Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Tuesday, 22 October 2019

5 triệu hộ kinh doanh gia đình e ngại khi “lên đời”!

Các hộ kinh doanh gia đình và phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Các hộ kinh doanh gia đình và phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
RFA Edited

Bất khả thi

Tại phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào sáng ngày 16/10 có bàn về Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi. Trong đó, có đề cập tới việc đưa các hộ kinh doanh gia đình lên thành doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Chí Dũng- Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư thì việc đưa các hộ kinh doanh này vào luật để dễ quản lý.
Ông Dũng lý giải vì hiện nay các hộ kinh doanh không có rõ ràng về địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự. Quyền kinh doanh bị giới hạn trong phạm vi cấp quận, huyện và không được mở chi nhánh cũng như văn phòng đại diện và nhiều bất cập đối với mô hình kinh doanh gia đình. Do đó ông cho rằng, rằng luật doanh nghiệp sửa đổi sẽ góp phần cải cách mạnh mẽ, nhằm xây dựng khung khổ pháp lý về tổ chức quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực thông lệ và phổ biến ở khu vực và quốc tế, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, thu hút vốn và nguồn lực sản xuất, nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh.
Trước những bàn cãi xung quanh dự luật sửa đổi này, ông Nguyễn Hạnh Phúc tổng thư ký quốc hội được truyền thông trong nước trích nguyên văn phân tích rằng: “Họ đang kinh doanh bình thường, giờ buộc các bà bán bún, bán phở lên thành doanh nghiệp. Doanh nghiệp thì đòi hạch toán, kế toán và nhiều đòi hỏi khác, liệu các hộ kinh doanh có đảm bảo được không? Vì sao bao năm nay, các hộ kinh doanh không muốn trở thành doanh nghiệp dù doanh nghiệp có nhiều ưu đãi?”
Trao đổi với RFA liên quan đến vấn đề này, hôm 21/10/2019, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, cựu thành viên Tổ tư vấn và Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cho rằng, điều này bất khả thi:
“Các hộ kinh doanh gia đình rất khác so với các doanh nghiệp. Hiện nay tại VN chỉ có khoảng 700.000 doanh nghiệp mà thôi mà việc quản lý số doanh nghiệp đó cũng đã khó khăn rồi. Ngay cả những quy định trong đó các doanh nghiệp quy mô lớn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã khác nhau rất nhiều rồi đòi hỏi về luật cụ thể hơn và đối tượng phải khác nhau nên việc đưa 5 triệu hộ kinh doanh gia đình này rất khác các doanh nghiệp vào chung 1 luật là điều không khả thi.”
Ngoài ra, bà Lan còn cho hay, trước đây Việt Nam cũng có những ràng buộc dành riêng cho các hộ kinh doanh gia đình mà chính phủ không đưa thành luật và chỉ có một Nghị định để giải quyết riêng đối với các hộ kinh doanh theo hình thức này và thông thường mọi thủ tục sẽ nhẹ nhàng và đơn giản hơn rất nhiều nên người dân mới làm được. Bây giờ nếu vội vã đưa 5 triệu hộ kinh doanh này thành doanh nghiệp, quy mô hoạt động hoàn toàn khác cũng như cách quản lý của nhà nước cũng khác là điều không hợp lý.
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn cũng khẳng định với chúng tôi rằng, đứng về phía góc độ quản lý thì nhiều chủ cơ sở nhỏ lẻ chỉ có kinh nghiệm về sản xuất kinh doanh chứ còn về kỹ năng quản lý thì không có nhiều nên xu hướng họ vẫn thích dừng lại ở mức độ cơ sở sản xuất hơn thành doanh nghiệp.
“…vì họ cho rằng nào là phải có hội đồng quản trị, phải có giám đốc rồi phòng này phòng kia thì bộ máy cồng kềnh quá nên họ quản lý không xuể. Nếu chúng ta chấp nhận đó là cơ sở sản xuất và coi đó như là một loại hình doanh nghiệp để họ hưởng được một số lợi ích về hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ về thuế hay về công nghệ chẳng hạn thì đó cũng là một điều tốt nhưng nếu đưa họ thành doanh nghiệp để có thể thau và đánh một mức thuế cao hơn thì nó hoàn toàn không phù hợp.”
Đồng thời, ông Sơn còn cho biết thêm với mức thuế các hộ kinh doanh đang đóng hiện nay nó đã phù hợp với quy mô hoạt động của từng hộ nên bây giờ có gọi họ là doanh nghiệp hay cơ sở sản xuất thì đứng góc độ thuế thì nó cũng giống nhau mà thôi.

