Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Thursday 31 October 2019

Sài Gòn ‘có thể biến mất trong nước biển vào 2050', có đáng lo?

Tổ chức khoa học Climate Central ở Mỹ vừa công bố nghiên cứu cho thấy, miền nam Việt Nam có thể bị ngập trong nước biển vào năm 2050.
Tổ chức khoa học Climate Central ở Mỹ vừa công bố nghiên cứu cho thấy, miền nam Việt Nam có thể bị ngập trong nước biển vào năm 2050.
Courtesy Climate Central
Tổ chức khoa học có trụ sở tại New Jersey, Hoa Kỳ mang tên Climate Central, hôm 29/10 công bố nghiên cứu mới được The New York Times đăng tải cho thấy, số người chịu ảnh hưởng do mực nước biển dâng cao sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2050 so với các dự báo trước đây, đe dọa xóa sổ gần như toàn bộ một số thành phố ven biển lớn trên thế giới.

Cảnh báo toàn cầu

Nghiên cứu mới đưa ra kết quả là vào giữa thế kỷ này, khoảng 150 triệu người sẽ sống trong vùng bị ngập dưới nước biển vì triều cường tăng. Đặc biệt, miền Nam Việt Nam có thể gần bị biến mất.
Bản đồ mà Climate Central công bố chỉ ra rằng, phần dưới cùng của lãnh thổ Việt Nam sẽ bị chìm dưới nước biển khi triều cường, có nghĩa là hơn 20 triệu người Việt Nam, chiếm gần 1/4 dân số, sẽ sống trong vùng bị ngập nước.
Hình ảnh cũng cho thấy, phần lớn thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế quốc gia, theo đó cũng sẽ biến mất. Dự báo của Climate Central không tính đến phần đất bị mất do xói mòn bờ biển hay sự gia tăng dân số trong tương lai.
Đánh giá về báo cáo của Climate Central đăng tải trên New York Times, hôm 31/10, ông Nguyễn Hữu Thiện, một nhà nghiên cứu độc lập về ĐBSCL, cho biết:
“Bản gốc bài báo cáo khoa học không có những từ ngữ giật gân như bài trên New York Times rằng “Miền nam Việt Nam có thể biến mất hoàn toàn” dưới mực nước biển.  Báo cáo này áp dụng phương pháp mới là phương pháp CoastalDEM, tính cao trình tại mặt đất, để loại trừ lỗi của phương pháp SRTM có khi tính cao trình mặt đất ở đọt cây hoặc nóc nhà ở những nơi thảm thực vật hoặc nhà cửa quá dày làm che khuất và nếu tính sai thì sẽ tưởng là mặt đất cao và chưa bị đe dọa.
Nghiên cứu này được thực hiện cho toàn cầu và ý nghĩa của nó nằm chủ yếu ở phần cảnh báo cho thế giới tình hình có thể xấu, tức là số triệu người sống ở những nơi thấp hơn mực nước biển sẽ rất nhiều hơn so với khi tính cao trình bằng phương pháp SRTM nếu thế giới không cùng nhau nhanh chóng cắt giảm phát thải.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thiện, muốn đánh giá tác động và tìm cách thích ứng tại từng quốc gia thì phải tính tới tình hình cụ thể và không nên hốt hoảng vì từ ngữ giật gân trên báo chí.

Sụt lún đất đáng lo hơn…

Thực tế tại ĐBSCL như thế nào? Và Việt Nam có nên xem xét kết quả mới này để thực hiện những biện pháp ngăn chặn sự chìm dần ở ĐBSC? Ông Nguyễn Hữu Thiện cho biết:
“Ở ĐBSCL, gần đây đã có nghiên cứu của các nhà khoa học Hà Lan khá chi tiết, tái khẳng định lại cao trình của ĐBSCL khoảng 0.82cm, điều mà chúng ta đã biết từ lâu. Nghiên cứu của các nhà khoa học Hà Lan dự báo đến cuối thế kỷ 2100 (80 năm nữa) với mức nước biển dâng trung bình 40cm thì 25% ĐBSCL sẽ dưới mực nước biển. Cộng thêm tốc độ sụt lún trung bình hiện nay 1.1cm/năm nhiều diện tích ĐBSCL sẽ dưới mực nước biển.”
Với cảnh báo của Climate Central, liệu Việt Nam có phải di dời người dân ra khỏi những vùng được cảnh báo sẽ chìm dưới mực nước biển hay không?
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thiện, đúng là việc chìm dần của ĐBSCL rất đáng lo ngại, nhưng không nên suy luận đơn giản rằ ng nơi nào dưới mức nước biển dâng thì không còn sinh sống được vì còn phải xét chiều sâu ngập, thời gian ngập.
Theo ông, nghiên cứu này dùng đỉnh triều cao do đó không phải là ngập quanh năm mà chỉ là vào lúc triều cao của năm. Ở ĐBSCL chúng ta biết rằng triều cao nhất của năm rơi vào hai con Nước Rong lớn nhất vào khoảng 30 tháng 8 và rằm tháng 9 âm lịch.
Hạn hán lớn nhất 100 năm qua tại Đồng bằng Cửu Long. 2016.
Hạn hán lớn nhất 100 năm qua tại Đồng bằng Cửu Long. 2016. AFP
Ngoài ra, cao trình mà các nhà khoa học nói là cao trình của mặt đất, tức là mặt ruộng. Thực tế nhiều nơi hiện nay ở ĐBSCL mặt ruộng cũng đang dưới mực nước biển. Nhưng nhà cửa người thì không ai cất nhà ở mặt ruộng mà luôn ở trên bờ cao, dọc theo bờ kênh hoặc đào ao để lấy đất đắp làm nền nhà. Dĩ nhiên, khi nước sâu hơn thì muốn làm bờ phải cao hơn, tốn nhiều đất hơn và phải đào ao sâu hơn hoặc lớn hơn. Ruộng hay ao ngập có thể nuôi thủy sản chứ không nhất thiết phải trồng lúa.
Để giải quyết vấn đề đồng bằng bị sụt lún làm đồng bằng chìm nhanh hơn, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thiện cho biết ý kiến của mình:
“Giữa hai vấn đề làm cho ĐBSCL chìm nhanh là nước biển dâng chúng ta không kiểm soát được và sụt lún đất do khai thác nước ngầm thì sụt lún đất đáng lo hơn và đáng ưu tiên giải quyết ngay vì tốc độ nước biển dâng thực tế đến nay chỉ khoảng 3mm/năm, trong khi sụt lún của đồng bằng đang gấp 3-4 lần và có nơi 10 lần như thế.
Theo ông Thiện, để giải quyết vấn đề sụt lún thì ĐBSCL cần phải giảm ngay sử dụng nước ngầm. Thế nhưng muốn giảm sử dụng nước ngầm thì phải có nguồn nước thay thế. Đối với vùng ven biển thì nên thuận theo tự nhiên chuyển sang canh tác mặn vào mùa mặn và làm hệ thống công trình trữ nước, cấp nước cho sinh hoạt. Đối với vùng nội địa thì cần phục hồi lại sông ngòi để có thể sử dụng được như cách đây chỉ vài chục năm, trước khi thâm canh nông nghiệp với lượng lớn phân bón thuốc trừ sâu và nhiều công trình ngăn sông làm tích tụ ô nhiễm. Ông nói tiếp:
“Do đó, giải pháp chính cho ĐBSCL là nằm ở việc chuyển hướng nền nông nghiệp từ thâm canh, chạy theo số lượng, sang nông nghiệp giảm thâm canh, tập trung vào chất lượng và giá trị như tinh thần của Nghị quyết 120 của Chính phủ.
Chúng ta cũng không nên hấp tấp cho rằng cần sao chép công trình đê biển như ở Hà Lan vì bối cảnh chúng ta rất khác và áp dụng công trình như Hà Lan cho ĐBSCL thì hại nhiều hơn lợi.”

