩ bất kỳ ai ở Việt Nam hiện nay đều
nhận thức rõ được điều này, nên chắc tôi không ví dụ, nó có mặt hàng
ngày ở các trang báo chính thống.
Nó là một Hệ Thống không rõ ràng về chức năng. Được tổ chức và vận hành
tùy tiện, chúng ta đừng xem thường sự tùy tiện này. Ở lĩnh vực quản lý
nhà nước mà tùy tiện thì không thể đóng hết cái vai trò của nó, không
thể tạo ra thiết chế trật tự trong xã hội, một nhà nước tùy tiện là bắt
nguồn nảy sinh sự hỗn loạn, nó hỗn loạn từ bên trong cái hệ thống đó
trước cho đến ra bên ngoài. Vì vậy chúng ta thấy hiện này, tình trạng xã
hội đang bị phá vỡ hầu hết các nền tảng về văn hóa và đạo đức do cách
ứng xử tùy tiện, quan liêu từ trong bộ máy nhà nước ra. Đừng đánh gia
thấp sự tùy tiện đó.
Không quản lý được Hệ Thống của mình, những quan chức bất chấp mọi qui
phạm để lách léo, câu kết hòng đạt được mục đích vật chất cá nhân. Do
cạnh tranh sinh tồn là đặc trưng của mọi giống nòi, nên người dân cũng
phải “tuân theo” cái qui phạm bất thành văn ấy là mọi thứ đều phải lót
tay hoặc câu kết lợi ích. Kẻ lớn lợi ích lớn, kẻ nhỏ lợi ích nhỏ, còn
người dân phải lót tay hòng cho được thuận tiện những phương tiện sống
cho mình.
Chính vì vậy, “lỗi Hệ Thống” này khiến cho nó không còn hoạt động hiệu
quả. Nó như một tổ chức sinh ra không phải để tham gia vào việc xây dựng
phát triển mà để kìm hãm lẫn nhau, kìm hãm sự phát triển của đất nước
và quá dư thừa những kẻ ăn không ngồi rồi.
Về khía cạnh kinh tế, Tôi nghĩ không ai ngạc nhiên không nếu tôi nói
rằng kinh tế Tư Bản năng động thúc đẩy con người sáng tạo, xã hội sáng
tạo, luôn tạo ra sản phẩm có giá trị mới thì ngược lại, kinh tế cộng sản
làm thui chột con người, làm xã hội bị động, u ám, những sản phẩm nó
làm ra càng ngày càng giảm giá trị! Có nghĩa, chức năng tạo ra sản phẩm
phục vụ cho đời sống con người thì kinh tế Tư Bản thúc đẩy tốt hơn trong
khi kinh tế cộng sản chủ đạo mất dần chức năng này.
Chỉ nói riêng về “chủ thuyết lấy kinh tế thành phần nhà nước làm chủ
đạo”, thì nó đã phá vỡ các nền tảng của một mô hình kinh tế hình tháp
năng động. Đối với chủ thuyết này, không một công ty hay tập đoàn tư
nhân nào được lớn mạnh và vượt qua công ty – tập đoàn nhà nước! Có nghĩa
hình tháp này luôn có công ty, tập đoàn nhà nước nằm trên đỉnh. Nếu
không có cạnh tranh, và tự do cạnh tranh thì kinh tế mất đi đặc tính
năng động của nó, nó ngầm phá đi sức sáng tạo của các tế bào kinh tế và
xã hội.
Chính vì sự tồn tại của chủ thuyết này mà những nguồn lực tốt nhất ban
đầu của đất nước như con người, chính sách, vốn, tài nguyên khoáng sản,…
đều ưu ái dồn hết cho thành phần kinh tế này trong khi những thành phần
tư nhận khác tồn tại rất chật vật và nhiều khó khăn, bị o ép không chỉ
về những giới hạn trong chính sách, thủ tục mà còn về thuế, vay mượn
tiền vốn, quỹ đất,…
Hoạt động không hiệu quả của thành phần kinh tế nhà nước không chỉ làm
tiêu tan các nguồn lực vật chất mà còn làm hao mòn về ý chí của con
người, động lực vận động xã hội.
Nhu cầu của con người, xã hội không chỉ tăng về số lượng mà còn về chất.
Ngập trong một rừng hàng hóa dơ bẩn có nguồn gốc từ Trung Quốc, và
trong tình trạng một nước nghèo không ngóc lên được, người dân thu nhập
thấp, khiến cho không một hàng hóa nào trong nước sản xuất ra đủ cạnh
tranh với cái rừng ấy. Đừng trách người dân chuộng hàng hóa giá rẻ mà
khiến doanh nghiệp trong nước không thể sản xuất hàng chất lượng có giá
thành cao, vì người dân có thu nhập thấp mà thôi. Nếu có thu nhập cao,
người dân chẳng thua gì giới chóp bu cộng sản về mức độ biết hưởng thụ
và chăm lo cuộc sống sung túc đâu, như ăn hàng nhập, rau củ quả trái cây
sạch, thịt tươi sống không chất tăng trọng,… mà người dân biết hưởng
thụ hết đấy! Bởi hãy nhìn vào sự “sính ngoại” của phần lớn dân có tiền,
không ngẫu nhiên mà đất nước có hiện tượng giới có tiền bỏ chạy hàng hóa
Việt mà chuộng hàng hóa nhập xuất xứ Âu – Mỹ - Úc.
Nguyên nhân của sự nghèo đói thì hãy nhìn vào chính sách điều hành giết
chết nền sản xuất tư nhân và cách “hội nhập” của cộng sản Hà Nội. Đừng
vội nghĩ hội nhập vì sự phát triển đất nước, cộng sản Hà Nội không có
trình độ để đàm phán hay thương thuyết quốc tế, mà “hội nhập” để có cớ
vay mượn tiền đầu tư cho những dự án đục khoét. Thật dễ hiểu khi ở đâu
có nhiều tiền cho cộng sản Hà Nội vay thì càng có nhiều “hiệp định” kinh
tế văn bản hoặc không văn bản với nơi đó được ký kết, như một kiểu đi
xin ăn. Mặt khác, các hiệp định kinh tế, có hiệp định nào đem lại lợi
ích thực sự cho đất nước chưa, xin mời ai đó hãy nêu ra, muốn chỉ ra cái
lợi thì phải làm được phép cộng trừ, so sánh rằng chúng ta cho đi bao
nhiêu và nhận lại bao nhiêu trong các hiệp định thương mại. Cũng đừng
trách, đổ lỗi tại các doanh nghiệp tư nhân “quá ngu” không chuẩn bị để
hội nhập? Vì nếu nghĩ như vậy thì người cộng sản đang đặt các “tập đoàn
lớn chủ đạo ở đâu”? Như Vietnam Airline thua một ông luật sư Âu Châu
tiền ký quỹ 100 triệu USD giấu nín bặt, hay ký hớ với Hàn Quốc giá nhập
xăng dầu đến 10%, … chưa kể những cái hớ với Trung Quốc.
Ở góc cạnh khác, hãy nhìn để thấy Giáo Dục là nguyên nhân gây nghèo đói
cả về tri thức và tư duy phát triển. Thật lấp liếm khi lâu lâu “tự hào”
một người gốc Việt nào đó xuất sắc ở một trường đại học danh giá, hay
nổi tiếng nhờ một phát minh hay chơi giỏi một môn thể thao nơi xứ người,
họ chỉ mang dòng máu Việt Nam, không là thành phẩm từ xã hội Việt Nam.
Những niềm tự hào cỏn con trên các tít báo!
Chiều hướng dài ngắn đều đi vào suy thoái như thế, hãy nhìn vào con số
doanh nghiệp phá sản ± số đăng ký mới những năm gần đây và nhìn vào túi
ngân sách ngày càng rỗng sọp thì hiểu rằng dù có hô hào thế nào đi nữa,
thì cũng chỉ nhẹ đầu cho kẻ hô hào xây dựng nền kinh tế tư nhân thôi,
chứ nó không có kết quả gì cả. Thứ nhất là vì cái hệ thống nó không “làm
việc từ trên xuống” đã lâu lắm rồi, thứ hai là 30 năm qua thành phần
chủ đạo nó phá tiêu tan hết rồi, con ông cháu cha nhà nó, cái nó làm nên
được là làm nên nợ mà thôi.
Trong một nền kinh tế rỗng ọp, hao kiệt thì cộng sản Hà Nội đang loay
hoay tìm cách xoay tiền. Vì vậy, dạo này các trang báo nói nhiều về thuế
và nghĩa vụ tài chính. Với thuế thì nói về hai mũi nhọn là chống thất
thoát thuế (tình trạng công vụ thuế ăn chia tiền thuế với doanh nghiệp
trốn thuế) và tìm ngách thu thêm thuế. Ở cái xứ cộng sản này thử hỏi còn
thứ thuế nào mà chưa thu, chỉ là cố nặn ra thêm thứ thuế hoặc lọc ra kẻ
trốn thuế, ăn tiền chặn thuế thôi. Về tài chính thì tận thu bằng mọi
cách, gia tăng đủ thứ phí, lệ, vào giá cả.
Kinh tế thật bế tắc, và thật u ám! Có thể tình hình này không ảnh hưởng
nhiều đến giới tài phiệt đỏ Việt Nam, hay một số thành phần trung lưu
lợi ích, họ vẫn ăn chơi và có cách moi tiền, nhưng, tình hình ngân sách
nhà nước thì rất u ám, nếu nó đổ bể, e rằng giới này không còn đường
chạy thoát. Nhưng không phải ai cũng thấy được hậu vận của mình, vì vậy
mà cả nước Việt, Chùa chiền, Đền Thánh, ngày càng đắt hàng những kẻ cầu
rộng hậu vận, cầu vinh đường sau.
Cộng sản cứ rao rêu Tư Bản này nọ, nhưng không thể tạo ra những con
người tầm cỡ như Bill Gate, Steven Job, Elon Musk, Mark Zuckerburg,…
Cộng sản thật tếu táo! Chẳng những không chê bai những người đó mà còn
ca ngợi hết lời.
Mặt khác, nếu “cái lý tưởng” mà trước kia nó là lý do để hệ thống này
được “sinh ra”, nay không còn nữa, thì nó đã tan rã từ bên trong! Lý
Tưởng là một Định – Dạng – Mục – Tiêu để tập hợp đám đông, thì khi cái
định dạng ấy mờ mờ ảo ảo thì cái đám đông kia là đám lợi ích – ô hợp.
Người ta có thể đấu tranh, hy sinh cho nhau vì một lý tưởng cao đẹp, còn
đám lợi ích – ô hợp thì ngược lại, đám này sẽ hy sinh lẫn nhau hoặc
thậm chí tàn sát nhau. Và thực tế nó đang diễn ra.
“Cái Lý Tưởng” không còn, nguồn lực nuôi sống và tạo chất liên kết lợi
ích cũng ngày càng teo tóp, nó sụp trong nay mai. Tôi nghĩ nó không quá
2018 đâu, cũng có thể cuối năm 2017.
Bài viết này tôi không nhắc đến quân đội và công an, nhưng không có
nghĩa bỏ qua. 2 nhân tố này chỉ có tính chất nhất thời mà thôi, có nhiều
điều thú vị trong nội bộ hai nhân tố này sẽ xuất diện trong nay mai, có
những kẻ nói vậy nhưng không phải vậy, chủ trương bảo vệ đảng cộng sản
Việt Nam không phải là “nhận thức tuyệt đối” trong 2 nhân tốt này. Không
ngẫu nhiên mà lại có chương trình chống suy thoái, nó không nhẹ sách vở
như chúng ta thấy, nó là diễn biến phức tạp và có tính bất ngờ. Sự
chuyển biến này trước hết nó bắt đầu từ bên trong, từ “nhận thức”, và
nhận thức này sẽ mãi là “nhận thức” nếu không có tác nhân từ bên ngoài,
từ viễn cảnh thực tế, từ sự suy vong của dân tộc,… và từ nước đi cờ của
các nước lớn trong trận địa Chính Trị - Quốc Phòng toàn cầu. Nếu nó vận
hành từ yêu tố vật chất thì nó cũng từ đây mà phân rã.
Định – Dạng – Mục – Tiêu của cộng sản nếu có hình hài rõ ràng, và nhà
nước làm tròn các vai trò, bổn phận của nó, thì chẳng có sức ép nào làm
nó sụp. Và khi nó rỗng tuếch từ bên trong, mục rữa nơi gốc rễ, thì chẳng
thứ gì giữ cái thân nó.
Sức ép và sự oán thán của dân chúng là hệ quả của nó, và càng kìm kẹp
bao nhiêu, nước tức vỡ bờ bây nhiêu. Nhưng xét từ khía cạnh này, chỉ là
sự oán thán thù hận mà người dân gánh chịu sẽ trút lên cộng sản khi nó
sụp đổ thôi, chứ chuyển biến nội tại cộng hưởng từ bối cảnh quốc tế khi
Mỹ đang lấy lại sự độc tôn mới là thứ khiến nó sụp đổ. Ông Trump có kế
hoạch cho các nước cộng sản còn lại, phải nói rõ như thế, hãy nhìn rõ về chuyến đi về tay không của Tập Cận Bình.
Thật là nhiều lời tung hô ảo tưởng về thế nằm trên cân của Bắc Kinh đối
với Washington trong trước chuyến đi của ông Tập nhưng sau đó là sự im
lặng lạ lùng, không lời tung hô nào nữa cho kết quả của ông Tập đã mang
về, ngược lại, cả hai cường quốc sau Mỹ Trung Quốc và Nga lại như van
nài – cầu mong Mỹ đừng quyết đoán vũ lực quá với Triều Tiên. Điều chưa
bao giờ xảy ra sự đồng thanh như thế.
P/S: thật buồn cười về bài viết
của anh Hưởng khi anh đọc vị lý do Trump đánh Syria là do thế yếu chính
trị của ông ấy trong nội quốc và nội đảng! Nên đánh để phân tán sự chú
ý! Nếu anh đoán sai tính cách một con người, thì anh cũng sẽ dự đoán sai
hành động của họ. Thật là sai lầm! Không nên ngồi từ đáy ếch mà nhìn ra
bên ngoài, đừng dùng hoàn cảnh và kinh nghiệm cá nhân để phán đoán (áp
đặt) một con cá tung tăng ngoài biển khơi rộng lớn.
Thật thú vị là các nước thù địch của Mỹ đều là những quốc gia độc tài!
13/4/2017
CÁNH DÙ LỘNG GIÓ * VIỆT CỘNG RA LỆNH TỔNG ĐỘNG VIÊN
Cộng Sản VN sẽ ra lệnh Tổng Động Viên?
Cánh Dù lộng gió (Danlambao) - Khi
Tổng Thống Mỹ Donald Trump dội 59 quả tên lửa Tomahauk vào Sirya, thế
giới thật sự ngạc nhiên, Trung Quốc bị dằn mặt, Nga giận tím mặt. Con Sư
Tử Hiệp Chủng Quốc đã bừng tỉnh giấc sau khi ngủ vùi dưới thời Obama.
Mỹ cũng đang kéo hạm đội vào sát Bắc Triều Tiên có thể đánh với Bắc
Triều Tiên bất cứ lúc nào, tùy vào thái độ ngông cuồng của Kim Yong Un.
(1)
Trung Quốc cũng đã chuẩn bị giàn 150 ngàn quân sát biên giới với Bắc
Triều Tiên không biết để nghênh chiến với Mỹ hay lại dạy cho Bắc Triều
Tiên một bài học như VN năm 1979. Cũng có khả năng để ngăn chặn làn sóng
người tỵ nạn từ Bắc Triều Tiên tràn qua Trung Quốc lánh nạn.
