Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Saturday, 5 October 2019

Ngày Nhà giáo Quốc tế 5/10


Một thầy giáo đang gác thi kỳ thi cuối năm trong một lớp học ở Palestine
Kể từ năm 1994, mỗi năm vào ngày 5/10, hơn 100 nước trên thế giới tổ chức Ngày Nhà giáo Quốc tế, kỷ niệm bản “Khuyến nghị về Cương vị giáo viên” được Hội nghị Liên chính phủ tại Paris thông qua vào năm 1966.
Ngày Nhà giáo Quốc tế nhằm ghi nhận công ơn của các nhà giáo và đánh giá lại tình trạng giáo dục trên toàn thế giới. Đây cũng là dịp để các giáo viên và học sinh suy ngẫm về vai trò của các nhà giáo và nghiên cứu cách thức tiếp tục tạo cảm hứng cho học sinh trong lớp học mỗi ngày.
Tại Mỹ, nhà trường cũng như phụ huynh học sinh chưa nhận thức được tầm quan trọng của Ngày Nhà giáo Quốc tế nên ít nơi tổ chức ghi ơn các thầy cô vào dịp này.
“Ngày này rất mới, mới 25 năm nay, nên chưa trở thành một truyền thống. Đa phần các em ở Mỹ nhớ ơn thầy là vào dịp Thanksgiving (Lễ Tạ ơn) và Christmas (Giáng Sinh),” thầy Bạch Xuân Khỏe hiện đang giảng dạy môn hóa tại trường Trung học Mira Loma ở Sacramento, bang California, nói với VOA Việt ngữ.
Cô Diệu Quyên dạy Toán và Tiếng Việt tại một trường Trung học miền nam California cho biết Ngày Nhà giáo Quốc tế chưa được kỷ niệm tại các trường học ở vùng này, nhưng Ngày Giáo viên (Teacher’s Day) thường được tổ chức vào ngày thứ Ba, tuần đầu tiên của tháng 5.
“Ở bên Mỹ này thì em thấy khoảng tháng 5 thôi, còn tháng 10 em không nghe nhắc tới gì nhiều hết. Khoảng 10/5 thì các em làm món quà nho nhỏ hoặc tấm thiệp nho nhỏ trang trí trên đó rồi đưa cho các thầy cô giáo. Còn ngày 5/10 thì thật sự đây là lần đầu tiên em để ý tới tại vì em không nghĩ mình có ngày này.”
Nghề giáo viên tại Mỹ có thu nhập khiêm tốn và lương bổng chênh lệch tùy theo bằng cấp.
Giáo sư Tiến sĩ Charles Cường Nguyễn, nguyên Hiệu trưởng Trường Kỹ sư, Đại học Công Giáo Hoa Kỳ, cho biết giáo sư đại học lương cao hơn rõ rệt so với giáo viên từ trung học trở xuống vì có bằng Tiến sĩ.
“Vì sự chênh lệch về bằng cấp, nên lương của giáo sư khi nào cũng cao hơn các giáo viên. Các giáo sư mới ra đi làm có bằng Tiến sĩ có khoảng 85.000 đô la một năm nhưng làm giáo viên có thể là 60.000 hay 50.000 mà thôi. Như vậy cũng thấp lắm. Theo tôi thấy ngành giáo viên làm việc rất là cực, cực hơn những ngành khác. Bởi thế, chính phủ Mỹ cần phải làm sao cải tạo hệ thống để trả lương nhiều nhất trong ngành STEM về khoa học, kỹ sư và toán, thì mới qui tụ được tầng lớp giáo viên giỏi. Không thôi họ sẽ đi làm cho các hãng lớn và mình không đủ giáo viên. Đây là vấn đề rất lớn ở nước Mỹ.”
Tuy nhiên, lương bổng không phải là vấn đề chính mà giáo viên tại Mỹ phải đối mặt, theo thầy Bạch Xuân Khỏe.
“Issue (vấn đề) lớn là vấn đề học sinh càng ngày càng đa dạng. Thứ nhứt là mấy em đến trường học có những mong cầu khác nhau. Bây giờ các electronic device (máy móc điện tử) có thể gọi là một tệ nạn, các em bị ghiền,” thầy Khỏe chia sẻ và cho hay trong số những vấn đề gây quan ngại cho giáo viên còn có nạn bạo lực, súng ống học đường và áp lực từ môi trường bè bạn khiến học sinh tự tử.
