Bất công của toàn cầu hóa
Trong tuần qua, một số biến động trên thế giới khiến người ta
bàng hoàng mà ít thấy ra cái gốc của vấn đề là hiện tượng toàn cầu hóa
và nạn bất công xã hội. Vì sao lý tưởng tự do trao đổi kinh tế giữa các
nước lại gây hậu quả bất lường là tình trạng bất công đó? Mục Diễn đàn
Kinh tế tuần này xin sẽ tìm hiểu thêm…
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do
cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa
ông, biến cố ở khá xa với thính giả của chúng ta là vụ khủng hoảng tại
Chile của Nam Mỹ làm chính quyền ban bố lệnh giới nghiêm và tình trạng
khẩn cấp sau khi có ít ra 12 người thiệt mạng. Vào tháng tới, thủ đô
Santiago của xứ Chile lại có Thượng đỉnh APEC, là Diễn đàn Hợp tác Kinh
tế Á Châu Thái Bình Dương, với 21 nguyên thủ thế giới, cho nên người ta
tự hỏi tại sao và tình hình rồi sẽ ra sao? Trong khi ấy, bất ổn tại Hồng
Kông đã qua tới tháng thứ năm mà chưa có dấu hiệu hòa dịu. Từ giác độ
kinh tế, ông giải thích thế nào về những hiện tượng lạ kỳ đó?
Hiện tượng kỳ lạ
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin nêu ra bốn nhận xét sẽ làm thính giả giật mình.
- Thứ nhất, Chile là nước tiên tiến nhất của lục địa Nam Mỹ, đã hưởng
lợi nhiều từ hiện tượng tự do trao đổi kinh tế giữa các nước mà chúng
ta cứ gọi là “Toàn Cầu Hóa”. Ngày nay, nếu mà dân Chile biểu tình phản
đối chế độ kinh tế đó và gây ra một vụ khủng hoảng bất ngờ thì không
quốc gia nào có thể yên được!
Hiện tượng toàn cầu hóa không là định mệnh tất yếu và ngoài kinh tế còn có yêu cầu xã hội. Nhiều nơi đã nổi dậy, hay nổi loạn, vì các yếu tố xã hội đó và nêu vấn đề về cái lý tưởng sai là Toàn Cầu Hóa. Cách nêu vấn đề có khi cực đoan quá khích, nhưng nguyên do ở dưới vẫn có sự chính đáng, như tại Hồng Kông hay Chile và ta sẽ còn thấy nữa…
-Nguyễn Xuân Nghĩa
- Thứ hai, được quốc tế đánh giá là có nền kinh tế tự do nhất thế
giới và là một trung tâm giao dịch tài chính trọng yếu của các nước
trong trào lưu ta quen gọi là “Toàn Cầu Hóa” đó, Hồng Kông thật ra lại
là nơi tập trung bất công xã hội nên người dân mới nổi loạn. Sau đấy mới
là những đòi hỏi về tự do và dân chủ….
- Thứ ba, thế giới đã lầm khi tưởng tự do trao đổi kinh tế giữa các
nước sẽ tạo ra sự thịnh vượng cho mọi người, nên ngợi ca hiện tượng Toàn
Cầu Hóa. Sự thật thì chế độ trao đổi ấy không có tự do như người ta
thường nghĩ, lại đảo lộn quy trình sản xuất và sinh hoạt của người dân
trong từng nước và gây ra bất công xã hội.
- Trong các nước theo chế độ dân chủ thì người dân có quyền phản ứng
bằng lá phiếu chứ người dân các nước kia chỉ còn cách biểu tình. Các chế
độ độc tài như Việt Nam hay toàn trị như Trung Quốc thì cấm biểu tình
phản đối mà không thể khỏa lấp được sự thật cho nên đang thật sự đóng
đai trên thùng nhuốc nổ!
Nguyên Lam: Nếu như vậy, thưa ông, phải chăng
hiện tượng toàn cầu hóa lại là vấn đề chứ không là giải pháp kỳ diệu như
người ta vẫn thường nói?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Khi các nền kinh tế được tự do
trao đổi với nhau thì xứ nào cũng có thể tìm lợi thế tương đối của mình
như có loại nguyên vật liệu này, hoặc có dân số đông và nhân công rẻ, để
sản xuất và bán ra các mặt hàng có lợi nhất cho mình. Nhờ đó, lượng
hàng hóa hay dịch vụ các nước trao đổi với nhau đã tăng và lợi tức hay
thu nhập của các nước cũng thế. Vì vậy, từ mấy thập niên qua, người ta
mới ngợi ca hiện tượng giao dịch đó là “toàn cầu hóa”. Nhưng hậu quả bất
lường ít ai đoán ra là nhiều đổi thay trong luồng giao dịch.