Cuba canh giữ hòa bình thế giới với Việt Nam đã tự ý bỏ cuộc chơi với
Mỹ. Vezuela sắp sửa cởi bỏ cái áo Cộng Sản mà Tổng Thống Hugo Chavez đã
mặc cho nước này khi nhận Fidel Castro là thày đỡ đầu.
Giờ này nếu Mỹ tấn công Bắc Triều Tiên để xóa sổ tên ăn vạ Quốc Tế Kim Yong Un nữa thì chỉ còn lại Trung Quốc và CSVN.
Bài học Sirya vừa qua không biết CSVN đã thấm nhuần được chút nào không.
Nếu cứ tiếp tục đàn áp người Dân thì trước sau Mỹ cũng sẽ có phần
thưởng dành riêng cho CSVN tương tự như đã ưu ái với Sirya 59 quả tên
lửa Tomahauk vừa rồi. Hiện nay Mỹ đã điều động 150 ngàn quân tại
Damascus.(2)
Có lẽ Mỹ sẽ vặt lông lá Trung Quốc trụi lủi, bằng cách dẹp các Nước CS
râu ria, tay chân của Trung Quốc, lúc đó nếu sảy ra tranh chấp với
Trung Quốc, thì Trung Quốc sẽ đơn phương độc mã một mình chống chọi với
Mỹ và các nước đồng minh.
CSVN "sẽ" kêu gọi động viên trên toàn lãnh thổ để giữ đúng cam kết trong
hiệp ước hợp tác quân sự với Trung Quốc mà Nguyễn Phú Trọng đã ký kết
khi qua thăm Trung Quốc. Theo sự phỏng đoán. (Tham khảo link dưới)(3)
Thanh Niên VN sẽ được tuyên truyền đi nghĩa vụ là yêu Nước, là bảo vệ Tổ
Quốc chống lại kẻ thù xâm lược, nhưng kẻ thù đây là ai? Là các Quốc Gia
chống lại Trung Quốc mà CSVN có bổn phận và trách nhiệm phải hợp đồng
chiến đấu để bảo vệ lẫn nhau khi có chiến sự xảy ra.
Hãy nhớ một khi Trung Quốc có chiến tranh thì CSVN cũng phải tiếp tay
với Trung Quốc để chống lại cả cái khối đồng minh của các Quốc Gia tự do
khác, trong đó có Hoa Kỳ đứng đầu, không biết CSVN có nghĩ ra điều này
không, hay chỉ muốn lấy lòng ông bạn vàng 4 tốt 16 chữ vàng. Xua thanh
niên VN làm bia sống cho các loại tên lửa từ xa phóng tới. Trong khi
cùng lắm trên tay của họ chỉ có cây AK 47 của Liên Sô từ thời đệ nhị thế
chiến.
Ngày 13/04/2017.
________________________________
Chú thích:
TRẦN TRUNG ĐẠO * BẮC HÀN
Trump và Tập trong khủng hoảng Bắc Hàn
Trần Trung Đạo (Danlambao) - Trong buổi phỏng vấn dành cho The Wall Street Journal hôm
12 tháng 4, 2017, TT Donald Trump thừa nhận sau khi lắng nghe mười
phút, Tập Cận Bình đã cho ông bài học lịch sử về mối quan hệ giữa Trung
Cộng và Bắc Hàn và cũng giúp ông thấy vấn đề không phải dễ dàng như đã
mọi người đã nghĩ trước đó. Tập Cận Bình kêu gọi các bên tiến hành một
giải pháp hòa bình trong xung đột với Bắc Hàn thay vì một xung đột quân
sự.
Thật ra, bài học lịch sử dù mười phút hay mười năm, nội dung cũng không
khác nhiều. Các giới cầm quyền Trung Cộng từ Mao, Đặng cho đến Tập chỉ
theo đuổi một chính sách duy nhất là bảo vệ vòng đai an ninh dài 1,400
kilomét và ngang qua ngã ba chiến lược Vladivostok, bản doanh của bộ tư
lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương (Pacific Fleet) của Liên Xô trước đây và
Nga hiện nay.
Không phải đây là lần đầu tiên Bắc Hàn thử hỏa tiển nguyên tử mà đã năm
lần, nhưng Trung Cộng vẫn tiếp tục nuôi dưỡng chế độ hà khắc, tàn bạo
nhất trong lịch sử loài người. Trung Cộng giữ quyền phủ quyết tại Hội
Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và đã từng bỏ phiếu chống dù chỉ là một quyết
định không bắt buộc thi hành như trường hợp quyết nghị về vi phạm nhân
quyền tại Bắc Hàn vào tháng 12, 2015.
Nhắc lại, ngày 6 tháng Giêng 2016, phát ngôn nhân quân đội Bắc Hàn tuyên
bố đã thử thành công loại bom nguyên tử nhiệt hạch (thermonuclear
bomb). Đây là lần thử vũ khí nguyên tử thứ năm của Bắc Hàn. Thoạt đầu,
nhiều người nghĩ việc thử nghiệm nhắm vào Mỹ. Thật ra là nhắm vào Trung
Cộng như Douglas H. Paal, Giám đốc Chương trình Hòa Bình Quốc Tế thuộc
Carnegie Endowment tại Washington DC phát biểu “Bắc Hàn vừa chế nhạo Trung Quốc, và điều đó sẽ tạo ra phản ứng.”
Người khó chịu nhất về các hành vi khiêu khích của Bắc Hàn là Tập Cận
Bình. Họ Tập cần một bán đảo Triều Tiên ổn định để hoàn thành các mục
tiêu khống chế toàn bộ Biển Đông. Bất ổn tại bán đảo Triều Tiên sẽ làm
cho Nhật, Nam Hàn và Mỹ có cớ để tăng cường quân sự.
Tuy khó chịu Tập Cận Bình cũng không làm gì được Bắc Hàn một cách cụ
thể. Trung Cộng phải giữ chặt Bắc Hàn. Hình ảnh một Hàn quốc thống nhất,
dân chủ, trang bị vũ khí hiện đại nằm sát bên cạnh sườn là một mối lo
không dứt. Như lịch sử chứng minh, Trung Cộng làm tất cả những gì có thể
làm, kể cả hy sinh mạng sống của người dân họ để duy trì ảnh hưởng với
đảng Đảng Lao động Bắc Hàn. Trung Cộng từng gởi một triệu “chí nguyện
quân” sang Bắc Hàn để bảo vệ nước độn (buffer state) này.
Mặc dù không có tài liệu chính thức nào cho biết tổng số viện trợ Trung
Cộng dành cho Bắc Hàn là bao nhiêu nhưng cả thế giới đều biết nguồn viện
trợ chính của Bắc Hàn không đến từ đâu khác hơn là Trung Cộng. Theo báo
Korea Times, Trung Cộng cung cấp gần hết nguồn năng lượng cho Bắc Hàn
và một nửa số thực phẩm người dân Bắc Hàn đang dùng mang nhãn hiệu Trung
Cộng.
Không ai biết rõ, hiểu rõ Bắc Hàn hơn đàn anh Trung Cộng và cũng không
ai hiểu thế mạnh thế yếu của đàn anh Trung Cộng hơn Bắc Hàn. Ba đời dòng
họ Kim cai trị Bắc Hàn đều biết mối lo và chỗ yếu của Trung Cộng, và đã
lợi dụng mối lo của Trung Cộng để duy trì chế độ bất nhân hà khắc tại
Bắc Hàn. Trung Cộng đã hơn một lần nhún nhường trước các đòi hỏi của Bắc
Hàn.
Lấy cuộc tranh chấp biên giới Trung Cộng và Bắc Hàn năm 1963 làm ví dụ.
Trung Cộng chia sẻ biên giới với 14 quốc gia gồm Việt Nam, Ấn Độ,
Pakistan, Afghanistan, Tajikistan, Kyrgyzstan, Kazakhstan, Mông Cổ,
Bhutan, Nepal, Miến Điện, Nga, Lào và Bắc Hàn.
Trung Cộng và Bắc Hàn chia sẻ biên giới dài 1,416 kilomét. Các vùng
tranh chấp thuộc khu vực sông Yalu, sông Tumen và Bạch Đầu Sơn
(Paektusan). Khu vực bất đồng nghiêm trọng nhất là Bạch Đầu Sơn. Phía
Trung Quốc cho rằng vùng núi lửa Bạch Đầu Sơn rộng 33 kilomét vuông
trước đây là đất Mãn Châu, do đó ngày nay thuộc lãnh thổ Trung Quốc.
Phái đoàn Trung Quốc còn viện dẫn lịch sử khi cho đó là nơi dòng tộc Mãn
Thanh bắt nguồn.
Bắc Hàn không đồng ý và cũng viện dẫn các dữ kiện lịch sử để chứng minh
Bạch Đầu Sơn thuộc về Triều Tiên từ nhiều ngàn năm lịch sử. Đối với dân
tộc Triều Tiên, Bạch Đầu Sơn là nơi Thần Hwanung kết duyên với một phụ
nữ và hạ sinh con trai Tangun, và chính Tangun đã sáng lập nên Vương
Quốc Choson đầu tiên trong lịch sử Triều Tiên. Một khu vực tranh chấp
khác là vùng Hồ Chongji. Trung Cộng cho là thuộc lãnh thổ Trung Quốc.
Bắc Hàn cũng không đồng ý.
Tuy nhiên, theo nội dung thỏa hiệp biên giới 1963, hai nước đồng ý phân
chia Bạch Đầu Sơn từ đỉnh và ba phần năm vùng Hồ Chongji thuộc Bắc Hàn.
Vùng đất Trung Cộng nhượng cho Bắc Hàn rộng đến mức chính quyền thuộc
các tỉnh biên giới như Cát Lâm (Jilin) và Liêu Ninh (Liaoning) phản đối
chính quyền trung ương.
Trung Cộng và nỗi sợ bị bao vây
Mối lo truyền thống của các lãnh đạo Trung Cộng là mối lo bị bao vây. Đây là lý do chính khiến Trung Cộng nhượng bộ Bắc Hàn.
Trong thời kỳ Liên Xô chưa tan rã, toàn bộ biên giới phía Bắc Trung
Quốc, bao gồm vùng Ngoại Mông đều thuộc quyền kiểm soát của Liên Xô.
Trong chiến tranh biên giới giữa Trung Cộng và Ấn Độ 1962, Liên Xô đứng
về phía Ấn. Ngay cả khi Khrushchev bị hạ bệ 1964, rạn nứt cũng không có
cơ hội hàn gắn, mâu thuẫn không có cơ hội giải quyết mà còn sâu sắc hơn.
Chu Ân Lai tố cáo Liên Xô dưới thời Leonid Brezhnev là một loại chế độ
“Khrushchev không có Khrushchev.” Vùng độn quan trọng nhất Trung Cộng
phải giữ là Bắc Hàn.
Sau khi Liên Xô tan rã, yếu tố an ninh của Trung Cộng vẫn được đặt lên
thứ tự ưu tiên trong đàm phán. Tại Trung Quốc, người Hán chiếm 90 phần
trăm dân số và chỉ 10 phần trăm còn lại thuộc các dân tộc thiểu số nhưng
10 phần trăm này kiểm soát các vùng đất bao la dọc biên giới. Giống như
Liên Xô trước đây, quyền lực của Trung Cộng mạnh ở trung tâm nhưng rất
lỏng lẻo tại các địa phương xa. Chọn lựa của Trung Cộng là chọn lựa của
thế yếu chứ không phải để hòa giải với láng giềng. Trong trường hợp đàm
phán với Bắc Hàn, sự ổn định của vùng độn Bắc Hàn quan trọng hơn vài
trăm kilomét vuông đất vùng Bạch Đầu Sơn.
Trung Cộng và mối lo an ninh bên cạnh sườn đến từ phía Nga
Bắc Hàn có chung ngã ba chiến lược với Trung Cộng và Nga. Khu vực biên
giới giữa Bắc Hàn, Nga (trước kia thuộc Liên Xô) và Trung Cộng giữ một
vai trò chiến lược vô cùng quan trọng đối với Trung Cộng. Đây là cửa ngõ
Nga dùng để qua Thái Bình Dương. Cách ngã ba không xa là thành phố
Vladivostok, nơi đặt bộ tư lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương của Nga. Nhiều
lần trong thế kỷ 19, thành phố cảng Vladivostok cũng là nơi diễn ra các
đụng độ quân sự giữa Nga và Trung Quốc. Sau cách mạng Nga tháng Mười,
1917, Vladivostok là điểm đổ bộ của các lực lượng đồng minh tình nguyện
trong đó có Tiệp, Anh, Mỹ, Canada với ý định lật đổ chính quyền CS của
Lenin vừa mới được dựng lên. Thành phố này bí mật đến nỗi không cho phép
một người nước ngoài nào thăm viếng. Nếu hai mặt của khu vực tam giác
chiến lược này thuộc về Nga, thì đó sẽ là một đe dọa quân sự nghiêm
trọng với Trung Cộng.
Hiện nay, Nga kế thừa các quyền kinh tế, chính trị và quân sự của Liên
Xô tại khu vực này và viễn ảnh bang giao giữa Trung Cộng và Nga cũng
không có gì hứa hẹn. Trong một xung đột quân sự quốc tế, Trung Cộng có
thể sẽ bị siết giữa gọng kềm và không đường thoát.
Bang giao quốc tế là một cuộc đấu tranh chính trị cân não. Trong thời
đại toàn cầu hóa, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia sẽ sâu sắc hơn
thời kỳ Chiến tranh Lạnh và hai cuộc thế chiến trước đây, do đó, cuộc
đấu tranh lại càng khó khăn, phức tạp và có thể phải chấp nhận nhiều rủi
ro hơn.
Cho dù theo đuổi bao nhiêu mục tiêu, đối với một quốc gia, tại mỗi thời
kỳ nhất định, chỉ có một ưu tiên tối thượng. Bảo vệ sức mạnh trung tâm
là ưu tiên tối thượng của Trung Cộng.
Trước mắt, Nga và Trung Cộng liên minh chống Mỹ để duy trì ảnh hưởng tại
Trung Đông và Trung Á nhưng không có gì bảo đảm lâu dài. Bởi vì, mặc dù
Nga và Trung Công, ngoài miệng đều tuyên bố chống chủ nghĩa bành
trướng, cả hai nước đều có lịch sử bành trướng đã trở thành truyền
thống. Sự xuất hiện của Trung Cộng từ thời kỳ Đặng Tiểu Bình về sau với
tham vọng trở thành siêu cường số một trên thế giới đe dọa trực tiếp đến
ảnh hưởng và quyền lợi của Nga.
Mặc dù liên minh nhau trong một số lãnh vực, cả Trung Cộng lẫn Nga đều
thừa nhận Mỹ vẫn đứng hàng đầu. Cả hai đều biết họ phải hợp tác chiến
lược với Mỹ và nếu muốn tiếp tục phát triển trong hòa bình và ổn định
tốt nhất không nên trở thành kẻ thù số một của Mỹ.
Bằng chứng, khi Nga cực lực phản đối Mỹ về việc kết nạp các quốc gia cựu
CS Đông Âu và Baltics vào NATO, Trung Cộng không lớn tiếng ủng hộ quan
điểm của Nga. Tương tự, khi Trung Cộng phê bình Chỉ đạo cho Hợp tác
Phòng Thủ Mỹ-Nhật năm 1997 (1997 Guidelines for US–Japan Defense
Cooperation) có khả năng bao gồm cả Eo Biển Đài Loan, Nga im lặng.
