Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Monday, 21 October 2019

Đạo Cộng Sản

< A >
Sơn Nghị (Danlambao) - Ngày 07/10/2019 sở Văn Hóa Thành phố Đà Nẵng cho biết, đang lấy ý kiến dự thảo về vấn để đặt lại tên 140 con đường trong thành phố, trong đó có con đường Alexandre de Rhodes và Francisco de Pina... Tuy nhiên, khi Sở Văn hoá và Thể thao lấy ý kiến nhân dân đã có một số cán bộ hưu trí nêu quan điểm không đồng ý với việc đặt tên đường cho hai giáo sĩ vì cho rằng quá trình chế tác chữ Quốc ngữ của những giáo sĩ này gắn với quá trình thực dân Pháp xâm lược Việt Nam.
I. Đầu óc xơ cứng của tầng lớp cán bộ 
Chính sự giáo dục, hay nói đúng hơn sự tuyên truyền của nhà cầm quyền cộng sản dẫn đến một sự thù hận cực đoan, và kéo dài mãi đến tận ngày nay. Suốt thời gian tiểu và trung học, nhà trường và sách vở dạy phải luôn căm thù hai đế quốc, Pháp và Mỹ. Sự căm thù này biểu hiện rõ rệt qua bài toán đố, sáng em giết 2 tên Nguỵ, chiều giết thêm 2 tên Mỹ; câu hỏi là tổng cộng em giết được bao nhiều đứa. Chưa thấy một chế độ nào trên thế giới lại tiêm sự hận thù vào đầu óc trẻ thơ sớm như nhà nước Việt nam. Và cũng chưa có một nước nào trên thế giới có bản quốc ca đầy dẫy sắt máu, căm thù, giết chóc như nhà cầm quyền cộng sản VN, cờ in máu chiến thắng... xây xác quân thù... Chính sách giáo dục còn thêm vào lòng hận thù bọn tiểu tư sản, trọc phú, nhà giàu bóc lột gọi nôm na là lòng căm thù giai cấp. Cứ như thế, chính sách giáo dục này bắt đầu từ 1954 tại miền bắc và áp dụng cho cả nước sau 75, và kéo dài mãi đến thời Clinton gỡ bỏ lệnh cấm vận. 
Thế hệ nào chịu ảnh hưởng nặng nề chính sách giáo dục vô luân và ngu xuẩn này? Thưa, thế hệ sinh từ năm 1945 đến 1995. Hay nói rõ hơn, những người tuổi từ 25 đến 75 (trên 75t đã về với Mác hoặc bệnh tật, già nua chẳng lên tiếng gì được nữa) đều nung nấu trong lòng sự căm thù đế quốc, tiểu tư sản, và bọn tư bản đến tận xương tuỷ. Lứa tuổi từ 25t đến 75t chiếm khoảng 65% dân số. Vì thế, không lạ gì khi lớp cán bộ hưu trí (từ 60 đến 75t) lên tiếng phản đối việc đặt tên đường cho cố Đắc Lộ. Muốn đất nước khá hơn trên mọi mặt, trước hết phải thay đổi hệ thống giáo dục ngay tự bây giờ, phải dạy lòng nhân bản cho con trẻ từ tuổi ấu thơ (mầm, chồi, lá), lòng yêu nước (chẳng phải yêu đảng), lòng tự trọng... nói chung là một hệ thống giáo dục quy về nhân bản. Nhưng quan trọng nhất là phải chờ đám thủ cựu (50-75t) chết đi, thì đất nước mới có cơ may ngoi lên được. 