- Đầu tiên là các nước công nghiệp hóa đã chuyển dịch đầu tư vào các
nước đang phát triển có nhân công rẻ và tìm ra lợi nhuận cao hơn. Nhưng
trong nội tình của nhóm kinh tế tiên tiến đó, khu vực chế biến công
nghiệp lại sa sút, hay bị rút ruột, và trật tự kinh tế cũ bị đảo lộn.
Hiện tượng bất công xã hội đã xảy ra ngay tại đây. Giới kinh tế coi đó
là cái giá phải trả cho một khuôn khổ sinh hoạt kinh tế có lợi cho mọi
người, nhưng đánh giá quá thấp cái giá này.
- Thứ hai, ngay trong các nước đang phát triển có nguyên liệu hay
nhân công rẻ, sự đổi thay ấy cũng gây ra vấn đề vì cả nền kinh tế đều
hướng vào việc phục vụ thị trường bên ngoài mà ít quan tâm đến yếu tố xã
hội, nhất là sự công bằng.
- Thứ ba, quan trọng nhất, là hiện tượng chúng ta nói tới trên diễn
đàn này từ lâu gọi là ‘tầm tô” hay “rent seeking”. Trong tiến trình trao
đổi toàn cầu ấy, nhiều khi người ta chẳng phát minh ra sản phẩm hay
dịch vụ gì mới mà chỉ tìm ra quan hệ chính trị có lợi cho kinh doanh và
càng đào sâu nạn bất công xã hội. Trường hợp ấy thường xảy ra trong các
nước đang phát triển. Ngày nay, chúng ta đang chứng kiến phản ứng dội
ngược tại mọi nơi…
Phản ứng dội ngược
Nguyên Lam: Xin ông trình bày cho thính giả của chúng ta các phản ứng đó…
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết, khối công nghiệp hóa
lạc quan hồ hởi ca tụng thái quá hiện tượng toàn cầu hóa đó mà chẳng
đếm ra tổn thất ở bên trong, kể cả tình trạng bất công xã hội, vì một
thành phần quần chúng không cạnh tranh nổi với các nước nghèo và đông
dân, có khả năng chế biến cao hơn. Phản ứng của họ là bầu ra các đảng
phái có tinh thần “dân túy”, nôm na là mị dân và cực đoan, và bác bỏ chủ
trương của các đảng truyền thống thuộc phe trung tả hay trung hữu.
Trường hợp của Vương quốc Anh với vụ Brexit vào năm 2016 hay Hoa Kỳ với
ông Donald Trump bất ngờ đắc cử tổng thống vào cuối năm đó không là
ngoại lệ.
- Đã đánh giá thấp những tổn thất bất ngờ của hiện tượng toàn cầu hóa
thái quá, giới kinh tế còn phạm sai lầm khi đả kích hình thái dân túy,
hay populism, là theo chủ nghĩa quốc gia cực đoan mà chẳng thấy ra vai
trò của một thiểu số ăn trên ngồi chốc của cả hệ thống giao dịch đó.
Thiểu số đó cũng chỉ là bọn “tầm tô”, nhiều người tại Hà Nội biết rằng
tôi nói gì vì họ hưởng lợi nhờ chuyện đó!
Nguyên Lam: Nguyên Lam biết rằng đề tài này quá
phức tạp và rắc rối, nhưng vẫn yêu cầu ông nêu vài thí dụ cụ thể cho
thính giả của chúng ta hiểu ra sự thể.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin lấy hai thí dụ cụ thể đang là thời sự.