Tập Cận Bình từ thù tới bạn của Trump
Như người viết đã trình bày trong bài TT Trump và "Chính Sách Một Trung Quốc",
trong suốt thời kỳ vận động bầu cử, Donald Trump đứng trên quan điểm
chống Trung Cộng triệt để và gần như trong mọi lãnh vực. Trump tố cáo
Trung Cộng vận dụng chính sách tiền tệ có lợi một chiều, tức chiều xuất
cảng hàng hóa Trung Cộng; tố cáo Trung Cộng xây dựng các căn cứ quân sự
trên Biển Đông; tố cáo Trung Cộng dung dưỡng Bắc Hàn đe dọa an ninh thế
giới. Trump không chỉ tố cáo thôi nhưng còn hứa sẽ sử dụng các biện pháp
cứng rắn để trả đũa Trung Cộng, trong đó có tăng thuế nhập cảng lên đến
45 phần trăm.
Quan điểm đó vừa được thay đổi hoàn toàn. Trong buổi phỏng vấn dành cho The Wall Street Journal
tại Tòa Bạch Ốc hôm thứ Tư 12 tháng 4, TT Trump cho biết ông không còn
xem Trung Cộng như là quốc gia vận dụng giá trị tiền tệ nhằm có lợi cho
xuất cảng hàng hóa. Một số báo chí Mỹ và quốc tế phê bình TT Trump về
việc thay đổi chủ trương đối với Trung Cộng từ thù thành bạn chỉ trong
vòng vài hôm. Những phê bình đó không hẳn đúng. Chính sách dài hạn của
Mỹ đối với Á Châu và Trung Đông không thay đổi và vẫn là tạo sự hòa
bình, ổn định có lợi nhất cho Mỹ. Điểm khác biệt chính yếu giữa Trump và
các tổng thống tiền nhiệm là phương pháp thực hiện các chính sách lâu
dài đó.
Đối với TT Trump, khả năng nguyên tử của Bắc Hàn hiện nay là mối đe dọa
trực tiếp đến an ninh nước Mỹ và quyền lợi của Mỹ tại Á Châu. Ngoại trừ
thành phần yêu dân chủ thật sự rất nhỏ, chiến tranh Syria còn là một
cuộc chiến ủy nhiệm liên quan đến 11 quốc gia khác nhưng việc giải quyết
Bắc Hàn hoàn toàn đặt nặng trên vai Mỹ.
Không chỉ TT Trump mà cả thế giới đều biết lò lửa nguyên tử Bắc Hàn
không thể dập tắt bằng phương pháp hòa bình nếu không có sự của tham gia
tích cực và có trách nhiệm của Trung Cộng. Nói rõ hơn, Bắc Hàn chỉ bị
khuất phục bằng những trừng phạt kinh tế nặng nề, không phải từ phía Mỹ
mà từ chính Trung Cộng.
Tập Cận Bình phải hiểu Trung Cộng không phải là người đứng giữa cuộc
tranh chấp. Hơn ai hết, họ Tập cũng biết một biến cố quân sự xảy ra,
chẳng những Bắc Hàn tiêu vong mà hạ tầng kinh tế lẫn thượng tầng kiến
trúc chính trị tại Trung Cộng cũng lung lay tận gốc. Do đó, chính sách
của Trung Cộng nhằm giải giới nguyên tử Bắc Hàn trong thời gian tới
thành công hay thất bại chưa biết nhưng chắc chắn sẽ nặng tay hơn.
Tập Cận Bình không có thiện cảm với chính sách và cả cá nhân Kim
Jong-un. Kim Jong-il, cha của Kim Jong-un viếng thăm Trung Cộng bảy lần
từ năm 2000 đến năm 2011, ngay cả khi bịnh trầm trọng nhưng Kim Jong-un
chưa hề đặt chân đến đất Trung Cộng từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền
lãnh đạo cách đây năm năm.
Việc Kim Jong-un ra lịnh ám sát Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ của y
được Trung Cộng che chở đã làm Tập Cận Bình càng thêm tức giận. Đây
không phải lần đầu tiên. Cuối năm 2013, Jang Song-taek, người có ý định
cải tổ nền kinh tế Bắc Hàn theo hướng Trung Cộng đã bị Kim Jong-un khám
phá và giết chết.
Tờ Global Times, có khuynh hướng thân giới lãnh đạo Trung Cộng,
trong bài bình luận mới đây cho rằng Trung Cộng nên ủng hộ các biện pháp
cứng rắn hơn để ngăn chận Bắc Hàn thử bom nguyên tử. Bài bình luận còn
nhắc lại việc TT Trump nhấn mạnh nếu cần sẽ đơn phương giải quyết vấn đề
Bắc Hàn như ông đã ra lịnh bắn 59 hỏa tiển Tomahawk vào Syria sau khi
các phi cơ Syria thả bom hóa học giết hại hàng trăm thường dân trong đó
có trẻ em dù lúc đó Tập đang ở Florida.
Nói ra có thể bị cho là diều hâu hiếu chiến, nhưng có lẽ không có giải
pháp nào dứt khoát và mang tính cách mạng hơn là một cuộc chiến tranh
khu vực Đông Bắc Á Châu. Chiến tranh sẽ xóa bỏ chế độ bất nhân ác đức
tại Bắc Hàn và có ảnh hưởng đến các chế độ chính trị độc tài đảng trị
khác như Trung Cộng và Cộng Sản Việt Nam.
Nhưng khi chúng ta biết điều đó, Tập Cận Bình đã biết trước chúng ta.
Những ngày tháng tới, họ Tập sẽ gia tăng áp lực thông qua thuyết phục,
đàm phán và trừng phạt kinh tế giới hạn để buộc Bắc Hàn bỏ qua ý định
thử bom nguyên tử lần thứ sáu.
Rồi sau đó, tất cả độc tài và áp bức sẽ trở về chỗ cũ nhưng đau thương
và chịu đựng của người dân Bắc Hàn thì không. Trên bán đảo Triều Tiên,
25 triệu dân vẫn tiếp tục sống cuộc đời nô lệ. Trump hay Tập cũng chỉ
quan tâm đến bom nguyên tử và không ai trong số họ quan tâm đến số phận
của con người.
15.04.2017
_________________________
Tham khảo:
- Bài viết này khai triển ý từ bài viết “Bài học tranh chấp biên giới giữa Trung Cộng và Bắc Hàn”
- M. Taylor Fravel (2005). Regime Insecurity and International Cooperation, Explaining China’s Compromises in Territorial Disputes, Belfer Center for Science and International Affairs
- Morse Tan (2015). North Korea, International Law and Dual Crisis, pp 81-88, Routledge, NY
- Bruce Elleman, Stephen Kotkin, Clive Schofield (2013). Beijing's Power and China's Borders: Twenty Neighbors in Asia, pp 110-124, NY
- Daniel Gomà Pinilla (2004). Border Disputes between China and North Korea, China Perspectives
- Conferences of the Communist and Workers Parties, The Great Soviet Encyclopedia (1979).
- Stockholm International Peace Research Institute, Russia and Asia, The Emerging Security Agenda, Edited by Gennady Chufr (1997)
- Hannah Beech, China’s North Korea Problem, New Yorkers, February 23, 2017
- Donald Trump admits Xi Jinping gave him a history lesson on North Korea, The Independent, UK, Thursday 13 April 2017
VÕ THỊ HẢO * ĐỘC TÀI HAY CHẾT?
Từ bỏ độc tài hay là chết?
Võ Thị Hảo
Thứ Hai, 01/30/2017 - 21:14 — vothihao
* „Ấp gà nở rắn“
Cái khốn khổ của con người là phải nô lệ cho những thế lực - lá cờ không
đại diện cho quyền lợi của họ. Từ đó dẫn đến vô số thảm họa.
Ngày 3/2/1930, những người thành lập Đảng CSVN lúc đó cũng không thể
hình dung được rằng họ, với một mục đích nồng nhiệt nhưng đã bẻ lái con
thuyền VN đi theo một dòng sông độc hại mà đến 87 năm sau đó(2017), cái
gọi là định hướng xã hội chủ nghĩa đã đưa dân tộc VN trở thành nơi chốn
của chủ nghĩa tư bản thân hữu, lợi ích nhóm, chủ nghĩa tư bản hoang dã
...mượn bùa phép của chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội để bảo vệ sự
độc tài cho một nhóm đảng viên quyền lực thâu tóm lợi ích của đất nước
và nhân dân về kho lẫm của riêng họ.
Vậy là người VN đã phải nô lệ cho lá cờ đó 87 năm rồi.
Kết quả của 87 năm định hướng Cộng sản và chủ nghĩa xã hội là xây dựng
thành công các thế hệ nhóm tư bản thân hữu lũng đoạn trong Đảng cộng
sản. Thật chẳng khác nào ấp trứng tưởng gà mà sau một thời gian lại nở
thành rắn. Đương nhiên, cái trứng đó phải là trứng rắn thì mới nở ra
rắn, nhưng nhiều người nhìn vào cứ tưởng trứng gà đặc biệt.
* Nhận ra và sát phạt nhóm thân hữu
Không phải nhà cầm quyền VN không nhận ra điều đó.
Bằng chứng là, năm 2015, khi đấu tranh giành thế lực với phe nhóm Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nói đến
hiện trạng này. Nhiều cơ quan ngôn luận của đảng CS VN cũng rộ lên
những phân tích hiện trạng và cảnh báo. Tạp chí Cộng sản đã đăng bài
„Lọi ích nhóm và chủ nghĩa tư bản hoang dã: cảnh báo nguy cơ...“ của ông
Phó Trưởng Ban tuyên giáo TƯ Vũ Ngọc Hoàng. Bài viết đã nêu thực trạng
và hô hào đấu tranh chống lại chủ nghĩa tư bản thân hữu, lợi ích nhóm
trong Đảng.
...“Đặc trưng của “chủ nghĩa tư bản thân hữu” là có sự cấu kết, xâm
nhập lẫn nhau giữa nhóm đặc quyền kinh tế và nhóm đặc quyền chính trị,
người kinh doanh cũng đầu tư vào quyền lực và người có quyền lực cũng
tham gia kinh doanh, làm quan chức để làm giàu, họ cùng nhau bóc lột
“mềm” toàn xã hội, bóc lột cả dân tộc, họ thâu tóm các nguồn tài chính,
của cải và thâu tóm quyền lực chính trị, biến bộ máy nhà nước thành công
cụ của một nhóm người (nhân danh nhà nước và đảng cầm quyền) thực hiện
độc quyền kinh tế kết hợp với độc quyền chính trị. “Vũ Ngọc HoàngTS. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Nghiencuu-Traodoi/2015/33662/Loi-ich-nhom-va-Chu-nghia-tu-ban-than-huu-canh.aspx
Kết quả của hơn 80 năm đi theo lá cờ của nhà cầm quyền cộng sản, đã được tác giả trên thừa nhận:
„Nước ta sau mấy chục năm công nghiệp hóa, đến nay năng suất lao động xã
hội vẫn thấp (vào loại thấp nhất khu vực Đông Á), hiệu quả đầu tư kém,
nợ nần nhiều mà chưa rõ trả bằng cách nào, khi mà hiệu quả đầu tư (sử
dụng nguồn vay ấy) còn kém; thu nhập thấp, sản phẩm công nghiệp xuất
khẩu hầu như không có, các chương trình nội địa hóa không thành công,
chủ yếu là làm thuê và cho thuê mặt bằng, nền kinh tế Việt Nam đang rơi
vào “bẫy thu nhập trung bình thấp”. Nhìn lại nguyên nhân các nước bị
“bẫy thu nhập trung bình” và nhìn lại tình hình nền kinh tế của ta thì
thật đáng lo ngại.“.
Và người ta đã hô hào đấu tranh chống lại hiện trạng trên. Dân chúng
được một phen khấp khởi, tưởng rằng hơn 80 năm đi theo một con đường đưa
đất nước VN vào cùng quẫn thì nhà cầm quyền CSVN đã nhận ra và thay
đổi.
Nhưng tiếc thay, khi phe nhóm của Nguyễn Phú Trọng giành được quyền lực
tuyệt đối, hiện trạng vẫn tiếp diễn ngày càng tệ và lợi ích của phe nhóm
càng mở rộng, thủ đoạn tới mức sắn sàng đem hầu hết chủ quyền đất nước
đổi lấy sự tồn tại của phe nhóm cầm quyền „tư bản thân hữu“ mới. Theo đà
vơ vét của họ, không những dân bị bóc lột tận xương tủy mà tốc độ nợ
công tăng gấp ba lần tốc độ tăng trưởng kinh tế(theo Thủ tướng Nguyễn
Xuân Phúc- phát biểu 7/1/2017 tại Hội nghị Bộ Tài chính- TTO đưa tin)...
Có đổi mới chăng chỉ là cuộc thanh trừng ngầm quyết liệt giữa những phe
nhóm mà tiếng súng và vài giọt máu rơi nội bộ chỉ đôi khi sơ suất lọt ra
ngoài.
* Cờ Đảng chẳng thể là cờ Tổ quốc
Những người trẻ sẽ phải chọn lá cờ của họ.
Lá cờ người VN đang dùng hiện nay chỉ đại diện cho Đảng cộng sản. Mà
những ai là cộng sản bây giờ? Đa phần đảng viên hiện nay không phải là
người cộng sản. Họ là số đông đứng trong tổ chức ấy, bị mượn danh, bị
lạm dụng để che đỡ cho quyền lợi của một nhóm những quan chức cầm quyền.
Những thế hệ quan chức cầm quyền đó, kể từ 3/2/1930 đến nay, đã không
ngớt tận dụng lá bùa vạn năng đó để tồn tại và kho quyền lợi riêng của
họ ngày càng kếch xù tỉ lệ thuận với sự tham nhũng quyền lực – kinh tế.
Rõ ràng, đó là một sự bội phản nhân dân.
Nếu những người trong nhóm cầm quyền hiện nay không cải cách thể chế độc
tài này, rồi sẽ đến ngày chính họ cũng là nạn nhân của những nhóm tư
bản thân hữu. Họ rốt cục cũng chỉ là những kẻ tham ăn khốn khổ, thí mạng
thế hệ tương lai và chấp nhận ngụp lặn trong dòng sông độc hại.
Nhóm tư bản thân hữu tàn bạo trong đảng thực ra chỉ là thiểu số. Dù có
tới hơn 4,5 triệu đảng viên, nhưng đa phần họ không phải là người cộng
sản. Từ lâu họ đã tự thức tỉnh rằng, nếu họ vẫn theo đuổi lý tưởng cộng
sản, thì họ đã bị chính những người lãnh đạo của họ bội phản. Họ chỉ im
lặng vì muốn yên thân hoặc tham lam và sợ hãi.
* Tặng vật Dòng sông ô nhiễm và lá cờ người trẻ
Vậy là đã gần một trăm năm người VN bị trói buộc vào con thuyền dưới lá
cờ lầm lạc. Thủ tướng VN năm 2017 cũng đã hô hào „không đổi mới là
chết...“.
Đương nhiên khả năng „chết“ là hiện hữu khi họ vẫn bám lấy thể chế độc
tài lạc hậu đi ngược lại con đường phát triển. Một người đeo đá vào
chân, rơi xuống sông, muốn sống sót thì phải lập tức thoát khỏi tảng đá.
Nhà cầm quyền CS VN cũng biết cách thoát khỏi tảng đá, nhưng họ thoát
bằng cách đem tài sản vơ vét được gửi ra nước ngoài, và họ buộc tảng đá
vào chân những đồng bào của họ. Tảng đá ấy là thể chế độc tài cộng sản,
là lá cờ Đảng cưỡng bức toàn dân phải nhận đó là cờ Tổ quốc.
Người trẻ VN thời nay bị bắt buộc phải mang vác lá cờ vừa mang vị mặn của cha anh quá khứ nhưng cũng có quá nhiều vị độc.