Cộng sản ở bất cứ nước nào luôn bị ảnh hưởng vì đầu óc đông cứng của bọn thủ cựu. Tàu cũng rơi vào một trường hợp tương tự. Để hiểu rõ hơn, nên quay lại thời kỳ đổi mới của Trung cộng, bắt đầu thập niên 1980. Sau khi Deng Xiaoping (Đặng Tiểu Bình) cởi bỏ dần dần các quy luật kinh tế của chủ nghĩa Mác-Lê trong lãnh vực nông nghiệp rồi kỹ nghệ và áp dụng nền kinh tế thị trường; công nhận quyền tư hữu, cho phép các đảng viên tự do làm giàu, thì nền kinh tế Trung cộng nhảy vọt. Sau hơn hai thập niên, sự giàu có đã gây ra tình trạng giàu nghèo quá chênh lệnh, nạn tham nhũng hoành hành, việc phân phối của cải không công bằng qua số đảng viên giàu xổi và đại đa số dân chúng vẫn nghèo đói, nhất là vùng nông thôn. Các thế lực cực tả lợi dụng sự bất mãn của quần chúng và muốn phát động một "cuộc cách mạng văn hoá lần thứ hai", muốn đảng cộng sản biến thái của Đặng phải từ bỏ chủ nghĩa tư bản làm giàu và quay trở lại thời xã hội chủ nghĩa của Mao. 
Đến đây xin mở ngoặc về bóng ma và cơn ác mộng của cuộc cách mạng văn hoá lần thứ nhất do chính Mao phát động năm 1966 và chỉ chấm dứt sau ngày Mao chết, năm 1976. Bọn Hồng vệ binh (thanh thiếu niên, thời bây giờ gọi là trẻ trâu, sửu nhi) được phép Mao tàn phá và gieo kinh hoàng trong các trường đại học, nơi chùa chiền, trong tu viện, tại các công sở với khẩu hiệu "tiêu diệt tư tưởng cũ, phong tục cũ, văn hoá cũ, và tập quán cũ." Các bậc trí thức và học giả (giảng sư đại học), thành phần đảng viên cốt cán, tu sĩ các tôn giáo bị bọn trẻ bêu rếu, sỉ nhục công khai, và bị chết thảm; có người không chịu nổi nhục nhã phải tự tử. Chính Deng Xiaoping và Xi Zhongxun, cha của họ Tập, đã bị thanh trừng năm 1967. Hơn chục triệu người bị tàn sát trong thời gian này. 
Một cảnh biểu dương sức mạnh của bọn trẻ trâu Hồng vệ binh của Mao. 
Bởi vậy khi bọn cực tả muốn phát động "cuộc cách mạng văn hoá lần thứ hai," năm 2007, họ Đặng đã cho gom góp tài liệu và xuất bản cuốn “Mao: Ngàn Năm Công Tội" nhằm nêu rõ công và tội của Mao. Năm 1994, Ban Tuyên truyền Trung ương ĐCSTQ, Phòng Nghiên cứu Chính trị Trung ương, Phòng Nghiên cứu Chính sách, Viện Khoa học Xã hội và Uỷ ban Giáo dục quốc gia đã phối hợp tiến hành một cuộc thăm dò dư luận về vấn đề Mao Trạch Đông công lao lớn hơn sai lầm, hay ngược lại? Kết quả là số người cho rằng Mao Trạch Đông sai lầm lớn hơn công lao chiếm 70% trong cán bộ cấp cao, 92% trí thức cấp cao, 82% nhà báo và những người làm công tác lý luận, 66% giáo chức và học sinh. Bình quân số người cho rằng Mao Trạch Đông sai lầm nhiều hơn công lao là 77,5%. Khái niệm chung là 3 phần công lao, 7 phần sai lầm. 
