Xuất khẩu thói xấu – nỗi nhục khó phai!
Tống Thiên
Quảng bá, xuất khẩu ra toàn cầu thói hư, tật xấu, lợi nhuận mang về cho
đất nước ngàn năm văn hiến sẽ là nỗi nhục khó phai và sự khỉnh rẻ, kỳ
thị của bạn bè quốc tế.
Câu chuyện một cô gái tự xưng là du học sinh Nhật Bản
ở Việt Nam 4 năm “kể xấu” người Việt bằng bức tâm thư đang gây xôn xao
dư luận. Theo tôi, chuyện này không có gì mới.
Việc người nước ngoài đến
Việt Nam bị sốc rồi thất vọng vì nạn lừa lọc, chặt chém, cướp giật cùng
lối sống vô kỷ luật ở đây đã xảy ra từ lâu rồi nhưng nước ta chưa có
động thái gì để chấn chỉnh. Thậm chí, quảng bá nội địa chưa đủ, người
Việt còn xuất khẩu thói xấu ra nước ngoài mà những sự vụ gần đây đã góp
phần rất lớn vào việc xây dựng một hình ảnh người Việt xấu xí.
Lẻ tẻ là chuyện người Việt đi nước ngoài cư xử thiếu văn hóa nơi công
cộng như xả rác, làm ồn, không xếp hàng, tham ăn tại các bữa tiệc
buffet ... Lớn hơn một chút là chuyện đi nước ngoài để lừa đảo, trộm
cắp, kiếm chác… Và “tạo tiếng vang” hơn cả là những phi vụ quan chức
Việt Nam nhận hối lộ khi thực hiện các công trình công cộng được đầu tư
bằng vốn ODA.
Chưa thể xác định được danh tính người nhận hối lộ 80 triệu yen tại dự án xây dựng đường sắt đô thị số 1 Hà Nội Ảnh: TUẤN NGUYỄN
Thật cay đắng khi góp phần xuất khẩu thói xấu không chỉ có những
người dân bình thường mà có cả tầng lớp trí thức, quan chức đại diện cho
bộ mặt quốc gia như: Vụ tiếp viên hàng không của Vietnam Airline bị bắt
vì nghi tiếp tay vận chuyển hàng gian; vụ Huỳnh Ngọc Sĩ (nguyên phó
giám đốc Sở Giao thông Công chính TP HCM) nhận hối lộ từ nhà thầu Nhật
Bản trong dự án Đại lộ Đông - Tây và gần đây nhất, cũng từ sự phanh phui
của Nhật Bản, quan chức ngành đường sắt Việt Nam bị tố nhận “lót tay”
80 triệu yen từ Công ty Tư vấn giao thông Nhật để trúng thầu dự án Xây
dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1.
Việt Nam nghèo, có quá khứ chiến tranh liên miên nhưng những bài học
về đạo làm người không bao giờ thiếu. Trong đó, có rất nhiều ca dao, tục
ngữ ông bà từ ngàn xưa đã đúc kết để răn dạy con người hãy luôn giữ gìn
phẩm giá, lòng tự trọng như: “Giấy rách phải giữ lấy lề”, “miếng ăn là
miếng tồi tàn”, “đói cho sạch, rách cho thơm”…
Thế nhưng, khi đất nước thanh bình, cuộc sống người dân đang ngày
càng phồn thịnh thì những bài học này dường như đã bị quên lãng.
Cũng cần cù, chịu thương chịu khó nhưng người Việt lại dùng thủ đoạn
để tranh đoạt phần lợi về mình. Lộ liễu là những vụ trộm cắp, cướp giật,
hôi của; kín đáo là những vụ tham nhũng trong các cơ quan, công sở.
Cũng đoàn kết, tương thân tương ái nhưng lại chỉ trong phạm vi gia
đình, làng xã, đồng hương thông qua việc chạy chức chạy quyền, đưa con
em vào các cơ quan Nhà nước để tạo vây cánh nhằm dễ bề đục khoét của
công.
“Tôi chưa từng thấy đất nước nào mà các bậc mẹ cha dạy dỗ con cháu cố
gắng học hành để sau này là bác sĩ, phi công, thuyền trưởng… mà xuất
phát không vì đam mê mà vì phong bì nhiều, đút lót dễ, giàu sang mấy
hồi…”. Nhận xét quá đúng này trong bức tâm thư của người bạn Nhật Bản
khiến tôi đau đớn.
Giáo dục con người ở Việt Nam hiện thời đã đi chệch quá xa so với nền tảng mà ông cha đã dày công xây dựng. Vì đâu nên nỗi?
Vì đâu mà càng ngày Việt Nam càng nổi tiếng không phải vì những chiến
công hiển hách qua những cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, nền văn hóa
đậm đà bản sắc dân tộc hay sự bức phá đi lên phát triển về kinh tế mà vì
những thói hư tật xấu không chỉ đang làm băng hoại đạo đức nước nhà mà
còn vươn ra thế giới?
“Đi nước ngoài nhiều khi nhục lắm, xin visa đã khó khăn mà qua đến
nước họ còn bị dòm ngó, kỳ thị đủ thứ chỉ vì mình là người Việt!”. Đó là
tâm sự của một người bạn của tôi, thường xuyên đi du lịch nước ngoài.
Nghe mà chua chát!
Có lòng tự hào nào lớn hơn lòng tự hào dân tộc. Vậy mà, hiện thời,
lòng tự hào đó đang phải “mặc cảm” bởi một vài và rất nhiều con sâu đang
đục khoét nham nhở hình ảnh đất nước và con người Việt Nam.
Chiến tranh đã đi qua, những cuộc cách mạng đem lại độc lập cho dân
tộc đã đi vào lịch sử. Nhưng không thể vì thế mà chúng ta ngủ quên trên
chiến thắng bởi ở thời buổi hội nhập quốc tế, chiến đấu để giữ gìn bản
sắc, hình ảnh đẹp đẽ của đất nước còn quan trọng và khó gấp vạn lần. Vì
vậy, cùng với những cuộc cách mạng về kinh tế, phải phát động ngay những
cuộc cách mạng về pháp lý cũng như trong giáo dục để chấn chỉnh lại
hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Đừng để Việt Nam mang tiếng
là quốc gia hàng đầu “xuất khẩu” thói hư tật xấu ra thế giới và vô hình
chung càng hội nhập chúng ta càng đóng cửa tương lai của chính mình.
No comments:
Post a Comment