Các bậc cha anh VN, từ khi có lá cờ đỏ sao vàng, đã bị đè nén và tẩy não
quá nhiều và bội phản cháu con bằng sự im lặng đớn hèn trước cái xấu và
cái giả dối.
Thế hệ cha anh thường tự động cầm tù lớp trẻ trong màu vị của lá cờ
mình. Nhiều khi vì thế mà lớp trẻ thờ ơ vô cảm. Rồi người trẻ cũng tự
tha hóa mình bằng sự cam chịu nô lệ cho những lá cờ đã lỗi thời.
Nước Mỹ cho phép dân có thể đốt cờ Mỹ để thể hiện sự phản kháng với nhà
cầm quyền và xã hội đương đại. Đó là một cách phản biện xã hội. Không
nên khuyến khích việc đốt cờ, nhưng thực sự một đất nước càng mạnh khi
càng có nhiều người dám phản biện xã hội, không nô lệ hóa quá khứ và
hiện tại.
Mỗi xã hội như một dòng sông. Sông tạo thành từ vô số người và chảy qua
các số phận, các thời đại. Người trước để lại cho thế hệ sau những dòng
sông đó. Cá nào sống được trong nước sông nhiễm độc?
Hãy ngoái lại sau lưng để nhìn về cái dòng sông ô nhiễm và hỗn loạn, độc hại mà chúng ta đã để lại cho lớp trẻ VN.
Hãy nhìn những người giết chết nhau vì vô cảm và tuyệt vọng. Vẫn có rất
nhiều lòng hảo tâm nhưng khi xã hội và nhà cầm quyền vô cảm, chối từ
trách nhiệm thì thậm chí những cơn lũ cũng nhấn chìm ngay cả những người
đã dũng cảm đứng ra cứu giúp.
Hãy nhìn xem những gì con cháu chúng ta đang phải chịu đựng!
Năm 2017, rất nhiều trẻ em và phụ nữ đang là nạn nhân của nạn bắt cóc và
bị giết chết trong xó xỉnh nào đó để làm giàu cho bọ buôn bán nội tạng!
Hãy nhìn những người bị tai nạn giao thông, chết ung thư với tỉ lệ cao nhất nhì thế giới …
Hãy đếm xem bao nhiêu người dân bị giết chết hàng loạt, bị cướp đi cả
tương lai bởi chính những bàn tay cầm quyền và tư bản thân hữu đã lạnh
lùng cho nổ vô số bom nước thủỷ điện để dòng tiền không ngừng chảy vào
túi quan chức.
Hãy nhìn những ngư dân chết khô chết độc thực thể và chết khô tương lai
cả con cháu của họ trong biển trong sông độc của những công ty liên
doanh TQ xả độc ra giết chết môi trường VN...
Hãy nhìn những người dám đấu tranh cho nhân quyền và tự do, cho dân oan đang bị đày đọa trong các nhà tù...
Hãy nhìn đất nước đã hoàn toàn lệ thuộc TQ và trong cuộc bán chác này,
dân là người bị thua thiệt. Dân phải lấy mạng sống của mình ra để củng
cố địa vị và tiền bạc cho những kẻ độc tài...
Hãy đoái trông và hãy đoái trông...Thưa những người lớn! Thưa những cha
anh và mẹ và chị...Nhịn ăn nhịn mặc cho con, „hy sinh đời bố củng cố đời
con“ của chúng ta đã trở thành một trò vô vọng khi chúng ta đã ngậm
nhục cúi đầu từ bỏ những giá trị đẹp đẽ chính trực của tâm hồn và như
thế là đã trả mồ hôi nước mắt để chuộc về cho thế hệ trẻ VN một dòng
sông độc.
Người VN không thể tiếp tục nô lệ. Mỗi người cần hành động để không bị
cướp đoạt tương lai. Ngay cả người Mỹ cũng đang phải đứng lên để bảo vệ
nền dân chủ của họ trước vị tổng thống có khuynh hướng lạm dụng quyền
lực vf phải luôn canh giữ cho nhân quyền không bị xâm phạm.
Người VN hãy chối bỏ nền độc tài hoang dã núp danh cộng sản. Ta hãy chọn lấy lá cờ của mình và đừng quá chậm trưởng thành.
VTH
NGUYỄN THỊ TỪ HUY * NGÔ ĐÌNH DIỆM THỎA HIỆP VỚI VIỆT CỘNG
Đã từng có các nỗ lực hoà bình ?
Thứ Năm, 03/23/2017 - 11:14 — nguyenthituhuy
Hôm nay nhân đọc được bài « Thử đưa ra một vài tài liệu lịch sử nói về mưu toan thỏa hiệp với Bắc Việt của ông Ngô Đình Nhu »
của tác giả Phong Uyên trên trang Dân Luận, xin giới thiệu thêm một tài
liệu nói về nỗ lực không thành giữa chính quyền Ngô Đình Diệm và Hồ Chí
Minh nhằm tránh chiến tranh và xây dựng một mô hình hai nhà nước liên
bang. Có những tài liệu khác cũng chỉ ra rằng Hồ Chí Minh đã mất cả năm
1946 để tìm giải pháp thoả hiệp với Pháp nhằm tránh chiến tranh, nhưng
đã thất bại. Và thời điểm đó Hồ Chí Minh bị coi là việt gian bán nước,
đến mức trong một diễn văn phải lên tiếng thanh minh. Cần phải tìm hiểu
xem tại sao ở Việt Nam các nỗ lực hoà bình ở thế kỷ trước đều bị thất
bại ? Trước đó, các nỗ lực đi theo con đường tri thức và học vấn (đại
diện là Phan Chu Trinh) cũng thất bại trước lựa chọn bạo lực. Và về sau,
trước mỗi cuộc chiến, các nỗ lực đàm phán vì hoà bình cũng thất bại.
Anh em Ngô Đình Diệm phải trả giá vì nỗ lực đó, Hồ Chí Minh cũng bị trả
giá, nhưng theo một cách khác. Nhưng cái giá lớn nhất thì người dân Việt
Nam phải trả. Và còn tiếp tục trả cho đến bây giờ, bởi dường như cuộc
chiến vẫn chưa kết thúc, hoà bình vẫn chưa thể nào lập lại được. Vì sao
các nỗ lực hoà bình đều thất bại ? Ở đây tôi chỉ đặt câu hỏi, chứ chưa
đưa ra câu trả lời.
Lịch sử Việt Nam còn quá nhiều góc khuất đối với đa số người Việt Nam,
dù rằng các góc khuất đó phần nào đã được soi sáng bởi các sử gia nước
ngoài từ lâu. Nhiều tài liệu cho phép nghĩ rằng, người quyết định số
phận nước Việt Nam cộng sản là Lê Duẩn chứ không phải Hồ Chí Minh. Và
cái chế độ mà ĐCS hiện nay đang hy sinh tất cả để bảo vệ là chế độ của
Lê Duẩn hay của Hồ Chí Minh ? Vấn đề này còn cần phải tiếp tục làm sáng
tỏ.
Dưới đây tôi trích dịch nguyên văn một số đoạn trong cuốn « Ho Chi Minh -
Du révolutionnaire à l'icône » của Pierre Brocheux, NXB Payot &
Rivages, 2003.
« Ngay từ 1956, Ngô Đình Diệm, người không ký vào Hiệp định Genève,
đã công khai bác bỏ ý tưởng về cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc. Việc loại
bỏ chủ nghĩa cộng sản được tiến hành song song với sự xây dựng một Nhà
nước dân tộc chủ nghĩa ở phía nam vĩ tuyến 17 dẫn ông Diệm tới chỗ điều
hành quốc gia theo phương thức độc tài, bằng cách trấn áp tất cả mọi ý
định chống đối không phải là cộng sản, dù đó là sự chống đối của các
đảng truyền thống, của các giáo phái mang tính chất tôn giáo- chính trị
(như Cao Đài và Hoà Hảo) hay là các phong trào phật giáo. Chính phủ ông
Diệm sử dụng các biện pháp đặc biệt và các biện pháp cưỡng bức, mà xét
từ một số phương diện, giống một cách lạ lùng các biện pháp của chính
quyền cộng sản ở ngoài Bắc. Trong các vùng nông thôn, các toà án lưu
động được thiết lập với những buổi tố cáo những người cộng sản (từ nay
được gọi là Việt Cộng) và thực thi lập tức những bản án tuyên ngay tại
chỗ ; dân cư trước tiên bị tập trung lại theo từng vùng và sau đó là
trong các « ấp chiến lược » (1962-1963). […] Ở thành phố, chính phủ
thiết lập hệ thống đăng ký gia đình trong mỗi khu phố ; Diệm khởi động
kiểm duyệt báo chí, bỏ tù những người đối lập. Đồng thời, ông cố truyền
bá một ý thức hệ chính thống lấy cảm hứng từ chủ nghĩa nhân cách tôn
giáo (gây thiệt thòi cho bạn bè và đệ tử của Emmanuel Mouniet, những
người chống đối) và đem giảng dạy trong các chủng viện, nơi các viên
chức được mời đến để nghe giảng. (tr.235-236)
Tuy nhiên, càng gần đến kỳ hạn phải tổng tuyển cử, thì càng thấy rõ
ràng là không thể có tổng tuyển cử, và hai « vùng tập kết » biến thành
hai nhà nước đối kháng tự cố thủ và đồng thời tự đặt mình vào quỹ đạo
của hai phe đang hiện diện lúc đó trên sân khấu quốc tế. Dường như Hồ
Chí Minh từ lâu vẫn hy vọng rằng có thể tiến hành tổng tuyển cử và tránh
được chiến tranh. Ông thực sự tin vào điều đó hay chỉ là nói cho có
vẻ ? Năm 1963, có trao đổi thư từ giữa Ngô Đình Diệm và Hồ Chí Minh, qua
trung gian của M. Maneli ; trao đổi thư tín này đề cập đến một mô hình
trung lập và cùng tồn tại giữa hai Nhà nước, thậm chí là Nhà nước liên
bang : một mô hình mà đại sứ Pháp Lalouette đã đề xuất trong những cuộc
đối thoại với Maneli. Quan điểm này chắc chắn là phù hợp với mong muốn
sâu xa của Hồ Chí Minh, muốn giải quyết vấn đề bằng con đường ngoại
giao. Dù rằng không có bước tiếp theo, nhưng sự khởi đầu của cuộc thương
lượng này đủ làm cho người Mỹ lo lắng và chắc hẳn nó góp phần vào việc
đại sứ John Cabot Lodge chấp nhận cho Bộ tham mưu quân đội lật đổ tổng
thống của Việt Nam Cộng hoà.
Trong ban lãnh đạo của Đảng lao động, một phe cánh do Tổng bí thư Lê
Duẩn cầm đầu, được sự ủng hộ của thư ký Ban tổ chức Lê Đức Thọ và tướng
Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân, đã
khuyên và chuẩn bị cho cuộc chiến với miền Nam. Khi Hồ Chí Minh bộc lộ
những lo lắng hay phản đối việc tiếp tục đẩy đất nước và nhân dân vào
cuộc chiến tranh, vì ông sợ rằng Mỹ sẽ can thiệp ồ ạt và sợ cho những
hậu quả trực tiếp và hậu quả về sau cho nhân dân, Lê Duẩn […] trả lời :
« Bác đừng sợ, tôi đã dự tính hết rồi, tôi đã chuẩn bị hết rồi. » (tr.237-238)
Năm 1960, Đại hội lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam chính thức
bầu Lê Duẩn làm Bí thư thứ nhất của Đảng […] Lê Đức Thọ, người giữ chức
vụ then chốt là Thư ký Ban tổ chức, và Lê Duẩn tạo ra một cặp đôi chiếm
đoạt quyền quyết định, kể cả sự biến mất của Hồ Chí Minh. Tướng Nguyễn
Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân, cũng giữ một
vị trí then chốt, và trở nên ngang hàng với Võ Nguyên Giáp. Bộ ba này
thực sự lãnh đạo chính trị Việt Nam và áp đặt quan điểm về cuộc chiến
tranh một mất một còn với Miền Nam và không do dự tấn công trực diện các
đội lính Mỹ. (Theo M.Maneli, ngay từ khi bắt đầu chiến sự ở miền Nam,
Hồ Chí Minh không muốn tấn công trực tiếp quân đội Mỹ và các mục tiêu
Mỹ). Kể từ đó, bộ ba lãnh đạo, và cùng với họ là đa số trong Trung Ương,
họ chỉ còn thừa nhận ở Hồ Chí Minh vai trò ngoại giao và biểu tượng. » (tr.241)
VIETTUSAIGON * SỰ THỜ Ơ
Sự thờ ơ đã giết chết chúng ta
Chủ Nhật, 04/09/2017 - 08:53 — VietTuSaiGon
Có thể nói rằng nếu chọn một tính cách nào để xét cho một đặc tính chung
của người Việt lúc này, tôi không ngần ngại để chỉ ra ngay: Thờ ơ. Chưa
bao giờ người Việt lại thờ ơ với đồng loại như lúc này. Và càng thờ ơ
bao nhiêu, chúng ta càng mau chết bấy nhiêu. Nhưng cũng thử đặt câu hỏi:
Vì sao người Việt thờ ơ? Hậu quả của thờ ơ là gì?
Ở câu hỏi thứ nhất, vì sao người Việt thờ ơ? Xin thưa, sự thờ ơ hôm nay của đại bộ phận người Việt là nhờ hoàn toàn vào công lao của đảng Cộng sản Việt Nam! Nhà nước Cộng sản đã tạo ra một môi trường vô cùng tốt để sự thờ ơ nảy mầm, trong đó gồm cả giáo dục, văn hóa, ứng xử hành chính, ứng xử xã hội, đặc biệt là ứng xử của ngành công lực. Và đương nhiên, quan trọng nhất là những ông Tổng bí thư đảng Cộng sản, những mẫu mực về sự thờ ơ, gần đây nhất là Nguyễn Phú Trọng. Ông không ngần ngại bày tỏ sự thờ o78 mẫu mực của ông trước hàng triệu số phận ngư dân đau khổ.
Thời đại bây giờ, bạn ra đường, giả bộ nằm đau, vẫy tay cầu cứu, dường như người ta im lặng bỏ đi và không đoái hoài đến bạn, cả một con đường lạnh lùng và thờ ơ, hiếm gặp người tử tế, trừ khi đó là những người vô cùng bản lĩnh hoặc ngây ngô, chưa hiểu chuyện. Vì sao?
Bởi vì ngành công lực Việt Nam dường như họ bận quan tâm đến các vấn đề truy tìm người phản kháng, người có quan điểm trái chiều về chính trị của đảng Cộng sản hơn là đi tìm thủ phạm. Và nếu có những đoàn công an đi tuần tra thì mục tiêu của họ hoặc là kết hợp với công an giao thông để truy lùng, bắt bớ các xe đi trên đường, vòi vĩnh tiền “mua ổ bánh mì” hoặc là đi dẹp những bà hàng rong, ông kẹo kéo. Giả sử có một vụ cướp gần đó thì họ cũng xem như không có gì, tiếp tục nhiệm vụ thiêng liêng của họ là dẹp bà hàng rong, ông kẹo kéo, xua người ăn xin hay bán vé số, truy đuổi người đi đường ngẫu nhiên…
Trong khi đó, tội phạm lộng hành, chúng giả dạng người gặp nạn, người tội nghiệp để lừa người đi đường vào bẫy. Chính vì vậy, khi thấy một người gặp nạn nằm bên đường, mặc dù trong sâu thẳm bạn muốn giúp người ta nhưng cơ chế phản ứng xã hội của bạn đã ngăn bạn lại, không thể để bạn cứu người. Bởi không chừng, cứu người đâu không thấy mà chỉ thấy hại mình. Đó là sự thật, và khi cái sự thật này có tính phổ biến toàn xã hội thì nó cũng là một trong những mầm mống tạo ra sự thờ ơ tập thể.
