Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Saturday, 5 October 2019

Những thế hệ ngồi chờ

< A >
Trần Quốc Việt (Danlambao) - Chúng ta ngồi chờ và thấy lưỡi bò bành trướng đang liếm gần như hết vùng biển truyền thống của quê hương. 
Chúng ta ngồi chờ và thấy những ngày gần đây chúng ta đi trên đường phố như đi trong cảnh giới âm ty với rừng người bịt kín mặt quanh ta trong khói sương âm u mờ mịt của ô nhiễm. 
Chúng ta ngồi chờ và thấy những lớp vàng son tinh thần của truyền thống và văn hóa và đạo đức muôn đời đang rơi rụng tả tơi lần cuối cùng trước mặt và qua đấy lộ rõ ra xã hội bất an và trên đà tan rã về tinh thần, và con người đang tiến hóa ngược về loài thú.
Chúng ta ngồi chờ và thấy cửa âm ty thật sự bắt đầu ló dạng ở cuối đường chân trời - một Tân Cương mới với hàng triệu người Việt trong các trại tập trung từ nam chí bắc trên quê hương chung hình chữ S này. 
Hay có lẽ chúng ta không còn có cơ hội ngồi chờ khi ung thư là số phận tất yếu của chúng ta, nhưng con cháu và đồng bào ta vẫn còn có cơ hội chờ như ta để nhìn thấy đường đến Tân Cương ngày càng gần hơn. 
Chúng ta bao năm qua và bao năm sau, nếu không có gì thay đổi, có lẽ vẫn là những thế hệ ngồi chờ. 
*
Việt Nam chúng ta ngày nay là một đất nước của những thế hệ ngồi chờ. 
Chúng ta đã bắt đầu chờ những lời hứa hão. Đó là độc lập, tự do, và hạnh phúc. 
Chúng ta vẫn chờ độc lập khi những phần đất của tổ quốc đang trong tay Trung Quốc, khi lãnh đạo Việt Nam đang gập người hướng về Thiên triều để chờ được rót ban ân huệ "độc lập" nửa vời. 
Chúng ta vẫn chờ tự do nhưng tự do không bao giờ đến cho đa phần tâm hồn nô lệ trong chúng ta. Những ai chờ không được đã lìa xứ ra đi ngay từ đầu; những ai nán lại thì về sau qua muôn vàn cách họ cũng lên đường tìm tự do. Những ai ở lại thấy nữ thần Tự do trong lòng mình run rẩy trước bóng công an. 
Hạnh phúc là sự mưu cầu chỉ có thể đạt được nếu chúng ta có được độc lập và tự do đích thực vì chúng là mảnh đất màu mỡ để ươm mầm hạnh phúc cho tất cả mọi người. Bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ khẳng định con người có các quyền thiêng liêng như quyền sống, quyền tự do, nhưng hạnh phúc thì phải mưu cầu. Hạnh phúc là sự mưu cầu dựa trên tài năng, tính cách, và nhất là sự lao động nhưng hạnh phúc không bao giờ có cho đại đa số khi độc lập và tự do không tồn tại. Hạnh phúc không phụ thuộc vào giàu nghèo. Hạnh phúc phụ thuộc chính vào tự do như lời của một vị thẩm phán ở Toà án Tối cao Hoa Kỳ cách đây hơn tám mươi năm: 
"Những người đã giành độc lập cho chúng ta tin rằng cứu cánh cuối cùng của nhà nước là tạo tự do cho con người phát triển hết mọi khả năng... Họ coi trọng tự do vừa như là cứu cánh vừa như là phương tiện. Họ tin tự do là bí quyết của hạnh phúc và can đảm là bí quyết của tự do." 
