Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Saturday, 25 January 2020

Ta ăn tết nhẹ nhàng cho vui được không?

25/01/2020 11:02 GMT+7

TTO - Muốn cho Tết được nhẹ nhàng, cần buông bỏ những thứ nặng nề đi.

Ta ăn tết nhẹ nhàng cho vui được không? - Ảnh 1.
Mẹ con cùng gói bánh đón tết - Ảnh minh họa: NGỌC PHƯỢNG
Mấy ngày cuối năm này, tổng kết, tiệc tùng liên miên không dứt. Hôm rồi được một buổi rảnh rang, sếp tôi cảm thán: "Từ khi luật không cho lái xe uống rượu bia, đi dự tiệc thấy thoải mái hơn nhiều. Rượu bia thì vẫn có sẵn đó, nhưng để đó ai uống thì uống, không uống thì thôi, không còn chuyện mời mọc, ép uổng nhau nữa".
Hầu như tất cả mọi người xung quanh mà tôi tiếp xúc và quan sát, từ người không uống rượu bia cho đến những "tửu thần", từ người sợ hãi cho đến người tận hưởng những cuộc vui bên bàn nhậu, hầu hết đều như thở phào một hơi khi "đã uống rượu bia thì không lái xe".
Khi nào thật sự muốn uống, người ta có thể mời bạn bè cũng muốn uống đến nhà, hoặc đi quán thì đi taxi, xe ôm, đi bộ.. Các nhà hàng, quán nhậu cũng bắt đầu có dịch vụ xe đưa về tận nhà. Mọi thứ đều đang chuyển biến theo hướng "giảm lượng, tăng chất". Giảm rượu bia thật sự là một điều làm tôi cảm nhận tết này nhẹ nhàng hơn.
Cũng giống như chuyện rượu bia nói trên, muốn cho Tết được nhẹ nhàng, cần buông bỏ những thứ nặng nề đi.
Mấy năm nay những người trẻ hay quan tâm đến chuyện hỏi thăm nhau ngày tết, những câu hỏi bị cho là thiếu tế nhị, mang đến tâm trạng nặng nề, ức chế và thậm chí là sợ hãi khiến người ta không muốn giao tiếp với người thân, họ hàng trong dịp tết.
Năm nay trên mạng xã hội lại đang chia sẻ một mẩu tin rất không hay: "Nhà có một đứa con ABC, khách đến chơi xin đừng hỏi XYZ, nó cọc lên nó đánh". ABC là một đặc tính nào đó, ví dụ như "hơi mập", "làm ngân hàng", "học thiết kế"… XYZ là một câu hỏi có thể gây khó chịu.
Tất nhiên đó chỉ là một trò đùa trên mạng, nếu nhà ai thật dán cái thông báo như vậy, chắc cũng chẳng còn mấy người dám đến chơi. Điều làm tôi thấy buồn cười là trong đó là chữ "cọc", đúng ra phải là "cộc". Một chữ sai chính tả lại được hàng chục nghìn người chia sẻ, những người chế biến lại cũng không biết mà sửa lại cho đúng.
Vấn đề chính yếu hơn là ý nghĩa của "thông báo" đó. Ban đầu có thể người nghĩ ra nó chỉ để "cho vui", nhưng chia sẻ nhiều như vậy có thể khiến cho các bạn trẻ nghĩ thái độ đó là hợp lý. Điều đó rất tai hại.
Nhà có đứa con xấu tính hay khó chịu gì đó, thì nó cần được dạy bảo, uốn nắn, hoặc cùng lắm là nhốt nó lại khi có khách đến chơi, chứ có đâu mà dán thông báo kiểu "nhà có chó dữ" vậy được. Một câu đùa không hề vui mà còn sai chính tả, lại được chia sẻ rầm rộ.