Trong giáo dục, sự thờ ơ xuất hiện tràn lan, không phải ở vấn đề thầy cô đối xử với học sinh lạnh lùng hoặc ngược lại mà nó còn ghê gớm hơn nhiều, nó nằm ở sự thờ ơ về trách nhiệm nhà giáo, lương tri không bằng lương thực. Thử hỏi, còn được mấy giáo viên thời bây giờ quan tâm đến hoàn cảnh, tâm tính hay một chuyện gì đó trắc ẩn của học trò, thậm chí ngay cả những vùng nghèo khổ, học trò không đủ cơm ăn, đến trường với cái bụng đói tóp meo nhưng vẫn có nhiều thầy cô bày ra chuyện học thêm, dạy thêm để lấy tiền, kiếm thêm thù lao.
Đó chỉ là chuyện rất nhỏ. Cái quan trọng nhất là ngành giáo dục, cấp quản lý tầm vĩ mô của giáo dục đã có tính thờ ơ, cơ hội, tham lam, giả dối và trơ trẽn nên cả ngành giáo dục đâm ra hỏng hóc. Thử tìm một bộ trưởng giáo dục cho đàng hoàn từ sau 1975 đến nay trong hệ thống giáo dục Cộng sản tại Việt Nam. Thú thực là tìm không có, và nhìn phong thái cũng như các phát biểu và sách lược về giáo dục của ông Bộ trưởng hiện tại, càng thấy đáng sợ hơn cho sự thơ ơ và trơ tráo của ngành giáo dục.
Sâu xa hơn, bản chất cai trị của nhà nước Cộng sản đã đẩy đất nước đến chỗ thờ ơ tập thể. Và khi đất nước rơi vào thờ ơ tập thể cũng là lúc cần thiết và thuận lợi nhất để đảng Cộng sản triển khai hệ thống toàn trị của họ một cách tối ưu thông qua các chính sách mà căn cội của nó lại dựa trên tính thờ ơ trong nhân dân.
Thử nghĩ, liệu nhà nước Cộng sản có dám ngăn cản tự do tôn giáo, bóp ngạt tự do báo chí, quấy nhiễu tự do phát biểu chính kiến cũng như thò tay điều khiển hàng loạt các cơ sở tôn giáo và các tờ báo nếu như đất nước, con người Việt Nam không có mức độ thờ ơ như hiện tại? Không, chắc chắn là không, bởi khi người Việt Nam biết quan tâm đúng mức đến cộng đồng, đến thế giới chung quanh cũng như quan tâm đến lương tri và nhân phẩm của chính mình, nhà cầm quyền sẽ không bao giờ dám làm điều mà họ đang làm. Vì làm như vậy, họ sẽ đụng phải phản ứng dữ dội từ phía người dân.
Nhưng thực trạng Việt Nam, không những thờ ơ với cộng đồng mà thờ ơ với những đối tượng, con người cụ thể trong mối liên đới về chí hướng và sứ mệnh. Thật là kinh hoàng khi nghĩ đến tình trạng của Mẹ Nấm, Thúy Nga và nhiều nhà đấu tranh khác đang ngồi tù chế độ Cộng sản mà chúng ta, người trong nước, thậm chí người cùng chí hướng hoàn toàn thờ ơ, chẳng có một động thái nào để giúp gia đình các chị và bản thân các chị. Chúng ta quen vỗ tay (mặc dù rất gượng gạo) về những thành tích đấu tranh, hoạt động mà họ đạt được cũng như quan sát hoạt động dân chủ của họ giống như ngồi trong cầu trường xem quả bóng lăn qua chân các cầu thủ. Và khi vỡ trận, chúng ta lại ra về, xem như không có gì, cùng lắm thì mất một tấm vé.
Ở câu hỏi thứ nhất, vì sao người Việt thờ ơ? Xin thưa, sự thờ ơ hôm nay của đại bộ phận người Việt là nhờ hoàn toàn vào công lao của đảng Cộng sản Việt Nam! Nhà nước Cộng sản đã tạo ra một môi trường vô cùng tốt để sự thờ ơ nảy mầm, trong đó gồm cả giáo dục, văn hóa, ứng xử hành chính, ứng xử xã hội, đặc biệt là ứng xử của ngành công lực. Và đương nhiên, quan trọng nhất là những ông Tổng bí thư đảng Cộng sản, những mẫu mực về sự thờ ơ, gần đây nhất là Nguyễn Phú Trọng. Ông không ngần ngại bày tỏ sự thờ o78 mẫu mực của ông trước hàng triệu số phận ngư dân đau khổ.
Thời đại bây giờ, bạn ra đường, giả bộ nằm đau, vẫy tay cầu cứu, dường như người ta im lặng bỏ đi và không đoái hoài đến bạn, cả một con đường lạnh lùng và thờ ơ, hiếm gặp người tử tế, trừ khi đó là những người vô cùng bản lĩnh hoặc ngây ngô, chưa hiểu chuyện. Vì sao?
Bởi vì ngành công lực Việt Nam dường như họ bận quan tâm đến các vấn đề truy tìm người phản kháng, người có quan điểm trái chiều về chính trị của đảng Cộng sản hơn là đi tìm thủ phạm. Và nếu có những đoàn công an đi tuần tra thì mục tiêu của họ hoặc là kết hợp với công an giao thông để truy lùng, bắt bớ các xe đi trên đường, vòi vĩnh tiền “mua ổ bánh mì” hoặc là đi dẹp những bà hàng rong, ông kẹo kéo. Giả sử có một vụ cướp gần đó thì họ cũng xem như không có gì, tiếp tục nhiệm vụ thiêng liêng của họ là dẹp bà hàng rong, ông kẹo kéo, xua người ăn xin hay bán vé số, truy đuổi người đi đường ngẫu nhiên…
Trong khi đó, tội phạm lộng hành, chúng giả dạng người gặp nạn, người tội nghiệp để lừa người đi đường vào bẫy. Chính vì vậy, khi thấy một người gặp nạn nằm bên đường, mặc dù trong sâu thẳm bạn muốn giúp người ta nhưng cơ chế phản ứng xã hội của bạn đã ngăn bạn lại, không thể để bạn cứu người. Bởi không chừng, cứu người đâu không thấy mà chỉ thấy hại mình. Đó là sự thật, và khi cái sự thật này có tính phổ biến toàn xã hội thì nó cũng là một trong những mầm mống tạo ra sự thờ ơ tập thể.
Trong giáo dục, sự thờ ơ xuất hiện tràn lan, không phải ở vấn đề thầy cô đối xử với học sinh lạnh lùng hoặc ngược lại mà nó còn ghê gớm hơn nhiều, nó nằm ở sự thờ ơ về trách nhiệm nhà giáo, lương tri không bằng lương thực. Thử hỏi, còn được mấy giáo viên thời bây giờ quan tâm đến hoàn cảnh, tâm tính hay một chuyện gì đó trắc ẩn của học trò, thậm chí ngay cả những vùng nghèo khổ, học trò không đủ cơm ăn, đến trường với cái bụng đói tóp meo nhưng vẫn có nhiều thầy cô bày ra chuyện học thêm, dạy thêm để lấy tiền, kiếm thêm thù lao.
Đó chỉ là chuyện rất nhỏ. Cái quan trọng nhất là ngành giáo dục, cấp quản lý tầm vĩ mô của giáo dục đã có tính thờ ơ, cơ hội, tham lam, giả dối và trơ trẽn nên cả ngành giáo dục đâm ra hỏng hóc. Thử tìm một bộ trưởng giáo dục cho đàng hoàn từ sau 1975 đến nay trong hệ thống giáo dục Cộng sản tại Việt Nam. Thú thực là tìm không có, và nhìn phong thái cũng như các phát biểu và sách lược về giáo dục của ông Bộ trưởng hiện tại, càng thấy đáng sợ hơn cho sự thơ ơ và trơ tráo của ngành giáo dục.
Sâu xa hơn, bản chất cai trị của nhà nước Cộng sản đã đẩy đất nước đến chỗ thờ ơ tập thể. Và khi đất nước rơi vào thờ ơ tập thể cũng là lúc cần thiết và thuận lợi nhất để đảng Cộng sản triển khai hệ thống toàn trị của họ một cách tối ưu thông qua các chính sách mà căn cội của nó lại dựa trên tính thờ ơ trong nhân dân.
Thử nghĩ, liệu nhà nước Cộng sản có dám ngăn cản tự do tôn giáo, bóp ngạt tự do báo chí, quấy nhiễu tự do phát biểu chính kiến cũng như thò tay điều khiển hàng loạt các cơ sở tôn giáo và các tờ báo nếu như đất nước, con người Việt Nam không có mức độ thờ ơ như hiện tại? Không, chắc chắn là không, bởi khi người Việt Nam biết quan tâm đúng mức đến cộng đồng, đến thế giới chung quanh cũng như quan tâm đến lương tri và nhân phẩm của chính mình, nhà cầm quyền sẽ không bao giờ dám làm điều mà họ đang làm. Vì làm như vậy, họ sẽ đụng phải phản ứng dữ dội từ phía người dân.
Nhưng thực trạng Việt Nam, không những thờ ơ với cộng đồng mà thờ ơ với những đối tượng, con người cụ thể trong mối liên đới về chí hướng và sứ mệnh. Thật là kinh hoàng khi nghĩ đến tình trạng của Mẹ Nấm, Thúy Nga và nhiều nhà đấu tranh khác đang ngồi tù chế độ Cộng sản mà chúng ta, người trong nước, thậm chí người cùng chí hướng hoàn toàn thờ ơ, chẳng có một động thái nào để giúp gia đình các chị và bản thân các chị. Chúng ta quen vỗ tay (mặc dù rất gượng gạo) về những thành tích đấu tranh, hoạt động mà họ đạt được cũng như quan sát hoạt động dân chủ của họ giống như ngồi trong cầu trường xem quả bóng lăn qua chân các cầu thủ. Và khi vỡ trận, chúng ta lại ra về, xem như không có gì, cùng lắm thì mất một tấm vé.
Thực tâm mà nói, mọi hoạt động để giải cứu những tù nhân lương tâm đến
từ bên ngoài nhiều hơn là trong nước. Các nhà hoạt động dân chủ, xã hội
dân sự cô đơn ngay trên xứ sở của mình! Bởi do đâu mà nên nông nỗi như
vậy? Bởi vì ý thức về quyền làm người cũng như giá trị tự do trong tư
tưởng người Việt chưa bao giờ thắng thế hay đủ mạnh để đứng ngang với
lòng sợ hãi chế độ. Dường như sự sợ hãi chế độ, sợ hãi đảng, sợ hãi
những thủ đoạn của đảng đã làm cho hầu hết người dân thui chột mọi giá
trị, trong đó cói giá trị làm người.
Công tâm mà nói, đại bộ phận người Việt chỉ có giá trị tồn tại chứ không
có giá trị sống. Người ta tồn tại dựa trên những thứ vật chất đeo bám,
xem việc hưởng thụ vật dục như một chuẩn mực về giá trị con người hay
thể hiện đẳng cấp nhưng người ta chưa bao giờ thực sự sống. Bởi sống
không phải là kiểu tồn tại vật dục mà phải gồm cả sự trưởng thành về tư
tưởng cũng như sự suy tư về giá trị con người, chiêm nghiệm về thân phận
con người để định vị chỗ đứng cá nhân thông qua những khế ước xã hội mà
người ta nỗ lực đấu tranh, tu chỉnh, hoàn thiện để tạo thuận lợi cho
việc phát triển sự sống cùng hệ giá trị của nó.
Rất tiếc, Việt Nam không có được điều này, và hơn hết, giới trí thức nhà
nước Việt Nam lại chọn thái độ thỏa hiệp và cam chịu của heo cừu, trâu
bò hơn là thái độ con người. Đất nước ra nông nỗi hiện tại là do công
lao của một bộ phần không nhỏ trí thức trâu bò, heo cừu này!
Và khi đất nước đã thành một bãi thờ ơ, một rừng vô cảm, một đám cơ hội
hèn nhát thì cái giá cuối cùng phải trả không đơn giản là mất nước, chịu
làm nô lệ cho kẻ ngoại xâm mà là diệt vong. Bởi có một qui luật dễ thấy
nhất, trái đất chưa bao giờ nở
ra, đất đai ngày càng chật hẹp vì dân số thế giới tăng, tài nguyên cạn
kiệt… Và chắc chắn, việc một dân tộc lớn nuốt chửng một dân tộc nhỏ để
tìm đất sống không phải là chuyện phim kinh dị mà là nhu cầu tiềm ẩn của
những quốc gia có dân số đông, còn man rợ và đói nghèo. Nếu Việt Nam
tiếp tục thờ ơ thì cái chết càng mau đến với dân tộc này, chắc chắn là
vậy!
NS. TUẤN KHANH * BÍ MẬT CỦA BIỂN
Bí mật của biển
Thứ Sáu, 04/14/2017 - 14:40 — tuankhanh
Mới đây, có một bản tin nhỏ của Úc phát đi, mà có lẽ ít ai lưu tâm, đó
là chuyện Bộ Tư lệnh Biên giới Hàng hải của Úc (Maritime Border Command –
MBC) cho biết họ đã tăng cường gắt gao trên toàn bộ các vùng biển của
Úc, liên tục tuần tra suốt 24g/ngày để chống lại nạn xâm nhập vùng biển
(Australian Fishing Zone) của họ và đánh cá lậu. Thủ phạm chính gây lo
ngại, là ngư dân Việt Nam.
Từ giữa năm ngoái đến nay, những chiếc tàu cá tội nghiệp từ Việt Nam đi
thật xa và đến tận Úc để đánh bắt như vậy ngày càng nhiều hơn. Cơ quan
quản lý Ngư nghiệp Úc (Australian Fisheries Management Authority – AFMA)
nói rằng họ sửng sốt vì số lượng ngư dân Việt xuất hiện với mật độ dày
đặc. Có đến 13 vụ xâm nhập bị phát hiện trong 11 tháng, 161 người bị
bắt, còn bao nhiêu thoát được thì chưa biết. Những cuộc bắt giữ và thẩm
tra đều có một kết quả chung: các thủy thủ phần lớn là mù chữ và nghèo
khó. Lý do đi tận đến Úc để đánh cá, theo lời khai của họ vì bởi khu vực
quần đảo Trường Sa vốn là nơi họ vẫn đánh bắt cá những năm qua, nay đã
bị Trung Quốc kiểm soát và không còn an toàn để ra khơi nữa.
Người Úc cũng buộc phải lạnh lùng như người Trung Quốc. Họ đã làm mọi
điều để chặn các ngư thuyền Việt Nam đến Úc. Hầu hết các ngư dân đều
phải chịu án tù, phạt tiền, bị chứng kiến toàn bộ tài sản của mình là
thuyền và ngư cụ bị phá hủy. Bộ Ngoại giao Úc đã bay sang Việt Nam và
nhờ đưa ra những thông báo nghiêm ngặt về việc léo hánh đến vùng biển
của Úc.
Ấy vậy mà, điều đó vẫn không giảm. Dự kiến con số ngư dân bị tù và bị
bắt vẫn sẽ tăng lên trong năm 2017 này. Bởi một hiện thực đắng cay là
ngư dân Việt phải chạy xa khỏi ngư trường của mình, lênh đênh tìm một
lối thoát khác ít hiểm nguy hơn và có thể mưu sinh được.
