Tổ chức và quản lý công việc
Trong
bài viết ngắn này, tôi muốn nhấn mạnh đến vấn đề tổ chức và điều hành
(quản lý) công việc – tôi cho là then chốt cho mọi thành công – mà một
số người hay nói đến như là “văn hóa tổ chức” (dù nói có thành làm và
làm có thành công không, lại là một việc khác, liên quan đến nhiều vấn
đề liên hệ, như kiến thức, kỹ năng, thời cơ, nhân sự, đào tạo….).
Trước khi nói đến vấn đề lớn này, cần lưu ý là, theo tôi, nước Mỹ (và
các nước tiên tiến khác) sở dĩ tiến và tiến nhanh chính là nhờ tìm được
và vận dụng thành công mô hình và phương pháp, kỹ năng, kỹ thuật tổ
chức và quản lý công việc. Tôi nhớ mãi ấn tượng có được khi sang Mỹ du
học từ cuối thập niên 1960, đầu 1970, khi một trường đại học Mỹ lúc đó
có khoảng vài chục ngàn sinh viên, học theo quarter system, mỗi quarter
cách nhau 10 ngày đến 2 tuần là nhiều –mà tổ chức cho sinh viên ghi
danh, tham khảo giáo sư, chọn lớp… thật nhịp nhàng, phối hợp không hề
sai lầm, trong lúc chưa có các chương trình (program) điện toán như hiện
nay. Lúc đó cũng là lúc mà học thuyết hệ thống (system theory) mới được
vận dụng vào việc tổ chức và quản lý công việc tại Mỹ và trên thế giới.
Ngày nay system theory đã trở thành phổ thông (applied system theory)
trong mọi lãnh vực hoạt động xã hội. Tôi đề nghị nếu ai quan tâm đến vấn
đề tổ chức và quản lý công việc nên chú ý tìm hiểu về system theory và
ngành quản lý học hiện đại.
Ấn tượng đó làm tôi hết sức chú ý và luôn theo dõi, tìm hiểu về mô
hình tổ chức, về việc tổ chức và quản lý công việc, mà đó cũng là ngành
học của tôi, và tôi đã áp dụng vào tổ chức Viện ĐH Vạn Hạnh khi tôi về
nước, cũng như vào mọi công việc, kể cả cuộc vận động thay đổi VN. Tuy
nhiên để vận dụng hiểu biết và cả kỹ năng, kỹ thuật quản lý, tổ chức mới
được tương đối thành công, cần trang bị thêm những hiểu biết và kỹ năng
liên hệ, như tâm lý cá nhân, tâm lý xã hội, team work, conflict
resolution, PR (giao tế nhân sự), quan niệm về phân công-phân quyền cho
nhân sự, và việc thiết kế, vận hành cơ cấu tổ chức (functionalism and
structuralism – chức năng luận và cơ cấu luận). Trang bị không chỉ cho
những người có trách nhiệm lãnh đạo, mà cho mọi người làm việc chung với
nhau.
Tại Việt Nam ta, có Lý Đông A, từ 1943 đã chú ý và nói đến những điều này, trong học thuyết bản vị, học thuyết về tổ chức và quản lý công việc. Học thuyết Bản vị đưa ra mô hình tổ chức và điều hành công việc gồm các khái niệm về tổ chức hạch tâm (các vòng tròn đồng tâm), bản vị và cơ năng (tương đương với structuralism and fuctionalism), bản vị trung tâm (trung tâm điều hợp), vận động hướng tâm (kết hợp) và vận động hướng thượng (phát
triển). Một mô hình độc đáo hình tròn xoáy trôn ốc, vận hành vừa hướng
tâm vừa hướng thượng, không kim tự tháp và không thẳng đứng – giải quyết
cả quan hệ giữa tổ chức, công việc và con người, với quan điểm: tổ chức
và công việc là môi trường và điều kiện để phát triển con người – “Công việc là sự khoáng trương của người vào tự nhiên và xã hội” (LĐA).
Nếu ai quan tâm, có dịp và nhiều thời gian sẽ trao đổi thêm về Học
thuyết Bản vị này. Tiếc thay LĐA đã không có thời cơ để thực hiện –nhưng
chúng ta và các thế hệ VN hiện nay tất nhiên là có cơ hội và cả trách
nhiệm cho đất nước. Từ khi LĐA đưa ra mô hình này đến nay, thế giới đã
khám phá ra mô hình tương đương và đang vận dụng rất thành công, với các
lý thuyết như functionalism, structuralism, system theory, open system,
operational system, networking model, non-linear – multi-dimensional
operation….
Tổ chức và quản lý công việc là chìa khóa của thành công, giúp mỗi cá
nhân, cho toàn xã hội nói chung và mỗi tổ chức trong xã hội nói riêng,
vừa phát triển vừa ổn định. Vấn nạn chung của người Việt, xã hội Việt là
ngành này chưa được quan tâm đúng mức; việc tìm học và vận dụng kiến
thức, phương pháp, kỹ năng, kỹ thuật tổ chức và quản lý công việc chưa
được coi là quan trọng.
Nói “văn hóa tổ chức” mà không nắm vững và vận dụng đúng ngành học
này thì vẫn chỉ là ước muốn. Nếu chúng ta không chấn chỉnh và chấn chỉnh
đúng mức việc quản lý và tổ chức công việc, nhất là quan hệ giữa con
người trong và với, tổ chức và công việc, thì tình trạng trì trệ và chậm
tiến chung của xã hội và của nhiều tổ chức sẽ còn tiếp tục xẩy ra. Bao
trùm hơn cả chính là đang xẩy ra cho một “tổ chức” chặt chẽ nhất, “thành
công” nhất là đảng CSVN, rất thành công theo mô hình và mô thức cũ, kim
tự tháp, đường thẳng dọc, đã lỗi thời -nhưng vì chưa biết nên nhiều tổ
chức khác gọi là “dân chủ” không CS lại đang vô tình mô phỏng theo mà
không biết hay không tự nhận ra.
Hãy nhìn vấn đề công việc trong bối cảnh chung này, để cùng suy ngẫm
về giải pháp, về mô hình, mô thức giải quyết một vấn nạn chung của đất
nước hậu CS đang tiến đến. Mô hình bản vị do LĐA đề xướng từ đầu thập
niên 1940 thế kỷ trước đáng để mọi người Việt yêu nước quan tâm nghiên
cứu củng với các kiến thức và kinh nghiệm trong ngành khoa học quản lý
của Âu-Mỹ -cho mọi việc đang làm và nhất là cho công việc chung, giải
phóng nước Việt khỏi tình trạng lạc hậu trì trệ hiện nay.
Nhiên Hòa Đoàn Viết Hoạt
Nguồn: https://thangnghia.org/
No comments:
Post a Comment