Đâu đó trên mạng, người ta còn tạo ra những bài dạy nhau cách ứng đối với những câu hỏi "nặng nề", bằng những câu trả lời vô cùng khó chịu. Những câu hỏi thăm ngày tết, nếu là một sự nặng nề, thì đáp lại bằng sự nặng nề khác, có nhẹ nhàng được cho ai chăng?
Muốn nhẹ nhàng thoải mái thì chính mình cần buông bỏ sự khó chịu trong lòng trước. Người nào hỏi thăm không thiện ý thì cứ lờ đi, cười nhẹ cho qua. Người nào thật lòng quan tâm thì mình cũng mở lòng chia sẻ một chút, đến điểm mấu chốt thì dừng là được. Bản thân mình thoải mái, người khác cũng sẽ thoải mái với mình mà. Mỗi người góp một chút tâm tình thì mọi người đều nhẹ nhàng vui vẻ hơn trong ngày Tết.
Chuyện nặng nề đối với người trẻ là những câu hỏi thăm nhau, là dọn nhà đón tết, thì với người lớn đó là những khoản chi tiêu, mua sắm cho ngày tết, với người phụ nữ là quá trình trước, trong, và sau những bàn tiệc.
Ngày tết trang hoàng nhà cửa, chưng hoa, dưa hấu, nấu những món ngon để chào mừng năm mới, đó là những hoạt động tạo niềm vui nhưng lại trở nên nặng nề khi nhìn sang "nhà hàng xóm". Người ta mua cây mai to ghê nè, mua tivi mới nè, đãi tiệc linh đình nè… tự nhiên thấy nhà mình ít vui, tự nhiên thấy mình cũng phải làm cái chi đó hoành tráng hơn một chút, hơn số tiền mình có, thế là nặng nề.
Những dịp có đông đủ con cái về nhà, mẹ tôi rất thích đi chợ, mua thật nhiều đồ ăn, nấu thật nhiều món và tôi thấy mẹ thật vui khi nhìn chúng tôi ăn. Chỉ nhìn thôi, vì chuẩn bị nấu nướng xong xuôi thì mẹ cũng không ăn nổi nữa. Ngày tết mua thêm được cho con món đồ mới, mua mấy trái dưa, con gà về ăn tết, tôi thấy cha mẹ đều thật vui. Năm nào hơi khó khăn thì lại buồn hiu hắt. Hồi đó tôi còn nhỏ, chỉ nhìn vậy chứ không biết làm sao.
Mấy năm sau này đi làm phụ thêm chút tiền sắm tết, tôi cũng không đưa nhiều mà để lại một khoản sau tết không phải lo phiền. Tôi nói nhà mình có bao nhiêu thì vui bấy nhiêu, nhìn sang hàng xóm, bạn bè, họ hàng, thấy họ có cái gì thì mừng cho họ, chứ đừng so sánh với mình rồi hãnh diện hay tự ti làm chi.
Nói vậy mà mấy năm trời nhà tôi mới không mất vui vì niềm vui của người khác to hơn của mình nữa. Ăn uống ngày tết cũng giảm dần dần lại, làm vài món hâm tới hâm lui như nồi thịt kho, bánh tét, củ kiệu… còn lại mỗi bữa ăn làm thêm một, hai món là đủ rồi. Tôi tác động vào việc này bằng cách ăn ít hơn mỗi bữa. Mẹ tôi thấy vậy cũng không làm nhiều, dần dần cũng khỏe.
Ăn cơm ngày tết, cũng giống như uống rượu, là một loại tâm tình chứ không phải ở đồ ăn nhiều ít, mắc rẻ đâu.
Mỗi năm tới tết, về sum họp gia đình, nhìn lại một năm qua cái gì được thì tiếp tục, chưa được thì sửa sang, nhìn thêm một chút điều gì khiến mình vui, điều gì làm mình khổ, cái nào vui thì mình tận hưởng, nặng nề thì bỏ bớt đi. Ăn tết, nhẹ nhàng cho vui.

NGUYỄN HUỲNH NHẤT BẢO

No comments:

Post a Comment