Hồng Kông tự do: Vấn nạn cho bá quyền Trung Cộng
Vũ Ngọc Yên (Danlambao) - ...Thế
giới bên ngoài đang theo dõi những diễn biến hiện tại ở Hồng Kông với
sự cảnh giác lớn. Trừ khi chính phủ Trung Quốc lùi bước, còn không các
nước khác, nhất là Âu châu và Hoa Kỳ, rất có thể sẽ thực hiện các bước
đi khiến chính phủ Trung Quốc phải trả giá đắt...
*
Vào mùa hè 2019 hàng trăm ngàn người Hồng Kông đã xuống đường
phản kháng Dự luật Dẫn độ “tội phạm hình sự” về Trung cộng do
chính quyền Hồng Kông đề xuất. Người dân chống đối vì lo sợ
sự độc lập của hệ thống tư pháp của Hồng Kông sẽ bị bãi bỏ
nếu Dự luật được thông qua. Các tổ chức xã hội dân sự nhiều
lần lên tiếng chỉ trích và cảnh báo Dự luật sẽ trao cho chế độ
độc tài Bắc Kinh một công cụ pháp lý không chỉ tùy tiện bắt giữ
những cá nhân được coi là “kẻ thù” của nhà nước cộng sản, mà còn
đe dọa các quyền tự do của công dân Hồng Kông và người nước ngoài cư
trú trên lãnh thổ Hồng Kông. Không như người Trung Hoa lục điạ
sống dưới chế độ cộng sản, hơn 7 triệu dân Hồng Kông sống trong
Đặc khu quản lý được hưởng các quyền tự do ngôn luận, hội
họp và tôn giáo. Các quyền này đang bị đe doạ bởi sự lệ
thuộc cuả chính quyền Hồng Kông vào Trung cộng.
Trong những ngày 9 và 16.06 cũng như 18.08 số người tham dự các
cuộc tuần hành do Mặt trận Nhân quyền Dân sự (Civil Human Rights
Front - CHRF) tổ chức đã tăng lên gần 2 triệu người, tương đương
20% dân số Hồng Kông. Đây là những cuộc biểu tình lớn nhất đã
diễn ra sau Phong trào Dân chủ bị trấn áp dã man tại Thiên An
Môn vào ngày 4.6.1989 ở Bắc kinh cũng như Phong trào Dù 2014 và
cũng là một cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng nhất của
Hồng Kông kể từ khi Anh trao trả thuộc điạ Hồng Kông cho Trung
cộng vào năm 1997.
Nhân dân Hồng Kông kiên cường, bất khuất trước bạo lực
Trước làn sóng chống đối của quần chúng, bà Carrie Lam (Lâm
Trịnh Nguyệt Nga), Đặc khu trưởng Hồng Kông thông báo quyết định đình
chỉ Dự luật dẫn độ, đồng thời cho biết Hồng Kông đang rơi vào
“tình huống rất nguy hiểm”. Yang Guang, phát ngôn nhân của Văn phòng các
Vấn đề Hồng Kông và Ma Cao của chính phủ Bắc Kinh đã lên tiếng cảnh
cáo người biểu tình, không được “nhầm lẫn sự kiềm chế (của Trung cộng)
với sự yếu đuối”.
Ngày 23.08, hơn 210.000 người biều tình đã nối tay thành những
chuỗi người dài 60 cây số xuyên qua trung tâm thành phố để nhấn
mạnh quyết tâm đòi chính quyền Hồng Kông phải thanh thoả các
yêu cầu:
1. Trả lại tự do cho tất cả những người biểu tình bị bắt.
2. Lập ủy ban điều tra hành động đàn áp của cảnh sát.
3. Carrie Lam phải từ chức Đặc khu trưởng.
4. Thực hiện quyền bầu cử Hội đồng lập pháp (Nghị viện thành
phố) và Chủ tịch hành pháp (Đặc khu trưởng, hay Thị Trưởng).
Cuộc phản kháng kiên cường của thanh niên và nhiều tầng lớp xả
hội Hồng Kông đã kéo dài trên 5 tháng vẫn tiếp diễn và đã lan
rộng trở thành một phong trào tranh đấu cho dân quyển, dân chủ và
quyền tự quyết. Các cuộc tuần hành khởi đầu diễn tiến ôn
hoà, nhưng sau bùng phát mãnh liệt chỉ vì chính quyền Bắc kinh
và chính quyền bù nhìn thành phố Hồng Kông một mặt bác bỏ
các đòi hỏi chinh đáng của người dân và mặt khác đã gia tăng
bạo lực trấn áp biều tình. Trong các tháng 10 và 11, tình
hình Hồng Kông trở nên căng thẳng và hỗn loạn với các cuộc
đình công, bãi khoá và chiếm cứ các trường đại học. Công nhân,
thanh niên sinh viên và học sinh phản kháng quyết không đầu hàng
trước bạo lực. Đến nay trên 4500 người bị bắt, hàng trăm người
bị thương và ít nhất hai người tử vong trong các vụ xô xát.
