Ngôn ngữ kì thị
Nguyễn Văn Tuấn
“Vị” trong tiếng Việt là chữ dùng một
cách kính trọng và nể nang. Người ta nói “Vị chủ tịch”, “Vị tiến sĩ”,
“Vị giám đốc”, v.v. chứ đâu có ai nói “Vị giết người”. Đánh và tra tấn
người ta đến chết là hành vi giết người – sát nhân. Giết người là tội
phạm nặng. Kẻ có hành vi giết người là kẻ xấu. Tôi không hiểu tại sao
báo chí đề cập đến kẻ xấu là “vị”.
Tìm hiểu một chút thì thấy “kẻ giết
người” cũng nằm trong kho tàng ngữ vựng của báo chí đó chứ. Chẳng hạn
như cái tít “Tử hình kẻ giết người, đốt xác phi tang”. Đọc kĩ thì thấy
người mang danh “kẻ giết người” này là thường dân.
Bây giờ thì chúng ta đã khá rõ: là công
an giết người thì được gọi là “vị”, còn thường dân mà phạm cùng tội
được gọi là “kẻ”. Như thế là có sự kì thị trong cách viết rồi.
Chuyện nọ xọ chuyện kia: nói về kì thị
trong ngôn ngữ thì chắc nói hoài không hết, nhất là cách người ta áp đặt
tiếng Việt sau này. Người trong cùng bộ lạc thì được ưu ái gọi là “đồng
chí”. Hình như chữ này là bắt chước Tàu (?) Tôi thấy lạ một điều là
người ta còn gọi người yêu là … đồng chí, như thơ của Vũ Cao:
“Nhớ nhau anh gọi em: đồng chí”
và Nguyễn Đình Thi:
“Chiều mờ gió hút / Bắt tay / Đồng chí / Em / Bóng nhỏ / Đường lầy.”
Kinh thật!
Còn kì thị và miệt thị thì ngôn ngữ sau
1975 hay miền Bắc trước đó có lẽ thuộc vào hàng quán quân. Người “phe
ta” thì được gọi một cách kính trọng như “Chủ tịch”, “Đồng chí”, “Bác”
(Bác Tôn), “Người” (viết hoa). Còn phe địch thì bị gọi một cách xách mé
và có phần … vô lễ. Nào là “thằng” (“thằng Diệm”), “con” (“con Trần Lệ
Xuân”), mụ (“mụ Thụy An”).
Thế kỉ 21 rồi, nên tử tế với nhau. Kẻ giết người thì nên gọi là “kẻ giết người”.
—-
(1) Riết rồi không biết công lí ở đâu
khi giết người bằng nhục hình mà được hưởng án treo, còn một cô thiếu nữ
19 tuổi tát cảnh sát giao thông bị phạt cái án 9 tháng tù. Hình như có
một sự phân biệt giai cấp xã hội ghê gớm ở đây. Thê thảm hơn nữa, ba
nông dân bị 13 năm tù vì ăn trộm hai con vịt. Tôi nghĩ đề tài về mức độ
và hình phạt ở VN nếu có ai nghiên cứu thì chắc chắn hay lắm, và biết
đâu sẽ giúp ích cho mấy vị chánh án.
No comments:
Post a Comment