Xưng tội và Tự phê có gì giống nhau?
Với các màn 'tự
phê' tập thể nay lên cả truyền hình, một số báo quốc tế hỏi vì sao ông
Tập Cận Bình cần uốn nắn tư duy của cả tỷ người Trung Quốc.
Nhưng việc ông Tập phục hồi phong trào 'phê và tự phê' từ thời Mao Trạch Đông không phải mới diễn ra.
Ngay từ năm 2013, trong một chuyến thăm ngành giáo dục ở tỉnh 73 triệu dân là Hà Bắc, ông đã nói:
"Phê và tự phê là vũ khí hùng mạnh để giải quyết các mâu thuẫn trong nội bộ Đảng."
Như
thế, ông Tập đã thực hiện đúng những gì các tổ chức cộng sản tiên
khởi đề ra: "phê và tự phê công khai là cách tìm ra con đường đúng" cho
đảng của họ.
Nhưng phong trào cộng sản thực ra đã tiếp nhận 'phê
và tự phê' từ Giáo hội Công giáo La Mã, như John Fowles nhận định
trong The Journals.
Vì sao xưng tội?
Trên thực tế, xưng tội có trước cả Ki Tô giáo vì Do Thái giáo đã công nhận nghi lễ răn mình, chuộc lỗi trước Thượng Đế.
Mà không chỉ ở các tôn giáo cổ đại từ Trung Đông mới có lễ này.
Thần đạo của Nhật Bản từ cổ đại đã có lễ Daishu Tanko.
Khổng
giáo cũng nhắc đến việc tu thân, và Luận ngữ có nêu ví dụ tự sửa mình
mỗi ngày ba lần của Tăng tử, theo một phân tích trên trang nghiên cứu
China File.
Gần như mọi đạo giáo đều chú trọng cầu nguyện và
sám hối như cơ chế mỗi tín đồ nhìn lại hành vi của mình để đối chiếu với
lý tưởng họ theo đuổi.
Các chuẩn mực đạo đức cơ bản cũng có trong
mọi văn hóa, cộng đồng dân cư, dù họ có tôn giáo hay chỉ mới theo các
tín ngưỡng đơn sơ.
Nhưng cơ chế xưng tội, hay tự phê thực tế
không còn là đối thoại riêng tư với tâm linh của chính mình hay Đấng Tối
cao mà bạn tin tưởng.
Vì xưng tội, được nâng thành tín điều Giáo hội La Mã từ thế kỷ 13, là hành động mang tính xã hội: giữa tín đồ và thầy tu.
Xây
dựng trên nền tảng có tội tổ tông và sau khi được rửa tội lần đầu
(baptism), tín đồ Ki Tô phải chuộc lỗi liên tục, và giữ mình.
Sau khi có quy định của Công đồng Lateran (1215), tín đồ Ki Tô phải xưng tội ít nhất một năm một lần.
Nhưng Giáo hội thúc đẩy để tạo ra bộ quy tắc ứng xử là mỗi lần một tuần.
Xưng tội trở thành một trong các lễ trọng.
Sang thời Cải cách, Anh Giáo từng muốn bỏ toàn bộ cơ chế xưng tội.
Một phong trào có từ Oxford muốn duy trì xưng tội riêng tư nhưng đa số các nhánh của Anh Giáo chỉ coi các buổi lễ chung là đủ.
Jean Calvin (thế kỷ 16) sau bác bỏ khái niệm coi xưng tội là lễ trọng của La Mã và cho rằng chỉ cầu nguyện là đủ.
Ngày nay, đa số các phái của Tin Lành tự nhận họ là 'nonconfessional church' - giáo hội không xưng tội.
Nhưng với Công giáo La Mã, xưng tội vẫn là một phần quan trọng của sinh hoạt tôn giáo.
Gây tổn thương và lạm dụng
Laurence
Forristal trong bài 'Criticism and Self-Criticism' đã trích thuật Linh
mục Aedan McGrath, kể lại sự ngạc nhiên về tinh thần cộng sản vào
thập niên 1950 ở Trung Quốc, nơi ông thấy "mỗi người cộng sản là một
vị tông đồ, sẵn sàng chết cho lý tưởng vô thần của họ".