Chưa biết tính sao...

Chúng tôi cũng đã đón nhận được ý kiến của các hộ kinh doanh gia đình và nghe họ nói về vấn đề này.
Một hộ kinh doanh gia đình.
Một hộ kinh doanh gia đình. RFA
Anh Lê Hoàng Minh chủ cơ sở kinh doanh đồ điện nước trong nhà tại Hà Nội cho biết “Theo chủ trương của nhà nước thì mình theo thôi chắc cũng để nhà nước dễ dàng quản lý hơn. Hiện nay mình đang đóng thuế thu nhập cá nhân, thuế môn bài và thuế hàng tháng. Nhà nước ra chủ trương thì mình phải theo thôi còn khi nào ra thực tế thì mình mới rõ được nhưng bây giờ không biết được nó sẽ như thế nào. Chắn chắn khi thành doanh nghiệp thì mọi sổ sách các thứ nó phải khác không như bây giờ được.”
Cũng tại Hà Nội, anh Nguyễn Đình Thành chủ cửa hàng kinh doanh thời trang chia sẻ: “…Nó có khó khăn là ví dụ anh làm ở đây không tính lâu dài nên anh chỉ muốn giữ nguyên là cá thể mà thôi không muốn lên doanh nghiệp vì lý do đây là nhỏ lẻ và không thể mở rộng được và làm ăn giờ đang khó khăn, làm thì cũng chỉ một hai năm thôi. Nếu lên doanh nghiệp mà chỉ một hai năm tồn tại thì nó rất là khó và cũng không cần thiết phải lên doanh nghiệp. Vợ chồng anh buôn bán nhỏ lẻ không cần có nhân viên gì cả. Nếu là chủ trương của nhà nước thì cần phải có thời gian nắm bắt được nên giờ mình không hiểu thì không thể ủng hộ hoặc không ủng hộ được.”
Trở lại những đề xuất trong cuộc họp, Phó chủ tịch Quốc hội Ung Chu Lưu cũng cho rằng, người dân có quyền lựa chọn, không được “ép” họ chuyển từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Mục tiêu của ban soạn thảo đưa vào để điều chỉnh một số nội dung tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy kinh doanh nhưng liệu đưa vào có giải quyết được vấn đề không hay lại tiếp tục gây khó khăn, cản trợ việc kinh doanh.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thừa nhận việc khó khăn đối với hộ kinh doanh gia đình là vì quy mô hoạt động quá nhỏ và hoạt động theo kiểu đơn sơ nên đưa vào điều kiện chung cho doanh nghiệp chắc chắn họ không thực hiện nổi và không đáp ứng được mà nếu không đáp ứng nổi chắc chắn các doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động.
“Đây là những hộ không đòi hỏi gì nhiều sự hỗ trợ của nhà nước hoặc các điều kiện khác để họ làm kinh doanh mà lâu nay theo hình thức tự bươn chãi mà họ đã tạo việc làm cho biết bao nhiêu người cũng như tự lực sống để nhà nước đỡ phải nuôi họ và lo cho họ, đóng góp của họ vào nền kinh tế cũng đâu có nhỏ đâu, ước tính đóng góp của họ lên tới hơn 30% vào công ăn việc làm của người dân. Nên để họ có một hình thức riêng vẫn tiếp tục duy trì và tiếp tục hoạt động.”
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn cũng cho rằng, với tình trạng hoạt động như hiện nay thì đó là một giải pháp rồi. “ … Trước đây các hộ kinh doanh sản xuất nhỏ lẻ thì thường hoạt động riêng lẻ và không có đăng ký nhưng đến hiện nay thì hầu như đều đã đăng ký để mà đóng thuế, thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng hay là thuế lợi tức…thì với tình hình hiện nay thì tôi cho là nó đã phù hợp rồi còn nếu muốn cho họ có tên doanh nghiệp mà vẫn duy trì được mức thuế như trước đây thì tôi nghĩ họ sẽ không phản đối.”
Người dân thì “chưa biết tính sao” còn các chuyên gia kinh tế thì không nên “ép” các hộ kinh doanh cá thể “lên đời” trong giai đoạn này do sự tồn tại của họ cũng đang góp phần đáng kể vào nền kinh tế chung. Ngoài ra, với hơn 700,000 doanh nghiệp hiện này, nhà nước đã không kiểm soát xuể thì thêm 5 triệu doanh nghiệp mới làm sao các nhà quản lý kham nổi...
Ý kiến (0)

No comments:

Post a Comment