Đại sứ Mỹ bênh vực quy định nhắm vào giới ngoại giao Trung Quốc
Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc ngày 21/10 bênh vực kế hoạch yêu cầu các nhà
ngoại giao Trung Quốc tường trình việc tiếp xúc với một số nhân vật ở
Mỹ và cho biết Washington đang xem xét thêm những quy luật khác nữa đối
với nhân viên các thực thể do Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát.
Sự thay đổi này được đưa ra vào lúc Hoa Kỳ, Australia và một số chính
phủ khác đang xem xét khả năng về những nỗ lực do thám hay gây ảnh
hưởng của Trung Quốc. Việc này tiếp theo nhiều năm người Mỹ và các nhà
ngoại giao khác than phiền về việc Trung Quốc kiểm soát khả năng của họ
di chuyển bên trong Trung Quốc và gặp các giới chức và công chúng.
Đại sứ Terry Branstad nói quy định của Mỹ với giới ngoại giao Trung
Quốc “rất khiêm nhường” nhằm giúp các nhà ngoại giao Mỹ tiếp cận nhiều
hơn “hệ thống khép kín” của Trung Quốc. Ông bác bỏ những chỉ trích của
Trung Quốc rằng biện pháp này vi phạm một hiệp ước toàn cầu về điều kiện
của các nhà ngoại giao.
Quy định thay đổi diễn ra giữa lúc quan hệ giữa Hoa Kỳ-Trung Quốc suy
thoái và một cuộc chiến thuế quan liên quan đến chuyện Hoa Kỳ than
phiền về thặng dư mậu dịch của Bắc Kinh và tham vọng công nghệ của Trung
Quốc.
Các nhà ngoại giao Trung Quốc được yêu cầu tường trình về những cuộc
tiếp xúc với các nhà giáo dục, các nhà nghiên cứu và chính quyền địa
phương và chính quyền cấp tiểu bang ở Mỹ, theo quy định loan báo ngày
thứ Tư tuần trước. Đại sứ Branstad nói ngược lại các nhà ngoại giao Mỹ
phải đối mặt với một hệ thống hạn chế hơn nhiều, buộc họ phải đệ đơn xin
phép cho những cuộc tiếp xúc như thế, mà theo lời ông là thường thường
bị từ chối.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Bắc Kinh có “một
thái độ tích cực” về sự hợp tác với Hoa Kỳ và bày tỏ hy vọng là ông
Branstad có thể làm rõ những hạn chế nào mà ông nói đến.
Bà Hoa Xuân Oánh nói: “Chúng tôi hy vọng là về vấn đề này, Hoa Kỳ sẽ
đối diện với thực tế và tạo điều kiện cho các cuộc trao đổi thông thường
giữa hai bên, thay vì lập các chướng ngại, chưa kể đến những cáo buộc
vô căn cứ.”
Tại Australia, các cá nhân và doanh nghiệp nỗ lực ảnh hưởng đến chính
trị hay chính phủ cho nước ngoài được yêu cầu đăng ký kể từ tháng 12
năm ngoái. Việc này tiếp sau một phúc trình của chính phủ phát hiện Đảng
Cộng sản Trung Quốc trong thập niên qua đã nỗ lực ảnh hưởng đến chính
sách của Australia, xâm nhập các đảng phái và tiếp cận chính phủ.
Đại sứ Branstad nói các nhà ngoại giao Mỹ bị ngăn không được gặp các
nhân viên công lực Trung Quốc và những giới chức khác và những yêu cầu
được thăm các trường đại học bị từ chối. Đại sứ Mỹ cho biết khi ông và
các nhà ngoại giao khác dự trù đi thăm một tiệm cà phê ở tỉnh Thanh Hải
trong chuyến đi Tây Tạng, các giới chức Trung Quốc đến tiệm cà phê trước
và ra lệnh cho nhân viên và khách hàng không được nói chuyện với người
Mỹ.
Ông Branstad nói với các phóng viên: “Bộ Ngoại giao cuối cùng đi đến
quan điểm là để cố gắng cải thiện việc tiếp cận của chúng tôi, chúng tôi
cần phải chứng tỏ việc có qua có lại.”
Vẫn theo lời ông, giới chức Mỹ chưa thảo luận trực tiếp quy định này
với nhà cầm quyền Trung Quốc. Tuy nhiên, tòa đại sứ Trung Quốc than
phiền trên Twitter là quy định của Mỹ vi phạm Công ước Vienna và rằng
Trung Quốc không áp đặt hạn chế tương tự đối với giới ngoại giao Mỹ-một
tuyên bố trái ngược với những bình luận của Đại sứ Branstad và những lời
than phiền từ các nhà ngoại giao các nước khác.
Trong khi đó, Đại sứ Branstad cho hay Washington đang cứu xét đề nghị
khác yêu cầu nhân viên của những “thực thể do đảng kiểm soát”- có thể
bao gồm truyền thông nhà nước - phải đăng ký là những hoạt vụ nước
ngoài. Ông nói việc này không liên hệ đến những quy định dành cho các
nhà ngoại giao.
No comments:
Post a Comment