Dù chính thức là vô thần, phong trào cộng sản ban đầu đã chia sẻ hai mục tiêu giống hệt tôn giáo:
- Sứ mệnh cải tạo toàn bộ xã hội, cụ thể là những người xung quanh; và
- Sự sẵn sàng đặt hy sinh cá nhân mình, cùng và sức khỏe, sinh mệnh của người khác cho mục tiêu đó.
Vì thế, cả hai tổ chức này đều cần liên tục đề cao niềm tin vào
điều đó, uốn nắn tư duy, hành vi của những người khác, làm sao khiến họ
"không bị chệch hướng".
Nhưng xưng tội, tự phê đều đem lại tổn thương tâm lý.
Hồi 2014, Cuốn sách 'The Dark Box: A Secret History of Confession' của John Cornwell, một tín đồ Công giáo được xuất bản.
Tác giả nói về nạn lạm dụng quyền lực và tình dục đằng sau các cuộc xưng tội trong Giáo hội La Mã.
Lịch sử xưng tội, về bản chất, là quan hệ bất bình đẳng giữa cha đạo và tín đồ.
Một bên có quyền hỏi và bên kia phải khai hết.
Thời cổ đại, tín đồ, cả nam và nữ xưng tội bằng cách quỳ trước cha.
Chuyện người nữ phải úp mặt lên đùi cha đạo cũng thường xảy ra.
Đơn giản là linh mục đương nhiên được coi là có đạo đức cao, và không ai dám nghi ngờ họ có dâm ý.
Theo John Cornwell, cho đến thập niên 1960, không
một cha đạo nào được học về tâm lý trẻ em và chuyện dùng quyền lực
'thần thánh' để lạm dụng trẻ là không ít.
Ngày nay phòng xưng tội
phân cách tín đồ và linh mục bằng một tấm vách có đục lỗ, nhưng
chuyện không trong sáng vẫn có thể xảy ra, đưa đến nhiều vụ kiện nhằm
vào Giáo hội Công giáo La Mã.
Chỉnh đốn tư tưởng
Về
mặt tâm lý, xưng tội giống tự phê ở chỗ nó tác động đến nhận thức
về cá nhân của con người, buộc họ "tẩy rửa" những ý nghĩa "sai lệch".
Đảng cộng sản tại Nga trong thập niên 1920 đã mở ra
các buổi phê và tự phê tập thể để mỗi cá nhân được các đồng chí của
mình phê bình, điều chỉnh nhận thức.
Thời Mao, Trung Quốc cũng có các buổi "tự đấu tranh phê bình" tập thể, đôi khi có hàng trăm, hàng nghìn người cùng tham gia.
Các biểu ngữ, lời ca, màn trích dẫn Mao tuyển đã tạo không khí cho buổi tự phê và nhanh chóng biến nó thành 'đấu tố'.
Nhưng
sang thời Khai phóng ông Đặng Tiểu Bình, người từng là nạn nhân của
đấu tố trong Cách mạng Văn hóa, đã ra lệnh cấm 'tự phê tập thể'.
Việc
ông Tập Cận Bình cho phục hồi 'phê và tự phê' đang khiến giới quan
sát nước ngoài đặt câu hỏi về động cơ thực sự của phong trào này.
Trong năm 2013 ông Tập lần đầu tiên xuất hiện trên truyền hình để chủ trì buổi họp 'phê và tự phê' của lãnh đạo tỉnh Hồ Bắc.
Cả
bí thư tỉnh Chu Bản Thuận và chủ tịch Trương Khánh Vệ đều 'tự phê'
công khai, nhận là họ hoặc đã 'có ý thức lao động yếu', hoặc 'chi
tiêu cho lễ Tết nhiều'.
Nhưng một tờ báo Singapore nhận xét,
cuộc tự phê này không làm cho số phận hai ông Chu và Trương 'tiến bộ'
mà chỉ một thời gian sau thì họ bị hạ bệ.
Một cán bộ như vậy
khi được/bị chọn ra tự phê công khai là chấp nhận trao số phận chính
trị cho lãnh đạo Đảng và việc bị xử lý chỉ còn là vấn đề thời gian.
Khác
với xưng tội được giữ kín trong giáo hội, tự phê của ĐCS Trung Quốc
tước đi cơ hội bào chữa của nạn nhân trước tòa án tôn trọng nhân quyền
của họ.
Xem thêm về Chính trị Việt Nam:
No comments:
Post a Comment