Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Sunday 31 March 2019

Xới lại vụ đầu tư thua lỗ hàng tỉ đô của PVN tại Venezuela, ông Nguyễn Phú Trọng nhằm mục đích gì?

Ngàn Hương (Danlambao) - Sau khi bị thất bại cay đắng tại Hội nghị TƯ 6 của BCHTƯĐCSVN tháng 10 năm 2012 vì không hạ bệ được Ba X, hình ảnh ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tay run run, nhăn mặt mếu máo, giọng ông có lúc run lên như sắp bật khóc.
Ông Nguyễn Phú Trọng với vài trò là người đứng đầu ĐCSVN đã thừa nhận thất bại cay đắng, vì “sau 15 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Các Ủy viên Trung ương đã quyết định không thi hành kỷ luật đối với một đồng chí trong Bộ Chính trị…”
Vậy là nhân vật đầy quyền uy nhất của ĐCSVN- Nguyễn Phú Trọng, người mà nhà báo Phan Đăng đã khóc mỗi khi nhắc đến tên ông, gọi là “Sỹ Phu Bắc Hà”, đã tung hô ông lên tận chín tầng mây khi viết: “Về phần mình, trái tim tôi run lên mỗi khi nhìn thấy Ngài trên truyền hình, thấy mái tóc trắng phau của Ngài, phong thái điềm đạm nhưng uy kính, giọng nói ôn tồn nhưng đầy lửa cháy mà Ngài tạo ra. Và tôi đã khóc”. Người mà Phan Đăng hết lời ca ngợi ấy đã bị hạ đo ván một cách nhục nhã.
Loại đối thủ nguy cơ tranh ghế:
Sau khi loại được Ba X và ngồi vừa ấm chỗ ghế TBT tại ĐH XII được hơn nửa năm, phe ông Trọng ban hành “Thông báo số 13-TB/TW ngày 17/8/2016 của Ban Bí thư về việc xác định tuổi của đảng viên”.
Theo đó: “Kể từ ngày 18-8-2016, không xem xét điều chỉnh tuổi của đảng viên mà thống nhất xác định tuổi của đảng viên theo tuổi khai trong hồ sơ Lý lịch đảng viên (hồ sơ gốc) khi được kết nạp vào Đảng. Đây là căn cứ, cơ sở để các cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét khi quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; bố trí, sử dụng và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ là đảng viên"(1).
Mũi tên này nhắm vào tân Chủ tịch nước Trần Đại Quang, vì ai cũng biết ông Quang sửa tuổi từ năm sinh 1950 thành 1956. Nhờ màn ảo thuật này mà ông ta mới “chui” được vào Bộ Chính trị khóa XII, để sau đó lên giữ chức Chủ tịch nước.
Tiếp đến là loại Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh.
Theo “Quyết định 105-QĐ/TW năm 2017, ban hành ngày 19/12/2017, tại Điểm 4 điều 14, Chương V về “Thời hạn và điều kiện bổ nhiệm cán bộ”, ghi: phải có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao”(2).
Quyết định này ra đời sau khi ông Đinh Thế Huynh bị bệnh từ giữa năm 2017. Từ ngày 1/8/2017, “BCT phân công ông Trần Quốc Vượng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, tham gia Thường trực Ban Bí thư trong thời gian ông Đinh Thế Huynh điều trị bệnh”.
Cũng vào giữa năm 2016, mục tiêu phe ông Trọng nhắm tới là Đinh La Thăng, kẻ đã ngồi rung đùi vẻ đắc thắng khi nghe ông Trọng đọc bản thú nhận thua cuộc tại buổi bế mạc HNTƯ 6 chiều ngày 15/10/2012 vì không hạ bệ được Ba X.
Cái kết là Đinh La Thăng bị kết án 30 năm tù.
Cũng vào năm 2017, vụ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư thua lỗ tỉ đô tại Venezuela cũng đã được báo nhà nước đề cập.
Báo Thanh Niên ra ngày 03/5/2017 có bài: “PVN mất trắng cả chục ngàn tỉ đồng ở Venezuela”.
Theo đó: “Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) tự sa lầy vào một số dự án đầu tư ra nước ngoài, trong đó có siêu liên doanh 1,8 tỉ USD vốn góp khai thác dầu tại Venezuela.

Không chỉ vung tiền đầu tư vào các dự án trong nước thua lỗ ngàn tỉ đồng, giai đoạn 2006 - 2011, PVN còn tự sa lầy vào một số dự án đầu tư ra nước ngoài. Trong đó có siêu liên doanh 1,8 tỉ USD vốn góp khai thác dầu tại Venezuela”(3).
Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) ngày 03/05/2017 có bài: “PVN mất trắng cả chục ngàn tỉ đồng ở Venezuela”.
Theo đó: “Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) tự sa lầy vào một số dự án đầu tư ra nước ngoài, trong đó có siêu liên doanh 1,8 tỉ USD vốn góp khai thác dầu tại Venezuela.