Rõ ràng Mao là giỏi làm cách mạng vĩ đại nhưng lại là người xây dựng thất bại. Tần Tử Lăng biên soạn cuốn sách này và được in ra tại Hồng Kông năm 2008 và dịch ra tiếng Việt do Thông Tấn Xã Việt Nam ấn hành. Mục đích tối hậu của cuốn sách là muốn cho người dân hiểu rõ thời đại của Mao tàn ác, kinh hoàng và gây chết chóc thế nào, đừng bao giờ nghĩ đến việc quay lại xây dựng xã hội chủ nghĩa theo đường lối của Mao. Trái lại, người dân nên ủng hộ đường lối cởi mở và chính sách đổi mới kinh tế của đảng cộng sản do Đặng cầm đầu. Tuy vậy, Đặng phát biểu rằng vấn đề luận tội Mao phải đợi nhiều thế hệ sau này, với đầu óc khách quan, sẽ mở lại những trang sách ghi rõ công và tội của Mao để có một quyết định đúng đắn hơn. Đặng cho phát hành sách nhưng tuyệt đối cấm các đảng viên luận tội Mao. 
Công và tội của Mao nói rõ trong sách, thế mà Đặng vẫn không dám hạ bệ Mao, chỉ vì thành phần thủ cựu còn sống quá nhiều. Khi Đặng nói phải đợi nhiều thế hệ về sau mới được phép luận tội Mao thì phải hiểu là đến khi đám thủ cựu này chết đi, khi xã hội Tàu có một tầng lớp lãnh đạo mới, không liên quan gì đến thời kỳ Mao thì lúc đó mới được phép luận tội. Ở Việt Nam cũng thế, phải đợi tầng lớp thủ cựu chết đi, lúc đó tầng lớp lãnh đạo mới, không liên quan gì đến thời kỳ "chiến tranh chống Mỹ cứu nước" thì xã hội mới có những quyết định đúng đắn về mọi lãnh vực để phát triển đất nước. Trở lại vấn đề đặt tên đường cho giáo sĩ Đắc Lộ, chuyện rất khó xảy ra khi lớp đảng viên thủ cựu vẫn còn sống sờ sờ trước mắt. 
II. Cộng sản không đội trời chung với tôn giáo 
Cộng sản ghét tôn giáo đã đành, nhưng lại ghét đạo Công giáo cực kỳ. Những người tự nhân mình là người theo đạo Thiên Chúa hiện nay ở nước Việt Nam là một hành động can đảm, vì ở bất cứ nước cộng sản nào, giáo dân công giáo vẫn bị xem là bọn bám chân đế quốc, một công dân hạng hai, hoặc tệ hơn, giai cấp hèn hạ nhất trong xã hội cộng sản xét theo lý lịch. Đến đây phải hiểu rõ mưu đồ của Lênin muốn thay đổi toàn bộ hệ thống tôn giáo của nhân loại bằng tôn giáo cộng sản. 
Do thái giáo (Judaism) là tôn giáo đầu tiên, bắt đầu từ 2000BC, khi Giavê hứa ban vùng Canaan cho Abraham. Đạo Hindu phát xuất từ Ấn khoảng 1100BC, rồi đến Khổng (500BC), ban đầu chỉ là một triết lý, về sau trở thánh nền tảng cho xã hội Trung hoa trong suốt thời phong kiến. Sự sùng bái triết Khổng quá mức đến nỗi biến nó thành một tôn giáo. Đạo Phật đồng hành với đạo Khổng, thống trị nước Trung hoa từ trước công nguyên đến giữa thế kỷ 20. Vào những năm đầu của Công nguyên, đạo Thiên Chúa bắt đầu từ lúc Đức Giêsu truyền cho các môn đệ ra đi rao giảng cho muôn dân. Mãi đến năm 313AD đế quốc Rôma mới nhìn nhận đạo Thiên Chúa và từ đó đạo phát triển và gây ảnh hưởng tâm linh đến hơn 2 tỷ người. Mãi đến thế kỷ 7, đạo Hồi xuất hiện từ Trung Đông và phát triển mạnh do gây chiến tranh đến các vùng lân cận, cũng kéo theo khoảng gần 2 tỷ người. Nhưng đến giữa thế kỷ 19, chủ thuyết cộng sản ra đời qua Tuyên ngôn Cộng sản của Mác. Lênin tiếp nối công trình với bạo lực cách mạng và cuối đúc kết thành chủ nghĩa Mác-Lênin. Chủ nghĩa này đã chiếm trọn niềm tin chừng 1.6 tỷ tín đồ vào thời kỳ hưng thịnh nhất (1985). 
