Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Friday 22 November 2019

Quang phục Hương Cảng

< A >
Mẹ Nấm (Danlambao) - Hong Kong những ngày cuối tháng 11 ngập tràn khói lửa, con số người biểu tình bị mất tích sau các cuộc vây ráp càng lúc càng gia tăng. Những giọt nước mắt, những cái ôm xiết chặt, những nụ hôn, những lá thư ly biệt của tuổi trẻ Hong Kong, những lời cầu nguyện từ khắp thế giới, Họ - người Hong Kong năm 2019, đã vẽ lên một bức tranh tự do với những gam màu dữ dội - bằng chính máu của mình.
Đâu đó vang lên những lời chỉ trích người biểu tình bạo loạn, đập phá chẳng giải quyết được gì... Đâu đó vang lên những lời ca thán, rồi có được gì đâu, cuối cùng kẻ mạnh cũng thắng... Đâu đó vang lên tiếng thở dài biểu tình làm rối loạn cuộc sống... Tất cả những lời này, không phải mới xuất hiện trong suốt 5 tháng tuổi trẻ Hong Kong phơi mình trong trận chiến tự do. Một cuộc chiến mà học đường biến thành chiến trường, phòng thí nghiệm biến thành phòng chế tạo vũ khí, kiến thức từ Internet và các bài học lịch sử kết hợp với nhau để tạo ra những cỗ máy bắn đá thô sơ, cung tên được trang bị. Sinh viên Hong Kong như những chiến binh bước ra từ đấu trường sinh tử (Hunger Game) nơi mà họ biết nếu hôm nay họ không cháy hết mình thì ngày mai chút giá trị tự do còn sót lại từ Anh quốc sẽ tan biến.
Mọi sự cảm thán, lo lắng hay chỉ trích sẽ chẳng có ý nghĩa gì với người trẻ Hong Kong bởi họ biết họ đối mặt với những gì. Họ - những người kề cận hiểm nguy không buông lời oán than hay tiếc nuối, hà cớ gì những người cam chịu uống nước pha dầu nhớt, hít bụi mịn mỗi ngày, sống mà không dám phản kháng lại buông lời chỉ trích họ?
Từ cuộc Cách mạng Dù vàng năm 2014, hình ảnh những người trẻ Hong Kong văn minh, thân thiện, lịch sự, tuyệt vời trong đấu tranh bất bạo động đã đi vào lòng thế giới, và họ đã âm thầm rút lui sau vài tháng chiếm đóng trụ sở LegCo với lời hẹn “We’ll be back” (Chúng tôi sẽ trở lại). Họ chưa một ngày từ bỏ khát vọng tự do của mình. Bất bạo động, ôn hoà thì sao? Là ngồi yên đó nhìn bọn côn đồ có bảo kê đánh đập bạn bè, đồng đội mình dã man hay ngồi yên phơi mình dưới sương chờ chính quyền đặc khu chấp thuận những yêu cầu đúng luật? Bất bạo động là chấp nhận đưa mặt cho đối phương đánh đập mình sao?
Không ai dạy đấu tranh bất bạo động như vậy hết! Mọi cuộc cách mạng đều bắt nguồn từ sự phẫn nộ, và không thể nào có kiểu phẫn nộ ôn hoà khi tội ác ngày càng leo thang.
Có những người đóng vai người quan sát chỉ trích người biểu tình đốt phá, bạo loạn... Họ ngồi đó xem máu và nước mắt đổ ra, họ không mất một ngày nào chiến đấu thực sự cho các giá trị tự do và dân chủ, nên họ cứ thoải mái phán xét thôi.
Phẫn nộ - là cảm xúc tạo ra sự bùng nổ. Sự văn minh, thân thiện nào cũng đến lúc bùng nổ khi bạo quyền một mặt tìm cách trì hoãn việc thưc thi tự do, một mặt kích động dán nhãn bạo loạn cho biểu tình Hong Kong.
Từ giữa tháng 7, khi Bắc Kinh bắt đầu dọn đường cho lề đảng tuyên truyền phong trào cách mạng tại Hong Kong là “cách mạng màu”, “là do thế lực thù địch kích động”... Bạo loạn là kết quả tất nhiên. Tân Cương, Tây Tạng cũng đã từng bị dán nhãn như vậy và hàng triệu người đã chết mà không ai hay.
