Quyền “mượn đất”
Đọc những bài viết về việc Bộ Quốc Phòng “mượn” ngôi nhà 34 Hoàng Diệu,
ngôi nhà cổ gần như đẹp nhất Hà Nội của ông bà Trịnh Văn Bô và Hoàng
Thị Minh Hồ nhưng không bao giờ có ý định trả lại để nữ chủ nhân phải
tìm cách “nhảy dù” vào lấy lại cùng với can xăng trong tay sẵn sàng
quyết tử thì tôi lại nhớ đến câu chuyện cũng về đất của bên họ nội tôi
mà mọi người trong họ đã phải ngậm ngùi vĩnh viễn chia tay với nó.
Cụ nội tôi khi còn sống từng là tri huyện. Vì có công với triều đình
Nguyễn nên được cấp mấy mẫu đất ở làng Xã Đàn (gần Ô Chợ Dừa). Sau khi
Cụ nội mất thì quyền sử dụng những mẫu đất ấy (hình như 5 mẫu) được giao
lại cho ông nội tôi, hiện giờ vẫn còn văn tự gốc do Sở địa chính Hà Nội
cấp bằng tiếng Pháp từ những năm đầu thế kỷ 20. Trước khi biết mình sắp
ra đi đi ông nội tôi đã làm văn tự chia đều những mẫu đất đó thành các ô
cho các con của mình (tức là cho các bác và bố tôi, con út trong nhà).
Hồi còn bé tôi đã một lần được các bác cho xem hai bản văn tự đó. Theo
như tôi được biết thì lúc đầu cụ nội tôi lập điền trại để trồng lúa,
trồng rau nhưng đến thời ông nội tôi thì được cho các gia đình nông dân
thuê để trồng trọt . Ở đó gia đình có xây một cái nhà nhỏ để thỉnh
thoảng ai đó về đấy nghỉ hoặc thu thuế theo định kỳ. Cuối năm 1946, theo
lời kêu gọi “Tiêu thổ kháng chiến – Vườn không nhà trống” thì các gia
đình nông dân sống ở đó đều rời đi chỗ khác và không còn ai chăm sóc
những mẫu ruộng ấy nữa.
Như tôi được biết thì sau năm 1954 những mẫu ruộng đó vẫn bỏ không
nhưng không ai trong họ nội dám đụng đến nó vì đang đợt Cải cách ruộng
đất rồi tiếp đó là đánh tư sản. Mà thật ra vào thời buổi ấy thì chẳng ai
nghĩ sử dụng chúng để làm gì vì tất cả các bác và bố tôi đều làm trong
cơ quan nhà nước và Xã Đàn vẫn chỉ là một cái làng nghèo xơ xác. Năm
1956 thì nhà nước tiến hành xây dựng khu Cao – Xà – Lá (vì sản xuất cao
su – xà phòng các loại và thuốc lá nên khu liên hợp này đã được gọi tắt
như vậy). Mặc dù quyền sở hữu mấy mẫu đất đó vẫn có giá trị vì nó vẫn
nằm trong hồ sơ của Sở nhà đất Hà Nội nhưng nhà nước vẫn cho phép khu
liên hợp Cao – Xà – Lá này xây dựng các kho tàng trên những mẫu đất đó
với lý do mượn nhưng không hề có bất cứ một văn bản viết tay, có chữ ký,
có dấu nào. Tất cả chỉ bằng một thông báo miệng cho bác Cả, con trai
lớn nhất của ông nội tôi. ở thời điểm đó, khi chỉ một sự phản kháng nhỏ
là có thể ngồi tù, thậm chí mất mạng thì ai dám phản đối. Mọi việc cứ âm
thầm trôi đi cho đến năm 1990, khi chính quyền bắt đầu mở cửa và có
những trường hợp trả lại, bồi thường thì họ nội tôi mới hợp nhau lại làm
đơn đề nghị chính quyền trả lại cho họ nội chúng tôi những mẫu đất đó.
Mặc đù gửi đơn nhiều lần nhưng không bao giờ họ nội của tôi nhận được
một thư trả lời nào. Các bác và bố tôi đã lần lượt ra đi gặp tổ tiên và
cái tờ văn tự bằng tiếng Pháp đó chỉ còn là một kỷ niệm buồn cho một sự
lật lọng.
Czech Republic, 9.11.2017
Đoàn Phú Hòa
Chú thích ảnh của tác giả: Gia đình ông nội tôi chụp
trước ngôi nhà nhỏ tại làng Xã Đàn vào 03.3.1935. Bố tôi là con út
trong nhà nên được đứng cạnh bà nội. Các anh chị phải đứng đằng sau.
No comments:
Post a Comment