Cha mẹ của Lênin là những người mộ đạo, riêng Lênin hấp thụ giáo lý Thiên chúa giáo qua những năm học với các tu sĩ dòng Tên, nhưng không hiểu sao ông lại ghét đạo Thiên Chúa một cách cực đoan đến khó hiểu. Lá thư Lênin gửi cho Maxim Gorki vào tháng 11/1913 thấy rõ sự thù ghét tôn giáo cùng cực của ông, “Bất kỳ ý tưởng tôn giáo nào, bất kỳ ý tưởng liên quan đến bất cứ Thượng đế nào, ngay cả chỉ cần một ý tưởng thoáng qua dính líu đến Thiên Chúa thôi đã là sự ô nhục khủng khiếp nhất... một ô nhục nguy hiểm nhất, một loại nhiễm trùng đáng xấu hổ nhất.” Theo học giả James Thrower, nhiễm trùng vào thời đó được hiểu là bệnh phong tình. Tuy ghét đạo Công giáo, nhưng Lênin lại phát triển một hệ thống nhà nước cộng sản rập khuôn theo cấu trúc của đạo Công giáo Rôma. 
Theo "A Short History of Communism" của học giả Robert L. Harvey, ông nhấn mạnh đến tính chất sùng bái trong chủ thuyết cộng sản, mặc dù Mác và Lênin lên án tôn giáo là "liều thuốc phiện nhằm ru ngủ nhân dân." Harvey nhận xét có ba ông tổ trong thế giới cộng sản, Mác-Lênin-Ănghen, hoặc Mác-Lênin-Mao. Những nơi công cộng, hoặc trong công sở phải luôn luôn có tượng của ba ông này. Kém thần thánh hơn ba ông trên là hình ảnh của Stalin, Tito, Hồ Chí Minh, Fidel Castro được xem là những vị tiên tri của thời đại cộng sản. 
Lý thuyết của Mác được sánh với Cựu ước, và của Lênin xem như Tân ước trong tôn giáo cộng sản. Những điểm đạo cộng sản rập khuôn theo đạo Công giáo như sau: 
- Những đại sảnh, nơi hội họp của đại hội đảng, diễn đàn phải có một bức tượng của một trong 3 ông "thánh" cộng sản, hoặc cả ba càng tốt. Cách bài trí phải rộng lớn, uy nghi, trần cao in hệt cung thánh của nhà thờ Công giáo. Nếu tượng Chúa Giêsu chịu đóng đanh chiếm vị trí cao nhất ngay trên nhà tạm, thì hình của ba ông tổ cộng sản cũng phải to lớn và chiếm hữu một không gian bao la, rộng lớn khiến cử tọa gần như choáng ngợp khi bước vào đại sảnh. 
- Khi diễn giả (thường là Tổng Bí thư) phát biểu, mọi người phải vỗ tay đồng loạt, nhất tề đứng lên, ngồi xuống nhịp nhàng. Cảnh tượng giống như trong thánh lễ Misa của đạo Công giáo. Tại Bắc Hàn thì những hành động này quyết định cả đến số phận sống chết của mỗi người, ngay cả khóc cũng phải khóc đồng loạt, phải có nước mắt, phải kể lể, phải vật vã. 
- Trong mỗi nhà cần phải treo hình 3 ông "thánh" cộng sản và chiếm một vị trí cao nhất, trang trọng nhất; nên đặt cao hơn hình của Chúa hoặc Phật. Nếu cần, thắp vài ba nén nhang để bái lạy càng tốt. Vì thế, đừng lấy làm lạ khi chùa chiền đặt tượng ông Hồ cao trên cả tượng Phật Thích ca, bên dưới các tín hữu hì hụp lạy, nhang khói mù mịt. Ở Bắc Hàn thì sự tôn thờ cha con giòng họ Kim lại càng linh thiêng hơn bất cứ sinh hoạt nào. 