Thận trọng trước cảnh báo

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, chuyên gia môi trường và tài nguyên, đang làm việc tại Viện Nghiên Cứu Biến Đổi Khí Hậu của Đại Học Cần Thơ, khi trả lời RFA hôm 31/10 cho biết, báo cáo của Climate Central cũng có những kết quả đáng tin cậy cho các thành phố lớn trên thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam. Tuy nhiên ông nói tiếp:
“Nói là thời gian ngập là 2050, thì điều này chưa được kiểm chứng. Về cao độ thì mình biết rồi, cũng phù hợp những nghiên cứu cũ ở Việt Nam. Nhưng nếu nói đến năm nào thì bao nhiêu diện tích bị ngập thì cần phải nghiên cứu cụ thể và nên thận trọng trước thông tin này. Những cao độ này họ lấy theo mức trung bình, và đa số ở đồng bằng, đất thấp… nhưng vùng đô thì người ta xây dựng, cất nhà thì đã cao hơn… Cho nên từ đây đến đó theo tôi là không hoàn toàn ngập như vậy.”
Theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, nên thừa nhận từ kết quả khoa học để có những đối sách cho tương lai, để làm chậm quá trình chìm dần của các thành phố lớn. Tiến sĩ Tuấn Anh cũng cho là không nên quá hoảng hốt.
Liên quan đến ĐBSCL, AFP hôm 31/10 loan tin cho biết, nước sông Mê Kông đang ở mức thấp nhất được ghi nhận là hạn hán và do các đập thủy điện ở thượng nguồn siết sông. Các chuyên gia cho rằng sông Mê Kông đang ở ‘thời điểm khủng hoảng’.
Bản tin mô tả, con sông Mê Kông hùng vĩ một thời đã bị giảm xuống thành một vùng nước mỏng, bẩn thỉu ở một số nơi vùng hạ nguồn. Mức nước sông thấp được cho là do hạn hán và do một đập thủy điện được hoàn thành gần đây ở thượng nguồn.
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho biết, đây cũng là nguyên nhân khiến người dân gia tăng khai thác nước ngầm, làm đồng bằng gia tăng sụt lún:
“Một trong những nguyên nhân lớn là vấn đề khai thác nước ngầm, vì nguồn nước mặt ngày càng khan hiếm hay ô nhiễm nên người dân chuyển sang rút nước ngầm. Vì khi khai thác nước ngầm nhiều thì vùng đồng bằng sẽ mất lớp nước đỡ bên dưới nên lún từ từ. Ngoài ra khai thác cát cũng làm sụt lún, sạt lở. Ngoài ra các đập thủy điện ở thượng nguồn ngăn chặn phù sa bồi lấp ở hạ lưu cũng làm tăng nguy cơ sụt lún.”
Không cần quá hoảng sợ với cảnh báo của Climate Central là ý kiến của hai chuyên gia nghiên cứu về môi trường và họ cũng cùng phân tích từ báo cáo khi các nhà khoa học tính trong giai đoạn nước triều lên cao nhất, trong khi nước triều có lúc lên cao, có lúc xuống thấp. Có nghĩa là thời gian ngập không kéo dài, tức là mình phải chấp nhận có thời gian bị ngập nhưng sau đó thủy triều rút xuống, và lộ đất ra. Cho nên, tiến sĩ Lê Anh Tuấn kết luận, hoàn toàn không có chuyện người dân phải bỏ đi hết.

No comments:

Post a Comment