Không chỉ vung tiền đầu tư vào các dự án trong nước thua lỗ ngàn tỉ đồng, giai đoạn 2006 - 2011, PVN còn tự sa lầy vào một số dự án đầu tư ra nước ngoài. Trong đó có siêu liên doanh 1,8 tỉ USD vốn góp khai thác dầu tại Venezuela"(4).
Khi đó, dư luận đã đặt câu hỏi: "Tại sao việc thất thoát số tiền đầu tư khai thác dầu mỏ tại Venezuela hơn 1,8 tỉ USD lại không được đề cập đến và trách nhiệm này thuộc về ai?"
Nhưng sau đó vụ việc đã bị “chìm xuồng”.
Ngay trong những ngày xét xử Sơ thẩm và Phúc thẩm Đinh La Thăng, cáo trạng cũng chỉ nói chung chung là “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 195 Bộ Luật hình sự năm 1999 xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN, PVC), và tham ô tài sản (Điều 278 Bộ Luật hình sự năm 1999).
Tưởng rằng sau khi xét xử Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh thì vụ đầu tư hàng tỉ đô thua lỗ tại Venezuela sẽ mãi mãi nằm yên dưới đáy mồ như vụ án Vinashin, vụ án vinalines, và hàng chục dự án thua lỗ ngàn tỷ đắp chiếu, nay đã “mồ yên mả đẹp”, vì nói như nguyên CTQH Nguyễn Sinh Hùng rằng, bắt hết thì lấy ai mà làm việc.
Nhưng nay vì sao bỗng nhiên vụ này được khơi lại?
Phát súng đầu tiên là báo Thanh Niên ra ngày 13/3/2019 với bài: “Bộ Công an điều tra vụ PVN mất trắng hàng ngàn tỉ đồng tại Venezuela”.
Theo đó: “Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an (C03) đã đề nghị PVN cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu về dự án liên doanh khai thác dầu khí thua lỗ hàng ngàn tỉ tại Venezuela”(5).
Tiếp đến là những phát súng sát sàn sạt ben mang tai Ba X.
Báo Người Lao Động ra ngày 16/03/2019 có bài: “Dự án dầu khí tỉ đô ở Venezuela: Mập mờ khoản "hoa hồng" 584 triệu USD”.
Theo đó: “Quá trình thẩm định dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát hiện số tiền 584 triệu USD "phí tham gia hợp đồng" không được đưa vào tổng mức đầu tư dự án, sau đó đã yêu cầu PVN bổ sung"(6).
Không chỉ là nổ súng cảnh báo, Báo Giáo Dục.Net có 2 bài ra hôm qua 18/3/2019 và hôm nay 19/3/2019 gần như đã chỉ đích danh Ba X qua tựa đề: “Chỉ "sâu chúa" mới dám và vượt mặt Quốc hội, ném chục ngàn tỉ ra ngoài như thế?”.
Theo đó: “Chỉ một dự án đầu tư sang Venezuela đã ngốn 14,2% tổng dự trữ ngoại hối quốc gia thời điểm năm 2010, phải chăng đây là cuộc chơi liều lĩnh của một nhóm người?"
Bài báo nhấn mạnh: “Mọi vi phạm trong hệ thống chính trị phải xử lý được trách nhiệm của người đứng đầu, chứ không chỉ cấp dưới, và tên tuổi phải công khai...

Theo tinh thần QĐ213 mà Thủ tướng đã ký, hy vọng thời gian tới mọi vụ việc vi phạm trong hệ thống chính trị sẽ tập trung vào trách nhiệm của người đứng đầu chứ không phải cấp phó, hoặc chuyên viên giúp việc.

Những ai liên quan đến các đại án tham nhũng, lãng phí gây tổn thất lớn kinh tế đất nước, ảnh hường nghiêm trọng đến hình ảnh một nhà nước pháp quyền “Của dân, do dân và vì dân” cần phải được chỉ đích danh cho nhân dân biết”(7).
Tuy tác giả không nêu đích danh, nhưng ai cũng biết “sâu chúa” là ai, “người đứng đầu” là ai nếu không phải là Ba X?
Như để phụ họa với những cơn sóng thần của báo nhà nước đang nhắm vào Ba X, trên trang cá nhân của mình, nhà báo Hoàng Hải Vân, cựu Thư ký Báo Thanh Niên viết:
“Vào năm 2007, Chính phủ do ông Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng cho phép Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) do ông Đinh La Thăng đứng đầu, đầu tư vào một công ty khai thác dầu khí tại Venezuela”.
Bài báo tiết lộ: "Chủ trương đầu tư vào Venezuela không đưa ra Quốc Hội, nhưng có lấy phiếu xin ý kiến Bộ Chính trị. Có 2 vị không tán thành là cụ Nguyễn Phú Trọng, lúc đó là Chủ tịch Quốc hội và cụ Trương Tấn Sang, lúc đó là Thường trực Ban Bí thư. Hai cụ đều đề nghị phải thông qua Quốc hội, nhưng hai cụ chỉ là thiểu số”(8).
Cũng trên trang cá nhân, ngày 16/3/2019, nhà báo Lưu Trọng Văn viết: “Gã nhắn tin cho một quan chức kế cận Tổng hành dinh Chiến dịch chống Tham nhũng:

Gã cảm thấy vòng vây đang siết chặt.