- Tiến trình phong thánh của đạo Công giáo bao gồm các bước: Bậc Đáng kính (Venerable), Chân phước (Blessed), và sau cùng là Hiển Thánh (Canonization). Đảng cộng sản cũng có 3 bước để được kết nạp vào đảng: cảm tình đảng, đối tượng đảng, và sau cùng là đảng tịch. Đảng tịch được xem là những "thánh sống" của tôn giáo cộng sản. Vì là “thánh sống” nên hầu hết các đảng viên có toàn quyền trên mọi mặt trong thế giới cộng sản. 
- Mỗi bước trong tiến trình phong thánh trong đạo Công giáo cần có 3 phép lạ y khoa nhìn nhận thì mỗi bước tiến lên đỉnh danh vọng của đảng tịch cũng cần có 3 đảng viên giới thiệu. Bởi thế, trong thời chiến, cầm được thẻ đảng viên là một hân hạnh, một vinh dự không thể nào kể xiết cho cả gia tộc không thua gì vinh dự có một người làm linh mục trong đạo Công giáo. 
- Bộ Chính trị gồm một số "tinh hoa" của đảng, thường là 10-20 người, giống như Hồng y đoàn, trong đó được quyền bầu ngôi Giáo hoàng, và 10-20 người này cũng được bầu vào chức vụ quyền lực nhất là Tổng bí thư (giáo hoàng của đạo cộng sản). Trung ương đảng gồm một số đông đảng viên tuyển chọn, thường là vài trăm người, giống như hàng Giám mục, và dĩ nhiên đảng viên được ví như các linh mục và tu sĩ nam nữ của đạo Công giáo. 
- Lời tuyên thệ vào đảng không khác gì lời tuyên thệ của các linh mục đối với đấng bản quyền, trong đó đòi hỏi lòng tuyệt đối trung thành với đảng (như đức vâng lời), sự cần kiệm, liêm chính (như đức khó nghèo) trong mọi công việc. 
Đức Tổng Giám mục Fulton Sheen cho rằng "cộng sản là một tôn giáo hiếu chiến... communism is an agreessive religion of the species." Nhưng có một định nghĩa khác, thật hay về đạo cộng sản mà ai cũng nên biết. Trong cuốn "The Politically Incorrect Guides to Communism" của GS Tiến sĩ Paul Kengor, ngay trang đầu, ông đề tặng cho hàng triệu nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản, "Viết cho vô số hàng triệu người đã chịu đau đớn và chết dưới tay của những kẻ ngu si, điên rồ, dốt nát, ngu xuẩn, dối trá, lừa đảo, tội phạm, ghê rợn, phá hoại, phi nhân tính, ma giáo, đẫm máu, tàn bạo, dã man, tồi tệ, man rợ, đồ tể, khủng khiếp, sát nhân, độc ác, quái đản, hiểm độc, ác tâm, khờ khạo, vô thần, và tất cả những ý thức hệ ngu ngốc, hèn hạ, xấu xa và đồi bại được gọi là chủ nghĩa cộng sản." (nguyên văn: To the countless millions who suffered and died at the hands of the idiotic, insane, ignorant, asinine, lying, conniving, criminal, horrific, destructive, dehumanizing, diabolical, bloody, brutal, barbarous, ridiculous, pernicious, atrocious, hellacious, murderous, monstrous, malicious, malignant, moronic, godless, and all-around stupid, vile, vicious, and evil ideology known as communism). 
Tôn giáo và cộng sản không đội chung một trời, đạp cùng một đất. Cộng sản luôn tìm cách tiêu diệt tôn giáo, tìm đủ mọi cách để chúng biến mất khỏi cõi đời này, và được thay thế bằng một loại tôn giáo khác: đạo Cộng sản. 

22.10.2019

No comments:

Post a Comment