Tuổi trẻ Hong Kong, với sức mạnh từ Internet cộng với việc bám sát luật quốc tế đã đi ngược đường trong một ngõ cửa hẹp. Và họ đã thắng!
Người trẻ Hong Kong đã cho thế giới thấy sự xấu xa của Bắc Kinh trong suốt 5 tháng qua, từ việc lật lọng không giữ cam kết "một quốc gia hai chế độ" dù chưa đến thời hạn, cho đến sự tàn ác trong những thủ đoạn đối phó với người biểu tình: hãm hiếp, bắt cóc, giả dạng kích động, sử dụng hoá chất gây chết người... Bắc Kinh không từ một thủ đoạn nào để tiêu diệt ý chí phản kháng của Hong Kong.
Nhưng con quái vật tham lam ấy đã thất bại.
Người Hong Kong đoàn kết, HongKongers ra đời!
Nếu có ai đó nói rằng người biểu tình Hong Kong không được sự ủng hộ của đồng bào mình, thì tôi tin chắc rằng, người nhận xét câu đó chỉ có những nhu cầu tầm thường là ăn, ngủ, nghỉ... Hãy nhìn những cuộc quyên góp đăng báo quảng cáo chỉ trong vài ngày đạt tới con số triệu đô, hãy nhìn những chiến dịch tiếp sức, giải cứu, đồng hành cùng người biểu tình của cả xã hội Hong Kong, từ giới trung lưu, văn phòng, trí thức đến giới thượng lưu... Ai có vai trò nấy, cùng nhau, HongKongers đã cho thế giới thấy nhu cầu tối cao của con người là tự do.
Có ai đó đã buông lời nhận xét, Hong Kong thất bại lần nữa rồi, thật ra với tôi, họ chưa bao giờ thất bại bởi ngày hôm qua, các sinh viên ở Đại học Bách Khoa Hong Kong đã truyền cảm hứng cho cả thế giới về lòng can đảm và sự nhiệt huyết mà tôi tin chắc rằng, lịch sử sẽ còn nhắc tên họ nhiều lần nữa.
Sự dũng cảm của người Hong Kong đã lay động thế giới, khi cuối giờ chiều ngày 19/11/2019, thượng viện Hoa Kỳ quyết định thông qua Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ cho Hong Kong. Thế giới bằng cách này hay cách khác chưa bao giờ để người Hong Kong phải chiến đấu một mình. Tự do không miễn phí - Freedom is not free, đương nhiên là như vậy. Và chúng ta không sống trong thế giới cổ tích, ông Bụt, bà Tiên sẽ không tự nhiên xuất hiện. Cuộc chiến cho tự do dân chủ ngày hôm nay không phải là một cuộc chiến ngẫu nhiên, phải có tính toán, có kế hoạch, có chiến lược, sách lược..Và cách mạng chỉ thành công khi chớp đúng thời cơ!
Có rất nhiều yếu tố quyết định sự thành công hay thất bại của một phong trào, Tuy nhiên, người ta chỉ thất bại, khi họ không dám sống cho ước mơ của mình, tuổi trẻ Hong Kong họ đã cháy hết mình để quang phục Hương Cảng.
Họ đã sống một cuộc đời đáng sống thì có gì gọi là thất bại? Chúng ta học được gì từ Hong Kong? Sau tất cả những gì Hong Kong đã trải qua, nếu chúng ta - những người quan sát không học được gì, thì chính chúng ta mới là người thất bại,
Quang phục Hương Cảng - nếu không đạt được đến cái đích cuối cùng là tự do thật sự, nhưng ít ra họ - người Hong Kong đã thắp lửa không chỉ cho dân tộc mình, mà cho toàn thế giới. Quang phục tinh thần, để lại giá trị cho đời sau là những gì mà người trẻ Hong Kong đang làm ngày hôm nay, và họ chưa bao giờ thất bại.
20.11.2019

No comments:

Post a Comment