Sự thách đố cho Bắc Kinh: Trấn áp hay kiềm chế
Lập trường chính thức của Bắc Kinh là tôn trọng quyết định đình chỉ dự
luật của Trưởng đặc khu Hồng Kông, nhưng trên thực tế, quyết định lùi
bước là một sỉ nhục bất thường đối với chính quyền Trung cộng. Các yêu
cầu chính đáng của Phong trào nhân dân đâú tranh dân chủ cho
Hồng Kông đã đặt Bắc Kinh vào tình thế nan giải. Đặc biệt đòi
hỏi bầu cử tự do và bầu lãnh đạo Hồng Kông là những yêu cầu
"cực đoan" làm xói mòn uy quyền lãnh đạo của chính quyền
Trung cộng.
Nếu đàn áp đổ máu sẽ khiến thế giới không quên cuộc thảm sát
Thiên An Môn cách nay 30 năm và các quốc gia dân chủ phương Tây
chắc chắn sẽ phản ứng kết án hoặc cấm vận kinh tế. Giải
pháp dùng quân đội trấn áp nhân dân Hồng Kông còn đưa đến thảm
hoạ cho trung tâm tài chính Hồng Kông và kinh tế cả nước.
Đên nay chính quyền Trung Cộng phản ứng kiềm chế. Không đổ máu
nhưng không nhượng bộ là chỉ đạo của Chủ tịch đảng và nhà
nước Tập Cận Bình. Nhiều người lo ngại Trung cộng sẽ lấy cớ
Hồng Kông "bạo loạn" để dùng quân đội trấn áp. Điều 14 của
thỏa ước Hồng Kông cho phép chính quyền thành phố yêu cầu Bắc
Kinh gửi quân can thiệp để duy duy trì an ninh. Và điều 18 cho
phép Quốc hội ban hành lệnh khẩn cấp trong trường hợp nổi
loạn.
Tập Cận Bình còn do dự sử dụng quân đội và cảnh sát. Tập
biết rõ đàn áp đổ máu sẽ làm thế giới không quên cuộc thảm
sát Thiên An Môn cách nay 30 năm và các quốc gia dân chủ phương
Tây chắc chắn sẽ phản ứng kết án hoặc cấm vận kinh tế. Hơn
nữa giải pháp dùng quân đội trấn áp nhân dân Hồng Kông còn đưa
đến thảm hoạ cho trung tâm tài chính Hồng Kông và kinh tế cả
nước.
Trong diễn văn đọc trước cán bộ chính trị tại trường đảng trung
ương Bắc Kinh vào đầu tháng 9.2019 Chủ tịch Tập Cận Bình đã
bác bỏ đề nghị của một số thành viên lãnh đạo trong đảng
muốn Bắc Kinh ban hành tình trạng khẩn cấp đối với Hồng Kông.
Tập cho rằng trấn áp bằng bạo lực là "con đường chính trị
không có đường lui". Theo Tập hãy kiên nhẫn để cho chính quyền
Hồng Kông tự giải quyết cuộc khủng hoảng.
Hội nghị trung ương lần thứ tư của Ủy ban trung ương Đảng cộng
sản Trung quốc khoá 19 nhóm họp vào cuối tháng 10.2019 đã
quyết định can thiệp vào Hồng Kông.
Đầu tiên, chính quyền trung ương Trung Quốc sẽ “điều khiển và kiểm soát”
Hồng Kông (và Ma Cao) bằng cách “sử dụng tất cả các quyền lực được trao
theo hiến pháp và Luật Cơ bản”, bản tiểu hiến pháp xác định tình trạng
của Hồng Kông. Thứ hai, Trung Quốc sẽ xây dựng và cải thiện một hệ thống
pháp lý và cơ chế thực thi để bảo vệ an ninh quốc gia tại cả hai đặc
khu hành chính.
Cụ thể hoá cho chính sách can thiệp vào Hồng Kông, chính quyền
trung ương Trung cộng duy trì quy trình bổ nhiệm trưởng đặc khu và các
quan chức chủ chốt của Hồng Kông, đồng thời Ủy ban Thường vụ Đại hội
Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (tức Quốc hội) sẽ ra tuyên bố huỷ bò
các đạo luật của Hồng Kông, cũng như giành quyền diễn giải
Hiến pháp Hồng Kông (Luật Cơ bản). Ngoài ra Trung cộng sẽ hỗ trợ
tăng cường khả năng thực thi pháp luật của Hồng Kông và bảo đảm rằng
chính quyền thành phố sẽ ban hành các đạo luật để tăng cường an ninh
quốc gia. Trung Quốc cũng sẽ làm sâu sắc hơn sự hội nhập kinh tế giữa
Hồng Kông với đại lục và mở rộng các chương trình “giáo dục” để nuôi
dưỡng “ý thức dân tộc và tinh thần yêu nước”, đặc biệt là trong giới
công chức và thanh niên.