Biển Việt Nam được học trong sách giáo khoa là tài nguyên, là sinh lực
của quốc gia. Nhưng hôm nay, mọi bài học đều đã bị phản bội bởi hiện
thực trên đất nước xã hội chủ nghĩa kèn trống. Từ tháng 4/2016 đến nay,
sau khi Formosa xả chất độc ra biển, không chỉ hơn 200km biển chết dần,
mà khắp nơi cũng ngập ngụa cá chết, ô nhiễm và sự bất lực chủ ý và hiển
nhiên của nhà cầm quyền.
Đã vậy, không cần đi quá 12 hải lý thuộc chủ quyền của mình, ngư dân
Việt vẫn có thể chết, có thể bị hủy hoại tài sản hoặc mất tích với những
lý do mơ hồ như đang sống trong một đất nước vô chủ.
Ngày 8/4, chiếc tàu QNA 09191 bị một tàu vỏ sắt lao tới, cố ý đâm chìm.
Điều đáng kinh ngạc là nơi tài Việt Nam bị đâm chìm, chỉ cách bờ 1 cây
số, rất gần khu vực cảng Tiên Sa, Đà Nẳng. Ngư dân sống sót phải bơi
trong đêm vào bờ.
Trước đó, vào tháng 3, tàu QNg 96677 TS ở Lý Sơn lại bị một tàu vỏ gỗ nổ
súng tấn công bất ngờ trong đêm, một ngư dân trúng đạn tử thương. Tàu
“lạ” bắn xối xả nhưng không rượt đuổi, không áp sát tấn công. Mục đích
là khủng bố. Nhưng khi về đến đất liền, thuyền trưởng Nguyễn Văn Mười
cùng 12 ngư dân khác được mớm cung là “cướp biển” để điền nhanh vào biên
bản.
Bất ngờ hơn nữa, vào ngày 12/4, tàu cá PY 95003 TS đang neo đậu ở vùng
biển Phú Yên, Việt Nam, đột nhiên bị một tàu “lạ” ập đến bắt cả tàu và
toàn bộ thủy thủ mang đi mất tích trong sự tê liệt của lực lượng biên
phòng. Không chỉ ở khu vực miền Trung, tháng 1 năm nay, cũng đã có tàu
“lạ” xông vào tận vùng biển Vũng Tàu và cố ý đâm chìm hoàn toàn tàu cá
Việt Nam mang số hiệu BV 7804 TS.
Biển chết, ngư dân chết. Vậy người Việt Nam còn lại gì? Ắt hẳn chỉ còn
lực lượng hải quân anh hùng và các chính sách ngoại giao hãnh tiến với
những lời hữu nghị.
Biển ôm trong lòng nó vô vàn điều bí ẩn. Anh Phê-rô Lành, một ngư dân ở
Nghệ An ra biển, kể rằng anh nhìn thấy tàu Trung Quốc bủa vây khắp nơi
và tập bắn mỗi ngày trên biển. Hầu hết tàu cá Việt Nam đều hoảng hốt và
né tránh, dạt đi nhiều nơi khác để toàn mạng sinh sống.
Và trong mọi câu chuyện kể, người ta vẫn hỏi vậy tàu kiểm ngư, hải cảnh, hải giám… của Việt Nam ở đâu?
Tháng 3/2017, trong một ghi nhận của giáo sư Ryan Martinson tại Trường
Hải Chiến Mỹ (US Naval War College), ông nhận thấy có một sự bất thường
về việc phát hiện qua vệ tinh, rất nhiều tàu đánh cá của Việt Nam xuất
hiện ở bãi Scarborough – một ngư trường tự do của nhiều nước như
Philippines, Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan… dựa theo phán quyết của tòa
La Haye hồi tháng 7/2016 (đoạn 807). Dĩ nhiên, ngư dân Việt không tự
mình liều lĩnh đi đến vùng đánh bắt hết sức xa xôi này, và lại đầy hiểm
nguy giữa sự tranh chấp của Philippines và Trung Quốc. Từ bất thường đó,
nhà phân tích Euan Graham (Viện nghiên cứu Lowy – Úc) phát hiện ra rằng
Hà Nội đã có một chiến thuật mới là chiêu dụ và đưa ngư dân đến vùng
biển này để duy trì giá trị phủ nhận đường 9 đoạn của Trung Quốc của tòa
án Hà Lan, La Haye, như một phương thức sống còn để bám lại, trong lúc
đang mất dần biển.
Cũng lại là ngư dân. Mưu sinh tự thân hay mưu sinh phất cờ cho chính phủ
thì rủi ro và bạc phận vẫn thuộc về nhân dân, trên bàn cờ chính trị nào
đó. Nhiều năm trước, truyền hình và báo chí Nhà nước từng tung hô ngư
dân Mai Phụng Lưu với biệt hiệu “sói biển”, bởi ông liều mình ra Hoàng
Sa đánh bắt, với 4 lần bị Trung Quốc phá tàu, bắt giam và đánh đập. Ngay
cả con sói biển ấy giờ cũng mệt mỏi. Cũng như hàng ngàn người Việt đang
vật vã mưu sinh trên biển lúc này, giờ thì chắc anh Lưu cũng đã nhận ra
rằng tổ quốc – lòng yêu nước thật sự thì ở trong tim mình, chứ không
phải là trong những lá cờ mới may được tặng để đi biển hay những lời
vinh danh của những kẻ đeo cà vạt luôn bám bờ.
Trong một bài phân tích về việc Trung Quốc đang thôn tính biển Đông, ông
Gregory Poling, giám đốc của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Á Châu (Asia
Maritime Transparency Initiative) có viết một bài phân tích rằng “Liệu
chúng ta có mất biển Đông chưa?” (Have we already lost the South China
Sea?), ông nói rằng việc nói thẳng và tố cáo những âm mưu của Trung Quốc
lúc này hết sức quan trọng để làm chậm lại những hành động điên cuồng
sắp tới, và quan trọng là để cho cả thế giới cùng nhìn thấy.
Hãy quay trở lại với Việt Nam. Hãy đặt câu hỏi đó, rõ hơn “Chúng ta đã
mất biển – hay mất nước chưa?”. Nếu những điều đen tối vẫn đang ở thì
tương lai, thì điều quan trọng là lúc này, người Việt cũng cần thấy nhà
cầm quyền của mình cũng cần tập biết nói thẳng và tố cáo những âm mưu
của Trung Quốc trên biển và đảo và đối với sinh mạng ngư dân Việt Nam.
Không có một chính quyền nào đủ sức biện bạch rằng vì việc lớn nên phải
chấp nhận hy sinh biển, đảo, đất nước hay tính mạng công dân của mình.
Như mọi triều đại cam tâm hiến tế con người hay sản vật để bảo vệ cho
quyền lợi riêng, sự sụp đổ sẽ đến là điều hiển nhiên cho mọi hình thái
tà quyền như vậy.
Lúc này, biển Việt Nam đang ôm giữ biết bao nhiêu bí mật về vận mệnh của
đất nước và con người. Những bí mật của thời đại rồi cũng có lúc phải
mở ra, cho thấy một chính quyền có cơ may tồn tại vững mạnh hơn cùng với
nhân dân, hoặc cũng có thể là lý do khiến nhân dân mình đứng lên và từ
chối mãi mãi.Tham khảo thêm:
http://www.baomoi.com/tau-la-no-sung-xoi-xa-vao-tau-ca-viet-nam-1-ngu-dan-thiet-mang/c/21936390.epi?utm_source=desktop&utm_medium=facebook&utm_campaign=share
http://www.tienphong.vn/xa-hoi/tau-bi-dam-chim-lao-ngu-boi-1km-trong-dem-den-vao-bo-1138375.tpo
http://m.baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tau-ca-phu-yen-bi-tau-la-bat-va-dan-giai-3333235/
https://www.lowyinstitute.org/the-interpreter/what-vietnam-s-fishing-flotilla-doing-scarborough-shoal
https://amti.csis.org/already-lost-south-china-sea/
SỔ TAY TƯỞNG NĂNG TIẾN
S.T.T.D Tưởng Năng Tiến
– Thỏ Miền Nam & Thế Hệ A Còng
Bà con miền Nam mình thiệt nhẹ dạ, chẳng khác gì con thỏ, hồn nhiên và vô tư...
Sơn Diệm Vũ Ngọc Ánh
Tôi đọc được câu văn dẫn thượng trong cuốn Đường Xưa Lối Cũ, do Millennium xuất bản vào năm 2009. Bìa sau của tác phẩm này có ghi “đôi dòng về tác giả” như sau:
“Sanh năm 1925 tại Phát Diệm, Ninh Bình, cử nhân Văn Khoa, tôt nghiệp CĐSP (Hà Nội 1954). Từ năm 1950, ông đã dạy nhiều trường tại Hà Nội, Đà Lạt và Sài Gòn …
Trước 1975, ông soạn nhiều sách biên khảo và giáo khoa về văn chương và lịch sử Việt Nam. Ông cũng từng là cựu nghị sĩ, thượng viện VNCH. Hiện ông ở tại miền Nam California, vẫn làm thơ và viết văn.”
Té ra ông anh là dân Bắc Kỳ di cư vào Nam, rồi nhận vùng đất mới làm quê hương (chắc) vì nó quá dễ thương và cũng hơi … dễ dụ: “Bà con miền Nam mình thiệt nhẹ dạ, chẳng khác gì con thỏ, hồn nhiên và vô tư...”
Trời, tưởng gì chớ “hồn nhiên” và “vô tư” thì kể như là hết biết: Ra đường gặp vịt cũng lùa. Gặp duyên cũng kết, gặp chùa cũng tu!
Sơn Diệm Vũ Ngọc Ánh
Tôi đọc được câu văn dẫn thượng trong cuốn Đường Xưa Lối Cũ, do Millennium xuất bản vào năm 2009. Bìa sau của tác phẩm này có ghi “đôi dòng về tác giả” như sau:
“Sanh năm 1925 tại Phát Diệm, Ninh Bình, cử nhân Văn Khoa, tôt nghiệp CĐSP (Hà Nội 1954). Từ năm 1950, ông đã dạy nhiều trường tại Hà Nội, Đà Lạt và Sài Gòn …
Trước 1975, ông soạn nhiều sách biên khảo và giáo khoa về văn chương và lịch sử Việt Nam. Ông cũng từng là cựu nghị sĩ, thượng viện VNCH. Hiện ông ở tại miền Nam California, vẫn làm thơ và viết văn.”
Té ra ông anh là dân Bắc Kỳ di cư vào Nam, rồi nhận vùng đất mới làm quê hương (chắc) vì nó quá dễ thương và cũng hơi … dễ dụ: “Bà con miền Nam mình thiệt nhẹ dạ, chẳng khác gì con thỏ, hồn nhiên và vô tư...”
Trời, tưởng gì chớ “hồn nhiên” và “vô tư” thì kể như là hết biết: Ra đường gặp vịt cũng lùa. Gặp duyên cũng kết, gặp chùa cũng tu!
Dân gian đã ghi như vậy từ lâu rồi mà. Sách báo, tài liệu hàn lâm cũng thế. Hổng tin, đọc thử mục lục của giai phẩm Bách Khoa số cuối cùng – phát hành vào ngày 20 tháng 4 năm 1975 – mà coi:
- Trần Văn Khê: Nhạc Việt Xứ Người
- Trần Văn Tích: Đọc Sách Dịch Lãn Ông
- Tạ Tỵ: Nhận Xét Về Triển Lãm Hội Họa Pháp Quốc
- Đỗ Hồng Ngọc: Ông Nguyễn Hiến Lê Và Tôi
- Bách Khoa: Ông Nguyễn Hiến Lê và Tác Phẩm Thứ 100
- Võ Phiến: Nhân Đọc Bản Thảo Cuốn “Nguyễn Hiến Lê” của Châu Hải Kỳ
- Bách Khoa: Đàm Thoại Với Hoàng Ngọc Tuấn
- Minh Đức Hoài Trinh: Hỏi Cô Đơn (thơ)
....
Coi: miền Nam – rõ ràng – mất tới nơi rồi mà qúi vị thức giả của vùng đất này đều bình chân như vại và vẫn chỉ bận tâm đến thơ văn, hội họa, âm nhạc... thôi. Nguyên cả số báo Bách Khoa số cuối – số 426– chỉ có vài trang quan tâm đến giới văn nghệ sĩ (“Ai Còn Ai Mất”) trong cơn binh lửa, và một bài phỏng vấn (“Đàm Thoại Với Hoàng Ngọc Tuấn Về Huế và Ban Mê Thuột”) có liên quan đến thời cuộc nhưng nội dung ghe như một cuộc nhàn đàm.
Hỏi: Giờ đây chúng ta không còn Ban Mê Thuột, anh có cảm tưởng thế nào?
Đáp: Dân ghiền cà phê như tôi lo lắm. Vì chắc chắn cà phê sẽ lên giá khủng khiếp ...
Hỏi: Một bài học hay một kinh nghiệm sau cuộc di tản này?
Đáp: Tóm lại, làm người Việt Nam lúc này thật quá khó khăn và khổ sở. Nhưng tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ cố vượt qua những chông gai và độc địa cay đắng nhất của chiến tranh, để sớm đến cửa ngõ của hoà bình.
Thiệt đúng (y chang) như nhận xét của Sơn Diệm Vũ Ngọc Ánh là “bà con miền Nam mình thiệt nhẹ dạ, chẳng khác gì con thỏ.” Ngay cả loài thỏ (e) cũng không “vô tư” quá xá như vậy. Làm gì có con thỏ nào ngồi chờ cho chó sói tới trước cửa hang, nhe răng trắng ởn (ngó thấy ghê) mà vẫn còn mơ tưởng đến chuyện sống an bình với ... sói!
Nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn, nói nào ngay, không phải là người dân Nam Bộ duy nhất ngây thơ đến thế đâu. Trước tháng 4 năm 1975, ở vùng đất này, biết bao người đã cùng Thượng Toạ Thích Nhất Hạnh “Chắp Tay Nguyện Cầu Cho Bồ Câu Trắng Hiện”!
Sống trong một đất nước chiến tranh thì hoà bình, tất nhiên, là ước vọng chung của rất nhiều người. Thiên hạ chưa thấy quan tài nên chưa đổ lệ mà!
Trong một cuộc phỏng vấn, dành cho tạp chí Văn (số ra tháng Ba năm 1972) khi được hỏi “âm thanh của hai chữ hoà bình gợi lên điều gì cho ông,” thi sĩ Viên Linh đã trả lời rằng: “Tiếng máy xình xịch của xe hoả, khói phun trắng xoá đường rầy, để tôi có thể làm như Tản Đà, chán Sài gòn thì nhẩy tầu ra Hà Nội. Chán Hà Nội thì nhẩy tàu vô Nam. Và dừng lại chiếc ga xép nơi tôi đã ra đời, đã chơi đùa với con tầu sắt suốt thời niên thiếu: ga Đồng Văn.”
Tương tự, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng đã mường tượng đến một viễn ảnh thanh bình vô cùng cảm động, khiến cho thính giả phải say lòng: “Khi đất nước tôi không còn giết nhau. Trẻ con đi hát đồng dao ngoài đường.”
Hơn bốn thập niên sau, sau khi chiến tranh đã chấm dứt, tuyệt nhiên, vẫn chưa thấy một đứa trẻ Việt Nam nào “đi hát đồng dao” như dự ước. Vỉa hè của xứ sở này – giờ đây – có chăng chỉ là những đứa bé đi bán hàng rong, đi bán vé số, đi ăn xin, hay đi hát dạo kiếm ăn thôi.
Lớp nhi đồng chào đời trước và sau ngày hoà bình/thống nhất cỡ chục năm (với mộng tưởng được hát đồng dao) nay đều đã thành nhân. Họ may mắn lớn lên trong một “thế giới đang bị san phẳng,” và được sở hữu mọi phương tiện truyền thông tân kỳ nên nên dễ dàng nhận ra được sự tha hoá, bất cập (và bất nhân) của chế độ hiện hành.