- Đầu tiên, sau khi Hồng Kông được “hồi quy cố quốc” vào mùng một
Tháng Bảy năm 1997, các đại gia hay tỷ phú tại đấy đã cấu kết với giới
lãnh đạo Bắc Kinh tại Hoa lục để làm ăn và dùng Hồng Kông như cửa ngõ
đầu tư ra ngoài hoặc thu hút đầu tư của quốc tế vào lục địa, “cho thỏa
lòng mơ bạn Bắc Kinh”. Nhưng hậu quả là vật giá và bong bóng đầu cơ đã
leo thang tại Hồng Kông và nạn bất công xã hội tại đây mới là nguyên
nhân chính của phản ứng nổi dậy tại đây.
- Thứ hai chính là trường hợp Chile. Xứ này đã thoát khỏi chế độ độc
tài cực hữu của Augusto Pinochet mà tiến hành cải cách vừa kinh tế vừa
chính trị để trở thành một nước tiên tiến, có lợi tức bình quân của
người dân còn cao hơn các lân bang như Argentina, Brazil hay Mexico. Đấy
là trường hợp lý tưởng cho giới kinh tế.
- Nhưng, và chúng ta trở lại chủ điểm của đề tài kỳ này, đà phát
triển – tôi nói phát triển chứ không phải tăng trưởng của Chile – vẫn có
vấn đề. Đó là bất công xã hội qua nhận thức của người dân. Khi chính
quyền quyết định tăng giá biểu của hệ thống vận chuyển công cộng và năng
lượng thì người dân phản đối. Vì có dân chủ, họ có quyền phản đối, như
ta đã thấy phong trào “Áo Vàng” nổi loạn tại Pháp vì chuyện tăng giá
xăng. Nếu Chile có một trào lưu phản đối kiểu “dân túy” hay mị dân, như
Mexico, với đương kim Tổng thống cũng đi biểu tình trước khi đắc cử thì
dân còn có nơi xả sức ép. Lãnh đạo Chile lại tử tế hơn và lãnh họa khi
nguồn tài nguyên chính của họ là đồng lại sa sút vì kinh tế Trung Quốc
suy sụp!
Kinh tế không là tất cả
Nguyên Lam: Nếu Nguyên Lam không lầm, trong cả
chuỗi biến động thời sự mà ông nhắc tới thì có lẽ kinh tế không là tất
cả mà xã hội cũng là vấn đề và điểm giao tiếp giữa hai lĩnh vực kinh tế
và xã hội lại là chính trị! Ông nghĩ sao?
Việt Nam mới mon men đi vào một thế giới mới và tưởng rằng tăng trưởng sẽ là tất cả mà chưa nhìn ra yếu tố phẩm chất, thật ra còn thua xa các lân bang.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Diễn đàn của chúng ta tập trung
vào bộ môn kinh tế, mà tôi cứ hay mở ra ngoài để mọi người cùng hiểu
kinh tế không là tất cả! Đã vậy, trong thế giới hiện đại, hầu như ai
cũng có thể biết chuyện gì đang xảy ra nhờ nền thông tin tôi tạm gọi là
“tức thời” nhưng chẳng hiểu vì sao chuyện đó lại xảy ra, ngay lúc này.
“Hiểu” và “Biết” là hai khái niệm quá khác biệt. Chúng ta đều biết sự
này sự kia đang xảy ra trên thế giới và có nhiệm vụ tường thuật. Nhưng
tại sao sự thể ấy lại bùng nổ lúc này và hậu quả sẽ ra sao thì mình phải
đi xa hơn
- Trong lĩnh vực của chúng ta, tôi cố đi xa hơn kinh tế mà nhìn vào
xã hội nên mới cảnh báo chuyện ngoài lề, thậm chí lạc đề! Việt Nam mới
mon men đi vào một thế giới mới và tưởng rằng tăng trưởng sẽ là tất cả
mà chưa nhìn ra yếu tố phẩm chất, thật ra còn thua xa các lân bang. Cho
nên, hiện tượng toàn cầu hóa không là định mệnh tất yếu và ngoài kinh tế
còn có yêu cầu xã hội. Nhiều nơi đã nổi dậy, hay nổi loạn, vì các yếu
tố xã hội đó và nêu vấn đề về cái lý tưởng sai là Toàn Cầu Hóa. Cách nêu
vấn đề có khi cực đoan quá khích, nhưng nguyên do ở dưới vẫn có sự
chính đáng, như tại Hồng Kông hay Chile và ta sẽ còn thấy nữa…
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích quá kỳ lạ của tuần này.
No comments:
Post a Comment