Nhà nghiên cứu chính trị Trung quốc, Giáo sư Minxin Pei Bùi Mẫn
Hân đã bình luận các quyết định của Hôi nghị trung ương cộng
đảng chỉ nhằm tạo cơ hội cho Trung cộng triển khai Luật Căn
Bản, trực tiếp kiểm soát việc bố trí nhân sự cho các vị trí
lãnh đạo Hồng Kông và làm giảm hoặc huỷ bỏ tính độc lập hệ
thống tư pháp Hồng Kông cũng như giới hạn dân quyền và tự do
chính kiến của người dân Hồng Kông. Nói chung Trung Cộng đã
quyết định dẹp bỏ mô hình "một quốc gia hai chế độ" mà Đặng
Tiểu Bình hứa sẽ duy trì cho Hồng Kông trong 50 năm sau khi Hồng
Kông được Anh trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997. Theo Minxin Pei
các quyết định của Hội nghị trung ương sẽ không mang lại hiệu
quả và kế hoạch thực thi chỉ là "một ván bài kết thúc"
nhiều rủi ro của Trung quốc tại Hồng Kông (China's Risky Endgame
in Hong Kong).
Trong quá khứ đường lối can thiệp này đã gặp nhiều chống đối.
Nhưng nay ở tình hình mới Tập Cận Bình không thể từ bỏ kế
hoạch tước đoạt quyền tự chủ của nhân dân Hồng Kông. Trong
trường hợp này một chiến tuyến mới giữa thế giới tự do và
Trung quốc độc tài sẽ thành hình.
Hồng Kông - một Tân Bá Linh
Trong chuyên đi vận động công luận Mỹ và Âu châu hỗ trợ cho Phong
trào dân chủ Hồng Kông, nhà hoạt động Joshua Wong, 22 tuổi,
Tổng thư ký Đảng Đứng lên vì dân (Demosito) đã đến Đức vào đầu
tháng 9.2019. Tại đây Wong tuyên bố Hồng Kông giờ đây là thành
trì giữa thế giới tự do và Trung quốc độc tài. Khi so sánh nỗ
lực tái thống nhất của Đức và cuộc đấu tranh tự do ở Hồng
Kông, Wong cho rằng “Nếu chúng ta đang ở trong cuộc chiến lạnh
mới thì Hồng Kông nay là một Tân Bá Linh". Wong kêu gọi thế
giới hãy hỗ trợ người dân Hồng Kông đang tranh đấu cho Tự do và
Bầu cử tự do. Cuộc phản kháng sẽ tiệp tục cho đên khi có bầu
cử tự do.
Kể từ khi Hồng Kông được trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997, các
chính phủ phương Tây đã duy trì các đặc quyền kinh tế đặc biệt để giúp
củng cố niềm tin vào thành phố này. Nhưng những lợi ích như vậy phụ
thuộc vào việc Trung Quốc thực hiện các cam kết của mình trong Tuyên bố
chung Trung-Anh năm 1984 về Hồng Kông. Theo đó Trung Quốc sẽ duy trì
một mức độ tự chủ, tự do và pháp quyền cao cho Hồng Kông trong vòng 50
năm.
Ngày 17.08 Liên minh Âu châu ra tuyên bố nhắc nhở Chính quyền Bắc
kinh hãy tôn trọng các quyền tự do cơ bản ở Hồng Kông, đồng
thời đòi hỏi nguyên tắc "một quốc gia hai chế độ", bảo đảm sự
tự chủ của thành phố này phải được duy trì.
Thượng Viện Hoa Kỳ đã thông qua Dự Luật Nhân Quyền Hồng Kông (Hong Kong
Human Rights and Democracy Act) ngày 19.11 với sự đồng ý của toàn thể
thượng nghị sĩ lưỡng đảng ủng hộ những người biểu tình Hồng Kông. Dự
luật này sẽ xem xét lại quy chế thương mại của Hồng Kông đối với Hoa Kỳ
hàng năm, đồng thời trừng phạt những cá nhân nào chịu trách nhiệm trong
việc đàn áp nhân quyền ở đây.
Thế giới bên ngoài đang theo dõi những diễn biến hiện tại ở Hồng Kông
với sự cảnh giác lớn. Trừ khi chính phủ Trung Quốc lùi bước, còn không
các nước khác, nhất là Âu châu và Hoa Kỳ, rất có thể sẽ thực hiện các
bước đi khiến chính phủ Trung Quốc phải trả giá đắt.
21.11.2019
No comments:
Post a Comment