Những người trẻ được mệnh danh thuộc Thế Hệ A Còng ở Việt Nam, ngày nay, chả ai còn nhẹ dạ, vô tư và hồn nhiên như lớp cha anh – ở miền Nam – ngày trước nữa. Ngược lại, không ít kẻ đang rất bận lòng vì những vấn đề nóng bỏng của quê hương và đang “khóc cười theo vận nước nổi trôi.”
Xin ghi lại tên tuổi của một số bạn mà tôi đã được “nghe danh” qua những bản án (“bỏ túi”) ở Việt Nam:
Nguyễn Xuân Anh, sinh năm 1982, ra tù ngày 7/ 8/ 2013.
Nông Hùng Anh, 1983, ra tù ngày 5/6 /2014.
Trần Vũ An Bình, 1974, bị bắt tháng 12 năm 2012, đang bị giam giữ.
Nguyễn Vũ Bình, 1968, ra tù ngày 9/6/ 2007.
Nguyễn Công Chính, 1964, bị bắt ngày 28/ 4/ 2011, đang bị giam giữ.
Đoàn Huy Chương, 1985, ra tù lần hai ngày 13/ 2/ 2017.
Nguyễn Đình Cương, 1981, ra tù ngày 24/12/ 2015.
Đặng Xuân Diệu, 1979, ra tù ngày 12 /1/ 2017.
Nguyễn Hữu Quốc Duy, 1985, bị bắt tháng 11 năm 2015, đang bị giam giữ.
Nguyễn Văn Duyệt, 1980, ra tù ngày 30/1/ 2015.
Nguyễn Văn Đài, 1970, bị bắt lần thứ hai ngày 16 tháng 12 năm 2015, đang bị giam giữ.
Lê Công Định, 1968, ra tù ngày 06/ 2/ 2013.
Nguyễn Văn Điển, 1983, bị bắt ngày 3/3/ 2017, đang bị giam giữ.
Lê Thu Hà, 1982, bị bắt ngày16/ 12/ 2015, hiện đang bị giam giữ.
Phan Thanh Hải, 1969, ra tù ngày 1/ 9/ 2013.
Phạm Bá Hải, 1968, ra tù ngày 7/ 9 / 2011.
Đỗ Thị Minh Hạnh, 1985, ra tù ngày 26/ 6/ 2014.
Bùi Thị Minh Hằng, 1964, ra tù ngày 11/ 2/ 2017.
Hồ Đức Hoà, 1974, bị bắt ngày 30/ 7/ 2011, đang bị giam giữ
Lê Anh Hùng, sinh năm 1973, bị đưa vào trại tâm thần hôm 24 tháng 1 năm 2013, và được thả ngày 5 tháng 2 cùng năm.
Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, 1981, bị bắt tháng 02 năm 2010, đang bị giam giữ
Vũ Hùng, 1966, ra tù ngày 19/ 8 / 2011.
Việt Khang, 1978, ra tù ngày 14/ 2/ 2015.
Hồ Thị Bích Khương, sinh năm 1967, ra tù ngày 15/1/ 2016.
Lê Thăng Long, 1967, ra tù ngày 10/ 6/ 2012.
Nguyễn Đặng Minh Mẫn, 1985, bị bắt ngày 31/ 7/ 2011, đang bị giam giữ.
Trần Thị Nga, 1978, bị bắt ngày 21/ 1/ 2017, đang bị giam giữ.
Phạm Thị Thanh Nghiên, 1977, ra tù ngày 18/ 9/ 2012.
Lê Thị Công Nhân, 1979, ra tù ngày 06/ 3/ 2010.
Trương Duy Nhất, 1964, ra tù ngày 26/ 5/ 2015.
Nguyễn Văn Oai, 1981, ra tù ngày 2/8/ 2015.
Hồ Văn Oanh, 1985, ra tù ngày 16/ 2/ 2014.
Lê Quốc Quân, 1971, ra tù ngày 27/6/ 2015.
Ngô Quỳnh, 1984, ra tù ngày 01/ 07/ 2011.
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, 1979, bi bắt ngày 10/10/ 2016, đang bị giam giữ.
Lê Văn Sơn, 1985, ra tù ngày 3/ 8/2015.
Phạm Hồng Sơn, 1968, ra tù ngày 30/8/ 2006.
Tạ Phong Tần, 1968, ra tù ngày 19/09/2015.
Vũ Quang Thuận, 1966, bị bắt ngày 3/3/ 2017, đang bị giam giữ.
Nguyễn Thị Minh Thúy, 1980, bị bắt tháng 5 năm 2014, đang bị giam giữ.
Trần Thị Thúy, 1971, bị bắt tháng 8 năm 2010, đang bị giam giữ.
Trần Huỳnh Duy Thức, 1966, bị bắt ngày 24/5/ 2009, đang bị giam giữ.
Nguyễn Trung Tôn, 1972, ra khỏi tù ngày 15/01/2013.
Lê Thanh Tùng, 1968, bị bắt lần thứ hai ngày 24/12/2015, đang bị giam giữ.
Phạm Văn Trội, 1972, ra tù ngày 1/9/2012.
Nguyễn Bắc Truyển 1968 ra tù ngày 17/5/2010.
Nguyễn Tiến Trung, 1983, ra tù ngày 12/4/2014.
Lê Trí Tuệ, 1978, biệt tích từ ngày 17/05/2007.
Huỳnh Anh Trí,1971, ra tù ngày 29/12/2013, từ trần ngày 5/0/2014.
Huỳnh Anh Tú, 1968, ra tù ngày 29/12/2013.
...Tôi vô cùng tiếc vì trí nhớ đã bạc nhược nên đã không ghi chép được tuổi của tất cả các bạn đã (và đang) phải chịu cảnh giam cầm, ở khắp mọi nơi. Đó là chưa kể đến vô số những nhân vật khác, những công dân Việt Nam đang bị bạo quyền quấy nhiễu hay đe doạ đến mạng sống (hàng ngày) chỉ vì bầy tỏ nỗi bận tâm đến sự an nguy của tổ quốc.
Vì sự giới hạn của một bài báo ngắn chúng tôi không thể (và có lẽ cũng không cần thiết) nêu danh của hết thẩy mọi người trong những trang sổ tay bé bỏng này. Chỉ xin được ngỏ lời chân thành cảm ơn các bạn đã giúp chúng tôi, những công dân lão hạng, cảm thấy được an tâm (hơn) khi nghĩ đến tương lai đất nước.
SƠN TRUNG * PHÊ PHÁN QUAN ĐIỂM KINH TẾ CỦA MARX
PHÊ PHÁN QUAN ĐIỂM KINH TẾ CỦA MARX
SƠN TRUNG
Quan điểm chính trị, triết học và kinh tế của Marx tóm gọn trong mấy chữ: tư bản bóc lột. Tư tưởng này được nhắc đi nhắc lại trong Tuyên Ngôn Cộng sản và Tư bản luận.
I. THẶNG DƯ GIÁ TRỊ
Giá trị thặng dư ( Surplus value ) là một trong những khái niệm trung tâm của kinh tế chính trị Marx-Lenin. Karl Marx
đã nghiên cứu và đưa ra một số công thức tính toán xung quanh khái
niệm này trong các tác phẩm viết về kinh tế chính trị của ông. Nó được
sử dụng để khẳng định lao động thặng dư của công nhân bị các nhà tư bản lấy đi, là nền tảng cho sự tích lũy tư bản.
Học thuyết giá trị thặng dư là phát minh quan trọng thứ hai sau biện luận duy vật lịch sử của Marx. Nội dung chính của học thuyết phát biểu rằng sản xuất và chiếm hữu giá trị thặng dư là hình thức đặc biệt trong chủ nghĩa tư bản về sản xuất và chiếm hữu sản phẩm thặng dư, nghĩa là hình thức cao nhất của sự tha hóa con người đối với hoạt động của mình, đối với sản phẩm từ hoạt động đó, đối với chính mình, đối với người khác.
Mehrwert quan niệm Giá trị thặng dư được Marx xem là phần chênh lệch giữa giá trị hàng hóa và số tiền nhà tư bản bỏ ra. Trong quá trình kinh doanh, nhà tư bản bỏ ra tư bản dưới hình thức tư liệu sản xuất gọi là tư bản bất biến và bỏ ra tư bản để thuê mướn lao động gọi là tư bản khả biến. Tuy nhiên, người lao động đã đưa vào hàng hóa một lượng giá trị lớn hơn số tư bản khả biến mà nhà tư bản trả cho người lao động. Phần dư ra đó gọi là giá trị thặng dư. Tức là sản lượng của hàng hóa làm ra có giá trị cao hơn phần tiền mà nhà tư bản trả cho công nhân và mức chênh lệch đó chính là giá trị thặng dư.
Khác với những chế độ sản xuất trước như chế độ sở hữu nô lệ hay phong kiến, trong chế độ tư bản chủ nghĩa, người lao động làm việc được trả lương nên ngoài mặt (hiện tượng) có tự do, bán sức lao động cho người sở hữu tư liệu sản xuất, song thật sự (từ bản chất) ngoài phần giá trị trả cho người lao động để tồn tại, có một phần giá trị không được trả, Marx gọi là giá trị thặng dư..
Học thuyết giá trị thặng dư là phát minh quan trọng thứ hai sau biện luận duy vật lịch sử của Marx. Nội dung chính của học thuyết phát biểu rằng sản xuất và chiếm hữu giá trị thặng dư là hình thức đặc biệt trong chủ nghĩa tư bản về sản xuất và chiếm hữu sản phẩm thặng dư, nghĩa là hình thức cao nhất của sự tha hóa con người đối với hoạt động của mình, đối với sản phẩm từ hoạt động đó, đối với chính mình, đối với người khác.
Mehrwert quan niệm Giá trị thặng dư được Marx xem là phần chênh lệch giữa giá trị hàng hóa và số tiền nhà tư bản bỏ ra. Trong quá trình kinh doanh, nhà tư bản bỏ ra tư bản dưới hình thức tư liệu sản xuất gọi là tư bản bất biến và bỏ ra tư bản để thuê mướn lao động gọi là tư bản khả biến. Tuy nhiên, người lao động đã đưa vào hàng hóa một lượng giá trị lớn hơn số tư bản khả biến mà nhà tư bản trả cho người lao động. Phần dư ra đó gọi là giá trị thặng dư. Tức là sản lượng của hàng hóa làm ra có giá trị cao hơn phần tiền mà nhà tư bản trả cho công nhân và mức chênh lệch đó chính là giá trị thặng dư.
Khác với những chế độ sản xuất trước như chế độ sở hữu nô lệ hay phong kiến, trong chế độ tư bản chủ nghĩa, người lao động làm việc được trả lương nên ngoài mặt (hiện tượng) có tự do, bán sức lao động cho người sở hữu tư liệu sản xuất, song thật sự (từ bản chất) ngoài phần giá trị trả cho người lao động để tồn tại, có một phần giá trị không được trả, Marx gọi là giá trị thặng dư..
Marx lý luận dài dòng, bày ra công thức nọ công thưc kia nghe rườm ra có vẻ khoa học, nhưng ở tiểu học, chúng ta có công thức giản dị về tiền lời như sau:
TIỀN BÁN - TIỀN VỐN = TIỀN LỜI
Tiền lời theo Marx là thặng dư giá trị, là do bóc lột lao động mà có.
Trong tiền vốn có tiền lương trả cho người lao động. Chúng ta không biết tiền lương chiếm bao nhiêu tiền vốn cho nên không biết tư bản có bóc lột hay không hay boc lột nhiều ít. Nếu trả tiền công quá cao thì không có lời hoặc có lời it.
Có phải tiền lời là tiền bóc lột không?
(1). Trong nhiều trường hợp, nhất là trong kinh doanh cá thể và tiểu thủ công nghiệp, chủ nhân ra sức làm cùng gia đình theo chủ trương" lấy công làm lời" thì không có sự bóc lột!
(2). Trả công theo thời giá thì không phải là bóc lột. Tại các nước văn minh, người ta đặt ra mức lương tối thiểu là để ngăn ngừa bóc lột.
Tiền lời do đâu mà có? Phải chăng do bóc lột?
Con người một số gian tham, tàn ác nên đã lừa dối, chiếm đoạt, cướp bóc.
Ở thời đại ta , chúng ta đã thấy những giám mục linh mục, thượng tọa,
hòa thượng đua nhau làm tiền, thậm chí vì tiền mà chém giết người! Sự
bóc lột là có nhưng không phải là ai cũng bóc lột, có người buôn bán
ngay thẳng. Vì vậy cho rằng tất cả tư bản là bóc lột, tất cả việc kinh
doanh đều hút máu là một nhận định quá đáng.
Tại sao mà kinh doanh có lời?
Trước tiên là bán được nhiều hàng hóa. Một tiệm phở mở ra mỗi ngày chỉ
bán vài tô phở, một tiệm hớt tóc mỗi ngày có vài khách hàng thì trong
vài tuần, vài tháng là phải đóng cửa. Nếu mỗi ngày bán vài trăm tô phở,
và có hàng trăm khách hàng đến cắt tóc thì phải có lời. Tiền lời này
không do boc lột.
Ngoài ra còn do tài nghề chủ nhân và thợ.Tài nghề và sự khôn khéo,lịch
thiệp cũng là những yêu tố đắt khách. Địa điểm tốt cũng là một lý do làm
cho kinh doanh thuận lợi. Những việc này không do bóc lột.
Ngoài ra còn có lý do huyền bí. Cổ nhân có câu:
Nhà giàu trồng lau ra lúa,
Nhà kẻ khó trồng lúa ra lau!
Không phải chỉ các triệu phú, tỷ phú mới làm kinh doanh. Người nông dận cày vài sào ruộng, ông ngư phủ thả lưới trên sông, đứa bé lượm rác..cũng là những nhà kinh doanh vì tất cả đều tìm lợi nhuận, đều kiếm lời (Lợi 利 , lời, lãi). Người lao động cũng là nhà kinh doanh vì anh ta bán sức lao động để mưu lợi ich cho cá nhân và gia đình anh. Họ là tư bản mà cũng là lao động.
Không phải chỉ các triệu phú, tỷ phú mới làm kinh doanh. Người nông dận cày vài sào ruộng, ông ngư phủ thả lưới trên sông, đứa bé lượm rác..cũng là những nhà kinh doanh vì tất cả đều tìm lợi nhuận, đều kiếm lời (Lợi 利 , lời, lãi). Người lao động cũng là nhà kinh doanh vì anh ta bán sức lao động để mưu lợi ich cho cá nhân và gia đình anh. Họ là tư bản mà cũng là lao động.
Người lượm rác luợm được một gói vàng hay kim cương, người làm ruộng cuốc đất được hũ vàng, không phải do bóc lột.
Đó là tin vào vận may và lẽ huyền nhiệm. Tại sao có những khách sạn ngàn phòng xây lên rồi bỏ trống?
Muốn lời, tiền bán phải lớn hơn tiền vốn. Tiền vốn gồm tiền mua vật
liệu Marx gọi là tư bản bất biến và vốn bỏ ra để thuê mướn lao động gọi
là tư bản khả biến.Còn nhiều thứ như là tiền chuyên chở, tiền thuê cửa
hàng, tiền công cho chủ nhân và gia đình. Ngoài ra còn tiền lời do mượn
vốn, tiền hư hao, thuế má, tiền xã giao. Trong trăm thứ đó, tiền công
thợ chiếm bao nhiêu để gọi là bị bóc lột? Nếu tiền công hợp lý thì không
thể bảo là bóc lột.
Nếu trả tiền công hợp lý thì thợ thuyền ,nhân công sẽ vui vẻ cộng tác.