Cho nên chúng ta hiểu tại sao dân chúng ở các nước toàn trị đa phần không có hạnh phúc như có đến 94% dân Trung Quốc không có hạnh phúc dù cuộc sống của hàng triệu người trở nên khá hơn. Còn hạnh phúc của người dân Việt ở đâu khi đạo đức bị trốc rễ, khi cuộc sống là sự mưu sinh đầy nhọc nhằn, khi sợ hãi và lòng bất an theo ta khi ta thức dậy và theo ta vào giấc ngủ, khi ta thấy ngộp trước hiện tại và ngộp hơn khi nghĩ đến tương lai. 
Vì chúng ta không có can đảm nên chúng ta chấp nhận số phận nhưng chúng ta trong lòng vẫn thiết tha chờ ngày mai trời sáng hơn. Những thế hệ Việt Nam chờ mãi. Chúng ta chờ giáo dục tốt hơn khi con chúng ta phải đu dây, phải bơi qua sông để kiếm chữ. Chúng ta chờ đường xá tốt hơn khi lô cốt vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt và khi đường xuống cấp còn nhanh hơn mưa. Chúng ta chờ bớt tham nhũng hơn dù khi chúng ta phải bắt đầu chung chi theo tháng và theo năm và khi chúng ta hiểu đó là thứ khổ tất yếu mà ta phải chấp nhận thêm vào những thứ khổ triền miên như sinh, tử, bệnh,lão. Quan trọng nhất chúng ta chờ tự do. 
Chúng ta chờ từ tóc xanh đến tóc bạc, chờ từ nhà ra nghĩa địa. Chúng ta không được lạc quan như "lãnh tụ" khi ông viết ra câu "thơ" "Ngồi trên hồ xí đợi ngày mai". Nhưng chúng ta được phép thực thi quyền ngồi chờ của chúng ta một cách kiên nhẫn. 
Vì quá quen chờ nên không ai ngạc nhiên khi chúng ta bắt đầu có thói quen ngồi chờ yêu nước trong công viên hay trong quán nước. Thử hỏi trên thế giới này có ai chờ được như ta? Có nước nào mà lòng yêu nước phải ngồi chờ không? Câu trả lời là có nếu người dân nước ấy tự xem mình là nô lệ, vì thân phận nô lệ chỉ quan tâm đến con roi mà không quan tâm đến kẻ cầm roi. 
Ước gì chúng ta đừng có con để tránh kéo dài cuộc đời nô lệ khốn khổ của chúng. Hãy nhìn vào mặt các con mỗi ngày để thấy rằng hiện tại của chúng ta in hằn trên nét mặt tương lai của chúng. Rồi chúng cũng chờ như ta vì thế hệ cha anh không có can đảm không chờ. 
Chúng ta là chiếc bóng của lịch sử. Khi chúng ta ngồi chờ lịch sử ngồi chờ theo, khi chúng ta hành động lịch sử bắt đầu trở mình, và khi chúng ta sợ hãi triền miên lịch sử sẽ đứng yên. Nhà văn Nga Alexander Solzhenitsyn viết: "Nếu chúng ta chờ đợi lịch sử ban cho chúng ta tự do và những món quà quý giá khác, chúng ta có nguy cơ chờ đợi trong vô vọng. Lịch sử là chúng ta." 
Vâng, lịch sử là chúng ta nhưng chúng ta khôn ngoan chờ người khác đi trước. Thế là tất cả chúng ta ngồi ngó nhau và chờ lẫn nhau. May thay lịch sử cũng rất kiên nhẫn chờ theo. Bóng đèn cuối cùng tắt trên ga Chờ nhưng chuyến tàu Lịch sử sao vẫn chưa chuyển bánh? 
Lẫn trong khói hương và bao khóc than tiễn đưa ta lần cuối cùng về thế giới bên kia là ánh mắt của con cháu ta trách ta không làm gì cả để hôm nay chúng cũng phải bắt đầu chờ đợi như ta. Linh hồn nào phiêu diêu nổi trong niềm đau uất nghẹn sau lưng ấy. 
05.10.2019

No comments:

Post a Comment