Quan chức kia nhắn lại:

Đòn đột phá khẩu đã bắt đầu.

Gã nhắn: loại như Trường Sơn chỉ là đầu sai, cả Thăng nữa chưa chắc đã là kẻ chủ mưu.

Quan chức kia nhắn lại:

Có hai lá bài chính.

Vậy hai kẻ nào trên Thăng là hai lá bài chính?

Gã nghĩ không khó để nhận ra"(9).
Hai lá bài chính ở đây rõ ràng là Cựu TBT Nông Đức Mạnh và cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Đáng chú ý, cỡ bộ trưởng như ông Nguyễn Hồng Phúc còn cho biết lúc đó bản thân phải chịu những sức ép ghê gớm từ một số người, buộc phải ký Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án: “Trong tình thế lưỡng nan ký thì sai luật, không ký thì đi ngược lại ý kiến chỉ đạo”, mới thấy quyền lực vô biên của nhóm lợi ích, đứng đầu là Thủ tướng, to lớn chừng nào. Họ đề ra những chủ trương chính sách, và khuynh đảo cả nghị trường nhằm phục vụ lợi ích cho phe nhóm họ, mà Kinh tế gia Phạm Chi Lan gọi là “tham nhũng chính sách”.
Công bằng mà nói, tuy ông Nguyễn Phú Trọng không biểu quyết trong cuộc họp BCT vụ đầu tư phiêu lưu này, nhưng với cương vị là người đứng đầu cơ quan lập pháp lúc đó, ông Trọng vẫn có trách nhiệm bảo lưu ý kiến và sau đó đưa ra Quốc Hội bàn bạc, thì mọi tài liệu sẽ được mang ra thảo luận, khi ấy chưa chắc Quốc hội đã phê duyệt dự án này.
Như vậy ông Nguyễn Phú Trọng không thể vô can.
Vì ông Trọng không dám làm việc đó, thì đâu còn xứng đáng là “Sĩ phu Bắc Hà” để Phan Đăng phải khóc và “trái tim tôi run lên mỗi khi nhìn thấy Ngài trên truyền hình”. Ông chỉ lo chăm chăm lo diệt chuột phe địch như Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Xuân Anh, Vũ nhôm v.v... mà không dám động đến cái lông chân của bầy sâu “phe ta” như Nguyễn Thị Kim Tiến, Trịnh Văn Chiến, Huỳnh Đức Thơ, Võ Kim Cự v.v...
Suy cho cùng, chiếc lò tôn của ông Trọng cũng chỉ đốt củi có chọn lọc, là đấu đá nội bộ, thanh trừng phe phái nhằm giành lại quyền lợi bổng lộc cho phe nhóm mình. Và như vậy ông Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ là một hình nộm, một con rối quay cuồng trong guồng máy chính trị ĐCSVN mà thôi.
Trong khi “Ngài Sỹ Phu Bắc Hà”, vị “Chúa sơn lâm” hiện nay đang bận lo chăm chút cho bộ lông của mình ngày càng sặc sỡ, đang lo củng cố và xây dựng quyền lực nhằm ngồi thêm một nhiệm kỳ tiếp tại Đại hội ĐCSVN khóa XIII, bằng việc truy bắt con “Báo đốm”, diệt cho bằng được “con sâu chúa” tham tàn để giành lại những miếng mồi béo bở mà trước đây chúng ăn thừa mứa mà chẳng chịu làm phép chia. Đồng thời để rửa mối nhục năm xưa, thì việc những con mèo khác của các nhóm lợi ích lợi dụng lúc này để thừa cơ “nước đục thả câu”, lo vơ vét tại các địa phương, các vụ cướp đất lẻ tẻ, là điều dễ hiểu. Do đó những vụ Thủ Thiêm, BOT bẩn mọc lên như nấm, vụ Đồng Tâm v.v... chưa nằm trong kế hoạch ngắn hạn của ông Trọng.
Thế mới là:

“Hận thù anh để còn lâu
Trồng tre nên gậy gặp đâu đánh què”.
Chưa biết cuộc chiến một mất một còn của “Ngài Sỹ Phu Bắc Hà” và “Con sâu chúa”Ba X kết quả như thế nào, và ông Trọng có dám cho Ba X vào thăm Trịnh Xuân Thanh trong lò không? Điều đó hạ hồi phân giải.
Nhưng với nhân dân Việt Nam ngay lúc này thì: “Phe nào thắng thì nhân dân đều bại”.
_________________________________
Chú thích:

No comments:

Post a Comment