“Tùy theo tiểu bang, có tiểu bang bắt mỗi năm giáo viên phải được huấn luyện về cách bảo vệ mình, bảo vệ học sinh trong trường hợp có người vô trường nổ súng. Luật bây giờ bắt buộc giáo viên phải được huấn luyện. Tuy nhiên, không có huấn luyện nào chủ động để mình thay đổi môi trường về vấn đề tự tử. Đa phần rất là thụ động trong vấn đề đó. Cũng như vấn đề ‘mass school shooting’ (xả súng nơi học đường). Mỗi lần mình có ‘training’ (huấn luyện) thì cần phải thêm không gian, thời gian và tiền bạc, nhưng bây giờ ngân khoản dành cho giáo dục càng ngày càng thấp đi,” ông trăn trở.
Thầy Khỏe cho biết các nghiệp đoàn trong môi trường sư phạm ở Mỹ hoạt động rất tích cực, hỗ trợ rất nhiều trong việc cải thiện cuộc sống giáo viên.
“Những người trong công đoàn có đấu tranh nên lương bổng của họ tốt hơn và họ có những quyền lợi cụ thể hơn, chẳng hạn như sanh con hay đau ốm được nghỉ một thời gian. Những người không có trong công đoàn không được hưởng những quyền lợi như vậy.”
Về vấn đề ‘tôn sư trọng đạo’, Giáo sư Cường cho biết: “Từ đầu tôi đi dạy tôi nghĩ là các sinh viên ở Mỹ không có lòng kính trọng thầy như ở Việt Nam, nhưng thật ra cũng có. Cách trả ơn thầy khác. Việt Nam mình thường thường kính trọng hàng ngày, vào lớp chào thầy. Ở Mỹ cũng có, nhất là các trường Công Giáo cũng có nề nếp như vậy.”
Cô giáo Diệu Quyên thuộc học khu Garden Grove, Nam California, kể rằng khoảng 20 năm trước khi cô dạy những lớp thấp, cũng có những chuyện xảy ra như học trò đánh nhau, cãi nhau, ăn uống trong lớp hoặc hỗn hào với thầy cô. Tuy nhiên, tình trạng này khác hẳn khi cô dạy các lớp cao. “Các em lớp 12 bây giờ chững chạc hơn và thầy cô giáo dễ nói chuyện với các em hơn,” cô nói.
“Nếu các em có những hành động, không nghe lời…thì em chỉ nhìn là tụi nó im luôn. Thứ nhì, em kêu tụi nó ở lại lớp, em nói chuyện, hỏi tại sao như vậy. Thường thường các em vì hoàn cảnh gia đình, hoặc là bạn trai bỏ, bạn gái giận. Sau một ngày thì các em bình thường lại với em, nên em không bị vấn đề tôn sư trọng đạo hơi khó khăn như ở Việt Nam. Bên này hơi dễ dãi hơn, em cảm thấy gần gũi với học trò hơn. Còn ở Việt Nam, em cảm thấy hơi xa cách với thầy cô giáo hơn, thầy cô giáo không bao giờ nhớ tên em cả tại vì lớp quá đông,” cô Diệu Quyên cho biết.
Cô Quyên nói thêm rằng điều làm cô vui là hàng năm đều có các em học sinh về thăm thầy cô giáo dù đang là sinh viên đại học, gia nhập quân ngũ, hay đã thành danh thành tài.
“Cứ mỗi mùa Giáng Sinh, mùa bế giảng là các em về thăm em. Cái đó là món quà cao quý nhất của nghề thầy cô giáo.”
Ở các trường đại học, sự tôn kính và bày tỏ lòng biết ơn đối với thầy cô giáo còn được thể hiện ở những hình thức khác nhau, chẳng hạn như những sinh viên thành công thường tìm cách hỗ trợ trường và đóng góp để giúp trường lập quỹ khuyến học.
Giáo sư Cường cho biết trong thời gian ông làm Hiệu trưởng Trường Kỹ sư, một số học trò cũ của ông đã lập quỹ gần 250.000 đô la để mở giải thưởng ‘Dean Charles Cường Nguyễn Leadership Award’ thường niên dành cho các sinh viên theo gương về lãnh đạo.
Chủ đề năm nay của Ngày Nhà giáo Quốc tế là “Thầy giáo trẻ: Tương lai của nghề nghiệp.” Một hội nghị quốc tế dành cho các nhà lãnh đạo giáo dục và các chuyên gia sẽ được tổ chức tại Paris, Pháp, vào ngày 7/10 tới đây.


No comments:

Post a Comment