Công nhân Việt tại Đài Loan biểu tình đòi chính phủ Việt Nam bỏ môi giới bóc lột lao động
Vào trưa ngày 5/5/2019, hàng chục lao
động Việt tại Đài Loan đã tổ chức biểu tình trước văn phòng Văn Hoá -
Kinh tế của Việt Nam ở Đài Bắc, phản đối môi giới lao động tư nhân ở
Việt Nam vì coi đây là một hình thức bóc lột người lao động.
Những người biểu tình mang theo các biểu
ngữ bằng tiếng Việt và tiếng Trung với các dòng chữ kêu gọi “huỷ bỏ môi
giới”, “chấm dứt bóc lột sức lao động”.
Chị Thanh Hải, một người lao động Việt tại Đài Loan, người có mặt tại cuộc biểu tình, cho Đài Á Châu Tự Do biết: “em
qua đây hết hơn 6.000 đô la. Ở làng em mọi người đi cũng đông, em hỏi
đi công ty nào thì họ chỉ em đi. Qua rồi là không có liên lạc được với
môi giới ở nhà”.
Anh Bạch Thế Du, đại diện Công hội di
công Việt Nam - một tổ chức chuyên giúp đỡ cho những công nhân và cô dâu
Việt Nam tại Đài Loan, đã đọc một tuyên bố ngắn. Tuyên bố viết “Chính
phủ Việt Nam có phải là một chính phủ phục vụ vì dân, phục vụ cho nhân
dân hay không? Nếu đúng như vậy thì tại sao những người lao động đến từ
các nước như Indonesia, Thái Lan hay Philippines, họ chỉ phải trả mức
phí từ 1.000 đến 3.000 đô la, mà người Việt chúng ta phải trả mức phí
cao ngất ngưởng đến như vậy? Hay chính phủ Việt Nam là chính phủ chỉ
biết quan tâm đến thuế phí, tham nhũng, o ép người dân, chỉ biết bắt tay
với công ty môi giới bóc lột và hút máu của người lao động”.
Theo số liệu thống kê của Bộ Lao Động
Thương Binh và Xã hội, trong năm 2018, số lao động Việt ở Đài Loan là
hơn 60.000 người. Đài Loan là thị trường thứ hai sau Nhật Bản về thu hút
lao động Việt Nam.
Theo quy định của chính phủ Đài Loan, kể
từ ngày 1/1/2017, lương cơ bản của người lao động ở Đài Loan là khoảng
21.000 Đài tệ, tương đương khoảng hơn 15 triệu đồng. Đây là mức lương
cao gấp 3 thậm chí 4 lần mức lương của công nhân ở Việt Nam.
Thời gian qua có nhiều người Việt đã đến
Đài Loan theo visa du lịch để lao động chui với hy vọng kiếm thu nhập
khá. Một số đã bị cảnh sát Đài Loan bắt giữ và trục xuất về lại Việt
Nam.
Ý kiến
(7)
No comments:
Post a Comment