Nếu ta bóc lột họ, họ sẽ bỏ đi hoặc sẽ trà thù. Chủ nhân thời quân chủ
và tư bản đa số là chiều nhân công và khách hàng chứ không phải nói
năng thô lỗ, mặt sưng mày sỉa như người bán hàng XHCN. Tục ngữ có câu: "Chiều người lấy của, chiếu chồng lấy con",
chứ không phải tàn bạo, hống hách, quan liêu như các cô các bà cửa hàng
mậu dịch năm xưa! Mao, Hồ xuất thân nông dân nhưng bắt nông dân làm
việc quá sức, không cơm ăn, áo măc, không thuốc thang, kết quả hàng
triệu người chết, kinh tế thất bại. Tại các HTX, nông dân trộm khoai
lúa , phá hoại bàn ghế, máy móc là chuyện thường. Như vậy, bóc lột
kiểuXHCN không phải làm giàu mà là tàn hại đất nước.
Marx và cộng sản kết án tư bản boc lột nhưng chính cộng sản bóc lột hơn quân chủ và tư bản:
-Thời trước công dân nộp tô 50% vì đó là lẽ công bằng và bác ái với lý
luận"anh có công, tôi có của, chúng ta chia đôi hoa lợi". Còn cộng sản
bắt nông dân nộp 75% hoa lợi trong khi chúng tăng diện tich đất và tăng
sản lương theo ý chúng. Hơn nữa chúng còn bắt dân đóng góp hàng trăm
thứ. Chính cộng sản boc lột nhân dân thậm tệ!
-Công nhân lao động nước ngoài phải nộp cho Cộng sản khoảng 30% lương
và tiền cho các dịch vụ khác.Thời Pháp, nông dân đi Tân thế giới được
trả tiền trước, không hề bị boc lột như cha con nhà Marx.
-Cộng sản boc lột trong khi bọn chúng có hàng trăm tỷ đô la, có mấy công
ty, nhà cửa, còn công nhân viên lương chết đói, chỉ đủ mười ngay hay
hai tuần. Sau 1975, thất nghiệp, tôi vào làm việc cho Thư viện, lương
công nhật tháng 60 đồng, trong khi một ổ bánh mì chay, dài bằng gang
tay, lớn bằng cánh tay đứa trẻ nhỏ giá 2đồng. Vậy lương 60 đồng không
phụ cấp gạo ,cá, tôi chỉ được mỗi ngày ăn một ổ bánh mì chay. Trong xứ
Saigon, trong nước Việt Nam, hàng chục triệu người phải sống như thế!
Muốn tiền bán tăng trưởng thì tiền vốn phải nhỏ. Người quản lý phải giảm
thiểu sự hao phí không cần thiết, nghĩa là phải biết tính toán và chi
tiêu hợp lý. Ngoài ra phải đề phòng trộm cắp, thất thoát. Một việc quan
trọng là chủ nhân phải cần kiệm. Vợ chồng, con cái chủ nhân không chú ý
đến kinh doanh mà lo cờ bạc, rưọu chè thì ngày phá sản sẽ không xa.
Kinh doanh không phải ai cũng lời và lúc nào cũng lời cho nên không thể kết luận tư bản bóc lột.
Tóm lại, kinh doanh là phải có lời, không có lời tất nhiên công việc kinh doanh sẽ thất bại. Tiền lời là thành quả lao động của tư bản, nó cần thiết cho phát triển kinh tế. Tiền lời là trái tim của kinh tế không phải là một tật bệnh quái ác như Marx nghĩ.
Phải có lời để con người sống, hăng hái làm việc. Công ty suy sụp không những tư bản khốn đốn mà lao động cũng lâm nguy. Cày sâu cuốc bẫm để có "cơm vàng" chứ không phải ăn cháo, ăn khoai! Phài có tiền lời để sửa chữa xí nghiệp, canh tân máy móc. Người nông dân cuối mùa được vài tạ lúa, ăn uống, tiêu pha cũng còn vài trăm ký thoc. Đó là lợi nhuận, là thành quả lao động, là tiền lời chân chính không do bóc lột.
Tại sao không nghĩ tiền lời là tiền công, là phần thưởng cho tư bản, cho chủ nhân xí nghiệp và cơ sở kinh doanh? Ngày nay, nhiều hãng xưởng chia tiền lời cho công nhân, còn bên cộng sản chỉ thấy bóc lột và bóc lột để câu ấm, cô chiêu đi Mỹ du học, mua nhà cửa và ở lại Mỹ!
Nếu Marx bảo tư bản kinh doanh có lời là bóc lột, vậy cộng sản kinh doanh lỗ hàng tỷ là không bóc lột, không trộm cắp?
II. BUÔN BÁN, HÀNG HÓA , TIỀN BẠC
Marx chỉ trich việc buôn bán.
Ông kết tội tư bản tạo ra thị trường thế giới nghĩa là " dẩy xã hội lùi về trạng thái dã man nhất " , gây ra nạn đói, chiến tranh...Ông cho rằng xã hội tư bản chỉ là tự do buôn bán, nghĩa là tự do boc lột của thời trung cổ vì quá nhiều thương nghiệp.Vì vậy "chủ nghĩa cộng sản phải xoá bỏ buôn bán, xoá bỏ những quan hệ sản xuất tư sản và xoá bỏ ngay cả giai cấp tư sản nữa." [1].
Marx muốn chống tư bản nên đã đưa ra mọi lý lẽ để vu khống cho tư bản. Kinh doanh, buôn bán không phải là nguyên nhân đưa đến bóc lột và tàn phá xã hội. Kinh doanh, mua bán, thị trường là sáng kiến của loài người từ thời nguyên thủy, không phải là do sáng kiến của tư bản .Nó là sự cần thiết của mọi giai cáp không phân biệt tư bản hay vô sản.
Mikhail Gorbachev nói:
“The market is not an invention of capitalism. It has existed for centuries. It is an invention of civilization.”
Thị trường không phải là sáng kiến của tư bản. Nó có từ bao nhiêu thế kỷ trước. Nó lá sáng kiến của nền văn minh. “The market came with the dawn of civilization and it is not an invention of capitalism. ... If it leads to improving the well-being of the people there is no contradiction with socialism.”
Thị trường ra đời vài buổi bình minh của nền văn minh, và nó không phải là sáng kiến của tư bản. .... Nếu nó đưa đến cải thiện đời sống con người mà không trái với xã hội chủ nghĩa."
“The market is not an invention of capitalism. It has existed for centuries. It is an invention of civilization.”
Thị trường không phải là sáng kiến của tư bản. Nó có từ bao nhiêu thế kỷ trước. Nó lá sáng kiến của nền văn minh. “The market came with the dawn of civilization and it is not an invention of capitalism. ... If it leads to improving the well-being of the people there is no contradiction with socialism.”
Thị trường ra đời vài buổi bình minh của nền văn minh, và nó không phải là sáng kiến của tư bản. .... Nếu nó đưa đến cải thiện đời sống con người mà không trái với xã hội chủ nghĩa."
Thật vậy, con người sống thành đàn bầy, một số canh tác, một số săn bắn, một số làm nghề chài lưới.
Người đi săn giết một lúc hai ba con hưou, ăn không hết thì xóm giềng
chạy lại đem gạo, khoai đổi lấy thịt. Từ đó anh ta bán thịt tại nhà và
cái nhà, cái chòi của anh thành một cửa tiệm. Nhiều người cũng bán
thịt, bán cá, bán trái cây ở ngoài đường. Cả đám tụ lại thành một cái
chợ. Đó là khởi đầu mua bán. Ban đầu mua bán ở gần sau buôn bán ở xa.
Người lao động gánh, chở khoai sắn, trái cây, cá, thịt sang làng bên vì
nơi đây dân đông, tiêu thụ nhiều. Cuộc mua bán phát triển theo nhu cầu
của thị trường, của nhân dân.
Nhưng mua bán phải có hàng hóa, mà hàng hóa có nhiều loại, và số lượng
khác nhau. Làm sao có một cái gì đó đại diện cho hàng hóa và của cải? Do
đo mà có phát kiến dùng tiền. Vàng, bạc, rồi tiền giấy đã trở thành
"đại biểu" cho tài sản. Tiến lên nữa, người ta lập ngân hàng, dùng ngân
phiếu thay cho tiền. Nay thì người ta dùng thẻ để lấy tiền khỏi mang
xách từng bao tải tioền giấy như xưa nữa!
Đó là những sáng kiến của loài người để nâng cao đời sống cho tiện lợi
và thoải mái, nó là sáng kiến của loài người, không phải do tư bản bóc
lột!
Marx đưa ra công thức T-H-T’ (tiền-hàng hóa-tiền) để minh họa cho sự biến đổi của vốn (tư bản) dạng tiền sang dạng hàng hóa và cuối cùng quay trở lại dạng tiền ở mức cao hơn mức ban đầu một lượng ΔT (nghĩa là T’=T+ ΔT). Marx nói sai. Ban đầu con người chưa dùng tiền mà trao đổi hàng với hàng.
Marx đưa ra công thức T-H-T’ (tiền-hàng hóa-tiền) để minh họa cho sự biến đổi của vốn (tư bản) dạng tiền sang dạng hàng hóa và cuối cùng quay trở lại dạng tiền ở mức cao hơn mức ban đầu một lượng ΔT (nghĩa là T’=T+ ΔT). Marx nói sai. Ban đầu con người chưa dùng tiền mà trao đổi hàng với hàng.
Không hiểu Marx nghĩ sao mà lại đòi bỏ buôn bán, bỏ tiền bạc, khinh miệt vàng?
Nếu không dùng tiền, làm sao ta mua bán? Không lẽ muốn mua một con trâu ta phải khiêng mấy chục tạ gạo đề đổi hàng lấy hàng? Nếu không dùng chợ thì thực phẩm, thuốc men, y phục,, máy móc để ở đâu? Có ai trông coi, ghi sổ sách, giao hàng...ở nơi này không? Dù không phải là chợ thì cũng là cửa hàng, là siêu thị , danh từ nào thì cũng là một mà thôi, là noi để mua, lấy hàng, nhận hàng! Ông còn tiến xa hơn. Ông nghĩ ông có thể xây dựng một xã hội tự do không vua quan. Tếu hơn nữa, Lênin còn nói trong chế độ cộng sản, anh đầu bếp cũng có thể ra tri nước! Tự do quá đi! Tự do gấp triệu lần tư bản! Những ý tưởng ngông nghênh, ba trợn đó mà những đại trí thức như J,Paul Sarte, Bertrand Rousell , Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường...chạy theo và nghe theo rầm rầm!
Nếu không dùng tiền, làm sao ta mua bán? Không lẽ muốn mua một con trâu ta phải khiêng mấy chục tạ gạo đề đổi hàng lấy hàng? Nếu không dùng chợ thì thực phẩm, thuốc men, y phục,, máy móc để ở đâu? Có ai trông coi, ghi sổ sách, giao hàng...ở nơi này không? Dù không phải là chợ thì cũng là cửa hàng, là siêu thị , danh từ nào thì cũng là một mà thôi, là noi để mua, lấy hàng, nhận hàng! Ông còn tiến xa hơn. Ông nghĩ ông có thể xây dựng một xã hội tự do không vua quan. Tếu hơn nữa, Lênin còn nói trong chế độ cộng sản, anh đầu bếp cũng có thể ra tri nước! Tự do quá đi! Tự do gấp triệu lần tư bản! Những ý tưởng ngông nghênh, ba trợn đó mà những đại trí thức như J,Paul Sarte, Bertrand Rousell , Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường...chạy theo và nghe theo rầm rầm!
Nói đến tự do tuyệt đối , sao phải thực thi chuyên chính, cưỡng bách lao
động? Sao phải làm sổ gia đình, sổ lương thực? và phải xin phép đi thăm
thân nhân ở xa? Bây giờ còn ở trong giai đoạn xã hội chủ nghĩa, bao giờ
thì tiến lên cộng sản chủ nghĩa để được làm việc thoải mái, ăn xài thỏa
thích? Triệu Tử Dương bảo còn khuya, phải hàng trăm nữa! Nhưng chưa tới
trăm năm mà Liên Xô, Đông Âu sụp đổ mà Đặng Tiểu Bình thì chạy theo
kinh tế thị trường, có lợi cho tư sản đỏ, và làm hạị cho nhân dân lao
dộng.
Nói chung, Marx, Lenin, Stalin, Mao, Hồ đều hoang tưởng và dối trá mà dối trá là chính!
CHÚ THICH:
[1].Modern industry has established the world market, for which the discovery of America paved the way. This market has given an immense development to commerce, to navigation, to communication by land.
Đại công nghiệp đã tạo ra thị trường thế giới, thị trường mà việc tìm ra châu Mỹ đã chuẩn bị sẵn. Thị trường thế giới thúc đẩy cho thương nghiệp, hàng hải, những phương tiện giao thông tiến bộ phát triển mau chóng lạ thường.
Society suddenly finds itself put back into a state of momentary
barbarism; it appears as if a famine, a universal war of devastation,
had cut off the supply of every means of subsistence; industry and
commerce seem to be destroyed. And why? Because there is too much
civilization, too much means of subsistence, too much industry, too
much commerce.
Xã hội đột nhiện bị đẩy lùi về một trạng
thái dã man nhất thời; dường như một nạn đói, một cuộc chiến tranh huỷ
diệt đã tàn phá sạch mọi tư liệu sinh hoạt của xã hội; công nghiệp và
thương nghiệp như bị tiêu diệt. Vì sao thế? Vì xã hội có quá thừa văn
minh, có quá nhiều tư liệu sinh hoạt, quá nhiều công nghiệp, quá nhiều
thương nghiệp.By freedom is meant, under the present bourgeois conditions of production, free trade, free selling and buying.
Trong khuôn khổ những quan hệ sản xuất tư sản hiện tại thì tự do có nghĩa là tự do buôn bán, tự do mua và bán.
But if selling and buying disappears, free selling and buying disappears
also. This talk about free selling and buying, and all the other
"brave words" of our bourgeois about freedom in general, have a
meaning, if any, only in contrast with restricted selling and buying,
with the fettered traders of the Middle Ages,
Nhưng nếu buôn bán không còn thì buôn bán tự do cũng không còn nữa. Vả lại, tất cả những luận điệu về tự do buôn bán, cũng như tất cả các lời nói khoa trương khác của các nhà tư sản của chúng ta nói về tự do, nói chung chỉ có ý nghĩa, khi đem đối chiếu với việc buôn bán bị cản trở, với những người thị dân bị nô dịch ở thời trung cổ mà thôi;
Nhưng nếu buôn bán không còn thì buôn bán tự do cũng không còn nữa. Vả lại, tất cả những luận điệu về tự do buôn bán, cũng như tất cả các lời nói khoa trương khác của các nhà tư sản của chúng ta nói về tự do, nói chung chỉ có ý nghĩa, khi đem đối chiếu với việc buôn bán bị cản trở, với những người thị dân bị nô dịch ở thời trung cổ mà thôi;
but have no meaning when opposed to
the communist abolition of buying and selling, or the bourgeois
conditions of production, and of the bourgeoisie itself.
Những luận điệu và lời nói đó không còn ý nghĩa gì nữa, khi vấn đề đặt ra là chủ nghĩa cộng sản phải xoá bỏ buôn bán, xoá bỏ những quan hệ sản xuất tư sản và xoá bỏ ngay cả giai cấp tư sản nữa.
Những luận điệu và lời nói đó không còn ý nghĩa gì nữa, khi vấn đề đặt ra là chủ nghĩa cộng sản phải xoá bỏ buôn bán, xoá bỏ những quan hệ sản xuất tư sản và xoá bỏ ngay cả giai cấp tư sản nữa.
No comments:
Post a Comment