Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Friday 22 November 2019

Phạm Chí Dũng và Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam

< A >
Vũ Đông Hà (Danlambao) - Việc Cơ quan An ninh điều tra Công an thành Hồ khởi tố và bắt tạm giam nhà báo Phạm Chí Dũng không phải chỉ tấn công vào cá nhân và quyền tự do ngôn luận của ông; nó còn là hành động tấn công vào mạng báo chí Lề Dân tại Việt Nam mà Hội Nhà báo độc lập Việt Nam là tổ chức tiên phong công khai hoạt động.
Phạm Chí Dũng
Phạm Chí Dũng là một nhà bình luận thời cuộc có uy tín. Những bài viết của ông về tình hình kinh tế, tranh chấp nội bộ đảng, quan hệ Việt-Trung... là những phân tích giá trị và có tầm ảnh hưởng rộng rãi. 
Đối tượng ảnh hưởng của Phạm Chí Dũng, ngoài những người dân không thẻ đảng, phải nói đến thành phần trong bộ máy cầm quyền và điều đó đã làm cho chế độ có những "quan ngại". Ảnh hưởng này có được, ngoài yếu tố phân tích thời cuộc chính xác, còn đến từ quá trình hoạt động của ông. 
Trước khi bị bắt lần thứ nhất vào ngày 17-7-2012, Phạm Chí Dũng làm việc trong Ban Dân vận nhưng vai trò kín là cán bộ Ban An ninh nội chính thành ủy Tp. HCM. Trong vai trò an ninh nội chính này, ông thường gặp gỡ, báo cáo và tháp tùng với Trương Tấn Sang lúc ấy là Bí thư Tp. HCM. 
Sau khi Trương Tấn Sang ra trung ương thì Phạm Chí Dũng qua công tác bên Ban Tôn giáo một thời gian và sau đó trở lại vị trí An ninh nội chính cho đến ngày bị bắt lần thứ nhất. Theo BBC trích từ một "nguồn tin khác" thì Phạm Chí Dũng là con trai ông Phạm Văn Hùng, cựu Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TP HCM. 
Ngày 17.07.2012 báo lề đảng loan tin: "Cơ quan an ninh điều tra Công an TP. HCM đã bắt, khám xét khẩn cấp nơi ở, nơi làm việc đối với Phạm Chí Dũng, cán bộ một cơ quan nhà nước tại TP. HCM, về hành vi câu kết với một số tổ chức phản động lưu vong ở Mỹ, biên soạn nhiều tài liệu có nội dung bịa đặt, xuyên tạc, phá hoại nội bộ nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Hiện Cơ quan an ninh điều tra Công an TP. HCM đang tiếp tục điều tra, làm rõ để xử lý." 
Sau 6 tháng tạm giam, công an đình chỉ điều tra, kết thúc vụ án, trả tự do cho ông và không một lời giải thích về những quy kết đã dành cho ông. 
Ngày 05/12/2013, sau 20 năm phục vụ chế độ độc tài, Phạm Chí Dũng làm đơn ra khỏi đảng Cộng Sản Việt Nam với lý do: "Đảng Cộng sản không còn đại diện và phục vụ cho quyền lợi của đại đa số nhân dân." 
Bên cạnh kinh nghiệm hoạt động về an ninh, báo chí, Phạm Chí Dũng còn là một nhà văn và phê bình. Ông bắt đầu sáng tác từ năm 1986 với nhiều tác phẩm xuất bản: “Những bông hoa hoang dã” (1993), “Tự thú” (1994), “Những chiếc bồn tắm định mệnh” (2005), “Cuộc phiêu lưu của linh hồn cầm cố” (2005), “Ngài nghị sĩ” (2006), tập phê bình sân khấu “Vẫn ngôi nhà trái tim tan vỡ ấy” (2004), tập kịch bản sân khấu “Thuyền chở nước Côlômba” (2005)... 
Những lãnh vực hoạt động khác nhau, kỹ năng đa dạng và kinh nghiệm về hoạt động, nội tình của đảng CSVN... tất cả gom lại đã tạo nên một vị trí đặc biệt cho blogger/nhà văn/nhà báo Phạm Chí Dũng. 
Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam
Ngày 4 tháng 7 năm 2014, cùng với Linh mục Anton Lê Ngọc Thanh, Nhà báo Nguyễn Tường Thụy, Nhà thơ Bùi Minh Quốc, Phạm Chí Dũng thành lập Hội Nhà báo độc lập Việt Nam
Trong bối cảnh độc tài, toàn trị, tất cả những hội đoàn, tổ chức không do đảng lãnh đạo và nhà nước quản lý đều bị đặt ngoài vòng pháp luật thì sự ra đời của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam là một bước ngoặt lịch sử, một thành quả quan trọng trong tiến trình tranh đấu chung cho tự do báo chí của người dân Việt Nam. Khi tự cho mình là một tổ chức "báo chí chuyên nghiệp độc lập", một tổ chức "xã hội dân sự" với mục đích "phục vụ cho các nhà báo không phân biệt người trong nước và người ngoài nước, các cộng tác viên báo chí độc lập, và cả những nhà báo quốc doanh", Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam đã tiên phong mở đường tương lai cho nền báo chí lề Dân, người thật, việc thật công khai hoạt động ngay trong lòng chế độ. 
Có thể nói, ngày 4 tháng 7, 2014 cũng là ngày mà Phạm Chí Dũng và bằng hữu của ông đã can đảm tự viết bản án cho chính mình vì hơn ai hết, họ biết dưới chế độ công an trị, với một nền luật pháp rừng rú, Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam đương nhiên bị ghép ngay vào tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Tội đó dành cho ai, áp dụng lúc nào tuỳ vào phán đoán của công an và nhu cầu của đảng. 
Trước sự phá sản về niềm tin trong nội bộ đảng về "lòng yêu nước" của các lãnh tụ Ba Đình tối cao, trước sự hèn lên tận đỉnh của tam trụ triều đình trong cuốn phim Bãi Tư Chính đang chiếu tại rạp Biển Đông, trước thềm đại hội đảng lần 13 mà những phân tích vạch trần những thủ đoạn tranh chấp quyền lực của các quan chức sẽ bùng nổ, nhu cầu của đảng đã xuất hiện và công an phải bắt nhà văn / nhà báo / blogger Phạm Chí Dũng. 
Ngày 21/11/2019, cổng thông tin điện tử của Bộ Công an thông báo bắt giam Chủ tịch Hội Nhà báo độc lập Việt Nam với quy kết đối với ông: “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 - Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”
Cái gọi là “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” đều có thể áp dụng cho bất cứ blogger, nhà báo độc lập tại VN hiện nay. Nếu chỉ dựa vào điều 117 thì tất cả công dân Việt Nam đang viết blog, viết bài trên Facebook đều đã tự viết bản án tù đày cho mình. Tất cả sẽ bị bắt hay không bị bắt nằm ở quyết định tuỳ tiện của công an và... nhu cầu của đảng. 
Ngày 21/11/2019, khi công an bắt giam nhà báo Phạm Chí Dũng và tìm cách xử tử Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam bằng cách chiếm chủ quyền trang web của hội thì đó là hành động tấn công vào tự do ngôn luận và tấn công vào toàn bộ báo chí độc lập tại Việt Nam. Nó không phải chỉ là một bản án của chế độ dành cho cá nhân Phạm Chí Dũng mà là một quy kết tội đối với những người không chịu bẻ cong ngòi bút, có cùng chung quan niệm như nhà báo Phạm Chí Dũng là - Việt Nam phải có những tiếng nói độc lập, những chỉ trích chính sách sai lầm của chính phủ và muốn như thế thì phải có những tổ chức báo chí độc lập
22.11.2019

No comments:

Post a Comment